Fwd: ĐIỂM TIN DIỄN ĐÀN 03-01-2025 (SỐ 002-2025)

12 views
Skip to first unread message

Giu Tran

unread,
Jan 3, 2025, 11:38:23 AM (5 days ago) Jan 3
to


---------- Forwarded message ---------
From: soan....@hotmail.com <soan....@hotmail.com>
Date: Fri, Jan 3, 2025 at 4:30 AM
Subject: ĐIỂM TIN DIỄN ĐÀN 03-01-2025 (SỐ 002-2025)
To:



GOOD MORNING VIET NAM

ĐIỂM TIN DIỄN ĐÀN 03-01-2025  (SỐ 002-2025)


Image insérée


 

Image insérée





MỤC LỤC
 
1/- ĐỌC 8 LỜI NÀY MỖI TỐI TRƯỚC KHI NGỦ CÓ THỂ THAY ĐỔI VẬN MỆNH SỐNG CỦA BẠN
2/- Blog Người Phương Nam
3/- MỘT CHUYỆN RẤT VIỆT NAM
4/- XÓM CŨ NỘI THÀNH
5/- Báo Mai
6/- NẠN ĐÓI 1945 QUA LỜI KỂ NGƯỜI ĐƯƠNG THỜI…
7/- Chứng nhân một sự kiện lịch sử
8/- Romeo & Juliette khi còn trẻ & lúc về già
9/- Một Cơn Đau Tim & Khác biệt giữa Stroke và Heart Attack
10/- Sáng đôi mắt mù 
11/- "Tình Yêu, thuốc Tiên chữa bệnh"





 Image insérée 


ĐỌC 8 LỜI NÀY MỖI TỐI TRƯỚC KHI NGỦ CÓ THỂ THAY ĐỔI VẬN MỆNH SỐNG CỦA BẠN
Bởi
 Đăng Dũng
 -
21/12/2024

Đọc 8 lời này mỗi tối trước khi ngủ có thể thay đổi vận mệnh sống của bạn. Nguồn ảnh: pinterest

Đừng coi thiện lương của người khác là yếu đuối, bởi đó là một loại độ lượng; đừng coi khoan dung của người khác là nhu nhược, bởi đó là một loại từ bi. Những người phong thái cao không dễ dàng nổi cáu, nhưng không có nghĩa là họ không biết nổi cáu; người tính khí nhạt nhẽo chỉ tỏ ra hồ đồ, nhưng không có nghĩa là họ không có giới hạn chịu đựng.

Tình cảm không thể qua loa lấy lệ, cũng giống như tấm lòng thành không thể bị đem làm trò đùa. Duyên tới không nên khinh nhẹ mà bỏ qua; duyên đi cũng đừng bi luỵ mà nuối tiếc. Hãy dùng tình cảm để đáp lại tình cảm, đó mới là tình cảm thật sự; yêu thương bình đẳng với tất cả mọi người mới thật sự đắc được nhân tâm.

1. Tùy duyên

Đời người giống như một tách trà, đầy cũng tốt mà vơi cũng được, cần gì phải tranh giành ngược xuôi? Đậm cũng thơm ngon mà nhạt cũng nồng nàn, bởi “hữu xạ tự nhiên hương” nên tự bản thân đã có hương vị rồi. Vội cũng vậy mà chậm cũng thế, cớ sao ta cứ phải muộn phiền? Nóng cũng được mà lạnh cũng vậy, bởi tất cả chỉ như một nụ cười thoảng qua…

Đời người ta, bởi để ý nên mới đau khổ, bởi nghi ngờ nên mới tổn thương, bởi biết xem nhẹ nên mới vui vẻ, bởi lãnh đạm nên mới thấy hạnh phúc yêu đời. Mỗi cá nhân khi đến cõi hồng trần đều giống như một vị khách qua đường, có rất nhiều sự việc mà bản thân không thể làm chủ được, hà cớ sao phải níu giữ truy cầu?

Bởi vậy, xin hãy để mọi thứ tùy duyên, duyên đến hãy vui mừng đón nhận, duyên đi hãy bình thản bước qua.

2. Khoan dung

Con người sống trên thế gian không cần việc gì cũng phải thông tỏ rõ ràng. Nước quá trong nước không có cá, người quá thông minh người không có bạn bè. Tranh luận với người nhà cho dù thắng nhưng tình thân rạn nứt; tranh cãi với bạn đời cho dù thắng nhưng tình cảm lại nhạt phai; tranh luận với bạn bè thắng rồi sẽ mất đi tình nghĩa. Tranh luận là lý, thua là tình, tổn thương là tự bản thân ta.

Bản chất đen sẽ mãi mãi là đen, bản chất trắng sẽ mãi mãi là trắng. Thế nên, hãy để thời gian chứng minh cho tất cả. Buông bỏ cố chấp của bản thân, khoan dung độ lượng với mọi người thì khi hành xử sẽ đắc được nhân tâm. Thêm một phần ôn hòa, thêm một chút ấm áp, thì cuộc sống mới thật sự ý nghĩa, mới có thể thấy được sự chói lọi của ánh nắng mặt trời.

3. Bần phú

Những người tự hài lòng với bản thân, tự biết đủ làm vui thì dù ngủ nơi nền đất cũng giống như trong nệm êm chăn ấm. Những người không tự hài lòng với bản thân, không biết thế nào là đủ thì cho dù có đang ở thiên đường cũng lại giống như trong địa ngục.

Sự phong phú nơi tâm hồn mới là điều quan trọng nhất. Nếu cứ chấp trước truy cầu quá mức, là nô lệ của của cải vật chất thì cho dù có được nhiều đến mấy vẫn cứ luôn túng thiếu. Một cuộc sống thanh bần về vật chất vĩnh viễn không ảnh hưởng tới sự giàu có về tinh thần. Biết mình đủ để ung dung tự tại mới thực là người giàu có suốt đời.

4. Tính toán

Mang lại lợi ích cho người, đó chính là thể hiện của lòng nhân ái. Người với người luôn có sự tương hỗ qua lại lẫn nhau. Khi bạn nhường người khác một bước, người khác mới có thể kính bạn một đường. Lòng người ta cũng giống như một con đường, càng so đo tính toán sẽ càng trở nên chật hẹp, càng khoan dung độ lượng sẽ càng rộng mở thênh thang.

Không nên tính toán với người quân tử bởi họ sẽ trả lại bạn gấp đôi; không nên tính toán với kẻ tiểu nhân bởi họ sẽ gây thêm tai họa. Khoan dung mặc dù là sự nhượng bộ với người khác, nhưng thực tế là mở rộng con đường trong tâm mình.

5. Buông bỏ

Người xưa có câu: “Buông đi cho nhẹ nỗi lòng, cho tâm thanh tịnh, cho lòng lạc an”. Hôm nay dù sự việc xảy ra có long trời lở đất tới mức nào, thì tới ngày mai cũng đều là chuyện nhỏ; năm nay cho dù sự việc nghiêm trọng tới nhường nào, thì bước sang năm đó chỉ còn là câu chuyện của ngày xa xưa. Cho dù đó là việc lớn cỡ nào trong kiếp này, tới kiếp sau cũng chỉ là truyền thuyết được người ta kể lại.

Nếu gặp chuyện không thuận lợi trong cuộc sống cũng như trong công việc, đừng quên nhắc nhở bản thân rằng: Mọi việc rồi cũng sẽ qua đi, hãy hít một hơi dài bình thản, vì ngày mai trời lại sáng thôi.

6. Đơn giản

Tâm đơn giản thế giới sẽ trở nên đơn giản, hạnh phúc sẽ theo đó mà lớn dần. Tâm thái tự do thì cuộc sống cũng tiêu diêu tự tại, và khi cuộc sống tự tại thì đi tới đâu cũng thấy mọi thứ luôn tươi đẹp. Khi được như ý hãy coi nó thật nhẹ đừng đặt nặng trong tâm, khi không vừa ý hãy nhìn rộng theo chiều hướng tích cực và không quá đặt nặng áp lực vào nó. Có rất nhiều điều trong cuộc sống là thật sự có thể buông bỏ, chỉ là trong tâm có muốn buông bỏ nó hay không.

Hãy để mọi thứ tùy kỳ tự nhiên, chỉ có buông bỏ nó, coi nhẹ nó, tâm mới được thoải mái. Thứ gì là của mình ắt sẽ là của mình, thứ gì không phải của mình thì có cưỡng cầu cũng không được. Hãy tự nhắc nhở bản thân thêm một chút khoan dung, thêm một chút độ lượng để vẫy tay và cười chào tạm biệt với những chuyện vui buồn. Chỉ cần nhắm mắt lại, sau một giấc tỉnh dậy thì tất cả đều trở thành quá khứ.

7. Phúc họa

Đời người đôi khi, tưởng là họa nhưng kỳ thực lại là phúc, tưởng là phúc nhưng thực ra lại là họa. Tích đức dù không ai nhìn thấy, nhưng hành thiện đất trời đều thấu tỏ. Một người hành thiện, phúc có thể chưa tới nhưng họa chắc chắn đã rời xa. Một người hành ác, họa mặc dù chưa tới nhưng phúc đức đã mất đi rồi.

Người làm việc thiện cũng giống như cây cỏ trong vườn xuân, dù không cao lớn nhưng theo ngày tháng nó sẽ thêm rậm rạp. Người làm việc ác cũng như lấy đá mài dao, nhìn không thấy tổn thương nhưng lâu dài thì sẽ có.

Phúc họa đều không có cửa mà xuất tự nội tâm. Nỗi lo sợ khi làm việc ác không phải bởi sợ người khác phát hiện, mà ở chính bản thân mình biết đó là ác hay thiện.  Hành thiện không phải vì mong đợi lời khen từ người khác mà là để bản thân thấy cao quý trong lòng.

8. Khoảng trống

Khi thành công đắc ý, hãy cho mình một khoảng trống để suy xét, đừng để sự đắc ý làm mê mờ đầu óc. Khi đau khổ hãy dành một khoảng trống cho sự an ủi, đừng để sự đau khổ làm nghẹt thở tâm hồn. Khi lòng đầy phiền muộn hãy dành một khoảng trống cho sự vui vẻ, mọi phiền muộn sẽ nhanh chóng tiêu tan, nụ cười càng xuất hiện nhiều hơn. Khi cô đơn hãy dành khoảng trống cho tình hữu nghị, bởi sự chân thành của tình bạn chính là niềm an ủi lớn nhất cho tâm hồn.

Hãy cho bản thân một chút khoảng trống để hít thở khí trời, lòng tĩnh lặng sẽ cảm nhận được muôn vàn điều vui…



Blog Người Phương Nam

Mời nghe

Bài nhận định đầu năm của BS. Phạm Hiếu Liêm

Mời đọc

Bài học cuộc sống đáng suy ngẫm



 MỘT CHUYỆN RẤT VIỆT NAM



Năm 1994 tình cờ tôi dính vào một chuyện tình của một người đàn bà ở trong nước có người yêu vượt biển định cư tại Nam Cali. Tôi không biết phụ nữ đó bao nhiêu tuổi, xấu đẹp thế nào, giàu hay nghèo, sang hay hèn, Bắc hay Trung hay Nam và Phật giáo hay Thiên Chúa Giáo. Tôi chỉ biết tên người đó là Thanh. Như tôi vừa nói, đây chỉ là sự tình cờ. Hôm ấy, hình như đầu tháng 5, tôi đang trông chiếc máy CNC chạy giữa một cơ xưởng rộng mênh mông, bên hàng trăm chiếc máy khác trong một cơ xưởng tiện, thì một đồng nghiệp người Ba Tây tên là Washington đi tới. Anh ta chìa tay về phía tôi, đưa cho tôi một miếng giấy nhỏ, nói :

– Hello, Nguyễn, tao nghĩ cái thư này viết bằng tiếng Việt Nam của mày. Mày xem có phải không ?

Liếc nhìn miếng giấy trong lúc tôi đón lấy từ tay Washington, tôi đã nhận ra ngay chữ Việt rồi. 
Tôi gật đầu và tò mò đọc ngay vì tổng cộng chỉ có ít dòng :

“Gửi người bạn phương xa,

Tôi tên là Thanh, công nhân viên của xí nghiệp may xuất khẩu Thành Công ở số 1955 đường Lê nin, huyện Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh. Người mà tôi yêu, chồng tôi, tên là Nguyễn Ngọc Luận, tốt nghiệp Đại học Y Khoa Sài Gòn, vượt biên năm 1988, từ đó mất tích luôn. Gần đây gặp một Việt kiều về, tôi hỏi thăm thì người ấy nói ở Mỹ có một bác sĩ tên là Nguyễn Ngọc Luận nhưng không biết địa chỉ. Ai nhận được lá thư này là ân nhân của tôi, xin tìm giúp tôi chồng tôi, người mà tôi thương yêu suốt đời. Ngày đêm tôi chờ đợi tin của ân nhân…

Thanh

Đọc xong thư, tôi mỉm cười hỏi Washington:
– Bạn có thân nhân mới tới Việt Nam du lịch chăng?
– Không? Sao mày hỏi điều đó?
– Vậy chứ từ đâu mà bạn có lá thư này?
Washington thích thú kể:
– À, ngày birthday của tao, vợ tao mua tặng tao chiếc sơ mi. Mở áo ra mặc thử, tao thấy mảnh giấy nào trong túi áo…
Tôi ngạc nhiên :
– Thế nghĩa là sao? Bạn mua phải áo cũ?
– Tao không nghĩ vậy. Theo vợ tao đoán thì có thể là một người thợ may để thư vào chiếc áo này, bắt chước kiểu người ta hay bỏ thư vào chai rồi thả xuống biển xem nó trôi dạt tới tay ai… Nhưng có phải là chữ Việt Nam không ?
– Phải.
– Vậy thì tao không hiểu điều này, mày giải thích cho tao nghe. Label của chiếc áo này là một nhãn hiệu nổi tiếng của Mỹ, đề là may ở Nam Hàn, sao lại có lá thư của người Việt Nam trong túi?
– Giản dị thôi. Tụi Mỹ nó thuê mấy thằng Nam Hàn may cho rẻ. Mấy thằng Nam Hàn lại thuê thợ Việt Nam cho rẻ hơn vì lương công nhân viên Sài gòn chỉ cỡ ba mươi đô la một tháng.
Washington kết luận:
– Câu chuyện thú vị đấy chứ! Mày nói cho tao nghe bức thư viết cái gì.
Tôi lẩm nhẩm:
– Thư của một người đàn bà nhờ kiếm chồng …
Rồi tôi nói cho Washington nghe những điều viết trong thư. Nghe xong, Washington còn hăm hở hơn tôi:
– Nhất định phải giúp bà ta rồi. Mày kiếm cái tên bác sĩ này hẳn không khó, phải không? Và mày có thể viết ngay cho bà ta cái thơ báo tin cho bà ta biết mày, à quên, tao chứ, đã nhận được cái thơ của bà ta. Mày nhớ làm nhá, Chúa sẽ trả ơn mày…
Tôi gật đầu cho Washington vui lòng:
– Ô kê. Tôi có thể cho bạn biết kết quả ngay là tôi đã tìm ra ông chồng của thiếu phụ này rồi. Ông ta có phòng mạch ở Los Angeles và ông ta cũng là một nhà tranh đấu chống cộng rất quyết liệt.
– Ông ta đang hành nghề bác sĩ? Thế tại sao lại không liên lạc với vợ?
– Làm sao tôi biết ? Bạn nên nhớ là mười chín năm qua, dân tộc tôi bất hạnh lắm, chuyện gì cũng có thể xẩy ra cả.
– Thí dụ như ông này đã có vợ mới thì sao?
– Có thể.
– Nếu thế thì thôi, đừng cho người đàn bà này biết.
– Tôi mới nói “có thể” chứ đã chắc chắn đâu. Tại sao không nghĩ tốt hơn là khi ông ta vượt biên rồi thì ở nhà, vợ ông ta bị Việt cộng tịch thu nhà, bắt bà ta đi tù vì tội đồng lõa giúp người vượt biên. Cho nên hai vợ chồng này mất tin tức địa chỉ của nhau. Tưởng tượng hôm nào mình tới nhà ông ta, thấy ông ta sống một mình trong một căn nhà năm trăm ngàn đô la ở Beverly Hills và phòng nào cũng có treo ảnh của người đàn bà tác giả lá thư này…
Washington hồn nhiên reo vui:
– Hay quá! Vậy hôm nào mày đi gặp ông bác sĩ đó, nhớ hú cho tao đi cùng, nhé.

Buổi chiều hôm đó, trên đường tan sở trở về nhà tôi cứ bâng khuâng với lá thư của thiếu phụ tên Thanh có người chồng là bác sĩ Luận. Tới bữa ăn, tôi đem câu chuyện này nói với vợ tôi thì vợ tôi kêu lên:
– Ông ta có vợ rồi mà. Bà này đi chiếc Mercedes trắng, nghe nói bà này giầu lắm, đã nuôi ông này ăn học cho tới khi lấy được bằng tương đương để được hành nghề lại đấy.
Tôi khựng lại, tự nhiên tôi đứng về phía người thiếu phụ tên Thanh:
– Sao em biết?
– Thì thỉnh thoảng đi dự ba cái vụ khiêu vũ gây quỹ đó, người này chỉ chỏ người kia, ai đeo hột soàn mấy ca ra, vuông hay tròn, giá bao nhiêu, mặc áo bốn số hay ba số hay hai số cũng còn biết…
– Em nói gì mà áo bốn số, ba số?
– Tiền. Bốn số là áo mắc tiền, trên một ngàn, ba số là áo bạc trăm còn hai số như em là đồ on sale ở Loehmanns hay Northrom Rack…
Tôi hỏi một câu hơi ngơ ngẩn:
– Như vậy thì làm sao? Có nên gặp cái ông bác sĩ này nữa không?
– Người ta nhờ thì mình làm. Anh bỏ lá thư vào phong bì, dán 29 cent tem, mail đi…
– Không được đâu. Sợ bà vợ ông ta trông coi văn phòng, gặp lá thư này thì ông ta đã không bao giờ được đọc những hàng chữ của vợ ông ta viết, và chẳng những thế, gia đình ông ta còn xào xáo từ nay nữa, đâu có lợi gì.

Tối hôm ấy, tôi ngồi cặm cụi viết thư cho người đàn bà tên Thanh. Dường như đã vài năm nay tôi không viết thư cho ai nên trong lòng dạt dào ý tưởng mà viết không ra chữ. Đời sống xứ Mỹ đã phát sinh ra trong tôi tính lười biếng kỳ cục này. Nhớ lại hồi sống ở quê nhà, gần như ngày nào tôi cũng có ít nhất một phong bì gửi đi vì tôi rất đông bạn bè và gia đình nội ngoại. Ấy là không kể tới hồi còn trẻ, “khi đã yêu thì mơ mộng nhiều”, viết thư cho “nàng” bất kể giờ giấc, ngay cả lúc ngồi trong nhà thờ nghe cha giảng. Nhưng ở Mỹ, mọi việc giao thiệp đều qua đường dây điện thoại. Chẳng hạn bà vợ tôi hễ về đến nhà là y như cái ống điện thoại không dây đã áp dính vô tai, dù làm bếp hay coi ti vi và đôi khi cả lúc vào trong phòng vệ sinh. Ba đứa con tôi cũng không kém, thành ra gia đình tôi chẳng buôn bán gì mà cũng đã có hai đường dây điện thoại, máy chính máy phụ giăng mắc từ phòng này sang phòng kia cứ y như trung tâm hành quân của một tiểu khu ngày xưa. Cái thói quen viết thư mất dần cho đến bây giờ, nhìn hàng chữ trên giấy, tôi thấy vừa xấu lại vừa vô duyên chi lạ. “Phấn đấu” tới hai giờ sáng, tôi mới hoàn thành một lá thư dài khoảng hai chục giòng để gửi về xí nghiệp may xuất khẩu Thống Nhất cho người đàn bà tên Thanh.

Sáng hôm sau, vừa tới sở thì Washington đã chặn hỏi tôi:
– Mày liên lạc với ông bác sĩ kia chưa?
– Để cuối tuần này.
– Mày không có quyền chậm trễ. Mày hãy nhớ tới người đàn bà kia, bà ta giống như thằng cha nào mà tao quên tên rồi, hình như là Robinson thì phải, thằng cha bị đắm tàu dạt vào hoang đảo, hàng ngày ngóng ra ngoài khơi xem có tàu nào tới vớt không sau khi thằng cha này thả xuống biển vài cái chai mang thơ cầu cứu.
– Nhưng mà thì giờ đâu? Hàng ngày phải vô đây từ sáng tới chiều rồi …
– Thì mày gọi điện thoại.

Tôi trả lời cho qua là chưa kiếm ra số điện thoại vì thấy anh chàng Ba Tây này ồn ào qúa khiến tôi nghĩ rằng anh chàng đang giải trí với câu chuyện tình chia cách của một cặp vợ chồng Việt Nam, anh chàng tò mò muốn biết thêm chi tiết để tối về, kể cho vợ nghe và vợ anh ta bốc điện thoại kể cho bạn nghe tùm lum một cách rất khoan khoái. Thấy tôi lạnh nhạt bước tới dàn máy CNC thì Washington nhún vai bỏ đi.

Không ngờ đến lúc nghỉ giải lao, Washington hớn hở trở lại chỗ tôi, đập mạnh vào vai tôi y như khi anh ta thắng cuộc đánh đề football:
– Tao cho mày số điện thoại của ông bác sĩ Luận.
Washington chìa vào mặt tôi mảnh giấy tèm lem vết dầu nhớt, tôi lại ngạc nhiên:
– Làm sao bạn có?
Washington cười hề hề 
– Mày ở Mỹ gần chục năm mà dở tệ. Nhắc cái điện thoại lên, gặp con tổng đài, đọc tên thành phố và tên bác sĩ Luận rồi hỏi số điện thoại là một giây nó trả lời mày.
Washington nắm tay tôi lôi đi:
– Bây giờ còn mười phút, mày ra máy điện thoại công cộng này, tao bỏ 25 cent cho mày gọi ông bác sĩ Luận.

Thực sự là tôi không đồng ý cái lối hành động nóng nẩy của Washington, vì không hiểu sao tôi cứ nghĩ anh chàng Ba Tây này làm chỉ vì tò mò, tìm hứng thú cho bản thân anh ta hơn là cho người đàn bà Việt Nam tên Thanh. Nhưng nếu tôi không gọi điện thoại thì anh chàng này sẽ hiểu qua tôi là người Việt thiếu tình cảm, lạnh lùng, không thương ngay cả đồng bào mình. Với lại, tôi biết, nếu tôi không nói chuyện với bác sĩ Luận lúc này thì Washington sẽ nói. Vì thế, tôi đành miễn cưỡng theo Washington tới máy điện thoại. Chính anh chàng to con rềnh rang này bỏ tiền vào máy rồi quay số, chỉ khi nghe tiếng chuông reo rồi mới chuyển máy cho tôi.

Tôi nghe bên kia đầu giây là giọng đàn bà:
– Phòng mạch bác sĩ Luận, tôi nghe.
– Thưa chị, tôi xin được nói chuyện với bác sĩ Luận.
– Xin lỗi, ông muốn lấy hẹn khám bệnh phải không? Ông cho tôi biết tên, số điện thoại để tôi ghi vào sổ cho ông. Ông có medical, bảo hiểm hay trả tiền mặt?
– Thưa không, tôi muốn nói chuyện riêng?
– Thế hả ? Bác sĩ đang bận khám bệnh nhá. Ông cho tôi số điện thoại rồi bác sĩ gọi lại. Mà xin lỗi ông, chuyện riêng là chuyện gì?
– Thưa chị, đã bảo là chuyện riêng mà…
– Không sao, tôi là vợ bác sĩ Luận đây, ông cứ nói…
– Dạ, thưa bà bác sĩ, bà có thể ghi số điện thoại của tôi, nếu bác sĩ muốn thì gọi cho tôi sau..

Tôi xưng tên, đọc số điện thoại xong rồi gác máy. Washington bồn chồn ra mặt, anh chàng muốn tôi kể cho nghe ngay cuộc đối thoại vừa rồi. Khi tôi nói chưa hết thì chợt nghe chuông điện thoại reo, Washington tò mò nhấc lên. Tôi thấy Washington nhìn tôi, nhướng cao đôi lông mày và nghe hắn trả lời:
– Vâng. Đây là sở làm của nó.
– …
– Vâng. Tôi biết nó mới gọi cho phòng mạch.
– …
– Vâng. Nó cho bà số điện thoại ở nhà.
Cúp máy xong, Washington cười:
– Con mẹ này đáo để thật. Nó kiểm soát mày là ai đấy?
Tôi hỏi Washington:
– Sao bà ấy biết được số điện thoại này? Chắc chắn là ban nãy tôi không có nói.
– Mày ngu quá. Ở Mỹ mấy năm rồi? Nó có máy ghi lại những số điện thoại gọi vào văn phòng nó để nếu mày tống tiền thì nó trình FBI, hiểu chưa.

Từ đó, câu chuyện của người đàn bà tên Thanh trở thành một ám ảnh khiến tôi lúc nào cũng bận tâm suy nghĩ. Chắc chắn là bác sĩ Luận giờ đây đã lập gia đình mới. Vậy thì tôi có nên chuyển lá thư của người đàn bà tên Thanh cho ông ta nữa không? Ông ta còn thương yêu còn nhớ người đàn bà tên Thanh đó không?

Nếu ông ta còn yêu bà Thanh thì liệu ông ta sẽ phản ứng thế nào? Và, người đàn bà đang chung sống với ông ta có biết mối tình của ông ta với bà Thanh không?

Nếu ông ta nói dối chưa yêu ai, chưa gọi ai bằng vợ, nay bà ta biết được lá thư này thì gia đình đó sẽ ra sao?

Ông bác sĩ Luận không hề gọi điện thoại lại cho tôi. Tính tò mò đã thúc đẩy tôi vào một buổi sáng cuối tuần lái xe kiếm phòng mạch của bác sĩ Luận. Ông bác sĩ này rất đông khách, hàng chục bệnh nhân dáng điệu mỏi mệt ngồi chân co chân duỗi trước bức tường treo lá cờ vàng ba sọc đỏ và la liệt hình ảnh sinh hoạt của cộng đồng mà tấm hình nào cũng có bác sĩ Luận là vai chính. Thấp thoáng phía sau ô cửa sổ là hai phụ nữ, một người mặt hoa da phấn và một người da dẻ đơn sơ, áo quần giản dị, như thế chỉ nhìn qua cũng biết ngay một người là bà chủ và một người làm công với đồng lương tối thiểu.

Quan sát bà bác sĩ Luận một hồi, tự nhiên tôi thấy người đàn bà này đang hưởng hạnh phúc mà bà ta đã gây dựng nên, nếu như lời vợ tôi nói đúng, là bà ta đã nuôi ông Luận ăn học để lấy lại được giấy phép hành nghề. Thế thì lá thư của người đàn bà tên Thanh chẳng nên để thêm một người khác biết nữa. Tôi sẽ cất giữ lá thư đó làm kỷ niệm hoặc sẽ bôi tên ông bác sĩ rồi gửi lên đại học Yale cho giáo sư Huỳnh Sanh Thông cất vào thư viện Việt Nam.
*

Nhưng ba tuần sau thì tôi nhận được thư của người đàn bà tên Thanh từ Việt Nam gửi sang. Bức thư viết :

Thành phố Hồ chí Minh, ngày 25 tháng 6, 1994

Thưa ông Nguyễn,

Tôi là Triệu Thị Thanh, 35 tuổi, vợ của bác sĩ Nguyễn Ngọc Luận, từ nay xin được gọi ông là ân nhân. Tôi không ngờ lá thư của tôi lại tới tay ông, thật là may mắn. Thế thì hẳn phải có trời có phật thật, ông nhỉ.

Tôi đang là công nhân viên xí nghiệp may xuất khẩu Thành Công, làm gia công cho thương gia Nam Triều Tiên. Hàng ngày chúng tôi đóng thùng đưa xuống tàu chở ra nước ngoài hàng chục ngàn cái áo sơ mi đấy. Thế mà cái thơ tôi bỏ vội vào túi một chiếc áo, lại tới ông mới là đặc biệt, ông nhỉ.

Bây giờ, tôi kể cho ông nghe câu chuyện của tôi nhé. Tôi là gái Hà nội đấy. Hồi Mỹ đánh bom Hà nội 12 ngày, tôi mới có 13 tuổi, đã phải chạy tản cư lên Sơn Tây đấy. Thế rồi năm 1975, giải phóng được miền Nam, bố tôi vào trong đó tiếp quản. Thấy Sài gòn dễ sống hơn Hà nội, bố tôi đưa cả nhà vào. Tôi trở thành nữ sinh trường Nguyễn Thị Minh Khai. Tốt nghiệp Trung học Phổ thông cấp 2 xong, bố tôi đưa tôi vào làm công an.

Năm 1980, có một ngụy quân được trại cải tạo tạm tha, giao về cho phường quản lý, đến công an phường trình diện. Tên anh ta là Nguyễn Ngọc Luận, đại úy quân y trong quân đội ngụy. Tôi là người quản lý hồ sơ những người bị quản chế, chưa có quyền công dân nên anh Nguyễn Ngọc Luận phải trình diện tôi và làm việc với tôi.

Thoạt đầu, tôi thấy anh ta cũng như những ngụy quân ngụy quyền khác thôi. Tôi giao cho anh ta nhiệm vụ theo dõi các hoạt động phản động chống cách mạng trong khu phố, phải báo cáo với tôi những dấu hiệu khả nghi như người lạ mặt tới lui và phải gặp tôi làm việc một tuần ba lần vào thứ hai thứ tư và thứ sáu. Theo hồ sơ khai báo của anh ta thì trong lúc anh ta đi cải tạo, vợ anh ta đã đi lấy chồng khác, là một cán bộ ngành Hải quan. Hai đứa con anh ta được người chị gái ở kinh tế mới Gia Ray nuôi.

Một hôm, anh ta tới gặp tôi, xin tôi cấp giấy phép di chuyển để đi thăm con. Tôi trả lời là theo nguyên tắc thì khi còn quản chế, anh ta không được ra khỏi khu vực. Thế là anh ta khóc ngay trước mặt tôi, nói là nhớ con vì mới nhận được thư của người chị gởi về nói là đứa con nhỏ của anh trong lúc làm rẫy đã bị bọ cạp cắn. Tôi nói với anh ta là sao không đưa hai đứa con về đây thì anh ta trả lời là anh ta không có công ăn việc làm nên không nuôi con nổi. Tôi hỏi thế sao anh ta không đi kinh tế mới với con anh ta thì anh ta nói anh ta là bác sĩ, nếu đi kinh tế mới thì chỉ là nông dân thôi, còn nếu ở lại thành phố, hết thời gian quản chế, có thể xin phép cách mạng mở phòng mạch, chừng đó sẽ đưa con về.

Thấy hoàn cảnh anh ta rất tội nghiệp, tôi đã cấp giấy đi đường cho anh ta. Khi trao tờ giấy, tôi nói : “Thông cảm hoàn cảnh của anh nên tôi đã làm sai nguyên tắc đây. Mong anh trở về đúng hạn, nếu không thì tôi bị kỷ luật”. Anh Nguyễn Ngọc Luận đã xúc động tới mức khi anh nhận tờ giấy phép trên tay tôi, anh đã nắm cả bàn tay tôi. Và, chính lúc bất ngờ bị anh ấy nắm tay, tôi cũng đã chợt thấy toàn thân tôi như bị luồng điện giật, ông ạ.

Thế nên trong một tuần lễ anh Luận đi xa, tôi là người duy nhất mong đợi anh ấy trở về. Không phải chỉ vì tôi sợ anh ấy đi mất luôn khiến tôi bị kỷ luật đâu, tôi còn thấy một điều khác, đó là sự vắng vẻ, sự thiếu thốn kỳ lạ lắm. Chắc tôi không nói thì ông cũng biết, tôi đã có cảm tình với anh Luận rồi, phải không?

Đúng bảy ngày sau, anh Luận tới trụ sở công an phường trình diện tôi, tôi mừng không thể tả, khiến mấy bạn tôi phát hiện được tình cảm của tôi. Họ bắt tôi kiểm điểm. Họ mách với bố tôi là tôi yêu một tên ngụy. Bố tôi giận lắm, chửi mắng tôi là mất tác phong cách mạng. Chẳng ngờ lòng tôi như giòng nước, gặp vách núi chặn thì thành thác đổ. Tôi đã ngã vào vòng tay anh Luận. Lúc đó thì tôi không cần gì nữa. Tôi chấp nhận mất tất cả để được tình yêu của anh Luận. Bố mẹ tôi từ tôi, đảng sa thải tôi, tôi bị khai trừ khỏi công an vì tôi không nhận lệnh di chuyển về Hải Dương. Tôi trở thành thợ may và buôn bán linh tinh để nuôi anh Luận.

Để trả thù tôi, công an đã không trả quyền công dân cho anh Luận sau một năm quản chế. Chúng tôi xin di chuyển đi nơi khác, công an không chứng giấy. Hy vọng được mở phòng khám bệnh của anh Luận coi như hết, anh buồn lắm. Anh xin vào làm ở một xưởng đóng bàn ghế với chân đánh vẹc ni. Nhiều đêm thấy anh không ngủ, cứ nằm hút thuốc, tôi nghĩ vì tôi mà anh ấy khổ. Giá như tôi không lấy anh ấy thì sau một năm quản chế, anh ấy được trả quyền công dân và mở phòng khám bệnh, có tiền thì mang hai con anh ấy về cha con sống chung. Nay chỉ vì có tôi mà anh Luận bí đường tắc lối.

Cuộc sống điêu đứng như thế cứ ngày qua ngày, cuối cùng, vì yêu anh Luận nên tôi điều đình với bố tôi là tôi chấp nhận về Bắc với điều kiện anh Luận được trả quyền công dân và được giấy phép mở phòng khám bệnh. Bố tôi đồng ý. Tôi không cho chồng tôi biết chuyện này, một mình tôi, tôi lén chuẩn bị cho chồng tôi những thứ cần thiết, phần tôi, tôi chỉ có một cái túi xách tay với hai bộ quần áo của tôi, một bộ quần áo của chồng tôi mà tôi sẽ không bao giờ giặt để giữ lại chút hơi ngàn đời tôi thương mến, và một tấm hình mà tôi và anh Luận chụp chung, để trở về Bắc.

Đến ngày phải xa chồng vĩnh viễn, tôi cố cầm nước mắt, làm tiết canh vịt cho chồng tôi ăn, mua bia ngoại cho chồng tôi uống và ở với chồng tôi lần chót.

Chẳng ngờ khi ân ái, tôi đã không còn giữ nổi nữa, tôi òa khóc. Chồng tôi kinh ngạc ôm lấy tôi, an ủi tôi, hỏi tôi chuyện gì. Tôi vừa khóc vừa kể cho chồng tôi rồi bảo chồng tôi đã đến giờ ra bến xe hỏa rồi, để tôi đi kẻo trễ chuyến tàu Thống Nhất. Nhưng chồng tôi không buông tôi ra. Anh ấy bảo : “Anh không cần quyền công dân. Anh không cần phòng mạch. Anh cần em. Không, em không đi đâu hết”.

Hai vợ chồng tôi lại tiếp tục sống cảnh “một mái nhà tranh hai trái tim vàng” ở trong con hẻm đường Minh Mạng, phường Minh Mạng, quận 10. Thêm một năm rồi hai năm, đảng vẫn tiếp tục hành hạ chồng tôi và lần này ra tay trừng phạt bằng lệnh đuổi vợ chồng tôi đi Kinh tế mới Kà tum ở Tây Ninh.

Chúng tôi rời thành phố một cách bình thản, có lẽ chồng tôi không thể còn chuyện gì để xúc động hơn, để làm cho anh ấy buồn hơn nữa. Anh ấy nói với tôi :

“Nghĩ cho cùng thì cái xã hội này cũng chẳng có gì đáng tiếc nếu phải chết. Và nếu chết mà hai chúng mình có nhau thì chết còn vui hơn sống”.

Khu kinh tế mới Kà Tum nằm sát biên giới Miên Việt. Tôi nghe những người ở đây nói rằng Kà Tum cũng là nơi dừng chân của bọn buôn lậu, bọn đưa người vượt biên sang Thái Lan. Quả thật, ít tháng sau, chúng tôi gặp một toán bộ đội đưa khoảng hai chục người từ thành phố Hồ Chí Minh lên, chuẩn bị quần áo Miên để qua biên giới. Chuyến ấy đi xong, vài ba tuần sau lại có chuyến khác. Nhìn người ta đi, chồng tôi thở dài ao ước : “Giá mình có vàng, em nhỉ, vợ chồng mình xin họ cho đi. Sang tới Thái Lan, anh sẽ được Mỹ nhận ngay. Khi đó mình mới hết khổ”.

Thấy chồng tôi muốn thì tôi làm. Tôi dò hỏi toán vượt biên, được biết mỗi đầu người phải đóng hai lượng vàng mà gia tài chúng tôi chỉ có hai chiếc nhẫn cưới mà anh Luận và tôi mua của một người bán vàng rồi đeo vào tay nhau ở ngoài vỉa hè để kỷ niệm, để tôi được hãnh diện là đã có chồng. Tôi bèn ngỏ lời với anh Luận cho tôi về thành phố một chuyến. Và tôi đã xin, đã mượn, đã vay của bạn bè, em tôi, anh tôi, chị tôi, cô tôi, đồng chí cũ của tôi, được đúng hai lượng vàng mang lên Kà Tum cho chồng tôi. Chồng tôi hỏi : “Em tính thế nào ?”. Tôi trả lời : “Em lo vàng cho anh vượt biên mà”. Chồng tôi nói : “Còn em ?”. Tôi lại cố giữ bình tĩnh : “Em đâu dám đi. Anh không thấy người ta nói các phụ nữ vượt biên qua đất Miên là khi thì bị Khmer Đỏ hiếp, khi thì bị lính Hun Sen hiếp. Thôi, anh cứ đi mình, rồi sau này lo cho em sang với anh”.

Chồng tôi đã nhập được vào nhóm người vượt biên giới đi tìm tự do sau khi tôi cài vào túi áo chồng tôi chiếc kim băng để giữ khỏi rớt tất cả những đồng bạc mà tôi có, và địa chỉ của một người bạn thân ở thành phố Hồ chí Minh để mai sau anh ấy gửi thư về. Tôi chỉ giữ lại cho tôi duy nhất một chiếc nhẫn một chỉ trên ngón tay để tôi nhớ về anh Luận, người mà tôi thương yêu suốt đời.

Nhưng tôi mất tin chồng tôi từ đó. Không biết anh ấy có thoát tới Thái Lan hay bị hại giữa những làn đạn của bọn Miên bắn giết nhau ? Tôi đã dò hỏi, tìm kiếm mọi nơi mọi cách mà vẫn không thấy chút tin nào của chồng tôi. Tôi chỉ mong anh ấy sống thôi.

Một hôm, ngồi xếp những chiếc áo sơ mi vào thùng sau khi kiểm phẩm xong để xuất khẩu, tự nhiên tôi có ý nghĩ, tại sao không gửi một lá thư vào một trong những chiếc áo này, biết đâu nếu qủa thực có ông Trời thì chồng tôi sẽ mua trúng cái áo đó ? Không ngờ lá thư lại tới tay ông cũng là may cho tôi, chứ nếu chiếc áo đó bán ở nước khác như Nam Triều Tiên, Nhật Bản thì tôi sẽ chẳng bao giờ được cái hy vọng qua ông rồi tôi sẽ nhận được tin về chồng tôi…

Bây giờ tôi là người rất tin rằng có ông Trời đấy, ông ạ. Một lần nữa, tôi xin gọi ông là ân nhân, và mong ông giúp tôi tìm gặp anh Nguyễn Ngọc Luận, cho anh ấy địa chỉ của tôi để anh ấy làm hồ sơ đoàn tụ cho tôi ngay.

Kính thư
Triệu Thị Thanh

Lá thư càng làm tôi lẩn quẩn hơn về câu chuyện tình của chị Triệu Thị Thanh. Tôi nghĩ mọi suy đóan của tôi đều có thể chủ quan và sai. Điều tốt nhất là tôi phải gặp bác sĩ Luận một lần. Vả lại, thông báo cho ông ta là trách nhiệm của tôi mà chị Thanh đã hết lòng nhờ cậy.

Quyết định như thế nên vào một sáng thứ bẩy, tôi đóng vai người bệnh tới phòng mạch bác sĩ Luận. Sau khi làm phiếu, đóng tiền mặt bốn mươi đô la xong, tôi ngồi chờ khoảng nửa giờ thì được y tá gọi đi cân đo trước khi gặp bác sĩ.

Ông bác sĩ là người trắng trẻo, nét mặt rất nhân ái, đôi mắt nhiệt tình và đôi môi lúc nào cũng như cười. Tôi nằm trên giường, quan sát ông ngồi đọc hồ sơ của tôi, tôi nghĩ, không biết trong cái đầu kia có còn chút hình ảnh nào của chị Thanh, của những ngày gian khổ ở Kà tum không ? Nếu tôi không đọc thơ chị Thanh, làm sao tôi biết con người này đã từng trải qua biết bao ngày tháng đắng cay, đã có ít nhất ba người đàn bà trong đời, và không hiểu hai đứa con ông ở khu Kinh tế mới Gia Ray đã được ông bảo lãnh sang đây chưa ?

Tôi chợt nghe bác sĩ Luận hỏi tôi :
– Chào anh, anh đau gì ?
Tôi nhìn quanh, thấy cô y tá đứng khá xa, mới nói nhỏ:
– Tôi có bệnh kín muốn nhờ bác sĩ xem. Ông có thể khép cửa, đừng cho y tá hay bà nhà vô được không?
Bác sĩ Luận gật đầu ngay:
– Được, được…
Chờ cánh cửa khép xong, tôi mới nói :
– Bác sĩ có còn nhớ một người đàn bà tên là Triệu Thị Thanh?

Lập tức ông ta như bị điện giật. Đôi mắt ông ta hớt hải liếc nhanh ra phía cửa, miệng lúng búng như muốn nói mà lại như không nói được. Tôi thì thầm tiếp:
– Bà Thanh có gửi cho tôi một lá thư để nhờ chuyển cho bác sĩ. Tôi xin giao lại cho bác sĩ…

Bác sĩ Luận run run đón nhận lá thư, miệng vẫn không nói một câu nào. Tôi không biết ông ta nghĩ gì? Xúc động vì bất ngờ được tin người vợ cũ đã lạc nhau?

Hay lo sợ bà vợ mới chợt đẩy cửa vào bắt gặp lá thư của chị Thanh? Nhìn mặt ông ta tái nhợt như người bị cảm, trán lại nhơm nhớp mồ hôi, tôi hơi khôi hài nghĩ rằng giờ này ông ta chính là kẻ phải leo lên nằm trên cái giường này và tôi chẩn mạch cho ông ta mới đúng.

*
Bẵng đi khoảng ba tuần lễ, vào chiều chủ nhật, vợ con tôi chở nhau đi shopping, tôi ở nhà coi đánh bốc. Hồi ở Việt Nam tôi rất ghét môn này vì thấy nó chả có vẻ thể thao chút nào, tàn bạo là khác. Thể thao là cách thể hiện ba tiêu chuẩn cao hơn, nhanh hơn, xa hơn, đằng này đánh đấm nát mặt nhau, nói theo thời thượng là “vi phạm nhân quyền” quá. Chính phủ Tân Gia Ba mới chỉ dùng roi đét vào đít một thanh niên Mỹ mà thế giới làm ồn lên, chỉ trích hình phạt này là dã man, thế mà công khai đánh tét mắt tét môi nhau công khai thì được ti vi trực tiếp truyền hình và càng thấy máu đổ càng ăn khách, càng cho là nghệ thuật.

Nhưng từ khi sang sống ở Mỹ, tự nhiên tôi lại thích xem đánh bốc. Tôi chưa tìm hiểu tại sao tôi thay đổi cách giải trí, có phải ở bầu thì tròn ở ống thì dài, tôi đã ảnh hưởng nhân sinh quan người Mỹ, hay thực tế chỉ là bây giờ tôi gìa yếu thì tôi thích vay mượn sức mạnh của kẻ khác?

Tôi đang ngồi xem hai ông võ sĩ đấm nhau thì điện thoại reo. Bên kia đầu giây là người mà tôi vẫn có ý chờ, đó là bác sĩ Luận. Ông chào tôi xong rồi nói :
– Tôi rất cảm ơn anh đã chuyển cho tôi thơ của Thanh…
– Không có chi. Chị ấy nhờ thì tôi làm.
– Nhưng cũng bởi vì mình có duyên với nhau chứ.
Tôi thăm dò :
– Vâng, tôi cũng nghĩ thế. Tôi mong bác sĩ không phiền tôi.
– Ồ, ồ, không bao giờ. Tôi đề nghị mình gọi nhau thân mật hơn, bỏ cái danh xưng bác sĩ đi, tôi đang gọi anh là anh mà. Hôm nào anh có thể đi ăn với tôi một bữa không?
– Dạ, thế thì còn gì bằng.
Bác sĩ Luận hỏi ngay:
– Tối nay anh có rảnh không?
– Cũng được.

Bác sĩ Luận hẹn tôi tới quán The Ambassador tại Pasadena, một quán ăn nổi tiếng với đầu bếp Thụy Điển lúc bẩy giờ rưỡi tối. Khi gặp nhau, ông bắt tay tôi rất thân mật và vào đề ngay:
– Tôi biết ơn anh đã nhận lời dù tôi mời anh quá đột ngột.
Tôi pha trò:
– Nếu thế thì tôi cũng cám ơn anh vì tôi rất thích ăn ngon, với lại tôi cũng thích nghe chuyện lạ…
Bác sĩ Luận vui vẻ:
– Anh biết tại sao tôi mời anh ngay tối nay không?
– Vì bà nhà mắc bận?
– Anh thông minh qúa. Tại tôi có buổi họp về công việc làm ăn với tụi Mỹ, nhưng tôi không ăn với chúng nó mà gọi điện thoại mời anh. Vâng, thường thì tôi khó có dịp đi một mình, bà ấy đeo quá.
Tôi thành thật nói:
– Sau khi đóng bốn mươi đô la để được gặp anh, trao thư của chị Thanh cho anh, mà hai ba tuần sau không nghe anh điện thoại, thú thực tôi hơi thất vọng.
– Anh không hiểu, xin lỗi anh không hiểu. Ngay lúc anh vừa ra khỏi phòng mạch là nhà tôi lột mất mấy cái thư đó ngay.
– Sao bà biết?
– Tại tôi không dấu được tình cảm. Nhìn mặt tôi bà ấy sinh nghi, chặn hỏi tôi. Tôi vội dấu thư của Thanh vào thùng rác mà bà ấy cũng khám phá ra.
– Như vậy là anh không còn yêu chị Thanh?
– Yêu chứ. Nhưng mà anh cũng hiểu, mình đâu có giải quyết được gì.

Tôi hỏi :
– Vậy là anh chưa được đọc thơ chị Thanh?
– Chưa. Bà ấy đốt ngay trước mắt tôi.
Tôi cười:
– Không sao, nếu anh muốn thì tôi sẽ cho anh bản khác, vì tôi có photo giữ kỷ niệm.

Chẳng ngờ khi nghe tôi nói thế, bác sĩ Luận năn nỉ cho ông ta được đọc ngay. Thấy lòng thiết tha của ông ta, tôi không thể từ chối, rốt cuộc hai chúng tôi rời quán ăn, lên xe về nhà tôi. Ngồi trên xe, tôi kể sơ sơ cho Luận nghe đầu đuôi câu chuyện một cách vô tư mà không kết luận vì chưa biết tình cảm của Luận thế nào ngoài tính sợ vợ quá đáng của ông ta. Luận nói:
– Người chứ đâu phải chó mà quên được mối tình chung thủy như Thanh đối với tôi, anh? Lúc gần bà Hoan, tên bà vợ tôi bây giờ, thành thật mà nói với anh là chẳng có ai nói yêu ai cả. Cảnh đàn ông đàn bà sáp vô nhau là chơi thôi. Không ngờ bà ấy chịu tôi, giúp tôi tiền bạc học lại và có với tôi đứa con. Anh biết không, tôi đã từng mua vé du lịch Việt Nam để tìm kiếm Thanh …
– Tôi nghe nói anh là Chủ tịch Ủy ban chống du lịch Việt nam mà lại về du lịch Việt Nam?
– Vâng. Tình cảm con người mà anh. Mình về nước đâu có nghĩa là mình theo Việt cộng.
– Thế tại sao anh chống?
– Bà vợ tôi đó. Bà đẩy tôi tới cái thế chống du lịch Việt Nam để cắt đường về của tôi mà. Hễ chỗ nào biểu tình chống du lịch là bà ấy chở tôi tới, bà ấy ủng hộ ban tổ chức ít tiền, bà ấy bảo tôi cầm cái bảng “Du lịch Việt Nam là cộng sản” để cho mấy tờ báo có chạy quảng cáo phòng mạch tôi chụp hình rồi đăng lên…
Tự nhiên tôi nói với Luận:
– Thôi, theo tôi thì anh chẳng nên đọc thư của chị Thanh làm gì.
Luận kêu lên nhè nhẹ :
– Không ! Anh cứ cho tôi mấy lá thư của Thanh đi. Ban này tôi đã nói với anh là tôi đâu phải là chó mà quên được tình yêu của Thanh. Nhưng anh hiểu cho tôi mà, hoàn cảnh này tôi làm gì được cho Thanh chứ?

*

Ngày 10 tháng 8, 1994, tôi viết cho chị Triệu Thị Thanh một lá thư và kèm một phiếu gửi tiền về cho chị hai ngàn đô la tiền của bác sĩ Luận nhưng nói là tiền của tôi. Đầu tháng 9, tôi nhận được thư của chị Thanh. Chị viết:

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 28 tháng 8, 1994

Ông Nguyễn kính mến,

Thưa ông, tôi đã nhận được thư và số tiền hai ngàn US đô của ông gửi về. Trong thư ông cho tôi nhiều lời khuyên, an ủi tôi nên quên người chồng mà tôi yêu thương nhất đời là anh Nguyễn Ngọc Luận. Nhưng, thưa ông, lá thư của ông khiến tôi không thể quên chồng tôi mà còn làm niềm tin trong tim tôi sống lại mãnh liệt hơn.

Ông biết sao không, ông Nguyễn? Bởi vì ông với tôi là hai người xa lạ, vì vậy dù là triệu phú ông cũng không dễ dàng gửi tặng tôi khơi khơi hai ngàn US đô. Tôi chắc chắn rằng tiền này là của anh Luận. Ông đã gặp anh Luận mà vì một lý do gì ông không tiện nói cho tôi biết mà thôi.

Vậy, để tìm hiểu sự thực, tôi sẽ dùng tiền này và tiền tôi dành dụm được đem đăng ký với công ty du lịch Bến Thành theo đoàn thương mại thành phố sang triển lãm công nghệ ở Los Angeles vào tháng 10, 1994. Theo báo đăng quảng cáo thì mỗi người tham dự phải đóng bốn ngàn tám trăm đô la, bao gồm tiền máy bay đi và về, tiền khách sạn và ăn ở hai tuần, được đi chơi DisneyLand, Las Vegas, sở thú San Diego và Hoa Thịnh Đốn.

Để hồ sơ được thông qua nhanh, tôi sẽ đăng ký là công nhân viên xí nghiệp may xuất khẩu Thành Công. Tôi rất mong được gặp ông trong dịp này. Ông cứ tới cửa hàng của xí nghiệp Thành Công trong khu triển lãm là thấy tôi. Hoặc ông gửi về cho tôi sớm số điện thoại của ông, khi nào tới Los Angeles, tôi sẽ gọi cho ông hay.

Kính thư
Triệu Thị Thanh


Đọc xong thư tôi không khỏi khen thầm là người đàn bà quả nhiên thường có giác quan thứ sáu. Lá thư của chị Thanh lại khiến tôi cứ lẩn quẩn suy nghĩ, chiếm thì giờ của tôi còn nhiều hơn thì giờ tôi dành cho chiếc máy CNC.

Tôi tìm cách thông báo tin này cho bác sĩ Luận vì chỉ còn có ba tuần là chị Thanh đã có mặt ở Mỹ. Đã hai lần tôi điện thoại tới phòng mạch của Luận đều gặp người nghe là vợ ông ta. Và như lần trước, sau khi tôi cúp máy thì bà vợ ông ta gọi lại để kiểm soát. Tới cuối tuần, tôi đọc báo Việt ngữ, thấy tin cộng đồng sẽ họp vào chiều chủ nhật ở Little Saigon để thành lập ban tổ chức biểu tình chống phái đoàn của Việt cộng tới Los Angeles chiêu dụ đầu tư, tìm cách đi với Mỹ để dùng Mỹ chống áp lực của Tầu đang lấn chiếm quần đảo Trường Sa. Tôi nghĩ thế nào bác sĩ Luận cũng có mặt ở buổi họp này nên tôi trở thành người hưởng ứng cuộc biểu tình, hiện diện tại đó.

Quả nhiên, bác sĩ Luận đang ngồi cùng với hai vị nũa chủ tọa buổi họp với khoảng năm sáu chục mái đầu bạc nhiều hoặc bạc ít. Nhiều ý kiến phát biểu chém đinh chặt sắt hô hào phải bằng mọi cách phá tan kế hoạch chiêu dụ tư bản Mỹ tới đầu tư ở Việt Nam, bảo bọn tư bản này hãy tới Trung cộng hay Phi Luật Tân mà làm ăn, đừng có mà tiếp tay Việt cộng. Khoảng một giờ trôi qua thì bác sĩ Luận đề nghị nghĩ giải lao trước khi đúc kết bản tuyên cáo chống phái đoàn giao thương của cộng sản Hà nội.

Bác sĩ Luận nheo mắt cười với tôi rồi tới gần, nói nhỏ, giọng hồi hộp:
– Chắc có tin của Thanh phải không, anh ?
– Giỏi. Không lẽ thần giao cách cảm nhỉ ?
– Tại anh đâu có phải là khuôn mặt của những buổi họp này? Sự xuất hiện của anh là phải có chuyện đặc biệt cho tôi, tức chỉ là chuyện của Thanh.
– Vâng, tôi nói ngay kẻo và vợ anh bà ấy để ý rồi khổ cho anh. Chị Thanh mới gửi thư cho tôi đây này. Chị ấy nói sẽ theo phái đoàn thương mại Việt cộng sang dự triển lãm hội chợ tháng 9 tới. Chị ấy làm việc trong gian hàng may xuất khẩu Thành Công.
Quả là bác sĩ Luận không chờ đợi một tin tức như thế. Mặt ông ngẩn ngơ đến tội nghiệp. Tôi dúi vào tay Luận lá thư của chị Thanh:
– Anh cầm lấy thư của chị ấy để biết là số tiền anh nhờ, tôi đã gửi tới tay chị Thanh.

*

Gần đến ngày có cuộc triển lãm hội chợ thương mại của cộng sản Việt nam, các cơ quan truyền thông của cộng đồng người Việt đồng loạt đả kích rất dữ dội. Tuyệt nhiên không thấy ý kiến nào ngược lại được phát biểu trong vùng này. Phần tôi, câu chuyện của chị Thanh cũng bắt tôi cứ phải nghĩ tới cái hội chợ đó một cách dai dẳng. Người đàn bà vì tình yêu đã tìm mọi cách sang Los Angeles, đã hẹn gặp tôi mà chả lẽ tôi không tới. Mà tới thì sẽ có khối người chửi tôi là thân cộng, là trở cờ đón gió, là đủ mọi thứ xấu xa tội lỗi.

Chỉ quyết định tới hội chợ hay không tới hội chợ của Việt cộng tổ chức mà tôi bị dằn vặt cả nửa tháng, đầu óc bị xâu xé rốt cuộc chỉ thêm rối bời. Vào ngày mở cửa đầu tiên của hội chợ, tôi kiếm Washington vào giờ nghỉ buổi sáng và nói với anh ta:
– Ê bạn, bạn còn nhớ lá thư bạn nhận được từ người đàn bà Việt Nam bữa trước không?
– Ồ làm sao quên được ? Bà ta giờ ra sao?
– Bà ta đang ở Los Angeles.
– Ông bác sĩ gì đó đón bà ta sang đoàn tụ hả? Hoan hô!
– Chưa. Bạn có muốn gặp bà ta không?
– Cũng hay.
– Vậy thì trưa nay, tôi mua hamburger cho bạn ăn trên xe tranh thủ thì giờ, tôi chở bạn tới gặp bà ta nhé.
– Ô kê.

Cuộc triển lãm mở ở Phòng Thương Mại Los Angeles, nơi khó kiếm ra chỗ đậu xe. Nhưng đó chính là điểm tốt cho tôi vì tôi chỉ muốn Washington xuống xe và vào hội chợ một mình. Tôi viết tên chị Thanh, tên gian hàng Thành Công và đưa luôn tờ giấy mười đồng để Washington mua vé vô cửa. Tôi dặn:
– Bạn vô một mình cũng được, khi gặp bà ta thì đưa số điện thoại của tôi cho bà ta. Nói với bà ta điện thoại cho tôi.
Washington cũng tự hiểu ra sự do dự của tôi:
– Mày ngại những người Việt Nam của mày đang biểu tình chửi mày, phải không?
Tôi gật đầu thú nhận, táp xe vào lề đường chỗ sơn đỏ, đạp thắng xe cho Washington xuống:
– Tôi chạy vòng vòng chờ bạn. Ô kê.

Đoàn biểu tình đông khoảng hai ba trăm người với nhiều quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa và những tấm biểu ngữ đả đảo Việt cộng, đòi Việt cộng thực thi nhân quyền, thả nốt những tù binh Mỹ bị bắt trong cuộc chiến tranh trước 1975. Tôi không khó khăn gì mà không thấy bác sĩ Luận. Ông ta đứng trên lề đường, có vài người ở phía sau cầm cờ vàng ba sọc đỏ, trông ông ta hùng dũng như vị nguyên soái. Bà vợ ông ta đeo kính mát, tóc bới cao, mặc váy đầm hở mạng ngực trắng như kem đang đi qua đi lại phân phát truyền đơn. Tôi quay kính xe kín mít, chạy tà tà quanh khu phố để chờ Washington. Mãi chừng hai chục phút sau thì anh chàng mới lơn tơn bước dọc hè phố kiếm tôi.

Lên xe, chưa kịp đóng cửa, Washington đã ồm ồm:
– Không gặp bà ta. Mẹ kiếp! Mất thì giờ mà không hiểu cái gì hết. Tụi nó không biết nói tiếng Mỹ. Tất cả chỉ có một thằng thông dịch thôi nên phải chờ. Đến phiên mình, hỏi nói về bà Thanh đâu, nó trả lời cộc lốc: Tôi không biết. Hỏi thêm, nó không nói vì bận tiếp mấy thằng Mỹ khác.
Rồi Washington hỏi tôi:
– Cộng đồng mày chống cái gì vậy ?
– Chống cộng sản.
– Tao không thấy cộng sản trong đó. Chỉ có hàng hóa thôi.
– Thì hàng hóa của cộng sản. Chúng nó mang sang đây triển lãm kiếm thị trường.
– Tao không hiểu. Tụi Ba Tây tao mong kiếm thị trường mà không được. Còn… tại sao mày vô thì không được, tao vô thì được?
– Bạn đã nói bạn không hiểu mà còn hỏi thêm làm gì.

Suốt buổi chiều hôm đó, và cả buổi tối nữa, tôi sinh ra gắt gỏng, người gây gây mệt như mắc bệnh ăn không tiêu. Đầu óc tôi cứ lẩn quẩn hình bóng một thiếu phụ mà tôi chưa bao giờ thấy mặt, chưa một lần nghe giọng nói. Không biét ngày hôm nay, đứng trong phòng triển lãm nhìn ra đoàn người Việt biểu tình ở phía ngoài, bà Thanh có nhận ra hình bóng người mà bà thương yêu nhất mà bà đi tìm kiếm là bác sĩ Luận đang đứng trước khu triển lãm, cách bà có vài trăm mét không? Trời ơi ! Tôi chợt kêu lên kinh hoàng khi tưởng tượng bà ta có chiếc ống dòm, qua ống dòm bà ta thấy chồng bà, thế là bà ta lao ra cửa, chạy nhào tới bác sĩ Luận.

Sáng hôm sau, tôi quyết định bề gì thì cũng phải tới gặp người đàn bà bất hạnh này. Tôi cũng biết nếu có gặp, tôi chẳng mang tới cho bà ta niềm vui nào, trái lại là khác, nhưng nếu tôi không gặp bà ta, tôi sẽ ân hận vì trong tôi đã không còn tình người. Khi tôi tới phòng triển lãm, vài người tóc đã ngả màu sương chặn tôi lại 
– Anh vô đây làm gì?
– Anh muốn tiếp xúc với bọn Việt cộng hả?
Tôi đã có câu trả lời gian dối sẵn 
– Người xưa nói biết địch biết mình thì trăm trận trăm thắng. Các ông để tôi vô coi xem chúng nó ra sao.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Lâm bước tới, ông nhìn tôi thật dài và thật dịu dàng như gửi gấm hàng trăm lời nhưng đôi môi ông mím lại. Ông làm như không quen biết tôi, thản nhiên quay đi.

Vào trong khu triển lãm, cảm giác đầu tiên của tôi là sự trống vắng. Căn phòng quá rộng, trần nhà quá cao mà người thì ít và hàng hóa thì nghèo nàn, trình bầy vụng về như một cô gái quê bắt đầu làm quen với son phấn. Thế này mà cũng mang đi triển lãm làm gì, có thể họ không biết rằng khả năng của họ nếu chỉ có thế này thì còn thua những chợ trời ở xứ Mỹ. Tôi kiếm tìm và thấy ngay gian hàng Thành Công với khoảng vài chục cái áo sơ mi bầy trên mặt một chiếc bàn nhỏ và một cô gái mặc áo dài đứng tiếp khách.

Tôi bước tới trước mặt cô này:
– Xin hỏi thăm cô, ai là chị Thanh?
Cô gái đứng im lặng quan sát tôi từ nãy tới giờ, chưa biết tôi là hạng người nào, đến đây làm gì, nên nghe tôi hỏi thăm một người bạn của cô, nét mặt cô thay đổi hẳn. Cô mừng rỡ y như cảnh đón họ hàng cách xa nhau hàng chục năm ngoài sân ga. Giọng cô ta ríu rít:
– Anh kiếm chị Thanh hả ? Anh là anh Luận hả? Trời ơi, chị Thanh nhắc tới anh hoài à.
– Nhưng chị Thanh đâu?
– Trời ơi, anh diễm phúc lắm đấy nhé. Chị Thanh yêu anh hết xẩy. Lúc nào cũng nói tới anh thôi à.
– Nhưng chị Thanh đâu?
– Chị ấy bị gạch tên rồi. An ninh nghi chị ấy sang Mỹ sẽ bỏ trốn theo anh đấy.
– Sao chị ấy viết thư nói là đóng bốn ngàn tám đô la tiền vé máy bay rồi 
– Vâng, đúng thế. Lúc ra phi trường, sắp vào phòng cách ly thì an ninh mới mời chị ở lại. Anh biết tại sao không? Tại chị ấy mừng qúa, cứ liến thoắng nói về chồng chị ấy ở bên Mỹ sẽ tới phòng triển lãm đón chị ấy đi chơi. Có người trong đoàn nghe được mật báo cho an ninh. Thế là cúp. Trời ơi, tội nghiệp quá, giá chị ấy được đi, được gặp anh chắc chị ấy mừng mà khóc hết nước mắt đấy…

Tôi không buồn cải chính tôi là ai nữa. Tôi chào cô gái mà cũng chẳng hỏi họ tên cô ta là gì. Tôi không nhắn gửi một lời nào cho chị Thanh. Tôi bước ra cửa bằng đôi chân của người say rượu. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Luận thấy tôi vội quay mặt nhìn đi nơi khác dường như sợ mọi người biết ông ta quen tôi khi tôi gọi tên ông ta giữa đám đông đang đứng dưới bóng cờ vàng ba sọc đỏ.

Sáng hôm sau, tôi tới xưởng máy qúa trễ. Mọi chiếc máy đã reo hò ầm ĩ với những vòng quay hối hả chung quanh chiếc CNC của tôi còn nằm ụ như một nấm mồ.
Washington dường như chờ tôi đã lâu nên nhào ngay lại, hỏi :
– Sao? Mày gặp bà Thanh rồi chứ? Bà ta thế nào?
Tôi ủ ê cười nhếch mép:
– Việt cộng không cho bà ta sang Mỹ nữa.
Washington trố mắt :
– Cái gì kỳ cục vậy? Đi thăm chồng mà cũng cấm à?
Rồi chẳng cần tôi trả lời, anh chàng Ba Tây thất vọng vừa bỏ đi vừa nói:
 Tao đếch hiểu cái nước Việt Nam của mày. Sao mày khoe với tao là nước mày có tới bốn năm ngàn năm văn hiến gì đó, hả ?


Đỗ Tiến Đức



Lời BBT:

Truyện ngắn ” Một Chuyện Rất Việt Nam” của Nhà Văn Đỗ Tiến Đức đã đăng tải trên Báo Thời Luận số ra ngày Thứ Bảy, 13/7/2024.

BBT HCMĐ xin cảm ơn nhà văn Đỗ Tiến Đức đã cho phép đăng tải truyện ngắn này trên website QGHC Miền Đông.


XÓM CŨ NỘI THÀNH
Bóng đêm pha lẫn ánh ngày
Thuyền qua sông vắng chở đầy tiếc thương

Chiếc xe lửa nghiến bánh ken két trên đường sắt, nghe như tiếng rên than đau đớn, rồi rùng mình, chầm chậm và dừng lại ở ga Huế. Đám hành khách xơ xác, lôi thôi như lũ ăn mày, nhốn nháo, hốt hoảng tranh nhau đổ ào xuống sân ga. Hoàng nhảy xuống theo, hành lý trên tay chỉ có một cái bao nhỏ đựng bộ áo quần đã sờn rách tả tơi. Anh vừa được ‘cách mạng khoan hồng’ cho về đoàn tụ với gia đình, sau bốn năm ‘học tập tốt, lao động tốt’. Hoàng cười, trong tù, anh là thằng chậm chạp, trễ nải nhất thì được về trước, mấy anh chăm chỉ tích cực lao động, triệt để tuân thủ kỷ luật tù, thì còn mãi nằm lại trong đó. Thế mới biết, bạn anh nói không sai: ‘cách mạng’ thường làm ngược với lời nói.

Được tự do sau bốn năm giam cầm, lao động khổ sai nơi rừng thiêng nước độc, đói, lạnh và bệnh hoạn. Trong lòng Hoàng rộn ràng nôn nao khó tả. Ừ, còn sống mà trở về là phước đức và may mắn lắm. Bước chân của anh nhẹ tênh, như đang bay bổng, không dính đất.

Nhà ga không có gì thay đổi, chỉ tiêu điều, mốc meo cũ kỹ hơn. Người người hốc hác, ốm o và lôi thôi rách rưới. Vừa bước ra cửa ga, một người đàn bà chạy theo níu Hoàng và hỏi:

“Có cái chi bán không?”

Hoàng cười, lắc đầu trả lời: “Mới đi tù về, có cái con khỉ! À, mà có bộ áo quần đã sờn rách, có mua không?”

Người đàn bà mau mắn: “Mô? Đưa coi!”

Hoàng mở bao đưa bộ áo quần cho người đàn bà. Chị rũ rũ cái quần ra xem, rồi dài giọng:

“Cấy ni là giẻ rách, ai mà mua mần chi hè!”

Chị nhìn cái quần Hoàng đang mặc, còn tốt, lành lặn, vì mỗi tù nhân thường để dành một ‘bộ đồ viá’, chỉ dám mặc vào những khi có ‘sự cố’ trọng đại. Chị nói:

“Hay là anh bán cái quần đang mặc nầy đi!”

Hoàng đưa tay mở thắt lưng, định cởi cái quần ra, nhưng hơi ngượng trước mặt người đàn bà. Hoàng nhìn vào ánh mắt chị, bỗng la lên:

“Ủa! Có phải Tâm đây không?”

Người đàn bà sửng sốt, và chộp lấy hai tay Hoàng mà reo vui:

“Anh Hoàng. Em đây! Trời ơi, mới có mấy năm mà không nhìn ra nhau. Ngày trước, anh hồng hào mập mạp, bây chừ, chỉ còn da bọc xương, đen điu như thằng mọi. Phần em cũng thay đổi nhiều, tàn tạ, mần răng mà anh nhìn ra được em hè?”.

Hoàng cười: “Nếu không ngó kỹ vô đôi mắt của mi, thì tau cũng không nhìn ra. Ngày xưa, bạn bè tau thường đặt cho mi cái biệt danh là ‘Mắt huyền bí’. Đôi mắt mi, đã làm xao xuyến không biết bao nhiêu con tim đó!”

Cô Tâm nầy là bạn của Nga, người em gái kế, thua Hoàng hai tuổi. Quen biết thân thiết nhau từ nhỏ, Hoàng vẫn thường quen xưng hô ‘mi, tau’ thân mật với các bạn của cô em gái. Hoàng chăm chú nhìn Tâm và nói:

“Răng mà mi khổ dữ ri Tâm?”

Tâm cười như không biết cô đang khổ:

“Thời buổi ni, ai mà không khổ, không đói? Còn sức mà chạy gạo cho con là may mắn lắm rồi. Anh không biết, chứ con Hải còn khổ hơn nữa, phải đi xin nước vo gạo uống đỡ đói. Anh đi tù, còn khổ hơn tụi em chứ?”

Hoàng ngần ngại hỏi: “Răng mà tụi bây bỏ dạy học, chạy lang bang đầu đường xó chợ kiếm cơm như ri?”

Tâm nói lớn: “Ai mà dám bỏ việc trong thời buổi ni? Bọn em bị đuổi việc, không cho dạy nữa, vì gia đình ngụy quân, ngụy quyền. Nhà cửa cũng bị tịch thu, không nơi trú ngụ.”

Mấy người xe đạp thồ hăm hở tiến đến gần Hoàng mời mọc. Hoàng chọn người già nhất, ốm o, đội nón lá rách và hỏi:

“Về cửa Đông Ba bác lấy mấy đồng?”

Người đàn ông nói nho nhỏ: “Anh cho mấy cũng được. Ngồi lên xe đi!” 

Hoàng dạng chân, leo lên khung sắt chở hành lý phiá sau yên xe. Người đạp xe thồ thở phì phò mệt nhọc khi lên dốc cầu ga. Hoàng nhảy xuống, phụ đẩy xe qua khỏi dốc, rồi leo lên lại. Người xe thồ cám ơn, và hỏi:

“Anh đi mô về rứa?”

Hoàng đáp: “Mới đi tù về!”.

Ông nói: “Khổ chưa!”

Hoàng cười vui vẻ: “Được ra khỏi tù là sướng, chớ răng mà bác kêu là khổ?”

Ông già đạp xe chíp miệng: “Đi tù thì khổ là cái chắc. Nhưng ra khỏi tù rồi cũng chưa hết khổ mô! Không chừng lại còn nhiều mối lo hơn khi đang ở tù. Tin tui đi!

 Nghe giọng nói eo éo khàn khàn như vịt xiêm của ông xe thồ, và thoáng nhớ nét mặt quen quen của ông, Hoàng chợt nhận ra ông cụ là ai. Anh la lớn:

“Dừng lại, dừng lại bác ơi!”

Ông già ngơ ngác. Hoàng nói

“Bác đưa xe cho cháu đạp, bác ngồi, cháu chở đi.”

Ông cụ bối rối: “Bậy nờ! Mần chi mà lạ rứa?”

Hoàng thúc dục: “Bác cứ leo lên đi! Cháu còn sức đạp xe mà!”

Hoàng đạp xe chở ông cụ mà lòng tan nát tơi bời nhớ đến kỷ niệm xa xưa. Ông nầy là bố của Hồng, người yêu đầu đời. Hai đứa yêu nhau tha thiết, tưởng có thể chết cho nhau được, thế mà cuộc tình không thành. Ông cụ đã nghiêm cấm. Ông nói với con gái: “Mần răng thì mần, Ba nhứt thiết không sui gia, không nói chuyện với ông Thụ. Không ngồi ngang hàng với ông nớ!” Ông khinh khi gia thế của Hoàng thuộc giai cấp lao động. Ngày xưa, lúc ra đường, khi nào ông cũng áo quần phẳng phiu, mang áo vét, thắt cà-vạt, giày da láng bóng, như sắp đi dự hội nghị quốc tế quan trọng. Ông lái chiếc xe hơi cũ. Thời đó, xứ Huế rất ít người có xe bốn bánh. Ông tránh giao thiệp với hàng xóm, có lẽ ông nghĩ rằng, họ không cùng giai cấp. Ông cụ chưa nhận ra thằng rể hụt đang còng lưng thở phì phò đạp xe chở ông

Dọc theo đường Lê Lợi, ngang qua trường Quốc Học cũ, nơi tràn đầy kỷ niệm của một thời xa xưa. Hồi đó, có nghèo khổ, có thiếu thốn, nhưng tràn đầy hy vọng cho tương lai. Đời tươi như hoa nở.

Ông cụ ngồi sau xe, cứ lẩm bẩm hoài: “Răng mà lạ ri hè! Lạ quá đi chớ!” Hoàng đạp xe và đưa tâm trí miên man về miền quá khứ

Đang mệt thở hổn hển, Hoàng tần ngần, không dám hỏi trực tiếp tin tức về người yêu cũ, mà né tránh, hỏi về ông chồng của nàng:

“Anh Dũng, chồng cô Hồng đã được ‘cách mạng khoan hồng’ tha về chưa bác?”

Ông cụ xe thồ ngạc nhiên hỏi: “Ủa, anh cũng biết thằng Dũng, rể tui? Hắn cũng chưa được về. Mà răng anh biết tui hè?”

Hoàng hơi bối rối, không trực tiếp trả lời câu hỏi của ông, từ tốn nói: “Tụi cháu gặp nhau trong trại cải tạo Bình Điền một thời gian. Sau đó, chuyển trại, mất tin tức nhau. Có thời Dũng bệnh nặng, nằm liệt cả tháng, tưởng không qua khỏi. Bây chừ cô Hồng mần việc chi bác? Có còn đi dạy không?”

Hoàng cố tránh, không muốn để ông cụ biết anh là ai, để đỡ ngỡ ngàng. Ông cụ ho khan mấy tiếng, rồi trả lời

“Có chồng đi cải tạo, ai mà cho dạy nữa! Hắn bị đuổi lên kinh tế mới Nam Đông, ôm theo ba đứa con dại. Nhà cửa bị tịch thu. Chân yếu tay mềm, không biết mần răng mà phá núi, bạt rừng, cuốc đất trồng khoai sắn. E rồi cũng chết đói cả lũ mà thôi.”

Hoàng ngậm ngùi: “Trời đất gió bụi, thì ra ngoài đời, cũng đói khổ không thua chi trong tù !”

Ông cụ nói nho nhỏ: “Trong tù, mấy anh khỏi lo miếng ăn, tuy đói, nhưng mỗi ngày cũng còn có chút chi cho vào miệng. Ngoài tù, mỗi sáng thức dậy, hoang mang lo lắng lắm, không biết hôm nay có củ khoai, khúc sắn dằn bụng hay không. Nhiều hôm đạp xe thồ, cả ngày chưa có chi ăn, bụng đói, chân rã rời, đạp không nổi, mồ hôi vã ướt toàn thân. Nhiều gia đình, có khi một ngày chỉ ăn một bữa, cũng có lúc, một ngày không có chi ăn. Khổ lắm anh ơi. Người ta nói trời sinh voi, trời sinh cỏ, sai bét. Họ ‘quản lý’ hết cỏ rồi, thì voi cũng nhăn răng.”

Hoàng hỏi: “Rứa thì hôm ni bác đã ăn chi chưa?”

Ông cụ đáp yếu xìu: “Có. Hai củ khoai, cũng tạm dằn bụng. Uống nước vô nữa thì cũng tạm no.”

Nghe ông cụ nói, Hoàng cũng hoang mang lo lắng. Không biết rồi mai đây, làm gì để sinh sống. Bỗng nhiên, đôi chân Hoàng rã rời, như không còn sức lực. Khi đi ngang qua chợ Đông Ba, Hoàng dừng xe lại, và nói:

“Mình vô đây uống miếng nước đã bác! Mệt và khát lắm rồi.”

Hoàng cho tay vào túi, mân mê đếm tiền. Nhờ có vợ bí mật tiếp tế cho một ít tiền từ tháng trước. Bên gia đình vợ, chạy hết được ra khỏi xứ từ năm 1975. Chỉ có vợ Hoàng kẹt lại, vì Hoàng không chịu đi.

Hoàng ngồi xuống bên gánh chè, mời ông cụ xe thồ ăn một chén. Ông cụ lắc đầu, bảo ông không có tiền, mà dù có tiền, cũng không phí phạm, chè là thứ xa xỉ trong thời buổi nầy. Hoàng nói bác đừng lo, cháu đãi bác mà. Ông cụ ngần ngại, rồi cũng ăn. Hoàng thấy mặt ông rạng rỡ, nhai nuốt ngon lành, liếm mép, vét đáy chén, như cả đời chưa bao giờ nếm đến món nầy. Trong lòng Hoàng, dấy niềm thương cảm. Ngày xưa, ông ngăn cản cuộc tình giữa Hoàng và con gái ông, nhưng Hoàng không hề oán giận hay ghét bỏ ông. Hoàng chỉ không ưa cái phách lối phân biệt giai cấp, nghề nghiệp, giàu nghèo. Các con ông đều là bạn của Hoàng. Thằng Quý, con trai đầu của ông là bạn học thời thơ ấu, Hồng là người yêu của Hoàng, các em Hồng là Đạo, Huy, Bê Chị, Bê Út. Ngày đó, ông cấm con ông giao thiệp, chơi đùa với trẻ con trong xóm, vì sợ lây nhiễm cái bần của con cái gia đình nghèo. Nhưng rồi mười mấy năm sau, đám con cái nhà nghèo nầy, có đứa thành giáo sư trung học, đại học, bác sĩ, luật sư, kỹ sư, sĩ quan, hoặc giữ các chức vụ hành chánh trong xã hội. Các con ông, chỉ có Hồng lết lên đến đại học, làm giáo sư. Nhớ các con ông, Hoàng tần ngần hỏi:

“Quý bây giờ làm chi? Ở mô hở bác? Có còn làm thơ viết văn không?”

Ông nói với giọng buồn: “Hắn tự tử chết rồi. Ngày xưa hắn chống chiến tranh, trốn quân dịch, bị bắt đi làm lao công chiến trường, rồi bị thương tật. Sau 1975, vì không lao động được, chỉ ăn bám vợ. Thấy vợ vất vả, hộc tốc ngày đêm tối mắt tắt mày chạy kiếm gạo, mà cả nhà cha con đều đói. Hắn tự tử chết cho bớt gánh nặng đè trên vai con vợ khốn khổ. Hắn có viết mấy bài thơ cảm động lắm, ai đọc cũng chảy nước mắt dầm dề.”

Mắt ông cụ đỏ ngầu và ướt. Hoàng thở dài, thầm nghĩ, nếu trong hoàn cảnh của Quý, thì Hoàng cũng chọn cái chết, cất bớt gánh nặng cho gia đình. Hoàng hỏi tiếp:

“Còn Đạo và Huy chừ mần chi? Hình như Đạo có thời đi vô bưng theo ‘mặt trận’ phải không?”

Ông cụ thở một tiếng rất dài: “Đúng, thằng Đạo có thời vô bưng. Sáng con mắt ra. Vỡ mộng, rồi trốn về thành, theo chương trình chiêu hồi. Hắn bặt tăm từ tháng 3 năm 1975, có lẽ mai danh ẩn tích ở một nơi mô đó. Hoặc không chừng đã bị thanh toán gọn rồi. Còn thằng Huy thì bị bắt đi ‘nghĩa vụ quân sự’, đã gởi xác bên Kampuchia.”

Im lặng một lúc cho bớt xúc động. Hoàng hỏi tiếp: “Còn Bê Chị, Bê Út chừ ở mô? Đã có chồng con chi chưa?”

Ông cụ nhìn ra xa, và nói như trong mơ: “Bê Chị bây chừ lang thang, theo đoàn văn công đi lưu diễn đây đó. Có lẽ cũng vất vả, khổ cực, nhưng cũng đỡ đói khát. Hai năm trước, vào dịp Tết, có người gặp nó ở trại Tống Lê Chân, giữa rừng già gần biên giới Miên Việt, trình diễn văn nghệ giúp vui cho bộ đội. Còn con Bê Út thì đi vượt biển không có tin về. Có lẽ cũng xong một đời rồi.”

Hoàng bụm hai tay vuốt mặt. Ông cụ nhìn kỹ Hoàng, rồi chộp vai anh mà lắc, hỏi: “Hoàng! Anh là Hoàng phải không? Trời ơi, thay đổi như ri, thì ai mà nhìn cho ra?”

Hoàng nói nho nhỏ: “Phải, cháu là Hoàng đây. Hàng xóm của bác, và là bạn của Hồng ngày xưa. Cuộc đời đổi thay nhiều quá, không biết mô mà lường!”

Ông cụ thở dài, nói như phân bua: “Anh có tin vợ chồng là duyên số không? Không duyên nợ, thì có vùng vẫy mấy cũng không thành. Nầy, mà con Thu vợ anh, là một người đàn bà đảm lược và gan lì có hạng, cả xóm ai cũng phục hắn. Bị đuổi đi kinh tế mới, nhất định cố thủ, không đi. Bị cắt sổ hộ khẩu, cũng không sợ. Hắn còn dọa, la toáng lên cho bà con biết, sẽ đốt nhà tự thiêu cùng ba đứa con, nếu bị ép quá. Có lẽ chính quyền cũng sợ nó làm ẩu, mang tiếng.” 

Về đến nhà, Hoàng móc tiền ra trả, ông cụ không lấy. Hoàng dúi vào túi ông rồi đẩy đi. Ông quay lại: “Coi như tui nợ anh số tiền ni.”

Cuộc đoàn viên của Hoàng với gia đình sau bốn năm tù tội xa cách đầy cả niềm vui và nước mắt.

Xóm cũ, bây giờ cán bộ miền Bắc vào, tịch thu nhà, ở xen kẽ đó đây. Họ lạnh lùng, ánh mắt nhìn xoi mói như muốn dò xét, kiểm soát xóm giềng. Thu, vợ của Hoàng trước đây cũng đi dạy học, bị sa thải, vì có chồng đi tù cải tạo, nàng nói với Hoàng:

“Không cho dạy học nữa, cũng không tiếc. Nhờ vậy nên mình mới có thì giờ kiếm được chút cơm cháo, nuôi con sống qua ngày. Mấy đứa còn đi dạy, suốt ngày bận rộn, nào là ‘giáo trình’, nào là ‘đứng lớp’, liên miên học tập chính trị, đêm về còn họp hành đến khuya khoắt. Lại đi làm chiến dịch xoá nạn mù chữ, xuống tận các thuyền đò trên sông, lên tận các miền núi non. Học viên thì bị bắt buộc, cả ngày đã lao động quá mệt, đêm về uể oải, buồn ngủ không muốn học, không muốn nghe. Mình “mất dạy” nên có thì giờ, chạy đến nhà quen, vét mua áo quần cũ bán ra miền Bắc. Mua một, lời hai ba. Người ta nhát gan, không dám ra chợ trời bán, sợ bị bắt, mình đến tận nhà, dù chúng nó biết là mua bán, cũng không tịch thu hoặc kết tội được. Cái xứ gì mà mua bán là “mất đạo đức cách  mạng”. Đi ăn cướp, thì là có đạo đức cách mạng chắc?”

Hoàng lo lắng: “Em ăn nói nên giữ lời một chút, kẻo mang hoạ vô thân.”

Thu đáp: “Em biết chứ, bà Long ở cạnh nhà mình đó, bị tịch thu nhà, và bắt đi tù cải tạo, chỉ vì nói câu: “Đói rách vĩ đại”. Chúng nó kiêng, cho rằng chữ ‘vĩ đại’ chỉ để dùng riêng cho ông Bác của chúng thôi. Hai năm trước người ta đồn rằng, có thằng học sinh 15 tuổi, bị bắn chết, vì hắn dám kêu là ‘lão Hồ’. Chúng nó là một lũ điên, mù quáng, thờ phượng quỷ sứ.”

Hoàng can: “Thôi thôi em ơi. Nói cho đã miệng, rồi mang họa vào thân, khổ lắm.”

Mắt Thu long lên: “Nếu tất cả mọi người đều đủ can đảm nói lên đúng sự thật, không nói dối, và biết xấu hổ khi nói lời hoang tưởng về xã hội chủ nghĩa, lại không nghĩ một đường, nói một nẻo, thì bọn chúng hết đất sống. Anh xem, xưa nay trong lịch sử Việt Nam, từ thời bị Tàu cai trị, bị Tây đô hộ, có bao giờ dân tình bị khốn khổ, áp bức, hăm dọa, khủng bố, kềm kẹp như bây giờ không?”

Nghe vợ nói, mà Hoàng sợ lạnh cả xương sống. Anh biết mình hèn nhát. Đã không dám làm, mà cũng không dám nói. Anh thầm phục vợ. Đúng, nếu tất cả mọi người đều không sợ, thì chúng nó hố to

Cái xóm cũ ngày xưa vui vẻ sống động, bây giờ tiêu điều buồn bã. Bọn con trai ngày trước, chỉ còn lác đác vài mạng. Gặp nhau cũng không dám chuyện trò nhiều, chào nhau lạt lẽo, không dám tin, và e dè nhau. Phần bọn con gái thì vẫn còn khá đông, đứa nào cũng xất bất xang bang, đói vàng mắt, chạy gạo nuôi con, nuôi chồng trong tù.

Con Hiền thì ôm con từ cao nguyên về, chồng đi tù, che tấm ni-lông trước hiên nhà bố mẹ chồng, mấy mẹ con chui rúc trong đó. Những đêm đông mưa dầm gió tạt, rét mướt, mấy mẹ con ngồi ôm nhau cho đến sáng. Cả đám rách rưới như tổ đỉa. Mùa đông, lâu lâu thấy Hiền mặc quần ướt, vì chỉ còn một cái, giặt ban đêm phơi chưa khô. Ba đứa con còn nhỏ, Hiền ngược xuôi tất tả, nó như con chim tha mồi về cho đàn con đói. Hiền kể rằng, nhiều đêm chưa kiếm gì được cho con ăn, nó về rất khuya, con nằm đói lả, nó cũng chưa có chút gì vào miệng, bụng cũng đói meo, nằm ôm con mà nước mắt dầm dề. Hiền có hiềm khích với gia đình chồng, và tự ái, không muốn van xin. Ông bà nhạc gia giận hắn hỗn láo, và có lẽ ông bà cũng đang đói, không giúp đỡ được gì cho lũ cháu nội. Có khi đói quá, nửa đêm, nó gào lớn, kêu tên ông bà nhạc gia ra mà bêu rếu: “Ông bà Trang ơi, cháu nội ông bà đang chết đói đây. Ông bà ăn lấy một mình, lòng dạ nào mà nhìn lũ cháu nội chết đói đây!” Bên trong, ông Trang ghé miệng qua song cửa “Suỵt! suỵt! Mi có câm cái miệng lại không? Tau ra đánh cho chết cả đám bây chừ!” Nó thách đố ông, gào to thêm giữa đêm khuya vắng. Ông bà xấu hổ với xóm làng, im lặng chịu thua.

Anh Phú ngày xưa ghét và chống Mỹ, chạy vô bưng. Bây giờ về lại Huế, miệng thì vẫn ca ngợi cách mạng, hoan hô Bác Đảng, nhưng mặt thì buồn tênh, tái mét. Anh cũng đói. ‘Cách mạng’ cũng chỉ cho phong cho anh cái chức vụ quèn, chạy cờ, vô thưởng vô phạt. Họ còn nghi ngờ anh được Mỹ Ngụy gài vào bưng nữa.

Một buổi sáng Hoàng gặp Lê là bạn cũ, Lê cho biết mấy năm nay không cho lũ con đến trường nữa, vì không muốn chúng học những điều gian dối, láo khoét, học căm thù, học nhỏ nhen ti tiện. Không đi học, thì chúng khỏi tiêm nhiễm những hư hỏng, xấu xa của bọn người rừng thượng cổ đó. Phần Lê, thì giả vờ nửa tỉnh nửa điên, ngày ngày đứng trước cửa nhà chửi đổng, kêu ‘chú’ ông Trời ra mà thoá mạ, cũng còn kiêng kỵ, chưa dám kêu ‘bác’ ông trời, sợ chúng quy chụp phạm húy.

 Hoàng hỏi thăm anh Thiên, người anh lớn của Lê, trước đây là thiếu tá Thủy Quân Lục Chiến, mới biết anh đã cùng đồng đội ngồi quanh, rút chốt lựu đạn tự sát tập thể trong cuộc lui quân hỗn loạn vì lệnh lạc bất nhất ngày đó.

Thằng Tiến, bạn cùng lớp với Hoàng ngày xưa, nó hiền như con gái, có ông bố vợ đi tập kết ra Bắc từ 1954 trở về. Ông nắm giữ một chức vụ quan trọng gì đó trong ‘thành ủy’ Bình Trị Thiên. Ông đã nhờ đồng chí ngụy tạo cho anh con rể một giấy chứng nhận, là ‘cơ sở’ tức ‘cách mạng’ nằm vùng. Tiến được cất nhắc lên làm giám đốc một công ty sản xuất. Nhờ đó, mà Tiến ôm hết tiền bạc của công ty nhà nước, mua thuyền vượt biên cùng với gia đình hai cô em vợ. Ông bố vợ bị kiểm điểm, mất chức, nhưng ông không buồn. Khi nào người ta cũng thấy ông cười cười như đang có chuyện gì vui. Thiên hạ xì xào ông đã ‘hy sinh đời bố, củng cố đời con’

Một hôm, vợ Hoàng thầm thì: “Không lẽ mình chịu sống mãi cuộc đời áp bức đen tối không thấy ánh tương lai nầy sao? Phải làm cái gì chứ! Anh biết không, chị Hương có gặp anh Phong trên xe lửa. Anh ấy bảo là đang cùng bạn bè chiến đấu ‘phục quốc’ ở rừng Tây nguyên. Anh đang đi chiêu mộ bạn bè đồng chí hướng. Trước đây, bằng lòng buông súng đầu hàng, vì nghĩ mấy mươi năm chiến tranh, dân chúng đã khổ lắm rồi, hy vọng thanh bình, dù cho chế độ nào, nhân dân cũng sẽ đỡ khổ hơn. Nhưng không ngờ, hết chiến tranh, còn đói khổ hơn gấp nhiều lần. Chúng cai trị hà khắc, xía vào từng đời sống riêng tư, muốn kiểm soát chặt chẽ cả tư tưởng, ý nghĩ, sinh hoạt thường ngày. Chính họ đã bắt buộc chúng ta cầm súng đứng dậy, để cởi ách nô lệ nầy. Anh có muốn tham gia không, em bằng lòng để anh đi.”

Nghe mà Hoàng sợ lạnh cả người, và thấy xấu hổ với vợ. Hoàng ấp úng: “Anh sợ quá! Trước đây, chúng ta có cả triệu tinh binh, mà chỉ vì Mỹ thôi viện trợ, hết đạn dược, nên đành chịu thua. Bọn chúng, có cả mấy chục nước trong khối cộng sản tiếp tế, viện trợ không ngưng nghỉ. Chúng ta lấy gì mà chống lại?”

Thu nghiêm mặt: “Lấy gì để chống lại? Chúng ta lấy lòng dân để giành lại đời sống tự do. Trước đây, nhân dân cả hai miền Nam Bắc đều bị chúng lừa bịp ngon ơ. Dân Nam thì chưa hiểu rõ cộng sản là cái quái gì, dân Bắc thì bị nhồi nhét tuyên truyền dối trá. Nay mọi người đều hiểu biết, biết rõ. Lòng dân là ý trời. Nếu có kẻ anh hùng dựng cờ lên tiếng, thì muôn người sẽ về theo như sóng dậy. Lịch sử đã chứng minh từ xưa đến nay, khắp Âu, Á, khi bị bạo quyền cai trị, thì ban đầu, cũng chỉ năm ba người dựng cờ khởi nghĩa, mà đi đến thành công.”

Buổi nói chuyện với vợ hôm đó, làm Hoàng vừa lo nghĩ, vừa sợ hãi, vừa phấn khởi, vừa xấu hổ cho bản thân, những tình cảm đối nghịch nầy làm anh phát bệnh, sụm luôn mấy ngày.

Thu biết chồng không có đủ can đảm và dũng khí để làm đại sự. Cô thúc dục Hoàng: “Nếu không làm được gì cho đất nước, thì phải làm cho riêng mình, cho gia đình. Sống trong chế độ nầy, con người trở thành hèn nhát, nhỏ nhen, ti tiện, dối trá. Phải tìm đường thoát. Không còn lối nào khác.”

Sáu tháng sau, Hoàng xin giấy phép của công an, đưa vợ con về vùng kinh tế mới Cà Mau. Rồi leo lên thuyền ra khơi đi tìm tự do. Khi thuyền bị chết máy, lênh đênh trên biển nhiều ngày. Đói, khát, hết hy vọng sống sót, nhưng Thu vẫn cương quyết nói: “Thà chết trên đường đi tìm tự do, còn hơn là sống với bọn gian ác khốn cùng đó.”

Khi được định cư trên quê người, trong hai mươi mấy năm liên tiếp, Thu đã chắt chiu từng đồng, mua quà gởi về, chia xẻ cho các bạn bè cũ trong xóm, mua gạo cho con cái họ đỡ đói trong thời buổi điên khùng đó.

Tháng 5 năm 2015, kỷ niệm bốn mươi năm đau buồn ‘mất nước’, các cô bạn ngày xưa trong xóm cũ nội thành, nay đều đã thành ‘mệ’, họp nhau tại quận Cam để chung vui hàn huyên. Các bà nầy đa số đi theo chồng qua Mỹ theo chương trình tù nhân chiến tranh, một số khác đã vượt biển, một số nhỏ, được gia đình bảo lãnh. Bà nào cũng con cháu đầy đàn. Nhắc lại thời xưa, mà bà nào cũng nước mắt còn rưng rưng. /.

Tràm Cà Mau 

Báo Mai

Đón chào năm mới trên khắp thế giới 2025

image

Pháo hoa thắp sáng bầu trời đêm trên khắp thế giới khi những người tham gia lễ mừng năm mới chào đón năm 2025.

Phải mất 26 giờ để chào đón năm mới trên 39 múi giờ khác nhau.

https://baomai.blogspot.com/2024/12/on-chao-nam-moi-tren-khap-gioi-2025.html

***

10 lời khuyên giúp bạn thay đổi tiền bạc vào năm 2025

BM

Khi năm 2024 kết thúc, bạn có thể đang suy ngẫm về các mục tiêu tài chính cho năm 2025.


Cho dù bạn đang tiết kiệm để chuyển ra khỏi nhà bố mẹ hay cố gắng trả hết nợ vay từ thời sinh viên, các quyết tâm tài chính có thể giúp bạn duy trì động lực, ông Courtney Alev, Cố vấn cho người tiêu dùng của Credit Karma cho biết.


“Bước vào năm mới không tự nhiên xóa bỏ mọi thách thức tài chánh của chúng ta từ năm trước”, ông Alev nói. “Nhưng nó thực sự có thể giúp mang lại một tâm lý khởi đầu mới cho cách bạn quản lý tài chánh của mình”.

***

Lễ mừng năm mới trên khắp thế giới

BM

Tôi từng lắc đầu trước những câu trích dẫn cuối năm. Bạn biết đấy – chúng tràn ngập trang mạng xã hội của bạn vào mỗi tháng 12, hứa hẹn sự thay đổi nếu bạn chỉ cần “tin tưởng” hoặc “ước mơ lớn hơn”. Nhưng năm nay, có điều gì đó đã thay đổi. Trong nghi thức viết nhật ký buổi sáng, tôi tình cờ đọc được một câu trích dẫn khiến tôi phải dừng bút giữa chừng: “Cuối năm không phải là kết thúc hay khởi đầu mà là sự tiếp diễn, với tất cả sự khôn ngoan mà kinh nghiệm có thể truyền đạt cho chúng ta”.
***

image

Tuy nhiên, một số người trên thế giới có những cách rất khác nhau để có được khởi đầu thuận lợi đó.
***

image

Thời điểm của sự lạc quan, lên kế hoạch và quyết tâm. Có cảm giác rằng có lẽ năm nay chúng ta sẽ thực hiện những thay đổi mà chúng ta đã định: nghỉ ngơi nhiều hơn, thói quen ăn uống tốt hơn, tập thể dục nhiều hơn hoặc một công việc mới. Ngày đầu năm mới là thời điểm dành thời gian để chuẩn bị cho mọi thứ sắp diễn ra. Chúc mừng năm mới!
***

BM

Bạn là khách quen ở quầy thanh lý. Bạn không ăn trưa ở ngoài quá nhiều. Và bạn đã tỉ mỉ lựa chọn sự kết hợp hoàn hảo giữa các dịch vụ phát trực tuyến để xem các chương trình yêu thích của mình với mức giá rẻ nhất có thể.


Nhưng có một số mẹo mà bạn có thể chưa biết và đó là điều tốt! Bởi vì khi bạn thấy một số lĩnh vực mà bạn có thể cắt giảm chi phí, bạn có thể tìm thấy một khoản tiền mặt trong túi sớm hơn bạn nghĩ.

https://baomai.blogspot.com/2024/12/9-ieu-ngu-ngoc-nhat-ma-nguoi-thong-minh.html

***

Các công ty bảo hiểm ở Texas khi tài xế biết về khoản hoàn tiền ẩn

BM

Những người sống trong mã bưu chính đủ điều kiện có thể được giảm giá thậm chí còn lớn hơn.


Khi Miranda nhập mã bưu chính của mình vào Insurance.Comparisons.org, cô ấy đã bị sốc. Cô ấy phát hiện ra rằng đại lý bảo hiểm địa phương của mình đã tính phí quá cao và cô ấy có thể mua bảo hiểm ô tô với giá rẻ hơn nhiều.

https://baomai.blogspot.com/2024/12/cac-cong-ty-bao-hiem-o-texas-khi-tai-xe.html

***

BM

Cựu tổng thống Jimmy Carter đã giúp hàng trăm ngàn người tị nạn Việt Nam đến Mỹ và thiết lập nền tảng để Mỹ tiếp đón người tị nạn về sau mà nếu không có ông thì đã có biết bao nhiêu thuyền nhân Việt chết trên biển, những người nắm rõ vấn đề trong cộng đồng Việt Nam cho biết.


Ông Carter là tổng thống Mỹ thứ 39 từ năm 1977 cho đến năm 1980, những năm đầu tiên sau cuộc chiến ở Việt Nam. Sức khoẻ ông trở nên rất yếu ở tuổi 98. Ông được đưa về nhà riêng ở bang Georgia để sống những ngày cuối đời trong an bình bên cạnh người thân.

https://baomai.blogspot.com/2024/12/cuu-tong-thong-jimmy-carter-la-nhan-cua.html

***

Lốc xoáy trên khắp Hoa Kỳ khiến 4 người tử vong

image

Brian Hurley, một nhà khí tượng học thuộc Trung tâm Dự báo Thời tiết của Cơ quan Thời tiết Quốc gia Hoa Kỳ cho biết có ít nhất 45 báo cáo về thiệt hại do lốc xoáy trên khắp các tiểu bang Texas, Louisiana, Mississippi, Alabama và Georgia. Các đội khảo sát sẽ xem xét thiệt hại để xác nhận lốc xoáy.

https://baomai.blogspot.com/2024/12/loc-xoay-tren-khap-hoa-ky-khien-4-nguoi.html



NẠN ĐÓI 1945 QUA LỜI KỂ NGƯỜI ĐƯƠNG THỜI…


Những ai đã từng sống ở các đô thị lớn như Hà Nội và Hải Phòng sẽ không thể quên được những cảnh rùng rợn hằng ngày xảy ra trong những tháng đầu năm 1945. Trên các nẻo đường dẫn tới Hải Phòng, từng đoàn người thất thểu từ ngoại ô tiến vào trung tâm thành phố để khất thực. Trong những đoàn người này già có, trẻ có, trai có, gái có, nhưng cái đói đã làm cho họ không còn hình người nữa. Da mặt nhăn nheo, hai má hõm sâu, đôi mắt lờ đờ không còn một tia sinh khí nào. Trông họ giờ đây khó mà phân biệt được đâu là đàn ông, đâu là đàn bà, già hay trẻ. Tất cả chỉ còn da bọc xương. Nhiều người quần áo rách rưới đến nỗi chỉ có mỗi manh chiếu quấn quanh thân. Ngay cả những thiếu nữ cũng không còn biết e thẹn nữa!
Hồi đó vài hội từ thiện hay nấu cháo bày ở viện Tế bần đường Lạch Tray hoặc ở lò sát sinh đường An Dương để cứu trợ đồng bào. Nhiều bộ xương, chân tay run rẩy, cố lách tới chiếc bàn dài. Hai bàn tay khẳng khiu như hai ống sậy cố nâng bát cháo, một tia hy vọng bùng lên trong đôi mắt lờ đờ nhưng rồi vì kiệt lực, kẻ đáng thương này ngã chết queo trên mặt đất, nước cháo tung tóe khắp người.
Nạn đói năm 1945 xảy ra đúng vào mùa đông nên mỗi đêm lưỡi hái của tử thần thường thu được nhiều kết quả lắm. Nạn nhân không chịu được cái đói và cái rét nên chết co quắp trên vỉa hè, dưới mái hiên hoặc ở ngưỡng cửa nhiều căn phố. Sáng ra vừa mở cửa thì một xác chết ngã vật vào trong nhà. Chủ nhà phải thuê người lôi xác chết ra vỉa hè để đợi xe rác của Sở vệ sinh mang đi. Do đó đã xảy ra nhiều vụ lợi dụng xác chết. Nhiều kẻ thiếu lương tâm đến nổi lôi xác từ căn nhà này sang đặt vào cửa nhà bên cạnh để kiếm tiền thuê một lần nữa.
Nạn đói này trầm trọng đến nổi, nhiều người phải ăn cả thịt chuột cống, vốn là con vật mà ngày thường người ta vẫn coi là vật ghê tởm. Tại vài đô thị, sự mua bán thịt chuột trở nên công khai và Phủ Thống Sứ phải ra nghị định: "cấm chuyên chở và bán chuột sống hay chết, chuột chưa nấu chín hoặc đã chế thành món ăn". Sau thịt chuột người ta còn ăn cả thịt người! Theo tin đồn thì ở vài đô thị đông dân như Hà Nội, Hải Phòng, có một bọn lưu manh táng tận lương tâm chuyên bắt cóc trẻ con mang ra ngoại ô giết lấy thịt bán cho hàng phở, hàng bánh cuốn. Tin đồn này không được chính quyền lên tiếng phản đối, cho nên nhiều bà mẹ ngày đêm lo lắng, giữ con nhỏ trong nhà không dám rời chúng nửa bước. Hồi đó chúng tôi được một người bạn thân, từng làm việc tại Sở cảnh sát Hải Phòng cho biết rằng có một lần cảnh binh bắt được hai tên đang giết một đứa trẻ trong nghĩa trang An Dương. Vì sợ làm hoang mang dân chúng nên chính quyền không dám đem vụ đó ra xử công khai.
Khi nạn đói mới bắt đầu, số người chết còn ít lắm, mỗi buổi sáng những chiếc xe mang dấu Hồng thập tự của Sở vệ sinh sẽ đi quanh các phố, nhặt xác mang về Bệnh viện thành phố rồi cuốn chiếu đem chôn tử tế. Về sau, số người chết đói tăng nhiều, một xe Hồng thập tự không đủ nữa, Sở vệ sinh thành phố phải thuê xe bò nhặt xác về tại Bệnh viện thành phố, tại đó một nhân viên Sở vệ sinh sẽ đếm số xác trả tiền. Tới khi số người chết nhiều quá, phố nào cũng có nên không thể tập trung xác ở một nơi được nữa. Sở vệ sinh cho phép nhà thầu được đem xác đi chôn. Họ chỉ cần bảo người nhặt xác cắt đôi vành tai của xác chết xâu lại rồi mang tới Sở vệ sinh lấy tiền.
Dọc con đường từ cầu Niệm tới tỉnh lỵ Kiến An, Sở Công chính đã cho đào sẵn những hố dài để các xe hất xác chết xuống, rồi họ sẽ rắc một lần vôi bột rồi lấp đất cho đầy. Những ngôi mộ công cộng này là nơi an nghỉ của hàng chục ngàn nông dân xấu số. Thương thay cũng một kiếp người!
Nguồn: Nạm đói năm Ất Dậu 1945,
TĂNG XUÂN AN

Inline image


CHỨNG NHÂN MỘT SỰ KIỆN LỊCH SỬ

Tình Hoài Hương



Buổi chiều hôm đó, một buổi chiều có mây trắng bồng bềnh bay trên lưng trời, có nắng nhè nhẹ rót xuống thế trần, có gió mơn man trên đầu cây ngọn cỏ, cảnh vật bình thường như bao buổi chiều trước.

Có khác chăng là một tí nữa đây Thụy Mi và mấy anh bạn sẽ trở thành số ít người hiếm hoi, sẽ tận mắt chứng kiến sự việc đặc biệt ghi đậm nét như một dấu ấn lịch sử: Từ đầu đến cuối sự kiện trọng đại nầy đã có nhiều dư luận, có nhiều lý thuyết, có nhiều phán đoán, có nhiều nghi vấn. Nhưng “trăm nghe không bằng mắt thấy” về những nhân vật trọng đại liên hệ đến lịch sử Việt Nam.

Đó là một buổi chiều định mệnh vô cùng đớn đau bi thảm, ngày 02 tháng 11 năm 1963, ông Trần Trung Dung (nguyên Bộ Trưởng Quốc Phòng, dưới thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm). Ông Dung đã gọi phone tới nhà Hoàng. Trong nhà có thêm bạn: Trung, Thạch, Thụy Mi, Lan, Dung ngồi gần bàn làm việc. Hoàng bắt phone và chuyển cho Ba, (chủ trại hòm Tobia).

Sau một hồi lâu trao đổi, giọng Ba trở nên lo lắng, bối rối bồn chồn, như có điều gì bức bách buồn khổ lắm. Cuối cùng Ba thở dài, buông phone và cây viết Bic xuống quyển sổ dày. Ba e dè nhìn mọi người hiện diện, đôi mắt ông rướm lệ ngập ngừng nói nhỏ:

- Tổng thống và ông Cố vấn đã chết lúc 11 giờ 15 phút. Họ đọc giấy chứng tử hai ông cho Ba nghe, do Đại-úy y sĩ trưởng bệnh xá hành dinh Tổng tham mưu khám nghiệm và thành lập hồ sơ. Hai ông đã chết trong chiếc thiết vận xa M113 mang số 80.989, bởi lịnh của Dương văn Minh. Sát thủ là Nguyễn văn Nhung, đã giết hại hai ngài.

Sửng sốt, bàng hoàng, mọi người ngơ ngác nhìn nhau. Tất cả túc trực trong phòng khách, vội mở radio lên lắng nghe. Hội đồng tướng lãnh do Trung tướng Dương Văn Minh đứng đầu đảo chánh, đã thành công.

Ông Minh tuyên bố: - “Tôi tạm thời lãnh đạo quốc gia”.

Đài Phát Thanh Sài Gòn chỉ mở nhạc hòa tấu, nhưng luôn luôn nói đi nói lại: “Anh em ông Diệm đang ẩn nấp, hoặc tẩu thoát đâu đó”.

Chẳng nói chẳng rằng, Ba vội vã sai Hoàng đi gọi đạo tỳ tới xưởng hòm chuẩn bị hậu sự cho Tổng thống Diệm và ông Cố vấn Nhu.

Ở nhà kho có nhiều hòm tuy đẹp, đắt tiền, nhưng không mấy xuất sắc. Có một cái hòm tốt nhứt bằng gỗ giá tỵ rất quý hiếm, bọc sẵn thêm cái hòm kẽm ở bên trong. Ý Ba muốn để cái hòm nầy cho ông cố vấn Nhu.

Ngoài ra, còn một cái hòm nhôm mới toanh của quân đội Mỹ rất đẹp, làm bằng nhôm nhẹ, có hai lớp, bên ngoài mạ lớp sơn bóng loáng, bên trong bọc một lớp nhung mỏng, êm ái. Phía trên hòm có nắp kính, dễ dàng mở nắp ra đóng lại, lộ mặt và nửa thân hình người quá cố. Hòm có chốt cài bên hông.

Ở Việt Nam chưa xuất hiện loại hòm tân thời như vậy. Chiếc hòm rất sang trọng đẹp đẽ quý hiếm nầy lẽ ra sẽ đựng thi hài của một viên sĩ quan cấp tá người Mỹ đã từ trần tại Việt Nam. Nhưng không hiểu tại sao họ lại vất bỏ nó ở bên hông nhà ướp lạnh trong phi trường Tân Sơn Nhứt?

Tình cờ Ba đi làm việc đã thấy. Tiếc quá nên Ba nài nỉ, thương lượng với viên quản lý nhà xác, mua lại đem về trưng bày trong tiệm của mình để coi chơi. Ai tới tiệm mua giá cao cỡ nào ông cũng không bán. Thế là Ba quyết định:

- Chỉ có Tổng Thống Ngô Đình Diệm mới xứng đáng nằm an nghỉ trong đó thôi.

Hai khuôn hòm được mang ra lau chùi bóng loáng, sát trùng sạch sẽ, trong nhà họ chuẩn bị sẵn sàng; chờ lịnh. Gần 4 giờ chiều, phone của ông Trần Trung Dung gọi:

- Ông vui lòng đem khuôn hòm tới nhà xác bệnh viện Saint Paul đường Tú Xương. Tuyệt đối không được có đông người đi theo. Xe chỉ chở mỗi lần một cái hòm thôi.

Ba anh nêu ý kiến:

- Có nên lấy thêm một xe nữa đi theo xa xa xe kia không?

- Không. Chở từng hòm một, cách xa nhau nửa giờ. Đem cái “đầu tiên” đi trước. Đem cái hòm đặc biệt “đầu tiên” đi, (ý họ muốn nói đến khuôn hòm của Tổng Thống Diệm, sẽ liệm trước tiên). Chiếc xe tang từ từ lăn bánh. Trên xe có Má, ( chủ tiệm nhà hòm TOBIA ), Hoàng, Mi, Thạch, Trung, Lan, cộng thêm bốn người đạo tỳ. Xe lao vô đường phố vắng tanh như đi trong thành phố chết, hoặc giờ giới nghiêm thiết quân luật vậy. Đến đường Tú Xương, Mi mới thấy cảnh sát, quân cảnh đứng canh gác ở các chốt. Xe jeep chận ngang ngỏ vô nhà xác.

Ngoài mấy người kể trên ra, còn có hai soeur ở nhà thương nầy. Thêm vợ chồng cháu rể của Tổng thống lăm le chiếc máy hình trong tay. Khi xe tang vô tới bên trong, thì một soeur rón rén, lấp ló len lén nhìn trước ngó sau, coi soeur có vẻ sợ sệt, lén lút như người làm chuyện mờ ám gì, chẳng biết. Hình như soeur có lịnh trước, soeur vội vàng kéo cánh cửa đóng ập lại liền. Trong nhà xác chỉ có một ngọn đèn vàng lù mù leo lét treo tòn ten trên trần.

Bốn đạo tỳ đem quan tài đặt trên bệ đá cẩm thạch trong nhà xác. Họ đợi khoảng một giờ thì có một chiếc xe Hồng thập tự kiểu Dodge nhà binh màu cứt ngựa thắng lết bánh, đỗ xịch lại. Soeur canh cổng kia lật đật mở cánh cửa nhà xác ra.

Từ trên xe có bốn quân nhân nhảy phóc xuống, họ vội vàng khiêng chiếc băng ca lắc lư nhún nhảy, một người nằm trên băng ca cũng lắc lư theo nhịp bước mau. Họ đưa băng ca vô hẳn phía trong đặt xuống dưới đất. Chẳng buồn dòm ngó ai hay nói câu nào, họ lo cúi đầu vội vã quay trở ra, nhảy tọt vô xe. Chiếc xe Dodge rít lên nghe rợn tóc gáy lao vút đi trong sự im lặng hãi hùng.

Lúc bấy giờ cả nhóm liền bước tới đứng sát bên người nằm trên đó là vị kính mến của nền Đệ Nhứt Cộ̣ng Hòa miền Nam Việt Nam: Tổng Thống Ngô Đình Diệm (1901-1963). Ngài mặc bộ veston màu xanh rêu, thắt cà vạt xanh đậm có chấm trắng. Dưới chân ngài mang một chiếc giày màu đen, bên chân kia chỉ có một chiếc vớ trắng. Cả bộ сom-lê chìm trong màu máu. Trên đầu tổng thống có một vết thương sâu từ dưới ót trổ lên đỉnh đầu bê bết máu. Ngài nằm đó thản nhiên, im lặng, dường như chìm trong giấc ngủ bình an không muộn phiền, chẳng uất hận khổ đau…

Ánh sáng vụt lóe lên. Thì ra ông cháu rể ngoại quốc kia đã bấm được vài ba tấm hình. Chẳng hiểu lúng túng, run rẩy, sợ hãi lo lắng hay sao, mà ông vội cất giấu máy hình, không chụp thêm, mà lại ngưng? Hay thấy cảnh máu me thật hãi hùng và đau lòng, nên ông không cầm nỗi cơn nghẹn ngào xúc động đau đớn dâng tràn bờ mi!

Đạo tỳ khiêng xác ngài lên đặt trên một bệ đá cẩm thạch có lót hai lớp vải trắng. Má nói với mọi người và hai soeur:

- Nhờ mấy cháu lấy bông gòn, compresse nhúng đầy an côn lau nhẹ nhàng, lau sạch sẽ, cẩn thận các vết máu cho Tổng Thống giúp tôi với. Cảm ơn lắm.

Họ lộ vẻ kính cẩn, ân cần chu đáo sửa sang áo quần Tổng Thống Diệm chỉnh tề, ngay ngắn. Bốn đạo tỳ chăm chỉ cắm cúi lo tẩn liệm Ngài đàng hoàng. Má lâm râm đọc kinh cầu nguyện cho linh hồn người quá cố. Bà nhét vô tay Tổng Thống xâu chuỗi hột mân côi. Hình như Tổng Thống Diệm vừa mới chết, cho nên hai bàn tay Ngài nhẹ nhàng khép lại dễ dàng để giữ xâu chuỗi, như Ngài đang lim dim đọc kinh lần hột.

Mọi người hiện diện nín thở, có cảm tưởng tim đập thiếu nhịp. Thở hụt hơi. Nghẹn ngào. Ngậm ngùi cay đắng bẽ bàng xao động. Đau xót thương tiếc cho kiếp phù sinh bạc mệnh ngắn ngủi!

Chưa kịp đậy nắp hòm, thì chiếc xe Hồng thập tự lúc nãy đã trờ tới nhà xác, cánh cửa lớn do bà soeur kia lum khum hé mở ra. Đám lính lật đật bưng cái xác thứ hai vô, bà soeur vội vàng khép mau cánh cửa ngay.

Đó là ông Cố-vấn Ngô Đình Nhu mặc áo sơ mi trắng cụt tay ngực đẫm máu, áo bỏ trong quần màu nâu xộc xệch, thắt dây lưng da, chân mang đôi giày màu kem. Gương mặt ông Nhu nghiêm nghị rắn đanh, có vẻ như bất bình điều gì, vầng trán cao cau lại với nhiều nếp nhăn, đôi môi ông mím chặt. Không ai thấy ông Nhu có nét thanh thản bình an (như gương mặt thản nhiên của người anh). Ông Nhu nằm hơi nghiêng qua một bên, ông bị nhiều vết đâm sau lưng, loại dao bayonet của quân đội. Máu vẫn ứa ra từ các vết thương đó. Trên đầu, ngay thái dương có hai vết thủng. Đó là dấu đạn đi từ bên nầy xuyên qua bên kia.

Công việc tẩn liệm cũng tuần tự diễn ra cẩn thận như lần trước. Không khí lúc nầy quả thật quá đỗi nặng nề bi thương! Im lặng hoàn toàn, hình như ai ai cũng thở rất nhẹ, họ sợ mỗi tiếng động làm dấy lên từ đáy lòng mình tiếng nấc mà họ đã kềm sâu trong tim, để khóc thương cho kiếp phù sinh: khi hai vị ấy vừa đứng trên tột đỉnh danh vọng cao sang dường bao, ấy thế mà lúc họ lìa đời thì quá ư xót xa, đau đớn và bạc bẽo!

Hoặc những người chứng kiến cảnh đau lòng kia sẽ làm hỏng không khí kính cẩn tôn nghiêm, nơi con người thực sự đã bước chân tới cõi hư vô nghìn trùng xa xăm? Quả đúng là phân giới giữa sự sống và cõi chết: chỉ ngăn cách bằng một sợi tóc dài lê thê và mỏng tanh, chia xa bởi một bức màn vô hình và mong manh như sương khói.

Nhưng, kiếp người ở hai phân giới ấy đã không thể làm gì khác hơn. Người ở biên giới nầy không thể va mặt, chạm tay qua biên giới vô hình bên kia, càng không thể biết thêm gì nhau hơn! Đó là hình ảnh nhỏ nhoi tầm thường rất cô độc của con người hiện hữu đối mặt trước sự siêu hình, cao cả của sự sống và sự chết. Quả thật không là gì cả khi thân xác ấy đã bất động như ảo ảnh hư vô, mà vô cùng thực tế và quá đỗi thương tâm.

Chúng tôi sẽ không bao giờ quên, không bao giờ phai mờ hình ảnh bi thương áo não ấy trong trí óc. Vì rất thật, quá thật tình cờ, vô tình Thụy Mi đã là chứng nhân một sự kiện lịch sử của thế kỷ. Ý thức nhận ra rõ ràng: cuộc sống sao quá mỏng manh như bóng mây trắng hờ hững bay giữa lưng trời xám bạc, như cành cây oằn thân trong bão tố khi gió muốn lặng, mà dễ đâu nào!

Thụy Mi cảm thấy mệt lả, nhịp tim rung lên từng cơn run rẩy, nghẹn nỗi đau trong cổ. Cô vội kéo Hoàng, Thạch, Trung, Liên bước ra thềm nhà xác, đi về hướng Phan Thanh Giản, để cho dễ thở và thoáng hơn.

Ngay lúc đó, Mi thấy một đoàn biểu tình náo nhiệt rầm rộ kéo nhau xuống đường. Họ vừa đi vừa giơ nắm tay vung cao, hò hét: "Đả đảo chế độ gia đình trị họ Ngô!” Họ đi thẳng tới biệt thự đường Phan Thanh Giản của ông Bộ trưởng bộ Nội Vụ Bùi Văn Lương, (người đã từng nắm giữ chức vụ Tổng ủy trưởng, Tổng Ủy Di Cư năm 1954).

Họ lao vô nhà ông Lương đập phá, hôi của, tất cả mọi thứ trong nhà thoáng chốc “biết đi”, biến sạch hết. Thậm chí cô thấy có mấy người bồng hai con chó Nhật sợ hãi nhìn quanh, như muốn tìm chủ.

Đám biểu tình nhốn nháo bắt đầu xúm lại nổi lửa trong sân. Rất may, lúc đó có toán Cảnh sát Dã chiến tới nơi can ngăn kịp thời. Ôi! "cuộc cách mạng" phừng phưng thành công rồi đó. Toàn dân bấy giờ đã thoát ra khỏi chế độ “gia đình trị họ Ngô”. Nhưng, rồi đây sẽ đến phiên ai đi tới đi lui, đi lên và đi xuống, đi qua và đi lại? Sẽ ra sao? Xin nhường câu trả lời cho lịch sử từ bây giờ, và những tháng năm sau nầy phán xét.

Nghe tiếng Má gọi, các anh, chị vội chạy trở về nhà xác, hai chiếc xe cứu thương hồng thập tự tới lấy quan tài anh em tổng thống, họ nói với tài xế: “vô Bộ Tổng Tham Mưu”.

(Vì lý do an ninh, nên Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng chuyển xác anh em Tổng thống vô Bộ Tổng Tham Mưu. Sự vụ lệnh văn thư số 836 TTM/vp, ngày 7-11-63, do ông Trần Trung Dung khẩn thiết xin được chôn cất hai Ngài, thì ngày 8/11/63 Bộ Tổng Tham Mưu có triệu tập buổi họp nầy.

Hiện diện việc chôn cất có: Trưởng ban nghi lễ Bộ TTM: Trung-tá Lê Văn Soạn. Đại đội I mai táng: Đại-úy Đỗ Văn Giương. Trưởng ban An Ninh quân đội của Bộ TTM đại diện Nha An-ninh Quân-đội VNCH: Trần Ngọc Giang. Tiểu đội trưởng Hiến binh Tân Bình: Trung sĩ Hiến-binh Nguyễn Tân Phương.

Trung-tá Lương dẫn ban kiểm soát mai táng đi quan sát lại hai quan tài, chỉ định nơi an táng là khuôn viên trại Trần Hưng Đạo, cạnh chùa Hùng Quốc Tự, gần mộ phần ông Lê Văn Phong (triều thần đời Nguyễn, bào đệ của đức Tả quân Lê Văn Duyệt). Hiện diện lúc bấy giờ có linh mục người Pháp Claude Claire đại diện Tòa Khâm Mạng Sài Gòn chủ lễ, ông bà Trần Trung Dung, Ủy ban kiểm soát, cùng một số ít quân nhân ở Tổng Tham Mưu.
́́́***

Tiếp theo sau đó còn có mấy cuộc đảo chánh, chỉnh lý nữa. Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đương nhiệm nghe lời ông thầy địa lý phán một câu xanh dờn:

- Vì hai huyệt mộ kia đã chôn nhằm “long huyệt”, cho nên đất nước Việt Nam đã xảy ra lộn xộn liên tục. Muốn cho yên ổn, phải cho dời đi ngay.

Thế là bên phòng cải táng cho mời ông chủ Tobia tới, họ nhờ Ba Hoàng làm hai cái kim tĩnh xây gạch, tráng xi măng có chiều cao 1m30, ngang 1m20, dài 2m50. Ba lại cho đạo tỳ đi lên Bộ Tổng Tham Mưu. Họ lén lút, hì hục đào mộ anh em cố tổng thống vào ban đêm. Đạo tỳ làm việc bù đầu không ngưng nghỉ từ chạng vạng tối đến tờ mờ sáng mới xong. Ba đem hai thi thể về chôn ở nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi. Khu lăng mộ Mạc Đĩnh Chi được bao bọc bởi bốn bức tường gạch quét vôi vàng cao khoảng 2.5 mét, rộng khoảng 7.5 hecta.

Ba có lịnh chỉ được phép lóng cát phủ lên bề mặt hai ngôi mộ bằng phẳng cho đầy, chỉ được lấp ba tấm ván sơ sài. Tuyệt đối không được phép ghi tên tuổi, ngày tháng trên bia mộ. Trông hai ngôi mộ rất hèn mọn, quá tầm thường. Dù chung quanh đó có những ngôi mộ cẩm thạch bóng loáng, vinh sang hào nhoáng lộng lẫy khác.

Vì nền Đệ Nhị Cộng Hoà “họ” sợ dân biết tin hai vị ấy đã nằm đó, dân sẽ tới cầu nguyện và ngưỡng mộ (?). Nhưng làm sao mà che được tai mắt dân lành! Không biết do đâu “rò rỉ" ra nguồn tin:

- Chính hai ngôi mộ đơn sơ không tên không tuổi, không hình bóng nầy là mộ phần của anh em Tổng Thống Ngô Đình Diệm.

Thế là từ đó, mỗi khi ai ai có dịp vô thăm nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, họ đi tới cổng chính đến đoạn giữa hai ngôi mộ "Anh Em” nằm đối diện với cái tháp tưởng niệm, và ngôi mộ cố Thống tướng Lê Văn Tỵ to lớn nguy nga, tráng lệ nhìn qua mộ phần hai anh em: "Gioan Baotixita Huynh, Giacobe Đệ”.

Có một điều rất khác biệt với những ngôi mộ lộng lẫy sang trọng kia, thì trên hai ngôi mộ đơn sơ khiêm tốn nầy, luôn luôn có những bó nhang nghi ngút khói, có bó bông tươi màu thay đổi, có bốn ngọn đèn sáng lung linh thắp suốt đêm. Hình như vì sự sợ hãi, người dân chỉ âm thầm lén lút đi thắp nến đốt nhang cầu nguyện. Họ luôn tưởng niệm cho “Ngày dài nhất thế kỷ, buổi chiều định mệnh đó”. Những người dân hiền lương ẩn danh như thầm nói:

- Vĩnh biệt Tổng Thống Diệm. Vĩnh biệt ông Cố-vấn Nhu. Xin các Ngài cứ bình thản an nghỉ. Vì, đất nước Việt Nam vẫn còn là đất nước Việt Nam. Có thay đổi chăng chỉ là đổi mới những sự kiện, những con người lãnh đạo quốc gia mà thôi. Nguyện cầu nhị vị thanh thản ra đi, phiêu lãng ngao du sơn thủy, đi khắp trên mọi miền đất nước Việt Nam.

Xin Quý Ngài phù hộ cho dân mình được ấm no, bình an hạnh phúc thật sự như Quý Ngài hằng đợi mong. Xin Quý Ngài hãy lãng quên cuộc đời bạc bẽo. Quên con người trắng trợn phản trắc, xin hãy tha thứ cho những kẻ bạc ác đã tàn nhẫn hại mình.

***

Kiếp người phù du rồi sẽ khép lại sau đôi mắt hờ hững lặng nhìn. Thụy Mi, một chứng nhân vô tình hèn mọn trong bóng tối buông tiếng thở dài, ngậm ngùi sâu lắng trên mỗi phím loan.

Nhưng chúng sợ dân Sài Gòn chống đối nên chúng lập kế hoạch chuẩn bị rồi sai người đập tan hết cái nghĩa trang ngay trong một đêm, sáng ra là mọi việc đã rồi ... Gia đình của Tổng Thống đã phải dời mộ, cải táng hai cụ về quê.

Mấy mươi năm sau Ủy ban thành phố ra thông báo di chuyển nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi ra khỏi khu vực nầy, kể từ ngày 29.4.1983 hạng cuối cùng phải hoàn tất là ngày 30.8.1983.

Hài cốt của "Gioan Baotixita Huynh - Giacobe Đệ" đã được thân nhân đào lên lần thứ ba, cải táng cho nhị vị về an nghỉ tại nghĩa-trang số 6, Lái Thiêu, Bình Hòa, Thuận An, tỉnh Bình Dương.

Lần nầy, Thụy Mi chắp đôi tay tha thiết cầu xin Thiên Chúa cho quý Ngài thật sự bình an, xin cho họ được yên nghỉ vĩnh viễn dưới lòng đất quê hương Việt Nam. Xin cho di cốt người quá cố đừng bị đào bới lên thêm lần nào nữa! Đã quá đủ rã rời chua xót, cay đắng thảm thương bi đát lắm rồi!

Romeo & Juliette khi còn trẻ & lúc về già
  •  
    ROMÉO ET JULIETTE 
     
    Từng đóng cặp với nhau trong phim Roméo ( Leonardo Whiting sinh năm 1950) và Juliette ( Olivia Hussey sinh năm 1951), phim khởi quay năm 1967, ra mắt năm 1968.
    Hai người đã gặp lại nhau vào năm 2021.
     
    Tóm tắt câu chuyện
     
    Romeo và Juliet được viết vào khoảng 1594 - 1595, dựa trên một cốt truyện có sẵn kể về một mối tình oan trái vốn là câu chuyện có thật, từng xảy ra ở Ý thời Trung Cổ.
     
    Câu chuyện bắt đầu tại thành Verona, hai dòng họ nhà Montague và nhà Capulet có mối hận thù lâu đời. Romeo, con trai họ Montague và Juliet, con gái họ Capulet đã yêu nhau say đắm ngay từ cái nhìn đầu tiên tại buổi dạ tiệc tổ chức tại nhà Capulet, do là dạ tiệc hoá trang nên Romeo mới có thể trà trộn vào trong đó. Đôi trai gái này đã đến nhà thờ nhờ tu sĩ Friar Laurence bí mật làm lễ cưới.
     
    Đột nhiên xảy ra một sự việc: do xung khắc, anh họ của Juliet là Tybalt đã giết chết người bạn rất thân của Romeo là Mercutio. Để trả thù cho bạn, Romeo đã đâm chết Tybalt. Mối thù giữa hai dòng họ càng trở nên sâu nặng. Vì tội giết người nên Romeo bị trục xuất khỏi Verona và bị đi đày biệt xứ. Tưởng như mối tình của Romeo và Juliet bị tan vỡ khi Romeo đi rồi, Juliet bị cha mẹ ép gả cho Bá tước Paris. Juliet cầu cứu sự giúp đỡ của tu sĩ Laurence. Tu sĩ cho nàng uống một liều thuốc ngủ, uống vào sẽ như người đã chết, thuốc có tác dụng trong vòng 42 tiếng. Tu sĩ sẽ báo cho Romeo đến hầm mộ cứu nàng trốn khỏi thành Verona.
     
    Đám cưới giữa Juliet và Paris trở thành đám tang. Xác Juliet được đưa xuống hầm mộ. Tu sĩ chưa kịp báo cho Romeo thì từ chỗ bị lưu đày nghe tin Juliet chết, Romeo đau đớn trốn về Verona. Trên đường về chàng kịp mua một liều thuốc cực độc dành cho mình. Tại nghĩa địa, gặp Paris đến viếng Juliet, Romeo đâm chết Paris rồi uống thuốc độc tự tử theo người mình yêu. Romeo vừa gục xuống thì thuốc của Juliet hết hiệu nghiệm. Nàng tỉnh dậy và nhìn thấy xác Romeo bên cạnh đã chết, Juliet rút dao tự vẫn.
     
    Cái chết tang thương của đôi bạn trẻ đã thức tỉnh hai dòng họ. Bên xác hai người, hai dòng họ đã quên mối thù truyền kiếp và bắt tay nhau đoàn tụ, nhưng câu chuyện tình yêu ấy vẫn mãi sẽ là nỗi đau rất lớn trong lòng những người biết đến họ.
     
    28/12/2024.

Một Cơn Đau Tim & Khác biệt giữa Stroke và Heart Attack

Một Cơn Đau Tim
 
Tối thứ ba tuần trước, sau khi gửi ý kiến về Lá Diêu Bông vào D Đ, tôi đi ngủ rất ngon đến hơn 6 giờ sang, dậy đi tắm và sửa soạn đi làm, cảm thấy thoải mái bình thường, không có triệu chứng gì khác lạ. Khoảng 7 giờ hơn, khi với tay tắt ngọn đèn trên đầu tủ (hơi cao), tôi bỗng thấy mặt nóng bừng, mồ hôi toát ra, hai cánh tay rã rời như vừa khiêng vác vật nặng quá sức. Khi đó, tôi hơi nghi là bị stroke (đứt hoặc nghẽn mạch máu dẫn vào óc), liền lấy máy đo huyết áp, thấy rất cao, khoảng 180/100. Tôi vội lấy 2 viên thuốc chống cao máu uống liền một lúc. (Tiếc rằng nhà không có sẵn aspirin). Ngay sau đó, tôi xuống cầu thang thì bắt đầu thấy tức ngực, đau khoảng giữa lồng ngực, nửa như đau bao tử (xót bao tử khi đói), nửa như bị ai đấm vào chấn thủy. Nhìn vào gương, cười, nói, dơ tay lên xuống thì không thấy có gì biến đổi hay khó khăn, không nhức đầu chóng mặt, hát thử vài câu vẫn thấy dở như thường, nghĩa là không có những triệu chứng của stroke. Tôi liền nghĩ ngay đến heart attack (cơn đau tim), chứ không phải stroke. Không chần chờ nữa, tôi gọi số cấp cứu 911 ngay. Lúc đó vào khoảng 7 giờ 20, chỉ chừng 10 phút sau khi tôi nhận thấy triệu chứng khó chịu đầu tiên.
 
Qua điện thoại, nhân viên cấp cứu bảo tôi ngồi hoặc nằm ở tư thế nào thấy thoải mái nhất, nhờ người nhà lấy tất cả những thứ thuốc tôi đang uống để sẵn, và để ngỏ cửa vào nhà. Khi đó tôi vẫn tỉnh táo, đọc tên từng loại thuốc và liều lượng đang uống cho họ, nhưng rất khó thở và hai cánh tay rất mỏi. Vẫn không thấy nhức đầu và không nói líu lưỡi (không phải stroke). Chừng 5 phút sau, xe cấp cứu tới. Người paramedic (chuyên viên cấp cứu) cho tôi nhai ngay chừng 5 hay 6 viên baby aspirin (loại 81 mg), nhai rồi nuốt trửng chứ không chiêu với nước để cho thuốc thấm theo nước miếng vào các mạch máu nhỏ dưới lưỡi, mục đích là làm cho máu loãng ra. Đồng thời họ xịt Nitroglycerin lỏng vào dưới lưỡi tôi ba lần, mỗi lần cách nhau chừng 5 phút, để cho các mạch máu giãn nở (không được dùng quá 3 lần, kẻo sự giãn nở mạch máu quá đáng, có thể gây stroke). Tôi thấy bớt tức ngực, thở dễ hơn, nhưng hai cánh tay vẫn rã rời. Trái lại, đầu óc tỉnh táo, không nhức đầu, và chân đi vẫn vững vàng (không stroke).
 
Chừng 5 phút sau, xe cứu thương tới. Tôi đã cảm thấy dễ thở hơn và có thể tự đi ra trèo lên băng-ca cấp cứu. Trên đường vào vào bệnh viện, tôi để ý thấy xe không hụ còi - có nghĩa là không có gì khẩn cấp lắm. Trên xe, người paramedic hỏi chuyện tôi liên tục, mục đích là coi tôi có tỉnh táo, có bị stroke khiến nói ngọng không. Có người vừa bị heart attack vừa bị stroke, rất nguy hiểm.
 
Khoảng 15 phút sau đến bệnh viện, họ đưa tôi vào khu cấp cứu, có bác sĩ chăm sóc ngay lập tức. Họ tiếp "nước biển" hòa thuốc làm loãng máu và làm tan máu đông (blood clots), morphine làm bớt đau, chụp quang tuyến X lồng ngực để tìm dấu vết sưng phổi nếu có (pneumonia), đo tâm động đồ (EKG). Đồng thời họ cho thử máu để tìm chỉ số enzyme định bệnh tim. Khi tim bị thiếu máu, tim sẽ tiết ra loại enzyme này. Nếu chỉ số enzyme cao tức là bệnh nhân đã bị heart attack. Lần đầu, có lẽ vì thử nghiệm quá sớm, nên chỉ số không cao. Họ chờ 2 tiếng sau thử lại, thì mới rõ ràng là bị heart attack. Vì nhịp tim của tôi đập không quá nguy cấp, nên bác sĩ không mổ ngay. Trong thời gian đó, tuy vẫn nằm ở khu cấp cứu, nhưng tôi rất tỉnh táo, bớt đau ngực và tay, và còn có thể lấy smart phone ra trả lời ngắn gọn một hai emails.
 
Lạ một điều là tâm động đồ làm mấy lần đều không có dấu hiệu heart attack rõ ràng. Sau này bác sĩ giải thích rằng bắp thịt tim tôi chưa bị hư hại và còn hoạt động mạnh dù bị attacked, có lẽ nhờ vào việc tôi bơi lội thường xuyên (tôi thường bơi 40 đến 60 chiều dài hồ bơi trong một giờ, một hai lần mỗi tuần - nhưng từ sáu tháng nay bận nhiều việc quá nên chuồn, không bơi, không tập thể dục gì hết!).
 
Khoảng 3 giờ chiều thì bác sĩ chuyên khoa tim quyết định làm phẫu thuật thông mạch máu tim (angioplasty). Theo kỹ thuật này, bác sĩ cắt một lỗ rất nhỏ ở mạch máu gần háng hay cổ tay - trường hợp của tôi bác sĩ cắt ở cổ tay - rồi luồn một camera cực nhỏ ở đầu một catheter (ống mềm rất mảnh) đưa vào đến động mạch tim. Camera sẽ chiếu lên màn ảnh computer lớn như TV cỡ 60" để cho thấy chỗ bị tắc nghẽn. Khi đó tôi vẫn tỉnh, chỉ hơi mơ mơ buồn ngủ do được chích thuốc an thần, không làm mê hoàn toàn, và không cảm thấy đau đớn gì hết. Khi tìm ra chổ mạch máu nghẽn, bác sĩ sẽ "bắn" cho cục máu đông (blood clot) tan ra, rồi đẩy một "bong bóng" (balloon) vào chỗ đó, xong bơm cho bong bóng căng lên, làm phồng khúc mạch máu nghẹt khiến cho máu thông dễ dàng, trước khi xì hơi bong bóng, còn để lại một "giàn lưới" (stent) hình ống, nằm lót bên trong nhằm căng khúc mạch máu đó ra. Lưới sẽ nằm vĩnh viễn trong mạch máu tim, nên bệnh nhân sẽ phải uống thuốc làm loãng máu dài dài, nếu không, máu đông có thể kẹt vào đó làm heart attack nữa!
 
Cuộc giải phẫu, ban đầu dự tính chừng 45 phút, đúng hai giờ mới xong! Mà vẫn còn hai mạch máu nữa chưa được thông, nên vài tuần nữa tôi sẽ phải vào bệnh viện làm tiếp. Tuy nhiên, lần sau sẽ dễ dàng hơn nhiều, có thể làm xong trong ngày, trừ khi tôi để cho bị heart attack nữa. Sau khi mạch máu tim được thông, tôi cảm thấy dễ chịu ngay lập tức. Hai cánh tay hết mỏi rã rời, ngực hết tức, nhịp thở gần bình thường trở lại.
 
Bác sĩ đã mổ từ mạch máu ở cổ tay tôi, luồn vào tim, nên tôi mau hồi phục hơn là mổ từ dưới háng. Sau ba ngày, mở băng ra, cổ tay tôi chỉ còn vết đóng vảy cỡ như bị con kiến lửa cắn rồi mình gãi ra mà thôi! Tuy nhiên, dọc theo cánh tay có vết bầm phía bên trong, chắc là do đường ống luồn qua gây nên. Không đau đớn gì cả. Tim không có cảm giác gì mới lạ, vẫn yêu, thương, hờn, giận... như thường! Đặc biệt là sau khi được thông mạch máu tim, huyết áp của tôi xuống và nằm ở mức rất tốt, rất ổn định. Bác sĩ giải thích là do mạch máu được thông nên tim đỡ phải làm việc nhiều, không cần bơm máu mạnh như trước nữa, nên áp suất nén vào thành mạch máu cũng giảm đi. Thật là một công đôi việc!
 
Qua tai biến này, tôi rút ra được vài kinh nghiệm quý báu như sau, xin được chia sẻ cùng Diễn Đàn:
 
* Thứ nhất, BÌNH TĨNH MÀ RUN! Đúng vậy, ai mà không run khi nghĩ đùng một cái mình đang bị một trong hai chứng bệnh giết người nhiều nhất và nhanh chóng nhất: Heart attack đứng đầu, stroke thứ ba, chỉ sau ung thư. Nhưng phải thật bình tĩnh và tỉnh táo để không lãng phí từng giây phút và làm bệnh thêm trầm trọng.
 
* Thứ hai, NGƯNG MỌI HOẠT ĐỘNG VÀ ĐỂ Ý NGAY KHI CÓ TRIỆU CHỨNG LẠ THỨ NHẤT (trường hợp tôi là toát mồ hôi dù buổi sáng khá lạnh). Nếu đang lái xe, cần phải tìm chỗ an toàn đậu lại ngay. Chú ý: Nếu có cell phone, luôn luôn mang bên mình, không để trong cặp hay giỏ đàng sau cóp xe.
 
* Thứ ba: GỌI CẤP CỨU NGAY KHI CÓ NHIỀU HƠN MỘT TRIỆU CHỨNG LẠ của stroke hay heart attack (thí dụ: cánh tay mỏi rã, tức ngực, ngay sau khi toát mồ hôi). Ở Mỹ: Không nên nhờ người nhà chở vô nhà thương, mà phải gọi 911. Lý do: bệnh viện có bổn phận phải cấp cứu ngay lập tức khi tiếp nhận một bệnh nhân do 911 đưa tới. Người paramedic đưa mình tới phải chờ cho đến khi thấy mình được chăm sóc bởi bác sĩ, rồi mới đi được. Nếu mình tự tới xin cấp cứu, trừ khi bị thương máu me đầm đìa như bị đụng xe, còn không sẽ phải làm nhiều thủ tục và chờ đợi trước khi được cấp cứu. Nếu bị stroke hay heart attack mà mất chừng 15 phút là nguy lắm rồi.
 
* Thứ tư: Cố gắng PHÂN BIỆT CÁC TRIỆU CHỨNG GIỮA STROKE VÀ HEART ATTACK. Khi chuyên viên cấp cứu đến nhà, cố gắng trả lời rõ ràng sao cho họ có thể hướng sự cấp cứu về một loại tai biến: Stroke hay Heart Attack. Lý do: những giây phút cấp cứu đầu tiên là cực kỳ quan trọng. Nếu không phải stroke vì máu nghẽn, mà vì đứt mạch máu, nhức đầu mạnh, mạch máu chính trên đầu bị bể, mà nhân viên cấp cứu cho thêm aspirin làm loãng máu, nitroglycerin làm giãn mạch... thì tiêu luôn tại chỗ! Theo các bác sĩ, khi thiếu máu vào nuôi, tế bào óc sẽ chết mau hơn tế bào tim nhiều. Do đó, nếu nhân viên cấp cứu tin là bệnh nhân bị stroke do đứt, bể mạch máu thì nhiều phần là họ sẽ lo chở bệnh nhân vào bệnh viện thật sớm (bây giờ ở Mỹ và các nước tiên tiến có thuốc chích có thể hồi phục stroke, nếu được chích trong vòng một, hai giờ kể từ khi có triệu chứng đầu tiên, càng sớm càng tốt.) Nếu tin là heart attack thì họ sẽ thử làm cho máu loãng và mạch nở tại chỗ, mất chừng 10 phút trước khi họ chở đi. Mười phút phù du đầu tiên đó quý giá bằng 10 năm hay có thể bằng cả quãng đời còn lại!
 
* Thứ năm: Trong bệnh viện, cần TỈNH TÁO (khi còn có thể), NÓI CHUYỆN NHÌỀU với y tá, bác sĩ (không hiểu thì yêu cầu người thông dịch). Đặt câu hỏi mỗi khi nhân viên y tế làm bất cứ thủ thuật nào trên cơ thể mình. Thí dụ: Chích thuốc này làm gì? Tại sao cần chụp X-ray ngực hai lần trong vòng vài giờ khi tình trạng không có gì thay đổi? - Nhờ hỏi mà tôi tránh được 1 lần X-ray vô ích do lỗi của y tá, người ca trước đã làm, người ca sau lại định làm nữa!
 
* Thứ sáu: Khi đã lên bàn phẫu thuật mà không bị đánh thuốc mê thì hãy quên hết mọi sự, mà chỉ NGHĨ VỀ CHUYỆN VUI, như chuyện trên Diễn Đàn THTĐ, mặc kệ họ làm gì thì làm! Chẳng có gì phải lo lắng nữa!
 
Nguyễn Hưng

=========================================

Khác biệt giữa
Stroke và Heart Attack

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

Stroke tiếng Việt gọi là Đột Quỵ hoặcTai Biến Mạch Máu Não, còn Heart Attack là Cơn Đau Tim. Hai bệnh có một số điểm giống và khác nhau đôi khi cũng khó mà phân biệt.
- Cả hai đều gây ra do sự gián đoạn cung cấp máu cho mỗi bộ phận là não và tim
Cả hai đều cần được cấp cứu tức thì vì hậu quả của bệnh tùy thuộc vào điều trị sớm hay muộn.
- Triệu chứng của hai bệnh khác nhau.
Nhận diện và nhớ được sự khác biệt về dấu hiệu báo động sự xuất hiện giữa hai bệnh đôi khi cũng gây bối rối cho nhiều người. Xin cùng tìm hiểu về hai bệnh này.
Trước hết, xin nhấn mạnh là các tế bào trong cơ thể hoạt động được đều nhờ chất dinh dưỡng và dưỡng khí do dòng máu cung cấp. Gián đoạn sự cung cấp này sẽ đưa tới rối loạn chức năng cho bộ phận đó rồi cho toàn cơ thể.
Não bộ và tim là hai bộ phận chủ chốt của cơ thể và rất nhậy cảm với sự thiếu cung cấp nguồn nhiên liệu để hoạt động, dù sự gián đoạn chỉ trong vài phút đồng hồ.

Stroke là gì?

Stroke là một cơn yếu ớt bất chợt ở một phía của cơ thể gây ra do sự gián đoạn lưu hành máu tới một phần nào đó của não.
Ngưng cung cấp máu có thể là do ở trên não có một cục máu làm tắc nghẽn (85%) hoặc do một mạch máu bị đứt rách.
Không có máu, tế bào não chết liền nếu không đư
ợc cấp cứu.
Mỗi phút không điều trị đưa tới hủy hoại cho 1.9 triệu tế bào não, 7.5 miles sợi thần kinh và 14 tỷ điểm giao liên kết hợp thần kinh.
Báo cáo y học của American Heart diễn tả sự tổn thương tế bào não khi không được điều trị với sự hóa già của cơ quan này như sau:
Cứ một giây không điều trị não già đi gần 8 giờ, mỗi phút không điều trị, não già gần 3 tuần lễ, chậm điều trị 1 giờ, não già đi 3.6 năm và nếu không chữa, não già đi 36 năm.Mà não đã hóa già hết hoạt động thì hậu quả tai hại sẽ vô lường, vĩnh viễn.
Coi vậy thì cấp cứu điều trị Stroke quan hệ như thế nào.
Cho tới nay, đột quỵ được coi là đệ tam sát thủ đối với con người, sau bệnh tim và ung thư và là đệ nhất nguyên nhân gây ra tàn phế cơ thể, đệ nhị hung thủ gây tàn phế thần kinh, sau bệnh Alzheimer.
Bên Hoa Kỳ, hàng năm có tới trên dưới 700,000 người bị stroke với gần 200,000 tử vong.
Sống sót thì cứ một trong sáu người cần chăm sóc tại các cơ sở lâu dài; ba trong bốn người giảm khả năng làm việc.
Kinh hoàng như vậy mà dường như nhiều người vẫn chưa biết rõ về bệnh cũng như chưa chịu áp dụng các phương thức phòng ngừa để bệnh không đến với mình.

Những dấu hiệu báo trước

Dấu hiệu tùy thuộc nguyên nhân gây tai biến, vùng não và số lượng tế bào bị tổn thương. Ðiểm đặc biệt của dấu hiệu báo động là một số những “Ðột Nhiên”.
- Ðột nhiên thấy yếu một bên cơ thể như mặt, tay hoặc chân là dấu hiệu sớm nhất và thông thường nhất; rồi:
- Ðột nhiên thấy tê dại trên mặt, cánh tay hoặc chân ở một nửa thân người;
- Ðột nhiên thấy bối rối, nói lơ lớ khó khăn hoặc không hiểu người khác nói gì;
- Ðột nhiên có khó khăn nhìn bằng một hoặc cả hai con mắt;
- Ðột nhiên chóng mặt, đi đứng không vững, mất thăng bằng;
- Ðột nhiên thấy nhức đầu như búa bổ mà không rõ nguyên nhân.
Không phải tất cả các dấu hiệu này đều xẩy ra trong mỗi tai biến. Nhưng nếu thấy một vài trong những dấu hiệu đó là phải kêu cấp cứu, tới nhà thương ngay. Ðây là trường hợp khẩn cấp, trễ phút nào nguy hiểm gia tăng với phút đó.
Y giới đưa ra trắc nghiệm gọi tắt là FAST để sớm phát hiện stroke:
F = Face: yêu cầu họ cười, coi xem một bên mặt có méo, môi xệ.
A =Arm: yêu cầu dơ 2 tay lên cao, coi xem một tay có yếu suội thõng xuống.
S =Speech: yêu cầu nhắc lại một câu nói, coi xem dọng nói có ngọng lớ, nhắc lại có đúng
T=Time có nghĩa thời gian điều trị là quan trọng, cần hành động kêu 911 cấp cứu ngay.
Nếu áp dụng trắc nghiệm này thì đôi khi người thường cũng dễ dàng thấy stroke đang xuất hiện.

Ngoài ra, tùy theo não trái hoặc phải bị tổn thương mà triệu chứng khác nhau đôi chút.
a- Ðột quỵ ở não trái hay phải đều đưa tới suy yếu hoặc tê liệt của phần cơ thể phía đối diện cộng thêm mắt mở rộng hoặc môi xệ xuống;
b- Ðột quỵ não trái gây ra rối loạn về ngôn ngữ ảnh hưởng tới việc phát ra và hiểu lời nói kể cả đọc và viết. Lý do là trung tâm kiểm soát ngôn ngữ thường nằm bên não trái. Nạn nhân cũng có rối loạn về trí nhớ, một chút rối loạn hành vi, chậm chạp và dè dặt hơn.
c- Tổn thương não phải: Ngoài tê liệt nửa thân phía trái, bệnh nhân còn bị mất trí nhớ, hành vi hấp tấp, không suy nghĩ, kém nhận xét về không gian, hay bị xúc động, buồn rầu và chỉ để ý tới sự việc xẩy ra mé phải cơ thể. Chẳng hạn bệnh nhân không thấy có người tới ở phía trái hoặc bỏ quên thực phẩm trên phần đĩa bên trái.

Điều trị


Điều trị stroke tùy theo bị máu cục hoặc đứt động mạch.
Máu cục thì thuốc loãng máu như aspirin là ưu tiên rồi tới heparin…Aspirin cần được dùng trong vòng 3 giờ sau tai biến.
Còn stroke do đứt mạch máu thì cần giải phẫu để sửa chỗ đứt và giảm áp lực của máu tràn đè lên tế bào não. Aspirin không được dùng vì sẽ làm máu loãng, chẩy nhiều hơn.
Sau giai đoạn cấp cứu, bệnh nhân được tiếp tục điều trị tại Trung tâm Phục hồi Chức năng, để lấy lại các chức năng đã mất hoặc suy yếu gây ra do sự thiếu nuôi dưỡng tế bào não.
Tóm lại, Tai biến Động mạch não là một tai nạn trầm trọng, cần được cấp cứu tức thì để cứu vãng sự sinh tồn của tế bào thần kinh. Nhiều nhà chuyên môn coi tai biến này nguy hiểm như Cơn Suy Tim heart attack, và gọi là Brain Attack.
Tai biến có thể viếng thăm bất cứ ai, không kể tuổi tác, nam nữ, giầu nghèo.


Heart Attack là gì?

Tim là bộ phận thiết yếu trong việc nuôi dưỡng toàn bộ tế bào trong cơ thể. Hằng ngày, tim liên tục làm việc suốt 24 giờ để bơm một khối lượng hơn 7000 lít máu. Ðể hoàn thành công việc này, tim cần oxy và chất dinh dưỡng do động mạch vành (Coronary Artery) cung cấp.
Vì nhiều lý do khác nhau, mặt trong của động mạch vành bị các mảng chất béo bám vào, làm cho động mạch trở nên cứng và hẹp, máu lưu thông giảm đi. Một máu cục có thể thành hình và gây tắc nghẽn hoàn toàn sự lưu hành của máu. Tế bào tim không nhận được chất dinh dưỡng và oxy, sẽ bị hủy hoại Ðó là sự nhồi máu cơ tim (myocardial infarction). Thời gian thiếu máu càng lâu thì sự hủy hoại của tế bào tim càng lan rộng và cơn đau tim càng trầm trọng hơn.
Ðôi khi, cơn đau tim cũng xảy ra khi động mạch vành co thắt tạm thời làm cho lưu lượng máu tới tim giảm đi. Các cơn co thắt tạm thời này có thể gây ra do căng thẳng tâm thần, tiếp xúc với thời tiết lạnh, khói thuốc lá hoặc khi sử dụng vài loại thuốc như bạch phiến…
Tại Hoa Kỳ, mỗi năm có khoảng 1,5 triệu người bị Cơn Đau Tim với hậu quả là gần 500,000 trường hợp tử vong. Hơn một nửa số tử vong này xảy ra 1 giờ sau cơn đau và trước khi bệnh nhân tới bệnh viện. Ngoài ra đã bị Heart attack cũng thường đưa tới Stroke.
Cơn đau tim là một trường hợp khẩn cấp, cần được điều trị tức thì. Mỗi giây phút trì hoãn là giây phút dẫn tới “thập tử nhất sinh” cho người bệnh.
May mắn là cơn đau tim có thể điều trị được và các nguy cơ gây ra cơn đau tim có thể đối phó, thay đổi để phòng ngừa căn bệnh hiểm nghèo này.

Những dấu hiệu báo trước Cơn Ðau Tim


Có một số dấu hiệu báo trước sự xuất hiện của cơn đau tim:
a- Cảm giác khó chịu, đau đè như có vật nặng ép trên ngực, kéo dài tới mấy phút rồi mất đi, nhưng có thể tái xuất hiện.
Cơn đau có thể nhè nhẹ vừa phải tới đau không chịu được.
b- Cảm giác đau từ ngực chạy lên vai, cổ hoặc lan ra cánh tay; đầu ngón tay cảm thấy tê tê..
c- Choáng váng, muốn xỉu, đổ mồ hôi, buồn nôn, khó thở.
d- Lo sợ, nóng nẩy, bồn chồn.
đ- Da xanh nhợt.
e- Nhịp tim nhanh, không đều.
Nếu cảm thấy một trong những dấu hiệu này thì phải kêu cấp cứu ngay.
Nên lưu ý là phụ nữ có thể có các dấu hiệu khác hoặc không rõ ràng như nam giới. Họ có thể cảm thấy đau ở bụng, cho là bị ợ chua với da ẩm ướt hoặc mệt mỏi bất thường. Mà không ngờ là có thể đang bị heart attack.

Ðiều trị


Ngay khi cảm thấy có dấu hiệu bị cơn đau tim, bệnh nhân cần phải kêu số điện thoại cấp cứu để được đưa đi khám bệnh và điều trị càng sớm càng tốt. Ðiều trị sớm có thể ngăn ngừa hoặc giới hạn sự hư hao của tế bào tim và giảm được tử vong cho người bệnh.
Trên đường chuyên trở bệnh nhân tới bệnh viện, nhân viên cấp cứu đã có thể bắt đầu sự chữa trị với phương tiện sẵn có trong xe cấp cứu. Họ thường xuyên liên lạc trực tiếp với bác sĩ tại bệnh viện để thông báo tình trạng người bệnh và tham khảo ý kiến về cách thức đối phó với cơn đau tim. Họ có thể cho bệnh nhân thở oxy, dùng thuốc giảm đau tim nitroglycerin, morphine.Họ cũng sử dụng máy cấp cứu tim khi nhịp tim rối loạn, tạm ngưng..
Tới nhà thương, bệnh nhân được đưa vào phòng cấp cứu tim trang bị đầy đủ dụng cụ, và dược phẩm. Các bác sĩ sẽ hành động ngay để phục hồi sự lưu hành máu tới tim, giảm thiểu tổn thương cho các tế bào và liên tục theo dõi tình trạng bệnh.
- Thuốc gây tan cục huyết được dùng trong vòng 1 giờ kể từ khi bắt đầu có dấu hiệu của cơn đau tim.
- Thuốc loại nitrate để giúp động mạch bớt co thắt và giảm cơn đau trước ngực.
- Thuốc chống đông máu đề làm máu loãng, tránh đóng cục trong lòng động mạch.
- Thuốc viên aspirin để ngăn ngừa tiều cầu kết tụ với nhau…
- Ngoài ra còn các dược phẩm giúp hạ huyết áp, giảm sức căng của động mạch, nhờ đó tim làm việc nhẹ nhàng hơn; thuốc điều hòa nhịp tim; thuốc an thần giảm đau. Bệnh nhân liên tục được hít thở oxy…
Thời gian điều trị tại bệnh việc tùy thuộc tình trạng nặng hay nhẹ của bệnh, sự đáp ứng với các phương thức chữa trị, thường thường là năm, sáu ngày nếu không có biến chứng.

Trước khi xuất viện, bệnh nhân được hướng dẫn về cách thức chăm sóc và dùng thuốc, về chế độ dinh dưỡng, về nếp sống, về sự vận động cơ thể với chương trình vật lý trị liệu, phục hồi chức năng của tim. Bệnh nhân sẽ hiểu rõ nên vận động như thế nào để tăng cường sức mạnh của cơ thể mà không gây ra rủi ro cho trái tim, hiểu rõ về bệnh tim của mình và biết cách đối phó với các khó khăn trong đời sống hằng ngày để tránh cơn đau tim tái phát.

Kết luận


Dù là Cơn Đau Tim hoặc Đột Quỵ, cả hai bệnh đều là “thậm cấp chí nguy”, cần được điều trị tại bệnh viện tức thì.
Nhận biết và nhập tâm các dấu hiệu báo động sự xuất hiện của Đột Quỵ và Cơn Đau Tim là việc cần thiết để cứu vớt sự sống.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức



Sáng đôi mắt mù

  • Con người cần điều gì? Cần đôi mắt sáng, cần có ánh sáng. Đôi mắt và ánh sáng như là phương tiện cho cuộc sống mỗi con người.
    Dạo đó, khi cả miền Nam đang bấn loạn lên, vì cuộc chiến tranh mấy mươi năm sắp đến hồi kết cuộc. Bắc quân hồ hởi tiến mau như chẻ tre. Nam quân rút bỏ, tan rã mau chóng. Những người không am hiểu tình hình chính trị quốc tế thì ngỡ ngàng, ngạc nhiên, không tin được về sự thực đang xảy ra trên đất nước này.
    Dân miền Nam đua nhau bỏ chạy ra biển, chưa biết sẽ trôi nổi về đâu, cũng chưa biết sẽ đi nơi nào, làm gì mà sống, sống có được hay không. Không cần biết. Cứ chạy trốn đã. Những người này, đã có một ít hiểu biết hoặc kinh nghiệm sống với cộng sản, nên liều chết ra khơi. Mấy cụ già miền Nam vuốt râu nói:
    “Cọng sản cũng là người Việt Nam mình với nhau, việc chi mà sợ? Cọp nó còn chưa ăn con, huống hồ chi họ với mình cùng tổ tiên, cùng giòng giống. Miền Bắc hay miền Nam đều là anh em với nhau cả mà. Chạy đi đâu làm chi cho mệt.”
    Những người trong chính quyền miền Bắc chắc cũng không hiểu nổi, tại sao nhân dân miền Nam sắp được “giải phóng”, sắp được sung sướng, sao mà lại bỏ chạy. E rằng, họ bị Mỹ Ngụy tuyên truyền đầu độc, nên dại dột dong thuyền ra khơi. Họ cho rằng, những người bỏ trốn họ, là loại trây lười, sợ lao động, sợ khổ.
    Trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh sắp tàn. Bạn của Tâm hối hả đến tận nhà lo lắng nói:
    - Anh sửa soạn hai bộ áo quần. Đem theo một ít thức ăn khô, một chai nước. Tôi đã ghi danh cho anh được xuống xà lan ở Tân Cảng, và sẽ được kéo ra khơi hôm nay hoặc ngày mai.
    Tâm trầm ngâm:
    - Không đi đâu cả. Tôi sinh ra trên quê hương này, và sẽ sống và chết với quê hương.
    - Anh chấp nhận sống với cộng sản?
    - Anh chưa hiểu ý tôi. Nếu phải chọn tự do và cộng sản, thì tôi sẽ chiến đấu để bảo vệ một chính thể tự do. Nhưng nếu phải chọn quê hương và một nơi vô định khác, thì tôi chọn quê hương. Đất nước mình đã chịu chiến tranh tàn phá 30 năm nay. Tan tác, đổ vở quá nhiều. Bây giờ là lúc toàn dân cần góp tay xây dựng lại quê hương thân yêu của chúng ta. Tôi đã chuẩn bị tinh thần rồi. Chấp nhận đi tù vài ba năm, nếu phải đi đập đá Trường Sơn, thì đá đó cũng để xây dựng đường sá và nhà cửa cho quê hương này. Đi ra ngoài, dù có làm được gì, thì cũng là làm cho người ta. Tôi chấp nhận mọi gian khổ để đổi lấy cuộc sống còn có quê hương.
    Người bạn nhìn Tâm với ánh mắt u buồn:
    - Tôi ước mong sao ý nghĩ của anh là đúng, và sau này không ân hận.
    Tâm quả quyết:
    - Tôi sẽ không bao giờ ân hận với chọn lựa này. Tôi chọn quê hương.
    Nửa tháng sau ngày miền Bắc thắng trận, một ông chú của Tâm, là cán bộ có vai vế, từ Hà Nội vào tiếp thu Sài gòn. Ông ghé lại nhà thăm. Ông này đã hăng hái tham gia cuộc kháng chiến từ thời khởi đầu năm 1945. Trong tình thân gia đình, ông bực bội hỏi:
    - Sao không bỏ chạy, mà giờ này còn ở đây? Thế thì khổ đời anh rồi.
    Tâm ngỡ ngàng, nhưng cũng quả quyết nói:
    - Cháu ở lại, để góp một tay xây dựng lại quê hương đổ vỡ. Chỉ mong làm một hạt cát nhỏ trong công cuộc tái thiết đất nước nầy.
    Ông chú cười buồn mà nói:
    - Ai cho anh xây dựng mà hòng? Anh tưởng dễ lắm sao?
    - Cháu không hiểu hết ý của chú.
    - Rồi anh sẽ hiểu.Anh phải “kinh qua” mới thấm và hiểu. Chưa thực sự sống trong chế độ, thì dù cho có đọc ngàn cuốn sách, anh cũng còn mơ hồ và đầy ảo vọng.
    Tâm mạnh dạn nói mà không sợ ông chú buồn lòng:
    - Nếu cháu không lầm thì chú cũng đang là một rường cột của chế độ này. Với cái vai vế của chú, thì chú cũng có thể tạo điều kiện cho những người yêu mến quê hương này có cơ hội phục vụ đất nước.Quê hương này là của chung, gia sản của tổ tiên nhiều đời gây dựng lại, không của riêng ai, không của riêng đảng phái nào.
    Ông chú cười, ánh mắt có vẻ thương xót người cháu, ông nói:
    - Không. Anh nói vậy là chưa hiểu chi về xã hội chủ nghĩa cả. Chú cũng chỉ là một bánh xe trong guồng máy đang vận hành. Bánh xe nào không hoàn toàn ăn khớp, thì bị loại ra ngay. Bị vứt bỏ không thương tiếc. Bị chà đạp, bị hành hạ, sống không được, chết không xong. Anh không có quyền yêu mến quê hương theo tâm ý của anh. Phải yêu theo lối của người khác vạch ra, hoàn toàn đi trong đường lối đó, nếu anh muốn sống còn. Tôi xin anh, đừng có nói cái giọng điệu quê hương là gia sản chung cho ai khác nghe, mà không có lợi cho bản thân anh.
    Tâm thở dài. Một lúc sau ông chú nói tiếp:
    - Điều cần thiết nhất chú dặn anh, là đừng có dại mà thành thật khai báo lý lịch và tội lỗi của mình.  Anh đã ở miền Nam, thì dù anh có làm gì, hay không làm gì, cũng có tội với cách mạng cả. Phải tự nhận là có tội, và chỉ nhận những tội khơi khơi thôi. Chuẩn bị một bản lý lịch cá nhân. Cái gì không lợi thì đừng khai. Cái gì giấu được thì giấu. Viết càng ngắn, gọn, rõ ràng càng tốt. Khai cho y hệt nhau, đừng sai chạy. Đó, chú chỉ giúp anh được chừng ấy thôi, anh nhớ cứ làm theo, thì bớt được vận hạn khó khăn.
    Tâm chấp nhận đi tù cải tạo với sự bình tỉnh, không chút lo lắng buồn phiền. Anh đã chuẩn bị trước, và đây là chuyện phải đến. Tâm cũng không có ảo vọng đi “học tập” một tháng hay hai tuần như thông cáo do chính quyền phổ biến. Nhưng Tâm vẫn mong rằng, anh nghĩ sai. Anh đã chuẩn bị cho một cuộc đời tù tội lâu dài. Mang theo những vật dụng thật bền, chắc chắn. Những tuần đầu trong trại cải tạo, Tâm thấy bạn bè xài phí những vật dụng mang theo, anh nói với các bạn trong một buổi họp tổ:
    - Các anh nên tiêu xài tiết kiệm lại một chút. Đâu đã chắc một tháng là được về ngay!
    Các bạn anh nhao nhao phản đối:
    - Cách mạng trước sau như một. Anh không tin tưởng chính sách của cách mạng sao? Anh còn tư tưởng lạc hậu lắm. Cách mạng nói một tháng là một tháng, không sai chạy đâu.
    Thấy tất cả bạn bè đều phản đối dữ dội, và nếu cán bộ quản giáo biết được, hay có người báo cáo thì bất lợi cho bản  thân, Tâm vội vàng cười giả lả:
    - Thôi mà, tôi nói chơi cho vui, mà làm anh em sợ. Nói đùa, anh em bỏ qua đi.
    - Đùa làm đứng tim người ta. Cách mạng không bao giờ nói sai cả.
    Tâm biết anh em sợ, không dám nghe nói sự thực. Muốn nuôi ảo tưởng là một tháng sẽ được tha về, nên phản đối lời khuyên của Tâm.
    Sau 3 tuần mà chưa thấy “bài vở và học tập” chi cả. Đám tù lao nhao tiên đoán rằng, cách mạng sẽ khoan hồng cho về, mà không cần học tập lôi thôi. Đoán rằng, họ sẽ phát tài liệu cho anh em đọc, vì ai cũng đã có trình độ học vấn khá, không cần phải giảng dạy. Tâm chỉ cười, và mong sao cái mơ ước hão huyền của anh em đúng sự thực, chứ trong lòng Tâm, không hề có ảo tưởng nào. Nhiều đêm, khi 9 giờ, đèn điện tắt, có tiếng tắc kè kêu vang dội rất rõ trên đồi cao: “Tắc kè. Tắc kè.” Anh em diễn dịch ra là có điềm tốt thông báo, nên tắc kè kêu là “Sắp về. Sắp về.” Có nhiều anh loan tin rằng, mấy đêm nay xem thiên văn, thấy nhiều sao chiếu đồng quy về hướng Sài gòn, bởi vậy, anh em cũng sắp được tha về nay mai.
    Nhiều tháng sau vẫn chưa được tha về, mà thời gian tù không xác định. Tiếng tắc kè được diễn dịch lại là “Đếch về. Đếch về.” Một người bạn nói với Tâm:
    - Cán bộ luôn luôn nhắc nhở là “yên tâm cải tạo”, làm sao mà yên tâm, khi gia đình còn lắm việc bộn bề, vợ con không biết sinh sống ra làm sao, ngày ra trại chưa được xác định. Thì làm sao mà yên tâm cải tạo được?
    Tâm cười và trả lời:
    - Yên tâm cải tạo. Đúng. Mấy ông cán bộ nói đúng. Yên tâm đi, ngày về còn xa lắm lắm. Đừng nôn nóng, vô ích. Không yên tâm, thì cũng không được gì. Bận lòng thêm khổ. Chúng ta bị mắc bẩy rồi, cứ đừng hy vọng, đừng mong ước gì cả. Yên lòng. Nếu có một ngày nào đó, được kêu tên cho ra về, thì sung sướng lắm. Nếu chưa được về, cũng đừng mong. Có mong là có bồn chồn, có khổ tâm. Hãy yên tâm đi, yên tâm cải tạo.
    Mấy người bạn Tâm bây giờ đã bớt ảo tưởng, nhưng vẫn chưa tắt niềm hy vọng. Họ thường tỏ vẻ bực bội khi nghe các bạn khác đọc các câu thơ: “Bao giờ cọc sắt nở hoa. Bà Đen hết đá thì ta mới về” hoặc “Khi đi vợ mới mang bầu. Ngày về con đã bạc đầu như cha.”
    Nhờ lời khuyên của ông chú đã từng kinh qua dày dạn trong chế độ, là đừng dại dột thành thật khai báo, nên Tâm được tha tù, về nhà sớm hơn bạn bè cùng trang lứa, cũng mất hơn 3 năm, gần với thời gian anh đã  tiên đoán và chấp nhận.  
    Trong thời gian này, tình hình lương thực vô cùng khó khăn. Cả nước đều đói vàng mắt, nhà nhà ăn độn khoai sắn, bo bo, mì sợi. Bụng dạ mọi người khi nào cũng lưng lửng, nhột nhạt, có kiến bò. Miệng thì luôn thòm thèm. Đời sống thường ngày vô cùng khó khăn. Ít còn ai đủ dại để tin tưởng vào tương lai tươi sáng hạnh phúc. Không biết ai bày, mà bọn trẻ con hàng xóm thường nghêu ngao hát bài ca sửa lời: “...tổ quốc ơi, ăn khoai mì ngán quá, kể từ giải phóng vô đây, ta ăn độn dài dài, k từ giải phóng vô đây, ta ăn độn toàn khoai...”
    Một lần nghe cuộc bàn cãi giữa hai ông cậu, ông cậu nhỏ là người đi tập kết ở miền Bắc về, nói với ông cậu lớn tuổi rằng:
    - Anh chưa giác ngộ cách mạng thì anh đừng nói, đừng bàn luận về xã hội chủ nghĩa. Phê bình mà chưa biết rõ bản chất, thì đừng nên nói, không có lợi cho anh và gia đình.
    Ông cậu lớn tức tối nói:
    - Làm sao mà tôi giác ngộ cách mạng của các người được? Còn bản chất của xã hội chủ nghĩa, không nói ra, ai cũng biết là cái gì rồi.
    - Anh có biết giác ngộ cách mạng là gì không? Giác ngộ nghĩa là biết rõ, biết đến nơi đến chốn, không phải biết lơ mơ như các anh. Biết cái gì? Biết cách mạng vô cùng nghiêm khắc, tàn bạo, không khoan nhượng. Nghĩa là biết sợ cách mạng trù dập, sợ bị thanh toán, thủ tiêu, sợ bị giam đói, bị bao vây kinh tế, bao vây tình cảm.Tóm lại, giác ngộ cách mạng là biết sợ cách mạng, sợ vô cùng, không dám hó hé chi cả. Cách mạng nói sao, mình nghe vậy, nói theo y như vậy, đừng sai chạy mảy may, đừng để cái lý trí phán đoán sai đúng xen vào. Người giác ngộ cách mạng sẽ dễ sống, dễ thở, và an toàn hơn trong cái xã hội chủ nghĩa.”
    Ông cậu lớn nói với giọng chán nản:
    - Thế thì giác ngộ cách mạng là phải biết hèn nhát, nói như vẹt, mềm như bún. Không kể gì đến sĩ khí, nhân cách nữa sao?
    Ông cậu cách mạng trả lời:
    - Hừ, sĩ khí và nhân cách để làm gì nếu cái bao tử trống không, đói khát hành hạ, vợ con nheo nhóc, xóm giềng xa lánh, hắt hủi mình vì sợ liên lụy?
    Ngừng một lát, ông này nói tiếp:
    - Thời này, tốt nhất là bịt tai, nhắm mắt mà sống. Đừng bao giờ nói ý nghĩ trung thực của mình cho ai nghe. Có lẽ, tốt hơn hết là đừng có ý kiến chi khác với mọi người. Ai sao mình vậy. Đúng hay sai, thật hay giả, không cần biết đến làm chi. Đó là thái độ khôn ngoan nhất.
    Ông cậu lớn tuổi lắc đầu:
    - Không được. Phải can đảm nhìn thẳng vào sự thật, và đừng tự dối lòng để giả tin vào lời lừa mị láo khoét. Nếu ai cũng dám nhìn thẳng vào sự thực, nói lên sự thực, thì bọn dối trá sẽ không còn đất sống, và không còn cơ hội ức hiếp, áp bức kẻ hiền lương. Người miền Bắc và miền Trung khôn ngoan quá, cẩn trọng quá, nên gắng nhịn nhục để sống còn, bởi vậy nên bị ức chế, bị chà đạp, bị dày xéo, không còn thể thống chi cả. Chú ra ngoài chợ Sài gòn mà xem, hay chú lên xe đò mà nghe các bà chữi cho nát mặt, nát mày, có dám bỏ tù hết cả nhân dân miền Nam này không? Ban đầu, các anh cách mạng cũng hung hăng, dọa dẫm, định áp đặt chính sách cai trị hà khắc như cai trị dân miền Bắc lên vùng đất này. Nhưng không ai sợ cả, không ai hùa theo lời nói láo khoét. Mấy anh bị hố. Dân miền Nam không hèn nhát đâu.
    Ông cậu cách mạng hạ thấp giọng:
    - Nhân dân miền Nam này ăn nói phản động, không có lợi lộc gì cả, mà lại hại đến bản thân, gia đình. Nói lời phản động, để được cái gì chứ? Anh tưởng chúng tôi đều ngu muội, mù quáng cả, không nhìn thấy và phân bit được sự thực và dối trá sao? Sống theo nếp sống mới thì phải biết nói điều mình không tin, và tin điều mình không dám nói”. Đó là thái độ khôn ngoan, thức thời.
    Mỗi ngày từ sáng tinh mơ, loa đã oang oang kêu gọi dân chúng sống theo nếp sống văn minh. Tâm không biết nếp sống văn minh của xã hội chủ nghĩa ra làm sao, đem hỏi một ông chú cách mạng khác. Ông hạ giọng thầm thì:
    - Cái gì người ta thiếu, thì nói nhiều đến cái đó. Văn minh bây giờ là xe chạy bằng than củi, ăn cơm độn khoai sắn, xới vườn hoa trồng rau khoai rau dền, nuôi heo trên tầng lầu chung cư, áo quần xám xịt một màu, ăn nói một lời giống nhau y hệt. Văn minh mà nhà nước ta đang nhắm đến là làm sao cho miền Nam tiến kịp miền Bắc trong tiêu chuẩn... nghèo đói.”
    Tâm cười: 
    - Các ông bà con đi tập kết về khuyên đừng ăn nói phản động. Thế mà lời của chú, nghe ra còn phản động hơn ai hết. Thế thì hai mươi mấy năm đi theo cách mạng, chú đã làm được công trạng gì trong sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa?
    Nét mặt ông chú có vẻ tức tối: 
    - Công trạng cái con khỉ.Vì chú không biết a dua, không hèn nhát nói theo lời lếu láo dối trá của bọn chúng, nên chú bị bao vây, bị cô lập, bị bỏ đói trong 20 năm tập kết ra Nghệ An. Chú kiếm sống bằng nghề hớt tóc chui. Cả nước đã đói cho vàng mắt ra, gia đình chú còn đói hơn ai cả. Con cái không được nhận vào trường, thất học cả đám. Chẳng bị tù rục xương là may mắn lắm rồi cháu à.
    - Thế thì xin chú cho cháu một lời khuyên, để sống còn trong xã hội mới này.
    Ông chú lắc đầu: 
    - Không còn cách nào để cho các thành phần như cháu sống còn cả. Ngoại trừ.. ngoại trừ bỏ nước ra đi. Chỉ có con đường đó thôi.
    Một năm sau, Tâm đến được bến bờ tự do sau bao lần suýt bỏ mạng trên biển cả./.

    Tràm Cà Mau

 "Tình Yêu, thuốc Tiên chữa bệnh"
 
Có thể bạn chưa tin nhưng nghiên cứu mới tại Mỹ cho thấy điều mà tế bào ung thư sợ nhất không phải là hóa trị hay bất kỳ loại thuốc trị ung thư nào. 
Sau khoảng thời gian tiếp xúc với nhiều bệnh nhân từ nhiều quốc gia trên thế giới, Tiến sĩ David Hawkins - một bác sĩ rất nổi tiếng tại Mỹ cho biết, chỉ cần nhìn thấy bệnh nhân là ông biết người đó vì sao bị bệnh. Bởi trên cơ thể người bệnh không xuất hiện chữ “yêu”, thay vào đó là “khổ, hận, phiền muộn”. Điều này có thể khiến nhiều người trong chúng ta không tin nhưng đây là kết luận hoàn toàn dựa trên cơ sở khoa học. Sau 20 năm nghiên cứu về cơ và vận động học, tiến sĩ Hawkins đã phát hiện ra “ý nghĩa của thang bậc chỉ số rung động trong cơ thể con người từ 1 đến 1000”. Tần số rung động chính là từ trường mà mọi người thường hay nói.   
Theo đó, những người có suy nghĩ tiêu cực thường rất hay bị bệnh. Đó là những người có chỉ số rung động dưới 200. Rất nhiều người bị bệnh vì không được yêu, ở họ chỉ thấy nỗi khổ và phiền muộn. Phát hiện mới tại Mỹ cho thấy điều mà tế bào ung thư sợ nhất chính là "tình yêu". Từ góc độ y học ông cho rằng, ý niệm có ảnh hưởng vô cùng lớn đến sức khỏe con người. TS Hawkins đã từng làm bệnh án cho hàng triệu người, các chủng loại người khác nhau trên toàn thế giới, tất cả đều cho một đáp án giống nhau. Chỉ cần tần số rung động thấp hơn 200 là người đó sẽ bị bệnh. Trên 200 sẽ không bị bệnh, những suy nghĩ có tần số rung động trên 200 gồm có: 
- quan tâm đến người khác, 
 - giàu lòng từ bi, nhân ái, hướng thiện,
- bao dung, độ lượng, v.v. 
Đây đều là những đức tính có tần số rung động rất cao, đạt đến mức 400 – 500. 
- Mặt khác, người có tính căm ghét, phẫn nộ, hay chỉ trích, trách móc, đố kị, đòi hỏi người khác, luôn tư lợi cá nhân, ích kỷ, không màng đến cảm nhận của người khác sẽ có tần số rung động rất thấp. Tần số rung động thấp là nguyên nhân dẫn đến các bệnh như ung thư, tim v.v. 
Lý giải cho điều này, tiến sĩ Hawkin cho biết những người hay oán giận, chỉ trích, hận thù người khác, tần số của họ chỉ là 30, 40. Trong quá trình trách móc người khác sẽ làm tiêu hao rất nhiều năng lượng của họ vì thế tần số rung động sẽ giảm thấp hơn 200, những người này có nguy cơ bị mắc rất nhiều loại bệnh. 
Chỉ số rung động cao nhất là 1000, thấp nhất là 1. Tiến sĩ Hawkins cho biết trong cuộc đời của mình, ông chưa gặp ai có tần số rung động đạt ở mức cao nhất, 1000. Những người mà ông ấn tượng nhất cũng chỉ đạt mức 700. Năng lượng trong cơ thể họ rất dồi dào. Khi những người này xuất hiện, họ sẽ làm ảnh hưởng đến từ trường của cả khu vực xung quanh. 
Nghiên cứu về chỉ số rung động của tiến sĩ David R.Hawkins. 
Lấy ví dụ, như khi bà tu sĩ Teresa lên nhận giải thưởng Nobel Hòa bình, không khí cả hội trường rất tốt, tần số rung động rất cao, từ trường của bà làm cho cả hội trường đều cảm nhận được năng lượng tràn ngập sự tốt đẹp và cảm động từ bà.
Khi người có năng lượng cao xuất hiện, từ trường của họ sẽ làm cho vạn vật trở lên tốt đẹp hơn. Còn với người có suy nghĩ tiêu cực, không chỉ làm tổn hại chính họ mà còn làm cho từ trường xung quanh cũng bị xấu đi.
Một trường hợp cụ thể nhất về tác động của tình yêu với các tế bào ung thư chính là nghệ sỹ chơi đàn Violoncelle Sean của Nhật Bản. Khi bị bệnh ung thư, ông đã không ngừng chiến đấu với bệnh tật nhưng xem ra tình trạng ngày một nặng hơn. Cuối cùng, ông quyết định thay đổi tâm trạng và chuyển sang yêu từng tế bào ung thư trong cơ thể mình. Ông lạc quan với cuộc sống, mọi việc ông đều luôn thấy vui vẻ và biết ơn các tế bào ung thư. Ông thấy cảm giác này rất tuyệt. Sau đó, ông đã quyết định yêu mọi thứ trong cuộc sống, bao gồm cả mỗi con người và mỗi sự việc. 
Kết quả hết sức bất ngờ và nằm ngoài sức tưởng tượng của tất cả mọi người, toàn bộ các tế bào ung thư đã không còn nữa. Sau này, ông trở thành bác sĩ trị liệu nổi tiếng tại Nhật Bản. Đây chính là bản chất của cuộc sống: Tình Yêu. 
Các nhà khoa học cho biết, căn nguyên của bệnh tật là do trong cơ thể người bệnh thiếu tình yêu thương. Bệnh tật bị đẩy lùi một cách vô điều kiện là nhờ ‘yêu và được yêu’. 
 Nhật Mỹ sưu tầm 






--
====================================================================
Trên Facebook :
http://www.facebook.com/DaiHocKhoaHocSaiGon
====================================================================
 
Bạn đã nhận được bài viết này vì bạn đã đăng ký vào Nhóm "KhoaHocSG" của Google Groups.
* Để đăng bài lên nhóm này, hãy gửi email đến "khoa...@googlegroups.com"
* Để RÚT TÊN ra khỏi nhóm này, gửi email đến "khoahocSG+...@googlegroups.com"
* Để có thêm tuỳ chọn (preference set up), hãy truy cập vào nhóm này tại: http://groups.google.com/group/khoahocSG?hl=vi
---
Bạn nhận được thư này vì bạn đã đăng ký vào nhóm Google Groups "KhoaHocSG".
Để hủy đăng ký khỏi nhóm này và ngừng nhận email từ nhóm, hãy gửi email đến khoahocsg+...@googlegroups.com.
Để xem cuộc thảo luận này, hãy truy cập vào https://groups.google.com/d/msgid/khoahocsg/MN2PR02MB6592D75DA7EA9CEA71C8CC97FC152%40MN2PR02MB6592.namprd02.prod.outlook.com.
1731193309052blob.jpg
image.png
Reply all
Reply to author
Forward
0 new messages