Google Groups no longer supports new Usenet posts or subscriptions. Historical content remains viewable.
Dismiss

Đúc kết - Ai là tác giả cuốn Chính Đề Việt Nam? (I)

118 views
Skip to first unread message

hotac

unread,
Oct 24, 2010, 3:46:43 PM10/24/10
to
Đúc kết - Ai là tác giả cuốn Chính Đề Việt Nam? (I)

Nguyễn Văn Lục

Ngày 12-4-2010


Đúc kết hồ sơ Nghi án văn học: Ai là tác giả cuốn Chính Đề Việt Nam?


Sau đợt phỏng vấn đợt đầu về các nhân sự liên quan xa gần đến chế độ
Đệ nhất Cộng Hòa, đặc biệt liên hệ đến tác phẩm Chính Đề Việt Nam,
người viết trở lại việc phỏng vấn các nhân sự trên để bổ túc hoặc làm
rõ một số điểm cần thiết.


Trong lần này, đặc biệt có cuộc phỏng vấn cựu dân biểu Mặc Giao, người
còn giữ được cuốn Chính Đề Việt Nam, ấn bản 1965 do chính tác giả Tùng
Phong, Lê Văn Đồng gửi tặng.


Và sau cùng, dựa trên những câu trả lời phỏng vấn, người viết sẽ đúc
kết toàn bộ các ý kiến như kết thúc hồ sơ này cho đến khi có những dữ
kiện mới được phát hiện.


Huỳnh Văn Lang


(NVL): Ông nghĩ gì về bài viết trên Thông Luận cho rằng ông Lê Văn
Đồng bị “thất sủng” chỉ vì bất đồng chính kiến với ông Nhu và sau đó
bị ông Nhu cho người theo dõi?


(HVL): Tôi không có theo dõi Thông Luận. Nhưng nếu quả thật Thông Luận
viết ông Đồng phát biểu như thế thì không đúng sự thật. Cho đến cuối
năm 1958 hay đầu năm 1959, ông Nhu còn cất nhắc ông Lê Văn Đồng lên
làm Bộ Trưởng Canh nông, Cao Xuân Vỹ làm phó thủ lãnh Thanh Niên Cộng
Hòa.


Bất đồng chỗ nào tôi không thấy.


Sau này, ông Lê Văn Đồng còn được đề cử giữ chức Trưởng phòng tổ chức,
chức vụ lãnh đạo đứng hàng đầu của đảng Cần Lao. Toàn là bịa.


(NVL): Ông Cao Xuân Vỹ giải thích về việc này cho rằng ông Đồng từ
chức Bộ Trưởng Canh Nông là vì có vấn đề lem nhem về một vụ cho phép
cắt gỗ? Ông nghĩ thế nào?


(HVL): Giữa việc bất đồng chính kiến và việc lem nhem là hai chuyện
khác nhau. Thất sủng vì lem nhem thì không đồng nghĩa với bất đồng
chính kiến. Đó chỉ là một cách bào chữa.


Về việc ai là tác giả Chính Đề Việt Nam, tôi mong là anh phải làm cho
rõ vụ này một lần nữa. Phần tôi khẳng định một lần nữa Lê Văn Đồng
không có đủ khả năng viết về chính trị văn hóa nói chi đến những
truyện cao siêu như hoài bão, vision.


Tôi sẽ copy cho anh thư ông Nhu gửi cho tôi trong đó, ông giải thích
cho tôi đảng Cần Lao là gì? Anh đọc anh sẽ thấy cái style của ông Nhu
để in case anh có dịp so sánh sẽ rất dễ dàng.


Tôi nhắc lại là đầu năm 1958, ông Nhu có quyết định tập trung các
nhánh Cần Lao lại làm một để ông trực tiếp điều khiển và việc Điều
Hành Trung Ương gồm 5 phòng mà Tổng bí thư là ông Ngô Đình Nhu.


‒ Phòng một: Hành Chánh do ông Phạm Văn Nhu, cựu chủ tịch quốc hội làm
Trưởng phòng, luật sư Trần Văn Trai phụ tá.


‒ Phòng hai: Nghiên cứu, tuyên huấn do Nguyễn Như Nguyện làm trưởng
phòng, phụ tá là Lương Như Úy. (Hai ông này sau đi làm tỉnh trưởng.)


‒ Phòng 3: Tổ chức do Lê Văn Đồng làm trưởng phòng có Thái Mạnh Tiến
phụ tá.


‒ Phòng 4: Lúc đầu do ông Đỗ La Lam và Cao Xuân Vỹ, sau đến lượt tôi,
Huỳnh Văn Lang và Bùi Kiến Thành (du học Mỹ về) đảm trách.


‒Phòng 5: Tình báo và kiểm tra do Bs Trần Kim Tuyến làm trưởng phòng,
ông Trần Trung Dung phụ tá.


(NVL): Mới đây nhất, cựu dân biểu Hạ Nghị Viện Mặc Giao có cho biết là
ông đã nhận được một cuốn Chính Đề Việt Nam do chính tác giả Tùng
Phong, tức Lê Văn Đống biếu tặng? Ông nghĩ sao về việc này?


(HVL): Tôi phải nói với anh một lần nữa, tôi không muốn nói xấu một
đồng chí (Cần lao Nhân vị Cách mạng Đảng). Nhưng một người như anh Lê
Văn Đồng không đủ khả năng viết một bài về văn hóa, lịch sử, chánh trị
thì làm sao viết cả một cuốn sách như Chính Đề Việt Nam.


Về câu hỏi của anh, tôi xin trả lời là tôi không nhận được cuốn sách
Chính Đề Việt Nam in năm 1965.


Ông Cao Xuân Vỹ


(NVL): Xin hỏi ông lúc ông Lê Văn Đồng đứng ra in sách Chính Đề năm
1965, sau đó ông Lê Văn Đồng có biếu tặng ông cuốn sách ký tên tác giả
Tùng Phong không?


(CXV): Không, tôi không nhận được cuốn sách nào cả.


(NVL): Ông không thấy việc một đồng chí viết một cuốn sách đầu tay lại
không biếu tặng một đồng chí là một điều khác thường sao?


(CXV): Lúc bấy giờ, chúng tôi không để ý, thấy ông Đồng có ra được
cuốn sách dịch lại tài liệu của ông Ngô Đình Nhu là điều mừng rồi. Ông
ấy có để tên Tùng Phong thì cũng không ai thắc mắc gì cả. Chẳng lẽ đề
tên ông Ngô Đình Nhu?


(NVL): Trong thư mục cuốn Chính Đề Việt Nam, có ghi tất cả 46 đầu sách
tham khảo, ông thường gần gũi ông Ngô Đình Nhu, ông có thể nói rõ hơn
về vấn đề tài liệu này ra sao?


(CXV): Tôi phải nói với anh ông Nhu là một con mọt sách. Trong phòng
ông chất đầy sách vở tài liệu.


(NVL): Ông có thể nhớ lại căn phòng làm việc ấy như thế nào? Có lớn
lắm không?


(CXV): Không phải chỉ là phòng làm việc mà phải nói đấy là một cái thư
viện nhỏ, cơ man nào là sách. Tôi nói riêng anh điều này, ông ấy
thường nhờ các sứ quán cung cấp sách vở, tài liệu cho ông ấy. Chẳng
hạn, ông ấy yêu cầu lãnh sự của mình ở Hồng Kông cung cấp tất cả tài
liệu về Mao Trạch Đông cũng như cộng sản Tàu gửi về cho ông ấy.


Ông Đồng dù có muốn đọc sách, làm sao có đủ sách như thế để đọc?


Ông Nhu là con người thông minh và cần mẫn nên khi có một chính khách
nào đến Việt Nam như Quốc Vương Thái Lan chẳng hạn, ông liền yêu cầu
tòa đại sứ ở nơi ấy gửi tài liệu của vị chính khách ấy để ông nghiên
cứu trước khi tổng thống Diệm gặp vị khách.


(Ông Cao Xuân Vỹ tâm sự) Tôi nhiều khi đến khổ với ông ấy. Mỗi khi ông
đọc được một cuốn sách gì hay, buổi tối ông gọi tôi vào “giảng” cho
nghe. Ông còn bắt tôi phải có cuốn sổ để ghi những gì ông nói. Ông
nói, “anh phải học, phải ghi lại để mà truyền lại cho người khác.” Còn
nhớ khi đi săn với ông, lúc ngồi rình mồi, ông nghĩ được điều gì, ông
cũng bắt tôi ghi lại.


(NVL): Ông ở gần ông Ngô Đình Nhu như vậy mà lúc chạy sang đây không
mang được bất cứ tài liệu nào của ông Ngô Đình Nhu?


(CXV): Không mang được gì cả, ngoài một tập tài liệu khoảng 300 trang
ghi chép về chủ thuyết Nhân vị và về Ấp Chiến Lược do ông Nhu thuyết
giảng. Nếu muốn, anh mượn lại anh Minh vì tôi đã đưa cho anh Minh sử
dụng.


(NVL): Những tiết lộ về thư viện sách của ông Ngô Đình Nhu khá đặc
biệt cho việc tìm hiểu ai là tác giả Chính Đề Việt Nam, ngoài ra ông
còn điều gì cần nói thêm nữa không?


(CXV): Tôi rất mừng là nay còn có một người như anh để tâm tìm hiểu
cuốn Chính Đề Việt Nam này đến nơi đến chốn. Phải nói tôi mừng lắm.
Nhất là các anh những người trẻ nên phổ biến rộng rãi tài liệu này.


Tôi nói thêm một chi tiết này nữa; khi mà các ông Đỗ La Lam, Phan
Xứng, Lê Văn Đồng đến nhà tôi để rồi quyết định cho in lại năm 1988
thì có xảy ra xích mích giữa ông Đỗ La Lam và ông Lê Văn Đồng.


(NVL): Ông có thể cho biết rõ nguyên nhân sự xích mích giữa hai người
nhân vụ tái bản sách?


(CXV): Những bài viết của ông Nhu thì thường được giao cho ông Đỗ La
Lam đăng báo Cách Mạng Quốc Gia, vì thế ông Đỗ La Lam là người biết rõ
các tài liệu của ông Nhu. Khi biết cuốn sách Chính Đề Việt Nam bị cắt
bỏ Chương về Chủ thuyết nhân vị và Ấp Chiến Lược, một vấn đề quan
trọng và một vấn đề ấp ủ của ông Ngô Đình Nhu, ông Đỗ La Lam không
bằng lòng. Thế là hai người có xích mích với nhau vì ông Lê Văn Đồng
đã bỏ chương này ra.


(NVL): Ông còn muốn nói thêm gì về con người của ông Lê Văn Đồng?


(CXV): Phải nói ông Lê Văn Đồng có nhiều mặt. Ông ấy khoe với tôi làm
cho C.I.A. trước khi ông Diệm về nước. Sau 1963, lại làm việc cho ông
Thiệu. Sau 1975 vẫn làm việc cho C.I.A.


(NVL): Ông có biết rõ ông Đồng làm việc gì cho C.I.A. không?


(CXV): Tôi không hỏi, chỉ nghe ông ấy nói thế thôi.


Ông Lê Châu Lộc


(NVL): Xin nhắc lại câu hỏi lần trước, khi ông và ông Lê Văn Đồng gặp
nhau ở Thượng Nghị Viện, 1971, ông Lê Văn Đồng đưa cuốn sách Chính Đề
Việt Nam tên Tùng Phong hay đưa một tập tài liệu dịch?


(LCL): Ông không tặng sách mà đưa một tập tài liệu và còn nói rõ ràng,
đây là tài liệu dịch ra từ bản tiếng Pháp của ông cố vấn Ngô Đình Nhu.
Tôi xin nhắc lại, một tập tài liệu dịch. Nói một cách logique nếu ông
Đồng là tác giả thì tại sao mất công viết ra tiếng Pháp rồi nay ngồi
dịch lại?


Qua những lần nói chuyện với anh lần trước thì tôi mới nhớ ra trong
tập “Kỷ yếu Thượng Nghị Viện”, trong đó có một trang tiểu sử của Lê
Văn Đồng. Ông Lê Văn Đồng có ghi là: Chính Đề Việt Nam, Tùng Phong.


Tôi góp ý với anh là phải trả cái công của ông Lê Văn Đồng là người
trách nhiệm dịch tài liệu ra tiếng Việt và được coi như một người
Éditeur của tập sách ấy. Ông có để Tùng Phong cũng được, vấn đề là nội
dung cuốn sách là của ông Nhu. Giả dụ ông Nhu còn sống thì cũng để cho
các ông ấy dịch và in ấn ra.


Vấn đề là tập tài liệu đó được phổ biến.


Nay có lẽ điều quan trọng là có người nói truyện “tình nghĩa” với bà
Lê Văn Đồng thì hy vọng mọi chuyện sẽ được ổn thỏa.


Ông Trần Xuân Kiên, Thông Luận


Có liên lạc nhiều lần sang Luân Đôn. Nhưng rất tiếc không có ai trả
lời điện thoại.


Ông Phạm Văn Lưu


Ông Phạm Văn Lưu, tiến sĩ Sử Học, đại học Monash là một giáo sư đặc
biệt lưu tâm nghiên cứu đến nền đệ nhất công hòa; ông là đồng tác giả
các cuốn: Đệ nhất cộng hòa Việt Nam 1954-1963, với tiến sĩ Nguyễn Ngọc
Tấn. Ông còn là tác giả cuốn Biến cố chính trị Việt Nam hiện đại.


Và ông cũng là người có bài viết liên quan đến cuốn Chinh Đề Việt Nam.
Rất tiếc cho đến nay, người viết chưa liên lạc được vì anh hiện ở xa.

Thân gửi anh Lục


Hiện tôi đang ở Bắc Kinh, rồi phải đi vài nơi nữa trước khi qua Nam
Hàn. Khoảng cuối tháng, tôi về lại sẽ viết thư cho anh sau.


Thân mến

Lưu


Ông Đỗ La Lam


Ông Đỗ La Lam là nhân vật hàng đầu có liên hệ gần gũi với ông Ngô Đình
Nhu trong các hoạt động chính trị. Theo lời cô Phương Thảo, con gái
của ông. Ông năm nay 86 tuổi, ở Louisana, cách chỗ ông bà Lê Văn Đồng
55 dặm. Ông có một số tập Chính Nghĩa mà cô Phương Thảo hứa sẽ gửi cho
người viết. Hồi còn ở Việt Nam, trước 1954, ông là giáo sư trung học ở
Đà Lạt vì thế quen biết ông Ngô Đình Nhu. Khoảng năm 1950, ông đã theo
ông Nhu đi các nơi hoạt động, đặc biệt ra Bắc mở các lớp về Xã Hội Học
cho một số cán bộ, các sinh viên Hà Nội. Khi ra tờ báo Xã Hội thì ông
Ngô Đình Nhu giao cho ông Đỗ La Lam trông coi. Sau đó, ông Đỗ La Lam
làm chủ nhiệm tờ Cách Mạng Quốc Gia cho đến năm 1963. Theo ông Cao
Xuân Vỹ cũng như ông Huỳnh Văn Lang, ông Đỗ La Lam là người nắm giữ
nhiều tài liệu của ông Ngô Đình Nhu. Với sự giúp đỡ của con rể và đặc
biệt cô Phương Thảo ông đọc tất cả các bài phỏng vấn (của người viết)
liên quan đến Chính Đề Việt Nam; đã đọc xong, nhưng ông vẫn từ chối
cho phỏng vấn. Tôn trọng quyết định của ông, người viết cũng nhờ các
ông Cao Xuân Vỹ và Huỳnh Văn Lang thuyết phục ông Đỗ La Lam tiết lộ
cho biết những chi tiết liên quan đến cuốn Chính Đề Việt Nam.


Nếu có kết quả gì, sẽ xin công bố.


Ông Đỗ Như Điện


(NVL): Có thể coi ông là người thuộc thế hệ “sau Ngô Đình Diệm”, không
có liên hệ trực tiếp với chế độ độ Đệ Nhất Cộng Hòa, và lại là người
năng động trong mọi hoạt động của cộng đồng hải ngoại. Tôi muốn trao
đổi với ông một lần nữa về cuốn sách Chính Đề Việt Nam, đặc biệt về
việc tái bản cuốn sách này ở hải ngoại.Vậy, thưa ông nghĩ gì về những
ý kiến giữa hai phía về cuốn sách?

(ĐNĐ): Thưa anh, có điều này phải trình bày với anh là người ta nói
nhiều về ai là tác giả Chính Đề Việt Nam mà đã quên một điều tối ư
quan trọng mà theo tôi thì nếu hiểu được điều này thì tìm ra được câu
trả lời cho bài toán của vấn đề.


(NVL): Thưa đó là điều gì?


(ĐNĐ): Đó là trường hợp các ông Cao Xuân Vỹ, Đỗ La Lam, Phan Xứng và
Lê Văn Đồng. Họ đều là người của một đảng đang cầm quyền. Một đảng có
kỷ luật đảng, có tổ chức, có phân công, có trách nhiệm hoạt động cho
một mục đích chung. Họ không quyết định một mình, họ làm theo chỉ thị
của đảng.


Sau 1963, đảng ấy bị tan rã, lãnh tụ bị sát hại. Lúc đó chắc chắn có
nhiều người trong số những vị ấy gặp khó khăn, có thể nguy hiểm đến
tính mạng. Sau một thời gian ngắn họ đã liên lạc lại với nhau. Sự kiện
ông Đồng cho in cuốn Chính Đề Việt Nam tại nhà in Đồng Nai của ông
Trương Vĩnh Lễ, tôi cho là một dấu hiệu tốt.

Trên thực tế, Trong Quốc hội thời Đệ Nhất Cộng Hoà không có dân biểu
thuộc Cần Lao Nhân vị Cách mạng Đảng (Hội CLNVCMĐ, chính danh nhưng bí
mật trong tổ chức.) Lúc đó đa số dân biểu thuộc một tổ chức ngoại vi
của CLNVCMĐ, “Phong trào Cách mạng Quốc gia” mà ông Ngô Đình Diệm là
thủ lãnh danh dự. PTCMQG có liên quan chặt chẽ với “Liên đoàn Công
chức Cách mạng Quốc gia”. Người lãnh đạo của CLNVCMĐ là ông Ngô Đình
Nhu và cũng chính ông Nhu chỉ đạo PTCMQG Nam phần; Ở Cao nguyên và
miền Trung, PTCMQG nằm trong tay ông Ngô Đình Cẩn. ‒ DCVOnline Trích
dịch “The Pentagon Papers”, Gravel Edition, Volume 1, Chapter 5,
“Origins of the Insurgency in South Vietnam, 1954-1960”, Section 2,
“Failure of the geneva settlement”, Boston: Beacon Press, 1971.

Giấy phép hoạt động của Hội “Cần lao Nhân vị Cách mạng
Đảng” (02/09/1954). Nguồn: Tài liệu của Chính Đạo trong ‘Việt Nam Niên
biểu’, Tập B


--------------------------------------------------------------------------------

(NVL): Ý kiến của ông có thể mở ra một câu trả lời ngoài những bằng
chứng pháp lý của tác giả cuốn sách?


(ĐNĐ): Vâng, có thể là như vậy. Trong các ông ấy, không ai lưu tâm đến
vấn đề ai là tác giả quyền sách mà chỉ tha thiết làm cách nào để nội
dung cuốn sách được “sống lại” và tư tưởng của người lãnh đạo của họ
được lưu truyền. Tôi đọc qua các ý kiến của họ trong bài phỏng vấn của
anh, tôi cảm thấy được điều đó một cách xác tín.


(ĐNĐ): Nhưng qua bài phỏng vấn này mà anh đã cho tôi coi lại, trước
khi trả lời anh, tôi có một thắc mắc là, Có phải anh “gài bẫy” họ
trong câu hỏi ‘Có nhận được sách tặng của ông Lê Văn Đồng hay không?’
Và cả ba ông đều trả lời là không nhận được. Anh muốn tìm một ý nghĩa
nào đó trong việc không nhận được sách này?


(NVL): Xin cải chính là tôi không có ý “gài bẫy” như anh suy nghĩ.
Nhưng tôi cố gắng thực hiện đúng vai trò của một người làm phỏng vấn.
Vì thế, khi nhận được tin ông Mặc Giao nói có nhận được sách tặng, tự
nhiên trong đầu tôi nảy sinh ra câu hỏi. Vì đã nói chuyện hằng nhiều
giờ với các nhân vật trong bài phỏng vấn trước và, không thấy ai nói
về chuyện sách tặng này nên tôi muốn tìm hiểu thì đúng hơn.


Tôi lấy một vài trường hợp cụ thể để minh chứng cho rõ hơn và sẽ phải
dài dòng một chút. Chẳng hạn khi ông Lê Châu Lộc nói có được đọc tài
liệu này do ông Võ Văn Hải đưa cho đọc. Trong khi đó, tôi biết là tập
tài liệu của ông Nhu bằng tiếng Pháp, viết tay đã được ông Cao Xuân Vỹ
trao cho ông Lê Văn Đồng để dịch. Tôi bèn hỏi một vài câu hỏi hầu như
“vô tội vạ” để xem anh Lê Châu Lộc trả lời như thế nào?


Tôi đã hỏi: “tập tài liệu anh đọc, thưa anh, là bản viết tay hay bản
đánh máy?” Ông Lê Châu Lộc trả lời là bản đánh máy. Nếu ông Lộc trả
lời tôi chính mắt ông ấy đọc tập tài liệu viết tay, lúc đó tôi sẽ lý
giải ra sao về việc có hai tập tài liệu viết tay? Và cứ bằng cách đó,
tôi đã dò xét độ trung thực “tính chính xác” của ông Lê Châu Lộc trong
vài trường hợp khác. Cũng cách thức như thế tôi đặt ra những câu hỏi
cho các ông Huỳnh Văn Lang, Nguyễn Văn Minh, Cao Xuân Vỹ.


Tôi phải thú nhận, tôi “thua cuộc”. Chẳng hạn tôi dùng cùng một câu
hỏi, hỏi họ nhiều lần để thử trí nhớ của họ, hoặc hỏi mọi người cùng
một câu hỏi xem họ trả lời ra sao? Rồi so sánh những câu trả lời của
họ như trường hợp ông Huỳnh Văn Lang, một người có thói quen giữ tài
liệu và ông Cao Xuân Vỹ, chỉ theo trí nhớ. Nhiều điều họ trả lời ăn
khớp với nhau. Riêng ông Tôn Thất Thiện có đôi chút khác biệt trong ba
bài viết của ông. Phần ông Cao Xuân Vỹ có một đôi chỗ hơi lấn cấn về
vấn đề trí nhớ.


Nhưng nói chung, tôi phải xác định điều này: Họ là những nhân vật có
tính cách chứng nhân. Những điều họ nói ra, độ trung thực là rất cao.


Tin hay không tin là tùy mỗi người đọc thôi. Cứ lý luận có thể không
tin. Nhưng trực diện với những điều họ xác tin thì không thể không tin
họ. Tôi cảm thấy bất lực vì có thể có nhiều người sẽ không chấp nhận
lý lẽ của họ.


(NVL): Bây giờ xin trở lại chuyện xuất bản lần thứ 1, 1965 và chuyện
tái bản ở Hải ngoại 1988 và 2009, thưa anh, anh có nhận xét gì về ba
lần xuất bản này?


(ĐNĐ): Hai lần xuất bản đầu là quan trọng vì ông Lê Văn Đồng còn sống
và có ý nghĩa khác nhau. Lần đầu coi như tự ý ông Lê Văn Đồng quyệt
định in ấn. Và quan trọng là cho biết chính ông là tác giả chính đề
Việt Nam trong lời ký tặng anh Mặc Giao.


Lần tái bản ở hải ngoại thì khác. Có sự họp bàn của một số người trong
đó tôi biết 4 người là các ông Đỗ La Lam, Cao Xuân Vỹ, Lê Văn Đồng và
Phan Xứng. Lần xuất bản này mang tính chất “Đảng” rõ rệt. Tên bút hiệu
Tùng Phong chỉ là bề ngoài, có thể tên gì cũng được.


Tùng Phong được hiểu là đại diện tiếng nói của Đảng. Đảng núp sau Tùng
Phong.


(NVL): Xin ông cho biết đã căn cứ vào đâu để quả quyết như thế?


(ĐNĐ): Tôi đã gửi cho anh Lời Nhà xuất Bản và lá thư của ông Phan Xứng
xin anh đọc kỹ lại. Căn cứ vào hai chứng liệu này, nói đến tác giả là
điều không cần thiết. Ngay cho dù ông Nhu hay ông Đồng viết thì đây
vẫn là tài liệu chung của Đảng.


Đảng đứng trên cá nhân trong trường hợp này. Đây là tài sản trí tuệ
của Đảng Cần Lao mà thôi.


(NVL): Vâng tôi sẽ đọc kỹ tất cả tài liệu. Xin cám ơn ông trong việc
đóng góp ý kiến này. Tuy nhiên, trên thực tế với bằng cớ rõ ràng căn
cứ vào chữ ký Tùng Phong, rồi chữ ký Lê Văn Đồng, cùng một tuồng chữ,
ghi rõ ngày tháng, ghi rõ giấy phép xuất bản của bộ Thông Tin. Điều đó
xác nhận Tùng Phong hay Lê Văn Đồng là tác giả cuốn sách Chính Đề Việt
Nam. Thẩm quyền tinh thần cũng như pháp lý về cuốn sách xác định ông
Lê Văn Đồng là tác giả.


(ĐNĐ): Tôi không phủ nhận điều này, tuy nhiên đối với một người đã
chết như ông Ngô Đình Nhu, nếu muốn lợi dụng tình thế lúc bấy giờ để
hợp thức hóa một một tài sản trí tuệ của người khác thì quả thực không
khó khăn gì.


Cá nhân tôi tin rằng ông Lê Văn Đồng có một mối tương giao rất thân
thiết và sâu đậm với ông Ngô Đình Nhu và được sự tin cẩn như người
“trong cuộc” “người nhà” nên được ủy thác giữ gìn tài liệu nghiên cứu
này. Và có thể ông Lê Văn Đồng bắt buộc phải đứng tên để có thể dễ
dàng cho việc xin phép xuất bản.


Có một điều khi tiếp xúc với các vị tiền bối thì hầu như tất cả chỉ
muốn giữ vững tinh thần yêu nước, thương dân, nung nấu ý chí, tìm
phương cách loại trừ cộng sản để đưa dân tộc tiến lên. Tóm lại như
trong Chính Đề Việt Nam thì đặt vấn đề tương lai lâu dài hàng trăm năm
tới của cả dân tộc chứ không phải hạn hẹp trong một biến cố hay giai
đoạn lịch sử hay trong một chính đảng.


Đó là điều làm tôi đặc biệt bỏ công nghiên cứu tài liệu này.


(Còn tiếp)

0 new messages