Noel nhớ Mẹ hiền | Người Giồng Trôm

14 views
Skip to first unread message

Minh Nguyen Quang

unread,
Dec 26, 2023, 6:10:56 PM12/26/23
to giaitri, alphonsefamily
NOEL ...
image.png

Noel ! Chắc chắn là niềm vui bởi lẽ Ngôi Lời của Thiên Chúa làm người. Emmanuel – Noel : Chúa làm người và ở giữa chúng ta.
Với mọi người thì Noel là niềm vui vì niềm vui này rất lớn đó là Chúa đã làm người để con người được làm con Thiên Chúa.
Dĩ nhiên tôi cũng vui chung với niềm vui ấy nhưng với tôi, Noel lại là những ngày buồn. Buồn bởi lẽ những ngày này, cùng với gia đình cách đây 29 năm, tôi đón nhận một tin thật buồn.

Mẹ làm nghề thợ may, nối nghiệp của ông bà ngoại. Bình dân lắm để rồi gia đình là nơi dừng chân của những người bán hột vịt lộn, bán vé số ...
Lần nọ, tầm tháng 6, con của một bà bán vé số ở cũng gần nhà ghé uống nước. Anh nói anh biết coi tướng số và tử vi. Mẹ tôi đùa : “Anh coi cho thằng con của tôi với ...”
Tưởng là đùa, ít ngày sau Anh quay lại và nói : “Tôi xem và nói với Bà rằng con của Bà (là tôi đây) lớn lên sẽ không sống trong gia đình, sống ở trong nhà lớn. Điều thứ hai là cuối năm này chú em (là tôi) có đại tang. Tôi chỉ xem đến đây và nói như vậy”.
Ngồi đó nghe Anh nói và nghe thì nghe vậy. Tương lai nằm trong tay Chúa mà.
Có điều suy nghĩ là ông bà nội và ông bà ngoại mất rồi thì còn ai nữa mà đại tang. Cha mẹ còn khỏe mà ! Mẹ lúc đó 51 tuổi chứ mấy ! Mẹ còn trẻ, Ba còn khỏe mà ! Như thế thì ai để mà nói là đại tang.
Mặc kệ ! Anh nói gì thì Anh nói. Cũng chả tin. Phó thác và phó thác.
Cuộc đời dần trôi.

Mẹ có một hạt như hạt đậu ở ngực phải. Lo cho sức khỏe nên đến bệnh viện 115 để khám. Ngày 15 tháng 8 nhập viện để mổ thì bác sĩ trả về.
Trên đường về, Mẹ mới kể rằng Mẹ nói với bác sĩ Mẹ là người Công Giáo nên xin bác sĩ cho biết lý do để về còn chuẩn bị phần hồn. Nghe nói thế, bác sĩ nói rằng bệnh tình của Mẹ đã đến thời di căn. Nếu bác sĩ động dao vào thì 1 tháng thôi là đi. Nếu không động dao thì kéo dài được 3 tháng.
Nghe xong hung tin đó. Gia đình buồn lắm và chỉ biết cầu nguyện. Mẹ thì lên trại phong Di Linh nghỉ dưỡng trên đó. Lúc đó, Dì Mari – Paul (Mẹ đỡ đầu của Mẹ - Tu hội Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn) ở trên trại phong nên Mẹ lên ở.
Độ 2 tháng Mẹ về nhà và rồi bị liệt 1 tháng. Sau khi đắp thuốc thì đi lại được nhưng tình hình sức khỏe xuống dần và bị đau.
Còn nhớ vàng thời ấy 450 ngàn đồng 1 chỉ nhưng vì đau quá nên phải tiêm thuốc giảm đau đến 500 ngàn 1 ngày.
Nghèo, cộng thêm căn bệnh ung thư quái ác tiêu tốn tiền đã đưa gia đình đến kiệt quệ.
Ngày 22 tháng 12 Mẹ bỏ ăn.
Khi Mẹ bỏ ăn là biết được ngày ra đi gần đến. Lúc đó, chả có tấm hình thẻ nào hết vì lẽ đâu ai nghĩ Mẹ đi nhanh như thế. Gạt nước mắt để lấy tấm hình Mẹ chụp hồi đám cưới của Chị để cắt phần Mẹ ra và làm hình thờ.
Cầm tấm hình thờ cất trong tủ mà lòng nó đau mà cổ họng nó nghẹn.
Mọi sự coi như bắt đầu chuẩn bị cho chuyến đi xa của Mẹ
17 g 30 chiều 29 tháng 12, Ba tôi cùng các con và cháu cùng bà con lối xóm hiện diện bên Mẹ những giây phút cuối cùng của Mẹ.
Điều đặc biệt là vài 1 tuần trước khi bỏ ăn và còn tỉnh táo thì dường như lúc nào Mẹ cũng quay mặt vào tường. Biết là người Kitô hữu cần dọn lòng để đi xa nên gia đình mời Cha đến để giải tội, xức dầu và trao của ăn đàng. Hay một cái là khi Mẹ xưng tội, rước Mình Thánh Chúa xong thì khuôn mặt tươi tỉnh và không quay mặt vào trong tường như trước nữa.
29 tháng 12 năm 1994 : Ngày đặt dấu chấm hết của một người Kitô hữu trong cuộc sống dương gian. Ngày này cũng là ngày mà con cháu mồ côi Mẹ và Bà. Chồng mất vợ.

Diễn biến như thế trong những ngày mừng Noel và chính Lễ Noel cũng như sau Noel như thế thì lấy gì làm vui được. Mất Mẹ như mất tất cả thì lấy gì làm vui.
Từ ngày đó tháng đó, gọi là mừng Noel đó nhưng không hề vui vì lẽ hình ảnh, tấm lòng, cung cách sống của Mẹ cứ tràn về với bao kỷ niệm.
Mẹ tôi nghèo, Mẹ tôi không cao sang quý phái ... Có một điều tôi khẳng định đó là chưa bao giờ Mẹ bỏ một Thánh Lễ misa nào. Dù trời mưa hay trời gió, vẫn cứ chiếc xe đạp cọc cạch đến Nhà Thờ. Chúa Nhật thì Mẹ dự Lễ ở giáo xứ, ngày thường cứ đi xứ bên cạnh vì xứ nhà không có lễ sáng. Cứ như vậy ròng rã suốt cả đời. Và, “cái thằng chết trôi” nó cũng phải lọ mọ dậy đi Lễ cùng Mẹ bao năm tháng.
Dẫu phải thức khuya dậy sớm với nghề may cũng như kịp thời gian giao đồ cho mối nhưng cứ ngày nào cũng như ngày đó không bao giờ bỏ Lễ mỗi ngày.
Chẳng ca đoàn, chẳng hội nhóm, chẳng bà trùm, chẳng ban bệ ... đơn giản Mẹ chỉ là một người Mẹ Công Giáo bình thường và tầm thường thôi. Thế nhưng đời sống gắn kết với Chúa ngang qua Thánh Lễ đã thêu dệt nên đời của Mẹ và các con.
Kinh Lễ và cầu nguyện cứ bám suốt cuộc đời lữ hành trần thế của Mẹ.

Còn tính cách dạy con thì miễn bàn. Vẫn chuẩn mực cách dạy cho những đứa đi tu vì trước đây Mẹ cũng đã hơn một lần tìm hiểu ơn gọi. Cái chuẩn mực ấy áp trên cuộc đời của những đứa con. Những lúc ấy, có khi cảm thấy khó chịu lắm nhưng giờ mới hiểu được lòng Mẹ và từ những lối dạy kỷ luật như thế thì con mới nên người.

Tạ ơn Chúa ! Cảm ơn Chúa vì Chúa đã cho gia đình chúng con có một người Mẹ, một người Bà như thế.
Trong thân phận làm người, chắc chắn không tránh khỏi yếu đuối của phận người để rồi ngày nào cũng như thế. Đặc biệt từ khi lãnh sứ vụ linh mục, mỗi Thánh Lễ, mỗi giờ kinh Mẹ là người tôi hằng nhớ đến.
Ân tình của Mẹ trào tràn và vĩ đại. Chả có gì để nói hết và viết hết. Chỉ dừng lại những biến cố đau thương của những ngày cuối năm để nhìn lại cuộc đời của một con người, một nhân cách và là một người Mẹ, một người Vợ, một người Bà thủy chung cũng như tần tảo nuôi con.
Điều có thể nói là tiếc và thật tiếc đó là Bà chưa được an hưởng khi còn sống ở trần gian vì quá lam lũ. Thôi thì trên Thiên Đàng, bà hưởng hạnh phúc trước nhan Thánh Chúa và chắc chắn cái tình thương ấy nối dài như khi Mẹ còn sống.
Đến tận bây, dù không còn hiện diện bằng xương bằng thịt nhưng sự hiện diện thiêng liêng ấy bù đắp tất cả. Đến tận bây giờ, Mẹ vẫn cứ chuyển cầu lên Chúa cũng như lo toan cho lũ cháu đàn con.

Chả biết viết gì, chả biết nói gì vì công lao của Mẹ to lớn quá !
Thật thế ! Tình Mẹ mà đứa nào kể hết đến đây tớ mời cơm và tặng quà !
Những ai còn Mẹ xin đừng làm cho Mẹ khóc
Những ai mất Mẹ xin hãy nhớ Mẹ thật nhiều
Ngày buồn, tháng nhớ, năm nuối tiếc
Reply all
Reply to author
Forward
0 new messages