Những điều tôi cảm nhận được từ thầy Thích Minh Tuệ | Trung Vũ CSsR

15 views
Skip to first unread message

Minh Nguyen Quang

unread,
May 19, 2024, 8:51:52 PMMay 19
to alphonsefamily, giaitri
 Những điều tôi cảm nhận được từ thầy Thích Minh Tuệ
image.png

Thời gian gần đây, những video và thông tin về thầy Thích Minh Tuệ xuất hiện tràn ngập khắp cõi mạng, giúp tôi được biết đến một con người đang đi tìm con đường giải thoát. Tuy không cùng đức tin, nhưng tấm gương của thầy khiến tôi không khỏi tán thán, ngưỡng mộ về ý chí, lòng quyết tâm đi tìm chính đạo của thầy.
Xin được phép gọi thầy Thích Minh Tuệ là thầy thay vì là sư như nhiều người hay gọi. Chính thầy cho biết mình không phải là sư, không thuộc Bắc Tông hay Nam Tông, thầy đơn giản là một công dân Việt Nam, học tập và làm theo lời Phật dạy. Hơn nữa, tôi thấy cũng cần phải tôn trọng danh từ “sư” là từ dùng để chỉ những người tu ở Chùa, thuộc hệ thống được hàng giáo phẩm công nhận.
Ở nơi thầy Minh Tuệ, tôi thấy có nét giống với thánh Phanxicô khó khăn ở đời sống lang thang khắp nơi. Khi thánh Phanxicô nghe được câu Phúc âm Matthew 10:9, thuật lại lời của Chúa Giê-su bảo các môn đồ chớ đem theo mình tiền bạc, ngay cả gậy hoặc giày khi họ đi ra rao giảng phúc âm. Ngài mau mắn lên đường, sống triệt để tinh thần nghèo khó, tận hiến cả cuộc đời để làm người hành khất, đi khắp nơi rao giảng lời Chúa. Cả hai có lối sống như chim trời cá biển, như bông hoa huệ ngoài đồng, mọi sự phụ thuộc vào sự quan phòng và tình thương của người dân cho miếng ăn đặng sống qua ngày. Tôi nghĩ không biết tu sĩ mấy dòng tự nhận mình là đi chân đất, hay dòng khất sĩ sẽ nghĩ sao khi bây giờ ai cũng đi giầy dép, sống trong tu viện bốn bề vững chắc. Chắc đến lúc cũng cần thay tên cho phù hợp hơn. Cái này nghĩ vui thôi, không có ý gì nhé.
Tôi lại thấy thầy Minh Tuệ có nét giống với thánh An-tôn viện phụ. Khi lắng nghe được lời chân lý, cả hai đều mong muốn sống triệt để những gì mình được lắng nghe. Dĩ nhiên đối với thầy chân lý là lời Phật dạy, là từ bỏ mọi tham sân si, dục vọng, danh lợi, quyết tu theo pháp tu 13 hạnh đầu đà, một pháp tu mà người ta nghĩ chỉ có người thời xưa mới có thể làm được, chứ thời nay thì hầu như là không thể. Còn đối với thánh An-tôn, một lần thánh nhân nghe được tiếng Chúa qua đoạn Tin Mừng Mt 19, 21:" Nếu con muốn trở nên trọn lành, hãy về bán hết gia tài, phân phát cho kẻ nghèo khó". Lời Chúa khiến chàng trai có lắm tiền, lắm của thất vọng lặng lẽ rút lui. Nhưng, đối với Antôn lời Phúc âm này tưởng như Chúa đang nói với chính mình, ngài quyết tâm thực hiện trọn vẹn những điều được đánh động. Thánh nhân chia ruộng đất cho những bà con nghèo khó lối xóm, bán tất cả gia sản mình đang có, phân phát tất cả cho những bà con nghèo, ngài quyết tâm đi vào sa mạc để sống đời khổ tu và kết hợp hoàn toàn, mật thiết với Thiên Chúa. Tôi ngày nay học nhiều lý lẽ, dễ chú giải theo hướng có lợi cho mình, chẳng hạn như bối cảnh ngày nay thế này thế kia, rằng Lời Chúa chỗ này phải hiểu theo nghĩa bóng, đừng hiểu theo nghĩa đen. Đúng, không sai, nhưng hình như tôi đang cố biện minh cho cái sự không triệt để sống lời Chúa của mình thì phải?
Thầy Minh Tuệ lại có nét giống với các nhà ẩn tu Ki-tô giáo. Qua chia sẻ của bậc thân sinh ra ngài, chúng ta biết ngài từng có thời gian tu tập trong môi trường tu viện của nhà Chùa, nhưng sau vì cảm thấy không hợp với lý tưởng, nên ngài xin xuất ra ngoài, làm ẩn sĩ (dĩ nhiên là trước khi bị các youtuber chú ý) sống âm thầm theo lối sống phù hợp với hạnh nguyện của bản thân. Những nhà ẩn tu Kitô giáo cũng sống một đời âm thầm trong chiêm niệm, cầu nguyện. Lối sống chung trong một cộng đoàn có thể không phù hợp với những con người có tâm hướng về trời cao này, nhưng không phải vì thế mà họ không có đường lối riêng để sống đời tận hiến theo cách phù hợp với bản thân. Ở Việt Nam mình thì lối tu này hầu như không có, nhưng ở nước ngoài, tôi cũng từng gặp những con người ẩn tu như thế, như các thầy thuộc Dòng Tiểu đệ Chúa Giêsu chẳng hạn.
Có một người Việt Nam tôi biết cũng có nét tu này. Thầy từng trải nghiệm đời tu trong các cộng đoàn tu trì, nhưng rồi thầy xin rút lui và tìm kiếm Thiên Chúa và phụng sự Giáo hội trong cách thế phù hợp hơn với mình, để rồi Giáo hội Việt nam có một con người tầm cỡ mang tên Stêphanô Nguyễn Khắc Dương.
Thầy Minh Tuệ trở nên như một tiếng chuông hồi hướng, giúp tôi nhìn nhận lại bản thân mình và con đường mình đã chọn. Tôi khấn khó nghèo, nhưng đời sống của tôi đã đủ để gọi là nghèo? Tôi muốn từ bỏ mọi sự, để chỉ biết đến một mình Đức Ki-tô mà thôi, nhưng sao lòng tôi, tâm trí tôi quá nhiều thứ bận tâm, âu lo? Tôi khát khao một đời sống trọn lành, nhưng sao lời nói và nghĩ suy của tôi không giúp người khác cảm nhận được sự lành thánh? Chúa nói:” Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em,và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được”; ấy vậy mà tôi đã thực hiện được mấy phần khi lòng trí chẳng lúc nào yên?
Chắc chắn, tấm gương của thầy Minh Tuệ chẳng những thức tỉnh các tu sĩ Phật giáo, nhưng sẽ là cả các tôn giáo khác. Mấy nay, anh em chúng tôi nhắc nhở nhau: Cần gì phải đao to búa lớn, nói hay mà làm dở, ta cứ lấy gương thầy Minh Tuệ thì thấy rõ, nói đi đôi với làm thì hương thơm đức hạnh sẽ đủ cảm hóa người khác thôi. Thầy này nói ít, cũng không màu mè văn hoa, nhưng lời của ổng thì trọng lượng nặng tựa ngàn cân. Đúng như lời thầy Pháp Hoà nói đại ý: Đạo Phật cần người hành pháp nhiều hơn người thuyết pháp. Nói theo ngôn ngữ Công giáo thì nhân loại cần chứng nhân hơn thầy dạy. #nhungdieutoicamnhantuthaythichminhtue
Nghĩ về thầy Minh Tuệ, tôi có lẽ chỉ biết đấm ngực ăn năn: Lạy Chúa, xin tha thứ con vì con là kẻ có tội, nói mà không làm được những điều Chúa truyền ban. Xin thanh tẩy con vì sơ tâm lành thánh thuở ban đầu muốn tận hiến phụng sự Chúa và tha nhân đã bị phai mờ đi ít nhiều. Xin thánh hiến con, lạy Chúa, vì sức con thì không thể.
Reply all
Reply to author
Forward
0 new messages