Sống đạo dưới quan điểm “hòa nhập văn hóa” | Trần Ngọc Báu

21 views
Skip to first unread message

Minh Nguyen Quang

unread,
May 25, 2024, 10:09:13 PMMay 25
to alphonsefamily
Sống đạo dưới quan điểm “hòa nhập văn hóa”

image.png

Thưa các bạn,
Đọc bài “Giáo Hội nam tính hóa hình ảnh Thiên Chúa”
https://groups.google.com/g/alphonsefamily/c/r-j64IGoN-U
image.png

Tôi xin góp thêm ý nghĩ có liên quan đến chủ đề “hòa nhập văn hóa” (inculturation) mà người mình hay dùng cụm từ “hội nhập văn hóa” (intégration) thay thế… Sở dĩ tôi muốn góp ý ở đây, là vì tôi mong muốn người tín hữu VN, nhân dịp này, nhìn vấn đề sống đạo dưới quan điểm “hòa nhập văn hóa” mà Đức Thánh Cha Phanxicô đang cố gắng làm, theo cách thế của Ngài.

Tôi xin vào đề. Ai cũng nghĩ là Thiên Chúa không có “giống” đực hay cái, nam hay nữ. Nhưng người Việt Nam ai cũng gọi Ngài là “Ông”, “Ông Trời”. Bởi người Việt truyền thống có quan niệm trật tự xã hội phải được xây dựng trên chế độ “phụ hệ”, cha con, vua tôi… 

Dân Do Thái cũng theo chế độ “phụ hệ”. Chúa Giêsu Kitô là người nam Do Thái và giữ đạo Do Thái. Ngài là người nam và gọi Thiên Chúa là Cha (xưng con). Ngài bị dân Do Thái kết án vì tội phạm thánh này. Ngài mặc khải cho dân Do thái và cho chúng ta nhận biết rằng có “Cha” và có “Con”. Ngài không thể gọi Thiên chúa là “Mẹ” như có thể gọi trong chế độ “mẫu hệ”, vì nó chói tai và khó hiểu… Người Kitô-hữu nên nhớ nằm lòng rằng Đức Kitô là người thật 100%, (không giả làm người) và sống trong nền văn hóa Do Thái cũng như giữ đạo Do Thái. Ngài dùng ngôn ngữ đương thời và nếp văn hóa Do Thái để mặc khải cho con người về Nước Trời. Ngài sống trung thực với lòng Ngài, làm con dân Do Thái và Con của Cha trên trời. Ngài sẵn sàng chết với lòng trung thực ấy.

Ngày nay, đối với Giáo Hội và tín hữu chúng ta thì sao??? Đó là vấn đề! Ngày nay, cần và rất cần xét lại cách thức chúng ta đã “hòa nhập văn hóa” ra sao. Số là Giáo Hội của Chúa được khai sinh ở phương Đông, nhưng hòa nhập rất sớm vào nền văn hóa Hy Lạp, rồi sau đó hòa nhập sít sao nhất vào nền văn hóa La Mã. Nói cách khác, GHCG La Mã đã bám trụ vào nền văn hóa Tây Phương trong CÁCH DIỄN ĐẠT ĐỨC TIN VÀ TRONG CÁCH TỔ CHỨC, ĐIỀU HÀNH… Một giáo hoàng Phanxicô đến từ Nam Mỹ tỏ ra rất lúng túng, vụng về, khi muốn đặt lại vấn đề “hòa nhập văn hóa” cho Giáo Hội do Ngài hướng dẫn… Ngài biết rõ là Ngài phải đụng độ với một “nền giáo lý” kiên cố được xây dựng hằng thiên niên kỷ trên những nề nếp văn hóa thống lãnh phương tây và thế giới… Đang khi đó, các nền văn hóa trên thế giới vẫn thay đổi đều đều, mà Lời Chúa chưa hòa nhập được với xu thế đó nên con người ngày nay không nghe được Lời Chúa lọt vào tai...

Tôi không dùng danh từ bảo thủ hay cấp tiến trong vấn đề “hòa nhập văn hóa” đối với Giáo Hội CG La Mã, vì nhìn vấn đề như thế là “lạc đề”. Thử hỏi có ai đặt vấn đề như thế với Đức Giêsu Kitô không?  Không, Ngài không bảo thủ hay cấp tiến, mà Ngài chỉ sống trung thực với cương vị một con dân Do Thái và con Chúa Cha. Người Do Thái đương thời nhìn nhận Đức Giêsu Kitô là người Do Thái và tuân giữ Lề Luật Do Thái đang khi cố gắng kiện toàn Lề Luật này. Chúng ta là Kitô-hữu, chúng ta noi gương Ngài như thế nào, đó là VẤN ĐỀ CỦA CHÚNG TA.

Chuyện trọng nam khinh nữ cũng là chuyện của chúng ta. Là người Việt Nam muốn rao giảng Nước Trời cho người Việt Nam, chúng ta thấm thía với tâm tình “nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” thì chúng ta phải tự mình biết sửa đổi cách nhìn và cách đối xử với người nữ tín hữu trong Giáo Hội VN ngày nay. Đừng ngồi chờ sung rụng, đừng đánh mất phẩm giá là người Việt Nam, cũng đừng thách thức Tòa Thánh Vatican, chỉ cần trung thực với lòng và với Chúa… 

Trần Ngọc Báu, Thụy Sĩ

Reply all
Reply to author
Forward
0 new messages