Mừng 90 năm thành lập DCCT Sài Gòn - 7/10/1933 - 7/10/1933 | Paul Loc

13 views
Skip to first unread message

Minh Nguyen Quang

unread,
Oct 13, 2023, 12:33:11 AM10/13/23
to alphonsefamily
MỪNG 90 NĂM THÀNH LẬP DÒNG CHÚA CỨU THẾ SÀI GÒN - 07.10.1933 - 07.10.2023

Ngay từ ban đầu, các thừa sai đã nghĩ đến việc lập cơ sở tại ba miền của nước Việt. Giờ thực hiện Tu viện tại Saigon đã đến sau khi hai nhà đã được hoàn thành tại Huế và Hanội.
NHỮNG BƯỚC THĂM DÒ VÀ CHUẨN BỊ:
Từ 1926, cha Cousineau đã đến giảng tại miền Nam kỳ, lúc ấy có Đức cha Dumortier làm Đại diện Tông Tòa Địa phận Saigon. Cha đã lên Đalat và thích nơi này. Ngài đã nghĩ đến việc lập Học viện, nhà cấm phòng và cả nhà nghỉ dưỡng sức của Dòng. Thừa sai Nicolas phụ trách nhà thờ Đalat sẵn lòng giúp đỡ và sẽ trình sự việc cho Đức cha Dumortier. Ngài mong rằng mọi sự sẽ đạt kết quả khi có được một sở đất vào ngày 13-11-1927. Thế nhưng đã có những ý kiến không thuận lợi: Đalat quá lạnh đối với người Việt-Nam, đắn đo giữa Saigon, Đalat hay Nha Trang để làm Học viện. Cuộc kinh lược của cha Giám Tỉnh Thomas Pintal sẽ có quyết định. Cha Bélanger, sau khi giảng cấm phòng tháng 9-1930 tại nhà thờ chánh tòa Saigon đã hăng say đòi phải lập nhà tại Saigon vì như ngài nói: “ Tương lai chúng ta là ở đó, và thật cấp bách… Tại đây chúng ta sẽ có nhiều ơn gọi với những người trẻ có trình độ học cao hơn.”. Đúng ngày đầu năm 1-1-1931, Đức cha Dumortier chính thức mời ngài đến để bàn hỏi. Hai bề trên Huế và Hanội là các cha Cousineau và Michaud đồng ý phải có nhà tại Saigon. Ngày 26-3-1931 cha Dionne quyết định gửi 2 cha đến Saigon: cha Amédée Fournier sẽ đi học tiếng tại Cái Nhum, cha Théodose Roy sẽ học tiếng ở Nha Trang. Được tin Cha Antoine Lapointe sẽ đến Việt-Nam năm 1932, cha Dionne đã nói: “Đây chính là vị tông đồ của Saigon.” (thư 31-3-1931). Trong thư gửi cha Bề trên Tỉnh, cha Dionne viết về những thuận lợi của việc lập nhà tại Saigon. Ngài nói: “Tôi đang chuẩn bị cho việc thành lập này. Và phải thực hiện trong thời gian ngắn nhất.”
Sau một thời gian sống riêng rẽ, hai cha về sống chung tại Cái Nhum, vừa đi giảng vừa học tiếng Việt. Thừa sai Gauthier đề nghị một miếng đất 2 mẫu rưỡi tại giữa phố, Đức cha thúc bách và muốn Dòng Chúa Cứu Thế lập nhà trước các tu sĩ Phan Sinh. Thế nhưng giá đất lên đến 25.000 đ và các thừa sai không có tiền để mua. Cuối cùng thì Đức cha đề nghị Dòng Chúa Cứu Thế lãnh một họ đạo tại Khánh Hội, ngoại ô Saigon. Ngày 12-12-1932, cha Lapointe đến Việt-Nam và được gửi đi học tiếng tại Cái Nhum. Ba thừa sai Edouard Blais, Amédée Fournier và Antoine Lapointe chuẩn bị lập cộng đoàn và tu viện Dòng Chúa Cứu Thế tại Saigon.
THÀNH LẬP DÒNG CHÚA CỨU THẾ -1933
Nhiều đề nghị được đưa ra: một sở đất ở vườn cao su Phú Thọ. Một phụ nữ bạn thân với bà Pasquier cho biết là Toàn quyền Pasquier có vẻ không thích các cha Dòng Chúa Cứu Thế và việc lập nhà tại Saigon không thể thành sự nếu không được sự đồng ý của Toàn quyền Pháp. Cha Dionne xin gặp Pasquier ngày 2-4-1933. Cha trình bày về mục đích và về các công việc của Dòng Chúa Cứu Thế: cấm phòng, đại phúc, diễn thuyết, thư viện… Pasquier nói: “ Công việc của các ngài đáng được khích lệ”. Vị toàn quyền bắt tay cha và nói: “Chúng ta sẽ có dịp gặp nhau lại tại Saigon.”
Cha Dionne tỏ lộ rằng, ngài đã cầu xin thánh Anphongsô, thánh Giêrađô và các vị khác: “Tôi đã lần cả một chuỗi. Chính vì thế mà mọi sự đã xuôi chảy tốt đẹp… Chúng tôi cũng xin thánh Giuse quan tâm đến công việc. Chúng tôi biết ơn ngài. Thánh Giuse sẽ là Bổn mạng của nhà Saigon.”
NGÔI NHÀ Ở TÂN ĐỊNH
Ngôi nhà ở giữa Saigon, gần nhà thờ Tân Định, Việt-Nam. Một bà ở Saigon, đang mắc nợ rao bán với giá 25.000 đ có lầu, mỗi lầu có 4 phòng. Chủ nhà đã tự nguyện dâng ngôi nhà ấy cho cha Fournier. Người phụ nữ đó là ai? Cha Fournier cho biết ngài chỉ gặp bà đôi lần và cũng không biết tên bà là gì nữa. Cha Dionne đã nhận món quà lớn lao cho Dòng Chúa Cứu Thế này. Đức cha và một vài vị thừa sai, Linh Mục Việt-Nam tỏ vẻ không mấy vui, cho rằng sự hiện diện của Dòng Chúa Cứu Thế sẽ làm cho các ngài, giáo phận và các giáo xứ bị thiệt thòi. Cha quản lý địa phận Soullard lại tỏ ra rất vui mừng.
Ngôi nhà được cha Fournier đứng tên và ngài phải làm một bản chúc thư trao lại cho Dòng Chúa Cứu Thế. Thời đó, nếu các dòng tu đứng tên bất động sản thì thuế sẽ rất cao lại có thể gặp nhiều bất lợi, chính vì thế mà các bất động sản được một “công ty” đứng tên. Rộng 850 m2, số 163 Paul Blanchy (đường Hai Bà Trưng ngày nay), do cha Fournier đứng tên trong hợp đồng mua bán, giá là 17.500 đ, bởi người ân nhân không muốn ra mặt.
Như đã nói, Đức cha Dumortier rất muốn Dòng Chúa Cứu Thế lập nhà tại Địa phận nhưng trước sự kiện này Đức cha cũng như một số thừa sai và Linh Mục bản Quốc không vui, và do đó các cha Fournier, Roy xem ra như không được ưa thích, ngoại trừ cha Soullard luôn hết lòng giúp đỡ nhà Dòng và thường có ảnh hưởng trên vị Giám Mục. Điều đáng tiếc là sự việc theo cha Dionne báo cáo về Bề Trên Tỉnh ngày 10-9-1933 thì: “Cha Fournier vì thiếu tận tụy đã làm nổ lên sự bất mãn của Đức cha Dumortier… Tôi không biết thật sự là cha có thể lướt thắng được không.”
Trước sự kiện đó, vừa vì nhà này không thể có nhà nguyện cho giáo dân, vừa vì sức khỏe của cha Fournier không ổn định do bệnh gan, tâm lý lung lay nên giải pháp cuối cùng phải chọn là đưa ngài đi nghỉ ở Vichy một thời gian theo lời khuyên của Bác sĩ.
Cha Fournier là người Chúa Quan Phòng đã dùng để tạo điều kiện cho Dòng Chúa Cứu Thế hiện diện trên đất Saigon. Lúc được sai đến miền Nam, cha chỉ được nhận có 50đ, thế mà giờ đây cha đã làm “chủ” một ngôi nhà lớn giữa thành phố hoa lệ này. Ngài đi chữa bệnh và chỉ mong được trở lại, có lần đã tỏ ra rất mực bực tức vì không nhận được lời cam kết của bề trên. Người phụ nữ ân nhân mà sau này được biết tên là MAZICH vào cuộc và đe dọa là nếu cha Fournier không trở lại Việt-Nam thì bà sẽ không tiếp tục trả thêm tiền hằng tháng và như thế thì lại càng làm dịp cho những lời qua tiếng lại đồn thổi không đẹp. Theo cha Dionne cho biết thì có một người vợ bé của chồng bà Mazich đã tố cáo sự liên hệ giữa cha Fournier và bà Mazich và tiếc thay người phụ nữ này lại được lòng tín nhiệm của Đức cha. Mọi thủ tục về quyền sở hữu ngôi nhà đã được điều chỉnh trước khi cha Fournier lên đường và việc quyết định cha Fournier có trở lại hay không lại lệ thuộc vào sức khỏe của ngài và Bề trên tỉnh.
Thế đấy, việc khai sinh nhà Dòng Saigon đã khởi sự với những vui buồn như vậy. Tu viện ở phố Paul Blanchy được thành lập chính thức do cha Bề trên Cả Patrice Murray ký ngày 7-10-1933.
NHÀ PHỐ FLANDIN
Vào một ngày đẹp trời, có người đến nhà Paul Blanchy, cho các cha biết là một miếng đất 2 ha được nhà băng Đông Dương thanh lý, giá khỏang 2.000 USD và trả góp 200 USD mỗi tháng. Với những chi phí đăng ký, trung gian, số tiền mua đất nói trên là 12.500 VNđ thời đó. Cha Dionne, cha Bề trên Tỉnh, cha quản lý Địa phận Soullard và cả Đức cha đều coi đây là một điều tốt. Cuối cùng Bề trên Tỉnh và Trung Ương Roma đồng ý và sở đất được mua ngày 24-3-1937.
Công việc xây dựng nhà Saigon không cấp bách. Trước những ý kiến và đòi hỏi lắm khi khó hiểu của Đức cha Dumortier, các cha có ý và cũng được khích lệ là phải chờ đợi vị kế nhiệm. Cha Soullard còn cho biết rằng những quyết định và ý kiến của Đức cha Dumortier liên hệ đến nhà Dòng Chúa Cứu Thế thì hoàn toàn do ý Đức cha chứ không phải do hội đồng Địa phận. Ngôi nhà Paul Blanchy được bán ngày 26-10-1939 với giá 17.000 USD. Các cha vẫn ở tại đây trong thời gian xây nhà 1939-1940.
Công trường xây dựng Dòng Chúa Cứu Thế tại Saigon khởi sự. Kiến trúc sư là một người có vợ Pháp, ông muốn dâng công trình này cho Đức Mẹ và đã nhận làm họa đồ hoàn toàn miễn phí. Ngôi nhà dự định sẽ có tầng trệt và hai tầng lầu, 30 phòng, có nhà ngyện và một nhà thờ dành cho giáo dân. Họa đồ được gửi đến 23-8-1937, chi phí 80.000 đ, tương đương 30.000 USD. Cùng lúc đó các nữ tu Phaolô thành Chartres khởi công xây dựng bệnh viện Saint Paul.
Từ buổi đầu, cha Amédée Fournier làm Bề trên và khi ngài đi Pháp, cha Theodose Roy kế nhiệm.
Chủ đất có tên là Ardin và Scotto, thuộc ngân hàng Đông Dương. Hợp đồng mua bán chỉ được ký kết ngày 5-1-1939.
Thế nhưng công trình xây cất nhà Saigon được khởi sự 15-11-1938 do nhà BROSSARD MOPÍN làm chủ thầu với dự tính hoàn thành trong 7 tháng.
Tiền được mượn từ nhiều nơi, kể cả Tòa Thánh. Có những ân nhân: Phụ Tỉnh đưa 500 đ, cha Michaud gửi số tiền còn lại sau khi xây xong một phần nhà Hanội, cha Mateo vị tông đồ Thánh Tâm tặng 500đ
Trong thư 15-7-1939 cha Dionne thông báo tu viện Saigon với một lầu, chưa có nhà nguyện đã hoàn tất và việc dọn về nhà mới sẽ được thực hiện giữa tháng 8. Đúng vào một ngày mưa, xe tải phải đậu ngoài đường và mọi sự được khiêng vào qua sân lầy lội. Nhà thờ không thể khởi sự được ngay và mãi đến 1952 mới đặt móng và được khánh thành ngày 20-12-1953.
LÀM PHÉP TU VIỆN SAIGON – 14 - 3 - 1940
Ngày 14-3-1940 là ngày làm phép và khánh thành tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Saigon. Đức khâm sứ Tòa Thánh Antonin Drapier chủ sự. Hiện diện có các Giám Mục Chabalier, Phêrô Ngô Đình Thục, cha quản lý Địa phận Soullard, bà bá tứơc Didelot.
Như thế là sau thời gian tìm tòi đây đó, Dòng Chúa Cứu Thế đã có nơi Thiên-Chúa đã tiền định. Chặng đường thật gian nan với nhiều thử thách được đón nhận như hồng ân của Chúa Quan phòng nhưng chưa phải là Đất hứa Chúa dành: một giáo xứ Khánh Hội (1931-1933), số 163 Paul Blanchy (1933-1939), tu viện tại phố Flandin từ 1940 cho đến nay thừơng được gọi là Nhà Kỳ Đồng. Đường phố trứơc kia có tên là Rue des Rédemptoristes.
Nhà Dòng Chúa Cứu Thế Saigon được chính thức là tu viện từ 7-10-1933 dưới thời Bề trên Cả Patrice Murray và mặc dù Dòng Chúa Cứu Thế Việt-Nam mang tên là Phụ tỉnh Huế, nhưng Nhà Saigon đã trở thành trụ sở chính của Dòng tại Việt-Nam và được chính thức là trụ sở Phụ Tỉnh Dòng năm 1939.
Nhà Saigon là trung tâm tổ chức các tuần Đại phúc đưa các thừa sai nổi danh và nhiệt thành như các cha Edouard Blais, Antoine Lapointe… rồi đến các thế hệ Việt-Nam như các cha Phêrô Hoàng Yến, Phêrô Xuân Lộc, Phaolô Nguyễn Văn Vàng, Phaolô Nguyễn Văn Cơ, Giacôbê Đào Hữu Thọ, FX Trần Tử Nhãn… đến nhiều Giáo phận và giáo xứ miền Nam. Trong 8 năm từ 1934 đến 1942 đã có 76 kỳ đại phúc và tái phúc đã được các cha nhà Saigon thực hiện.
Đại phúc của nhà Saigon, sau thời gian khó khăn bị ngưng lại (1943-1945), đã khởi sắc: sáu cuộc Đại phúc được thực hiện dồn dập và từ 1946 đến 1952, sổ công tác tông đồ đã ghi lại 101 cuộc Đại phúc và 30 cuộc tái phúc.
NHÀ THỜ ĐỨC MẸ HẰNG CỨU GIÚP
Đức cha Dumortier đã cho phép xây dựng một nhà nguyện để giáo dân ngày càng thêm đông đến dự các buổi lễ. Phòng chung nhà Dòng được sử dụng làm nhà nguyện trong thời gian dài. Khi có nghi lễ phụng tự thì tất cả mọi cửa từ nhà khách vào được mở rộng cho giáo dân. Chúng tôi nhớ vào thời kỳ đó chưa có thang lầu phụ nơi cửa ra phòng thánh bây giờ, nên muốn lên lầu, phải len lỏi qua hàng lớp đông đảo giáo dân tham dự. Các việc kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp
được tổ chức và số người đến càng ngày càng đông. Việc xây dựng thánh đường là một nhu cầu khẩn thiết. Các họa đồ theo kiến trúc mới, bằng ximăng cốt sắt, thoáng mát. Rõ ràng là đã có một cuộc cách mạng nhỏ trong lối kiến trúc. Họa đồ đã có từ sau khi nhà Saigon được khánh thành nhưng mãi đến ngày 3-8-1952 lễ đặt viên đá đầu tiên mới được cử hành. Nhà thờ được cung hiến khánh thành ngày 20-12-1953. Tờ ANNALECTA CSSR tháng 2 năm 1954, tường trình buổi lễ. Ngôi nhà thờ mới được khánh thành khi cha Léonard Buys vừa mới qua đời và đang thời kỳ chuẩn bị công hội sẽ bầu cha Guillaume Gaudreau làm Bề trên Cả ngày 6-2-1954.
Chủ sự là Đức Giám Mục Saigon, JEAN CASSAIGNE SANH, đại diện Tông tòa. Hai cha phụ tá là cha Camille Dubé, Bề trên nhà Đalat và cha Antôn Nguyễn Đức Tuyên, Bề trên nhà Hanội. Sau Phúc âm, cha Irénée MARQUIS, Bề trên nhà Saigon đã ngỏ lời chia sẻ về hồng ân Thiên Chúa đã ban cho hoàn thành thánh đường này, cám ơn các ân nhân. Ngôi nhà thờ đáp ứng những đòi hỏi ở một xứ nóng. Cửa rất rộng, ánh sáng chan hòa, không có ảnh tượng xung quanh, cửa kính đơn giản, có 8 bàn thờ cạnh mà nổi bật là bàn thờ kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp và bàn thờ kính thánh cả Giuse, bổn mạng nhà Saigon. Nhà thờ có 3 cỗ chuông nặng 1300, 1000 và 700 kg DO RE MI do một bác sĩ Công giáo dâng. Chuông đã được làm phép trước mấy ngày, 6-12-1953. Tháp chuông cao 35m. Nhà thờ có 720 chỗ ngồi.
Trên 3000 người tham dự nghi Lễ khánh thành. Cha Bề trên Phụ tỉnh Louis ROY, các cha các thầy trong Dòng về tham dự rất đông. Trong số quan khách có phó thủ tướng Nguyễn Huy Lai là một người Công giáo sốt sắng, có Ưng An đại diện Hoàng đế Bảo Đại, Ông Trần Văn Hữu và 2 Bộ trưởng Trương Vĩnh Tòng và Lê Quang Huy.
Để có hương vị ngày khánh thành, xin đăng bài tường thuật, của một người dự lễ, Nguyệt san Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp số 56 tháng Giêng 1954 như sau:
“Sáng hôm 20 tháng chạp dương lịch vừa qua(1953), vào quãng 7 giờ, quang cảnh nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Saigon đã thay hẳn bộ mặt. Dân chúng đủ hạng người đã đẩy nhau về cả một chiều: ngựa xe như nước…. Dân chúng tụ tập trước sân nhà thờ hãy còn phảng phất mùi nhè nhẹ của lớp xi măng chưa kịp khô.
“Đúng 8 giờ, hai Đức cha CASSAIGNE Giám mục Saigon và CHABALIER, Giám mục Nam Vang đến, sau những bản nhạc do hội âm nhạc nhà binh cử, Đức Giám mục Saigon khai mạc lễ làm phép Nhà thờ.
“Chính Đức Giám mục thân hành làm lễ, hai vị phụ tế là cha DUBÉ Bề trên Dòng Chúa Cứu Thế Đalat và cha TUYÊN Bề trên Dòng Chúa Cứu Thế Hànội.
“Đọc Phúc âm xong, cha MARQUIS, Bề trên Dòng Chúa Cứu Thế Saigon đăng đàn, cám ơn tất cả những ai đã cộng tác vào ngôi Thánh đường mới này. Đồng thời ngài hô hào anh chị em, không phân biệt lương giáo, từ nay nên đến đây để cầu nguyện cho mình, cho gia đình, cho các nhà cầm quyền, cho tổ quốc cho Giáo Hội, nhất là Giáo Hội Việt-nam đang trải qua những cơn thử thách có một không hai trong lịch sử Giáo Hội Việt-nam….
“Cha Marquis nhắc lại những sự cố gắng và sự cộng tác ấy và ngài đã cao tiếng: “Nhà thờ này không phải của các cha Dòng Chúa Cứu Thế, nhưng là của toàn thể anh chị em!” Thật là một câu khiến bao nhiêu người mát ruột”.
Từ ngày đó, với nhà thờ rộng rãi thoáng mát sáng sủa, có sân rộng và phần lớn là vì sự hiện diện nhiệt thành của các cha Dòng Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, với tòa giải tội thường trực và những bài giảng sống động thâm thúy, số người đến càng thêm đông.
Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp được thành lập với cha Bề trên nhà làm chánh xứ.
Tiếp đến là những sinh hoạt mục vụ đa diện:
Trụ sở Tòa báo Đức Mẹ
Lớp giáo lý dự Dòng
Lớp giáo lý hôn nhơn
Lớp giáo lý giới trẻ
Các khóa “Gia Đình hạnh phúc…”
TIỂU ĐỆ TỬ SAIGON
Trong thư của cha Bề trên Phụ tỉnh Alphonse Tremblay gửi cho cha Giám tỉnh LÉON LAPLANTE ngày 17-5-1948 có nói đến Tiểu Đệ Tử Saigon “được lập trên mảnh đất bên kia đường Flandin”. Hiện nhà cửa chỉ đủ cho khỏang 20 học sinh và ước chừng sẽ có khỏang 40. Không thể mở rộng thêm được vì căn nhà ở góc phố mà chủ nhân trước kia không muốn bán. Nay đòi bán với giá 3.600 USD.
Các cha Henri Bạch Văn Lộc, F.X. Trần Văn Hưng đã là những giám đốc Tiểu Đệ tử Saigon, có sự hợp tác của nhiều Linh Mục và tu sĩ: các cha P. Phan Phát Huồn, Christophe Bảng…, Thầy Toma Như….
Trong thư gửi cha Bề trên Tỉnh Gilbert Morin ngày 20-2-1956, cha Bề trên phụ tỉnh Louis Roy cho biết đã quyết định bãi bỏ Tiểu Đệ Tử Saigon đưa các chú về Vũng Tầu hợp chung với Đệ Tử Huế đã được đưa về đây. Nhà Vũng Tàu dự định được khánh thành 20-21 tháng 4-1955. Khu đất Tiểu Đệ tử được dùng làm nhà Tĩnh Tâm, Cấm Phòng, và sau đã là trường trung học Cứu Thế, mang số 24 Kỳ Đồng.
Khi lập tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt-Nam năm 1964 với cha FX Trần Tử Nhãn làm Giám tỉnh và cha Henri Bạch Văn Lộc làm Bề trên nhà Saigon thì cộng đoàn Saigon chưa có trách nhiệm trông coi giáo xứ, nhưng các cha điều hành mục vụ tại nhà thờ và lập các hội đoàn, sinh hoạt đa dạng còn rộng hơn phạm vi một giáo xứ. Công việc chính của nhà Saigon là các Đại phúc đồng thời việc dậy giáo lý tân tòng được khuyếch trương mạnh. Năm 1961, đã có 1174 dự tòng.
Mỗi thứ 7, có 5 lần hành hương Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Số người tham dự lên đến 10.000 -15.000. Số người xưng tội là 99.027 người/năm.
Phải nói đến công việc xã hội từ thiện bác ái do cha Lucien Olivier thực hiện.
Nguyệt san “Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp”, sau một thời gian đình bản do cuộc “di cư” vĩ đại đã tái xuất hiện, tòa soạn tại Dòng Chúa Cứu Thế Kỳ Đồng từ 26-9-1954. Một nhà in được thiết lập chuyên in báo Đức Mẹ, các sách do các tu sĩ sáng tác, bộ Kinh Thánh của dịch giả Giuse Nguyễn Thế Thuấn và các sách Tuổi Hoa.
Nhà Saigon từ nhiều năm trước là nơi ở của vị Phụ tỉnh và Giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt-Nam từ ngày thành lập Tỉnh Dòng ngày 27-5-1964.
Về cơ sở, có nhu cầu phải xây thêm. Một tầng nữa đã được khơi lên thời cha Trần Tử Nhãn làm Bề trên nhà (1959-1961), Tòa báo và nhà sách Đức Mẹ được xây cất khang trang, khu giáo xứ có cơ sở thời cha Bề trên Lê Trung Nghĩa và sau 1975, cha Giuse Cao Đình Trị đã mở rộng trung tâm Hiệp nhất, khu hưu dưỡng cho các tu sĩ lớn tuổi hay bệnh tật đồng thời là một cái nhìn sáng suốt vào tương lai làm nơi “tạm trú” cho mọi nỗ lực đào tạo kế thừa từ dự tu đến học viện.
(Trích lịch sử Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam)

387103339_24193865590204773_3653901357699200020_n.jpg   387176692_24193865623538103_3765090885983167880_n.jpg
Cha Bellemare ngỏ lời với quan khách trong lễ làm phép viên đá đầu tiên ngôi nhà thờ Đức Mẹ HCG 3-10-1952

387110934_24193865843538081_5194236282698903707_n.jpg  image.png
Đặt viên đá đầu tiên xây dựng nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp

image.png       image.png
Hang đá Lộ Đức được khởi công xây tháng 10-1942.
Bị gián đoạn do chiến tranh. Được hoàn thành và
Khánh thành 15-6-1949

image.png   
Tu viện SG - 1960

9795591a-a4ac-416b-b3d6-6cf60e6e2958.png
image.png
   Thánh hiến nhà thờ Kỳ Đồng 20.12.1953

image.png
Nhà 163 Paul Blanchy, nay là đường Hai Bà Trưng

image.png
Cha Antoine Lapointe trước cổng
nha Paul Blanchy, người lo mua
đất ở Flandin
image.png
Cộng đoàn Saigon 1940, một cộng đoàn Thứa sai Đại Phúc
(Hàng ngồi từ trái): G.Trempe, A. Lapointe, Bề Trên Phụ Tỉnh E.Dionne, E.Blais, R.Bellemare.
(Hàng đứng): Thầy___ ,Gioan, Irénée, G.Bélanger,
S.Damphousse,___ T.Phaolô, T.Alexis

image.png  image.png

image.png
Cha Bellemare ngỏ lời với quan khách trong lễ làm phép viên đá đầu tiên ngôi nhà thờ Đức Mẹ HCG 3-10-1952
Reply all
Reply to author
Forward
0 new messages