Lượm lặt tin tức Công giáo tuần qua (cập nhật) | Minh Đỗ Texas

44 views
Skip to first unread message

Minh Nguyen Quang

unread,
May 20, 2024, 8:02:10 PMMay 20
to alphonsefamily
18/5/2024

Những ước mơ của ĐTC Phanxicô trong Sắc chỉ công bố Năm Thánh 2025

Chiều ngày 9/5/2024, trong giờ Kinh chiều II Lễ Chúa Lên Trời, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trao Sắc chỉ công bố Năm Thánh 2025 có tựa đề “Spes non confundit” - Niềm Hy vọng không làm thất vọng. Trong Sắc chỉ, ngài đưa ra các lời kêu gọi cho các tù nhân, người di cư, người bệnh, người già và người trẻ là nạn nhân của ma túy và các tội phạm. Ngài tuyên bố ngài sẽ mở Cửa Thánh tại một nhà tù, kêu gọi xóa nợ cho các nước nghèo, kêu gọi tỷ lệ sinh cao hơn, chào đón người di cư và tôn trọng thụ tạo, vv.

Hy vọng là điều Đức Thánh Cha khẩn cầu như một ơn trong Năm Thánh 2025 cho một thế giới bị đánh dấu bởi sự ồn ào chát chúa của vũ khí, sự chết chóc, sự hủy diệt, sự hận thù đối với người khác, nạn đói kém, “nợ sinh thái”, tỷ lệ sinh thấp. Chính hy vọng là dầu xoa dịu mà Đức Thánh Cha muốn bôi trên những vết thương của một nhân loại “đã quên đi những bi kịch trong quá khứ”, đang phải chịu “một thử thách mới và khó khăn” khi chứng kiến “"nhiều dân tộc bị áp bức bởi sự tàn bạo của bạo lực” hoặc trong bối cảnh tỷ lệ nghèo đói tăng theo cấp số nhân, mặc dù thực tế là các nguồn lực không thiếu và chúng chủ yếu được sử dụng cho chi phí quân sự.

Spes non confundit, hy vọng không làm thất vọng, trích từ Thư gửi tín hữu Roma (Rm 5,5), là tựa đề của Sắc chỉ công bố Năm Thánh, được Đức Thánh Cha trao cho các Giáo hội trên năm châu lục chiều ngày 9/5/2024, trong Kinh Chiều II lễ Chúa Lên Trời. Sắc chỉ, được chia thành 25 điểm, bao gồm các lời kêu gọi và đề xuất, những ước mơ của ngài trong Năm Thánh 2025.

Sau đây là một số điểm chính trong Sắc chỉ công bố Năm Thánh 2025.

Một ngày chung cho Lễ Phục Sinh

Trong Sắc chỉ, Đức Thánh Cha nhắc lại hai ngày kỷ niệm quan trọng: kỷ niệm 2.000 năm Ơn Cứu Độ vào năm 2033 và 1700 năm Công đồng Đại kết đầu tiên ở Nicea. Trong số các chủ đề khác, ngài cũng đề cập đến việc xác định thời gian của Lễ Phục sinh. Ngài ngài nhấn mạnh rằng ngay cả ngày nay, “các lập trường khác nhau” vẫn ngăn cản việc cử hành “sự kiện hình thành đức tin” trong cùng một ngày, và nhắc nhở rằng tuy nhiên “bởi một cơ hội được Chúa quan phòng, điều này sẽ xảy ra chính vào Năm 2025” (17).

Đức Thánh Cha viết: “Xin cho đây là lời kêu gọi tất cả các Kitô hữu Đông phương và Tây phương thực hiện một bước quyết định hướng tới sự hiệp nhất quanh một ngày chung cho lễ Phục sinh. Điều đáng ghi nhớ là nhiều người không còn hiểu biết về những lời chỉ trích trong quá khứ và không hiểu làm sao có thể tồn tại sự chia rẽ trong vấn đề này”.

Việc mở Cửa Thánh

Giữa những “giai đoạn quan trọng” này, Đức Thánh Cha quyết định rằng Cửa Thánh của Đền thờ Thánh Phêrô sẽ được mở vào ngày 24/12/2024, từ đó bắt đầu Năm Thánh. Chúa Nhật tuần sau đó, ngày 29/12, Đức Thánh Cha sẽ mở Cửa Thánh tại Đền thờ Thánh Gioan Laterano, nơi sẽ kỷ niệm 1700 năm cung hiến vào ngày 9/11. Sau đó, vào ngày 1/1/2025, Lễ Trọng Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, Cửa Thánh sẽ được mở tại Đền thờ Đức Bà Cả. Cuối cùng, vào ngày 5/1, Cửa Thánh của Đền thờ Thánh Phaolô Ngoại thành sẽ được mở. Ba Cửa Thánh này sẽ được đóng trước Chúa Nhật ngày 28/12 cùng năm 2025.

Vào ngày 29/12/2024, các Giám mục sẽ phải cử hành Thánh lễ tại tất cả các nhà thờ chính tòa và nhà thờ đồng chính tòa khai mạc trọng thể Năm Thánh. Năm Thánh sẽ kết thúc với việc đóng Cửa Thánh Đền thờ Thánh Phêrô vào ngày 6/1/2026, Lễ Hiển Linh. (6)

Hòa bình trên thế giới

Đức Thánh Cha mời gọi nhận ra niềm hy vọng nơi “những dấu chỉ của thời đại”, tuy nhiên hãy nhìn vào “những điều tốt đẹp đang hiện diện trên thế giới để không rơi vào cơn cám dỗ cho rằng mình bị sự ác và bạo lực đè bẹp”. Ngài hy vọng rằng dấu chỉ đầu tiên của hy vọng trong Năm Thánh “chuyển thành hòa bình cho thế giới, thế giới mà một lần nữa lại thấy mình chìm đắm trong bi kịch chiến tranh”.

“Quên đi những bi kịch trong quá khứ, nhân loại phải đối mặt với một thử thách mới và khó khăn khi chứng kiến nhiều dân tộc bị áp bức bởi sự tàn bạo của bạo lực. Những dân tộc này còn thiếu điều gì mà họ chưa phải chịu đựng? Làm sao tiếng kêu cứu tuyệt vọng của họ không thúc đẩy các nhà lãnh đạo các Quốc gia muốn chấm dứt quá nhiều xung đột khu vực, nhận thức được những hậu quả có thể nảy sinh ở cấp độ toàn cầu? Có quá đáng không khi mơ rằng vũ khí sẽ im tiếng và ngừng mang đến sự hủy diệt và chết chóc?”. (số 8)

Lời kêu gọi sinh con

Với sự quan tâm, Đức Thánh Cha nhìn vào “sự sụt giảm tỷ lệ sinh con” được ghi nhận ở nhiều quốc gia và vì nhiều lý do khác nhau: “Nhịp sống điên cuồng”, “những lo ngại về tương lai”, “thiếu đảm bảo việc làm và bảo trợ xã hội”, “các mô hình xã hội” trong đó việc tìm kiếm lợi nhuận, chứ không phải các tương quan, chiếm ưu thế. Do đó, cộng đồng Kitô hữu “không thể đứng sau bất kỳ ai” trong việc ủng hộ nhu cầu có “một liên minh xã hội vì niềm hy vọng, mang tính toàn diện và phi ý thức hệ, và hoạt động vì một tương lai được đánh dấu bằng nụ cười của nhiều bé trai và bé gái đến để lấp đầy quá nhiều cái nôi trống ở nhiều nơi trên thế giới”. (9)

Kêu gọi tôn trọng, điều kiện sống xứng đáng cho tù nhân, bãi bỏ án tử hình

Trong Năm Thánh, Đức Thánh Cha kêu gọi chúng ta đưa ra “những dấu hiệu hy vọng hữu hình” cho các tù nhân “hàng ngày, bên cạnh sự khắc nghiệt của tù đày, còn phải mang cảm xúc trống rỗng, những hạn chế bị áp đặt và, trong một số trường hợp, thiếu tôn trọng”. Đức Thánh Cha đề xuất với các chính phủ là trong Năm Thánh “các hình thức ân xá hoặc xóa bỏ hình phạt” sẽ được thông qua, cũng như “các con đường tái hòa nhập cộng đồng tương ứng với cam kết cụ thể trong việc tuân thủ luật pháp”. Trên hết, Đức Thánh Cha hy vọng rằng “ở mọi nơi trên trái đất” “một tiếng nói” sẽ được hình thành để can đảm yêu cầu “những điều kiện xứng đáng cho các tù nhân, tôn trọng nhân quyền và trên hết là việc bãi bỏ án tử hình, một biện pháp trái ngược với đức tin Kitô giáo và điều này phá hủy mọi hy vọng về sự tha thứ và đổi mới”. (10)

Để trao cho các tù nhân một dấu hiệu cụ thể của sự gần gũi, chính Đức Thánh Cha, như ngài tuyên bố trong Sắc chỉ, sẽ mở Cửa Thánh trong một nhà tù.

Niềm hy vọng cho bệnh nhân và nhiệt huyết cho người trẻ

Đức Thánh Cha nói rằng những dấu hiệu hy vọng cũng nên được trao cho người bệnh, tại nhà hoặc tại bệnh viện: “Việc điều trị cho họ là một bài thánh ca ca ngợi phẩm giá con người”. (11) Những người trẻ thường thấy “ước mơ của mình sụp đổ” cũng cần có hy vọng. Ngài viết: “Ảo tưởng về ma túy, nguy cơ vi phạm và việc tìm kiếm sự phù du tạo ra trong họ nhiều hoang mang hơn những người khác và che giấu vẻ đẹp cũng như ý nghĩa của cuộc sống, khiến họ rơi vào vực thẳm tối tăm và đẩy họ thực hiện những hành vi tự hủy hoại bản thân”. “Chúng ta không thể làm họ thất vọng”. (12)

Không có thành kiến và khép kín đối với người di cư

Đức Thánh Cha một lần nữa yêu cầu những mong đợi của người di cư “không bị thất vọng bởi những thành kiến và sự khép kín”. Ngài viết: “Nhiều người lưu vong, di dời và tị nạn, những người bị buộc phải chạy trốn do các sự kiện quốc tế gây tranh cãi để tránh chiến tranh, bạo lực và phân biệt đối xử, phải được đảm bảo an toàn và tiếp cận với công việc và giáo dục, những công cụ cần thiết để họ hòa nhập vào bối cảnh xã hội mới”. (13)

Con số người nghèo trên thế giới là một điều tai tiếng

Trong Sắc chỉ, Đức Thánh Cha không quên nhiều người già đang sống trong cô đơn và bị bỏ rơi. Ngài nói: đó là “một sự dấn thân” đối với cộng đồng Kitô hữu và xã hội dân sự để “cùng nhau làm việc vì sự liên minh giữa các thế hệ”. (14) Và ngài không quên “hàng tỷ” người nghèo không có những thứ thiết yếu để sống. Ngài nói: “Chúng ta gặp những người nghèo hoặc khó khăn mỗi ngày và đôi khi họ có thể là hàng xóm của chúng ta. Họ thường không có nhà ở hoặc thức ăn đầy đủ trong ngày. Họ phải chịu đựng sự loại trừ và thờ ơ của nhiều người”. Theo Đức Thánh Cha, “thật là tai tiếng” khi người nghèo chiếm phần lớn dân số của một thế giới “được ban tặng những nguồn tài nguyên khổng lồ, phần lớn dành cho vũ khí”. (15)

Một quỹ toàn cầu để xóa đói

Do đó, điều cần thiết là “những người giàu có phải quảng đại” đối với những người thiếu nước và lương thực: “Đói kém là một tai họa gây tai tiếng trong cơ thể nhân loại chúng ta và mời gọi mọi người thức tỉnh lương tâm”. Đức Thánh Cha lặp lại lời kêu gọi, được đưa ra nhân dịp Cop28, để “với số tiền sử dụng cho vũ khí và các chi tiêu quân sự khác, chúng ta thành lập một quỹ toàn cầu để xóa bỏ nạn đói và vì sự phát triển của các nước nghèo nhất, để cư dân của họ không dùng đến các giải pháp bạo lực hoặc lừa đảo và không bị buộc phải rời bỏ đất nước của mình để tìm kiếm một cuộc sống xứng đáng hơn”. (16)

Xóa nợ cho các nước nghèo

Một lời mời chân thành khác dành cho các quốc gia giàu có nhất là “đồng ý xoá nợ cho những quốc gia không bao giờ có khả năng trả được”. Đức Thánh Cha viết: “Trước khi là một sự cao thượng, đó là vấn đề công lý, ngày nay trở nên trầm trọng hơn bởi một hình thức tội ác mới” chẳng hạn như “nợ sinh thái”, đặc biệt là giữa phía Bắc và phía Nam, liên quan đến “sự mất cân bằng thương mại với những hậu quả trong môi trường sinh thái”, chẳng hạn như việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên không cân xứng trong lịch sử của một số quốc gia”. (16)

Chứng tá của các vị tử đạo

Trong Sắc chỉ Năm Thánh Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta nhìn vào chứng tá của các vị tử đạo, thuộc các truyền thống Kitô giáo khác nhau: “Những hạt giống hiệp nhất vì chúng diễn tả tính đại kết bằng máu”. Do đó, ngài bày tỏ “mong muốn sâu sắc” rằng trong Năm Thánh “sẽ không thiếu một buổi cử hành đại kết” nhằm làm nổi bật “sự phong phú” của chứng tá này. (20)

Tầm quan trọng của việc xưng tội

Sau đó, Đức Thánh Cha nói về Bí tích Sám hối “không chỉ là một cơ hội thiêng liêng tốt đẹp”, mà còn là “một bước quyết định, thiết yếu và không thể thiếu đối với hành trình đức tin của mỗi người”. (23) Do đó, ngài yêu cầu các Giáo hội địa phương phải đặc biệt quan tâm đến việc chuẩn bị các linh mục và tín hữu xưng tội và lãnh nhận bí tích dưới hình thức cá nhân.

“Thực ra, không có cách nào tốt hơn để nhận biết Thiên Chúa hơn là để mình được Người hòa giải và nếm hưởng ơn tha thứ của Người”.

Công việc phục vụ của các Thừa Sai Lòng Thương Xót sẽ được tiếp tục

Về vấn đề này, Đức Thánh Cha thông báo rằng các Thừa sai Lòng Thương Xót, được thành lập trong Năm Thánh ngoại thường, tiếp tục thực hiện “sứ vụ quan trọng” của họ, và mời gọi các Giám mục gửi họ đến những nơi mà “sự hy vọng bị thử thách mạnh mẽ”, chẳng hạn như nhà tù và bệnh viện, hoặc ở nơi “phẩm giá con người bị chà đạp”, “trong những hoàn cảnh thiệt thòi nhất và trong bối cảnh bị suy thoái nặng nề nhất”. (23)

“Đừng để ai bị tước đoạt cơ hội nhận được ơn tha thứ và sự an ủi của Thiên Chúa”.

Hành hương đến Roma

Những cuộc hành hương là “yếu tố cơ bản” của mọi sự kiện Năm Thánh. Đức Thánh Cha cho biết sẽ có một số hành trình đức tin được thực hiện vào năm tới tại Roma bên cạnh những hành trình truyền thống của các hang toại đạo và Bảy Nhà thờ.

 “Các nhà thờ Năm Thánh, dọc theo các tuyến đường và trong thành phố, có thể sẽ là ốc đảo thiêng liêng, nơi chúng ta làm tươi mới hành trình đức tin và kín múc những nguồn suối hy vọng”. (5)

Lời mời các Giáo hội Đông phương và Chính Thống

Đức Thánh Cha ngỏ “lời mời đặc biệt” các tín hữu của các Giáo hội Đông phương đến Roma, đặc biệt là các Giáo hội đã hiệp thông với Người kế vị Thánh Phêrô, những người “đã phải chịu đau khổ rất nhiều, thường cho đến hy sinh mạng sống, vì lòng trung thành với Chúa Kitô và với Giáo hội”. Đức Thánh Cha viết: Những anh em này “phải cảm thấy được chào đón đặc biệt ở Roma này, nơi cũng là Mẹ của họ và lưu giữ nhiều kỷ ức về sự hiện diện của họ”. Đối với các anh chị em Chính Thống, những người đang trải qua “cuộc hành hương Đàng Thánh Giá”, bị buộc phải rời bỏ quê hương của mình vì bạo lực và bất ổn, Đức Thánh Cha nói: “Đối với họ, niềm hy vọng được Giáo hội yêu thương, rằng Giáo hội sẽ không bỏ rơi họ, nhưng sẽ theo họ bất cứ nơi nào họ đi, làm cho dấu chỉ Năm Thánh càng mạnh mẽ hơn”. (5)

Dừng lại cầu nguyện tại các đền thánh Đức Mẹ

Đức Thánh Cha cũng mời gọi các tín hữu hành hương đến cầu nguyện tại các đền thánh Đức Mẹ để tôn kính Đức Maria và cầu xin sự bảo vệ của Mẹ, để như thế, “đặc biệt những người đau khổ và gặp khó khăn, sẽ có thể cảm nghiệm được sự gần gũi của những người mẹ trìu mến nhất, người không bao giờ bỏ rơi con mình”. (24)

Mong ước cuối cùng

Đức Thánh Cha hy vọng rằng Năm Thánh 2025 sẽ giúp mọi người “tái khám phá niềm tin tưởng cần thiết vào Giáo hội cũng như vào xã hội, vào các mối quan hệ giữa các cá nhân, trong các mối quan hệ quốc tế, vào việc thăng tiến phẩm giá của mỗi người và tôn trọng thụ tạo”. (25).



Hôm 13 tháng Năm năm 2024, Tòa Ân giải Tối cao đã công bố các quy luật ban ơn toàn xá trong Năm Thánh 2025, theo đường hướng tổng quát mà Đức Thánh cha đã đề ra trong Tông sắc ấn định Năm Thánh, công bố hôm 09 tháng Năm vừa qua.

Trước tiên là ơn toàn xá được ban cho các tín hữu hành hương các nơi thánh, như tại bốn Đại vương cung thánh đường ở Roma và ba thánh đường cùng với một số nơi thánh đặc biệt khác ở Roma. Ba thánh đường quan trọng tại Thánh địa, và tại các giáo phận nơi nhà thờ chính tòa hoặc Tiểu vương cung thánh đường, do Đức giám mục giáo phận ấn định.

Trong số các nơi khác trên thế giới, có hai Tiểu vương cung thánh đường ở Assisi, là Đền thờ thánh Phanxicô và Đền thờ Đức Mẹ các thiên thần; vương cung thánh đường Đức Mẹ Pompeii, và Đền thờ thánh Antôn Padova.

Các tín hữu cũng có thể được ơn toàn xá khi thực hiện các công việc bác ái, từ bi và thống hối, như các tuần đại phúc, tĩnh tâm, gặp gỡ học hỏi về các Văn kiện Công Đồng, sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo.

Ngoài ra, tất cả các giám mục giáo phận, hoặc các vị tương đương, trong ngày thuận tiện nhất trong Năm Thánh, khi cử hành buổi lễ chính tại nhà thờ chính tòa, và trong các thánh đường Năm Thánh, có thể ban Phép lành Tòa Thánh kèm theo ơn toàn xá cho các tín hữu dự lễ.

Tòa Ân giải cũng quyết định rằng: mặc dù theo quy luật thông thường, tín hữu chỉ được một ơn toàn xá mỗi ngày. Nhưng trong trường hợp họ thực hành việc bác ái dành cho các linh hồn nơi luyện tội, và được rước lễ hợp pháp lần thứ hai trong ngày, thì họ có thể được hưởng trong cùng ngày ơn toàn xá thứ hai dành cho các linh hồn nơi luyện tội.

Các ân xá trên đây được ban với những điều kiện thường lệ là xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Thánh cha.

Tòa Ân giải tối cao cũng nhắn nhủ các linh mục hãy quảng đại và tận tụy giải tội cho các tín hữu.


QUY ĐỊNH VỀ BAN ÂN XÁ

TRONG NĂM THÁNH THÔNG THƯỜNG 2025
ĐƯỢC CÔNG BỐ BỞI ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

“Giờ đã đến lúc cho một Năm Thánh mới, trong đó việc mở Cửa Thánh một lần nữa mang lại kinh nghiệm sống động về tình yêu của Thiên Chúa” (Spes non confundit, 6). Trong sắc lệnh công bố Năm Thánh thông thường năm 2025, vào thời điểm lịch sử hiện tại, trong đó “quên đi những bi kịch trong quá khứ, nhân loại phải chịu một thử thách mới và khó khăn khi chứng kiến nhiều dân tộc bị áp bức bởi sự tàn bạo của bạo lực” (Spes non confundit, 8), Đức Thánh Cha mời gọi mọi Kitô hữu trở thành những người hành hương của niềm hy vọng. Đây là một nhân đức cần được tái khám phá trong các dấu chỉ của thời đại, bao hàm “sự khao khát của tâm hồn con người, cần đến sự hiện diện cứu độ của Thiên Chúa. Những dấu chỉ ấy xin được biến đổi thành dấu chỉ của niềm hy vọng” (Spes non confundit, 7), vốn trước hết phải được rút ra từ ân sủng của Thiên Chúa và lòng thương xót trọn vẹn của Người.

Ngay trong sắc chỉ công bố Năm Thánh Ngoại thường Lòng Thương Xót vào năm 2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh rằng Ân Xá có “một tầm quan trọng đặc biệt” trong bối cảnh đó (Misericordiae vultus, 22), vì lòng thương xót của Thiên Chúa “trở thành ân xá của Chúa Cha, Đấng, qua Hiền Thê của Chúa Kitô, đến với tội nhân được tha thứ và giải thoát họ khỏi mọi tàn dư của hậu quả tội lỗi” (ibid.). Tương tự như vậy, ngày nay Đức Thánh Cha tuyên bố rằng hồng ân của Ân Xá “giúp chúng ta khám phá ra lòng thương xót của Thiên Chúa vô hạn như thế nào. Không phải ngẫu nhiên mà vào thời cổ đại, thuật ngữ “lòng thương xót” có thể thay thế bằng thuật ngữ “ân xá”, chính bởi vì nó có nghĩa là bày tỏ sự tha thứ trọn vẹn của Thiên Chúa, vốn là điều không có ranh giới” (Spes non confundit, 23). Vì thế, Ân xá là một ân sủng Năm Thánh.

Do đó, cũng nhân dịp Năm Thánh thông thường năm 2025, theo ý muốn của Đức Thánh Cha, “Tòa án Lòng thương xót” này, nơi chịu trách nhiệm giải quyết mọi vấn đề liên quan đến việc ban và sử dụng Ân xá, có ý khuyến khích các linh hồn của các tín hữu mong muốn và nuôi dưỡng lòng đạo đức mong muốn nhận Ân Xá như một ơn sủng, cụ thể và đặc thù của mỗi Năm Thánh và thiết lập các quy định sau đây, giúp các tín hữu có thể theo “các quy định để có thể nhận được và thực hiện hiệu quả việc thực hành Ân Xá Năm Thánh” (Spes non confundit, 23).

Trong Năm Thánh thông thường năm 2025, mọi Ân xá khác được ban vẫn có hiệu lực. Tất cả các tín hữu thực sự sám hối, loại trừ mọi ham muốn tội lỗi (xem Enchiridion Indulgentiarum, IV ed., Norm. 20, § 1) và được thúc đẩy bởi tinh thần bác ái và, trong Năm Thánh, đã được thanh tẩy nhờ bí tích Sám hối và được Rước lễ, cầu nguyện theo ý của Đức Thánh Cha, từ kho tàng của Giáo hội, họ sẽ có thể nhận được ơn Toàn xá, sự giải thoát và tha thứ tội lỗi của mình; những điều này có thể được áp dụng cho các linh hồn trong Luyện ngục dưới hình thức cầu bầu:

I.- Trong những cuộc hành hương thánh

Các tín hữu, những người hành hương của niềm hy vọng, sẽ có thể nhận được Ân Xá Năm Thánh do Đức Thánh Cha ban nếu họ thực hiện một cuộc hành hương đạo đức:

đến bất kỳ địa điểm thánh nào của Năm Thánh: ở đó bằng cách sốt sắng tham dự Thánh lễ (bất cứ khi nào các quy tắc phụng vụ cho phép, trên hết là Thánh lễ dành riêng cho Năm Thánh hoặc Thánh lễ ngoại lịch: cho sự hòa giải, cho sự tha tội, cho việc cầu xin nhân đức bác ái và sự hòa hợp giữa các dân tộc); trong một Thánh lễ nghi thức để ban các bí tích khai tâm Kitô giáo hoặc Xức dầu bệnh nhân; trong việc cử hành Lời Chúa; trong Giờ Kinh Phụng vụ (kinh sách, kinh sáng, kinh chiều); trong buổi ngắm Đàng Thánh Giá; trong Kinh Mân Côi; trong buổi thánh ca Akathistos; trong việc cử hành sám hối, kết thúc bằng việc xưng tội cá nhân của hối nhân, như được thiết lập trong nghi thức Sám hối (mẫu II);

tại Roma: đến ít nhất một trong bốn Vương cung thánh đường lớn của Giáo hoàng: Thánh Phêrô ở Vatican, Đấng Cứu Thế Cực Thánh ở Laterano, Đức Bà Cả, Thánh Phaolô Ngoại Thành;

tại Thánh Địa: ít nhất một trong ba vương cung thánh đường: Mộ Thánh ở Giêrusalem, Giáng Sinh ở Bêlem, Truyền Tin ở Nazareth;

tại các địa điểm khác của giáo hội: đến nhà thờ chính tòa hoặc các nhà thờ khác và những nơi linh thánh do Bản quyền địa phương chỉ định. Các Giám mục sẽ tính đến nhu cầu của các tín hữu cũng như cơ hội để giữ nguyên vẹn ý nghĩa của cuộc hành hương với tất cả sức mạnh biểu tượng của nó, có khả năng bày tỏ nhu cầu tha thiết của việc hoán cải và hòa giải;

II.- Trong những cuộc viếng thăm đạo đức đến những nơi thánh

Tương tự như vậy, các tín hữu sẽ có thể nhận được Ân Xá nếu, cá nhân hoặc theo nhóm, sốt sắng đến viếng bất kỳ địa điểm Năm Thánh nào và ở đó, trong một khoảng thời gian thích hợp, thực hành việc tôn thờ và suy niệm Thánh Thể, kết thúc bằng Kinh Lạy Cha, Tuyên xưng Đức Tin dưới bất kỳ hình thức hợp pháp nào và những lời cầu khẩn lên Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, để trong Năm Thánh này mọi người “sẽ có thể cảm nghiệm được sự gần gũi trìu mến nhất của những người mẹ, những người không bao giờ bỏ rơi con cái của mình” (Spes non confundit, 24).

Vào dịp đặc biệt của Năm Thánh, ngoài những địa điểm hành hương nổi bật nói trên, những nơi thánh khác cũng sẽ có thể được viếng thăm với những điều kiện tương tự:

tại Roma: Vương cung thánh đường Santa Croce ở Gerusalemme, Vương cung thánh đường San Lorenzo al Verano, Vương cung thánh đường San Sebastiano (được gọi là viếng thăm đạo đức “đến bảy nhà thờ”, rất được Thánh Filippo Neri yêu quý), Đền Thánh Divino Amore, Nhà thờ Santo Spirito ở Sassia, Nhà thờ San Paolo alle Tre Fontane, nơi Thánh Tông đồ Tử đạo, Các hang toại đạo Kitô giáo; các nhà thờ trên các con đường Năm Thánh dành riêng cho Iter Europaeum và các nhà thờ kính các Nữ Bổn mạng của Châu Âu và các Tiến sĩ của Giáo hội (Nhà thờ Santa Maria sopra Minerva, Santa Brigida ở Campo de' Fiori, Nhà thờ Santa Maria della Vittoria, Nhà thờ Trinità dei Monti, Vương cung thánh đường Santa Cecilia ở Trastevere, Vương cung thánh đường Sant'Agostino ở Campo Marzio);

tại những nơi khác trên thế giới: hai tiểu Vương cung thánh đường của Giáo hoàng ở Assisi, San Francesco và Santa Maria degli Angeli; các Vương cung thánh đường Giáo hoàng Madonna di Loreto, Madonna di Pompeii, Sant'Antonio di Padova; bất kỳ tiểu vương cung thánh đường, nhà thờ chính tòa, nhà thờ đồng chính tòa, đền thánh Đức Mẹ cũng như, vì lợi ích của các tín hữu, bất kỳ đền thánh hoặc nhà thờ kinh sĩ nổi bật nào được chỉ định bởi mỗi giám mục giáo phận hoặc giáo phận đông phương, cũng như các đền thánh quốc gia hoặc quốc tế, “các nơi thánh chào đón và những không gian đặc hữu để tạo nên hy vọng” (Spes non confundit, 24), được các Hội đồng Giám mục chỉ định.

Những tín hữu thực sự sám hối, nhưng không thể tham gia vào các buổi cử hành long trọng, các cuộc hành hương và các cuộc viếng thăm đạo đức vì những lý do nghiêm trọng (như trước hết là các đan sĩ ẩn tu, người bệnh, người bị giam giữ, cũng như những người phục vụ liên tục cho người bệnh trong các bệnh viện hoặc những nơi chăm sóc khác), sẽ nhận được Ân Xá Năm Thánh, với cùng những điều kiện nếu, hiệp nhất thiêng liêng với các tín hữu hiện diện, đặc biệt trong những thời điểm những lời của Đức Giáo Hoàng hoặc Các Giám mục giáo phận được truyền tải qua các phương tiện truyền thông; tại nhà của họ hoặc ở bất cứ nơi nào mà họ buộc phải hiện diện (ví dụ: trong nhà nguyện của đan viện, bệnh viện, viện dưỡng lão, nhà tù…), họ sẽ đọc Kinh Lạy Cha, Tuyên xưng đức tin dưới bất kỳ công thức hợp pháp nào và những lời cầu nguyện khác phù hợp với mục đích của Năm Thánh, dâng lên những đau khổ hoặc khó khăn trong cuộc sống của họ;

III.-Trong công việc của lòng thương xót và sám hối

Hơn nữa, các tín hữu sẽ có thể nhận được Ân Xá Năm Thánh nếu, với tâm hồn đạo đức, họ tham gia vào các hoạt động truyền giáo bình dân, linh thao hoặc các cuộc gặp gỡ huấn luyện về các tài liệu của Công đồng Vatican II và Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo, được tổ chức tại một nhà thờ hoặc một nơi nào khác thích hợp, theo ý của Đức Thánh Cha.

Bất chấp quy định về việc chỉ được lãnh một ơn toàn xá mỗi ngày (xem Enchiridion Indulgentiarum, IV ed., Norm. 18, § 1), các tín hữu thực thi hành động bác ái vì lợi ích các linh hồn trong Luyện ngục, nếu lãnh nhận bí tích Thánh Thể lần thứ hai trong cùng một ngày một cách hợp pháp, thì họ sẽ có thể lãnh ơn Toàn xá hai lần trong cùng một ngày, chỉ dành cho những người đã qua đời (điều này được hiểu là trong bối cảnh cử hành Thánh Thể; xem điều 917 và Ủy ban Giáo hoàng giải thích có thẩm quyền về Giáo luật, Trả lời cho sự nghi ngờ, 1, 11 tháng 7 năm 1984). Qua việc trao hiến kép này, tín hữu thực hiện một hành động đức ái siêu nhiên đáng ca ngợi, vì mối liên kết qua đó các tín hữu còn lữ hành trên trần thế được kết hợp với Thân Mình mầu nhiệm Chúa Kitô, cùng với những người đã hoàn tất cuộc hành trình của mình, nhờ thực tế là “ân xá Năm Thánh, bởi sức mạnh của lời cầu nguyện, được dành một cách đặc biệt cho những người đi trước chúng ta, để họ có thể nhận được lòng thương xót trọn vẹn” (Spes non confundit, 22).

Nhưng, một cách đặc biệt hơn, chính “trong Năm Thánh, chúng ta sẽ được mời gọi trở thành những dấu chỉ hy vọng hữu hình cho nhiều anh chị em đang sống trong điều kiện khó khăn” (Spes non confundit, 10): Do đó, Ân Xá cũng được đi kèm với các công việc của lòng thương xót và sám hối, qua đó thực hiện việc hoán cải. Các tín hữu, theo gương và mệnh lệnh của Chúa Kitô, được khuyến khích thực hiện các công việc bác ái hoặc lòng thương xót thường xuyên hơn, chính yếu là để phục vụ những anh chị em đang bị đè nặng bởi nhiều nhu cầu khác nhau. Một cách cụ thể hơn, họ tái khám phá “các việc của lòng thương xót thể xác: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, tiếp đón người lạ, giúp đỡ người bệnh, thăm tù nhân, chôn cất kẻ chết” (Misericordiae vultus, 15) và cũng tái khám phá “các việc của lòng thương xót thiêng liêng: khuyên nhủ kẻ ngờ vực, dạy dỗ kẻ mê muội, răn bảo kẻ có tội, an ủi kẻ âu lo, tha thứ kẻ xúc phạm, chịu đựng kẻ làm phiền, cầu nguyện với Thiên Chúa cho kẻ sống và kẻ chết” (ibid.).

Tương tự như vậy, các tín hữu sẽ có thể nhận được Ân Xá nếu họ đến thăm vào một khoảng thời gian thích hợp những anh chị em đang gặp khó khăn hoặc túng thiếu (người bệnh, tù nhân, người già cô đơn, người khuyết tật...), như thể thực hiện một cuộc hành hương đến với Chúa Kitô hiện diện trong họ (xem Mt 25,34-36) và tuân theo các điều kiện thiêng liêng, bí tích và cầu nguyện thông thường. Chắc chắn, các tín hữu sẽ có thể lặp lại những chuyến viếng thăm này trong Năm Thánh, nhận được ơn toàn xá cho mỗi cuộc viếng thăm, thậm chí hàng ngày.

Ơn Toàn xá Năm Thánh cũng có thể nhận được thông qua các sáng kiến thực hiện một cách cụ thể và quảng đại tinh thần sám hối như tinh thần của Năm Thánh, đặc biệt là tái khám phá giá trị sám hối của ngày Thứ Sáu: tiết độ, trong tinh thần sám hối, ít nhất là trong suốt một ngày, khỏi những phân tâm vô ích (thực cũng như ảo, chẳng hạn do phương tiện truyền thông và mạng xã hội gây ra) và khỏi sự tiêu dùng dư thừa (ví dụ bằng cách ăn chay hoặc kiêng thịt theo các quy tắc chung của Giáo hội và các quy định của các Giám mục), cũng như bằng cách quyên góp một khoản tiền tương ứng cho người nghèo; hỗ trợ các công việc có tính chất tôn giáo hoặc xã hội, đặc biệt là ủng hộ việc bào chữa và bảo vệ sự sống trong mọi giai đoạn và chất lượng cuộc sống, của trẻ em bị bỏ rơi, thanh thiếu niên gặp khó khăn, người già neo đơn hoặc túng thiếu, người di cư từ nhiều quốc gia khác nhau “những người rời bỏ vùng đất của mình để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân và gia đình của họ” (Spes non confundit, 13); dành một phần hợp lý thời gian rảnh của mình cho các hoạt động tình nguyện được cộng đồng quan tâm hoặc cho các hình thức dấn thân cá nhân tương tự khác.

Tất cả các Giám mục giáo phận hoặc giáo phận Đông phương và những người có thẩm quyền tương đương theo luật, vào ngày thích hợp nhất của thời gian  Năm Thánh này, nhân dịp cử hành chính tại nhà thờ chính tòa và tại các nhà thờ Năm Thánh riêng lẻ, sẽ có thể ban Phép lành Giáo hoàng với ơn toàn xá kèm theo, mà tất cả các tín hữu sẽ nhận được Phép lành này theo những điều kiện thông thường.

Để thuận tiện về mặt mục vụ việc lãnh nhận bí tích Sám hối và nhận sự tha thứ của Thiên Chúa nhờ “năng quyền Chìa khóa”, các Đấng Bản quyền địa phương được mời gọi trao cho các kinh sĩ và linh mục, những người ngụ tại các Nhà thờ Chính tòa và Nhà thờ được chỉ định cho Năm Thánh, có thể lắng nghe xưng tội của các tín hữu, những năng quyền giới hạn ở toà trong, trong đó, đối với các tín hữu của các Giáo hội Đông phương, theo giáo luật số 728, § 2 của Bộ Giáo luật các Giáo hội Đông Phương, và trong trường hợp dành riêng, theo giáo luật số 727, ngoại trừ, như thấy rõ, các trường hợp được xem xét tại số 728, § 1; trong khi đối với các tín hữu của Giáo hội Latinh, các năng quyền được nói đến trong số 508, § 1 của Bộ Giáo luật.

Về vấn đề này, Tòa Ân giải này mời gọi tất cả các linh mục sẵn sàng quảng đại và cống hiến hết mình khả năng rộng rãi nhất để các tín hữu được hưởng từ các phương tiện cứu rỗi, qua việc dành và công bố các khoảng thời gian cho việc giải tội, với sự đồng ý của các linh mục giáo xứ hoặc giám quản của các nhà thờ lân cận, qua việc tạo thuận tiện cho việc tìm nơi xưng tội, qua việc lên kế hoạch cử hành sám hối một cách cố định và thường xuyên, đồng thời cũng qua sự sẵn sàng rộng rãi của các linh mục, những người đã đến tuổi giới hạn, không có vai trò mục vụ nhất định. Tùy theo khả năng, cũng nên nhớ, theo Tự sắc Misericordia Dei, cơ hội mục vụ của việc nghe xưng tội trong thời gian Thánh lễ đang được cử hành.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho nhiệm vụ của các cha giải tội, Tòa Ân Giải, theo lệnh của Đức Thánh Cha, quy định rằng các linh mục đồng hành hoặc tham gia các cuộc hành hương Năm Thánh bên ngoài Giáo phận của họ có thể sử dụng các năng quyền tương tự mà họ đã được ban trong Giáo phận của họ bởi Thẩm quyền hợp pháp. Kế đến, Tòa Ân Giải sẽ trao các năng quyền đặc biệt cho các cha giải tội của các vương cung thánh đường giáo hoàng ở Roma, cho các cha giải tội kinh sĩ hoặc cho các cha giải tội giáo phận được thiết lập trong các địa hạt giáo hội riêng.

Các cha giải tội, sau khi đã yêu thương hướng dẫn các tín hữu về mức độ nghiêm trọng của các tội, vốn kèm một sự dành riêng hoặc một vạ, sẽ xác định, với lòng bác ái mục vụ, các hình thức đền tội thích hợp theo bí tích, chẳng hạn để dẫn họ đến sự sám hối lâu dài bao nhiêu có thể và, tùy theo tính chất sự việc mà mời họ sửa chữa những tai tiếng và thiệt hại.

Cuối cùng, Tòa Ân Giải nồng nhiệt mời gọi các Giám mục, với tư cách là những người giữ ba nhiệm vụ về giảng dạy, dẫn dắt và thánh hóa, quan tâm giải thích rõ ràng những điều khoản và nguyên tắc được đề xuất ở đây để thánh hóa các tín hữu, có tính đến hoàn cảnh, văn hóa địa phương và truyền thống. Một bài giáo lý phù hợp với đặc điểm văn hóa xã hội của mỗi dân tộc sẽ có thể giới thiệu Tin Mừng và toàn bộ sứ điệp Kitô giáo một cách hiệu quả, làm đâm rễ sâu hơn vào tâm hồn lòng khao khát hồng ân độc nhất này, nhờ trung gian của Giáo hội.

Sắc lệnh này có hiệu lực cho toàn bộ Năm Thánh thông thường năm 2025, bất chấp mọi quy định ngược lại.

Ban hành tại Roma, từ trụ sở của Tòa Ân Giải, ngày 13 tháng 5 năm 2024, Lễ Nhớ Đức Trinh Nữ Maria Fatima.

ĐHY Angelo De Donatis
Chánh Toà Ân giải Tối cao

Đức cha Krzysztof Nykiel
Phó Toà Ân giải


Hướng dẫn thực tế của Vatican để nhận ơn toàn xá năm 2025


Nói chung, việc nhận ơn toàn xá phải tuân theo các điều kiện cụ thể.

Hành hương và làm việc bác ái

Trước hết, hành hương đến một trong bốn vương cung thánh đường lớn của Rôma, Đền thờ Thánh Phêrô ở Rôma, Thánh Gioan John Lateran, đền thờ Đức Bà Cả và đền thờ Thánh Phaolô bên ngoài các bức tường. Ơn toàn xá cũng được ban tại một trong ba vương cung thánh đường của Đất Thánh và tất cả các thánh đường của tất cả các giáo phận trên thế giới. Sắc lệnh của Vatican thông báo, giáo dân phải sốt sắng dự thánh lễ, dự các nghi thức phục vụ khác như đi Đàng Thánh Giá, lần hạt Mân Côi hoặc rửa tội hay xức dầu cho người bệnh. Đi hành hương đến một “nơi thánh” để chầu và suy niệm Thánh Thể, kết thúc đọc Kinh Lạy Cha, Kinh Tin Kính và lời cầu nguyện với Mẹ Maria.

Các thánh đường có thể là các vương cung thánh đường ở Rôma, Assisi, Loreto, Pompei, Pađua và tất cả các nhà thờ chính tòa, hay bất cứ nhà thờ nào được Hội đồng Giám mục từng quốc gia chọn.

Giáo dân làm các việc của lòng thương xót và bác ái cũng nhận được ơn toàn xá, tài liệu Rôma viết: “Theo gương và điều răn của Chúa Kitô, các tín hữu được mời gọi làm việc bác ái và lòng thương xót, đặc biệt đối với những người cần đến. Thăm viếng những người gặp khó khăn, bệnh tật, tù nhân, người già neo đơn, người khuyết tật… hoặc giúp tiền cho người nghèo.”

Các linh mục được kêu gọi có tinh thần quảng đại, giải tội cho giáo dân, chứng minh lòng thương xót của Thiên Chúa là vô hạn.





⛪⛪⛪⛪⛪



Đại học Giáo hoàng Gregorian – Kỳ 1: Những thay đổi lớn

Đại học Gregorian, trường đại học lớn nhất và theo lịch sử là trường đại học Giáo hoàng đầu tiên ở Roma, sẽ mang diện mạo mới vào Chúa nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, ngày 19 tháng 5. Đây là kết quả của việc sáp nhập Học viện Kinh thánh và Học viện Đông phương vào cơ cấu hiện nay của Đại học Giáo hoàng Gregorian. Cả ba trường này đã được các Giáo hoàng trước giao cho Dòng Tên phụ trách.

 


Đại học Giáo hoàng Gregoriana.

 

Để hiểu tầm quan trọng của sự thay đổi này và ý nghĩa của nó đối với Giáo hội Công giáo trên toàn thế giới, tạp chí America Magazine đã có cuộc phỏng vấn độc quyền với cha Mark Lewis, SJ, là hiệu trưởng của trường Đại học Gregorian. Cha Lewis, 64 tuổi, sẽ trở thành hiệu trưởng đầu tiên của trường Đại học Gregorian mới.

 

Cuộc phỏng vấn được chia làm hai phần. Trong phần đầu, cha Lewis nói về sự sáp nhập giữa ba cơ sở giáo dục của Dòng Tên. Ngài tiết lộ rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đang thúc đẩy sự hợp tác giữa tất cả các trường Đại học và Học viện Giáo hoàng ở Roma và giải thích những điểm mấu chốt của kế hoạch chiến lược mà hiện tại trường Đại học Gregorian đã thực hiện.

 

Ở phần sau, cha Lewis lý giải mục đích của việc sáp nhập này là nhằm đảm bảo môi trường học tập tối ưu và để giáo dục sinh viên biết “mở ra với sự thay đổi”.

 

PHẦN I

 

Tôi có dịp phỏng vấn cha Lewis lần đầu tiên vào ngày 1 tháng 9 năm 2022, ngay sau khi ngài nhận bài sai làm hiệu trưởng trường Đại học Gregorian. Ngài cho biết rằng vào ngày 17 tháng 12 năm 2019, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ra tuyên bố rằng ba Học viện Giáo hoàng do Dòng Tên phụ trách ở Roma sẽ được liên kết lại thành một thể chế giáo dục. Cha Lewis cho rằng một trong những thách thức đối với ngài trong cương vị hiệu trưởng chính là nỗ lực hiện thực hóa việc sáp nhập này. 

 

Khi tôi gặp lại ngài trong cuộc phỏng vấn thứ hai tại văn phòng của ngài ở Đại học Gregorian, cha Lewis nói với tôi rằng vào ngày 15 tháng 3, ngài nhận được một văn bản từ cha Arturo Sosa, SJ, Bề trên Cả Dòng Tên, thông báo rằng những quy chế chung điều tiết việc sáp nhập vĩnh viễn Học viện Kinh thánh và Học viện Đông phương vào Đại học Gregorian đã được Bộ Văn hóa và Giáo dục Vatican phê duyệt vào ngày 11 tháng 2 năm 2024 và “sẽ có hiệu lực từ ngày 19 tháng 5”. Hai học viện này sẽ trở thành một phần của Đại học Gregorian nhưng vẫn giữ lại tên gọi và sứ mạng riêng của mỗi trường.

 

Cha Mark Lewis, SJ, hiệu trưởng của trường Đại học Gregorian. 

 

Đại học Gregorian được thành lập bởi thánh Inhaxiô Loyola vào năm 1551, là một phần của Đại học Rôma. Đã có 28 vị thánh và 16 Giáo hoàng từng học ở trường này. Học viện Kinh Thánh (thường được gọi là “Biblicum”) được thành lập vào năm 1909 bởi Đức Thánh Cha Piô X.  Học viện Đông phương (thường được gọi là “Orientale”) được thành lập vào năm 1917 bởi Giáo hoàng Benedict XV.

 

Về quy chế sáp nhập đã được thông qua, cha Lewis bình luận như sau: “Lý thuyết là vậy; thực tế lại là chuyện khác. Tôi nghĩ chúng ta mới chỉ đang ở giai đoạn đầu của quá trình hình thành một trường đại học tích hợp với Orientale và Biblicum.” Cha Lewis cho rằng phải hết nhiệm kỳ hiệu trưởng của ngài, việc sáp nhập mới có thể được “định hình”.

 

Với tư cách là hiệu trưởng của trường Đại học Gregorian, cha Lewis sẽ được hỗ trợ bởi một hội đồng gồm sáu thành viên bao gồm các viện trưởng hiện tại của Biblicum (cha Peter Dubovsky, S.J.), của Orientale (cha Sunny Thomas Kokkaravalayil, S.J.) và của Collegio Maximum, (cha Giuseppe Di Luccio, S.J.), “là những người sẽ chia sẻ trách nhiệm quản lý toàn bộ trường đại học.” Giám đốc hành chính của trường sẽ là cha David Nazar, S.J., cựu hiệu trưởng của Orientale, trong khi thành viên thứ sáu của hội đồng sẽ là ông Luigi Allena, một giáo dân và là tổng thư ký của Đại học Gregorian.

 

Cha Lewis gọi ba đơn vị của trường Gregorian mới là các “sứ mạng” bởi vì “mỗi đơn vị hoạt động theo một đường hướng mà Giáo hoàng đã giao phó trong tiến trình lịch sử”. Học viện Kinh Thánh “được thành lập để thực hiện các nghiên cứu mang tính khoa học và chú giải về Kinh Thánh”; Học viện Đông phương “lại theo hướng khác, là nơi nghiên cứu về tất cả các Giáo hội Đông phương, từ Ấn Độ đến Trung Đông. Thư viện ở đó có bộ sưu tập tài liệu không thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới; nó giúp thành viên của các Giáo hội Đông phương hiểu biết về truyền thống và căn tính của họ.”

 

Cha Lewis chia sẻ rằng trong khi sứ mạng của Biblicum và Orientale là “rất cụ thể và độc đáo, sứ mệnh của Collegio Maximum (tiền thân của Gregorian hiện tại) lại mang tính truyền thống nhiều hơn: chuẩn bị người cho sứ vụ trong Giáo hội và nghiên cứu thần học đương đại. Không giống như các khóa học mang tính hàn lâm của Biblicum, khoa thần học Kinh thánh của Collegio Maximum mang tính mục vụ nhiều hơn, nhắm đến việc đào tạo các giáo sư chủng viện và những người thuyết giảng”.

 

Một kế hoạch chiến lược

 

Kể từ khi Cha Lewis làm hiệu trưởng, Đại học Gregorian đã tiến hành thảo luận rộng rãi để đưa ra kế hoạch chiến lược cho 5 năm tới. Cha Lewis nói: “Chiến lược này cần sự tham gia đầy đủ của các thành phần trong trường đại học bao nhiêu có thể, bao gồm cả đại diện sinh viên, bởi vì kế hoạch chiến lược của một trường đại học phải thuộc về toàn trường, chứ không phải của riêng hiệu trưởng, vị cố vấn hay một ủy ban nào đó.”

 

Cha Lewis cho biết họ được hỗ trợ bởi một chuyên gia từ bên ngoài – giáo sư Francesco Cesareo, từng là hiệu trưởng Đại học Assumption ở Massachusetts. Họ cũng sử dụng kết quả báo cáo lượng giá hoạt động của AVEPRO, một cơ quan của Tòa thánh chuyên đánh giá và nâng cao chất lượng trong các trường đại học và ngành học của Giáo hội.

 

 

Cha Lewis cho biết bản kế hoạch chiến lược này có bốn “lĩnh vực ưu tiên”.

  1. Tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu và trải nghiệm của sinh viên
  2. Xác định nguồn hợp tác tiềm năng cho lợi ích của nhà trường
  3. Bảo đảm sự phát triển và đa dạng nguồn lực cho trường
  4. Tăng cường việc phối hợp và cam kết chia sẻ sứ mạng giáo dục ở từng lĩnh vực trong nhà trường, thông qua quá trình không ngừng tích hợp Học viện Kinh thánh và Học viện Đông phương vào Đại học Gregorian.

 

Trong kỳ nghỉ Giáng sinh, cha Lewis đã có cuộc gặp Đức Thánh Cha Phanxicô và trao cho ngài bản kế hoạch. “Đức Thánh Cha rất quan tâm đến kế hoạch chiến lược và kế hoạch cải thiện trường Gregorian” – cha bật mí thêm.

 

‘Hòa ca trong một dàn hợp xướng’

 

Cha Lewis cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ sự quan tâm đến những bước phát triển như thế. Ngài nhắc lại rằng vào ngày 25 tháng 2 năm 2023, Đức Phanxicô đã có buổi tiếp kiến với các hiệu trưởng, ban giám hiệu và sinh viên của các trường đại học và học viện Giáo hoàng ở Roma và nhấn mạnh đến “nhu cầu tự lượng giá và tìm ra những cách thức mới để hợp tác với nhau”.

 

Trong dịp đó, Đức Giáo Hoàng cũng nhắc lại rằng “qua nhiều thế kỷ, sự đa dạng và tầm nhìn xa của các dòng tu, do các đặc sủng tạo ra, đã làm phong phú cho Roma bởi số lượng đáng kể các khoa và trường đại học”.

 

Đức Giáo Hoàng nhắc nhở: “Tuy nhiên, ngày nay, khi phải đối mặt với việc sụt giảm số lượng học viên và giáo viên, chúng ta có nguy cơ phân tán nguồn lực quý giá của mình do có quá nhiều trung tâm học tập. Bằng cách này, thay vì nuôi dưỡng niềm vui học tập, giảng dạy và nghiên cứu theo tinh thần Phúc Âm, chúng ta phải đối mặt với nguy cơ quá tải.”

 

ĐTC Phanxicô nói: “Đặc biệt là sau đại dịch Covid-19, chúng ta cần khẩn trương khởi động một tiến trình hướng tới sự hợp tác hiệu quả, ổn định và có tổ chức giữa các học viện, để đề cao hơn mục đích cụ thể của mỗi trường và sứ mạng phổ quát của Giáo hội.”

 

Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiếp kiến thành viên của các trường đại học giáo hoàng Roma. Ảnh: Ansa

 

Đức Thánh Cha Phanxicô đề cập đến thực tế là trong năm học 2021-2022, có 22 học viện thuộc Giáo hoàng ở Roma, với 15.634 học viên từ 125 quốc gia và được giảng dạy bởi 2.056 giáo sư.

 

Gregorian là trường Đại học Giáo hoàng lâu đời nhất và lớn nhất ở Roma. Trường có 2.844 sinh viên đến từ 125 quốc gia, với 344 giáo sư giảng dạy. Trường đại học lớn thứ hai là Laterano (thành lập năm 1773), tiếp theo là Salesiano (được thành lập bởi dòng Salêdiêng năm 1940), Urbaniana (thành lập năm 1627), Santa Croce (được thành lập bởi Opus Dei năm 1984), Angelicum (được thành lập bởi dòng Đaminh năm 1577) và Antonianum (được thành lập bởi các Tu sĩ Phan Sinh dòng Anh em hèn mọn năm 1887).

 

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi 22 học viện hãy “hòa ca trong một dàn hợp xướng” và tha thiết mời gọi “Làm ơn đừng bao giờ hát solo một mình”. Cha Lewis bày tỏ sự đồng tình: “Chúng ta không thể có 22 nghệ sĩ độc tấu cùng lúc được.” Ngài lưu ý rằng “khuynh hướng của các trường đại học là muốn độc tấu… bởi vì mỗi trường đều có đặc sủng riêng của mình”. Tuy nhiên, ngài nói: “Theo nghĩa nào đó thì chúng ta đang làm cùng một việc và vì vậy chúng ta có thể hợp tác; chúng ta không cần phải lặp lại các khóa học hay giáo sư.”

 

Thông điệp của Đức Phanxicô đó là “hãy xem mục tiêu chung ở đâu”, cha Lewis nói. “Đó cũng là những gì chúng tôi đã nghe từ bề trên của các dòng tu: tìm cách cộng tác, tìm cách bảo tồn tài nguyên, sử dụng nhân sự hiệu quả hơn. Đó là một vấn đề đang được CRUIPRO, Hội đồng hiệu trưởng của 22 trường đại học và học viện Giáo hoàng ở Roma, xem xét.”

 

Cha Lewis nói rằng kiểu hợp tác này chính xác là ưu tiên thứ hai trong kế hoạch chiến lược của Đại học Gregorian. Ngài nói: “Chúng tôi thậm chí còn chưa thực sự bắt đầu tiến hành, nhưng khi bắt đầu tìm kiếm sự hợp tác, tôi nghĩ sẽ tốt hơn nếu chúng ta tạo ra những nơi tốt hơn ở mỗi học viện… Sau đó, chúng ta sẽ sẵn sàng cho bất cứ điều gì mà chỉ số phân tích nhân khẩu học chỉ ra.”

 

Những thách đố về mặt nhân khẩu học

 

Nhìn về tương lai 10 hoặc 15 năm tới, cha Lewis cho biết ngài đang xem xét hai thách đố về mặt nhân khẩu học. Đầu tiên, ngài nói rằng “số ơn gọi Dòng Tên đã suy giảm trong thời gian gần đây”. Ngày nay, Dòng Tên chỉ có khoảng 17.000 thành viên so với khoảng 30.000 người khi cha Lewis gia nhập Dòng. Cha cũng lưu ý rằng có ít tu sĩ Dòng Tên có bằng tiến sĩ hơn, “vì vậy càng khó kiếm đội ngũ giảng dạy hơn.”

 

Ngài nói thách thức thứ hai xuất phát từ thực tế là “hiện nay hơn 20% học viên của chúng tôi không phải là chủng sinh hay linh mục mà là giáo dân và tu sĩ”. Vì chi phí sinh hoạt đắt đỏ ở Roma, số lượng học viên giáo dân sẽ khó tăng thêm, và “số lượng chủng sinh không ổn định mãi. Vì vậy, chúng ta cần phải bắt đầu cân nhắc quy mô phù hợp”. Ngài cho biết: “Vấn đề hợp tác nảy sinh từ đây: Nếu 9 học viện ở Roma đều dạy thần học căn bản, liệu tất cả các học viện đó có thể có đủ số học viên để tiến hành một chương trình hiệu quả không? Và liệu có thể có đầy đủ giảng viên cho khóa thần học căn bản ở tất cả những trường đó không?

 

Đại học Gregorian không chỉ có chủng sinh hay linh mục mà còn có giáo dân và tu sĩ. Ảnh: Gregorian Foundation

 

Cha cũng cho biết rằng “CRUIPRO đã bắt đầu tạo ra một hệ thống mới, trong đó sinh viên có thể học các khóa đại cương ở một trường khác. Và chúng tôi muốn mở rộng điều đó hơn nữa bởi vì sau đó nó trở thành sự hợp tác. Bạn có thể trải nghiệm chương trình học của những trường khác, đó sẽ là một lợi thế thực sự khi học tập ở đây. Đó sẽ là bước đầu tiên trong việc hợp tác. Có thể 10 năm nữa, những thay đổi về nhân khẩu học sẽ đòi hỏi phải thống nhất các khóa học đại cương, nhưng chúng tôi vẫn chưa sẵn sàng cho điều đó.” 

 

Đặc sủng Dòng Tên

 

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho ấn bản Mùa đông 2023 của tạp chí La Gregorian, giáo sư Cesareo cho biết: “Lúc này là cơ hội tuyệt vời cho trường đại học, cũng là lúc để nhìn về Gregorian theo một cách mới, luôn bén rễ trong truyền thống I-nhã, với tầm nhìn và sứ mạng đặc thù của nó.”

 

Khi tôi nhờ cắt nghĩa rõ hơn, cha Lewis giải thích rằng đặc sủng của Đại học Gregorian chính là đặc sủng Dòng Tên. Đó là tập trung vào chất lượng giảng dạy. Đây là ưu tiên hàng đầu bởi vì khi chúng tôi làm điều gì đó, chúng tôi muốn dùng hết khả năng của mình. Thần học Dòng Tên luôn rất cởi mở với thế giới. Vì thế nó là một nền thần học thực tiễn, và tôi nghĩ đó là một khía cạnh rất quan trọng của những gì chúng tôi làm ở đây khi tham gia đối thoại với các nền văn hóa và các tôn giáo khác, qua đó đào sâu đức tin khi học thần học. Đó chính là điểm mạnh của Dòng Tên; nó xuất phát từ kinh nghiệm truyền giáo của Dòng. Thực tế là Dòng Tên hiện diện trên toàn thế giới và luôn cố gắng hòa nhập vào nền văn hóa của những nơi chúng tôi đặt chân đến.

 

Cha Lewis chia sẻ: “Phương pháp sư phạm được phát triển vào thế kỷ 20, đến từ kinh nghiệm làm linh thao theo thánh Inhaxiô, và các yếu tố sư phạm được rút ra từ đó, đặc biệt là trong các trường trung học của Dòng Tên. Vì vậy, việc hiểu đối tượng mình đang dạy, họ đến từ đâu, hoàn cảnh của họ như thế nào, đón nhận họ với những trải nghiệm họ có, giúp họ phản tỉnh về những trải nghiệm đó…. Tất cả những điều này dẫn đến việc họ chủ động rút ra ích lợi từ những gì học được.”

 

 

Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên vào năm 2022, cha Lewis nhấn mạnh rằng “mục tiêu chất lượng ở đây rất quan trọng bởi vì hầu hết các giáo sư đều giảng dạy theo cách họ từng được dạy. Vì vậy, nếu chúng tôi có thể cải thiện phương pháp sư phạm ở đây, chúng tôi cũng có tác động đến phương pháp sư phạm của trường đại học và chủng viện trên khắp thế giới.”

 

Trong cuộc phỏng vấn thứ hai này, cha nói thêm rằng chúng ta đang ở trong một thời điểm rất quan trọng. Cơn đại dịch chỉ rõ rằng chúng ta cần phải để ý hơn đến việc giáo dục từ xa, dù các khóa học thần học trực tuyến không phải là hình thức học chính. Xét về mặt đào tạo, nó không đúng lắm. Thế nhưng việc bắt đầu sử dụng Internet nhiều hơn xét như là một nguồn học liệu sẽ dần dần thay thế hệ thống bài giảng trên lớp. Điều quan trọng hơn có thể sẽ là có những người nghe giảng trực tuyến; và sử dụng thời gian trên lớp để thảo luận, phản tỉnh về kinh nghiệm đó và học thần học theo cách riêng. Vì vậy, đó là một sự thay đổi lớn về mặt sư phạm.

 

Tuy nhiên, cha nhấn mạnh rằng “các học viện có xu hướng khá bảo thủ trong việc thay đổi cách giảng dạy, vì vậy điều này đòi hỏi cuộc cải tổ thực sự. Nó đòi hỏi sự sáng tạo và sẽ mất kha khá thời gian để mang đến giới thiệu cho mọi người những lựa chọn mới.”

 

Cha Lewis nhớ lại thời gian khi còn giảng dạy ở Mỹ, một trong những điều ngài quan tâm là ý tưởng “đảo ngược lớp học”. Ngài giải thích rằng “trong lớp học truyền thống bạn được nghe bài giảng, sau đó bạn về nhà và viết về nó.” Trong khi ở lớp học đảo ngược, “bạn nghe bài giảng trực tuyến, đọc sách bên ngoài lớp học, và khi vào lớp học thì bạn viết, thảo luận với giáo sư nếu bạn muốn. Như thế nó làm thay đổi năng động của tiến trình. Kết quả là giáo sư tương tác tốt hơn với sinh viên. Nó mang tính đối thoại nhiều hơn và bạn có thể tìm ra điều sinh viên cần biết hoặc điều họ muốn biết.”

 

Cha cũng chia sẻ thêm: “Khuynh hướng của một chương trình giảng dạy luôn là đến ‘từ trên xuống’, và đặc biệt là trong những việc như đào tạo linh mục, nó vẫn còn khá áp đặt: bạn cần phải học Kitô học, bạn cần phải học Giáo hội học. Có rất nhiều thứ mà bạn thực sự cần phải thành thạo để trở thành một linh mục giỏi. Đồng thời, mỗi nền văn hóa sẽ hiểu điều đó theo một cách khác nhau, và kinh nghiệm sống ở thế giới của họ sẽ tạo ra những cách hiểu khác nhau về những môn học áp đặt này.

 

Một trường đại học cho các quốc gia

 

Khi tôi hỏi liệu với tư cách là hiệu trưởng, cha có thấy sự khác biệt lớn về trình độ [học tập] của sinh viên từ các nơi khác nhau trên thế giới đến học ở Gregorian hay không, Cha Lewis nói: “Kinh nghiệm của tôi ở đây phần lớn là như vậy, các giám mục, bề trên các dòng có xu hướng gửi những người tốt nhất và thông minh nhất của họ đến Roma để học tập.” Tuy nhiên, cha Lewis nói rằng vẫn có sự khác biệt lớn, chẳng hạn như kiến thức về lịch sử của họ. “Vì vậy, chúng ta cần phải trở về yếu tố đầu tiên của phương pháp sư phạm Inhaxiô: Bạn phải biết bối cảnh của sinh viên mình. Vì vậy, tôi nghĩ đó luôn là thách thức mà chúng tôi gặp phải tại Gregorian. Ngay từ đầu thì nơi đây đã là một trường đại học cho các quốc gia, nhưng nó đã chuyển biến, ngay cả trong thời gian tôi ở đây, nó đã chuyển rất nhiều từ sinh viên phương Tây sang [sinh viên từ] các nước đang phát triển hơn.”

 

Khi tôi nhận xét rằng điều này hầu như không có gì đáng ngạc nhiên, “vì trục của Giáo hội Công giáo đang thay đổi”, cha Lewis nói: “Đúng. Nó đang thay đổi và sẽ thật ngu ngốc nếu chúng ta cứ khăng khăng coi Châu Âu là trung tâm vào thời điểm này, điều đó chẳng có ý nghĩa gì cả. Do đó, chúng ta phải tìm ra cách xác định và khẳng định trí thông minh cũng như kinh nghiệm mà sinh viên mang đến từ những nơi khác trên thế giới, và cách họ hiểu về thần học, lịch sử và triết học.

 

Tôi nhận thấy rằng Gregorian cũng đang tuyển dụng giáo sư từ nhiều khu vực khác nhau trên thế giới. Cha Lewis thừa nhận điều này nhưng chỉ ra rằng “đối với chúng tôi đây là một thách thức khác, bởi vì chúng tôi có thể dễ dàng mời các tu sĩ đến giảng dạy vì chúng tôi có mạng lưới, có các địa chỉ liên hệ. Cha tổng quyền có thể dễ dàng triệu tập các tu sĩ Dòng Tên đến Roma. Thế nhưng khi mà chúng tôi bắt đầu có các giáo sư là giáo dân, và chúng tôi đang có một số như vậy, họ thường là người châu Âu bởi vì họ phải có thị thực, họ phải quen với văn hóa châu Âu, họ phải tìm được chỗ ở. Vì vậy, đây là một thách thức khác, không phải là không thể giải quyết được, nhưng nó là một phần khác của vấn đề.”

 

Tác giả: Gerard O’Connell







Linh Mục Lên Tiếng Về Giám Mục Bái Lạy Tượng Phật



Người Công Giáo có thể cử hành nghi thức tắm Phật không?

Trước xin trả lời câu: Người tín hữu Công giáo có thể đi Chùa không? Thưa có, nhưng cần chú ý:

• Không tham gia các nghi lễ thờ phượng của đạo Phật

Điều này bao gồm các vái nhang, quyên hương, dâng lễ vật… Đây là những cử chỉ có thể hiện niềm tin và sự tôn thờ của người theo đạo Phật. Do đó, người Công giáo không thể tham gia vì có thể gây hiểu biết phức tạp hoặc gây tổn hại đến đức tin tôn giáo của mình.

• Có thể cúi đầu trước tượng Phật như một cách hỏi

Hành động này có thể thể hiện sự tôn trọng với một vị thánh nhân. Nhưng không có nghĩa là người sùng bái hay cầu khấn Đức Phật.

Việc làm người đạo Chúa cúi đầu trước Đức Phật không có gì sai trái. Đây là một hành động có thể hiện sự quan trọng đối với một vị thầy đã mang đến cho nhân loại sự tốt đẹp. Đức Phật là một người đại diện cho trí tuệ, từ bi và lòng nhân ái. Việc làm trước Đức Phật để có thể thực hiện ngưỡng mộ và học hỏi những giá trị tốt đẹp mà Ngài đã truyền dạy.

Hơn nữa, việc lạy Phật (cúi mình) cũng có thể được coi là một cách để tín đồ đạo Chúa mở rộng tầm nhìn của mình, tiếp tục thu những giá trị tốt đẹp của các tôn giáo giáo khác. Đây là một hành động đáng hoan chiến, thể hiện tinh thần khoan dung, hòa hợp giữa các tôn giáo.

Thiên Chúa luôn yêu thương vô điều kiện với nhân loại. Ngài không phân biệt chủng tộc, tôn giáo hay bất kỳ đặc điểm nào khác của con người. Vì vậy, việc người Công giáo lạ Phật sẽ không tạo ra Thiên Chúa ghét bỏ hay trừng phạt họ. Ngược lại, Thiên Chúa sẽ vui mừng khi thấy con cái của mình biết tôn giáo những giá trị tốt đẹp của các tôn giáo khác.

Vậy bạn hỏi tắm Phật có được không?

Theo sách nhà Phật: Tắm Phật là nghi thức tiền nước thơm lên tượng Phật sơ sinh, ngoài mục tiêu kỷ niệm Phật đản sanh còn mang ý nghĩa sâu sắc về tẩy rửa trừ phiền não, hướng đến thanh tịnh ba nghiệp thân khẩu ý của con người.

Lễ tắm Phật hàm chứa một ý nghĩa vô cùng cao siêu. Pháp thân thanh tịnh, Phật tánh luôn tiềm ẩn trong mỗi người, thế nhưng vì phiền não, tham sân si mà đã che chắn cho Phật tánh không được lộ ra. Mong muốn Phật tánh, chúng ta phải mượn nước thơm để tẩy rửa bụi trần.

Lễ tắm Phật cũng là một hành động để mỗi người liên tưởng tới việc làm rửa thân tâm của bản thân mình nhằm tìm lại sự thanh sạch bạch có.

Khi múc gáo nước đầu tiên, tắm bên vai phải của tôn tượng Đức Phật đản sanh nhỏ nhắn, người Phật tử tâm nguyện rằng: dù trên đời có việc phải, vừa ý, gọi là thuận cảnh, tâm của ta vẫn bình tĩnh lặng. Khi múc gáo nước thứ hai, tắm bên vai trái của tôn tượng xinh xắn, người Phật tử tâm nguyện rằng: dù trên đời có gặp trái ý, gọi là nghịch cảnh, tâm của chúng ta vẫn bình yên tĩnh tự nhiên.

Và trong giây phút cảm ứng huyền nhiệm, người tắm Phật cũng thấy mình đang tắm bồi đức Phật của chính mình, đúng như câu châm ngôn: “Trang béo tự thân là trang béo Giáo”.

Như vậy, nghi thức Phật là nghi lễ thờ phượng của Đạo Phật. Người cử hành nghi lễ này phải có niềm tin vào Phật và vào việc mình làm để tâm mình mới được thanh tịnh, sạch sẽ và thanh thoát.

Theo giáo lý Công Giáo, việc thờ phượng chỉ dành riêng cho Thiên Chúa. Tuy nhiên, Thiên Chúa cũng dạy rằng cần tôn trọng niềm tin của người khác. Do đó, việc làm của một người theo đạo Chúa Chúa đi Chùa là hoàn toàn có thể, miễn là họ không tham gia vào các nghi lễ tôn giáo của Phật giáo.

P/s : Xin không gửi hình ảnh hay viết bình luận mang tính kết luận một ai. MỖI NGƯỜI khi hành động đều có suy nghĩ riêng và phải trả lời về hành động vi của mình nên xin không kết luận. Bài viết chủ yếu để mọi người tham khảo, nhưng đây cũng là ý cá nhân tôi viết theo sự hiểu biết giới hạn của tôi. Vì có nhiều người nhắn tin xin cha cho ý kiến nên tôi viết theo sự hiểu biết của mình mà thôi.




⛪⛪⛪⛪⛪




Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, Đức cha Georg Bätzing, Giám mục Giáo phận Limburg, tuyên bố với tạp chí Leben jetzt, “Sống bây giờ”, số ra tháng Năm này, rằng: “Chúng ta đang sống trong một miền truyền giáo, khi chúng ta nhận thức rằng chỉ còn gần một nửa [trong số 82 triệu) dân Đức còn là tín hữu Kitô”. Các tín hữu Kitô phải tiếp xúc với những người khác và nói về đức tin của mình, nhưng không nên xen mình vào đời sống của họ. “Thời đại truyền giáo với những kiểu nói tiêu cực đã qua rồi. Nhưng chúng ta có thể nói và trả lời về niềm hy vọng của chúng ta, đó là điều thuộc về Kitô giáo”.

Tạp chí “Sống bây giờ” do các cha Dòng Ngôi Lời ở thị trấn Nettetal xuất bản. Dòng này hiện có khoảng 6.000 tu sĩ hoạt động tại 80 nước trên thế giới.


Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức: Nước này đang trở thành một miền truyền giáo


Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí tiếng Đức của Hiệp hội Lời Chúa, Đức Giám Mục Georg Bätzing của Limburg nói: “Chúng ta đang sống trong một quốc gia truyền giáo khi chúng ta nhận ra rằng chưa đến một nửa số công dân Đức vẫn thuộc các giáo phái Kitô giáo”.

Theo CNA Deutsch, đối tác tin tức tiếng Đức của CNA, Đức Cha Bätzing cho biết việc truyền giáo đã là chủ đề trọng tâm “kể từ [Đức Giáo Hoàng] Gioan Phaolô II và cả đối với [Đức Giáo Hoàng] Phanxicô”.

Vị giáo phẩm người Đức nói tiếp: “Nhưng nửa còn lại không chỉ đơn giản là không có niềm tin hoặc không đặt bất cứ câu hỏi nào, và về mặt này, tôi tin rằng chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa”.

“Chúng ta nên liên lạc với những người này, nói chuyện với họ mà không can thiệp. Những thời điểm truyền giáo với giọng điệu tiêu cực này đã qua, nhưng việc nói và trả lời những câu hỏi về niềm hy vọng tràn ngập trong chúng ta, như bức thư gửi tín hữu Do Thái nói, là một phần của Kitô giáo.”

Đức Cha Bätzing đã lãnh đạo Giáo phận Limburg từ năm 2016 và Hội đồng Giám mục Đức từ năm 2020. Năm 2016, hơn 630,000 người Công Giáo cư trú tại Limburg. Đến năm 2022, con số này đã giảm xuống dưới 540,000.

Dân số Công Giáo ở Đức, một quốc gia có khoảng 83 triệu dân, đã giảm đáng kể.

Năm 2020, có khoảng 22.19 triệu người Công Giáo. Tuy nhiên, đến năm 2022, con số này đã giảm xuống còn khoảng 20.94 triệu.

Các nhà nghiên cứu đã vẽ ra một bức tranh rõ ràng về tương lai: Năm 2019, một dự án của các nhà khoa học tại Đại học Freiburg đã dự đoán rằng số lượng Ki-tô hữu đóng thuế nhà thờ ở Đức sẽ giảm một nửa vào năm 2060.
Ba năm sau, vào năm 2022, hơn nửa triệu người Công Giáo đã được rửa tội rời bỏ Giáo hội, số liệu do Hội đồng Giám mục Đức công bố đã xác nhận.

Vào thời điểm đó, Đức Cha Bätzing tuyên bố trên trang web của giáo phận mình rằng những con số “đáng báo động” nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục “thay đổi văn hóa” và việc thực hiện các nghị quyết của Con đường Đồng nghị Đức.

Tuy nhiên, Con đường Đồng nghị Đức, vốn đã ủng hộ những thay đổi đáng kể đối với giáo huấn truyền thống của Giáo hội kể từ năm 2019, đã không ngăn được sự suy giảm đáng kể về số lượng người Công Giáo.
Một báo cáo năm 2021 của CNA Deutsch lưu ý rằng cứ 3 người Công Giáo ở Đức thì có 1 người đang cân nhắc việc rời bỏ Giáo hội. Theo một nghiên cứu trước đó, những lý do rời bỏ rất đa dạng, trong đó những người lớn tuổi viện dẫn cách Giáo hội xử lý cuộc khủng hoảng lạm dụng và những người trẻ tuổi chỉ ra nghĩa vụ nộp thuế nhà thờ.

Hội đồng Giám mục Đức hiện quy định rằng việc rời bỏ Giáo hội sẽ tự động bị vạ tuyệt thông, một quy định đã gây ra tranh cãi giữa các nhà thần học và luật sư giáo luật.

Vào tháng 6 năm 2019, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một bức thư dài 28 trang cho người Công Giáo Đức, kêu gọi họ tập trung vào việc truyền giáo trong bối cảnh “đức tin ngày càng xói mòn và suy thoái”. Ngài cảnh cáo không nên chỉ dựa vào sức mạnh nội tại, khi nói rằng: “Mỗi khi một cộng đồng giáo hội cố gắng tự mình thoát khỏi các vấn đề của mình, chỉ dựa vào sức mạnh, phương pháp và trí thông minh của chính mình, thì cuối cùng nó lại gia tăng và nuôi dưỡng những tệ nạn mà nó mong muốn vượt qua."

Con đường Đồng nghị ban đầu gặp khó khăn trong việc đón nhận lời kêu gọi này. Vào tháng 9 năm 2021, một kiến nghị nhấn mạnh đến việc truyền giáo đã được thông qua trong gang tấc nhưng ban đầu bị bác bỏ do hiểu sai về số phiếu trắng. Đức Cha Bätzing sau đó xác nhận đề xuất đã được chấp nhận, thừa nhận sai sót về thủ tục.

Một năm sau, vào tháng 9 năm 2022, Bätzing cho biết định nghĩa ngắn nhất về tôn giáo là “sự gián đoạn” và một số hình thức liên tục mà mọi người tìm kiếm từ tôn giáo là “thực sự bị nghi ngờ”.




Các giám mục Công Giáo Hoa Kỳ cảnh cáo về sự phân cực trong Giáo hội, kêu gọi đối thoại nhiều hơn

Tyler Arnold, thuộc Phòng tin tức Washington, D.C. của CNA, ngày 15 tháng 5 năm 2024, tường trình rằng Ba giám mục Công Giáo Hoa Kỳ đã cảnh cáo về sự phân cực ý thức hệ ngày càng gia tăng trong Giáo hội và sự cần thiết phải đối thoại dân sự giữa những người có bất đồng quan điểm trong cuộc thảo luận được phát trực tiếp vào chiều thứ Ba.

“Chính trị gần như là một tôn giáo và đôi khi nó là một môn thể thao, [nhưng] nó không nên được coi là một trong hai điều,” Đức Giám Mục Daniel Flores của Giáo phận Brownsville, Texas, cho biết trong cuộc thảo luận.

Đức Cha Flores nói: “Đây được cho là một cuộc trò chuyện dân sự… để tìm kiếm điều tốt và ưu tiên cách đạt được điều đó cũng như cách tránh điều ác. Và tôi nghĩ nếu chúng ta có thể tập trung vào điều đó, chúng ta có thể giảm bớt những bức tranh biếm họa và những lời hoa mỹ nhằm hạ thấp con người.”

Cuộc thảo luận bao gồm Đức Cha Flores, Đức Hồng Y Robert McElroy của Giáo phận San Diego, và Giám mục Robert Barron của Giáo phận Winona-Rochester, Minnesota. Nó được điều hợp bởi Gloria Purvis, người dẫn chương trình “The Gloria Purvis Podcast” tại Tạp chí America, và được đồng tài trợ bởi Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, Tổ chức từ thiện Công Giáo Hoa Kỳ, Thừa sai tại gia Glenmary và Hội đồng Dòng Tên.

Cuộc hội thảo là một phần của sáng kiến “Văn minh hóa nó” của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, nhằm thúc đẩy tính lịch sự trong các cuộc tranh luận ý thức hệ quan trọng. Là một phần của sáng kiến này, các giám mục yêu cầu người Công Giáo ký một cam kết khẳng định phẩm giá của mỗi con người – bao gồm cả những người có niềm tin ý thức hệ khác nhau – và hợp tác với những người khác để theo đuổi lợi ích chung.

Theo các tham luận viên, xã hội và Giáo hội Hoa Kỳ ngày càng trở nên phân cực hơn khi đề cập đến những khác biệt về ý thức hệ - và các cuộc tranh luận về những khác biệt đó đã trở nên kém lịch sự hơn.

Đức Cha Barron, người sáng lập tổ chức truyền thông Công Giáo Word on Fire, cho biết những bất đồng trong Giáo hội không có gì mới, nhưng cách mọi người tiếp cận những bất đồng đó đã thay đổi: “Điều bị phá vỡ là tình yêu giúp cho cuộc đối thoại thực sự có thể thực hiện được”.

Ngài nói: “Đó là một chủ nghĩa bộ lạc đã đánh mất cảm giác yêu thương trong đối thoại”.

Đức Giám Mục cảnh cáo rằng mọi người tập trung nhiều hơn vào việc chiến thắng các cuộc tranh luận và trung thành với một bản sắc ý thức hệ hơn là tình yêu. Ngài cho biết những vấn đề này rất dễ nhận thấy trong các cuộc thảo luận trên mạng và khuyến khích mọi người hỏi liệu “bình luận này [có phải] là một hành động yêu thương hay không” trước khi nói bất cứ điều gì.

“Có phải nó được phát sinh từ tình yêu?” Đức Cha Barron nói mọi người nên tự hỏi mình. “Có phải nó được phát sinh từ lòng mong muốn điều tốt cho người khác? Nếu không, có hàng ngàn việc tốt hơn để làm hơn là nói ra tuyên bố đó.”

Đức Hồng Y McElroy cho rằng ngày nay đối thoại quá nhiều “có nghĩa là đối đầu” đến mức mọi người “không thể tham gia vào một cuộc đối thoại thực sự”.

“Mọi người đang tiến về phía nhau trong đời sống Giáo hội, trước hết, nhìn vào nhãn hiệu: Bạn là ai? Bạn đứng ở đâu trong nền chính trị văn hóa hiếu chiến của nước ta?” Đức Hồng Y nói.

Ngài nói thêm, mọi người tập trung vào điều này “chứ không phải vào điều hiệp nhất chúng ta: chúng ta đang đứng ở đâu về bản sắc của mình là người Công Giáo và với quan điểm Kitô học”.

Đức Hồng Y McElroy cũng dựa trên những lo ngại được Đức Cha Barron nhấn mạnh về đối thoại trên internet.

Đức Hồng Y McElroy nói: “Khi bạn đang viết Tweet, hãy tưởng tượng Chúa Giêsu ở đó với bạn và khi bạn suy nghĩ kỹ câu hỏi đó ‘tôi có nên làm điều này không?’”.

Tương tự như vậy, Đức Cha Flores nhấn mạnh sự cần thiết phải ghi nhớ những gì Chúa Ki-tô làm.

Ngài nói: “Người sẽ tử tế, đặc biệt với người nghèo và đặc biệt với những người không có địa vị trên thế giới. Và Người cũng sẽ không bao giờ phạm bất công để cổ vũ công lý.”





⛪⛪⛪⛪⛪







Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ sự báo động về tỷ lệ sinh giảm


Đức Phanxicô so sánh việc buôn bán vũ khí với thị trường các biện pháp tránh thai: “Một bên hủy diệt sự sống, một bên ngăn cản sự sống”.

Đức Thánh Cha Phanxicô tham dự hội nghị “Tình trạng chung về Tỷ lệ sinh” tại Rôma, Ý, ngày 10 tháng 5 năm 2024. (Ảnh: Riccardo Antimiani/EPA/MaxPPP)

Đức Thánh Cha Phanxicô tham dự hội nghị “Tình trạng chung về Tỷ lệ sinh” tại Rôma, Ý, ngày 10 tháng 5 năm 2024. 

Xuất hiện như một ngôi sao nhạc rock trước đám đông khoảng 1.000 người, vị Giáo hoàng 87 tuổi đã tự khẳng định mình là người bênh vực tỷ lệ sinh trong sự kiện này. Đứng cạnh những đứa trẻ mặc áo phông màu cam, Đức Thánh Cha Phanxicô lên tiếng cảnh báo về tỷ lệ sinh giảm, đặc biệt là ở châu Âu, đồng thời kêu lên: “Lục địa già đang trở thành một lục địa già cỗi”.

Với cuộc bầu cử các Thành viên mới của Nghị viện Châu Âu chỉ còn chưa đầy một tháng nữa, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra một cái nhìn ảm đạm về lục địa này, đồng thời mô tả lục địa này là một lục địa “mệt mỏi và cam chịu, bị cuốn vào cuộc chiến chống lại sự cô đơn và lo lắng đến mức mất đi khả năng trân trọng vẻ đẹp thực sự của sự sống trong một nền văn hóa cho đi”. Tỷ lệ sinh của Ý ở mức 1,25 trẻ em trên một phụ nữ, một trong những mức thấp nhất trong Liên minh châu Âu, cùng với Tây Ban Nha và Malta. Vấn đề này từ lâu đã trở thành mối bận tâm hàng đầu của Vatican, vốn luôn ủng hộ các chính sách khuyến sinh ở nước này.

“Tỷ lệ sinh là chỉ số quan trọng nhất cho thấy niềm hy vọng của người dân”, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết hôm 10 tháng 5 tại hội nghị “Tình trạng chung về Tỷ lệ sinh”, một cuộc họp thường niên ở Vatican triệu tập các nhà lãnh đạo Giáo hội và các quan chức chính phủ Ý nhằm giải quyết tỷ lệ sinh đang giảm ở phía tây. “Không có trẻ em và thanh thiếu niên, một đất nước sẽ mất đi khát vọng về tương lai. Chẳng hạn, ở Ý, độ tuổi trung bình hiện nay là 47 và chúng ta tiếp tục chứng kiến những kỷ lục tiêu cực được thiết lập”.



“Sự sống con người không phải là một vấn đề”

Nhấn mạnh rằng “sự sống con người không phải là một vấn đề, mà là một món quà”, Đức Thánh Cha Phanxicô, năm nay 87 tuổi, than phiền về “sự ích kỷ” phổ biến trong các xã hội thích “nuôi chó và mèo” hơn trẻ em.

“Sự ích kỷ làm cho chúng ta trở nên điếc lác trước tiếng nói của Thiên Chúa, Đấng yêu thương trước tiên và dạy chúng ta yêu thương, cũng như tiếng nói của anh chị em bên cạnh chúng ta. Nó làm tê liệt con tim”.

Nhưng trước hàng nghìn người tham dự, những người đã nhiều lần ngắt lời bài phát biểu của ngài bằng những tràng pháo tay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp tục đưa ra những lời phê bình của mình. Đức Thánh Cha đã đưa ra sự so sánh giữa các biện pháp tránh thai và các loại vũ khí.

“Một chuyên gia nhân khẩu học từng nói với tôi”, Đức Thánh Cha bắt đầu, “rằng những khoản đầu tư có lợi nhất hiện nay là sản xuất vũ khí và các biện pháp tránh thai. Một thứ hủy diệt sự sống, còn thứ kia ngăn cản sự sống”.

Đức Thánh Cha Phanxicô không chỉ dừng lại ở nhận xét nghiệt ngã này, chủ yếu nhắm vào phương Tây, mà còn tìm cách khơi dậy niềm hy vọng, chủ đề trọng tâm của Năm Thánh 2025 sắp tới.

“Tôi biết rằng đối với nhiều người trong số các bạn, tương lai có vẻ khó khăn với tỷ lệ sinh thấp, chiến tranh, đại dịch và biến đổi khí hậu khiến việc duy trì niềm hy vọng trở nên khó khăn”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói với các khán giả nhỏ tuổi hơn.

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi họ, như ngài vẫn thường làm, hãy chung tay “xây dựng tương lai” cùng với ông bà của họ. “Tương lai không có ông bà là một sự tự sát về mặt văn hóa”, Đức Thánh Cha nhấn mạnh, thoát khỏi văn bản đã soạn sẵn của mình. “Tương lai được xây dựng cùng với cả người trẻ lẫn người già. Lòng dũng cảm và ký ức kết hợp với nhau”. Đó là những lời của một vị Giáo hoàng hết sức bận  tâm đến tương lai của thế giới.








Đức Thánh Cha Phanxicô: ‘Giáo hội cần các nhà thần học vật lộn với thế giới hiện đại’



image.png

Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện với các thành viên của Mạng lưới Hiệp hội Thần học Công giáo Quốc tế trong thư viện của Điện Tông Tòa tại Vatican ngày 10 tháng 5 năm 2024 

Bởi vì niềm tin vào Thiên Chúa không trừu tượng nhưng tác động đến cách mọi người sống và tương tác với người khác, các nhà thần học phải hợp tác với các chuyên gia trong các lĩnh vực kiến thức khác khi họ khám phá và giải thích đức tin Kitô giáo, Đức Thánh Cha Phanxicô viết.

“Các nhà thần học, giống như đoàn trinh sát được Giô-suê cử đi khám phá vùng đất Canaan” trong Sách Dân Số; “họ có trách nhiệm tìm ra những con đường đúng đắn hướng tới việc hội nhập văn hóa đức tin”, Đức Thánh Cha Phanxicô viết trong một thông điệp gửi tới các thành viên của Mạng lưới Hiệp hội Thần học Công giáo Quốc tế vào ngày 10 tháng 5.

Mạng lưới, bao gồm Hiệp hội Thần học Công giáo Hoa Kỳ và các nhóm tương tự trên khắp thế giới, thúc đẩy các dự án nghiên cứu hợp tác của các thần học gia đến từ các nền văn hóa khác nhau và khuyến khích đối thoại với các học giả từ các Giáo hội khác, các tôn giáo khác và các ngành khoa học khác nhau.

Trong văn bản soạn sẵn của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với các thành viên của nhóm rằng thần học là “một sứ vụ quan trọng và cần thiết của Giáo hội”, bởi vì “một phần đức tin Công giáo của chúng ta là giải thích lý do hy vọng của chúng ta cho tất cả những ai yêu cầu”.

Nhưng trong “các xã hội ngày càng đa sắc tộc và hay thay đổi của chúng ta được đánh dấu bằng sự liên kết giữa các dân tộc, ngôn ngữ và nền tảng văn hóa khác nhau”, Đức Thánh Cha viết, thần học giúp người Công giáo và Giáo hội đánh giá những thay đổi và suy ngẫm về các giá trị cần thiết “để giúp xây dựng một tương lai hòa bình, liên đới và tình huynh đệ phổ quát, chưa nói đến việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta”.

Đức Thánh Cha đã sử dụng trí tuệ nhân tạo như một ví dụ, bởi vì, ngài viết, nó đặt vấn đề về việc “làm người có ý nghĩa gì, điều gì xứng đáng với bản chất con người của chúng ta, khía cạnh nào của nhân tính của chúng ta không thể giản lược bởi vì nó thiêng liêng, nghĩa là, được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa trong Chúa Kitô”.

“Ở đây, thần học phải có khả năng đóng vai trò như là người bạn đồng hành với các ngành khoa học và các ngành phê phán khác, đưa ra sự đóng góp mang tính trí tuệ cụ thể của nó để đảm bảo rằng các nền văn hóa khác nhau không xung đột mà trở nên như một bản giao hưởng trong đối thoại”, Đức Thánh Cha viết.

Thần học, Đức Thánh Cha nói, phải có “sự trung thành sáng tạo với truyền thống, một cách tiếp cận liên ngành và tính tập thể”.

“Truyền thống sống động” và không trì trệ, Đức Thánh Cha viết, và nó phải liên tục hình thành và bén rễ ở mọi nơi trên thế giới và trong mọi nền văn hóa.

Và, Đức Thánh Cha Phanxicô viết, thần học phải được đánh dấu bởi đức ái “bởi vì ‘ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình yêu’”, như Thư 1 của Thánh Gioan nói.





⛪⛪⛪⛪⛪





Đức Thánh Cha lo ngại về những điều không lành mạnh trên mạng xã hội

Gặp gỡ khoảng 200 giáo sư và sinh viên của Trường Ngôn ngữ cổ, Ngoại giao và Văn khố Vatican, nhân dịp kỷ niệm 140 năm trường ra đời, và của Trường Khoa học Thư viện Vatican, nhân 90 năm thành lập, Đức Thánh Cha mời họ “bảo vệ mọi người khỏi những gì độc hại, không lành mạnh và bạo lực có thể ẩn giấu trong thế giới truyền thông xã hội và kiến thức công nghệ”.

 

Bảo vệ mọi người khỏi những độc hại, không lành mạnh và bạo lực của truyền thông xã hội và kiến thức công nghệ

Trân trọng công việc giáo dục của các Trường này, môi trường vốn đòi hỏi sự dấn thân và cập nhật liên tục, Đức Thánh Cha cám ơn những điều họ đã làm được. Ngài cũng kêu gọi luôn nhìn về phía trước và không dừng lại vì hài lòng với những kết quả đạt được, nhưng sẵn sàng đón nhận những thách thức văn hóa mà thời đại chúng ta đặt ra trước mắt. Ngài nói:

“Tôi nghĩ đến những vấn đề lớn liên quan đến việc toàn cầu hóa, nguy cơ san bằng và sự mất giá của tri thức; tôi nghĩ đến mối quan hệ ngày càng phức tạp với công nghệ; suy tư về các truyền thống văn hóa phải được trau dồi và đề xuất mà không áp đặt lẫn nhau.”




Ngài cũng nhấn mạnh rằng: “tôi nghĩ đến sự cần thiết phải bao gồm và không bao giờ loại trừ bất kỳ ai khỏi các nguồn kiến thức, đồng thời, bảo vệ mọi người khỏi những gì độc hại, không lành mạnh và bạo lực có thể ẩn giấu trong thế giới truyền thông xã hội và kiến thức công nghệ”.

 

Tránh tự quy chiếu và hướng đến tương lai

Trong bối cảnh hiện tại, Đức Thánh Cha tiếp tục nhấn mạnh những đặc điểm chính cần có của những người làm việc trong các trường này: “Một sự cởi mở tuyệt vời để thảo luận và đối thoại, sẵn sàng chào đón, đặc biệt là những người bị gạt ra ngoài lề xã hội và nghèo đói về vật chất, văn hóa và tinh thần”.

Ngài khen ngợi các Trường học đã có thể đối mặt với “nhu cầu về những nơi bảo tồn kiến thức”, để phát triển và trên hết là tránh sự tự quy chiếu. Từ đây, Đức Thánh Cha mời gọi họ “Có can đảm để suy nghĩ lại về bản thân trước những yêu cầu đến từ thế giới văn hóa và nghề nghiệp”.

 

Sự nguy hiểm của ý thức hệ

Khi nhắc lại nguồn gốc của các Trường Vatican này, Đức Thánh Cha nhấn mạnh “cách tiếp cận thực tế và cụ thể của họ đối với các vấn đề và nghiên cứu”. Đó là một quan điểm được ngài đánh giá cao vì nó gắn liền với sự so sánh với thực tế chứ không phải với ý thức hệ, bởi vì “các ý thức hệ luôn giết chết”. Ngài nói: “Ở đây, chúng ta dạy và học để trở thành nhân viên lưu trữ và thủ thư thông qua tiếp xúc, không chỉ với việc học thuật, mà còn với kinh nghiệm sống của những người làm nghề này”.




“Minh triết kitô giáo” phải cung cấp thông tin cho trí tuệ nhân tạo

Đức Phanxicô kêu gọi khai sáng việc dùng trí tuệ nhân tạo qua “minh triết kitô giáo”. Tiếp các đại biểu từ Mạng lưới các Hiệp hội Thần học Công giáo Quốc tế ngày 10 tháng 5 năm 2024, ngài đã có bài phát biểu nhưng bài phát biểu này chưa được phát. Sáng hôm đó ngài có chín buổi gặp.

Trong văn bản được đưa ra cho các đại biểu Mạng lưới Hiệp hội Thần học Công giáo Quốc tế, và được công bố, ngài bảo đảm “chúng ta cần thần học” để đáp ứng những thách thức do tiến bộ công nghệ và khoa học đặt ra. Đặc biệt đề cập đến trí tuệ nhân tạo (AI), ngài khuyến khích nghiên cứu “để hiểu điều gì là con người, điều gì xứng đáng với con người, điều gì ở con người là không thể giản lược được”.

Ngài khẳng định: “Thần học phải có khả năng đồng hành với các ngành khoa học và mọi kiến thức phê phán, đưa ra các đóng góp về mặt trí tuệ của riêng mình. Thần học ‘lắng nghe’ những khám phá về kiến thức khác để đào sâu các giáo lý đức tin, đồng thời cống hiến minh triết kitô giáo cho sự phát triển nhân bản của các khoa học”.

Sự phát triển của AI, mối quan tâm của Đức Phanxicô

Sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo là một trong những mối quan tâm của Tòa Thánh. Gần đây Đức Phanxicô đã dành một số thông điệp – kể cả thông điệp Ngày Hòa bình Thế giới 1 tháng 1 – cho chủ đề này. Trong thông điệp nhân Ngày Truyền thông Thế giới lần thứ 58, ngài cảnh báo về “bóng ma của một chế độ nô lệ mới” do các thuật toán áp đặt.

Đức Phanxicô dự kiến sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 tổ chức tại Bari, nước Ý từ ngày 13 đến 15 tháng 6, đặc biệt ngài phát biểu trong một phiên họp dành cho trí tuệ nhân tạo. Kể từ năm 2020, Giáo hoàng Học viện về Sự sống đã thúc đẩy Lời kêu gọi Rôma về đạo đức của trí tuệ nhân tạo, một tài liệu ủng hộ sự phát triển công nghệ để ngày càng minh bạch hơn, toàn diện hơn, có lợi cho xã hội và có trách nhiệm hơn.





⛪⛪⛪⛪⛪






Đức Thánh Cha khích lệ sự cộng tác giữa Công giáo và Chính thống Hy Lạp


Sáng thứ Năm ngày 16/5, Đức Thánh Cha tiếp phái đoàn của Nhà Xuất Bản chính thức của Chính thống Hy Lạp, cùng với các đại diện các cơ quan truyền giáo và từ thiện của Giáo Hội này, gọi chung là Apostoliki Diakonia: Tông đồ phục vụ. Phái đoàn đến từ Athènes và do Đức cha Agathangelos hướng dẫn.

Lên tiếng trong dịp này, Đức Thánh Cha nhắc lại và đề cao sự cộng tác từ hơn 20 năm nay giữa tổ chức Apostoliki Diakonia và Bộ Cổ võ Hiệp nhất các Kitô hữu. Do sự cộng tác này giữa Công giáo và Chính thống, nhiều dự án văn hóa và giáo dục đáng ca ngợi đã được thành hình và phát triển.

Đức Thánh Cha nói ngài rất vui vì tổ chức đã quyết định dành ưu tiên cho việc đào tạo văn hoá, thần học và đại kết cho các thế hệ tương lai. Chính những người trẻ, được nâng đỡ bởi niềm hy vọng dựa trên đức tin, là những người có thể phá vỡ những ràng buộc của đối kháng, hiểu lầm và thành kiến mà trong nhiều thế kỷ đã ngăn cản người Công giáo và Chính thống nhìn nhận nhau là anh chị em, hiệp nhất trong sự đa dạng và có khả năng làm chứng cho tình yêu Chúa Kitô, đặc biệt là trong một thế giới bị chia rẽ và xung đột.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh về kế hoạch đón tiếp một nhóm sinh viên Công giáo của Chính thống trong dịp hè này, để học hỏi thêm về ngôn ngữ Hy Lạp và Giáo hội Chính thống. Ngài chúc cho sự cộng tác này tiếp tục mang lại hiệu quả cho cả hai bên.

Trước khi kết thúc bằng những lời cầu xin Đức Mẹ chuyển cầu lên Chúa ban muôn phúc lành cho phái đoàn, Đức Thánh Cha nói: “Bằng cách cùng đồng hành, cùng nhau làm việc và cầu nguyện, chúng ta chuẩn bị đón nhận từ Chúa hồng ân hiệp nhất, hoa trái của Thánh Thần, sẽ là sự hiệp thông và hoà hợp trong sự khác biệt”.





Vatican tổ chức một hội nghị chưa từng có về quan hệ với Trung Quốc

Ngày 21 tháng 5, Tòa Thánh sẽ tổ chức một hội nghị quốc tế với sự tham dự của giám mục Shen Bin, giáo phận Thượng Hải, ngài cùng đi với bà Zheng Xiaojun, giám đốc Viện Tôn giáo Thế giới thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc rất tích cực trong phong trào hán hóa các tôn giáo. Lần đầu tiên có cuộc gặp trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và Vatican.

Thông thường người ta không nói chuyện này ở Vatican. Mối quan hệ với Bắc Kinh là một trong những chủ đề mà việc giữ kín  đã thành thông lệ ở đây. Nhưng ngày thứ ba 21 tháng 5, bộ Ngoại giao sẽ tổ chức một hội nghị cấp cao giữa Rôma và Bắc Kinh, chương trình được kín đáo đưa lên mạng ngày thứ sáu 10 tháng 5, nhưng Vatican vẫn chưa công khai bất kỳ điều gì về chương trình này.

Ngoài chủ đề cơ bản – “100 năm Hội đồng Toàn thể Trung Quốc: giữa lịch sử và hiện tại” – hội nghị là một tín hiệu chính trị lớn, vì một số quan chức cao cấp của Trung Quốc sẽ đến tham dự. Về phía Giáo hội, có giám mục Joseph Shen Bin của Thượng Hải. Một hiện diện không thể có nếu Bắc Kinh không chấp thuận.

Kể từ tháng 4 năm 2023, giám mục Shen Bin đã là đối tượng căng thẳng đặc biệt giữa Vatican và Trung Quốc vì chính quyền Trung Quốc đơn phương bổ nhiệm ngài tại thủ đô kinh tế Trung Quốc. Tin này bị một số người cho là vi phạm thỏa thuận năm 2018, theo đó hai bên phải đồng ý trước khi bổ nhiệm bất kỳ giám mục nào ở Trung Quốc. Tuy nhiên, như một dấu hiệu xoa dịu, hiện nay giám mục Shen Bin được Rôma nhận là giám mục Thượng Hải.

Đại diện Chính quyền Trung Quốc tham dự

Hội nghị sẽ được tổ chức ở Giáo hoàng Học viện Đô thị, bà Zheng Xiaojun, 50 tuổi, sẽ tham dự, bà là nghiên cứu gia, nhân vật chủ chốt về vấn đề tôn giáo, giám đốc Viện Tôn giáo Thế giới thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc và là chủ tịch Hiệp hội Tôn giáo Trung Quốc.

Hai tổ chức này đóng vai trò dẫn đầu trong phong trào “hán hóa”  để các tôn giáo ở Trung Quốc mang màu sắc dân tộc. Tiến trình hán hóa bắt đầu từ những năm 1950 dưới thời Mao Trạch Đông, thành lập các hiệp hội tôn giáo chính thức, cắt đứt mọi liên lạc với Vatican. Một tiến trình được chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục củng cố.

Được thành lập năm 1964, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc có mặt tại Rôma để giữ trách nhiệm cấp cao giám sát các nghiên cứu học thuật về tôn giáo ở Trung Quốc. Viện hoạt động trên “quan điểm tôn giáo của chủ nghĩa Mác”, có “phòng nghiên cứu các quan điểm tôn giáo của chủ nghĩa Mác”.

Một chuyên gia công giáo thông thạo về vấn đề Trung Quốc nhận xét: “Việc một nhân vật cấp cao của Trung Quốc dự một sự kiện công cộng  Vatican tổ chức là chưa từng có ở Rôma. Dấu hiệu được cho là quan trọng vì sự kiện được tổ chức ở một Giáo hoàng Học viện, có nghĩa trên lãnh thổ Vatican: “Đây không phải là một chi tiết nhỏ.”

Chính sách xoa dịu

Trong hội nghị, Tòa Thánh sẽ phát video thông điệp của Đức Phanxicô, ngài hiếm khi nói về Trung Quốc, dù ngài rất quan tâm đến vấn đề này. Lần cuối ngài đề cập là vào tháng 9 năm 2023 khi ngài đến Ulaanbaatar, thủ đô Mông Cổ, ngài xin người công giáo Trung Quốc hãy là “người công dân tốt”. Một số người giải thích những lời này là để Bắc Kinh thấy Rôma không tìm cách can thiệp vào nội bộ của họ.

Ngày thứ ba 21 tháng 5, buổi sáng hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin sẽ có bài phát biểu, buổi chiều hồng y Luis Antonio Tagle sẽ phát biểu. Hai hồng y của bộ Ngoại giao và bộ Truyền giáo đảm trách công việc khó khăn trong quan hệ với Trung Quốc.

Theo thông tin của báo La Croix, hội nghị này sẽ có các thông báo quan trọng trong lãnh vực quan hệ giữa hai bên. Ở Rôma, một số nguồn tin nói về khả năng thành lập một văn phòng liên lạc giữa Bắc Kinh và Tòa thánh. Nếu được xác nhận, tin này sẽ tạo một sự kiện rất quan trọng trong quan hệ giữa Trung Quốc và các nhà lãnh đạo cấp cao của Giáo hội công giáo.




⛪⛪⛪⛪⛪






Giáo hội Chính thống Hy Lạp ở Phi châu có nữ phó tế đầu tiên

Ngày 02/5/2024 vừa qua, tại Zimbabwe, Toà Thượng phụ Chính thống Hy Lạp Alexandria và toàn Phi châu đã phong chức phó tế cho một phụ nữ. Đây là nữ phó tế đầu tiên của Giáo hội Chính thống Hy Lạp ở Phi châu.
Lễ phong chức cho nữ sinh viên chuyên ngành địa lý Angelic Molen của quốc gia Phi châu, diễn ra tại giáo xứ Truyền giáo Thánh Nectaire, gần thủ đô Harare, được cho là do nhu cầu mục vụ ngày càng tăng ở các cộng đoàn Chính thống tại Phi châu.

Trong nhiều năm qua, Toà Thượng phụ Chính thống Hy lạp Alexandria đã tìm cách phục hồi chức nữ phó tế. Cụ thể vào năm 2016, tại Công nghị được tổ chức tại trung tâm Alexandria, Ai cập từ 15-17/11, dưới quyền chủ tọa của đức Thượng phụ Theodoros II, đã quyết định phục hồi chức nữ phó tế và đã bổ nhiệm một ủy ban Giám mục để nghiên cứu kỹ lưỡng về vấn đề này.

Vai trò tiềm năng của các nữ phó tế trong công tác truyền giáo đã được Giám mục Gregorios của Camerun trình bày trong công nghị. Trong tuyên ngôn sau cùng của khóa họp, các thành viên Công nghị của Tòa thượng phụ Chính thống Hy lạp Alexandria nhấn mạnh rằng “các lối tiếp cận các vấn đề khác nhau trong đời sống Giáo hội không mang đến cho chúng ta các sai lệch về sự thật Chính thống, nhưng trình bày những điều chỉnh thích hợp với thực tại Phi châu”.

Một năm sau, Toà Thượng phụ đã phong chức cho 6 nữ phó tế ở Cộng hoà Dân chủ Congo. Tuy nhiên, chức năng của tân nữ phó tế Angelic Molen rộng lớn hơn những phó tế trên, bao gồm việc hỗ trợ các linh mục trong phụng vụ và các Bí tích. Đức Tổng Giám Mục Séraphim của Zimbabwe, Thượng phụ Alexandria, chủ sự lễ phong chức đã xác định rằng một trong những chức năng của nữ phó tế là trao Thánh Thể.

Cho tới nay, việc phong chức phó tế cho phụ nữ vẫn chưa có sự đồng thuận trong Giáo hội Chính thống Hy Lạp ở Phi châu. Chiều kích phụng vụ là điểm được tranh luận nhiều nhất.

Trong Giáo hội Công giáo, cuộc thảo luận về chức phó tế cho phụ nữ vẫn đang diễn ra. Vào năm 2016, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã thành lập một ủy ban do Đức Tổng Giám mục Luis Francisco Ladaria Ferrer, lúc đó là Tổng Thư ký bộ Giáo lý đức tin đứng đầu để nghiên cứu về các nữ phó tế. Đức Tổng Ladaria Ferrer nói: “Theo tôi, hiện tại Đức Thánh Cha muốn làm một cuộc nghiên cứu khách quan, không đi đến quyết định, nhưng nghiên cứu chức nữ phó tế đã có trong những ngày đầu của Giáo hội như thế nào”.

Vào đầu năm nay, trong hai cuộc họp của Hội đồng Hồng y Cố vấn, Đức Thánh Cha và các Hồng y và một số phụ nữ được mời tham gia, đã thảo luận về vấn đề này.





Bạn không nhất thiết phải tin Đức Mẹ hiện ra. Nhưng tôi tin.


Giáo dân cầm nến ngày 12 tháng 5 năm 2022 tại Đền thánh Đức Mẹ Fatima ở Bồ Đào Nha. (Ảnh OSV News/Pedro Nunes, Reuters)

Tuần tới, Vatican chuẩn bị công bố bản hướng dẫn mới về các cuộc hiện ra, gồm các cuộc hiện ra của Đức Mẹ, từ các báo cáo cá nhân hoặc từng nhóm Đức Mẹ đã hiện ra với họ. Có nhiều loại hiện ra và thị kiến, nhưng những lần Đức Mẹ hiện ra chiếm đa số trong Giáo hội công giáo.

Tài liệu quan trọng cuối cùng của Vatican đề cập đến chủ đề này là “Hướng dẫn về Lòng mộ đạo bình dân và Phụng vụ” ban hành năm 2001. Một câu trong Sách Giáo lý Giáo hội công giáo tóm tắt lập trường rõ ràng và đáng ngưỡng mộ của Giáo hội: “Qua các thời đại đã có cái gọi là các các mạc khải riêng, một số được thẩm quyền Giáo hội công nhận. Tuy nhiên, chúng không thuộc về kho tàng đức tin” (Số 67).

Nói cách khác, chúng ta không nhất thiết phải tin Đức Mẹ hiện ra để là người tín hữu kitô tốt.

Nhưng tôi tin. Tôi chưa bao giờ gặp vấn đề khi tin chuyện này. Cách của tôi là: Nếu Thiên Chúa có thể tạo ra vũ trụ từ hư không, ex nihilo và Con của Ngài sống lại từ cõi chết, thì việc Đức Mẹ thỉnh thoảng hiện ra, có khi làm phép lạ, là một điều dễ dàng để đối chiếu. Câu nói nghe có vẻ lộn xộn. Nhưng hoàn toàn nghiêm túc. Chắc chắn với quyền năng của Chúa, Chúa có thể làm cho những chuyện này xảy ra. Vì vậy, tôi luôn ngạc nhiên khi mọi người nói: “Chúa sẽ không làm.” Thực vậy sao?

Tôi nói điều này trong tư cách là người đã đi viếng ba đền thánh lớn của Đức Mẹ, những đền thánh đã làm tôi vô cùng xúc động: Lộ Đức, Fatima và Knock. Những câu chuyện của những người đã thấy Đức Mẹ hiện ra và những gì tôi trải nghiệm ở những nơi này đã thuyết phục tôi rất nhiều về tính xác thực của những lần hiện ra. Ngoài ra còn có một điểm giống nhau nổi bật giữa hầu hết các lần Đức Mẹ hiện ra (ít nhất là ba lần hiện ra này) làm tôi nhớ đến sự giống nhau khi chúng ta thấy một linh hướng lắng nghe tiếng Chúa. Như Thánh I-Nhã đã nói trong Linh Thao, có một phẩm chất nào đó trong tiếng Chúa mà chúng ta có thể nhận ra. Tương tự như vậy trong những lần Đức Mẹ hiện ra.

Ba câu chuyện

Tôi biết Lộ Đức rõ nhất vì trong nhiều năm, tôi đã đến đó nhiều lần trong các chuyến hành hương với Dòng Malta. Có lẽ chúng ta đã biết câu chuyện Đức Mẹ hiện ra ở đây. Năm 1858, ở một ngôi làng nhỏ miền nam nước Pháp, Đức Mẹ hiện ra nhiều lần trong một hang động gần sông Pau (nghe có vẻ nên thơ khi chúng ta biết nơi này là bãi rác của thị trấn) với Bernadette Soubirous, một cô gái nghèo 14 tuổi. Dù mới đầu bị nghi ngờ, bị chế nhạo, nhưng Bernadette vẫn kiên trì kể câu chuyện có vẻ kỳ quặc. Cuối cùng, “bà” đã hiện ra, bà không nói tiếng Pháp với Bernadette mà nói tiếng của người địa phương: “Mẹ là Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.” Câu chuyện được kể trong sách và phim Bài hát của Bernadette (La Chanson de Bernadette).

image.png

Đền thánh Đức Mẹ Lộ Đức (Ảnh của tác giả)

Điều làm độc giả ngạc nhiên là những lần Đức Mẹ hiện ra và các phép lạ chữa lành sau đó, người bệnh tắm ở con suối Bernadette phát hiện gần đó, đó là tính chất đặc biệt của Bernadette. Bernadette là người trung thực, giản dị, thẳng thắn. Dù gia đình nghèo cùng cực – sống trong một nhà tù cũ – Bernadette kiên quyết từ chối tiền tặng của những người muốn cô cầu nguyện hoặc đơn giản muốn giúp đỡ gia đình cô. Bernadette rất dứt khoát. Khi một nhiếp ảnh gia xin cô nói cảm tưởng khi Đức Mẹ hiện ra, cô gay gắt trả lời: “Cô ấy không có ở đây.” Bernadette còn phản đối việc đặt tượng trong hang đá. Bernadette nói, Đức Mẹ là một thiếu nữ trẻ như cô, không phải là một phụ nữ trưởng thành.

Sự cứng rắn này cũng thấy trong câu chuyện Đức Mẹ Fatima hiện ra năm 1917 ở một thị trấn Bồ Đào Nha nghèo, nhỏ và cũng với các em bé nghèo: Phanxicô, Jacinta và Lucia, 10, 9 và 7 tuổi. Như Thánh Bernadette, ba em cũng bị nghi ngờ, nhưng một lần nữa, các em tập trung vào câu chuyện người phụ nữ hiện ra trên cây sồi tự xưng là “Mẹ Mân Côi.” Mẹ nói với các em nhiều bí mật và cho các em thấy địa ngục. Các Thánh Phanxicô và Jacinta chết trẻ; Lucia (giống Bernadette) vào dòng tu, sống đến già, không bao giờ nói gì về câu chuyện của mình. Một “bằng chứng” bổ sung, hàng ngàn người chứng kiến cảnh mặt trời “quay” trên bầu trời, một sự kiện được báo trước trong một lần Đức Mẹ hiện ra và được các nhiếp ảnh gia và phóng viên thời đó ghi lại.

Cuối cùng, tại thị trấn Knock nghèo khó của Ai-len, năm 1879 Đức Mẹ hiện ra một cách bất thường cùng với Thánh Giuse, Thánh Gioan Thánh sử và một con chiên trên bàn thờ, có các thiên thần chung quanh trước bức tường phía sau của giáo xứ địa phương. Dưới cơn mưa tầm tã, một nhóm khoảng 20 người, từ trẻ đến già, đã chứng kiến Đức Mẹ hiện ra. Tuy nhiên, tại đây Đức Mẹ không nói gì. Tại Knock, một trong những người thấy Đức Mẹ hiện ra cố gắng đưa tay với đến Đức Mẹ nhưng bàn tay chỉ chạm vào không khí. Em Patrick Hill, 11 tuổi, nói: “Con nhìn thấy mọi thứ rất rõ ràng. Các nhân vật đầy đặn và tròn trịa như thể họ có một cơ thể và đang sống.”

Điểm tương đồng nổi bật

Rất dễ để thấy một số điểm tương đồng nổi bật, chứng tỏ có một “chất lượng” nào đó trong những lần hiện ra. Đầu tiên và rõ ràng nhất là Đức Mẹ hiện ra với người nghèo.

Thứ hai, Mẹ thường hiện ra với người trẻ. Và vì sao lại không? Thiên thần đã hiện ra với Mẹ khi Mẹ còn là một cô gái trẻ ở làng Nadarét và nói với Mẹ một điều phi thường. Mẹ đã nhiều lần hiện ra với người trẻ cũng nghèo như Mẹ. Lời chứng của những người được Đức Mẹ hiện ra đều trung thực, thẳng thắn và kiên định với câu chuyện của họ, ngay cả khi bị người lớn khiển trách, đó là bằng chứng đã đủ cho tôi.

Thứ ba, trong mỗi lần, thông điệp đều đơn giản và giống nhau: Hãy cầu nguyện, ăn năn sám hối và hành hương. Tại Knock thông điệp còn đơn giản hơn: Hãy nhìn xem! Mẹ đang ở đây.

Thứ tư, mỗi lần hiện ra đều có một khía cạnh làm ngày nay chúng ta còn bối rối, như thể không thể hiểu hết được thông điệp. Với tôi, điều này càng làm cho lời chứng có tính xác thực hơn. Nếu những người thấy Đức Mẹ hiện ra muốn nói dối, vì sao họ phải bịa ra những chuyện làm mọi người khó nắm bắt hoặc có thể làm cho câu chuyện của họ khó chấp nhận? Ở Lộ Đức, người ta thường hỏi: Tại sao Đức Maria chỉ hiện ra với Bernadette trong khi những người chung quanh không thấy gì? Làm thế nào Bernadette có thể lội qua dòng sông Gave băng giá và nói nước này như nước tắm? Ở Fatima, vì sao Đức Mẹ cho các em thấy những cảnh khủng khiếp của địa ngục? Ở Knock, vì sao Đức Mẹ không nói gì với ai?

Và điều thứ năm tôi muốn nói, mỗi lần hiện ra đều có các cuộc hành hương đức tin, nhưng đó sẽ là một sự trùng lặp: chứng minh điều gì đó nhờ vào việc mọi người tin rằng điều đó là sự thật. Vì vậy, tôi sẽ chỉ nói về điều thứ năm: Tôi gần như cảm nhận được một cảm giác thiêng liêng về mặt thể chất khi tôi đến các đền thánh này. Khi ở hang đá Lộ Đức, ở cây sồi Fatima và ở Nhà nguyện ở Knock, tôi cảm nhận một bình yên sâu lắng. Tôi nghĩ: Có chuyện gì đó đã xảy ra ở đây.

Tính xác thực

Không phải mọi lần Đức Mẹ hiện ra đều “xác thực”. Những người có trí nhớ dai sẽ nhớ Đức Mẹ Bayside, được cho là đã hiện ra với bà Veronica Luekens ở Queens, New York, bắt đầu từ năm 1970, đã truyền đi các thông điệp được cho là có nội dung xin phụ nữ đừng tô son hoặc mặc vest.

Khi còn là tập sinh Dòng Tên, tôi gặp một nữ tu trước đây là nhân viên chăm sóc mục vụ ở một bệnh viện địa phương, nữ tu có người mẹ bị ám ảnh bởi Đức Mẹ Bayside. Rất lo lắng, bạn tôi đã nói chuyện với cha xứ của cô, cha khuyên cô viết thư cho Vatican. Và bạn tôi ngạc nhiên khi nhận bức thư ngắn của Đức Phaolô VI, ngài nói, về cơ bản, Đức Maria sẽ không bao giờ xuống trần gian để nói những chuyện tiêu cực và ngớ ngẩn như vậy.

Tất nhiên, như tài liệu mới của Vatican đã nói, không phải chỉ có cảm thức đức tin (sensus fidelium), Giáo hội phải quyết định xem lần hiện ra nào là xác thực. Giống như quá trình phong thánh, phải có phỏng vấn, điều tra các thị nhân, xem xét tất cả các phép lạ, xem xét ảnh hưởng ở những nơi Đức Mẹ hiện ra – như lòng đạo đức và lòng tôn kính có gia tăng hay không. Các quy trình này rất cần để chống gian lận và lừa dối. (Chẳng hạn cuối cùng Đức Mẹ Bayside bị thẩm quyền Giáo hội địa phương từ chối.)

Không phải ai cũng thích Đức Mẹ hiện ra. Khi tôi đi Lộ Đức lần đầu về, tôi kể với một tu sĩ Dòng Tên lớn tuổi, rằng tôi biết một phép lạ nhỏ. Một trong những thành viên lý trí, nghiêm khắc và hoài nghi nhất trong cuộc hành hương của chúng tôi – người đã phản đối việc đi cùng với người bạn đồng hành sùng kính hơn mình – đã nghe một giọng nói rõ ràng: “Ta tha thứ cho con”. Khi tôi kể câu chuyện của tôi, tu sĩ Dòng Tên đưa mắt lên trời và nói: “Ồ, điều đó không có tác dụng với tôi.” Nhưng với tôi, nó có tác dụng.


Làm sao phân biệt được điều siêu nhiên với những chuyện lừa đảo, ảo tưởng hay ma quỷ?


Nhà tiểu luận Jean de Saint-Cheron suy ngẫm về vấn đề siêu nhiên trong kitô giáo và sự khác biệt giữa siêu nhiên với ma thuật. Trích lời của triết gia Pascal, ông nhắc lại hành động hữu hình của Thiên Chúa “không bao giờ hiển nhiên đến mức có thể thuyết phục được mọi người”. Tác giả trả lời vấn đề này cho các câu hỏi của độc giả.
Đã ba tuần nay tôi cố gắng làm sáng tỏ một chủ đề mà người tin hay không tin đều quan tâm: vấn đề siêu nhiên, đặc biệt ở những biểu hiện hữu hình như phép lạ, những hiện tượng phi thường v.v. Trong phạm vi báo La Croix dành cho tôi cũng như cho các tác giả khác trong chuyên mục này chỉ được viết 3.700 ký tự, vì thế với chủ đề quá lớn, quá khó này, cần phải ngắn gọn và chính xác.
Hiện nay với những chuyện huyền bí, mê tín tôi nghĩ chúng ta phải biết phân biệt thế nào là siêu nhiên theo thần học kitô giáo: “Tất cả những điều siêu nhiên trong kitô giáo đều xuất phát từ mệnh lệnh yêu thương, từ tình yêu.” Mệnh lệnh này mang nhiều ý nghĩa với tôi, nhưng có một số người lại nói ngược lại, tôi xin nêu lên ở đây một số yếu tố giúp tôi hy vọng.
Sự nhầm lẫn của siêu nhiên
Truyền thống thần bí kitô giáo luôn cảnh báo để giúp chúng ta chống lại sự nhầm lẫn giữa điều siêu nhiên chính là Thiên Chúa và điều huyền bí mà chúng ta gọi là “siêu nhiên”, vốn không phải là Thiên Chúa, nhưng lại kích thích sự tò mò hời hợt và sự thiếu kiên nhẫn của chúng ta trước những điều chưa biết (đặc biệt là qua các vụ đồng cốt). Một số nhà thần bí vĩ đại nhất lịch sử, Thầy Eckhart, Thầy Ruysbroeck, Thánh Têrêxa Avila, Thánh Gioan Thánh Giá, những người được Chúa ban ơn phi thường đã viết nhiều tác phẩm giúp giáo dân tránh xa ma thuật, mê tín và những hiện tượng kỳ lạ.
Dưới mắt các thánh, điều siêu nhiên có giá trị duy nhất là tình yêu của Thiên Chúa. Thánh Gioan Thánh giá khuyên chúng ta nên cẩn thận với những chuyện huyễn học như đặc ân, các hình ảnh siêu nhiên tưởng tượng… và phải tránh chúng như tránh dịch hạch: “Điều an toàn nhất là phải trốn những chuyện siêu nhiên này. Chúng ta chỉ chấp nhận những gì phù hợp với lý trí và luật Phúc Âm.”
Tiêu chuẩn để phân biệt
Đây là tiêu chuẩn quan trọng để phân biệt điều gì là siêu nhiên và điều gì là lừa đảo, mê sảng hay ma quỷ (tôi biết tôi sẽ gặp rủi ro khi dùng thuật ngữ này). Dù không phải là kitô hữu, nhưng triết gia Bergson đã đưa ra những điều cốt yếu: “Chủ nghĩa thần bí chân chính, trọn vẹn và tích cực được lan rộng nhờ lòng bác ái vốn là bản chất của nó. Chủ nghĩa thần bí này là cảm giác của một số người có được khi họ là công cụ của một Thiên Chúa yêu thương mọi người bằng tình yêu bình đẳng, Đấng xin họ yêu thương nhau.” Và cảm giác chỉ là công cụ giúp chúng ta khiêm tốn, không kiêu hãnh; nhu cầu tình yêu này làm chúng ta trở nên rộng lượng, không ích kỷ; đáp ứng lời yêu cầu thiêng liêng này là làm cho nó thành cụ thể chứ không phải chỉ trên lý thuyết.
Triết gia Pascal viết: “Đức tin khác với bằng chứng. Hành động hữu hình của Thiên Chúa không bao giờ hiển nhiên đến mức có thể thuyết phục được mọi người: có đủ ánh sáng cho những ai mong muốn thấy, có đủ bóng tối cho những ai có khuynh hướng ngược lại.” Đó là không gian dành cho tự do con người. Thiên Chúa không áp đặt. Các phép lạ không thuyết phục được những người không muốn nhìn thấy chúng – điều này chúng ta thấy rõ trong Tin Mừng. Qua đức tin, chúng ta thấy Chúa ban những dấu lạ và chúng ta nhận biết những dấu chỉ này. Nhưng trên hết, đức tin khuyến khích chúng ta trở nên những dấu chỉ: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.” (Ga 13:35). Điều làm cho Thánh Phanxicô Assisi thành thánh, là chứng nhân của Thiên Chúa không phải là các dấu thánh nhưng là nụ hôn ngài hôn người cùi.




Đức Thượng phụ Bartolomaios sẽ dự Hội nghị về hòa bình Ucraina

Đức Thượng phụ Bartolomaios, Giáo chủ Chính thống Constantinople và là vị đứng đầu Chính thống giáo, sẽ tham dự Hội nghị quốc tế về hòa bình Ucraina, nhóm tại bang Nidwalden bên Thụy Sĩ, trong hai ngày 15 và 16 tháng Chín tới đây.


Tòa Thượng phụ cho biết như trên, sau cuộc điện đàm chiều thứ Sáu, ngày 09 tháng Năm vừa qua giữa Đức Thượng phụ và Tổng thống Zelensky của Ucraina. Ngài tuyên bố vui mừng về cuộc gặp gỡ này và tái bày tỏ sự ủng hộ nhân dân Ucraina trước cuộc tấn công của Nga.

Theo Tổng thống Zelensky, sự tham dự của Đức Thượng phụ có một giá trị biểu tượng rất lớn và ông đánh giá cao sự đóng góp quan trọng của ngài vào việc tái lập nền hòa bình công chính tại Ucraina.

Bà Tổng thống Viola Amherd của Thụy Sĩ cũng đã mời Tòa Thánh tham dự Hội nghị về hòa bình nói trên và Tòa Thánh nhận lời sẽ cử đại diện tham dự. Theo tin của chính phủ Thụy Sĩ, đã có hơn 160 phái đoàn tham dự Hội nghị này nhưng không có sự tham dự của Nga.




⛪⛪⛪⛪⛪




Hai thánh đường ở Myanmar bị dội bom


Hôm 15 tháng Năm vừa qua, hãng tin Fides của Bộ Loan báo Tin mừng cho biết quân đội chính quy Myanmar đã dội bom hai thánh đường của Tin lành Baptist ở làng Lungtak, thuộc bang Chin ở mạn tây nước này.

Vụ ném bom xảy ra từ ngày 11 đến 12 tháng Năm vừa rồi, ngoài hai thánh đường, còn có năm gia cư của dân chúng bị phá hủy, khiến dân làng sống trong kinh hoàng. Nguồn tin địa phương xác nhận với hãng Fides rằng nhà thờ Công giáo thuộc Giáo phận Kalay cũng bị nạn. Cha sở Titus En Za Khan đã cùng với các tín hữu chạy trốn được vào rừng gần đó. Bạo lực tiếp tục đổ ập trên các thường dân ở miền Sagang, cũng thuộc Giáo phận Kalay.

Làng Luntak bị không quân Myanmar dội bom để loại trừ các nhóm phiến quân và đã bị quân đội nước này chiếm đóng, cùng với hai làng khác. Quân chính quy Myanmar đang đụng độ với các chiến binh thuộc “Quân đội quốc gia Chin” và Quân đội cách mạng Zomi (ZRA).

Tổ chức nhân quyền Chin, một hội thiện nguyện với quy chế tham vấn đặc biệt tại Hội đồng kinh tế và xã hội của Liên Hiệp Quốc, cho biết tại bang Chin, có tới 86% dân chúng là tín hữu Kitô. Bạo lực tiếp tục xảy ra tại đây và người ta ghi nhận có cuộc khủng hoảng trầm trọng nơi các thường dân.

Trước tình trạng quân kháng chiến đạt được một số thành quả quân sự, trong đó các lực lượng này liên kết với các nhóm quân của các dân thiểu số, cùng với Lực lượng bảo vệ nhân dân chống lại tập đoàn quân phiệt đang cầm quyền, sau cuộc đảo chánh hồi năm 2021, quân chính quy Myanmar đang gia tăng các cuộc dội bom, với kết quả là gây thiệt hại bừa bãi cho các thường dân, khiến cho tình trạng nhân đạo tại nhiều miền ở Myanmar thêm trầm trọng.





Con lạc đà không thể nào chui qua lỗ kim được sao?

Khi Chúa Giêsu giải thích “con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Chúa”, một số người cho rằng Ngài không nói đến lỗ kim mà là một cánh cửa nhỏ ở tường thành Giêrusalem. Nếu hình ảnh này lạ lùng

Và người thanh niên giàu có buồn bã ra đi. Anh hỏi Chúa Kitô câu hỏi duy nhất quan trọng trong cuộc đời này: “Tôi phải làm gì để được hưởng sự sống đời đời?” (Mc 10:17). Nhưng anh có quá nhiều tiền và lòng anh nặng trĩu với của cải nên anh không thể dỡ kho báu ở trần thế để gởi nó trên thiên đàng. “Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo; anh sẽ được kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo Ta. Nghe lời đó, anh sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh có nhiều của cải” (Mc 10:21-22). Khi thấy người thanh niên yêu thương ra đi một cách đau đớn, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa (Mc 10:24-25). Đoạn này cũng có trong các Tin Mừng Mátthêu (Mt 19, 23-24) và Luca (Lc 18, 24-25). Nhiều người cố gắng giải thích hình ảnh kinh ngạc này, gom hai vật thể thoạt nhìn không liên hệ gì với nhau: cây kim và con lạc đà.

Một tương tự theo nghĩa đen

Lời giải thích đầu tiên theo nghĩa đen và từ ngữ cũng được hiểu theo nghĩa đen: khi Chúa Giêsu so sánh người giàu với con lạc đà và Nước Trời với lỗ kim, Ngài cho thấy người giàu không thể vào được Nước Chúa. Ở đây không phải giá trị tiền tệ của bất kỳ di sản nào phải được đánh giá, nhưng cách chúng ta dùng của cải: chúng là phương tiện hay mục đích? Chúa đã nhắc: “Vì kho tàng của anh ở đâu thì lòng anh ở đó” (Mt 6:21). Hình ảnh con lạc đà không tầm thường: một động vật to lớn và vụng về, nó bị cho là không trong sạch trong Cựu Ước: “Tuy nhiên, trong các loài nhai lại và các loài có móng chẻ hai, anh em không được ăn các con này: lạc đà, thỏ rừng, ngân thử – vì chúng nhai lại, nhưng không có móng chẻ hai: anh em phải xem chúng là loài ô uế.” (Đnl 7:14). Sách Lêvi còn nhấn mạnh: “Tuy nhiên trong các loài nhai lại và các loài có móng chẻ hai, các ngươi không được ăn các con này: lạc đà, vì tuy nó nhai lại, nhưng nó không có móng chẻ hai: các ngươi phải xem nó là loài ô uế” (Lv 11:4) . Vì vậy, con thú không thể nào lọt qua lỗ kim hẹp được, việc tưởng tượng ra sự tương tự sẽ là phi lý.

Với thế giới do thái khi thấy Chúa Giêsu nói những lời này, việc liên kết con lạc đà với giàu có là ám chỉ một sự ghê tởm ngay lập tức với nó, con vật bị cho là không thích hợp để ăn. Sự to lớn cũng là một biểu tượng khác của con vật, khi nó đi trong đám rước của nữ hoàng Saba đến thăm vua Solomon: “Những con lạc đà chở đầy hương liệu, một số lượng lớn vàng và đá quý” (2 Sb 9:1); (1 Vua 10, 2). Đó cũng là lời hứa của ngôn sứ Isaia, loan báo lời hứa đã được thực hiện tại Giêrusalem: “Lạc đà từng đàn che rợp đất, lạc đà Mađian và Êpha” (Is 60,6).

Cây kim Giêrusalem

Truyền thống truyền miệng bắt nguồn từ thế kỷ 11 nói rằng ở Giêrusalem có một cánh cổng nhỏ trong bức tường bảo vệ thành phố và được gọi là “Lỗ kim”. Khi mặt trời lặn, nó cho phép những người không thể vào thành phố khi các lối vào khác đóng cửa. Để đưa một con lạc đà đi qua, nó phải cúi xuống và bớt đồ đạc một cách khéo léo và tinh tế. Hình ảnh này thật hay vì cho thấy vào Nước Trời không phải là điều không thể, nhưng thật khó khăn và đau đớn, đòi hỏi phải trút bỏ của cải trần thế, quỳ gối trước Thiên Chúa và cúi đầu trước Ngài; có nghĩa công nhận vương quyền của Ngài. Thần học gia Paschase Radbert († khoảng năm 865) đã viết về chuyện này trước một số nhà chú giải sau đó: Anselm thành Laon, Thomas thành Aquinas, Erasmus, sử gia Thierry Murcia.

Tuy nhiên, không có dấu vết nào về cánh cổng này ở Giêrusalem, sự tồn tại của nó mà cả các nhà sử học và khảo cổ học đều không thể chứng minh được. Chương 3 sách Nêhêmia Cựu Ước có nói đến 12 cánh cổng thành Giêrusalem nhưng không nói đến cánh cổng này. Dù không hoàn hảo nhưng bản dịch cũng không đề cập đến “lỗ kim” mà “lỗ của một cây kim”.

Cổng hẹp Nước Trời

Tuy không thể xảy ra, nhưng việc so sánh với con lạc đà không phải tự nhiên mà có, vì sách Talmud Babylon nói đến hình ảnh một con voi chui qua lỗ kim, để nhấn mạnh sự phi lý và không thể xảy ra của ‘một sự việc xảy ra’ (Berakhot 55b). Thánh Augustinô giải thích trong Bài giảng 169, 13: “Con người, không có Thiên Chúa, không thể tự cứu mình nếu không có kết hợp giữa con người với Thiên Chúa: Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng nên chúng ta mà không có chúng ta, đã không muốn cứu độ chúng ta nếu không có chúng ta.”

Ý tưởng về cánh cửa hẹp, nếu không xuất hiện ở đây dưới hình ảnh con lạc đà và cây kim, cũng không bị bác bỏ hoàn toàn vì chính Chúa Kitô đã nói trước đám đông: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì Thầy nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà khơng thể được” (Lc 13:24). Cánh cửa dẫn đến Vương quốc tuy hẹp nhưng vẫn tồn tại và để đi qua nó, phải cúi cổ và khuỵu gối sau khi từ bỏ gánh nặng và vác thánh giá của mình. Chỉ cần mở lòng ra với việc khó khăn này, chấp nhận ý Chúa; chỉ cần để Chúa đi vào lòng mình để cuối cuộc đời chúng ta đến được với Ngài.

Minh Nguyen Quang

unread,
May 24, 2024, 6:06:06 PMMay 24
to alphonsefamily
25/5/2024

Năm Thánh và Ân Xá, từ con người thời Trung cổ đến con người thời Hiện đại.

Federico Corrubolo


Ngày 13/5 vừa qua, Tòa Ân giải Tối cao đã công bố tài liệu liên quan đến cách thức và việc thực hành, tại các nơi thánh ở Roma và trên thế giới, để lãnh nhận Ân xá trong Năm Thánh thông thường 2025. Trong một bài viết đăng trên báo L'Osservatore Romano - Quan sát viên Roma, tác giả Federico Corrubolo đã trình bày về sự tiến triển của tiến trình sám hối trong Giáo hội, từ thời đầu của việc xưng tội vào thời Luther cho đến huấn quyền hiện tại của Giáo hội.

Để hiểu đầy đủ ý nghĩa của ân xá, chúng ta cần lùi lại một bước. Trong Giáo Hội cổ xưa, các tín hữu không xưng tội như chúng ta ngày nay. Việc tha tội là một “sự kiện xã hội”: các tín hữu tuyên bố mình là tội nhân (không đi sâu vào chi tiết, điều không có ích gì nhiều), họ gia nhập một nhóm (một “cộng đồng phục hồi” thực sự), và họ thực hành một tiến trình sám hối có thể kéo dài vài tháng, thậm chí nhiều năm tùy theo mức độ nghiêm trọng của tội lỗi. Vì vậy, đầu tiên họ thực hành việc sám hối và chỉ khi kết thúc (thường là vào sáng Thứ Năm Tuần Thánh), họ mới đến trình diện với vị giám mục. Ngài sẽ đặt tay và ban phép xá tội. Do đó, trình tự là: trước tiên là xưng tội, sau đó là sám hối và cuối cùng là xá giải.

Tuy nhiên, đó là một công việc lâu dài, đòi hỏi nhiều thời gian và phải hy sinh nhiều. Đó là hành trình các tín hữu có thể thực hiện một vài lần trong đời và nó liên quan đến những tội trọng (trộm cắp, giết người, v.v.): trước khi bắt đầu, họ phải suy nghĩ kỹ về nó, và họ thường thực hiện việc này khi về già (khi ngay cả khả năng tội lỗi giảm đi).

Vào thời Trung cổ, đời sống Kitô giáo vẫn tiếp tục trong các đan viện, và tình hình ở đó rất khác. Sống trong những cộng đoàn nhỏ biệt lập, các tín hữu thường hay phạm những tội nhẹ, và họ không thể thực hành sám hối hàng tháng, hàng năm vì mỗi lỗi nhỏ... hơn nữa, họ rất hiếm khi gặp các giám mục.

Từ đó thói quen xưng tội với vị viện phụ của đan viện bắt đầu phổ biến. Sau khi họ xưng tội, ngài lập tức ban phép xá giải và sau đó ấn định việc đền tội, như chúng ta vẫn làm cho đến ngày nay.

Trong hệ thống mới này, sự khác biệt nảy sinh giữa tội lỗi (được loại bỏ bằng việc xưng tội) và hình phạt (phải thực hiện sau khi nhận được sự tha thứ để đền bù tội lỗi). Vì hệ thống cổ xưa chưa bị bãi bỏ nên thời gian sám hối luôn được tính bằng ngày, tháng và năm. Trong các đan viện thậm chí còn tồn tại những “mức độ” đặc biệt (sách sám hối) quy định thời gian sám hối cho hầu hết mọi tội lỗi có thể xảy ra.

Tuy nhiên, trong những dịp đặc biệt (những ngày lễ quan trọng, những sự kiện đặc biệt), một người sám hối tốt có thể được “giảm án”. Làm thêm vài việc lành có thể giảm bớt một số ngày, tháng, năm sám hối. “Ưu đãi đặc biệt” này được gọi là ân xá và thường rất thuận tiện; do đó, các Kitô hữu tốt lành đã không để mất dịp lãnh ân xá.

Nhân dịp thực hiện một sứ mệnh bất khả thi, tức là cuộc tái chiếm Giêrusalem đã bị người Ả Rập xâm chiếm, vào năm 1096, Đức Giáo hoàng Urbano II, đã xem xét rủi ro rất cao của sứ mệnh này, đã lần đầu tiên đưa ra một đề nghị chưa từng thấy trước đây: tha thứ hoàn toàn việc đền tội cho người lên đường giải phóng Thành Thánh.

Đây là ơn toàn xá đầu tiên. Kể từ đó, ngày càng thường xuyên hơn, Đức Giáo hoàng, với tư cách là Đại diện của Chúa Kitô và là người kế vị Thánh Phêrô, đã sử dụng “quyền nắm giữ chìa khóa” nhận được từ Chúa Giêsu để mở kho tàng ân xá, dùng giá trị vô tận của ơn cứu chuộc trực tiếp thay thế cho ngày, tháng và năm của sự đền tội cổ xưa.

 Con người thời trung cổ có mối quan hệ trực tiếp và trực quan với Thiên Chúa: họ tin vào lòng thương xót của Người, nhưng sợ công lý, bởi vì họ nghĩ về mối quan hệ với Người theo cách “thời trung cổ”, tức là như một hiệp ước phong kiến giữa thần dân và nhà vua. Họ đã đặt mình vào tay Người theo đúng nghĩa đen (động tác cầu nguyện “chắp tay” xuất phát từ các nghi lễ phong kiến) và hứa tuân theo luật pháp của Người; đổi lại họ nhận được sự bảo vệ, sự giúp đỡ và bảo vệ chống lại âm mưu của ma quỷ.

Việc vi phạm luật pháp của Thiên Chúa được coi là một hành vi xúc phạm rất nghiêm trọng đối với nhà vua; ngài tước bỏ sự bảo vệ và điều này khiến kẻ vi phạm phải chịu sự trừng phạt. Do đó, người ta lo lắng quay trở lại “với ân sủng của Chúa”, ký kết một hiệp ước phong kiến mới và do đó “cài đặt lại phần mềm chống vi-rút” chống lại ma quỷ.

Khi Đức Bônifaciô VIII công bố Năm Thánh đầu tiên vào năm 1300 và hứa ban ơn toàn xá cho tất cả chỉ bằng việc thực hiện ba mươi ngày cầu nguyện ở Roma, thành phố đã bị một đạo quân hành hương xâm chiếm. Kể từ đó “ân xá” và “Năm Thánh” đã là một sự kết hợp thành công...

** Trong những thế kỷ tiếp theo, nỗi lo lắng về ơn cứu độ không hề nguôi ngoai và điều này đã dẫn đến việc đào sâu thêm học thuyết đã được biết đến, đó là một việc làm tốt có thể rút ngắn thời gian sám hối. Nhân danh sự hiệp thông của các thánh, nghĩa là mối liên kết hiệp nhất tất cả những người đã được rửa tội trong Nhiệm Thể duy nhất của Chúa Kitô, người ta suy luận rằng việc giảm hình phạt có thể được áp dụng cho tất cả các Kitô hữu, cả người sống và người đã qua đời.

Sự khao khát được hưởng ân xá vẫn còn tồn tại trong nhiều thế kỷ khác trong cộng đồng Kitô hữu.

Cùng với việc thoát khỏi nền kinh tế nông nghiệp điển hình của thời Trung cổ và bước vào nền kinh tế tiền tệ điển hình của thời hiện đại, các ân xá cũng đã xâm nhập vào thị trường.

Sự giàu có của thời Trung cổ được ban tặng bởi đất đai đảm bảo nguồn sống và do đó có quyền tự chủ; sự giàu có của thời hiện đại là tiền, thứ cho phép bạn mua trên thị trường những gì trước đây thu được từ đất đai. Trong xã hội dân sự, người ta bắt đầu buôn bán các chức vụ công quyền, các chức tước cao quý, các quan chức... Trong Giáo hội, người ta mua bán các chức hồng y, đan viện, giáo phận. Những thương gia giàu nhất cũng dâng tiền cho các vị vua, hoàng đế, giáo hoàng, giám mục.

Một giám mục người Đức 26 tuổi đã mắc nợ một ngân hàng lớn để mua một giáo phận lớn. Ngài dùng nhiều tiền hơn những gì ngài có thể và để thoát khỏi nợ nần, ngài phải huy động tiền mặt nhanh chóng. Vì lý do tương tự, Giáo hoàng cũng cần tiền: ngài phải tiếp tục xây dựng Đền thờ Thánh Phêrô. Cả hai đều sử dụng cùng một hệ thống: một chiến dịch rao giảng để nhận được ơn toàn xá. Việc tốt bây giờ cần làm không còn là tái chiếm Giêrusalem nữa, nhưng chỉ là dâng cúng một khoản tiền. Sự lo lắng về ơn cứu độ luôn rất cao, chỉ lúc này nó đi vào logic thị trường một cách tàn nhẫn, bằng những khẩu hiệu quảng cáo: Wenn die Münze klingt, die Seele springt! (“Khi đồng xu reo, linh hồn nhảy lên vào Thiên đường”).

Đức Giám mục thuyết giảng về ơn toàn xá của Đức Giáo hoàng trong giáo phận của mình và giữ một phần số tiền dâng cúng cho mình. Doanh thu cao, được ưa chuộng bởi sự mơ hồ của đề xuất (ngày nay chúng ta gọi đó là “quảng cáo gây hiểu lầm”), nhưng đến một thời điểm nhất định, trò chơi bị đình trệ.

Một tu sĩ trẻ dòng Augustinô, giáo sư Thánh Kinh tên là Martin Luther nói về tệ nạn: nếu không có sự hoán cải tâm hồn thì việc mua giấy chứng nhận của giáo hoàng chỉ là vô ích.

Con người đã thay đổi, và mối quan hệ của họ với Thiên Chúa cũng thay đổi: con người hiện đại không còn là chủ thể của một hiệp ước phong kiến nữa, mà là một cá nhân với lương tâm day dứt, đang tìm kiếm sự thật, không chấp nhận mọi điều huyền bí. Họ muốn có một mối quan hệ chân thành và tự do với Chúa, không phải lo lắng về việc thanh toán hóa đơn. Khi Luther mời các bạn của mình thảo luận về vấn đề này, chương trình thảo luận đã vượt quá tầm kiểm soát và xâm chiếm toàn bộ nước Đức, đạt được thành công vang dội.

Ân xá, từ chỗ là một trợ giúp cho việc hoán cải, trở thành đồng nghĩa với sự ô nhục và là ngòi nổ của một cuộc phản kháng bùng nổ khắp châu Âu: và nó vẫn như vậy đối với nhiều lương tâm, ngày nay vẫn còn bị xúc phạm bởi mức độ nghiêm trọng của những gì đã xảy ra cách đây 5 thế kỷ.

Chúng ta tìm cách sắp xếp lại mọi việc: Giáo hội ngày nay nói gì về giáo lý ân xá? Chúng ta hãy bắt đầu bằng cách nói điều không còn giá trị nữa: ngày, tháng, năm “thi hành án” đã bị Đức Phaolô VI bãi bỏ vào năm 1967. Ơn toàn xá ngày nay chỉ có thể là một phần hoặc toàn thể, và rất hạn chế so với trước đây. Những phẩm chất này không phải là điều quan trọng nhất: ngày nay, trên hết, giáo lý thiêng liêng về ân xá đã được rao giảng: giáo lý về tàn tích của tội lỗi.

Sau khi xưng tội, tội lỗi được loại bỏ, nhưng nỗi hoài niệm về tội lỗi vẫn còn. Sự dữ vẫn duy trì sức hấp dẫn của nó, tiếp tục cám dỗ chúng ta, làm cho chúng ta yếu đuối, khiến chúng ta luôn sa vào cùng một tội lỗi. Bất cứ ai “nghiêm túc” với Chúa đều biết rõ rằng chúng ta không thể tự lừa dối mình khi nghĩ rằng chỉ xưng tội là đủ để chấm dứt tội lỗi. Ngay cả cơ thể sau khi trải qua cơn bệnh hiểm nghèo cũng cần một thời gian dưỡng bệnh lâu dài trước khi lành hẳn. Sự lôi cuốn của tội lỗi, những tàn dư của nó trở thành gánh nặng cho những ai muốn bước nhanh theo ý muốn của Thiên Chúa.

Hình phạt của tội lỗi chính là thời gian dưỡng bệnh kéo dài, ngăn cản chúng ta chạy nhanh đến tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta.

Sau đó, để giúp những người mong muốn được chữa lành nhanh hơn, Giáo hội chỉ ra một số việc tốt chắc chắn hữu ích cho việc chữa lành sớm hơn: trên thực tế, chúng luôn giống nhau. Thực ra, chúng ta được yêu cầu tăng cường sự hiệp thông với Chúa Kitô trong các bí tích, với đức tin của Giáo hội (đọc Kinh Tin Kính và cầu nguyện theo ý Đức Giáo hoàng) và với anh em chúng ta (các công việc bác ái). Khi ân xá (một phần hoặc toàn thể) được ban cho những công việc này, chúng ta tin bằng đức tin rằng sức hấp dẫn đối với tội lỗi giảm đi và thay vào đó, lòng bác ái và sự thánh thiện tăng lên một cách đặc biệt mãnh liệt. Những cặn bã của tội lỗi được loại bỏ và người ta được chữa lành nhanh hơn trước.

Đó là lý do tại sao ngày nay cũng như thời đó, một Kitô hữu tốt lành không bỏ lỡ “món quà đặc biệt” này!




⛪⛪⛪⛪⛪






Chiều thứ Bảy, 18 tháng Năm vừa qua, Đức Thánh cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ Vọng Chúa Thánh Thần hiện xuống, tại Sân vận động Bentegodi của thành phố Verona, bắc Ý, trước sự tham dự của khoảng 20.000 người. Ngài đề cao lịch sử phong phú các thánh và chân phước xuất thân từ giáo phận này, và mời gọi các tín hữu chia sẻ khát mong hòa bình của nhiều dân tộc trên trái đất.

Người đàn ông ghi lại khoảnh khắc Đức Mẹ hiện ra tại Anguera


Những quy định mới của Vatican liên quan đến hiện tượng siêu nhiên

Theo tin của Aleteia ngày 17/05/24, gần 50 năm sau lần cuối cùng ban hành các quy tắc nghiên cứu các hiện tượng siêu nhiên trong Giáo Hội Công Giáo (các cuộc hiện ra, mặc khải, v.v.), vào ngày 17 tháng 5 năm 2024, Vatican đã công bố các quy định mới nhằm tránh những vụ tai tiếng và nhầm lẫn giữa các tín hữu.

Tài liệu dài 15 trang được ký bởi Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, Đức Hồng Y Victor Manuel Fernandez. Nó cung cấp cho các giám mục trên toàn thế giới một thủ tục nghiêm ngặt để nhận định các hiện tượng huyền bí xảy ra trong giáo phận của họ. Các giám mục được yêu cầu gửi ý kiến của mình tới Rome, sau đó Vatican phải xác nhận. Trừ khi Đức Giáo Hoàng can thiệp, Giáo Hội Công Giáo sẽ không bao giờ thừa nhận bản chất siêu nhiên của một hiện tượng, mà chỉ có thể đưa ra lời Nihil Obstat [không trái với đức tin].




Đức Hồng Y Víctor Manuel Fernández, Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, tại cuộc họp báo trình bày các quy định mới của Bộ Giáo lý Đức tin, Thứ Sáu, ngày 17 tháng 5 năm 2024.


Tại sao Giáo hội thay đổi các quy tắc của mình?

Những quy định về cách thức tiến hành phân biệt các cuộc được cho là hiện ra hoặc mặc khải trước đây, Đức Hồng Y Fernandez nhắc nhở chúng ta trong phần giới thiệu của ngài, có từ năm 1978 – được Đức Phaolô VI phê chuẩn – và chỉ được công bố vào năm 2011. Thủ tục cũ này, vốn không được công bố vào năm 2011. Ngài giải thích rằng việc kêu gọi bất cứ tuyên bố công khai nào từ Tòa Thánh thường khiến các tín hữu bối rối và các giám mục “không có định hướng rõ ràng”.

Vị tổng trưởng người Argentina cũng chỉ tay vào sự chậm trễ có vấn đề của các thủ tục, thừa nhận rằng “sự phân định của giáo hội thường đến quá muộn”. Ngài đề cập đến sự kiện là chỉ có sáu trường hợp được “giải quyết chính thức” kể từ năm 1950.

Sự lan truyền thông tin về những hiện tượng này, Đức Hồng Y Fernandez lưu ý, ngày nay được khuếch đại bởi sự ra đời của các phương tiện truyền thông hiện đại, đòi hỏi phải có sự chú ý bổ sung để ngăn chặn những nguy hiểm có thể phát sinh.

Do đó, ngài lưu ý sự cần thiết của các thủ tục có khả năng liên quan đến một số giáo phận, lưu ý rằng những hiện tượng này có xu hướng xuyên biên giới.
Các thông điệp hỗn hợp từ các đại diện của Giáo hội và việc thiếu quyết định rõ ràng từ Rome về một số cuộc hiện ra có mục đích, chẳng hạn như ở Medjugorie, đã khiến các tín hữu bối rối. Các chuẩn mực mới nhằm tránh những tình huống như vậy.

Bảo vệ các tín hữu

Đức Hồng Y hy vọng những thay đổi này sẽ giúp việc giải quyết một số “vấn đề hết sức nghiêm trọng” đã nảy sinh trở nên dễ dàng hơn. Đặc biệt, ngài nhắm vào những trường hợp mà “sự hiện ra” hoặc “sự mặc khải” có thể được sử dụng để đạt được “lợi nhuận, quyền lực, danh tiếng, sự công nhận của xã hội hoặc lợi ích cá nhân khác”. Ngài cũng trích dẫn những trường hợp mà hiện tượng là “phương tiện hoặc cái cớ để kiểm soát con người hoặc thực hiện hành vi lạm dụng”.

Đức Hồng Y người Argentina cũng cảnh cáo chống lại “những mặc khải” chứa đựng “những sai sót về tín lý” hoặc lan truyền “tâm lý bè phái”. Cuối cùng, ngài đề cập đến những hiện tượng đã được chứng minh là kết quả của “khuynh hướng nói dối” hoặc xu hướng “bịa đặt những điều sai trái (mythomania)” của một ai đó.
Ngay trong những trường hợp không có động cơ gây tranh cãi, những cuộc hiện ra chỉ được coi là sự mặc khải riêng tư.

Đức Hồng Y cho biết thêm, các tín hữu “không cần phải chấp nhận tính xác thực của những sự kiện này”, đồng thời than thở rằng các thủ tục hiện tại đôi khi gợi ý khác. Ngài giải thích rằng “Mặc khải” – sự thật được mặc khải nơi Chúa Giêsu và được truyền lại trong các Tin Mừng – là “dứt khoát” và do đó không cần phải được bổ sung bằng những mặc khải.

Thủ tục chi tiết

Tòa Thánh cung cấp cho các giám mục một thủ tục chi tiết để tuân theo. Giám mục của mỗi giáo phận có trách nhiệm xem xét các trường hợp được cho là có hiện tượng siêu nhiên trong lãnh thổ của mình. Ngài được yêu cầu “tránh khơi dậy bầu không khí giật gân”, tránh “thể hiện sự sùng đạo một cách không kiểm soát hoặc đáng ngờ”kiềm chế “đưa ra bất cứ tuyên bố công khai nào”.

Nếu hiện tượng này vẫn còn hạn chế, giám mục có nhiệm vụ “cảnh giác”. Nếu “các hình thức tôn sùng xuất hiện”, giám mục phải khởi xướng một cuộc điều tra theo giáo luật, thành lập một ủy ban điều tra gồm ít nhất một nhà thần học, một nhà giáo luật và một chuyên gia. Rome nhấn mạnh vào tính công bằng và tính bảo mật của cuộc điều tra.

Ngoài việc thẩm vấn các nhân chứng về những hiện tượng này, bất cứ đồ vật nào liên quan – chảy nước mắt của ảnh thánh, đổ mồ hôi, chảy máu, sự biến đổi có thể nhìn thấy được của bánh thánh đã được truyền phép, v.v. – đều phải được kiểm tra trong phòng thí nghiệm.

Tiêu chuẩn chuyên biệt

Tòa Thánh đưa ra các tiêu chuẩn phân định tích cực và tiêu cực để đánh giá các hiện tượng. Bốn điểm “tích cực” cần được xem xét là “sự tín nhiệm và danh tiếng tốt của những người” liên quan, “sự chính thống về tín lý” của hiện tượng này và các thông điệp kèm theo, “bản chất không thể đoán trước” của hiện tượng này (chứng tỏ nó không phải là “kết quả của sáng kiến của những người liên quan”), và “hoa trái của đời sống Kitô giáo” của nó.

Sáu điểm tiêu cực cần tìm là “một sai sót rõ ràng về biến cố”, “các sai sót về tín lý”, phát hiện “tinh thần bè phái”, “theo đuổi lợi nhuận, quyền lực, danh vọng, sự công nhận của xã hội hoặc các lợi ích cá nhân khác có liên quan chặt chẽ”. đối với biến cố,” “những hành động vô đạo đức nghiêm trọng do đối tượng hoặc những người theo dõi đối tượng thực hiện tại hoặc xung quanh thời điểm xảy ra biến cố,” và cuối cùng là “những thay đổi tâm lý hoặc khuynh hướng thần kinh không ổn định nơi con người, […] bất cứ bệnh tâm thần nào, cơn cuồng loạn tập thể, các yếu tố có thể theo dõi được trong bối cảnh bệnh lý nào.

Khi kết thúc cuộc điều tra sơ bộ, Giám mục phải lập một báo cáo với quan điểm bản thân và chuyển tất cả các hành vi cũng như phán quyết của mình cho Bộ. Tài liệu nhấn mạnh rằng Rome phải đưa ra “phán quyết cuối cùng”, trong đó quy định rằng Bộ Giáo lý Đức tin “có quyền can thiệp một lần nữa tùy thuộc vào diễn biến của hiện tượng được đề cập”.

Cuối cùng, Giám mục phải công bố phản hồi của Bộ, nêu rõ “thông qua một sắc lệnh, bản chất của việc ủy quyền và giới hạn của bất cứ sự tôn kính nào được phép”. Sau đó, ngài tiếp tục theo dõi hiện tượng này “với sự chú ý thận trọng”. Và nếu thấy “có ý định cố ý làm hoang mang và lừa dối người khác vì những động cơ thầm kín”, vị giám mục thậm chí có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt theo giáo luật.

Thước đo của Rome để đánh giá các hiện tượng siêu nhiên

Sau cuộc điều tra của vị giám mục, ngài gửi tới Rome xác định của mình về hiện tượng đang được nghiên cứu. Sáu công thức khác nhau được đưa ra cho vị giám mục, theo thước đo khác nhau, từ “Nihil obstat” đến tuyên bố “không phải siêu nhiên”. Tại Vatican, Bộ Giáo lý Đức tin xem xét lại toàn bộ hồ sơ và tiến hành “xác nhận hoặc không xác nhận xác định do giám mục đề xuất”. Dưới đây là sáu kết luận có thể có:

Nihil obstat. Đây là mức độ tích cực cao nhất trong thước đo phân định các hiện tượng siêu nhiên. Nhưng Vatican vẫn thận trọng, “không bày tỏ bất cứ sự chắc chắn nào về tính xác thực siêu nhiên của chính hiện tượng này”. Rome công nhận “nhiều dấu hiệu về hoạt động của Chúa Thánh Thần” và “không có khía cạnh nào đặc biệt quan trọng hoặc rủi ro đã được phát hiện”, thông tư tiếp tục viết như thế và thấy cần bổ sung thêm: “ít nhất là cho đến nay”. Với Nihil obstat, giám mục có thể cổ vũ đề xuất tâm linh trong khi vẫn chú ý đến những phát triển tiếp theo.

Prae oculis habeatur. Với phản ứng này, Rome thừa nhận “những dấu hiệu tích cực quan trọng” trong hiện tượng này, nhưng cũng lưu ý “các khía cạnh nhầm lẫn hoặc rủi ro tiềm ẩn”. Cần phải có “sự phân định cẩn thận” và sự đối thoại giữa giám mục và “những người lãnh nhận” “kinh nghiệm thiêng liêng”. Việc “làm rõ tín lý” có thể cần thiết nếu đã có thông điệp.

Curatur. Bộ đã ghi nhận một số yếu tố tiêu cực đáng kể nhưng “đồng thời, hiện tượng này đã lan rộng và có những thành quả thiêng liêng có thể kiểm chứng được”. “Một lệnh cấm có thể gây khó chịu cho dân Chúa thì không được khuyến khích”, ghi chú giải thích, đồng thời mời giám mục không “khuyến khích hiện tượng này”, “tìm kiếm những cách thể hiện lòng sùng kính khác” và có thể “định hướng lại các khía cạnh thiêng liêng và mục vụ của nó”.

Sub mandato. Trong phạm trù này, Rome không thách thức chính hiện tượng này nhưng thách thức “một người, một gia đình hoặc một nhóm người đang lạm dụng nó” và, chẳng hạn, thu được “lợi ích tài chính” từ nó. Trong những trường hợp như vậy, việc quản lý “địa điểm cụ thể nơi hiện tượng đang xảy ra” được giao cho giám mục hoặc người được Tòa thánh ủy quyền.

Prohibetur et obstruatur.“Các vấn đề và rủi ro quan trọng […] dường như rất nghiêm trọng.” Để tránh bất cứ sự nhầm lẫn hoặc tai tiếng nào, “Bộ yêu cầu Giám mục giáo phận tuyên bố công khai rằng không được phép tuân theo hiện tượng này”, giải thích lý do cho các tín hữu bị ảnh hưởng và “định hướng lại” những mối quan tâm thiêng liêng của họ.

Declaratio de non supernaturalitate
. Rôma cho phép giám mục tuyên bố rằng hiện tượng này được công nhận là “không phải siêu nhiên”. Quyết định được đưa ra trên cơ sở bằng chứng. Ví dụ: thông tư giải thích, khi “một người được cho là thị nhân đã nói dối hoặc nếu các nhân chứng đáng tin cậy cung cấp các yếu tố bằng chứng” giúp có thể xác minh rằng hiện tượng này là kết quả của “sự bịa đặt, một ý định sai lầm hoặc hoang tưởng”.

Từ nay trở đi, Bộ Giáo lý Đức tin có quyền tự mình nghiên cứu một trường hợp. Đức Giáo Hoàng là người duy nhất có thể ủy quyền đặc biệt cho việc tuyên bố tính chất siêu nhiên của một sự kiện.


image.png

Văn kiện nhấn mạnh “Cả Giám mục giáo phận, các Hội đồng Giám mục và Bộ Giáo lý Đức tin không có thẩm quyền tuyên bố một hiện tượng là siêu nhiêu, và chỉ có Đức Thánh Cha có thể cho phép tiến hành một thủ tục theo nghĩa này”.

Sáu điểm cho sự phân định:

1)   Không có sự chắc chắn nào về tính xác thực siêu nhiên được thể hiện, nhưng những dấu hiệu về hoạt động của Chúa Thánh Thần được công nhận.

2)   Những dấu hiệu tích cực được nhìn nhận, nhưng cũng có những yếu tố gây nhầm lẫn hoặc rủi ro đòi hỏi sự phân định và đối thoại với người tiếp nhận.

3)   Có các yếu tố quan trọng, nhưng có một sự phổ biến rộng rãi hiện tượng với kết quả thiêng liêng được kiểm chứng. Các Giám mục không nên cấm các tín hữu thể hiện lòng sùng kính, nhưng cũng không khích lệ hiện tượng.

4)   Các yếu tố quan trọng không liên quan đến chính hiện tượng nhưng liên quan đến việc sử dụng không đúng cách của mọi người và các nhóm. Toà Thánh uỷ thác cho Giám mục hoặc một đại diện dẫn dắt mục vụ nơi này.

5)    Mặc dù trong trường hợp có một số yếu tố tích cực, nhưng sự phê bình và rủi ro là nghiêm trọng, Bộ Giáo lý Đức tin yêu cầu Giám mục tuyên bố công khai rằng việc tán thành là không được phép.

6)   Giám mục có thẩm quyền tuyên bố hiện tượng không phải siêu nhiên dựa trên những bằng chứng cụ thể.







Đức Phanxicô đã có một cuộc phỏng vấn lịch sử với bà Norah O’Donnell, người dẫn chương trình và biên tập viên tin tức buổi tối của đài CBS phát sóng ngày 20 tháng 5 lúc 10 giờ tối, ngài nói về các quốc gia đang có chiến tranh, cái nhìn của ngài về Giáo hội công giáo, di sản của Giáo hội, niềm hy vọng của ngài với trẻ em và nhiều vấn đề khác. Ngài nói: “Sự thờ ơ toàn cầu là một căn bệnh rất nặng”.


Giáo hội mở cửa cho tất cả, nhưng “không” chúc lành cho kết hợp đồng giới

Trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình CBS của Hoa Kỳ, tại Nhà Thánh Marta vào ngày 24/4, và được phát sóng trong chương trình truyền hình “60 phút” trong hai ngày 19 và 20/5, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng Giáo hội mở cửa cho tất cả các cá nhân, nhưng không chúc lành cho kết hợp đồng giới. Ngài cũng phê bình việc mang thai hộ, lên án sự dửng dưng lan rộng đối với người di cư.

image.png

Trước hết, Đức Thánh Cha nói “Tin Mừng dành cho tất cả, kể cả người tội lỗi”, và cảnh báo rằng nếu Giáo hội thiết lập các “trạm kiểm soát hải quan”, thì Giáo hội không còn là Giáo hội của Chúa Kitô nữa.

Về vấn đề chúc lành cho các cặp đồng giới được đề cập trong Tuyên bố Fiducia Supplicans, Đức Thánh Cha nói rõ rằng chúc lành cho các cá nhân, nhưng không chúc lành cho các kết hợp đồng giới vì điều này đi ngược lại “luật Giáo hội”.

Cuộc phỏng vấn được tiếp tục với câu hỏi về mang thai hộ, Đức Thánh Cha lên án hoạt động này vì “nó trở thành một hoạt động kinh doanh, rất tệ, rất tiêu cực”. Phóng viên chỉ ra rằng đối với một số phụ nữ, như bị bệnh thì mang thai hộ là niềm hy vọng duy nhất thì sao, Đức Thánh Cha nói có niềm hy vọng khác đó là nhận con nuôi, đồng thời kêu gọi không bỏ qua nguyên tắc đạo đức.

Tập trung vào cuộc xung đột ở Israel và Gaza, các cuộc biểu tình trong khuôn viên trường đại học và thái độ bài Do Thái đang gia tăng, Đức Thánh Cha nhắc lại rằng mọi hệ tư tưởng đều xấu, và thái độ bài Do Thái là một hệ tư tưởng, và nó rất tệ. Ngài nói:  “Bạn có thể chỉ trích chính phủ này hay chính phủ khác, chính phủ Israel hoặc chính phủ Palestine. Bạn có thể chỉ trích, nhưng không được ‘chống’ một dân tộc. Không chống người Palestine cũng không chống người Do Thái”.

Đề cập đến đau khổ của người di cư, Đức Thánh Cha lên án sự dửng dưng lan rộng, và so sánh điều này với việc Philatô rửa tay: “Nhiều người ngoài kia chứng kiến những gì đang xảy ra, những cuộc chiến, bất công, tội ác… Đó là sự dửng dưng. Một lần nữa, chúng ta phải để cho trái tim mình cảm nhận điều này. Chúng ta không thể dửng dưng với những bi kịch của con người. Thờ ơ toàn cầu là một căn bệnh rất tồi tệ”.

Nhận xét về thông tin bang Texas của Hoa Kỳ đang tìm cách đóng cửa tổ chức Công giáo cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho người nhập cư không giấy tờ, ở biên giới với Mexico, Đức Thánh Cha nói đó là “sự điên rồ thuần tuý. Người di cư phải được chào đón. Sau đó, tìm cách quản lý họ. Có thể họ cần phải trở về, tôi không biết, nhưng mỗi trường hợp phải được xem xét một cách nhân đạo”.



Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhấn mạnh rằng việc giáo sĩ lạm dụng ‘không thể được dung thứ’ 


Việc giáo sĩ lạm dụng “không thể được dung thứ”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói với nhà báo Norah O’Donnell của CBS.

“Khi có trường hợp một tu sĩ nam hay nữ lạm dụng, toàn bộ pháp luật sẽ áp dụng đối với họ. Về vấn đề này, đã có rất nhiều tiến bộ”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói

Đức Thánh Cha nói rằng Giáo hội “phải tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa”.

“Thật không may, thảm kịch của những vụ lạm dụng hết sức nghiêm trọng. Và để chống lại điều này, một lương tâm ngay thẳng không những không cho phép điều đó mà còn điều chỉnh các điều kiện để điều đó không xảy ra”, Đức Thánh Cha nói.

(Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra những nhận xét của mình bằng tiếng Tây Ban Nha, được CBS dịch sang tiếng Anh)

Chuyển sang vấn đề nhập cư, O’Donnell nói với Đức Thánh Cha rằng chị lớn lên ở Texas, nơi tổ chức từ thiện Công giáo ở biên giới với Mexico – Nhà Truyền Tin – cung cấp sự hỗ trợ nhân đạo cho những người di cư không có giấy tờ.

Bộ trưởng Tư pháp Texas Ken Paxton đang nỗ lực đóng cửa cơ sở này vì đã giúp đỡ những người nhập cư không có giấy tờ.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng đây là “sự điên rồ hoàn toàn”.

“Đóng cửa biên giới và bỏ mặc họ ở đó, điều đó thật điên rồ. Người di cư phải được tiếp nhận. Sau đó bạn sẽ biết bạn sẽ phải đối phó với họ như thế nào. Có lẽ bạn phải gửi trả họ về, tôi không biết, nhưng mỗi trường hợp phải được xem xét một cách nhân đạo. Phải vậy không?”, Đức Thánh Cha nói

Sau đó Đức Thánh Cha được hỏi tại sao lại có sự “thờ ơ” như vậy đối với hoàn cảnh của những người di cư.

“Chị có muốn tôi nói một cách rõ ràng không? Mọi người rửa tay! Có rất nhiều Phongxiô Philatô nhan nhản ngoài kia… những người nhìn thấy những sự việc đang xảy ra, chiến tranh, sự bất công, những tội ác… ‘Không sao đâu, không sao đâu’ và rửa tay. Đó là sự thờ ơ. Đó là điều xảy ra khi trái tim trở nên chai sạn… và trở nên thờ ơ. Chúng ta phải khiến trái tim mình cảm nhận lại được. Chúng ta không thể thờ ơ trước những bi kịch của con người như vậy. Sự toàn cầu hóa của sự thờ ơ là một căn bệnh rất tồi tệ. Rất xấu xí”, Đức Thánh Cha nói.

Đức Thánh Cha nói rằng di cư là điều làm cho một đất nước phát triển.

“Họ nói rằng bạn là người Ireland đã di cư và mang theo rượu whisky, còn người Ý đã di cư và mang theo mafia… (ngài mỉm cười) Đó là một câu nói bông đùa. Đừng coi đó là xấu. Tuy nhiên, người di cư đôi khi phải chịu đựng rất nhiều. Họ đau khổ rất nhiều”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Nhà báo O’Donnell cũng đã hỏi Đức Thánh Cha về giáo huấn của Giáo hội Công giáo về vấn đề mang thai hộ.

“Liên quan đến việc mang thai hộ, theo nghĩa chặt chẽ nhất của thuật ngữ này, không, điều đó không được phép. Đôi khi việc mang thai hộ đã trở thành một công việc kinh doanh và điều đó rất tồi tệ. Điều đó vô cùng tồi tệ”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Nhà báo O’Donnell sau đó lưu ý rằng: “Đôi khi đối với một số phụ nữ, đó là hy vọng duy nhất”.

Đức Thánh Cha cho biết rằng điều này là “có thể”.

“Hy vọng còn lại là việc nhận con nuôi. Tôi muốn nói rằng trong mỗi trường hợp, tình huống cần được xem xét một cách cẩn trọng và rõ ràng, tư vấn về mặt y tế và sau đó là về mặt luân lý”, ngài tiếp tục.

“Tôi thiết nghĩ có một quy tắc chung trong những trường hợp này, nhưng bạn phải đi sâu vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá tình hình, miễn là nguyên tắc luân lý không bị vi phạm”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

CBS dự kiến thực hiện cuộc phỏng vấn đầy đủ với Đức Thánh Cha Phanxicô vào tối hôm thứ Hai.






Đức Phanxicô đóng cánh cửa chức phó tế nữ


“Tôi tò mò muốn biết, ngày nay liệu một cô bé công giáo lớn lên có hy vọng nào thành phó tế để tham dự vào đời sống Giáo hội không?” Trả lời câu hỏi của nhà báo Mỹ Norah O’Donnell, Đức Phanxicô chỉ trả lời bằng một từ: “Không”. Trong cuộc phỏng vấn này, Đức Phanxicô đã loại bỏ bất kỳ chức phó tế nữ nào.

Ngài giải thích: “Nếu chúng ta nói về phó tế với chức thánh thì không. Nhưng phụ nữ luôn có chức năng phó tế mà không phải là phó tế, đúng không? Phụ nữ phục vụ rất tốt với tư cách là phụ nữ, không phải với tư cách là thừa tác viên trong khuôn khổ chức thánh.”

Nói theo cách này, dường như Đức Phanxicô đóng cửa mọi tham gia của phụ nữ vào chức phó tế, như một thứ trật. Tuy nhiên ngài xem đây như chức năng, không liên hệ với mối liên hệ nào với giới tu sĩ.

Hai ủy ban thừa tác

Giáo hội công giáo có ba chức thánh dành cho nam giới: giám mục dành cho giám mục, linh mục dành cho linh mục và phó tế dành cho phó tế. Trong nhiều năm nay, các tranh luận về chức phó tế vĩnh viễn cho phụ nữ vẫn còn tranh luận. Các điều kiện nghiêm ngặt: nếu độc thân, họ không được làm phó tế trước 25 tuổi, nếu lập gia đình phải trước năm 35 tuổi, trong trường hợp này phải có sự đồng ý của vợ.

Kể từ đầu triều, Đức Phanxicô đã mở hai ủy ban làm việc về vấn đề này dưới sự lãnh đạo của bộ Giáo lý Đức tin. Kết luận của họ chưa bao giờ được công bố. Chủ đề này cũng là chủ đề của sôi nổi trong các phiên họp Thượng Hội đồng tháng 10 năm ngoái.

Đức Phanxicô cũng đã khởi xướng tranh luận này với các hồng y trong một Ủy ban C9 Hồng y. Nữ tu Linda Porcher, người chịu trách nhiệm về chức phó tế giải thích với báo La Croix: “Đa số thành viên trong hội đồng hiểu sự cấp bách về chủ đề chức phó tế nữ, liệu khả năng này có nên được mở ra cho phụ nữ hay không và dưới hình thức nào.”

Trong cuộc phỏng vấn này, nhà báo Mỹ Norah O’Donnell đặt câu hỏi về vấn đề chúc phúc cho các cặp đồng tính, ngài nói: “Điều tôi cho phép không phải là chúc lành cho kết hợp, phải phân biệt giữa chúc phúc và bí tích. Tài liệu của Vatican nói đến các cặp vợ chồng đồng tính không bao gồm từ ‘kết hợp’, chúc phúc cho mỗi người, được. Chúc phúc cho tất cả mọi người.”



Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói với CBS News rằng phụ nữ không thể nhận chức thánh, ngay cả như là phó tế

Tạp chí Crux, ngày 21 tháng 5 năm 2024, đưa tin: Trong cuộc trò chuyện với CBS News, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng phụ nữ không thể được phong chức phó tế.

Được phát sóng vào tối thứ Hai tại Hoa Kỳ, “Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Người đầu tiên” là phiên bản mở rộng của cuộc phỏng vấn được giới thiệu trên “60 Minutes” vào Chúa nhật.

Nhà báo CBS Norah O’Donnell đã hỏi Đức Giáo Hoàng rằng liệu phụ nữ có bao giờ có “cơ hội làm phó tế và tham gia với tư cách là thành viên giáo sĩ trong Giáo hội không?”

Đức Giáo Hoàng Phanxicô trả lời nhanh chóng: “Không.”

Khi bị ép, ngài giải thích: “Nếu là phó tế với chức thánh thì không. Nhưng tôi có thể nói, phụ nữ luôn có chức năng của nữ phó tế mà không phải là phó tế, phải không? Phụ nữ phục vụ rất tốt với tư cách là phụ nữ, chứ không phải với tư cách là thừa tác viên, với tư cách là thừa tác viên về mặt này, trong các Chức Thánh.”

Điều này trái ngược với tuyên bố hồi tháng 2 của nữ tu và nhà thần học người Tây Ban Nha Linda Pocher, một trong ba phụ nữ phát biểu tại cuộc họp gần đây nhất của Hội đồng Hồng Y của Đức Giáo Hoàng.

“Chức phó tế cũng đã được thảo luận. Chúng tôi biết rằng Đức Giáo Hoàng rất ủng hộ chức phó tế nữ, nhưng ngài vẫn đang cố gắng hiểu cách áp dụng nó vào thực tế”, Pocher nói với Europa Press.

Tuy nhiên, Đức Phanxicô nói với CBS News rằng phụ nữ “là những người thúc đẩy những thay đổi về phía trước, tất cả các loại thay đổi”.

“Họ dũng cảm hơn đàn ông,” ngài nói tiếp.

“Họ biết cách tốt nhất để bảo vệ sự sống. Phụ nữ là những người bảo vệ tuyệt vời của sự sống. Phụ nữ thật tuyệt vời. Họ rất tuyệt vời. Và tạo không gian trong Giáo hội cho phụ nữ không có nghĩa là trao cho họ một thừa tác vụ, không. Giáo hội là một người mẹ, và những người phụ nữ trong Giáo hội là những người giúp nuôi dưỡng tình mẫu tử đó. Đừng quên rằng những người không bao giờ bỏ rơi Chúa Giêsu chính là phụ nữ. Tất cả những người đàn ông đều bỏ chạy”, Đức Giáo Hoàng nói.

Sau đó, O’Donnell nêu ra sự kiện Đức Phanxicô đã chúc lành và hôn chân các nữ tù nhân, và nhiều người giải thích rằng đó là một thông điệp mà Đức Phanxicô đang cố gắng gửi đi về sự thay đổi vai trò của phụ nữ trong Giáo hội.

“Đúng là lần này chỉ có phụ nữ vì đó là nhà tù dành cho phụ nữ. Và thông điệp là đàn ông cũng như phụ nữ, tất cả chúng ta đều là con cái Thiên Chúa”, Đức Giáo Hoàng trả lời.

“Những người nam nữ chúng ta đều là tông đồ và tất cả chúng ta đều có thể lãnh đạo. Chúng ta đừng quên rằng các tông đồ dũng cảm nhất, can đảm nhất chính là các phụ nữ: Mary Magdalene, Mary Salomeì, Mary of Santiago. Họ đã ở lại với Chúa Giêsu cho đến phút cuối cùng,” ngài nói.

Nhà báo CBS sau đó đã hỏi tại sao Đức Giáo Hoàng “quyết định cho phép các linh mục Công Giáo ban phước lành cho các cặp đồng tính”.

Đức Giáo Hoàng nhanh chóng phủ nhận cách giải thích này.

“Không, điều tôi cho phép không phải là chúc phúc cho sự kết hợp. Điều đó không thể được thực hiện bởi vì đó không phải là… đó không phải là bí tích. Tôi không thể. Chúa đã làm như vậy. Nhưng để ban phước cho mỗi người thì có. Phước lành dành cho TẤT CẢ MỌI NGƯỜI. Dành cho tất cả mọi người”, Đức Giáo Hoàng nói thế.





image.png

Tòa Thánh gởi điện chia buồn trước tai nạn của Tổng thống Iran. Éo le là người dân Iran không buồn



Theo giao thức ngoại giao, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gởi điện chia buồn với nhân dân Iran sau khi tổng thống nước này, Ebrahim Raisi, thiệt mạng trong một vụ tai nạn trực thăng hôm Chúa Nhật.

Tuy nhiên, phản ứng về cái chết của Raisi của người Iran rất rõ ràng. Masih Alinejad, một nhà báo Iran cho biết như sau: “Trên mạng xã hội tôi thấy thành viên gia đình của những người bị hành quyết do lệnh của ông ta đang reo hò. Người dân Iran đang ăn mừng; có pháo hoa ở khắp mọi nơi ở các thành phố khác nhau. Họ thực sự coi Raisi là một tấm gương của toàn bộ hệ thống, của toàn bộ chế độ. Niềm vui dâng trào tự phát này phản ánh sự phẫn nộ sâu sắc mà hầu hết người Iran cảm thấy đối với chế độ thần quyền tàn ác và tham nhũng đã đánh cắp giấc mơ của họ.

Raisi là một kẻ sát nhân hàng loạt, là kẻ phải chịu trách nhiệm về những hành động tàn bạo và áp bức ở Iran và trên toàn khu vực. Đây là lý do tại sao ông ta được mệnh danh là “Đồ tể của Tehran”.

Năm 1988, khi còn là phó công tố viên trẻ ở Tehran, ông ta được bổ nhiệm vào “Ủy ban tử hình”, một nhóm chịu trách nhiệm về các vụ hành quyết không qua xét xử hàng ngàn tù nhân chính trị. Các nạn nhân phải chịu những phiên tòa giả mạo kéo dài chỉ vài phút. Raisi đóng một vai trò quan trọng trong quá trình tố tụng này, quyết định ai sẽ sống và ai sẽ bị đưa lên giá treo cổ. Một cựu tù nhân chính trị đã viết rằng Raisi “rõ ràng rất vui mừng khi có được quyền lực đối với sự sống và cái chết, và ông ta đã sử dụng nó một cách thoải mái trong hàng ngàn trường hợp trong vụ thảm sát vào mùa hè năm đó. Đối với những người đã từng tiếp xúc với cá nhân ông ta, Raisi tượng trưng cho cái chết của hy vọng”, cựu tù nhân chính trị Iran Mahmoud Royaei viết.

Raisi cũng là kẻ áp đặt quy định về trang phục thời Trung cổ đối với phụ nữ và buộc các nhóm tôn giáo thiểu số phải trốn tránh bằng đàn áp, sát hại những người bất đồng chính kiến và xuất khẩu bạo lực ra nước ngoài.

image.png

Sự tàn bạo của chế độ này được thể hiện qua việc đàn áp những phụ nữ và trẻ em gái đau khổ lâu năm ở Iran cũng như phong trào “phụ nữ, sự sống, tự do” đấu tranh cho phẩm giá của họ. Nhiều phụ nữ tham gia biểu tình hoặc cởi bỏ khăn trùm đầu bắt buộc đã bị lực lượng an ninh bắt cóc, giam cầm, cưỡng hiếp và tra tấn. Theo các con số chính thức của nhà cầm quyền Iran, 500 phụ nữ bị giết trong các cuộc biểu tình hồi năm 2022, 22.000 người bị bắt. Nhiều người đã bị xử tử, thường bằng cách treo cổ từ những cần cẩu xây dựng khổng lồ trong một sự pha trộn kỳ cục giữa thời trung cổ và siêu thực.

Sự độc ác của chế độ này vượt xa biên giới Iran. Iran của các ayatollah cung cấp vũ khí tinh vi, tài trợ và huấn luyện cho các nhóm khủng bố giết người Hezbollah ở Li Băng, Hamas ở Lãnh thổ Palestine và Gaza, cũng như các lực lượng dân quân đang gây bất ổn ở Iraq và Yemen. Ở Syria, sự ủng hộ của Raisi dành cho chế độ độc tài Assad là công cụ kéo dài cuộc nội chiến tàn khốc, không chỉ duy trì một trong những chế độ đàn áp nhất trong khu vực mà còn góp phần gây ra thảm họa nhân đạo, với hàng trăm ngàn người chết và hàng triệu người phải di dời. Ở Ukraine, Raisi cung cấp cho quân xâm lược Nga các máy bay điều khiển từ xa Shahed và các hỏa tiễn đạn đạo Fateh-110 tiên tiến nhất của Iran để giết cơ man các binh lính và thường dân Ukraine vô tội, mặc dù họ chẳng có thù oán gì với Iran.

Chủ nghĩa bài Do Thái của Raisi không chỉ giới hạn ở những luận điệu. Vào ngày 7 tháng 10, những kẻ khủng bố Hamas—được Iran hỗ trợ—đã xâm chiếm miền nam Israel và tàn sát 1.200 đàn ông, phụ nữ và trẻ em chỉ trong một ngày. Đây là vụ thảm sát người Do Thái lớn nhất kể từ Holocaust, với nhiều nạn nhân bị hãm hiếp và bị cắt xẻo thân thể.

Trong niềm hân hoan của một dân tộc vừa thoát ách một tên bạo chúa kinh hoàng như thế, rõ ràng chia buồn là đứng trên quan điểm của bọn cầm quyền, không phải của dân chúng bị áp bức.

Minh Nguyen Quang

unread,
Jun 3, 2024, 6:34:58 AMJun 3
to alphonsefamily

Năm Thánh và ân xá, từ con người thời trung cổ đến con người hiện đại

Đức Hồng y Tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin gặp gỡ Thượng phụ Chính thống Copte Ai Cập


Hôm thứ Tư, ngày 22 tháng Năm vừa qua, Đức Hồng y Manuel Fernandez, Tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin, đã được Đức Thượng phụ Tawadros II, Giáo chủ Chính thống Copte Ai Cập tiếp kiến.

Trung tâm cuộc trao đổi giữa hai vị trong buổi tiếp kiến là Tuyên ngôn đạo lý “Fiducia supplicans”, do Bộ Giáo lý đức tin công bố ngày 18 tháng Mười Hai năm 2023, cho phép chúc lành cho các cặp đồng tính luyến ái, mặc dù Văn kiện xác quyết là không thay đổi gì trong đạo lý Giáo hội Công giáo về tương quan tính dục này.

Văn kiện này gây nhiều tranh luận trong Giáo hội Công giáo và nhiều Hội đồng Giám mục, đặc biệt tại Phi châu, hầu hết các Hội đồng Giám mục đều phủ nhận. Cả Giáo hội Chính thống Copte là Giáo hội đông đảo nhất trong số các Giáo hội Chính thống Đông phương, là những Giáo hội ly khai với Công giáo sau Công đồng chung Calcedonia năm 451, bày tỏ lập trường tiêu cực: Hồi thượng tuần tháng Ba năm nay, Giáo hội này tuyên bố ngưng đối thoại thần học với Công giáo và tái khẳng định sự chống đối “mọi hình thức đồng tính luyến ái”.

Cùng với sự tuyên bố ngưng đối thoại thần học, trong thông cáo ngày 07 tháng Ba vừa rồi, Tòa Thượng phụ Giáo hội Chính thống Copte Ai Cập cũng cho biết đang xét lại những kết quả mà cuộc đối thoại với Giáo hội Công giáo đạt được từ khi bắt đầu cách đây 20 năm, đồng thời thiết định những tiêu chuẩn và cách thức mới để tiến hành việc đối thoại”. Thông cáo tái khẳng định lập trường cương quyết loại bỏ mọi hình thức đồng tính luyến ái, vì chúng trái ngược Kinh thánh và luật, qua đó Thiên Chúa dựng nên con người có nam có nữ, và Giáo hội Copte coi mọi việc chúc lành, mọi cách thức chúc lành những tương quan như thế, là chúc lành cho tội lỗi và đó là điều không thể chấp nhận được”.

Đức Hồng y Fernandez đã minh định với Đức Thượng phụ Tawadros rằng Tuyên ngôn Fiducia supplicans không chúc lành cho sự kết hiệp đồng tính luyến ái, nhưng nếu cặp ấy trình diện thì vị linh mục chúc lành cho con người, làm dấu thánh giá trên họ, kèm theo một lời nguyện vắn tắt, nhưng điều này phải diễn ra một cách tự nhiên, không theo nghi thức nào, không mặc phẩm phục phụng vụ, và không có sự biểu hiện bên ngoài nào có thể làm cho người ta lẫn lộn việc chúc lành ấy với hôn nhân.

Đức Hồng y giải thích rằng điều quan trọng hơn, đó là làm sao để loại chúc lành đơn sơ, bộc phát và mục vụ này có thể được ban trên đường phố, trong dịp các cuộc hành hương, và tất cả mọi người đều có thể lãnh nhận, trong bất kỳ tình trạng nào của họ. Đây không phải là ơn thánh hóa, nhưng là những phù trợ của Chúa Thánh Linh mà các tín hữu Công giáo gọi là “ơn hiện tại” và thúc đẩy kẻ có tội hoán cải và trưởng thành.

Trong cuộc viếng thăm Ai Cập, Đức Hồng y Fernandez cũng gặp gỡ các vị Thượng phụ và giám mục, Công giáo, Chính thống và Tin lành và nói về những vấn đề có liên quan đến Bộ Giáo lý đức tin.







Moneyval xác nhận những tiến bộ của Vatican trong việc chống rửa tiền

Ủy ban Moneyval, các chuyên gia Hội đồng Âu châu xác nhận những tiến bộ của quốc gia thành Vatican trong việc chống rửa tiền.

Xác nhận trên đây đã được thẩm định trong khóa họp toàn thể thứ 67, từ ngày 20 đến ngày 25 tháng Năm vừa qua, tại Strasbourg bên Pháp: Tòa Thánh và quốc gia thành Vatican tiếp tục con đường đã khởi xướng từ nhiều năm nay về việc phòng ngừa và chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố và lan tràn võ khí tàn sát tập thể. Sau khóa họp, một phúc trình theo dõi đều đặn về Vatican đã được công bố. Phúc trình lần trước đây là hồi tháng Tư năm 2021.

Trước những tiến bộ này, cuộc thẩm định tới đây sẽ diễn ra trong vòng bốn năm tới đây.

Tạm ngưng quyên góp cho việc tân trang doanh trại Vệ binh Thụy Sĩ ở Vatican

Chỉ tiêu quyên góp 50 triệu quan, tương đương với 55 triệu Mỹ kim, để tân trang doanh trại đoàn Vệ binh Thụy Sĩ ở Vatican, gần đạt được, nhưng việc lạc quyên này tạm ngưng, trong khi chờ đợi ngân sách chung kết dự án này được xác định.

Trong tờ thông tin mới nhất, ông Jean-Pierre Roth, Chủ tịch dự án này cho biết như trên, và nói: “Lý do vì chúng tôi muốn tiếp xúc với các ân nhân của chúng tôi với những con số chắc chắn”.

Tính đến cuối tháng Ba vừa qua, số tiền đã quyên hoặc được các ân nhân hứa giúp lên tới 48 triệu 600.000 quan, trong đó có 5 triệu do chính phủ Liên bang Thụy Sĩ đóng góp.

Ông Roth nguyên là một chủ ngân hàng. Ông sợ rằng mức lạm phát trong những năm gần đây ở Ý đè nặng trên ngân sách năm 2020 và làm gia tăng ngân khoản cần thiết. Trong năm 2022, mức lạm phát ở Ý là 8,1% và năm ngoái (2023) là 5,7%. Vì thế, những con số dự chi trước đây phải xét lại.

Vatican đã chấp thuận dự án tân trang doanh trại của đoàn Vệ binh, ngày 17 tháng Sáu năm 2018. Trại lính này quá cũ kỹ, có từ đầu thế kỷ XIX và cho đến nay chưa hề được tân trang qui mô và không còn đáp ứng các tiêu chuẩn ngày nay, về điều kiện cư ngụ, cuộc sống, sự lâu bền và môi sinh. Doanh trại tân trang giúp đáp ứng quân số gia tăng từ 110 lên 135 người.

Trước đây, việc khởi sự công trình canh tân này dự kiến vào năm 2023, nhưng nay được dời lại đến năm 2026, vì Năm Thánh 2025.







Đại diện của Đức Giáo Hoàng tại Hoa Kỳ cảnh báo về Giáo Hội địa phương tự tham chiếu

Đức Hồng Y Christophe Pierre nhấn mạnh lời kêu gọi đoàn kết của Đức Thánh Cha Phanxicô trong cuộc trò chuyện với Catholic News Service trước khi chính thức tiếp quản nhà thờ hiệu tòa của ngài ở Rôma.

Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Kỳ đang vật lộn với xu hướng trở nên “tự tham chiếu” hơn và rút lui khỏi sân khấu quốc tế và giáo hội hoàn vũ, đại diện của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Hoa Kỳ cho biết.

Trước các vấn đề gây tranh cãi trong Giáo Hội, chẳng hạn như Tuyên ngôn Fiducia Supplicans cho phép chúc lành cho các cặp đồng giới và các kết hiệp bất quy tắc, thái độ phổ biến của Giáo Hội tại Hoa Kỳ cũng như nhiều nơi khác là tránh né những tranh cãi với Tòa Thánh, rút lui, tự tham chiếu đến chính mình. Điều này có thể thấy rõ một cách đặc biệt sau khi Đức Thánh Cha cách chức Đức Cha Joseph Strickland của giáo phận Tyler, Texas.

Nói chuyện với Catholic News Service trước khi chính thức tiếp quản nhà thờ hiệu tòa của mình ở Rôma vào ngày 21 tháng 4, Đức Hồng Y Christophe Pierre đã mô tả thực tế của Giáo Hội ở Hoa Kỳ là một “nghịch lý”. Ngài nói rằng trong khi Giáo hội Hoa Kỳ “luôn rất trung thành với Đức Thánh Cha”, “khó khăn ở Mỹ, cũng như ở mọi quốc gia trong một thế giới được toàn cầu hóa là ngày càng trở nên cá nhân hơn, thay vì phải đón nhận thông điệp của Đức Thánh Cha, đặc biệt là cùng nhau làm việc.”

Ngài nhấn mạnh: “Đức Thánh Cha cảm thấy rằng nếu chúng ta không làm việc cùng nhau thì chúng ta không phải là một giáo hội”.

Đức Hồng Y Pierre chỉ ra “xu hướng rút lui, tự tham chiếu nhiều hơn” cả ở Hoa Kỳ và trên toàn thế giới.

Ngài nói với CNS: “Chúng ta phải chia sẻ sự giàu có, của cải của mình,” đặc biệt trong một thế giới ngày càng hướng đến chủ nghĩa cá nhân. “Và tôi coi đó là một thách thức đối với Giáo Hội.”

Vị Hồng Y đã ở Rôma để nhận nhà thờ hiệu tòa của ngài - là Nhà thờ Thánh Bênêđíctô bên ngoài Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành - để xác nhận danh tính Hồng Y của ngài là thành viên hàng giáo sĩ của Rôma. Vào thời cổ đại, các Hồng Y bầu chọn giáo hoàng đều là cha sở của các giáo xứ trong thành phố.

Đức Hồng Y đã cử hành Thánh lễ tại nhà thờ ở Rôma với sự tham gia của giáo dân địa phương, các thành viên của Giáo triều Rôma, Đức Hồng Y James Harvey của Hoa Kỳ, các đại sứ mà ngài đã làm việc cùng trong suốt sự nghiệp ngoại giao 47 năm của mình, đại diện cho Tòa Thánh và khoảng 15 thành viên trong gia đình ngài từ vùng Brittany của Pháp.

Joe Donnelly, đại sứ Hoa Kỳ tại Tòa Thánh, đã tham dự phụng vụ và nói với CNS rằng Đức Hồng Y Pierre “là cầu nối giúp phá bỏ những khác biệt” giữa Hoa Kỳ và Vatican, ca ngợi Đức Hồng Y vì đã “cố gắng kết nối Giáo Hội tại Mỹ” với Vatican.”

Trong bài giảng, Đức Hồng Y Pierre nhắc lại rằng khi còn là chủng sinh, ngài ban đầu nghĩ ơn gọi của mình là tiếp tục làm mục tử trong giáo phận Rennes, Pháp, quê hương của ngài, nhưng sau gần 50 năm đi khắp thế giới trong công tác ngoại giao, “Đức Thánh Cha đã kêu gọi tôi đến một giáo xứ, một giáo xứ mà tôi chưa từng có.”

Trước khi được cử đến Hoa Kỳ vào năm 2016, Đức Hồng Y Pierre đã được bổ nhiệm làm Sứ thần Tòa Thánh tại Mễ Tây Cơ, Uganda và Haiti. Ngài cũng phục vụ tại các cơ quan đại diện ngoại giao của Vatican ở Thụy Sĩ, Brazil, Cuba, Zimbabwe, Mozambique và New Zealand.



“Giáo Hội nam tính hóa hình ảnh Thiên Chúa”

Bà Annette Jantzen, thần học gia người Đức nhấn mạnh: “Bình đẳng giới trong Giáo hội còn khó khăn chừng nào hình ảnh của Thiên Chúa vẫn hoàn toàn nam tính”. Bà giải thích về “giới tính” của Chúa trong Kinh thánh và trong kitô giáo.

Bà Anette Jantzen, thần học gia ở giáo phận Aachen (Đức)

Bà Annette Jantzen, 46 tuổi, tiến sĩ thần học, phục vụ mục vụ phụ nữ ở giáo phận Aachen, Tây Đức. Bà viết một số sách về tâm linh nữ tính và điều hành blog www.gotteswort-weiblich.de. Ngày thứ hai 20 tháng 5, bà  tổ chức một hội nghị với chủ đề “Thiên Chúa còn hơn cả Chúa” trong ngày Junia ở trung tâm giáo xứ Speicher thuộc bang Appenzell Ausserrhoden.

Xin bà cho biết chủ đề bài nói chuyện của bà ở Ngày Junia là gì?

Thần học gia Annette Jantzen: Chủ đề của tôi là hình ảnh Thiên Chúa trong Kinh Thánh. Thường hình ảnh thường xuyên là hình ảnh nam. Kinh thánh có một lãnh vực rộng lớn liên quan đến các tên khác nhau được đặt cho Thiên Chúa. Nhưng ngôn ngữ của Giáo hội hẹp hơn. Khi các truyền thống kể lại, dĩ nhiên có những khác biệt và bị đơn giản hóa. Bản thân điều này không nghiêm trọng. Nhưng trở nên có vấn đề khi cho rằng nó đại diện cho toàn bộ.

Bà có nghĩ truyền thống Công giáo có một hình ảnh nghèo nàn về Thiên Chúa không?

Chắc chắn. Về vấn đề này, việc xem lại Kinh thánh là hữu ích. Nó cho thấy thực tế trước đây trong lĩnh vực này, đồng thời cũng cho thấy tiếng nói của phụ nữ đã có từ rất lâu. Những đoạn nói về Thiên Chúa và con người theo cách đi ngược với truyền thống gia trưởng thời bấy giờ là những khía cạnh cụ thể. Chúng ta cần phải tinh tế trong dịch thuật. Nhưng không may, hiện nay các bản dịch thường bỏ những yếu tố không phù hợp với cách trình bày truyền thống. Hình ảnh nữ tính của Thiên Chúa trong câu văn bị xóa đi để có thể theo quan điểm của giáo hội hơn.

“Các tác phẩm càng về sau, hình ảnh Thiên Chúa ‘Cha’ càng xuất hiện thường xuyên và độc quyền hơn”

 Khó khăn chính ở đâu?

Các văn bản được viết trong bối cảnh gia trưởng. Kinh Thánh trở nên gia trưởng hơn theo thay đổi của thời. Thời Kinh Thánh rất khắc nghiệt với phụ nữ. Và thật không may cho chúng ta là các tác phẩm Tân Ước của kitô giáo lại viết theo tinh thần thời đại này. Rất hiếm khi tìm thấy trong các văn bản của xã hội phụ hệ hình ảnh nữ tính về Chúa được xem là một thực tế tích cực. Nhưng khi được như vậy, cần phải ghi nhận và tôn vinh. Đó là nét thiêng liêng của Kinh thánh, muốn xóa bỏ là không đúng.

Xin bà cho một ví dụ về những đoạn văn bị “sửa đổi”.

Trong Tân Ước, từ “ngây ngất, extase” được dịch theo nhiều cách khác nhau: với nam giới là nhiệt tình, với phụ nữ là sợ hãi. Nhưng ngây ngất là kết hợp hai khía cạnh này. Có rất nhiều ví dụ về việc dịch thuật bị thành kiến chi phối.

Những thể hiện của Chúa trong Tân Ước là gì?

Chúa Giêsu nói về Thiên Chúa theo nhiều cách khác nhau. Các tác phẩm càng về sau, hình ảnh Chúa “Cha” càng thường xuyên và độc quyền. Chỉ trong phúc âm Thánh Gioan, hình ảnh người cha mới chiếm ưu thế. Đó là  biểu hiện của việc tái gia trưởng của kitô giáo.

 Và trong Cựu Ước?

Trong Cựu Ước, Thiên Chúa là vua, là thẩm phán, nhưng cũng là mẹ kền kền dạy con bay.

 “Hình ảnh Thiên Chúa trong Kinh Thánh phải được dịch cẩn thận”

Nhưng trong bản dịch hiện nay, đó là con đại bàng – là thuật ngữ giống đực. Không có một ám chỉ nào cho thấy đó là con vật nữ.

Đúng vậy. Chính trong bản Septante, bản dịch tiếng hy lạp đầu tiên của Kinh thánh tiếng do thái, từ này đã được sửa đổi. Người hy lạp thấy kền kền quá ghê tởm và đại bàng thì đáng sợ, nên đã đưa chúng trở lại nguyên trạng. Ở điểm này, tư tưởng của người Semitic lại khác. Kền kền là động vật đứng ở ranh giới giữa sự sống và cái chết, nên đó là lý do vì sao nó biểu tượng cho sự tốt đẹp của Chúa.

Những hình ảnh phụ nữ khác là gì?

Ví dụ mẹ gấu hay mẹ loài người. Trong Thánh vịnh 131 nói đứa bé cai sữa đến ôm ấp. Nó không đến với người mẹ để được bú sữa nhưng vì tâm hồn nó tìm được sự yên nghỉ bên Thiên Chúa, mẹ của nó. Tôi cũng thấy hình ảnh nữ thần đất trong Thánh vịnh 139 thật đẹp. Người Israel cổ xưa đều biết trẻ con lớn lên từ đất. Có những hình ảnh vũ trụ và vô hình cho Thiên Chúa.

Thật vậy, chúng ta thấy người do thái gọi Thiên Chúa là Giavê, được dịch “Ta là Đấng hiện hữu”.

Điều đặc biệt thú vị trong việc giải thích danh Chúa là nghệ thuật chơi chữ của tiếng do thái. Nếu ở một vị trí trọng tâm, trong một ngôn ngữ tương phản, một từ không tương phản xuất hiện, thì họ dịch là “Ta là Đấng hiện hữu” và nó rất có ý nghĩa.

Làm thế nào chúng ta có thể tìm lại những hình ảnh rất đa dạng này của Thiên Chúa?

Trước hết, chúng phải được dịch cẩn thận. Bất cứ ai làm việc trong lãnh vực ngôn ngữ cổ xưa, dùng những văn bản này trong phiên bản gốc đều có bổn phận phải làm thích hợp. Bây giờ tôi rất chú ý đến việc cắt bớt văn bản vì một lợi ích nào đó.

“Chắc chắn có những đoạn Kinh Thánh không nên đọc trong các buổi lễ nữa”

Hình ảnh của Chúa có thể cách mạng hóa được điều gì không?

Hình ảnh của Chúa có thể là những yếu tố tự định danh rất mạnh. Đây thực sự là vấn đề giữa chúng ta và Thiên Chúa, chứ không phải giữa chúng ta và Giáo hội. Vì thế tôi có thể hình dung nó sẽ đẩy nhanh hơn nữa tiến trình xói mòn Giáo hội, dù tôi không muốn vậy. Nhưng tôi nghĩ bình đẳng giới trong Giáo hội sẽ vẫn còn khó khăn chừng nào hình ảnh Thiên Chúa hoàn toàn là nam tính, vì nó cho thấy sự thống trị của nam tính. Giáo Hội nam tính hóa hình ảnh Thiên Chúa. Vì thế nam tính trở thành một chuẩn mực vô hình.

Điều gì sẽ thay đổi khi hình ảnh Thiên Chúa không còn được nhìn thấy và rao giảng một cách thuần túy nam tính nữa?

Cách chúng ta nói về Thiên Chúa cũng quyết định cách chúng ta nhìn nhận mình như một con người. Và điều đó có nghĩa đột nhiên có chỗ cho một bình đẳng thực sự. Không phải tất cả đàn ông đều chấp nhận điều này. Khi được đặc quyền, bình đẳng là bất lợi cho họ. Nhưng đó là một bước đi cần thiết cho con người, nói rộng hơn là toàn thể con người.

Bà có hy vọng các hình ảnh khác nhau của Thiên Chúa trong Kinh Thánh có sức mạnh phá bỏ chế độ phụ hệ trong Giáo Hội không?

Tôi nghĩ có. Có những điểm chúng ta không thể quay lại được nữa. Con người tiến xa hơn với những gì con người có thể có được. Chắc chắn bây giờ có những đoạn Kinh Thánh không nên đọc trong các buổi lễ, chẳng hạn đoạn thư Thánh Phaolô gởi tín hữu Ê-phê-sô nói người vợ phải vâng phục chồng.

 “Chúng ta đang chứng kiến sự trỗi dậy của chế độ phụ hệ trên khắp thế giới”

Người ta có thể nghĩ đây là kiểm duyệt. Nhưng cho đến nay, chưa có ai nói đến việc kiểm duyệt, các Bài Diễm ca của vua Salomon không bao giờ có trong các bài đọc. Tôi hy vọng chúng ta sẽ có được một cách tiếp cận sâu sắc như vậy đối với các bản văn Kinh Thánh trong các buổi lễ. Tuy nhiên tôi luôn có những lo ngại.

Những lo ngại nào?

Các trào lưu chính thống trong Giáo hội công giáo cũng như trong các Giáo hội khác đã rất thành công. Chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng chế độ phụ hệ trên khắp thế giới, thường liên hệ đến các phong trào cực hữu. Chính trên lãnh vực này mà chúng ta có thể hy vọng sự đa dạng của hình ảnh Thiên Chúa sẽ mang lại chiến thắng.



Theo Cindy Wooden của hãng tin CNS, Đức Phanxicô, nhân cuộc gặp riêng với hơn 200 thành viên Hội đồng Giám mục Ý ngày 20 tháng 5, 2024, tại cuộc họp mùa xuân của họ, được tổ chức tại Vatican, đã dành 90 phút để trả lời các câu hỏi, nhưng không có bản ghi nào được công bố.

Sáu ngày sau, một trang web tin đồn khét tiếng của Ý đưa tin rằng Đức Giáo Hoàng đã sử dụng một thuật ngữ tiếng lóng mang tính xúc phạm trong tiếng Ý để mô tả một số chủng viện bị lưu ý bởi văn hóa đồng tính.

Việc ấy khiến phòng báo chí Vatican lên tiếng: Đức Phanxicô “không bao giờ có ý xúc phạm hoặc thể hiện mình bằng những thuật ngữ kỳ thị người đồng tính, và ngài gửi lời xin lỗi tới những người bị xúc phạm khi sử dụng một thuật ngữ do người khác báo cáo”, được coi là thô tục ở Ý.

Trang web trên, có tên là Dagospia, cho biết Đức Giáo Hoàng đã sử dụng thuật ngữ ngày 20 tháng 5 khi trả lời câu hỏi của một giám mục về việc tiếp nhận những người đồng tính nam vào chủng viện với tư cách là ứng viên cho chức linh mục.

Các tờ báo hàng đầu của Ý là La Repubblica và Corriere della Sera cho biết hôm 27 tháng 5 họ đã xác nhận với các giám mục Ý giấu tên rằng Đức Phanxicô đã sử dụng tiếng lóng thô tục, mặc dù Corriere cũng lưu ý rằng Đức Giáo Hoàng “đôi khi vấp phải tiếng Ý có phần sáng tạo mà không nhận thức được các sắc thái”.

Matteo Bruni, giám đốc văn phòng báo chí Vatican, đã trả lời vào cuối ngày 28 tháng 5 trước nhiều yêu cầu bình luận.

Ông nói, “Đức Giáo Hoàng Phanxicô biết về những bài báo gần đây nói về cuộc trò chuyện giữa ngài, đằng sau những cánh cửa đóng kín, với các giám mục của Hội đồng Giám mục Ý.

“Như ngài đã có cơ hội phát biểu nhiều lần, ‘Trong Giáo hội có chỗ cho mọi người, cho mọi người! Không ai là vô dụng, không ai là người thừa, có chỗ cho mọi người. Y hệt như chúng ta, mọi người,’ "
La Repubblica đã báo cáo rằng từ ngữ mà Đức Giáo Hoàng sử dụng trong tiếng Ý “đã khiến nhiều giám mục nao núng. Đức Giáo Hoàng Phanxicô không lạ gì với lối nói thiếu chừng mực; cuộc họp diễn ra sau những cánh cửa đóng kín, cuộc trò chuyện không trang trọng, nhưng khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô sử dụng hạn từ đó 'có sự căng thẳng trong phòng'”.

Trong khi Đức Phanxicô nhấn mạnh với các giám mục rằng những người Công Giáo LGBTQ+ phải được chấp nhận trong Giáo hội và được đối xử tôn trọng, thì theo báo cáo, ngài đã nói tại cuộc họp rằng tốt hơn là không chấp nhận những người đồng tính nam làm ứng viên cho chức linh mục.

Bruni không bình luận về báo cáo đó.

Trong một cuộc họp kín tương tự với các giám mục Ý vào năm 2018, La Repubblica đưa tin, Đức Giáo Hoàng đã nói với các ngài rằng nếu các ngài có “dù chỉ một chút nghi ngờ” về việc một ứng viên đồng tính có thể sống cuộc sống độc thân trong chủng viện và với tư cách là một linh mục, "Tốt nhất là đừng để họ vào."

Trong một cuộc phỏng vấn dài thành sách vào năm 2018, Đức Phanxicô cũng đã nói rằng các bề trên phải có khả năng giúp các ứng viên đồng tính chuẩn bị cho cuộc sống độc thân hoặc khuyến khích họ rời khỏi chủng viện.

“Đồng tính luyến ái là một vấn đề rất nghiêm trọng, phải được phân định một cách thỏa đáng ngay từ đầu với các ứng viên, nếu đó là trường hợp. Chúng ta phải đòi hỏi”, Đức Thánh Cha đã nói với Cha Fernando Prado dòng Claretian trong cuộc phỏng vấn thành sách, “Sức mạnh của ơn gọi: Đời sống thánh hiến ngày nay."

Đức Phanxicô đã nói rõ trong cuộc phỏng vấn rằng ngài muốn nói về hoạt động đồng tính luyến ái giữa các linh mục và tu sĩ tuyên khấn khiết tịnh và độc thân.

Đức Giáo Hoàng nói: “Trong đời sống thánh hiến hay đời sống linh mục, không có chỗ cho loại tình cảm này. Vì lý do đó, Giáo hội khuyến cáo những người có khuynh hướng ăn sâu này không nên được chấp nhận vào thừa tác vụ hoặc đời sống thánh hiến”.

Một chỉ thị năm 2005 của Bộ Giáo dục Công Giáo lúc bấy giờ, được Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI phê chuẩn, nói rằng giáo hội “không thể thừa nhận vào chủng viện hoặc các chức thánh những người thực hành đồng tính luyến ái, có khuynh hướng đồng tính luyến ái sâu xa hoặc ủng hộ điều gọi là 'văn hóa đồng tính nam'."

Các giám mục và bề trên các dòng tu, những người chịu trách nhiệm đưa ra quyết định cuối cùng về việc tiếp nhận các ứng viên vào chức linh mục và đời sống tu trì, đã tiếp tục thảo luận và tranh luận về ý nghĩa của “khuynh hướng đồng tính luyến ái sâu xa”, điều này rõ ràng là điều đã đặt ra câu hỏi cho các giám mục.

Phản ứng của Reuters và A.P.

Hãng Reuters, ngày 28 tháng 5, 2024, đưa tin: Đức Giáo Hoàng được cho là đã sử dụng thuật ngữ thô tục đối với người đồng tính.

Theo Reuters, La Repubblica và Corriere della Sera, những tờ nhật báo có số lượng phát hành lớn nhất ở Ý, đã dẫn lời Đức Giáo Hoàng nói rằng các chủng viện, hay các học viện đào tạo linh mục, đã quá đầy rẫy những “frociaggine”, một thuật ngữ thô tục trong tiếng Ý được dịch đại khái là “sự ngu ngốc”.

Vatican đã không trả lời yêu cầu bình luận.

La Repubblica quy câu chuyện của mình cho một số nguồn không xác định, trong khi Corriere cho biết nó được ủng hộ bởi một số giám mục giấu tên, những người cho rằng Đức Giáo Hoàng, với tư cách là người Argentina, có thể đã không nhận ra rằng thuật ngữ tiếng Ý mà ngài sử dụng có tính xúc phạm.

Reuters nhận định: Đức Phanxicô, 87 tuổi, cho đến nay vẫn được ghi nhận là người đã lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Rôma thực hiện một cách tiếp cận thân thiện hơn đối với cộng đồng đồng tính.

Vào năm 2013, khi bắt đầu triều đại giáo hoàng của mình, ngài đã có câu nói nổi tiếng: “Nếu một người là người đồng tính, tìm kiếm Chúa và có thiện chí, thì tôi là ai mà phán xét họ?”, trong khi năm ngoái ngài đã cho phép các linh mục ban phước lành cho các cặp đồng tính, gây ra phản ứng bảo thủ dữ dội đáng kể.

Tuy nhiên, ngài đã đưa ra một thông điệp tương tự về các chủng sinh đồng tính - trừ những lời được cho là chửi thề - khi ngài gặp các giám mục Ý vào năm 2018, yêu cầu họ xem xét cẩn thận những người nộp đơn xin chịu chức linh mục và từ chối bất kỳ người nào bị nghi ngờ là đồng tính luyến ái.

Trong một tài liệu năm 2005, được ban hành dưới thời vị tiền nhiệm quá cố của Đức Phanxicô là Bênêđíctô XVI, Vatican cho biết Giáo hội có thể thừa nhận vào chức linh mục những người đã rõ ràng vượt qua xu hướng đồng tính luyến ái trong ít nhất ba năm.

Tài liệu nói rằng những người đồng tính luyến ái và những người có khuynh hướng đồng tính “ăn sâu” cũng như những người “ủng hộ điều gọi là văn hóa đồng tính” nên bị cấm.

Nicole Winfield của hãng A.P. , ngày 29 tháng 5, 2024, nhấn mạnh nhiều đến tuyên bố của phát ngôn viên Vatican Matteo Bruni, người đã thừa nhận cơn bão truyền thông nổ ra về những bình luận của Đức Phanxicô, được chuyển đến các giám mục Ý một cách kín đáo vào ngày 20 tháng 5.

Bruni cho biết Đức Phanxicô đã biết về các báo cáo và nhắc lại rằng Đức Giáo Hoàng người Argentina, người đã coi việc tiếp cận những người Công Giáo LGBTQ+ là một dấu ấn trong triều đại giáo hoàng của mình, từ lâu đã khẳng định rằng “có chỗ cho tất cả mọi người” trong Giáo Hội Công Giáo.

Bruni nói: “Đức Giáo Hoàng không bao giờ có ý xúc phạm hoặc thể hiện mình bằng những thuật ngữ kỳ thị người đồng tính, và ngài gửi lời xin lỗi đến những người bị xúc phạm khi sử dụng thuật ngữ do người khác báo cáo”.

Với tuyên bố này, Bruni cẩn thận tránh xác nhận thẳng thừng rằng Đức Giáo Hoàng thực sự đã sử dụng thuật ngữ này, để phù hợp với truyền thống của Vatican là không tiết lộ những gì giáo hoàng nói sau cánh cửa đóng kín. Nhưng Bruni cũng không phủ nhận việc Đức Phanxicô đã nói điều đó.

Và đối với những người từ lâu đã ủng hộ việc hòa nhập và chấp nhận nhiều hơn những người Công Giáo đồng tính, vấn đề này còn lớn hơn chính từ ngữ đó.

“Hơn cả những lời lẽ xúc phạm mà Đức Giáo Hoàng đã thốt ra, điều gây tổn hại là việc Giáo hội định chế nhất quyết 'cấm' những người đồng tính nam làm linh mục như thể tất cả chúng ta đều không biết (và phục vụ cùng với) rất nhiều, rất nhiều linh mục tài năng, độc thân, đồng tính, ” Natalia Imperatori-Lee, trưởng khoa nghiên cứu tôn giáo tại Đại học Manhattan, nhận định.

Bà nói thêm: “Cộng đồng LGBTQ dường như là mục tiêu thường xuyên của những ‘sai lầm’ trực tiếp, ngoài ý muốn từ những người ở Vatican, bao gồm cả Giáo hoàng, những người lẽ ra phải biết rõ hơn”.

Nicole cho biết thêm: Đức Phanxicô phát biểu tại một phiên họp của Hội đồng Giám mục Ý, nơi gần đây đã thông qua một tài liệu mới phác thảo việc đào tạo các chủng sinh Ý. Tài liệu này, chưa được công bố trong khi chờ Tòa thánh xem xét, được cho là đã tìm cách mở ra một số khoảng trống trong lệnh cấm tuyệt đối của Vatican đối với các linh mục đồng tính bằng cách đưa ra vấn đề độc thân là yêu cầu hàng đầu đối với các linh mục, đồng tính hay dị tính.

Lệnh cấm của Vatican đã được nêu rõ trong một tài liệu năm 2005 của Bộ Giáo dục Công Giáo, và sau đó được lặp lại trong một tài liệu tiếp theo vào năm 2016, trong đó nói rằng Giáo hội không thể tiếp nhận vào các chủng viện hoặc phong chức cho những người đàn ông “thực hành đồng tính luyến ái, có khuynh hướng đồng tính luyến ái sâu sắc hoặc ủng hộ” điều gọi là văn hóa đồng tính.”

Chủ trương này từ lâu đã bị chỉ trích là kỳ thị người đồng tính và đạo đức giả đối với một tổ chức chắc chắn coi các linh mục đồng tính trong hàng ngũ của mình. Nhà trị liệu tâm lý quá cố Richard Sipe, một tu sĩ dòng Biển Đức từng giảng dạy trong các chủng viện Hoa Kỳ, đã ước tính vào đầu những năm 2000 rằng có tới 30% giáo sĩ Hoa Kỳ có khuynh hướng đồng tính luyến ái.

Cố Linh mục Donald Cozzens, một giám đốc chủng viện, cho biết tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn, và khẳng định trong cuốn sách “Bộ mặt thay đổi của chức linh mục” rằng giới linh mục ở Hoa Kỳ ngày càng trở thành một người đồng tính, vì rất nhiều người đàn ông dị tính đã rời bỏ chức linh mục để kết hôn và lập gia đình.

Các linh mục trong Giáo Hội Công Giáo theo nghi thức Latinh không thể kết hôn, trong khi những linh mục trong các giáo hội theo nghi lễ Đông phương thì có thể. Giáo huấn của Giáo hội cho rằng những người đồng tính phải được đối xử một cách đàng hoàng và tôn trọng nhưng hoạt động đồng tính luyến ái là “rối loạn về bản chất”.

Đức Phanxicô đã tái khẳng định mạnh mẽ lệnh cấm của Vatican đối với các linh mục đồng tính trong cuộc họp ngày 20 tháng 5 với các giám mục Ý, nói đùa rằng “đã có một bầu không khí ngu ngốc” trong các chủng viện, các phương tiện truyền thông Ý đưa tin, sau khi đưa tin ban đầu từ trang tin đồn Dagospia.

Tiếng Ý không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ của Đức Phanxicô, và Đức Giáo Hoàng người Argentina trước đây đã có những lỗi lầm về ngôn ngữ khiến nhiều người phải nhướng mày. Vị giáo hoàng 87 tuổi người Argentina thường nói chuyện thân mật, nói đùa bằng tiếng lóng và thậm chí chửi rủa lúc riêng tư.

Tuy nhiên, ngài vốn nổi tiếng trong việc tiếp cận những người Công Giáo LGBTQ+, bắt đầu từ bình luận nổi tiếng “Tôi là ai để phán xét” vào năm 2013 về một linh mục từng cố tình có một người tình đồng tính trong quá khứ. Ngà đã phục vụ những người Công Giáo chuyển giới, cho phép các linh mục ban phước cho các cặp đồng tính và kêu gọi chấm dứt luật chống đồng tính, ngài nói trong một cuộc phỏng vấn năm 2023 với Associated Press rằng “Đồng tính luyến ái không phải là một tội ác.”

Tuy nhiên, đôi khi ngài xúc phạm những người LGBTQ+ và những người ủng hộ họ, kể cả trong cùng một cuộc phỏng vấn trong đó, ngài ngụ ý rằng mặc dù đồng tính luyến ái không phải là một tội ác nhưng đó là một tội lỗi. Sau đó, ngài nói rõ rằng ngài đề cập đến hoạt động tình dục và bất cứ quan hệ tình dục nào ngoài hôn nhân giữa một người đàn ông và một người phụ nữ đều là tội lỗi trong mắt Giáo hội.

Và gần đây nhất, ngài đã ký vào một tài liệu của Vatican khẳng định rằng phẫu thuật chuyển giới là vi phạm nghiêm trọng nhân phẩm.

Thừa tác vụ Những Cách thức Mới, tổ chức ủng hộ những người Công Giáo LGBTQ+, đã hoan nghênh lời xin lỗi của Đức Phanxicô hôm thứ Ba và cho biết họ xác nhận rằng “việc sử dụng những lời nói bêu xấu là một cách nói thông tục bất cẩn”. Nhưng giám đốc của nhóm, Francis DeBernardo, đã đặt câu hỏi về nội dung cơ bản trong những bình luận của giáo hoàng và lệnh cấm nói chung đối với người đồng tính trong chức linh mục.

“Nếu không có sự giải thích rõ ràng, những lời nói của ngài sẽ được hiểu như một lệnh cấm chung chung về việc nhận bất cứ người đồng tính nào vào chủng viện,” DeBernardo nói trong một thông cáo, đồng thời yêu cầu một tuyên bố rõ ràng hơn về quan điểm của Đức Phanxicô về các linh mục đồng tính “rất nhiều người trong số họ trung thành phục vụ dân Chúa mỗi ngày.”

Andrea Rubera, người phát ngôn của Paths of Hope [Các Nẻo đường Hy vọng], một hiệp hội các Ki-tô hữu LGBTQ+ ở Ý, cho biết ông rất nghi ngờ khi lần đầu tiên đọc về những bình luận của giáo hoàng, và sau đó buồn khi không có sự phủ nhận nào từ Vatican. Ông nói, điều đó cho thấy rằng Giáo hoàng và Vatican vẫn có “cái nhìn hạn chế” về thực tại của những người LGBTQ+.

Ông nói: “Một lần nữa, chúng tôi hy vọng rằng đã đến lúc tiến hành một cuộc thảo luận trong Giáo hội nhằm đào sâu hơn vấn đề LGBT, đặc biệt là từ kinh nghiệm của chính người dân”.

‘Câu nói hớ’ đó của Đức Giáo Hoàng

D.J. Flynn, tổng biên tập của The Pillar thì gọi đó là một “câu nói hớ” (gaffe) của Đức Phanxicô và ông gọi tuyên bố của Phòng Báo chí Tòa thánh là “một lời gần như xin lỗi” về việc có người gán chữ “frociaggine” cho Đức Phanxicô khi nói về người đồng tính. Chữ này thông thường vẫn được hiểu là “faggotry”, một lời bêu xấu những người đàn ông đồng tính.

Sau khi nhắc lại tuyên bố của Ông Bruni rằng: Đức Phanxicô “không bao giờ có ý xúc phạm hoặc bày tỏ quan điểm của mình bằng ngôn ngữ kỳ thị người đồng tính”, và ngài “gửi lời xin lỗi đến những người cảm thấy bị xúc phạm khi sử dụng một thuật ngữ đã do người khác báo cáo”, Flynn nhận định như sau: “tôi đã kết hôn được gần nửa cuộc đời nên tôi biết đôi điều về lời xin lỗi”.

Và điều này thật thú vị. Tuyên bố của Vatican không nói: ‘Đức Thánh Cha hối hận vì đã sử dụng ngôn ngữ xúc phạm, khi ngài biết rằng, như Sách Giáo lý dạy, những người có ‘khuynh hướng đồng tính luyến ái sâu xa… phải được chấp nhận với sự tôn trọng, lòng trắc ẩn và sự nhạy cảm.’”

Thay vào đó, Vatican nói gần như rằng Đức Thánh Cha Phanxicô lấy làm tiếc vì một số người đã bị xúc phạm và ngài không có ý sử dụng một thuật ngữ xúc phạm - và sau đó chỉ ra rằng những người khác mới là người báo cáo việc sử dụng thuật ngữ này.

Lời xin lỗi của Vatican, theo hình thức được đưa ra, sẽ không dập tắt được một đợt tin tức khác về vấn đề này. Và trong khi những nhận xét của Đức Giáo Hoàng khẳng định cam kết của ngài đối với hướng dẫn năm 2005 của Vatican về tuyển sinh chủng viện và các ứng viên đồng tính, thì ngôn ngữ mà ngài dường như sử dụng rõ ràng là không phù hợp với các nguyên tắc “tôn trọng, từ bi và nhạy cảm”.

Nếu bạn muốn, đó là “cuộc nói chuyện trong phòng thay đồ”, dường như được thốt ra sau những cánh cửa đóng kín, và tuyên bố của Vatican không có khả năng làm giảm bớt những lời chỉ trích.

Nhưng ngoài những người (đúng) nêu lên mối lo ngại về ngôn ngữ của giáo hoàng, cũng sẽ có những người lấy tin tức để chỉ trích chính sách mà ngài đang đề cập - cụ thể là chính sách mà Giáo hội đặt ra các tiêu chuẩn, dựa trên các nguyên tắc thần học, về việc đào tạo linh mục và phong chức cho những người đàn ông xác định là người đồng tính.

Về vấn đề quan trọng đó, tôi kỳ vọng rằng nhận xét này sẽ là dịp mà một nhóm người ủng hộ giáo hoàng lâu năm - những người tin rằng giáo hoàng có thể ủng hộ một “sự thay đổi mô hình” về đạo đức tình dục và y tế – sẽ bắt đầu bày tỏ sự bất mãn của họ một cách kịch liệt hơn với Đức Phanxicô, và niềm tin của họ rằng giáo hoàng đã đánh lừa họ.

Sẽ không lâu nữa trước khi chúng ta đọc được những bài suy nghĩ trong đó các nhà bình luận thế tục và những người “cấp tiến” về mặt thần học thống khổ khi thấy triều giáo hoàng của Đức Phanxicô không bao giờ như họ mong muốn, và rằng ngài chưa bao giờ là con người mà họ đã tin tưởng.

Ở đây có một sự so sánh giữa Đức Phanxicô và Joe Biden, mặc dù đó là một sự so sánh không hoàn hảo.

Là những người Công Giáo cùng thời, cả hai đều sử dụng lối hùng biện thiên tả khiến những người bảo thủ xã hội (hoặc giáo lý) rất lo lắng. Nhưng trong các định chế của họ, cả hai vị cũng thấy một nhóm người cực tả cho rằng các vị là một phần của vấn đề chứ không phải là giải pháp và những người ngày càng lên tiếng về vễn ảnh đó.

Đối với Biden, nhóm đó được tạo thành từ những người Berniecrat (Bernie Trị] trẻ tuổi và những người khác cho rằng tổng thống đã xử lý sai nghiêm trọng cuộc chiến Gaza.

Đối với Đức Phanxicô, nhóm đó không còn trẻ nữa. Nó chủ yếu bao gồm các học giả và các loại giáo hội theo “Tinh thần Vatican II”, những người tin rằng giáo hoàng sẽ làm nhiều hơn nữa để giải quyết sự bất mãn của họ đối với Đức Gioan Phaolô II và sự lãnh đạo Giáo hội của Đức Bênêđíctô XVI.

Đối với Biden, đây là một vấn đề bầu cử và ông ấy muốn tìm cách củng cố sự ủng hộ của các đảng viên Đảng Dân chủ trẻ tuổi theo phong cách Bernie trước tháng 11, kẻo ông sẽ thấy họ ngồi ngoài trong Ngày bầu cử.

Đối với Đức Phanxicô, tất cả những điều đó chỉ là vấn đề đối với ngài nếu ngài nhìn Giáo hội dưới góc độ một định chế chính trị, và nếu ngài coi triều giáo hoàng của mình như một “chính quyền” có chương trình nghị sự, thay vì là một thời kỳ lèo lái.

Vấn đề là rất nhiều người, cả trong lẫn ngoài Giáo hội, đều nhìn nhận mọi việc theo hướng đó - và họ coi các triều giáo hoàng là cơ hội để thúc đẩy các chương trình nghị sự thần học hoặc thực tiễn của họ cho Giáo hội.

Bất cứ ai nhìn nhận một giáo hoàng theo cách này đều cần phải suy nghĩ lại. Và trong mức độ Giáo hội đã thấm nhuần tâm lý đó vào lối sống của mình thì tất cả chúng ta đều cần phải suy nghĩ lại.

Trên thực tế, trong vài thập niên tới, Giáo hội sẽ cần suy ngẫm nhiều hơn về cách chúng ta trình bày và nói về chức giáo hoàng, kẻo nó ngày càng bị đóng khung như một loại chức vụ tiên tri do một đạo sư (guru) nắm giữ - hoặc như một vị trí thuần túy chính trị, với mục đích là thúc đẩy cương lĩnh của đảng giáo hội của mình.

Chức vụ giáo hoàng là việc thực thi quyền lực gián tiếp - giáo hoàng nắm giữ chìa khóa, vì tất cả chúng ta đều chờ đợi sự tái lâm của Chúa. Và quan điểm cánh chung về giáo hoàng nên nhắc nhở chúng ta rằng vị đại diện (vicar) chủ yếu là người quản lý - công việc của ngài là truyền lại một cách trung thực những gì ngài đã nhận được, giúp nó thịnh vượng và hưng thịnh, vừa bảo tồn vừa canh tác nó, với tư cách một người làm vườn.

Trong phạm vi mà giáo hoàng nên có một “chương trình nghị sự” hoặc “một cương lĩnh”, đó là để thực hiện những điều đó.
Đó có thể là cách Đức Phanxicô nhìn ngôi vị giáo hoàng - như một người quản lý những mầu nhiệm vượt quá tầm hiểu biết của chúng ta. Có thể những người tiền nhiệm gần đây của ngài cũng đã nhìn nhận điều đó như vậy. Nhưng trong chừng mực trong Giáo hội, bất cứ ai trong chúng ta cho phép mình coi giáo hoàng như một loại Tổng thống, thì chúng ta chắc chắn sẽ thất vọng.

Một giáo hoàng không bao giờ nên có các cuộc thăm dò ý kiến trước mặt mình - và bất cứ giáo hoàng tốt nào cũng không bao giờ làm như vậy. Khán giả duy nhất mà ngài cần làm hài lòng là một - sự phán xét của Thiên Chúa Toàn Năng, Đấng mà tất cả chúng ta sẽ phải đối diện.

Lời nói gây sốc của Đức Phanxicô về các chủng sinh đồng tính trong các chủng viện Ý


Trong cuộc gặp kín với các giám mục Ý ngày 20 tháng 5, Đức Phanxicô đã nói những lời xúc phạm đến các chủng sinh đồng tính trong các chủng viện Ý.

Đức Phanxicô trong thánh lễ tại Vatican ngày 26 tháng 5 năm 2024

Chỉ trong vài giờ, tin tức đã lan khắp thế giới. Ngày 20 tháng 5, trong cuộc họp sau cánh cửa đóng kín với các giám mục Ý, Đức Phanxicô nói có quá nhiều “chủng sinh làm tình bằng hậu môn” trong các chủng viện Ý.

Chiều thứ hai 27 tháng 5, nhật báo La Repubblica đã đăng tin này. Trong chuỗi câu hỏi – trả lời kéo dài một tiếng rưỡi với 270 giám mục có mặt tại hội trường Thượng Hội đồng Vatican, hai giám mục đã đặt câu hỏi về các ứng viên chủng sinh có khuynh hướng đồng tính. Đức Phanxicô trả lời tốt hơn không nên để họ vào hàng giáo sĩ, vì theo ngài, sẽ có vấn đề khi có họ trong hàng ngũ chủng sinh, ngài nói đến “kinh nghiệm” của ngài trong việc giúp đỡ các chủng sinh trẻ, ngài nói thêm: “Nhất là đừng nói với các nhà báo về vấn đề này.”

Chính trong bối cảnh này, theo một số nhân chứng được nhật báo La Repubblica trích dẫn, ngài đã dùng từ “frociaggine” (làm tình bằng hậu môn), một từ trong tiếng lóng Ý dùng ám chỉ những người đồng tính ở Ý.

Tại Rôma, tối hôm đó một số người bảo vệ ngài cho rằng ngài dùng từ này là do ngài không nắm vững tiếng Ý. Vatican đã không phản ứng gì. Nhật báo Corriere della Sera viết: “Các giám mục cho biết rõ ràng ngài đã không nhận thức được từ này trong tiếng Ý mang tính xúc phạm như thế nào.”






Đức Phanxicô xin lỗi sau khi dùng từ ngữ xúc phạm người đồng tính


image.png

Ngày 28 tháng 5, Văn phòng Báo chí Tòa Thánh thông báo: “Giáo hoàng không bao giờ có ý xúc phạm hoặc nói những thuật ngữ kỳ thị người đồng tính, ngài xin lỗi những người cảm thấy mình bị xúc phạm khi dùng một từ ngữ do bên thứ ba báo cáo.”

Khi phát biểu sau cánh cửa đóng kín trong buổi họp khoáng đại của các giám mục Ý cách đây vài ngày, ngài đã dùng từ frociaggine (làm tình bằng hậu môn) mang tính xúc phạm của người Ý để ám chỉ các chủng sinh đồng tính trong chủng viện. Lời nói của ngài được trang web Dagospia đăng, sau đó các nhật báo La Repubblica  Corriere della Sera đăng lại.

Khó hiểu với việc “đi ra ngoài lề” này

Trong cuộc họp, Đức Phanxicô trả lời một câu hỏi liên quan đến vấn đề đồng tính trong các chủng viện đang được các giám mục Ý nghiên cứu. Trong một hướng dẫn năm 2005, Vatican kêu gọi “không nhận vào chủng viện, vào các dòng tu những người có khuynh hướng đồng tính nặng hoặc ủng hộ cái gọi là văn hóa đồng tính”. Theo nhật báo La Repubblica, Đức Phanxicô nhắc lại, ngài kiên quyết phản đối việc nhận người đồng tính vào chủng viện, sợ rằng sau này họ sẽ có “cuộc sống hai mặt” khi vẫn tiếp tục sống đời sống đồng tính của mình.

Những nhận xét này và việc ngài dùng từ ngữ có hàm ý rất xúc phạm frociaggine đã làm cho các quan sát viên ở Vatican “khó hiểu”. Trong hành lang Vatican, người ta lấy làm tiếc về “từ ngữ quá đáng” này của ngài.

Nhưng một nguồn tin Vatican tiết lộ với I.Media: “Đây không phải là biểu hiện khinh thường của ngài. Tiếng Ý không phải là tiếng mẹ đẻ của ngài, ngài có thể dùng một từ nước ngoài mang ‘ý nghĩa mà ngài hiểu’, như thế theo ngài sẽ không có hàm ý xúc phạm. Sự quá đáng đáng tiếc này không nói lên suy nghĩ của ngài. Ngài luôn có tư duy tiến bộ về việc đón nhận người đồng tính, ngài đã mở cửa.”

Vào thời điểm mà đồng tính đã thành thước đo phổ quát cho mọi thứ và mọi người, sẽ không có gì ngạc nhiên khi một lời nói, một suy nghĩ dù nhỏ nhất không phù hợp với xã hội đều bị giới truyền thông soi mói và ném đá! Quyền lực của người đồng tính nam và LGBT+ được các thế lực toàn cầu chống kitô giáo tài trợ, đó là một cỗ máy điều khiển bằng hơi nước, ai nhúng tay vào sẽ có nguy cơ tay bị nghiến nát. Còn việc nghĩ rằng có 50% linh mục đồng tính… “người ta” lấy những con số quá đáng để nói những gì họ muốn nói. Đó là tinh thần của thời đại. Nhưng “người ta” này là ai?

Đức Thánh cha lấy làm tiếc vì lời nói có vẻ bài người đồng tính luyến ái


Chiều ngày 28 tháng Năm vừa qua, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, ông Matteo Bruni, nói rằng Đức Thánh cha Phanxicô biết những bài báo nói về cuộc trao đổi của ngài với các giám mục Ý, trong cuộc họp hôm 20 tháng Năm trước đó, khi khai mạc khóa họp thứ 79 của Hội đồng Giám mục Ý và ngài cho biết: “Không bao giờ kỳ thị hoặc bài người đồng tính luyến ái. Ngài xin lỗi những người cảm thấy bị xúc phạm vì những lời này”.

Báo chí Ý và nước ngoài đưa tin Đức Thánh cha đã dùng từ “frociaggine” (pédé) trong tiếng lóng của Ý, thường có nghĩa tiêu cực, khi nói về những người đồng tính luyến ái, tái khẳng định việc không chấp nhận việc nhận những người thực hành đồng tính luyến ái vào chủng viện cũng như không chấp nhận linh mục có lối sống này.

Bối cảnh cuộc trao đổi giữa Đức Thánh cha và các giám mục Ý về vấn đề này, là tình trạng suy giảm số chủng sinh tại các chủng viện, các vị thảo luận về vấn đề có nên tỏ ra uyển chuyển về vấn đề nhận những người đồng tính luyến ái vào chủng viện hay không, và Đức Thánh cha chống lại giải pháp này, như các quy luật hiện hành trong Giáo hội quy định.

Những lời của Đức Thánh cha bị dư luận báo chí coi là ngài xem thường những người đồng tính luyến ái, khiến họ cảm thấy bị xúc phạm.

Ngoài lời thanh minh trên đây của Đức Thánh cha, ông Bruni cũng nhắc lại những lời ngài đã nói nhiều lần rằng: “Trong Giáo hội, có chỗ cho tất cả, tất cả mọi người! Không ai là vô ích, không ai là dư thừa, có chỗ cho mọi người”.

Vị Giám chức người Ý: Nhận xét của Đức Thánh Cha Phanxicô về các chủng sinh đồng tính ‘bị đưa ra khỏi bối cảnh và bị lợi dụng để gây chia rẽ’

Những nhận xét của Đức Thánh Cha Phanxicô trước Hội đồng Giám mục Ý về vấn đề đồng tính luyến ái và việc gia nhập chủng viện đã “bị đưa ra khỏi bối cảnh và bị lợi dụng để gây chia rẽ” bởi bất kỳ người nào đã tiết lộ chúng với báo chí, Phó Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý nói với nhật báo hàng đầu của Ý, Il Corriere della Sera, vào ngày 29 tháng 5.

Hôm thứ Hai, ngày 27 tháng 5, truyền thông Ý đưa tin rằng Đức Thánh Cha, trong một cuộc họp kín với các Giám mục Ý, đã sử dụng từ “frociaggine”, một từ mang ý nghĩa khinh miệt người đồng tính, trong một cuộc thảo luận về văn hóa tại các chủng viện.

“Đức Thánh Cha Phanxicô không kỳ thị người đồng tính và chưa bao giờ như vậy”, Đức Giám mục Francesco Savino thuộc Giáo phận Cassano all’Jonio, miền nam nước Ý, 69 tuổi, cho biết. Ngài đã phủ nhận điều đó, trong cuộc trò chuyện với các Giám mục Ý vào ngày 20 tháng 5, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dứt khoát nói “không” đối với việc cho phép người đồng tính gia nhập chủng viện. “Không có tiên nghiệm không” đối với họ, vị Giám chức nói. “Sự bận tâm thực sự của ngài là sự thanh thản của tất cả mọi người. Đức Thánh Cha muốn nói rằng các ứng viên [cho chức Linh mục và việc gia nhập chủng viện], dù là đồng tính luyến ái hay dị tính, phải có khả năng thực hiện tốt những lời hứa của mình về sự vâng phục, khó nghèo và khiết tịnh; yêu bằng cả trái tim và đôi bàn tay trắng”.

Hôm thứ Ba, Văn phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết trong một tuyên bố rằng: “Đức Thánh Cha Phanxicô không bao giờ có ý xúc phạm hoặc bày tỏ quan điểm của mình bằng những thuật ngữ kỳ thị người đồng tính, và ngài xin lỗi những ai cảm thấy bị xúc phạm bởi việc sử dụng một ngôn từ như vậy từ lời tường thuật của một người khác”.

Đức Giám mục Savino nói với phóng viên Vatican của Il Corriere della Sera, Gian Guido Vecchi: “Tuy nhiên, điều đau đớn là sự hiểu lầm về những gì Đức Thánh Cha nói. Ý muốn của ma quỷ, theo nghĩa đen của từ này trong tiếng Hy Lạp – dià-bollo, để gây chia rẽ…”

Đức Giám mục Savino nhắc lại rằng vào lúc bắt đầu cuộc họp hai năm một lần của Hội đồng Giám mục Ý, “các Giám mục chúng tôi đã gặp gỡ Đức Thánh Cha và chúng tôi đối thoại riêng tư với sự tự do cao độ, bởi vì chính Đức Thánh Cha bảo chúng tôi nói những gì chúng tôi đang nghĩ mà không e sợ và với sự thẳng thắn, với tinh thần ‘parrhesia’ của Tin Mừng”.

Đức Giám mục Savino cho biết ngài không biết ai trong số hơn 200 Giám mục tại phiên họp toàn thể vào ngày 20 tháng 5 đã tiết lộ những lời của Đức Thánh Cha với báo chí. Vị Giám chức đã chỉ trích sự vi phạm tính bí mật nghiêm trọng này. Tuy nhiên, Đức Giám mục Savino nói, “dù đó là ai thì họ cũng sẽ phải chấp nhận lương tâm của mình và ý thức về tinh thần hiệp đoàn với các Giám mục khác”.

Mặc dù Đức Giám mục Savino không đề cập đến việc Đức Thánh Cha Phanxicô sử dụng thuật ngữ mang tính xúc phạm, nhưng ngài giải thích rằng “cách đọc đơn phương và gây hiểu lầm” về những gì Đức Thánh Cha thực sự nói đã bị rò rỉ cho người ngoài. Và ngoài việc Đức Thánh Cha Phanxicô “đến từ Châu Mỹ Latinh và tiếng Ý không phải là ngôn ngữ của ngài”, Đức Giám mục Savino nói, đó là “một nguyên tắc thông diễn học cơ bản” mà “một từ hoặc cụm từ bị đưa ra khỏi bối cảnh mà chúng được phát âm có thể truyền tải” một thông điệp hoàn toàn khác với thông điệp thực sự”.

Đức Giám mục Savino đã cung cấp bối cảnh của những lời phát biểu của Đức Thánh Cha:

Đức Thánh Cha Phanxicô, với tư cách là một nhà giáo dục đại tài, đã nói về việc đào tạo các ứng viên cho chức Linh mục. Ngài bận tâm đến sự hạnh phúc vui tươi của vị Linh mục tương lai, dù là người đồng tính hay dị tính, bởi vì một Linh mục phải thanh thản [bình an] với chính mình, một người biết đón nhận chính mình và hạnh phúc vui tươi, và có thể truyền tải niềm vui. Và hạnh phúc cũng đi qua mối tương quan hài hòa với bản năng tính dục của chính mình.

Tháng 11 năm ngoái tại Assisi, các Giám mục Ý đã thông qua với đa số phiếu một văn bản trong đó các vị Giám chức đã phân biệt giữa “khuynh hướng” và “hành vi” đồng tính luyến ái. Trong tài liệu về việc đào tạo Linh mục, các Giám mục không cấm những người đồng tính nam gia nhập chủng viện như vậy, thay vào đó chỉ cấm những người không thể duy trì cam kết khiết tịnh.

Khi được hỏi liệu nhận xét của Đức Thánh Cha Phanxicô với Hội đồng Giám mục Ý có trái ngược với điều đó hay không, Đức Giám mục Savino trả lời: “Tuyệt đối không! Sự bận tâm của Đức Thánh Cha về cơ bản là mang tính giáo dục, theo nghĩa giáo dục con người một cách toàn diện, trọn vẹn: Bạn phải được đồng hành trong một quá trình đào tạo cho phép bạn trung thành với chức thánh của mình”. Vị Giám chức cho biết thêm: “Thật vô nghĩa khi nghĩ rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra một bài diễn văn kỳ thị người đồng tính”.

Đức Giám mục Savino nhắc lại rằng vào đầu Triều đại Giáo hoàng của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: “Tôi là ai mà phán xét?” để trả lời câu hỏi về các Linh mục đồng tính, và gần đây hơn, Đức Thánh Cha đã cho phép ban phép lành mục vụ cho các cặp đôi có quan hệ đồng giới, khiến một số người trong Giáo hội chỉ trích.

“Đức Thánh Cha luôn chú ý và tôn trọng chủ đề đồng tính luyến ái. Và từ tài liệu mục vụ đầu tiên của ngài, Tông Huấn Evangelii Gaudium’, và trong suốt Triều đại Giáo hoàng của ngài, đề xuất quan trọng luôn luôn được đưa vào”, Đức Giám mục Savino nói. Vị Giám chức nhắc lại rằng, như tuyên bố của Vatican vào hôm trước đã nói, Đức Thánh Cha Phanxicô luôn nói: “Giáo hội chào đón mọi người, tất cả mọi người, hết thảy mọi người”.

Đức Giám mục Savino xác nhận rằng tài liệu của các Giám mục Ý về việc đào tạo Linh mục đang được Tòa Thánh xem xét và đồng thời nhắc lại rằng một trong các nhóm làm việc của Thượng Hội đồng đang suy ngẫm về vấn đề này. Đức Giám mục Savino dự đoán rằng việc suy ngẫm về việc đào tạo “chắc chắn sẽ tiếp tục”. Ngài trích dẫn lời của vị Hồng y Dòng Tên nổi tiếng người Ý, Đức Tổng Giám mục Carlo Maria Martini, người đã nói: “Chính những câu hỏi, hơn là những câu trả lời, đã giúp chúng ta phát triển”.


Một nửa chủng sinh, linh mục và giám mục là người đồng tính

Dù sao đây là điều mà linh mục Dòng Tên Jos Moons khẳng định (một cách vô cớ) trên mạng Otheo, nói lên rất nhiều điều về nhận thức của chúng ta có về Giáo hội ở một số nước nói tiếng flamăng.
Mạng Otheo gồm các trang mạng Kerknet, Kerk & Leven và Halewijn.
Vì sao người đồng tính luôn bị chú ý?
Linh mục Dòng Tên Jos Moons: Thảo luận lời của Đức Phanxicô nói về người đồng tính, các chủng viện và chức linh mục, nói lời tiêu cực thì không phục vụ được ai nhưng phải đối diện với thực tế và phải có lòng biết ơn. Có rất nhiều chủng sinh, linh mục và giám mục đồng tính, theo tôi, có ít nhất một nửa trong số họ kể cả ở Hà Lan và Vatican. Đức Bênêđíctô XVI rất có thể là người đồng tính, và John Henry Newman hay linh mục Dòng Tên Gerard Manley Hopkins cũng vậy. Ngoài ra, chúng ta phải biết ơn tất cả những gì các giáo sĩ đồng tính mang lại cho Giáo hội, như linh mục Dòng Tên James Martin đã nói: họ đã chôn cất cha mẹ bạn, họ là người lắng nghe bạn trong các chuyến đi hành hương, họ là người dạy dỗ con cái bạn…
Vậy là không có vấn đề gì phải không?
Tôi nghĩ vậy. Thường xuyên nghi ngờ và quan tâm thái quá đến các linh mục đồng tính không góp phần vào sự hội nhập lành mạnh. Tránh né dường như là điều tốt nhất nên làm, vì bạn sẽ không bị từ chối, không bị tổn thương. Có thể nói vấn đề đã được giải quyết. Nhưng về mặt tâm lý, lại xảy ra điều hoàn toàn ngược lại: những gì bị che giấu luôn lộ ra. Dưới hình thức giả vờ tán tỉnh, chú ý quá mức đến hương trầm hay phẩm phục phụng vụ, có một khắc nghiệt lạnh lùng… Kể cả loại văn hóa đồng tính ngầm như Đức Phanxicô đề cập đến. Tóm lại, lời nói của ngài phản tác dụng.
Thường xuyên nghi ngờ và quan tâm thái quá với các linh mục đồng tính không góp phần vào sự hội nhập lành mạnh.
Khách quan mà nói, khó cho một chủng sinh hay một tu sĩ đồng tính sống với những người có thể thu hút họ hơn là một chủng sinh dị tính, vì họ phải luôn cảnh giác. Vì thế với những bình luận chỉ trích, giới lãnh đạo Giáo hội đang gậy ông đập lưng ông.
Vì sao luôn có sự chú ý đến người đồng tính như vậy? Chỉ cần là người đồng tính, đương sự phải luôn đối diện với những cú đập.  Suy cho cùng, người dị tính cũng có thể có “khuynh hướng sâu đậm”; chúng ta không nên nói về họ sao? Còn những linh mục có nhân tình thì sao? Thêm một lần nữa, hội nhập là con đường phải đi. Vì sao lại luôn nhấn mạnh đến giới tính? Môi trường, quan tâm đến người nghèo, tầm quan trọng của việc tiếp tục nghiên cứu thần học, sự tế nhị thiêng liêng…, tất cả những chuyện này cũng quan trọng vậy.

Đã đến lúc Đức Phanxicô hiểu được sự nguy hiểm khi nói chuyện bất cẩn

Giáo hoàng là đại diện của Chúa Kitô trên trái đất, là nhà lãnh đạo thiêng liêng của Giáo hội. Nhưng ngài có thể là người thiếu thận trọng về mặt con người.

Đức Phanxicô đã phải xin lỗi người đồng tính sau khi dùng lời lẽ khiếm nhã (frociaggine) với họ trong một cuộc họp kín với các giám mục Ý và bị trang Dagospia đưa ra; ngài dùng từ ngữ này để trả lời cho câu hỏi liệu có nên nhận người đồng tính nam vào chủng viện hay không. Dĩ nhiên người đồng tính nói chung không mấy thích.

Lời xin lỗi của Vatican rất rõ ràng: ông Matteo Bruni, giám đốc văn phòng báo chí Vatican cho biết: “Đức Phanxicô biết có các bài báo đưa tin về cuộc nói chuyện kín đáo với các giám mục Ý. Ngài không bao giờ có ý xúc phạm hoặc nói những từ ngữ kỳ thị người đồng tính, ngài xin lỗi những ai cảm thấy mình bị xúc phạm khi ngài dùng một từ ngữ của người khác đưa tin.”

Như ngài đã nói nhiều lần: “Trong Giáo hội có chỗ cho mọi người, không ai là không hữu ích, không ai là người thừa, luôn có chỗ cho tất cả mọi người. Cho tất cả chúng ta.”

Điều đáng nói ở đây, cuộc nói chuyện này trong bối cảnh một cuộc họp kín của các giám mục Ý, lý ra họ nên nhắc ngài cẩn thận trong lời nói: các giám mục cũng có những người ‘buôn chuyện’, ngài không nên ảo tưởng về chuyện này. Thêm nữa, ngài hay dùng các từ ngữ trần tục, trong cuộc gặp trước đây với các chủng sinh, ngài cũng đã gây sốc với từ ngữ thông tục của ngài. Giáo hoàng là con người, nhưng vì tiếng nói của các ngài có tiếng vang trong thế giới công giáo cũng như trên toàn thế giới, nên ngài lại càng phải cẩn thận hơn.

Về câu hỏi người đồng tính có nên được nhận vào chủng viện hay không, ngài nói dù quan trọng là phải đón nhận mọi người, nhưng rất có thể một người đồng tính có thể có nguy cơ sống hai mặt.

Điều quan trọng ở đây là phải phân biệt người đồng tính tích cực và người có khuynh hướng đồng tính. Đã có nhiều người đồng tính trong chủng viện, trong hàng giáo sĩ. Quan trọng không phải định hướng tình dục của chủng sinh, nhưng quan trọng là đời sống này thăng hoa khi họ hy sinh đời sống độc thân, không phải để làm khổ nhưng để được trọn vẹn phục vụ dân Chúa. Nhiều linh mục đã là những mục tử gương mẫu.

Điều mà Đức Phanxicô nghĩ đến là tình trạng của một số chủng viện nổi tiếng về tình trạng đồng tính mạnh mẽ trong hàng ngũ nhân viên và thành viên, các chủng sinh vô tội phải tiếp xúc với loại văn hóa đồi trụy này. Văn hóa này đã dẫn đến việc phong các linh mục sống hai mặt, thiếu chính trực về mặt thiêng liêng. Những người này không có chỗ trong Giáo hội.

Chúng ta hy vọng Đức Phanxicô sẽ cẩn thận hơn khi dùng từ ngữ thô tục và không ảo tưởng của cái gọi là nói chuyện kín đáo ở Rôma.




Tôi là linh mục đồng tính. Chúng tôi cần nhiều hơn một lời xin lỗi của Đức Phanxicô

             Đức Phanxicô tại cuộc họp mặt thường niên của các tổ chức ủng hộ gia đình tại Auditorium della Conciliazione, Rôma ngày thứ sáu 10 tháng 5 năm 2024. 


Tôi là linh mục đã công khai tuyên bố tôi thuộc về cộng đồng L.G.B.T.Q. Là người đồng tính nam, tôi bị sốc và đau buồn nghe Đức Phanxicô có lời lẽ xúc phạm khi ngài nói chuyện với các giám mục Ý. Khi biện minh cho việc từ chối người đồng tính nam vào chủng viện, ngài đã nói có quá nhiều “frociaggine, làm tình bằng hậu môn” trong các chủng viện. Chúng ta cần làm rõ lời nói này để hiểu cuộc tranh cãi. Từ này là một thuật ngữ thô tục, xúc phạm thường dùng để miệt thị người đồng tính nam.

Để trả lời, Vatican tuyên bố giáo hoàng đã biết về những báo cáo này và dù không trực tiếp xác nhận ngài đã nói từ này, nhưng vẫn thông báo: “Giáo hoàng không bao giờ có ý xúc phạm hoặc nói những thuật ngữ kỳ thị đồng tính, và ngài xin lỗi những người cảm thấy mình bị xúc phạm khi ngài dùng lại thuật ngữ của người khác đã báo cáo.”

Tôi hoan nghênh lời xin lỗi của ngài. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm vì ngài không cố ý xúc phạm. Nhưng bất kỳ quan sát viên chân thực nào cũng cho rằng việc này đã làm tổn hại nghiêm trọng đến việc ngài đã cởi mở chưa từng có với các thành viên của cộng đồng L.G.B.T.Q.

Để hiểu tầm quan trọng của việc ngài dùng từ ngữ thô tục này, chúng ta phải phân biệt giữa mục đích và tác động lời nói của ngài. Một số tìm cách hạ thấp tất cả những điều này, đó chỉ là vấn đề lựa chọn từ ngữ không may hoặc dùng một cách bất cẩn. Một số xem đây không gì khác hơn là sự hiểu biết không chính xác của một người đã lớn tuổi về một ngôn ngữ không phải là tiếng mẹ đẻ. Nhưng một số cho rằng ngài đã nói tiếng Ý từ khi còn nhỏ.

Tất cả điều này có thể đúng. Nhưng dù mục đích của ngài là gì, dùng từ ngữ như vậy là mất nhân tính. Những lời nói xấu và những từ xúc phạm có lẽ quá dễ dàng cho những người không phải là người trong cuộc nên họ bỏ qua. Nhưng xin đừng nhầm: những lời nói xúc phạm hạ thấp nhân tính của một nhóm thiểu số tình dục. Chúng khiến chúng ta phải xem lại nhân tính của mình.

Hơn nữa, tác hại còn vượt xa những người bị xúc phạm trực tiếp vì lời nói kỳ thị người đồng tính này là của giáo hoàng. Việc ngài dùng ngôn ngữ như vậy nhằm hỗ trợ cho các chính sách công làm nguy hiểm cuộc sống của các nhóm thiểu số tình dục trên thế giới. Những người tìm cách loại những người đồng tính nam, đồng tính nữ và chuyển giới khỏi đời sống xã hội và khỏi sự bảo vệ pháp lý có thể –họ sẽ nhận được khuyến khích trong những lời của giáo hoàng.

Đúng, tôi biết Đức Phanxicô đã kêu gọi phi hình sự hóa đồng tính. Tuy nhiên, việc ngài dùng từ ngữ xúc phạm không thể làm giảm đi thông điệp của ngài: tất cả đều có “phẩm giá vô hạn” cần được mọi người tôn trọng. Chúng ta cần nhiều hơn một lời xin lỗi.

Các câu hỏi và các vấn đề khác

Lời xin lỗi của ngài tuy được hoan nghênh và cần thiết, nhưng lại đặt ra nhiều câu hỏi và mối lo ngại hơn nữa. Thứ nhất, những nhận xét này được đưa ra trong bối cảnh thảo luận về việc người đồng tính nam công khai có nên được nhận vào chủng viện hay không. Một số cho rằng Đức Phanxicô chỉ đơn giản nhắc lại chính sách chính thức của Giáo hội đã được Vatican làm rõ năm 2005 và khẳng định lại năm 2016.

Tuy nhiên, chính sách này của Vatican đã bỏ qua thực tế là hiện nay luôn có nhiều giám mục và linh mục đồng tính trung thành và quảng đại phục vụ Giáo hội. Việc từ chối người đồng tính nam vào chủng viện ngụ ý những người này có những khiếm khuyết hoặc thiếu sót về mặt đạo đức mà người đàn ông dị tính không mắc phải. Chính sách này cho rằng có một mức độ tội lỗi hoặc thiếu đạo đức ở những người đồng tính nam mà những người đàn ông dị tính không có, điều đó sẽ tự động loại những người đồng tính nam khỏi chức tư tế.

Tuy nhiên, kinh nghiệm hơn 40 năm làm linh mục của tôi cho thấy điều này không đúng. Mọi người thuộc mọi khuynh hướng tình dục đều sống độc thân tốt. Các linh mục thuộc mọi khuynh hướng tình dục có khi phải đấu tranh với việc sống độc thân. Đôi khi những cuộc đấu tranh này làm nảy sinh tai tiếng, kể cả giáo sĩ đồng tính và dị tính. Và “những nhóm buôn chuyện khép kín” – điều mà một số Tiểu bang thực sự lo ngại đằng sau việc Đức Phanxicô dùng từ ngữ xúc phạm – không phải chỉ dành riêng cho những người đồng tính nam. Lệnh cấm hoàn toàn với tất cả những người đồng tính nam cũng không phải là giải pháp chính đáng cho một vấn đề như vậy.

Khuynh hướng tình dục không phải là vấn đề quyết định tính hiệu quả của mục vụ, cũng không phải là lý do duy nhất để loại người muốn vào chủng viện hay vào nhà dòng.

Vấn đề sâu đậm nhất

Nếu ai cũng biết có nhiều người đồng giới phục vụ Giáo hội một cách có trách nhiệm trong tư cách là người lãnh đạo được phong chức, thì vấn đề thực sự là gì? Tôi nghĩ cuộc tranh cãi về việc giáo hoàng dùng từ ngữ làm mất nhân tính và việc công khai từ chối nhận người đồng tính vào chủng viện cho thấy một vấn đề sâu sắc nhất trong Giáo hội: Những người đồng tính nam, đồng tính nữ, song tính, chuyển giới và đồng tính có hoàn toàn bình đẳng với nhau trong nhiệm thể Chúa Kitô không? Sự tranh cãi về nhận xét của Đức Phanxicô đã phản ánh câu trả lời: hiển nhiên là chưa.

Đức Phanxicô hay nói “mọi người” đều được chào đón trong Giáo hội, vòng ôm của Giáo hội mở ra cho tất cả mọi người. Trong những Ngày Thế Giới Trẻ, ngài đã nói: “Tất cả, tất cả, tất cả.” Nhưng những lời của ngài và chính sách của Vatican về việc nhận chủng sinh vào chủng viện cho thấy tất cả đều có thể được đón nhận nhưng không được đón nhận như nhau. Hoặc chỉ đón nhận với điều kiện họ phải chấp nhận có điều gì đó thiếu sót ở họ, ngay cả khi họ sống độc thân. Và nếu họ được chịu chức, thì họ sẽ không được công khai thừa nhận giới tính của mình.

Điều này thu hút sự chú ý đến một câu hỏi khác đằng sau nhận xét của giáo hoàng: Giáo hội thực sự có thể đón nhận như thế nào khi Giáo hội chính thức mô tả tình dục không dị tính là “rối loạn khách quan”, một từ ngữ tập trung vào tình trạng đạo đức của các hành vi tình dục hơn là vào hiểu biết chính mình của những người mà Giáo hội mô tả?

Nếu chúng ta thực sự nghĩ rằng tính dục  của những người L.G.B.T.Q. “thấp kém hơn” các hình thức tính dục khác, thì việc dùng những lời nói xấu, lăng mạ và các hình thức hạ thấp nhân phẩm khác cũng không có gì đáng ngạc nhiên. 

Từ đó chúng ta sẽ đi đến đâu?

Trong một phỏng vấn về chủ đề này, một phóng viên BBC đã hỏi tôi một câu hỏi cá nhân: là linh mục đồng tính, cha có gặp khó khăn với cách lãnh đạo của cấp trên của cha không? Và giáo hoàng phải làm gì để phục hồi lại những thiệt hại do những nhận xét của ngài gây ra?

Tôi trả lời rằng tôi không biết bất kỳ nhóm L.G.B.T.Q nào. Người công giáo không đấu tranh cho vị trí của mình trong Giáo hội. Tôi cảm thấy bị sốc, thậm chí có phần bị phản bội, khi một giáo hoàng nói như vậy với những người như tôi, dù tôi chấp nhận ngài không ác ý. Tôi xin nhắc lại, để hiểu tầm quan trọng của sự kiện này, chúng ta phải nhận ra sự khác biệt giữa mục đích và tác động lời nói của ngài.

Dù vậy tôi nghĩ, nguyên do của những chuyện này một phần là do đã có sự cởi mở mới trong Giáo hội. Mọi giáo phái kitô giáo hiện nay đã có lập trường chấp nhận hoàn toàn với người L.G.B.T.Q., trước đây các giáo sĩ đồng tính bị loại trừ. Trong những nhà thờ này, những mục tử không phải là người dị tính phải làm việc với tư cách là người có khiếm khuyết về mặt đạo đức và tâm lý. Họ thường bị nghi ngờ và thậm chí bị ra khỏi sứ vụ.

Tuy nhiên, đó là do các mục tử này vẫn tiếp tục phục vụ nhà thờ của họ và phục vụ người L.G.B.T.Q. Các tín hữu tiếp tục thuộc về Giáo hội bất chấp sự phản đối chính thức mà họ phải đối diện, cộng đồng đức tin của họ đã có được những hiểu biết chính xác hơn về tình dục con người và cái nhìn sâu sắc hơn về sức mạnh của Thánh Linh trong Giáo hội.

Nói cách khác, điều làm cho tôi được an ủi là Giáo hội công giáo đang trải qua những cuộc đấu tranh tương tự mà các tổ chức Tân giáo, Lutheran, Methodist, Presbyterian và các tín ngưỡng kitô giáo khác đã phải chịu đựng khi họ đấu tranh với những hiểu biết sâu sắc hơn về tình dục con người. Tôi cảm thấy an ủi vì những thử thách như vậy là một phần của quá trình thay đổi đôi khi buồn bã và lộn xộn nhưng cần thiết. Những gì chúng ta đang trải qua là những cơn đau đẻ khi chúng ta ngày càng trung thành sâu đậm hơn với Thần Khí của Chúa.

Vậy tôi nghĩ giáo hoàng nên làm gì? Tôi nghĩ giáo hoàng cần trực tiếp lắng nghe và cởi mở với các linh mục đồng tính, những người trung thành phục vụ dân Chúa. Ngài cần đồng hành với chúng tôi, cảm nhận đàn chiên của ngài và của Chúa. Ngài cần nghe những niềm vui và thử thách của chúng tôi, chăm sóc nỗi đau cũng như những toại nguyện sâu đậm của chúng tôi. Ngài cần được truyền cảm hứng từ lòng trung thành anh hùng của chúng tôi. Và chúng tôi cần được ngài truyền cảm hứng, lắng nghe quan điểm của ngài là người dấn thân phục vụ dân Chúa.

Một tấm gương đồng hành sâu sắc của đồng nghị và sự lắng nghe thiêng liêng sẽ có tác dụng chữa lành cho Giáo hội nhiều hơn là những lời xin lỗi trong thông cáo báo chí của giáo hoàng. Lắng nghe tiếng nói của chúng tôi sẽ là một bước quan trọng để trở thành một Giáo hội nơi tất cả mọi người đều thực sự được chào đón.


Lo âu và hy vọng của Đức Hồng y Müller về Thượng Hội đồng Giám mục



Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Kai của Công giáo Ba Lan, truyền đi ngày 29 tháng Năm vừa qua, Đức Hồng y Gerhard Müller, người Đức, nguyên Tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin, tái phê bình Con đường Công nghị ở Đức, đồng thời bày tỏ lo âu và hy vọng về Thượng Hội đồng Giám mục thứ XVI sẽ nhóm khóa hai, vào tháng Mười năm nay tại Roma.
Cha Stanislaw Tasiemski, Dòng Đa Minh, của hãng Kai, hỏi Đức Hồng y: trong giai đoạn hiện nay, các Hội đồng Giám mục trên thế giới đang gửi phúc trình về Văn phòng Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục. Trong phúc trình, Hội đồng Giám mục Đức nhấn mạnh yêu cầu đã được Con đường Công nghị của Giáo hội này đề ra, trong đó có việc truyền chức linh mục cho phụ nữ, tự do hóa luân lý tính dục và để cho giáo dân bình quyền với các giám mục trong việc quyết định về Giáo hội. Vậy theo Đức Hồng y, chúng ta đang ở đâu và đâu là hy vọng và lo sợ về tiến trình Thượng Hội đồng Giám mục hiệp hành trong Giáo hội hoàn vũ?

Đức Hồng y Müller nhận định rằng những yêu cầu này chứng tỏ chúng ta hoàn toàn bị tục hóa, và một lần nữa Giáo hội lại bị coi như một tổ chức Phi chính quyền (NGO), trong đó chương trình được tự do thay đổi tùy theo những người bỏ phiếu. Những vấn đề cha vừa nêu lên đã được giải quyết và là kết quả của chính mạc khải, từ bản chất của bí tích truyền chức thánh, và chúng ta phải chống lại sự tự tục hóa và tự hủy hoại Giáo hội bằng mọi cách. Thượng Hội đồng Giám mục không phải là một nghị viện và không thể có một sự áp đặt ý kiến tùy theo đa số, được các giám mục Áo và Đức gửi về Thượng Hội đồng Giám mục. Điều này không có nghĩa là chúng ta có thể thực hiện sự thay đổi tùy theo quyết định của đa số, và Đức Giáo hoàng có thể quyết định như ngài muốn, với quyền bính hoàn toàn tách khỏi Giáo hội. Chính Đức Giáo hoàng cũng đã nhiều lần lặp lại lập trường của ngài là không có chức phó tế và linh mục cho phụ nữ. Cũng cần phải nói thêm rằng điều này không tùy thuộc ý kiến cá nhân của Đức Giáo hoàng, nhưng có những tiêu chuẩn khách quan để trả lời cho những câu hỏi cha vừa nêu lên”.

Cha Tasiemski cũng nêu nhận xét với Đức Hồng y Müller, đó là có những tiếng nói từ Đức nêu rõ: những luận đề, những đề nghị được trình bày trong phúc trình của các giám mục Đức gửi về Roma không để ý đến ý kiến của mọi tín hữu Công giáo, nhiều nhóm bị gạt ra ngoài.

Đức Hồng y Müller nhấn mạnh rằng Con đường Công nghị ở Đức không hề đại diện cho giáo dân, mà chỉ là ý kiến của một nhóm nhỏ các viên chức. Nhưng kể cả trường hợp họ đại diện cho đa số giáo dân, thì điều này cũng không tạo nên sự thay đổi, vì giáo huấn của Giáo hội không phải là kết quả của một cuộc thăm dò các ý kiến của con người, nhưng là một sự diễn tả Lời Chúa và mạc khải, đó là điều quan trọng. Đức tin không thể sánh ví với một thực đơn trong quán ăn mà người ta có thể chọn món mình thích. Thật là một sai lầm cơ bản. Đức tin đến từ Lời Chúa và Chúa Kitô đã thiết lập một đoàn các môn đệ gọi là mười hai tông đồ, và đây là kiểu mẫu của chức linh mục bí tích. Giám mục, linh mục đại diện Chúa Kitô, như hôn phu đối với Giáo hội là hôn thê. Biểu tượng này ngụ ý rằng chỉ có người nam thi hành sứ vụ linh mục. Chúng ta hãy nhớ rằng Chúa Giêsu, là Lời của Thiên Chúa, nhận lấy nhân tính như một người nam. Nhưng sự nhập thể của Ngôi Lời chỉ có thể xảy ra qua một người nữ. Chỉ có Mẹ Maria có thể sinh ra Con Thiên Chúa như một người, chứ không phải là người nam.”

Đức Hồng y Müller đặc biệt nhấn mạnh rằng: “Con đường của Giáo hội cũng là con đường của đoàn chiên nhỏ, bị thế gian bách hại, nhưng tiếp tục ở bên Chúa Giêsu Kitô, con đường sự thật. Chính Chúa Kitô là đường, là sự thật và là sự sống. Đó không phải là con đường công nghị của một số viên chức gặp gỡ nhau trong khách sạn năm sao”.



⛪⛪⛪⛪⛪



Hôm thứ Hai (27/5/2024), Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc lại tầm quan trọng của sự hợp tác chặt chẽ giữa Giáo Hội Công Giáo và Phật giáo để giải quyết những thách đố cấp bách mà thế giới đang tan vỡ của chúng ta phải đối diện.

ĐTC chào đón phái đoàn khoảng 100 thiền sư Phật giáo đến từ chùa Wat Phra Cetuphon ở Bangkok, Thái Lan, Ngài bày tỏ lòng biết ơn và đánh giá cao sâu sắc về “tình hữu nghị lâu dài” và sự sẵn sàng hợp tác cùng nhau “để mang lại tia hy vọng” cho nhân loại đang bị tổn thương ngày nay.

Cùng nhau chữa lành vết thương cho nhân loại và trái đất

Trong bài phát biểu với các Thiền sư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc lại “sự chào đón và lòng hiếu khách đặc biệt” mà ngài đã nhận được trong chuyến tông du Thái Lan vào năm 2019 và gần đây, trong cuộc Hội thảo chuyên đề Phật giáo-Kitô giáo lần thứ bảy được tổ chức tại Bangkok vào tháng 11 năm ngoái, nơi quy tụ 150 thiền sư tham gia đến từ nhiều nơi ở châu Á để học hỏi về chủ đề “Karuna và Agape trong cuộc đối thoại nhằm chữa lành vết thương nhân loại và Trái đất”.

ĐTC đặc biệt đề cập đến tuyên bố cuối cùng của cuộc Hội thảo, trong đó những người tham gia “có nguồn gốc sâu xa từ truyền thống tôn giáo tương ứng của họ” cam kết “làm việc cùng với mọi người” để “mang lại tia hy vọng cho một nhân loại đang tuyệt vọng” giữa những “bóng mây tăm tối” đang che phủ thế giới ngày nay.

“Hôm nay nhân loại và Trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta, thực sự bị tổn thương! Biết bao cuộc chiến, biết bao con người đã mất tất cả và phải chạy trốn. Rất nhiều trẻ em bị ảnh hưởng vì bạo lực.”

Không ai được cứu một mình

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập đến ba điểm chính được nhấn mạnh trong cuộc Hội thảo, điểm đầu tiên là “không ai được cứu một mình và ”chúng ta chỉ có thể cùng nhau được cứu, vì chúng ta liên kết với nhau và phụ thuộc vào nhau”.

Trước sự thật đó, ngài kêu gọi các thiền sư “hãy tiếp tục làm việc cùng nhau”: xã hội dân sự, thành viên của các tôn giáo khác, chính phủ, tổ chức quốc tế, cộng đồng học thuật và khoa học và tất cả các bên liên quan khác “để thúc đẩy tình hữu nghị duy trì hòa bình và tình huynh đệ và xây dựng một thế giới hòa nhập hơn.”

Chăm sóc lẫn nhau và cho môi trường

Hội nghị chuyên đề ở Thái Lan nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giáo dục mọi người, đặc biệt là giới trẻ và trẻ em, “trong việc quan tâm và chia sẻ các mối quan hệ với nhau và với môi trường” cũng như việc cầu nguyện và thiền định “có thể đảo lộn mọi thứ bằng cách thanh lọc trái tim và tâm trí của chúng ta”; tạo ra lòng nhân ái, lòng thương xót và sự tha thứ cho những nơi có hận thù và trả oán, tạo ra tinh thần tôn trọng và quan tâm đến người khác và trái đất”.

Tiếp tục thúc đẩy đối thoại và hợp tác với Giáo Hội Công Giáo

Về vấn đề này, Đức Thánh Cha Phanxicô khen ngợi một sự kiện đại kết cầu nguyện mà các thiền sư tham gia vào thứ Ba (28/5/24) tại Vương cung thánh đường Đức Mẹ Maria (Santa Maria) ở quận Trastevere Rôma.

Kết luận, Đức Thánh Cha chân thành cám ơn các thiền sư Phật giáo Thái Lan vì chuyến viếng thăm của họ và khuyến khích họ “tiếp tục thúc đẩy việc đối thoại và hợp tác, đặc biệt với Giáo Hội Công Giáo ở Thái Lan, trên tinh thần hữu nghị lâu dài”.


Đức Thánh cha tiếp phái đoàn Phật giáo Thái Lan


Trong buổi tiếp kiến dành cho phái đoàn Phật giáo Thái Lan, sáng ngày 27 tháng Năm vừa qua, Đức Thánh cha Phanxicô cổ võ sự cộng tác để xây dựng một thế giới bao gồm hơn.
Phái đoàn đến từ Wat Phra Chetuphon, quen gọi là Chùa Pho, thuộc hàng quan trọng nhất trong số các Chùa Hoàng gia Thái Lan, do Vua Rama I Đại đế truyền xây cất để các tăng sĩ học Phật pháp. Chùa này được coi là Đại học đầu tiên ở Thái Lan. Trong chùa có pho tượng Phật nằm được hoàn thành dưới thời Vua Rama III. Tượng Phật phủ vàng dài 46 mét và cao 16 mét. Dưới mỗi bàn chân có 108 hình ảnh cát tường, được trang trí bằng ngọc trai, biểu tượng của một vĩ nhân theo nguyên tắc của Ấn Độ.

Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh cha gợi lại cuộc viếng thăm ngài thực hiện ở Thái Lan, từ ngày 20 đến ngày 23 tháng Mười Một năm 2019 và sự tiếp đón đặc biệt mà Hòa thượng Tăng Thống Thái đã dành cho ngài.

Đức Thánh cha cũng nhắc đến cuộc hội thảo lần thứ VII giữa Phật giáo và Kitô giáo tại Thái Lan hồi tháng Mười Một năm ngoái, với sự tham dự của hơn 150 người đến từ nhiều nơi ở Á châu, và bàn luận về đề tài: “Karuna và Agape, Từ bi và Bác ái đối thoại để chữa lành nhân loại bị thương tích và trái đất. Đúng vậy, ngày nay nhân loại chúng ta và trái đất, căn nhà chung của chúng ta thực sự bị thương tích! Bao nhiêu chiến tranh, bao nhiêu người bị mất mọi sự, buộc lòng phải chạy trốn. Bao nhiêu trẻ em bị bạo lực. Nhưng như anh em đã nhấn mạnh trong cuộc hội thảo rằng: “Chúng tôi mạnh mẽ tin rằng giữa những đám mây đen, những người có căn cội sâu xa trong các truyền thống tôn giáo liên hệ và sẵn sàng cộng tác với nhau, thì có thể mang lại một tia sáng hy vọng cho nhân loại đang tuyệt vọng”.

Đức Thánh cha nêu bật vài kết luận của cuộc hội thảo vừa nói để khuyến khích sự cộng tác giữa tất cả mọi người với nhau, mọi thành phần trong xã hội và tôn giáo. Tiếp đến là cần giáo dục mỗi người, đặc biệt là những người trẻ và trẻ em, quan tâm chăm sóc tha nhân và môi trường. Sau cùng là các tham dự viên cuộc hội thảo đã khẳng định: “Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng cầu nguyện và tịnh niệm có thể lật ngược tình thế, thanh tẩy tâm trí chúng ta, tạo nên sự dễ mến, lòng thương xót, tha thứ thay vì báo thù, kiến tạo một tinh thần tôn trọng và chăm sóc đối với tha nhân và trái đất”.

Sau cùng, Đức Thánh cha cho biết ngài hài lòng vì ngày 28 tháng Năm, phái đoàn Phật giáo Thái cũng tham dự buổi cầu nguyện, tại Vương cung thánh đường Đức Mẹ Maria, bên kia sông Tevere ở Roma. Buổi cầu nguyện này do Cộng đồng thánh Egidio tổ chức.


Đức Thánh Cha Phanxicô ngỏ lời với các Phật tử: ‘Chúng ta hãy cùng nhau làm việc vì một thế giới hòa nhập hơn’









Trong vòng vài ngày, hai linh mục ở Nigeria bị bắt cóc



Trong vòng vài ngày, có hai linh mục bị bắt cóc tại Nigeria bên Phi châu. Sau vụ cha Basil Gbuzuo bị bắt cóc ngày 15 tháng Năm vừa qua, tại bang Anambra, nay đến lượt cha Oliver Buba, thuộc Giáo phận Yola, bang Adamawa.

Đức cha Stephen Dami Mamza, Giám mục Giáo phận Yola sở tại, ra thông cáo cho biết lúc 1 giờ đêm ngày 21 tháng Năm, tại phòng ăn của nhà xứ Santa Rita, ở mạn đông bắc Nigeria, cha Buba bị bắt cóc.

Những tin tức này chứng tỏ nạn bắt cóc người để đòi tiền chuộc mạng ngày càng trở thành một tội ác lan tràn ở Liên bang Nigeria, kể cả những vụ bắt cóc tập thể, mà nạn nhân thường là các học sinh sinh viên. Ví dụ, ngày 09 tháng Năm trước đó, tại Osara, thuộc bang Kogi, những kẻ võ trang đã tràn vào thính đường đại học kỹ thuật ở địa phương và bắt cóc 24 sinh viên. 15 người trong số này đã được giải thoát sau một cuộc đụng độ giữa băng đảng này với cảnh sát.

Theo ông Cristian Munduate, đại diện của Tổ chức Unicef, Nhi đồng quốc tế, ở Nigeria, trong mười năm qua, từ vụ bắt cóc 276 nữ học sinh ở Chibok, trong đêm 14 rạng ngày 15 tháng Tư năm 2014, đã có hơn 1.680 nam nữ học sinh bị bắt cóc trong nhiều vụ tấn công trường học. Theo ông Munduata, những vụ tấn công như thế, tổng cộng là hơn 70 vụ, đã gây thiệt hại nặng nề cho nhân viên học đường, với tổng số 60 người bị bắt cóc và 14 người chết.


Minh Nguyen Quang

unread,
Jun 8, 2024, 1:14:12 AMJun 8
to alphonsefamily
8/6/2024

Một người chuyển giới có thể là ẩn tu sống trong một thế giới riêng biệt không? Đó là câu hỏi đặt ra cho giáo phận Lexington, tiểu bang Kentucky, Mỹ. Từ nhiều năm nay, giám mục giáo phận đã dung thứ tình trạng của đan sĩ Christian Matson, người trước đây là phụ nữ nhưng sống như một người đàn ông ở một tịnh cốc riêng tư.

Vào giữa tháng 5 năm 2024, Hãng tin công giáo CNA đưa tin, ẩn sĩ Christian Matson sống tại giáo phận Lexington là người chuyển giới, ông là phụ nữ khi sinh ra nhưng cách đây vài năm ông chuyển giới thành đàn ông.

Sau tiết lộ này, giám mục John Eric Stowe, giáo phận Lexington đã công bố một tuyên bố để làm rõ tình hình: “Suốt một thời gian dài, Christian Matson đi tìm sự thánh thiện nơi cuộc đời Chúa Kitô trong một Giáo hội sống động, sống theo lời khấn khó nghèo, khiết tịnh và vâng lời.”  Ông không xin phong chức nhưng theo một quy tắc sống giúp ông tự túc sống, tiếp tục công việc nghệ thuật và sống ẩn tu trong một tịnh cốc riêng. Bản thông cáo cho biết: “Cuộc sống của thầy Christian là chứng từ của tinh thần tông đồ, chính trực và cầu nguyện cho Giáo hội.”

Sự dung thứ của giám mục trong trường hợp này đã nhanh chóng gây tranh cãi, đặc biệt sau tuyên bố  Phẩm giá con người (Dignitas infinita) của Vatican lên án mạnh mẽ hệ tư tưởng giới. Theo những người chỉ trích, đây là chủ đề tạo hoang mang và tai tiếng cho tín hữu.

Sự công khai của Matson có nguy cơ tạo hoang mang trong đầu óc người công giáo về quan điểm của Giáo hội trong vấn đề chuyển giới.  Các ông các bà có thể sống ẩn tu trong đan viện, nhưng xem một phụ nữ như một tu sĩ nam sẽ làm người tín hữu mất định hướng, như thể không có mâu thuẫn giữa học thuyết công giáo và ý thức hệ giới tính. 

Tông huấn Phẩm giá con người  ghi nhận mọi cố gắng để thay đổi giới tính đều đe dọa đến phẩm giá duy nhất mà con người đã nhận từ khi thụ thai.

Vấn đề cần biết là làm sao tu sĩ Matson có thể đi ngược lại với giáo lý của Giáo hội một cách công khai như vậy.

Tiếp tục có những chia rẽ trong Chính thống giáo


Tòa Thượng phụ Chính thống Nga tuyên bố ngưng hiệp thông với năm giám mục Chính thống, tại Bulgari, sau khi các vị này đồng thế thánh lễ với hai giám mục đã bị Chính thống Nga coi là ly giáo.

image.png


Quan hệ giữa Chính thống Nga và Chính thống Bulgari vốn đã bị rạn nứt vì chiến tranh Ucraina.

Hôm 30 tháng Năm vừa qua, Thánh Hội đồng, tức là cơ quan điều hành Giáo hội Chính thống Nga (KOK) đã quyết định cắt đứt sự hiệp thông với Hàng giáo phẩm Chính Thống Bulgaro, như trang mạng “Chính thống Thời báo” (Orthodox Times) đưa tin.

Quyết định này là một phản ứng của Chính thống Nga đối với thánh lễ chung ngày 20 tháng Năm mới đây tại Istanbul. Thổ Nhĩ Kỳ, giữa các giám mục Chính thống Bulgari với hai giám mục Chính Thống Ucraina bị Nga coi là ly giáo, và dưới quyền chủ tọa của Đức Thượng phụ Bartolomaios I, Giáo chủ Chính thống Constantinople. Tòa Thượng Phụ Chính Thống Nga cũng trách cứ Đức Thượng phụ Bartolomaios “tiếp tục có biện hành đào sâu sự chia rẽ trong Chính Thống giáo”.

Đức Thượng phụ Bartolomaios là Giáo chủ danh dự của toàn Chính thống giáo. Ngài đứng đầu nhưng không có quyền gì trên mười tám Giáo hội Chính thống khác. Hồi đầu năm 2019, ngài công nhận Giáo hội Chính thống Ucraina được quyền độc lập (Autokephalie), tách rời khỏi Giáo hội Chính thống Nga.

Tại Ucraina, có hai Giáo hội Chính thống: một là Chính thống Ucraina độc lập (UOK) và một Giáo hội Chính Thống thuộc Chính thống Nga (OKU). Cộng đồng thế giới không có lập trường chung về vấn đề này. Sau khi Đức Thượng phụ Bartolomaios công nhận quyền tự lập của Chính thống Ucraina, sự hiệp thông giữa Chính thống Mascơva và Constantinople cũng bị cắt đứt.


Hội nghị thường niên năm 2024 của Hiệp hội các nhà khoa học Công giáo sẽ nói về trí tuệ nhân tạo

Hội nghị thường niên của Hiệp hội các nhà khoa học Công giáo sẽ diễn ra từ ngày 7 đến ngày 9/6/2024 tại Chủng viện Mundelein phía tây bắc Chicago. Hội nghị sẽ bàn thảo đến các vấn đề như "Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo nói gì về linh hồn con người? Con người có thực sự có ý chí tự do không? Điều gì khiến những người có đầu óc khoa học chuyển sang Kitô giáo?

Stephen Barr, tiến sĩ vật lý tại Đại học Delaware và là người sáng lập nhóm, nói với trang tin CNA rằng nhóm đã phát triển lên hơn 2.000 thành viên trên toàn thế giới kể từ khi thành lập vào năm 2016, với hội nghị thường niên đầu tiên diễn ra vào năm 2017.

Hiệp hội các nhà khoa học Công giáo

Trên trang web của hiệp hội, tổ chức này tự mô tả mình như một câu trả lời cho lời mời gọi của Thánh Gioan Phaolô II rằng “các thành viên của Giáo hội, những nhà khoa học tích cực”, hãy phục vụ những người đang cố gắng “hội nhập thế giới khoa học và tôn giáo vào đời sống trí tuệ và tinh thần của chính họ”.

Ngoài việc kết nối các thành viên với các cơ hội và nguồn lực mà họ cùng quan tâm, nhóm còn tìm cách cung cấp các nguồn tài nguyên giáo dục cho những người không phải là thành viên bằng cách cung cấp trên trang web của mình câu trả lời cho các câu hỏi phổ biến liên quan đến đức tin và khoa học.

5 trong số 13 bài phát biểu dự kiến tại hội nghị sắp tới, một cách nào đó, nói về chủ đề trí tuệ nhân tạo, một chủ đề nóng cả trong thế giới thế tục lẫn thế giới Công giáo. Trong những năm gần đây, Vatican đã nhấn mạnh đến việc sử dụng trí tuệ nhân tạo một cách có đạo đức, trong khi một số người Công giáo trên khắp thế giới đang nỗ lực phát triển các công cụ giáo lý mới sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo cho mục đích chia sẻ đức tin Công giáo.

Những chủ đề nổi bật

Tiến sĩ Barr cho biết một trong những bài nói chuyện liên quan đến trí tuệ nhân tạo mà ông hào hứng nhất là bài được trình bày bởi Alexander Pruss, một nhà triết học và toán học tại Đại học Baylor, về chủ đề trí tuệ nhân tạo và linh hồn con người.

Những chủ đề nổi bật khác sẽ bao gồm bài nói chuyện của Martin Nowak, một nhà toán học sinh học nổi tiếng của Harvard, về chủ đề “Tiến hóa có dẫn đến Chúa không?”; Suzanne Bohlson, giáo sư sinh học tại Đại học California-Irvine, sẽ nói về cách thức và lý do tại sao các nhà khoa học chuyển sang Kitô giáo và bản chất của đức tin. Các bài thuyết trình khác sẽ tập trung vào các chủ đề như sự tồn tại của ý chí tự do và vấn đề cái ác.




Đức Sứ thần tại Đức: Không thảo luận về việc truyền chức linh mục cho phụ nữ


Đức Tổng giám mục Nikola Eterovic, Sứ thần Tòa Thánh tại Đức, tuyên bố rằng vấn đề truyền chức linh mục cho phụ nữ là một vấn đề đã được giải quyết, chứ không phải là một vấn đề còn bỏ ngỏ, đối tượng của những tranh luận.


image.png

Đức Tổng giám mục Nikola Eterovic

Đức Tổng giám mục Eterovic, người Croát, tuyên bố như trên hôm 31 tháng Năm vừa qua, với phái viên báo “Die Tagespost”, bên lề Đại hội Công giáo Đức, tiến hành tại thành phố Erfurt. Ngài nói: Đức Thánh cha Phanxicô đã lập lại nhiều lần rằng quyết định của thánh Gioan Phaolô II Giáo hoàng về việc Giáo hội không có quyền truyền chức linh mục cho phụ nữ vẫn hiệu lực. Tông thư của thánh nhân “Ordinatio sacerdotalis”, Truyền chức linh mục, ban hành năm 1994. vẫn giữ nguyên giá trị.

Trong thực tế, gần đây, đặc biệt là Con đường Công nghị của Công giáo Đức tiếp tục yêu cầu Giáo hội truyền chức thánh cho nữ giới.

Trong thánh lễ ban sáng, tại tu viện dòng nữ tu Ursuline ở Erfurt, Đức Sứ thần Tòa Thánh tại Đức khuyến khích các tín hữu Kitô làm chứng về đức tin của mình và mời gọi họ hãy kiên vững trong đức tin giữa một thế giới bị tục hóa. Ngài nói: “Nếu không có đức tin, chúng ta lạc hướng. Chúng ta cần cởi mở với Thiên Chúa để đức tin có thể tăng trưởng trong tâm hồn chúng ta”.

Cụ thể, Đức Tổng giám mục cũng cỗ võ các tín hữu thực hành cầu nguyện, suy niệm và đọc Kinh thánh, kính mến Thiên Chúa và tha nhân, cũng như làm chứng tá sống động.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Tổng giám mục Eterovic nói thêm rằng các tín hữu ở miền Đông Đức, tuy là thiểu số, nhưng vẫn có một vai trò trong gia đình và xã hội, chứng tỏ cho tha nhân điều chúng ta tin tưởng và cho thấy chính đức tin hướng dẫn chúng ta.

Miền Đông Đức chịu ảnh hưởng nặng của chế độ cộng sản vô thần trước đây. Số tín hữu Kitô chỉ chiếm 5% dân số, và đa số các tín hữu Tin lành tại miền này không được rửa tội. Đặc biệt, thành phố Erfurt cũng được coi là thành phố của Martin Luther, nhà cải cách Tin lành.



Gia tăng phản đối nơi các tín hữu về phúc trình của các giám mục Đức

Có sự gia tăng phản đối nơi các tín hữu Công giáo Đức đối với phúc trình của các giám mục nước này, gửi về Văn phòng Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục để chuẩn bị cho khóa họp thứ hai, vào tháng Mười năm nay. Trong tường trình, các giám mục khẳng định rằng: “Các tín hữu Công giáo tại Đức nhất trí xác tín về những cải tổ do Con đường Công nghị tại nước này đề ra”.

Trong một thư gửi đến Đức Sứ thần Tòa Thánh tại Đức, Phong trào giáo dân Công giáo Đức, tên là “Neue Anfang”, Bắt đầu lại, phản đối sự phổ quát hóa như thế, đồng thời khẳng định rằng Con đường Công nghị không hề đại diện cho Dân Chúa tại Đức, trái lại, bộ máy hành chánh cồng kềnh của Giáo hội tại Đức không giúp ích gì cho điều quan trọng nhất đối với Giáo hội ngày nay, là tái truyền giảng Tin mừng.

Thư của Phong trào “Bắt đầu lại” nhấn mạnh rằng từ “Synodaet”, tính hiệp hành hay đồng hành được dùng trong toàn bản phúc trình, có nghĩa là một thứ nghị viện dân chủ từ hạ tầng, được tổ chức theo kiểu mẫu hiệp hành trong các Giáo hội Tin lành mỗi bang ở Đức.

Phong trào “Bắt đầu lại” nhắc đến lá thư dài 19 trang của Đức Thánh cha Phanxicô gửi Dân Chúa ở Đức, trong đó ngài cảnh giác chống lại sự hao mòn đức tin tại Đức và kêu gọi hãy tái truyền giảng Tin mừng. Lá thư của Đức Thánh cha được các tín hữu nồng nhiệt chào mừng, nhưng những người tổ chức “Con đường Công nghị” hoàn toàn bác bỏ lá thư của Đức Thánh cha.

Một số ký giả Công giáo tại Đức cũng vạch rõ sự cách biệt giữa phúc trình của các giám mục Đức và thực tế. Họ nhắc lại rằng ba năm thảo luận và tiến hành Con đường Công nghị không hề diễn ra trong sự nhất trí, như phúc trình gửi về Tòa Thánh khẳng định. Thực tế, đã có những lúc xôn xao và tranh cãi lớn, một số thành viên rời bỏ Công nghị này và bốn giám mục giáo phận đã ngưng cộng tác vào việc thành lập Ủy ban Con đường Công nghị, một cơ quan gồm giám mục và giáo dân cùng cai quản Giáo hội tại Đức.




Đức Phanxicô thư cho chủng sinh đồng tính bị loại ra khỏi chủng viện: “Xin con theo đuổi ơn gọi của con”

Đức Phanxicô nói với một thanh niên đồng tính bị loại khỏi chủng viện: “Chúa Giêsu kêu gọi mọi người, mọi người. Một số người nghĩ Giáo hội là cơ quan hải quan, không phải. Giáo hội cởi mở với mọi người. Xin con theo đuổi ơn gọi của con.”

Lorenzo gởi thư cho Đức Phanxicô sau câu nói sốc về người đồng tính của một số linh mục: “Lời ngài mang cho tôi hy vọng, tôi muốn trở thành linh mục.”


“Một trong nhiều hạt giống trong vườn nho của Chúa. Chúa Giêsu mời gọi tất cả tiến bước theo ơn gọi của mình”. Theo cách riêng ngài vẫn làm, ngài luôn thông cảm và mang hy vọng đến cho những người xin ngài giúp đỡ. Ngài đã làm như vậy sau lời tuyên bố “có quá nhiều người đồng tính trong các chủng viện” trong một cuộc họp kín với các giám mục Ý bị rò rỉ. Cũng như nhiều người khác, anh Lorenzo Michele Noè Caruso, 22 tuổi cảm thấy cay đắng, thất vọng và bị loại ra. Một vết thương lại bị mở ra. Anh nói với báo Il Messaggero: “Tôi bị loại ra khỏi chủng viện vì tôi nói tôi là người đồng tính.”

Ngày 28 tháng 5, anh viết một thư dài cho Đức Phanxicô kể cuộc đời, ơn gọi mạnh mẽ và những cánh cửa anh phải đối diện. Thật bất ngờ, ngày 1 tháng 6 anh nhận tấm thiệp viết tay của ngài, được chụp và gởi qua e-mail: “Cha cám ơn con rất nhiều!” Tôi rất xúc động khi ngài viết: “Con biết đó, chủ nghĩa giáo sĩ trị là một chủ nghĩa độc hại, một chủ nghĩa loại trừ. Con có biết đó là một bệnh dịch không? Đó là thói xấu trần tục và một nhà thần học vĩ đại đã nói: ‘Thói trần tục là điều tồi tệ nhất xảy ra cho Giáo hội, thậm chí còn tệ hơn cả thời đại của các giáo hoàng có vợ lẽ.’ Chúa Giêsu kêu gọi mọi người, mọi người. Một số người nghĩ Giáo hội phải là một cơ quan hải quan, đó là không đúng. Giáo Hội phải cởi mở với tất cả mọi người. Xin con tiếp tục ơn gọi của con. Cha cầu nguyện cho con và cha cũng xin con cầu nguyện cho cha (cha rất cần). Xin Chúa chúc lành cho con và xin Đức Mẹ gìn giữ con. Thân mến, Phanxicô.”

Lorenzo đọc thư khi anh làm việc ở Florence, lúc đó là 9h30 tối. Anh kể: “Tôi nhận thư và tôi hoảng sợ. Tôi nghỉ 5 phút rồi đọc lại… Ngài viết chữ rất nhỏ, có vài chữ tôi không hiểu. Nhưng thư trả lời của ngài thật khích lệ, ngài đúng là một giáo hoàng thật sự, ngài không phải là người để người khác dẫn dắt. Bức thư cho tôi hy vọng, bây giờ con đường vào chủng viện vẫn là giấc mơ của tôi.” Ngài bảo tôi: “Con hãy tiếp tục ơn gọi của con, con đừng lo, vẫn còn những con đường khác. Có nhiều cách để từ chối ơn gọi, họ đã từ chối con nhưng con hãy tiếp tục.”

Sự khích lệ của ngài đã lay chuyển các Hiệp hội công giáo đồng tính, các linh mục giáo xứ và cha mẹ của nhiều người đồng tính đang đấu tranh cho con của họ trở thành một phần tử của Giáo hội. Anh Lorenzo học ở Đại học Florence và làm trong tiệm ăn buổi tối, anh nói tiếp: “Lời của ngài đã an ủi tôi. Chúng ta có thể thấy những người theo chủ nghĩa truyền thống muốn làm mất uy tín của ngài, gạt ngài qua một bên.” Một lối thoát đầy tổn thương trước những bước đi cụ thể hướng đến cộng đồng LGBT+, những lời chúc phúc, những cuộc gặp gỡ với người trẻ chuyển giới, với cha mẹ có con đồng tính: “Ngay cả ở thành phố Florence, mọi thứ đã thay đổi sâu sắc, nhiều linh mục quản xứ đã tiếp nhận, chăm sóc những người bị thiệt thòi. Giám mục Giuseppe Betori đã thành lập Ủy ban mục vụ LGBT để chăm sóc mục vụ  cho gia đình.”

Câu chuyện của tôi

Anh Lorenzo viết cho Đức Phanxicô: “Con hy vọng thư này đến tay cha, con mong cha biết câu chuyện của con và của nhiều người giống con bị sống bên lề Giáo hội, buộc phải sống chui vì bị loại khỏi Giáo hội, khỏi cộng đồng.” Anh kể cho ngài nghe câu chuyện đức tin, việc dạy giáo lý, ơn gọi làm linh mục, hành trình vào chủng viện, giấc mơ tan vỡ, những lời từ chối, những hành vi kỳ thị người đồng tính trong Giáo hội. Đức Phanxicô khuyên anh không được lạc lối trong thất vọng, tin tưởng vào hành trình đồng nghị đang diễn ra: “Đó là bước ngoặt để chúng ta cùng đi dưới ánh sáng của Chúa Kitô, không ai bị loại trừ, ai cũng là biểu hiện kế hoạch của Thiên Chúa dành cho Giáo hội. Chúng ta phải giải quyết vấn đề cấm nhận người đồng tính vào chủng viện vì nhiều người trẻ cảm thấy lạc lõng trong một Giáo hội tự trói buộc vào một chủ nghĩa giáo quyền độc hại, có tính chọn lọc trong đó chỉ một số người xứng đáng mới được tiếp nhận, một số khác bị loại trừ, họ bị xem như người tín hữu kitô giả.”

Ước mơ của anh Lorenzo: sau khi học xong đại học, anh vào chủng viện. Lời của Đức Phanxicô cho anh một tia hy vọng. Ông Innocenzo Pontillo, chủ tịch Hiệp hội “La Tenda di Gionata” cho biết: “Đây là bức thư chào đón, bao quát và thực sự tốt đẹp. Đức Phanxicô cho thấy ngài là người rất nhân văn.”







Và nếu Đức Phanxicô biết chính xác những gì ngài làm?

Ngay sau khi Đức Phanxicô bị phản đối khi ngài dùng một chút tiếng lóng nói về người đồng tính bắt đầu lắng xuống (nhưng truyền thông chưa bao giờ xác nhận cũng như phủ nhận) thì lời nói của ngài ngày 20 tháng 5 với các giám mục Ý còn xúc phạm hơn những gì người ta nghĩ ban đầu.

Ngài không chỉ dùng một thuật ngữ Ý thô tục có nghĩa “pederasty” mà theo báo cáo này, ngài còn dùng một từ ngữ Ý xúc phạm khác trong cũng trong buổi nói chuyện này, “checche” ám chỉ người đồng tính mềm yếu ủy mị, người đồng tính “có một nửa-xu hướng” cũng phải bị loại ra khỏi các chủng viện công giáo.

Vẫn chưa xong, vài ngày sau, trong một phát biểu gây sốc khác lan truyền trên mạng, lần này không liên quan đến người đồng tính nhưng với phụ nữ, ngài nói với một nhóm các tân linh mục vừa được chịu chức ở Rôma ngày 29 tháng 5, ngài dùng từ ngữ Ý “chiacchiericcio” có nghĩa “nói xấu là chuyện của đàn bà, chúng ta là người mặc quần, chúng ta phải nói”.

Những câu nói này gây tranh cãi không chỉ cho thấy một giáo hoàng có lời nói nặng nề, nhưng còn mâu thuẫn với hình ảnh phổ thông của ngài, một giáo hoàng tiến bộ ủng hộ đồng tính nam, ủng hộ phụ nữ.

Kết quả của sự trái chiều này đã làm nảy sinh ba giả thuyết phổ biến để giải thích những sai lầm rõ rệt này, chúng không loại trừ nhau, nhưng nhóm lại với nhau:

Thứ nhất, ngài đã 87 tuổi, tuổi bắt đầu mất tự chủ, ngài quay về với những từ ngữ thể hiện nam tính nổi trội của người Mỹ La-tinh, có thể là một phần trong truyền thống, không phải tư duy ngài đã phát triển hoặc bản năng mục vụ đích thực của ngài.

Thứ hai, Đức Phanxicô không phải là người bản xứ, có thể ngài không hiểu tác động gây sốc hoặc ý nghĩa tiêu cực của một số từ ngữ này có thể mang lại.

Thứ ba, những tiết lộ này không chỉ chạm đến lòng tin tưởng của giáo hoàng, vì ngài nghĩ ngài đang nói không chính thức và kín đáo, nhưng bị đưa ra khỏi bối cảnh và bị các kẻ thù của ngài đang tìm cách tạo bất ổn và làm suy yếu triều của ngài loan ra.

Dù mỗi lời giải thích này có thể có một số thích ứng nào đó, nhưng có một giả định ngầm chung cho cả ba điều đều đáng đặt vấn đề: Cụ thể các tuyên bố của ngài là sai sót. Nói cách khác, cả ba giả thuyết đều chỉ do lỡ lời, vì thế tai tiếng tạo ra không phải cố ý. Cứ cho rằng giả định này là sai.

Ngược lại, giả sử Đức Phanxicô hoàn toàn ý thức và làm chủ được tình trạng, khả năng thông thạo tiếng Ý thông tục của ngài là tốt và ấn tượng, ngài không đến mức ngây thơ để nghĩ những gì mình nói trong căn phòng có hơn 230 giám mục và hơn 100 linh mục chịu chức trong mười năm qua – ngài biết rõ trong số những người này không phải ai cũng mến ngài, họ sẽ không lộ tin tức ra ngoài.

Để nhắc lại, những giả định này nhất quán với sự khẳng định lặp đi lặp lại của những người yêu mến ngài trong 11 năm qua, ngài là người sắc sảo, nhận thức được những gì đang xảy ra xung quanh mình. Với suy nghĩ này, ít nhất khả năng tự nhận thức và suy xét của ngài không đơn giản biến mất trong hai tuần qua.

Nếu đúng như vậy, vì sao ngài lại cố tình dùng những từ ngữ mà ngài biết rõ sẽ gây sốc? Có thể có ít nhất hai cách giải thích.

Đầu tiên là yếu tố bất ngờ, có nghĩa một phần ngài hơi tinh quái, muốn để cho người nghe chờ đợi. Khi cảm nhận mọi người nghĩ họ đã hiểu mình, ngài thường có khuynh hướng đi một hướng khác. Ngài là giáo hoàng không muốn bất cứ ai nghĩ rằng họ biết tư tưởng của ngài, việc làm cho mọi người luôn cảnh giác về những gì ngài nói tiếp tục phục vụ cho mục đích này.

Thứ hai, gần đây các tuyên bố gây tranh cãi của ngài về người đồng tính và phụ nữ được làm để khơi dậy sự khó chịu và chỉ trích của những người có thể gọi là “giới tinh hoa cấp tiến” cả bên trong lẫn bên ngoài Giáo hội công giáo. Ngài đã nói những chuyện tương tự như vậy nhưng không gây sốc như gần đây ngài nói “không” với chức phó tế nữ.

Có một lý do nào để ngài muốn khiêu khích nhóm này vào lúc này không?

Chúng ta biết còn ba tháng nữa mới có hành động cuối cùng của Thượng hội đồng về tính đồng nghị sẽ bế mạc vào tháng 10. Ngay từ đầu, đã có những lo sợ về những gì quá trình này có thể tạo ra, đặc biệt là với người công giáo truyền thống và bảo thủ, không phải lúc nào họ cũng tin Đức Phanxicô khi ngài khẳng định ngài không có ý định thay đổi học thuyết, mà chỉ là việc thực hành mục vụ.

Có lẽ, sau thất bại gần đây, những sợ hãi này sẽ phần nào giảm bớt, nhờ đó làm giảm bớt tình trạng hỗn loạn xung quanh Thượng Hội đồng.

Về lâu dài, với tuổi đã cao, ngài phải đối diện với hàng loạt vấn đề sức khỏe, ngài phải đặt vấn đề ai là người có thể kế vị ngài. Nếu ngài muốn mở đường cho người kế vị có cùng một ý hướng, một phần tính toán bầu cử có thể bao gồm việc trấn an các nhân vật trung dung và cánh hữu trong Hồng y đoàn, rằng chương trình của ngài không tận căn như trong một một số nhóm mô tả.

Vì thế việc thấy ngài bị giới cấp tiến chế nhạo, dù chỉ trong giây lát và chỉ một cách thờ ơ, có thể phục vụ cho mục đích cố gắng định hình bối cảnh cho mật nghị tiếp theo của ngài.

Những cân nhắc này có thực sự là điều được Đức Phanxicô nghĩ đến không?

Tôi không biết, một phần vì chính ngài chưa giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, việc tái thiết này ít nhất cũng lịch sự để không nghĩ rằng ngài đang suy yếu hoặc ngài đột nhiên trở nên ngây thơ chỉ sau một đêm.

Ngược lại, nó giả định trước một giáo hoàng biết chính xác những gì mình đang làm, dù điều đó đi ngược với mong chờ của mọi người hoặc xúc phạm đến sự tế nhị của họ – nghĩa là, giả định một giáo hoàng rất giống với người mà chúng ta có.

Đức Phanxicô phải đối mặt với một tình trạng lộn xộn khác ở Á Căn Đình

Linh mục Raymond J. de Souza, là chủ bút tập san Công Giáo Convivium của Canada. Trong bài phân tích nhan đề “Francis Faces Another Mess in Argentina”, nghĩa là “Đức Phanxicô phải đối mặt với một tình trạng lộn xộn khác ở Á Căn Đình” đăng trên tờ National Catholic Register ngày 29 tháng Năm, 2024, ngài phân tích về khả năng Đức Thánh Cha trở về thăm cố hương.

Đức Thánh Cha Phanxicô đang gặp rắc rối nghiêm trọng với việc bổ nhiệm các giám mục ở quê hương Á Căn Đình của ngài.

Rất có thể tai họa mới nhất sẽ giết chết bất cứ cơ hội mong manh nào có được về chuyến thăm nhà của Đức Giáo Hoàng vào cuối năm nay. Chính chuyến thăm thảm khốc của Đức Giáo Hoàng tới Chile vào năm 2018, gây ra tranh cãi về việc bổ nhiệm giám mục đầy rắc rối, đã khiến Đức Thánh Cha ngừng thăm Nam Mỹ.

Hôm thứ Hai,  Tổng Giám Mục Gabriel Antonio Mestre đã từ chức tổng giám mục La Plata. Ngài mới 55 tuổi và mới làm tổng giám mục chưa đầy chín tháng. Đức Cha Mestre trước đây từng là giám mục của Giáo phận Mar del Plata, được Đức Giáo Hoàng Phanxicô bổ nhiệm vào năm 2017. Sự giống nhau về tên giáo phận - Giáo phận Mar del Plata, Tổng giáo phận La Plata - có thể gây nhầm lẫn, nhưng danh pháp là phần ít gây nhầm lẫn nhất trong câu chuyện đáng kinh ngạc này.

Việc Đức Cha Mestre từ chức chỉ sau 9 tháng ở La Plata diễn ra sau hai lần thất bại trong việc thay thế ngài ở Mar del Plata kể từ tháng 9 năm ngoái. Tuy nhiên, đầu tiên là câu chuyện hậu trường.

Sự trỗi dậy của Hồng Y Fernández

Ngay sau khi được bầu vào năm 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phong cho cha Victor Manuel Fernández làm giám mục, một quyết định bất thường vì ngài không có giáo phận, nhưng là hiệu trưởng của Đại học Công Giáo Á Căn Đình. Vatican, lo ngại về tính chính thống của ngài, đã từ chối sự chấp thuận khi Hồng Y Jorge Bergoglio lúc đó bổ nhiệm Cha Fernández làm hiệu trưởng vào năm 2009. Hồng Y Bergoglio nhất quyết khẳng định và thắng thế sau 18 tháng bế tắc; Cha Fernández cuối cùng đã được bổ nhiệm vào tháng 5 năm 2011.

Chưa đầy hai năm sau, Hồng Y Bergoglio được bầu làm Giáo hoàng, Cha Fernández được bổ nhiệm làm tổng giám mục hiệu tòa - một tuyên bố sớm rằng, bất chấp những nghi ngờ của Vatican, Fernández là người của tân Giáo hoàng. Năm 2018, ngài được bổ nhiệm làm tổng giám mục La Plata, một tuyên bố rõ ràng khác của Đức Thánh Cha, cho rằng Fernández đã thay thế Đức Tổng Giám Mục Hector Aguer, người bảo thủ nổi bật nhất trong hệ thống giáo phẩm Á Căn Đình. Aguer kể từ đó đã trở thành một nhà phê bình đáng chú ý đối với nhiều sáng kiến khác nhau của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Do đó, ngay từ đầu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có khuynh hướng hành động theo phán quyết của mình đối với việc bổ nhiệm người Á Căn Đình, ngay cả khi – hoặc có lẽ đặc biệt là bất kể – bị các quan chức giáo triều phản đối.

Tháng 7 năm ngoái, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gây sốc cho mọi người khi bổ nhiệm Đức Hồng Y Fernández làm tân Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin. Việc Tổng Giám Mục Fernández rời La Plata đến Rôma đồng nghĩa với việc phải tìm được một tổng giám mục mới. Chưa đầy một tháng sau, Đức Cha Mestre được bổ nhiệm làm tổng giám mục mới của La Plata và được bổ nhiệm vào tháng 9 năm 2023.

Do đó, bức màn đã kéo lên một vở kịch đau buồn nhất ở Mar del Plata, nơi Đức Cha Mestre đã phục vụ từ năm 2017 cho đến khi chuyển đến La Plata.

Giám mục José María Baliña được bổ nhiệm vào tháng 11 năm 2023. Ba tuần sau, ngài từ chức, ngay cả trước khi được bổ nhiệm, đề cập đến cuộc phẫu thuật mắt gần đây, sau đó ngài quyết định từ chức sau khi “tham khảo ý kiến của Tòa thánh”.

Đức Thánh Cha Phanxicô chấp nhận đơn từ chức sớm và ngay lập tức bổ nhiệm Giám mục Gustavo Manuel Larrazábal làm Giám mục Mar del Plata. Vị tân Giám Mục đã vượt qua được ba tuần, nhưng chỉ đến đó thôi. Ngài từ chức chỉ vài ngày trước khi nhậm chức theo lịch trình. Việc từ chức của Đức Cha Larrazábal được đưa ra sau khi truyền thông địa phương đưa tin về những tin đồn về cáo buộc quấy rối chống lại vị giám mục.

Những tin đồn đó chưa được làm rõ chứ đừng nói đến việc được chứng minh, nhưng Đức Cha Larrazábal đã quay trở lại làm Giám Mục Phụ Tá trong Giáo phận San Juan de Cuyo.

Do đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đang xem xét lựa chọn lần thứ ba cho vị trí Mar del Plata.

Trong khi đó, sự hỗn loạn sau khi ngài rời Mar del Plata giờ đã tiêu diệt chính Đức Cha Mestre. Trong tuyên bố của mình hôm thứ Hai, Mestre nói rằng ngài đã được gọi đến Rôma trong tháng này để thảo luận về “một số khía cạnh” của tình trạng lộn xộn ở Mar del Plata. Sau những cuộc thảo luận đó, “Đức Thánh Cha Phanxicô đã yêu cầu tôi từ chức Tổng Giám Mục La Plata”.

Không rõ Đức Cha Mestre có liên quan như thế nào đến các sự kiện khiến cả hai vị Giám Mục Baliña và Larrazábal phải từ chức trước khi được bổ nhiệm theo lịch trình. Nhưng những thất bại của ngài thực sự nghiêm trọng đến mức khiến Tổng Giám Mục nổi tiếng thứ hai của Á Căn Đình phải từ chức sau chưa đầy một năm.

Thật vậy, bất cứ điều gì xảy ra ở Mar del Plata đều được coi là nghiêm trọng đến mức ba vị Giám Mục hiện đã từ chức, và cả Đức Thánh Cha lẫn tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin đều có liên quan sâu sắc đến vụ việc.

Cái bóng của Zanchetta

Hồng Y Fernández không phải là người con được ưu ái duy nhất của Đức Thánh Cha Phanxicô được phong làm giám mục từ rất sớm. Gustavo Zanchetta được bổ nhiệm làm giám mục ở Orán vào năm 2013, giống như Fernández trong những tháng đầu tiên của triều đại giáo hoàng.

Sau một loạt cáo buộc đáng lo ngại về sai phạm có bản chất tình dục và hành chính, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cho phép Zanchetta từ chức – với lý do “sức khỏe” – và đảm nhận một vị trí tại Vatican được thiết kế đặc biệt dành cho ngài. Ngài cư trú bên cạnh Đức Thánh Cha ở Casa Santa Marta.

Điều đó tỏ ra không đủ để giữ Zanchetta tránh xa cơ quan thực thi pháp luật Á Căn Đình. Ngài từ chức ở Vatican vào năm 2019, bị buộc tội ở Á Căn Đình, trở lại xét xử và bị kết tội lạm dụng tình dục các chủng sinh. Bị kết án bốn năm tù, ngài đang thụ án dưới sự quản thúc tại gia.

Vụ án Zanchetta đã làm tổn hại đến uy tín của Đức Thánh Cha ở Á Căn Đình đến mức khó có khả năng ngài sẽ tránh được nhiều nghi ngờ hiện đang xoay quanh Mar del Plata.


Đừng Đợi Tôi, Á Căn Đình

Sau khi từ chối đến thăm Á Căn Đình trong 10 năm đầu tiên của triều đại giáo hoàng của mình, mặc dù có nhiều chuyến đi đến Nam Mỹ, vào năm ngoái, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gợi ý rằng năm 2024 có thể sẽ có một chuyến viếng thăm. Tân tổng thống Á Căn Đình đã đưa ra lời mời chính thức tới thăm. Điều đó rất khó xảy ra sau khi vụ lộn xộn ở Mar del Plata di căn đã kết liễu Đức Cha Mestre.

Hãy nhớ lại rằng quốc gia trước đây nơi Đức Thánh Cha Phanxicô gặp phải những vấn đề nghiêm trọng về việc bổ nhiệm Giám Mục là nước láng giềng Chí Lợi. Ở đó, việc Đức Thánh Cha nhất quyết thuyên chuyển Giám mục Juan Barros, bất chấp nhiều cáo buộc rằng vị giám mục này có liên quan đến việc che đậy việc lạm dụng tình dục, đã gây ra một vụ tai tiếng quốc gia. Cuộc tranh cãi bao trùm chuyến viếng thăm của Giáo hoàng tới Chí Lợi vào Tháng Giêng năm 2018, là chuyến đi tồi tệ nhất của một vị Giáo hoàng kể từ khi Napoléon bắt cóc Đức Piô VII và giam giữ ngài ở Pháp. Cơn cuồng nộ ở Chí Lợi đe dọa triều đại giáo hoàng đến mức các biện pháp cực đoan đã được thực hiện; toàn bộ giám mục Chí Lợi đã được triệu tập đến Rôma và đồng loạt đệ đơn từ chức.

Đức Thánh Cha Phanxicô chưa bao giờ đặt chân đến Nam Mỹ kể từ thảm họa Chí Lợi. Ngài đã đến thăm Trung Mỹ vì ngài phải hoàn thành chuyến đi Ngày Giới trẻ Thế giới 2019 đã được lên kế hoạch tới Panama, nhưng sau đó ngài đã không quay trở lại Mỹ Châu Latinh nữa. Thậm chí vào năm 2019, Đức Thánh Cha đã từ chối khi các giám mục El Salvador yêu cầu ngài đáp chuyến bay ngắn tới San Salvador để phong thánh cho Đức Tổng Giám Mục Oscar Romero.

Chí Lợi đã thu hút quá nhiều sự chú ý đến những cái bóng trong triều đại giáo hoàng của ngài và ngài sẽ không mạo hiểm điều đó một lần nữa ở Mỹ Châu Latinh. Càng chắc chắn không phải ở Á Căn Đình.

Kể từ Chí Lợi 2018, vụ án Zanchetta đã diễn ra. Chỉ điều đó thôi cũng sẽ gây khó khăn cho Đức Thánh Cha Phanxicô khi trở về nhà. Sau những hoang mang và hỗn loạn ở Mar del Plata, không thể tưởng tượng được rằng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ trở lại và buộc phải trả lời các câu hỏi.

Khi nào Mar del Plata - và bây giờ là La Plata - sẽ có các giám mục mới thì vẫn còn phải chờ xem. Dù sao cuối cùng nó sẽ xảy ra. Nhưng, một chuyến viếng thăm cố hương của Đức Giáo Hoàng có thể sẽ không bao giờ xảy ra.


TỔNG GIÁM MỤC MỚI NHẬM CHỨC CHƯA ĐƯỢC MỘT NĂM ĐÃ BẤT NGỜ TỪ CHỨC

Tòa Thánh hôm Thứ Hai, 27 Tháng Năm, cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức của Tổng Giám Mục Gabriel Antonio Mestre, của Tổng giáo phận La Plata, Á Căn Đình, sau khi vị Giám Mục này mới phục vụ trong vai trò đó chưa đầy một năm.

Vatican cho biết trong một thông cáo báo chí hôm thứ Hai rằng Đức Thánh Cha “đã chấp nhận đơn từ chức khỏi việc chăm sóc mục vụ của tổng giáo phận La Plata, Á Căn Đình, do Tổng Giám Mục Gabriel Antonio Mestre trình bày”. Vị Tổng giám mục đã được bổ nhiệm vào vai trò đó vào tháng 7 năm ngoái và chính thức nhận tòa vào tháng 9.

Tòa Thánh không đưa ra lý do cho việc từ chức của Mestre. Trong một tuyên bố được đăng lên Facebook của tổng giáo phận hôm thứ Hai, Tổng Giám Mục Mestre nói rằng ngài “nhận thức được sự yếu đuối của tôi và sự yếu đuối nhân loại của Giáo hội xinh đẹp là nhà và gia đình của tôi” khi ngài từ chức.

Đức Tổng Giám Mục Mestre viết: “Một vài ngày trước, Tòa thánh đã triệu tập tôi đến Rôma để nói về một số khía cạnh của Giáo phận Mar del Plata sau khi tôi được chuyển đến Tổng giáo phận La Plata khi tôi được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm Tổng Giám mục”.

Vị Giám Mục trước đây đã giữ chức vụ giám mục giáo phận Mar del Plata từ năm 2017 cho đến khi được bổ nhiệm làm tổng giám mục vào năm ngoái.

Tổng Giám Mục Mestre viết: “Tại Thành phố vĩnh cửu, sau khi đối mặt với một số nhận thức khác nhau về những gì đã xảy ra ở Giáo phận Mar del Plata từ tháng 11 năm 2023 đến nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã yêu cầu tôi từ chức Tổng Giám Mục La Plata”.

“Với sự bình an sâu sắc và lương tâm hoàn toàn chính trực trước Thiên Chúa về cách tôi đã hành động, tin tưởng rằng Sự Thật giải phóng chúng ta (x. Ga 8,32), và với lòng vâng phục con thảo đối với Đức Thánh Cha, tôi đã viết đơn từ chức ngay lập tức đã được chấp nhận và công bố ngày hôm nay,” ông nói.

Trong một thông điệp gửi đến chính tổng giáo phận, Tổng Giám Mục Mestre cho biết ngài “rất hạnh phúc trong 8 tháng rưỡi này” khi được phục vụ như một tổng giám mục.

Tổng Giám Mục Mestre viết: “Tôi rất đau lòng khi phải ra đi, tôi rất đau lòng khi phải rời xa sứ vụ mục tử của Giáo hội Đặc biệt đang hành hương ở La Plata này, nhưng tôi chắc chắn rằng Chúa có những kế hoạch tốt hơn nhiều mà hôm nay tôi chưa thể giải mã xong”.

Tổng Giám Mục Mestre sinh năm 1968 tại Mar del Plata, tỉnh Buenos Aires. Ngài được thụ phong linh mục của giáo phận vào năm 1997 và có bằng thần học chuyên ngành thánh kinh tại Đại học Católica Á Căn Đình.

Ngài được bổ nhiệm làm giám mục của Mar del Plata vào năm 2017 sau khi phục vụ với tư cách là linh mục quản xứ tại Nhà thờ hai Thánh Phêrô và Cecilia, tổng đại diện giáo phận, và là thành viên hội đồng linh mục.

Ngài cũng là giáo sư thánh kinh tại Trường Thần học thuộc Đại học Mar del Plata và là người sáng lập ủy ban Kinh thánh giáo phận.





⛪⛪⛪⛪⛪




Đức Phanxicô lo ngại có những nơi không còn ơn gọi

Ngày thứ năm 6 tháng 6-2024, khi tiếp các thành viên tham dự phiên họp toàn thể của Bộ Giáo sĩ, Đức Phanxicô lo ngại về sự sụt giảm số lượng ơn gọi linh mục và đời sống thánh hiến, có những nơi không còn ơn gọi.

Trong những năm gần đây, số lượng chủng sinh giảm rõ rệt, có những nơi đã không còn ơn gọi, tình trạng này ảnh hưởng đến toàn thế giới trừ châu Phi. Ngày thứ năm 6 tháng 6, khi tham dự phiên họp toàn thể của bộ Giáo sĩ, cơ quan phục vụ khoảng 407.000 linh mục công giáo trên thế giới, ngài xin họ không bỏ cuộc, tìm giải pháp cho thách thức lớn lao này của người công giáo: “Một trong những thách thức lớn của chúng ta là ở nhiều vùng trên thế giới, ơn gọi linh mục và đời sống thánh hiến giảm rất mạnh, ở một số nước gần như không còn.”

 Theo ngài, cuộc khủng hoảng không chỉ ảnh hưởng đến chức linh mục mà còn ảnh hưởng đến “ơn gọi hôn nhân, với ý thức cam kết và sứ mệnh đòi hỏi của đời sống gia đình”. Ngài nhấn mạnh: “Chúng ta không thể cam chịu trước thực tế này, rất nhiều người trẻ không còn cống hiến cho đời sống gia đình.” Cách đây vài ngày, trong bài phát biểu trước các nữ tu Ý, Đức Phanxicô đã nói lên lo ngại của ngài về sự thiếu hụt ơn gọi ở Ý.

Năm 2021, theo dữ liệu của một báo cáo của Hội đồng Giám mục Ý, chỉ trong 10 năm ơn gọi đã giảm 28%. Trong 50 năm, số chủng sinh ở Ý đã giảm hơn một nửa: năm 1970 có 6.337 chủng sinh, năm 2019 chỉ còn 2.103.

Theo dữ liệu năm 2023, ở châu Âu trong vòng 10 năm, lục địa này đã mất khoảng 27.000 linh mục, 6.000 chủng sinh và gần 80.000 nữ tu. Ngoài Châu Phi, chủng sinh ở các châu lục khác đều giảm.

Các linh mục bị kiệt sức

Trong bài phát biểu sáng nay, ngài nhắc lại, trong suốt triều giáo hoàng của ngài, ngài luôn nói về nguy cơ của chủ nghĩa giáo quyền và tinh thần thế tục: “Nhưng tôi biết rõ, đại đa số các linh mục quảng đại làm việc với tinh thần đức tin vì lợi ích giáo dân đã bị mệt mỏi và phải đối diện với những thách thức mục vụ và thiêng liêng không hề dễ dàng.”

Ngài nhấn mạnh đến việc thường huấn cho các linh mục, một yếu tố thiết yếu do sự thay đổi quá nhanh chóng. Về chủ đề phó tế, ngài nhắc lại, Công đồng Vatican II đã đề cập và vẫn cần suy nghĩ về căn tính cụ thể của thừa tác vụ này. Ngài không đề cập đến chức phó tế nữ mà ngài đã loại trừ rõ trong cuộc phỏng vấn với kênh CBS của Mỹ, phát sóng ngày 21 tháng 5.





⛪⛪⛪⛪⛪


Thánh địa vắng bóng khách hành hương

Giêrusalem: Các địa điểm thánh và đường phố của Thành cổ Giêrusalem thường đông khách du lịch và hành hương vào thời điểm này trong năm, nhưng từ 8 tháng qua, do chiến tranh Israle-Hamas, tất cả dường như trống không.
Tu sĩ dòng Phanxicô ở Ghếtsêmani cho biết, trước chiến tranh mỗi ngày có hơn 100 đoàn đến kính viếng. Nhưng hiện nay, mỗi ngày chỉ có hai hoặc ba nhóm, chủ yếu đến từ châu Á, Nam Mỹ. Một số đến từ Đông Âu, với đa số là các Kitô hữu Chính thống.

Tại Thánh Mộ, thời gian chờ đợi kính viếng chỉ còn vài phút, so với hai giờ vào năm ngoái. Cuộc rước kiệu hàng ngày của các tu sĩ Phanxicô bên trong Vương cung thánh đường chỉ có một số ít tín hữu tham dự, chủ yếu là cư dân Giêrusalem.

Ngay cả ở Bêlem cũng ở trong tình trạng này. Ông Majed Ishaq, người lãnh trách nhiệm về tiếp thị của Bộ Du lịch và Cổ vật Palestine cho biết, mỗi ngày họ bị mất 2,5 triệu USD. Các văn phòng du lịch phải đóng cửa. Những người làm việc trong lĩnh vực này, đa số là Kitô hữu đã mất thu nhập trong những tháng qua. Mọi người đang tìm cách bán nhà, đồ đạc để sống còn.

Còn theo dữ liệu từ Bộ Du lịch Israel, trong tháng Tư vừa qua, chỉ có hơn 80.000 người đến đây, giảm 77% so với tháng 4/2023 và 80% so với tháng 4/2019.

Từ tháng 10 đến tháng 12/2023, khoảng 2.800 nhóm tương đương 107.000 người đã huỷ bỏ các chuyến viếng thăm đã đăng ký. Trong số này 95% là Công giáo và 4% là Tin lành. 90% các nhóm đến từ nước ngoài.

Nguyên nhân chính của việc thiếu các Kitô hữu hành hương đến Thánh Địa là do nhiều công ty không sẵn sàng cung cấp bảo hiểm cho khách đến một lãnh thổ bị coi là có nhiều nguy hiểm và rủi ro.




Đức Hồng y ở New Zealand được giải oan

Đức Hồng y John Dew, nguyên Tổng giám mục Giáo phận Wellington, thủ đô New Zealand, đã được giải oan: sau cuộc điều tra, cả Tòa Thánh lẫn nhà chức trách tư pháp địa phương đều xác nhận Đức Hồng y không hề phạm tội lạm dụng tính dục trẻ em cách đây năm thập niên.


Đức Hồng y John Dew năm nay 76 tuổi (1948), thụ phong linh mục năm 1976, và được bổ nhiệm làm Giám mục phụ tá Tổng giáo phận Wellington năm 1995, khi được 45 tuổi, trước khi trở thành Tổng giám mục Phó, và một năm sau trở thành Tổng giám mục chính tòa, vào năm 2005. Tiếp đó, ngài được Đức Thánh cha Phanxicô bổ nhiệm làm Hồng y. Ngài từng làm Chủ tịch Hội đồng Giám mục New Zealand, kiêm Chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Châu Đại Dương. Hồi tháng Năm năm ngoái, Đức Hồng y đã được Đức Thánh cha nhận đơn từ nhiệm Tổng giám mục.

Hôm mùng 05 tháng Sáu vừa qua, Đức cha Paul Martin, đương kim Tổng giám mục Giáo phận Wellington, cho biết Tòa Thánh đã điều tra về vụ tố cáo Đức Hồng y đã lạm dụng tính dục trẻ em, khi còn là linh mục tuyên úy viện cô nhi thánh Giuse ở Upper Hutt, cách Wellington hơn 35 cây số, hồi thập niên 1970. Ngay khi biết có cuộc điều tra này của cảnh sát, Đức Hồng y đã rút lui khỏi đời sống công cộng.

Đức Tổng giám mục Martin nói rằng sau cuộc điều tra dài, hồi tháng Ba năm nay, cảnh sát không thấy có yếu tố nào để truy tố Đức Hồng y. Trong khi đó, Tòa Thánh duyệt lại cuộc điều tra và thấy không thấy cần tiến hành cuộc điều tra nào, và Đức Hồng y có thể mở lại các hoạt động công cộng trong Giáo hội.

Đức Hồng y John Dew luôn phủ nhận những lời cáo buộc và khẳng định mình vô tội. Ngài nhắc lại khẩu hiệu giám mục, là “An bình qua sự thanh liêm” (Peace through integrity).

Về phần Đức Tổng giám mục Paul Martin, ngài nói: “Đây là một kinh nghiệm khó khăn và đau buồn cho tất cả những người liên quan. Giáo hội tiếp tục có trách nhiệm nâng đỡ tất cả những người can dự và tiếp tục làm như vậy. Điều này bao gồm cả những người khiếu nại mà Giáo hội tiếp tục nâng đỡ”.

⛪⛪⛪⛪⛪



Đây là hình ảnh của Đức Giám mục Javier Gerardo Roman Arias, ngài đi bộ nhiều ngày, nằm nghỉ trên đất để có thể đến với đoàn chiên sống trong rừng sâu thuộc Giáo phận của ngài ở Costa Rica.

Có hàng trăm nghìn tu sĩ sống khó nghèo nhưng không phải xin thức ăn từ người dân, họ tự làm tự ăn và thậm chí còn dư đem tặng hay bán làm chuyện khác.

Họ sống khó nghèo hay khổ hạnh vì Danh Thiên Chúa chứ không phải vì danh của chính mình.

Bạn có biết những tu sĩ sống khó nghèo nây khi chết chỉ việc cuốn vải và đem chôn, không xây cất mồ mã gì hết!
Reply all
Reply to author
Forward
0 new messages