Giáo hội Công giáo và Khoa học (4. Gió hội hôm qua và hôm nay có phản đồi Tuyết tiến hóa | HĐGMVN

8 views
Skip to first unread message

Mikali Nguyễn

unread,
Mar 27, 2025, 12:37:18 AM (4 days ago) Mar 27
to Alphonse Family (AF)
Header

GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VÀ KHOA HỌC (4): GIÁO HỘI HÔM QUA VÀ HÔM NAY CÓ PHẢN ĐỐI THUYẾT TIẾN HÓA?

avatarChristopher M. Graney
24/03/2025
WGPNT (07/3/2025) - Nhìn lại lịch sử các thuyết tiến hóa và phản ứng của Giáo hội, ta thấy có những điều vẫn không thay đổi... Đây là bài viết tiếp theo trong loạt bài về Giáo hội và Khoa học.

Khoa học giữ vai trò trung tâm trong đời sống hiện đại. Chính nhờ khoa học mà bạn đang đọc Aleteia trên màn hình, qua Internet, chứ không phải trên từng trang giấy dưới ánh đèn dầu. Loạt bài này sẽ đi sâu vào câu chuyện giữa Giáo hội Công giáo và khoa học. Câu chuyện này đã bắt đầu từ rất lâu và vẫn đang tiếp diễn hôm nay. Đây không hẳn là câu chuyện mà bạn nghĩ mình biết, nhưng là câu chuyện bạn nên biết, chính bởi khoa học đóng vai trò then chốt trong thế giới chúng ta đang sống.

------

Chúng ta thấy rằng ngay từ thời Thánh Augustine trong Đế chế La Mã, Giáo hội đã phải xử lý những ảnh hưởng của khám phá khoa học lên đức tin. Vấn đề lúc đó là sách Sáng thế, nhà thiên văn học Ptolemy và “hai vầng sáng lớn”. Chúng ta đã thấy những thiếu sót trong cách Vatican giải quyết các vấn đề như vậy. Qua vấn nạn thuyết đa tổ và một lý thuyết khoa học về “chủ nghĩa phân biệt chủng tộc”, chúng ta cũng nhận ra khoa học có thể sai lầm trong những vấn đề hệ trọng đến mức ngay cả những người không ủng hộ tôn giáo cũng phải thừa nhận rằng cần có một sự can thiệp từ bên ngoài khoa học.

Hãy xem một trường hợp nổi tiếng, nơi tất cả những điều trên hội tụ, đó là cuộc thảo luận của Vatican về vấn đề tiến hóa vào cuối thế kỷ 19.

Như đã thấy trong Phần 2 của loạt bài này, các học giả đã xác định sáu trường hợp Vatican chạm trán vấn đề tiến hóa vào cuối thế kỷ 19. Cả sáu trường hợp đều nổi lên từ các tác phẩm Công giáo viết về tiến hóa. Trong tất cả các trường hợp, Bộ Chỉ Mục đều đứng ra giải quyết. Chưa bao giờ có bất kỳ hành động công khai đáng chú ý nào chống lại vấn đề tiến hóa – trường hợp gần nhất là việc lên án cuốn sách năm 1877, Nghiên cứu mới về Triết học: Bài giảng cho một sinh viên trẻ, của Cha Raffaello Caverni. Cuốn sách bị lên án, nhưng chỉ công khai quyết định cấm cuốn sách, ngoài ra tiêu đề cũng không nhắc gì đến tiến hóa, nên không ai biết lí do bị cấm. Trong năm trường hợp còn lại, Bộ không có hành động công khai nào. Tuy nhiên, một học giả cho rằng việc Vatican kiểm duyệt riêng tư các tác giả khác nhau cũng tương đương với việc tạm thời lên án vấn đề tiến hóa, ít nhất là vậy.

Nếu khoa học sai lầm...

Vào cuối thế kỷ 19, vấn đề tiến hóa dễ bị công kích trên cơ sở khoa học hơn ngày nay. Các học giả ghi nhận rằng vào cuối thế kỷ 19, người ta chứng kiến một “sự lu mờ của thuyết Darwin” – các nhà khoa học thời điểm đó không thống nhất về cơ chế tiến hóa; chính Charles Darwin cũng phần nào rút lại ý kiến cho rằng chọn lọc tự nhiên là cơ chế duy nhất của tiến hóa; một số người trong giới sinh học Anh đã tiên đoán sự cáo chung của thuyết Darwin. Chắc chắn, những ý tưởng của Darwin không dễ được xác nhận như ý tưởng của Ptolemy (xem Phần 1).

Và đây là điều cần ghi nhớ: Ptolemy đúng khi cho rằng các ngôi sao ở xa và lớn hơn mặt trăng rất nhiều; nhưng ông sai về kích thước và khoảng cách. Các ngôi sao lớn hơn và ở xa hơn nhiều so với tính toán của ông. Ptolemy không hiểu bản chất của ánh sáng như chúng ta ngày nay. Điều đó đã làm sai lệch kết quả của ông. Khoa học thường mắc sai lầm. Khoa học về kích thước sao của Ptolemy không sai lệch bằng chủ nghĩa phân biệt chủng tộc khoa học (xem Phần 3), và chắc chắn không gây những hậu quả lớn như vậy, nhưng thực sự nó có vấn đề.

Các học giả nhận thấy nhiều nhà phê bình Công giáo vào cuối thế kỷ 19 liên tục nhấn mạnh những vấn đề thực sự mà họ thấy trong lý thuyết tiến hóa, những điểm yếu khoa học của nó. Hầu hết những nhà phê bình này cách nào đó đều nhấn mạnh chúng ta không thể bỏ qua ý nghĩa hiển nhiên và tự nhiên của các từ trong Kinh thánh nếu không cần thiết (như với “hai vầng sáng lớn”), và trong trường hợp tiến hóa thì không cần bởi vì đã có những vấn đề về khoa học trong đó.

Ví dụ, Francesco Salis-Seewis, một tu sĩ Dòng Tên, đã viết bài phản đối tiến hóa trên ấn phẩm La Civiltà Cattolica của Dòng Tên ở Rome. Vào những năm 1890, ông lập luận rằng tiến hóa trước hết phải vượt qua sự kiểm chứng khoa học. “Chỉ khi đó, nó mới xứng đáng đối diện với Mạc khải.” Cho đến khi đó, thật vô ích khi “đưa sự thất bại khoa học này vào chốn linh thiêng”. Salvatore Brandi, một tu sĩ Dòng Tên khác của La Civiltà Cattolica, cũng nhận định:

Trở ngại đầu tiên khiến người Công giáo có học thức không chấp nhận tiến hóa không phải vì sợ mâu thuẫn với Kinh thánh, mà là do hệ thống đó thiếu sót về mặt khoa học, nói cách khác, nó hoàn toàn thiếu bằng chứng xác thực.

... tại sao lại lôi tôn giáo vào?

Brandi cho rằng một ý tưởng khoa học phải vững chắc trước khi có thể được sử dụng để giải thích Kinh thánh. Ông viết: “Chắc chắn rằng những lời Chân lý vĩnh cửu không thể bị giải thích sai lệch dựa trên những giả thuyết vô căn cứ, hôm nay thì nói theo lý thuyết này, ngày mai thì lại nói theo lý thuyết khác.”

Nói cách khác, việc khoa học có thể ảnh hưởng đến cách giải thích Kinh thánh là điều dễ thấy, như qua trường hợp “hai vầng sáng lớn” trong sách Sáng thế chương 1. Nhưng khoa học phải được chứng minh một cách vững chắc. Nếu một lý thuyết có những điểm yếu về mặt khoa học, thì tại sao phải bận tâm xem xét nó về mặt thần học? Rốt cuộc, không thể để việc giải thích Kinh thánh cứ dao động theo những ý tưởng khoa học chóng vánh, nay theo ý tưởng có thể không chính xác này, mai lại theo cái khác.

Một điểm yếu khoa học thấy trong tiến hóa là vấn đề con lai vô sinh được thảo luận trong Phần 3 của loạt bài này. Như đã biết, các loài khác nhau có khả năng sinh sản; ví dụ ngựa và lừa có thể sinh ra con la. Nhưng con la lại vô sinh. Ngày nay, điều này không còn được xem là có liên quan đến tiến hóa, nhưng vào cuối thế kỷ 19, ngay cả những người ủng hộ nhiệt thành tiến hóa cũng coi đó là một vấn đề.

Một vấn đề khoa học khác mà các tu sĩ Dòng Tên của La Civiltà Cattolica đặc biệt quan tâm là nguồn gốc của sự sống.

Salis-Seewis viết: “Tiên đề đầu tiên của thuyết tiến hóa, mở đầu cho chuỗi lý thuyết đầy trí tưởng tượng, là sự tự sinh của những sinh vật ban đầu.” Sau đó, ông chỉ ra rằng ý tưởng về sự tự sinh của sự sống từ vật chất vô sinh dù đã có từ lâu nhưng đã bị khoa học hiện đại bác bỏ. Ông nói rằng khoa học đã nhiều lần đưa ra phán quyết về “giả định đầu tiên và cơ bản này” của tiến hóa, đồng thời “sự tự sinh nguyên thủy đã bị tuyên bố là hoàn toàn vô căn cứ, và mâu thuẫn với những kết luận không đổi rút ra từ thực tế, cũng như mâu thuẫn với một trong những định luật tự nhiên được xác lập vững chắc nhất.”

Salis-Seewis đã đúng. Vào cuối thế kỷ 19, dù vẫn còn một vài người ủng hộ một số ý tưởng tự sinh nào đó, nhưng khoa học đã bác bỏ ý tưởng này. Ngày nay, nguồn gốc của sự sống vẫn chưa có lời giải về mặt khoa học.

Nhiều thần học gia Công giáo vào cuối thế kỷ 19 xem việc ủng hộ tiến hóa như một hệ tư tưởng vô thần dựa trên một lý thuyết khoa học thiếu căn cứ xác đáng. Nếu không có một nền tảng xác đáng như vậy thì thật dễ để bác bỏ tiến hóa từ quan điểm thần học. Nhưng theo thời gian, những ý tưởng khoa học chóng vánh đã lắng xuống. Từng được xem là có thể biểu biện sai lầm, khoa học đã bắt đầu có sức thuyết phục như công trình của Ptolemy. Và quan trọng hơn, khoa học tiến hóa đó không còn liên hệ đến thuyết đa tổ, mà đã làm suy yếu ý tưởng về sự duy nhất của gia đình nhân loại.

Ngày nay vẫn còn những quy trình không hoàn hảo

Chúng ta thấy, trong cuộc chạm trán của Vatican với tiến hóa vào cuối thế kỷ 19, dù đã cố gắng đương đầu nhưng vẫn có trường hợp không giải quyết được và để lại hậu quả nghiêm trọng. Tiến hóa có hệ lụy, vào thời điểm đó là làm suy yếu sự thống nhất của nhân loại và loại một số người khỏi lịch sử cứu độ. Tiến hóa không vững chắc, cùng với sự “lu mờ” của thuyết Darwin, nhiều nhà tư tưởng đã đặt ra những chất vấn khoa học nghiêm túc về nó (ít nhất là một trong số đó vẫn chưa có lời giải đáp cho đến ngày nay).

Quy trình Vatican đương đầu với ý tưởng tiến hóa, về cơ bản, là một ủy ban gồm những người thiếu thời gian, chuyên môn và một sự cam kết thực sự cần thiết để giải quyết vấn đề hiện tại. Dù quy trình này không hoàn hảo, nhưng rất khó để hình dung ra những quy trình tốt hơn, hoặc không có quy trình nào. Ngày nay, nhiều người xem tiến hóa là biểu tượng của “sự xung đột giữa khoa học và tôn giáo”, nhưng nếu xuất hiện một ý tưởng khoa học đầy hứa hẹn nhưng chưa được xác minh, và có những hệ luận chủng tộc xem ai là con người hoàn hảo ai chưa, thì điều gì sẽ xảy ra? Các hội đồng và ủy ban sẽ được thành lập; các báo cáo sẽ được công bố; những lời lẽ gay gắt sẽ được đưa ra – bên ngoài tôn giáo. Sẽ có những hậu quả đối với một số cá nhân giống như những gì Vatican đã đưa ra vào cuối thế kỷ 19. Quy trình sẽ không hoàn hảo. Các quy trình hiện đại để giải quyết với những ý tưởng khoa học hệ trọng, dù liên quan đến việc phát triển vũ khí hay ứng phó với các dịch bệnh chết người, đều không hoàn hảo – giống như cuộc thảo luận của Vatican về tiến hóa vào cuối thế kỷ 19.
Nhưng còn những trường hợp Vatican đưa ra những hình phạt nặng nề hơn việc cấm sách thì sao? Vụ Galileo thì sao?

Chúng ta sẽ tìm hiểu trong bài tiếp theo.

-----
Loạt bài từ: Church and Science Archives - Aleteia
Phần 1 Phần 2 Phần 3 Phần 4 Phần 5 Phần 6 Phần 7 

Lưu ý từ Ban biên tập: Loạt bài này dựa trên bài viết “Vatican và Khoa học có thể sai lầm,” được Christopher M. Graney trình bày tại Hội nghị “Thống nhất & Bất đồng trong Khoa học” tại Đại học Notre Dame, ngày 4-6 tháng 4 năm 2024. Bài viết, có sẵn thông qua ArXiv, chứa các chi tiết và tài liệu tham khảo cho độc giả quan tâm.

Bài viết, và loạt bài của Aleteia này, mở rộng các ý tưởng được Graney và Giám đốc Đài Thiên văn Vatican Br. Guy Consolmagno, S.J.  phát triển trong cuốn sách năm 2023 của họ, được xuất bản bởi Paulist Press, When Science Goes Wrong: The Desire and Search for Truth.

Tram Cung

Chuyển ngữ từ Aleteia.org (07/01/25)

 Nguồn: giaophannhatrang.org (07/3/2025)

Reply all
Reply to author
Forward
0 new messages