Thầy Thích Minh Tuệ và sự tương hợp với một số câu Kinh Thánh | Erick Trung Vu, CSsR

15 views
Skip to first unread message

Minh Nguyen Quang

unread,
May 25, 2024, 10:24:08 PMMay 25
to alphonsefamily, giaitri
Thầy Thích Minh Tuệ và sự tương hợp với một số câu Kinh Thánh – Erick Trung Vu, CSsR
10:17 25/05/2024
hoc du
  • Đây là bài chia sẻ của thầy Erick Trung Vu, CSsR. Tác giả bài viết chỉ chia sẻ lại từ Facebook của Thầy, mời mọi người đọc qua và cho nhận xét:

Như tựa đề đã nêu rõ, nội dung bài viết này sẽ là một số cảm nhận của cá nhân tôi về thầy Thích Minh Tuệ và sự tương đồng giữa lời ngài nói với một số câu Kinh Thánh. Cách tiếp cận này có thể khiến bạn không đồng ý, vì thầy là phật tử, không liên quan gì tới tôn giáo khác. Điều đó không có gì bàn cãi, nhưng cá nhân tôi thấy thầy này đã sống triệt để những giới luật nhà Phật, và thật ngạc nhiên, tôi thấy có những điểm giao thoa thú vị.
Bạn có thể dừng đọc ở đây nếu cảm thấy không phù hợp với lối suy nghĩ này, kẻo rồi chúng ta lại lâm vào những sự hiểu nhầm không đáng có. Nếu bạn chấp nhận được, tôi xin mạn phép chia sẻ.

image.png

Tôi thấy lối sống, lời phát biểu, cách hành xử của thầy mang dáng dấp của những câu kinh thánh sau đây. Xin lưu ý, tôi chỉ nói về ý chí, nguyện vọng, lòng quyết tâm của thầy và bài học tôi học được. Dĩ nhiên, nội dung đức tin của thầy thì khác biệt với tôn giáo tôi theo, nhưng gương sáng về ý chí tu trì của thầy thì rõ mồn một.

1. “Anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” (Mt 6,31-33)

Thầy Minh Tuệ không lo lắng tích trữ của cải thế gian, cứ ba y một bát, mà kỳ thực là cái lõi nồi cơm điện đi hóa duyên cho nhân sinh, ngày ăn một bữa, mà tất cả phụ thuộc hết vào lỏng quảng đại của thế nhân. Một lòng thầy quyết mưu tìm con đường giải thoát theo đường lối nhà Phật.

Phần tôi, tôi có dám tin, dám nhận vào lời hứa của Thiên Chúa hay không? Một khi dám tin đồng nghĩa với việc tôi phải dám liều, dốc sức làm việc “tìm kiếm Nước Thiên Chúa” tiên vàn trước nhất, và sẵn sàng phó thác những sự khác “ăn gì, uống gì hay lấy gì mà mặc” để cho Chúa tuỳ nghi định liệu?

2. “Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng, chúng không làm lụng, không kéo sợi ; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết : ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy” (Mt 6, 28-29).

Bộ y áo của thầy Minh Tuệ thật thú vị. Nó là thứ áo vá chằng vá đụp, chẳng khác gì cái bang như lời ông thầy Hộ pháp có nói về nhóm du tăng này. Buông xả tất cả, tấm thân hình hài cũng chỉ cần ba bộ y áo che thân mà thôi. Mà áo này cũng là thứ làm từ những miếng vải nhặt nhạnh ven đường, bên nghĩa trang, là đồ thải đi. Áo này thật khác xa với y áo được là lượt, chải chuốt không ít nơi cửa thiền. Thầy minh tuệ đã trở thành minh chứng sống động cho câu nói: Tấm áo không làm nên thầy tu. Đúng vậy, dù không tổ chức nào công nhận thầy là tu sĩ, tăng lữ nhưng trong lòng người dân, thầy là một bậc chân tu, nơi tu hành của thầy là thế gian rộng lớn, là trời cao đất dầy, tứ hải giai huynh đệ.

Phần tôi, tôi có dám sống thật với lòng mình, để tấm áo nội tâm của tôi được dệt nên bởi tình Chúa thương tôi? Hay tôi mải miết chạy theo những tấm áo của danh vị, chức tước, của người đời ban cho danh dự qua chiếc áo? Liệu khi mọi sự hào nhoáng thế gian bị cởi bỏ hết, người ta có còn nhận ra sự thánh thiện, lành thánh trong tôi nữa hay không?

3. “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.”

Nhiều người đến với thầy Minh Tuệ thắc mắc, gia đình thầy ở đâu, cha mẹ ai lo? Thầy thành thật nói đại ý: Con buông bỏ tất cả, và tất cả mọi người đây đều là cha mẹ của con. Thầy coi chúng sinh đang đến với mình như cha, như mẹ của mình, ứng xử với sự tôn kính nhất có thể. Đối với thầy, mọi chúng sinh đều là Phật đang thành, cần được đối xử bình đẳng, trân trọng.

Lời này gợi cho tôi nhớ đến lời của Chúa Giê-su khi mẹ và người thân đến tìm cách nói chuyện với người. Có kẻ thưa rằng kẻ thưa Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy.” Người bảo kẻ ấy rằng: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi? “Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.”

Phần tôi, tôi đã từ bỏ gia đình để bước theo Thầy Giê-su, tôi có đủ tâm rộng lượng đón nhận tất cả mọi người như là anh chị em, như là gia đình của mình trong Đức Ki-tô hay không? Hay là những sự chia rẽ, khác biệt vẫn hãy còn là rào ngăn cách tôi bước đến với tha nhân?

4. “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Luca 14:26)

Câu này ứng nghiệm đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng với thầy Minh Tuệ. Thầy dứt bỏ gia đình, mọi sự ngay cả đến thân mạng của mình thầy cũng chẳng tiếc nuối. Câu nói cửa miệng: Chết bỏ, con không tiếc!
Có lẽ học theo hạnh từ bỏ của thầy hay nói cách khác là làm theo lời Chúa là một việc không hề dễ dàng. Làm sao tôi có thể dứt bỏ mọi vướng bận để toàn tâm toàn ý cho việc nhà Chúa?

Đây là một số câu Kinh Thánh mà tôi nghĩ được khi suy ngẫm về hạnh của thầy Minh Tuệ. Còn bạn, bạn có thấy điểm tương đồng nào khác không?

Dĩ nhiên, tôi không cần phải giải thích lời Chúa theo nghĩa đen, nhưng chí ít gương thầy Minh Tuệ cũng làm tôi phải nhìn nhận lại lối sống của mình, phải uốn nắn và sửa đổi nhiều hơn nữa để lời Chúa có thể hiện rõ nơi cuộc đời của tôi.

* Tác giả: Erick Trung Vu, CSsR

Reply all
Reply to author
Forward
0 new messages