ĐTC Phanxicô: ‘Ma quỷ đang đe dọa Giáo hội Công giáo Syro-Malabar bằng sự chia rẽ’ | DCCT

15 views
Skip to first unread message

Minh Nguyen Quang

unread,
May 14, 2024, 7:37:26 PMMay 14
to alphonsefamily

Đức Thánh Cha Phanxicô: ‘Ma quỷ đang đe dọa Giáo hội Công giáo Syro-Malabar bằng sự chia rẽ’

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các thành viên của Giáo hội Syro-Malabar vào ngày 13 tháng 5 năm 2024 tại Vatican (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các thành viên của Giáo hội Syro-Malabar vào ngày 13 tháng 5 năm 2024 tại Vatican (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Trong cuộc gặp gỡ với Đức Tổng Giám mục Raphael Thattil và các thành viên của Giáo hội Công giáo Syro-Malabar tại Vatican hôm thứ Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi sự hiệp nhất và vâng phục trong bối cảnh xung đột phụng vụ âm ỉ kéo dài đang tiếp tục làm rung chuyển Giáo hội Đông phương.

Khi một số người lo sợ một cuộc ly giáo sắp xảy ra trong Giáo hội theo nghi lễ Đông phương cổ xưa, Đức Thánh Cha nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hiệp nhất, ngài nói: “Ngoài Thánh Phêrô, ngoài vị Tổng Giám mục trưởng, không có Giáo hội nào cả”.

Đức Thánh Cha kêu gọi các tín hữu hiện diện tại Hội trường Công nghị của Vatican hãy “tiến tới” trong sự vâng phục Giáo hội, đồng thời nói rằng: “Anh chị em vâng phục, và ở đâu có sự vâng phục, ở đó có Giáo hội. Ở đâu có sự bất tuân, ở đó có sự ly giáo”.

Chuyện gì đang xảy ra trong Giáo hội Syro-Malabar?

Giáo hội Syro-Malabar là một Giáo hội theo nghi lễ Công giáo Đông phương hiệp thông hoàn toàn với Giáo hội Công giáo La Mã. Các thành viên của Giáo hội theo nghi lễ này thường được gọi là “các Kitô hữu Thánh Tôma” vì nguồn gốc của Giáo hội này được cho là bắt nguồn từ việc rao giảng truyền giáo của Thánh Tôma Tông đồ.

Hiện nay có hơn 5 triệu tín hữu Công giáo Syro-Malabar trên khắp thế giới tại các Giáo phận – hay các Eparchy (Giáo phận Đông phương), như họ được gọi – ở Ấn Độ, Hoa Kỳ, Anh, Canada, Úc, New Zealand và Trung Đông.

Trong nhiều thập kỷ, các tín hữu Công giáo theo nghi lễ này đã bị chia rẽ gay gắt về việc liệu các Linh mục nên hướng về bàn thờ (“ad orientem”) hay hướng về phía giáo dân (“versus populum”) trong khi cử hành Thánh lễ mà người Công giáo Syro-Malabar gọi là “Holy Qurbana” (Phụng vụ Thánh Thể).

Năm 1999, Thượng Hội đồng Giám mục của Tổng Giáo phận Syro-Malabar đã nỗ lực giải quyết xung đột bằng cách đưa ra sắc lệnh rằng tất cả các Linh mục theo nghi lễ này phải đồng loạt hướng về phía giáo dân trong Phụng vụ Lời Chúa và sau đó hướng về bàn thờ trong Phụng vụ Thánh Thể.

Tuy nhiên, sắc lệnh này không chấm dứt tranh chấp vì một số Giáo phận vẫn tiếp tục từ chối thực hiện thay đổi, muốn cử hành Thánh lễ hướng về phía giáo dân.

Cuối cùng, chính Đức Thánh Cha Phanxicô đã vào cuộc khi đặt ra thời hạn cứng rắn cho các Giáo phận phải thực hiện sắc lệnh trước Lễ Giáng Sinh năm 2023.

Được biết, hầu hết các Giáo xứ theo nghi lễ Syro-Malabar đều tuân thủ thời hạn của Đức Thánh Cha, nhưng các cuộc biểu tình, gián đoạn Thánh lễ và căng thẳng vẫn tiếp diễn.

Tranh cãi về vấn đề đó đã dẫn đến những hành động bạo lực, khiến hàng trăm Linh mục nghi lễ Syro-Malabar thách thức các Giám mục của họ và dẫn đến lo ngại về một cuộc ly giáo mới.

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các thành viên của Giáo hội Syro-Malabar vào ngày 13 tháng 5 năm 2024 tại Vatican (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các thành viên của Giáo hội Syro-Malabar vào ngày 13 tháng 5 năm 2024 tại Vatican (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô giải quyết sự tranh cãi

Hôm thứ Hai, Đức Thánh Cha đã lên án mạnh mẽ sự chia rẽ này, đồng thời nhấn mạnh rằng những lập luận như vậy về Thánh lễ là “không phù hợp với đức tin Kitô giáo” và cho thấy “sự thiếu tôn trọng nghiêm trọng đối với Bí tích Thánh Thể”.

Đức Thánh Cha gọi sự chia rẽ tràn lan trong Giáo hội nghi lễ này là công việc của “ma quỷ, kẻ gây chia rẽ”, kẻ mà ngài nói rằng “đã lẻn vào và ngăn cản ước muốn chân thành nhất mà Chúa Giêsu đã bày tỏ trước khi chịu khổ hình vì chúng ta: rằng chúng ta, những môn đệ của Ngài, ‘anh em hãy nên một’, đừng chia rẽ và đừng phá vỡ sự hiệp thông”.

“Tiêu chí hướng dẫn, tiêu chuẩn thực sự thiêng liêng xuất phát từ Chúa Thánh Thần, là sự hiệp thông: Điều này đòi hỏi chúng ta phải tự xét mình về sự dấn thân cho tinh thần hiệp nhất và sự quan tâm trung thành, khiêm tốn, tôn trọng và vâng phục của chúng ta đối với những hồng ân chúng ta đã lãnh nhận”, Đức Thánh Cha nói.

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi Đức Tổng Giám mục Thattil và các Giám mục, Linh mục khác trong Giáo hội theo nghi lễ này thúc đẩy việc thảo luận với các lực lượng bất đồng chính kiến, đồng thời nói rằng “bảo vệ sự hiệp nhất không phải là một lời hô hào đạo đức mà là một nghĩa vụ”.

“Chúng ta hãy gặp gỡ và thảo luận mà không sợ hãi, điều đó là tốt đẹp, nhưng trước hết, chúng ta hãy cầu nguyện, để ánh sáng của Chúa Thánh Thần, vốn hòa giải những khác biệt và đưa những căng thẳng quay trở lại với sự hiệp nhất, có thể giải quyết những tranh chấp”, Đức Thánh Cha nói, đồng thời cũng cho biết thêm rằng “sự cám dỗ nguy hiểm để tập trung vào một chi tiết, và không muốn bỏ qua nó, thậm chí gây phương hại đến lợi ích của Giáo hội… bắt nguồn từ tính tự quy chiếu, dẫn đến việc không nghe theo cách suy nghĩ nào khác ngoài cách suy nghĩ của bản thân”.

Cùng quan điểm đó, Đức Thánh Cha đã lên án những nỗ lực trước đây của “một số thành viên đức tin” nhằm Tây phương hóa – hay Latinh hóa – Giáo hội Syro-Malabar, điều mà ngài gọi là một trong những “kho báu không thể thiếu trong đời sống của Giáo hội”.

“Kitô giáo Đông phương cho phép chúng ta kín múc từ những nguồn linh đạo cổ xưa và luôn mới mẻ; những điều này trở thành những nguồn suối tươi mới mang lại sức sống cho Giáo hội”, Đức Thánh Cha nói, đồng thời kêu gọi các Kitô hữu Syro-Malabar giữ lại bản sắc riêng của họ như một nghi lễ “sui iuris” – tự trị – để di sản phụng vụ, thần học, linh đạo và văn hóa vĩ đại của anh chị em có thể tỏa sáng hơn bao giờ hết”.

Đức Thánh Cha cũng thông báo rằng ngài chính thức trao quyền tài phán về nghi lễ cho các Kitô hữu nhập cư Syro-Malabar sống ở Trung Đông.

“Tôi muốn giúp anh chị em chứ không thay thế anh chị em”, Đức Thánh Cha nói trước khi tiếp tục cho biết thêm rằng “bởi vì bản chất của Giáo hội sui iuris của anh chị em trao quyền cho anh chị em không chỉ để xem xét cẩn trọng các tình huống và thách thức mà anh chị em phải đối mặt mà còn thực hiện các bước thích hợp để giải quyết chúng với tinh thần trách nhiệm và lòng can đảm theo tinh thần Phúc Âm”.

Minh Tuệ (theo CNA)

Reply all
Reply to author
Forward
0 new messages