Lượm lặt tin tức Công giáo tuần qua (cập nhật) | Minh Đỗ Texas

42 views
Skip to first unread message

Minh Nguyen Quang

unread,
Jun 22, 2024, 10:28:43 PMJun 22
to alphonsefamily
22/6/2024

Đức Thánh cha gặp gỡ khối G7

Trưa ngày 14 tháng Sáu năm 2024, Đức Thánh cha Phanxicô đã bay tới “Borgo Egnazia”, một làng nhỏ thuộc miền Puglia, nam Ý, là nơi nghỉ mát nổi tiếng và sang trọng, cách Roma 500 cây số về hướng đông nam, để gặp gỡ một số vị quốc trưởng, đang tham dự Hội nghị của các vị lãnh đạo khối bảy cường quốc, G7, theo lời mời của bà Thủ tướng Ý, Giorgia Meloni, trong tư cách là Chủ tịch theo lượt của khối này.

image.png

Hội nghị đã bắt đầu từ thứ Năm, ngày 13 tháng Sáu vừa qua và kéo dài đến ngày 15 tháng Sáu. Bà Meloni cho biết khi mời Đức Thánh cha, bà xác tín rằng sự hiện diện và phát biểu của ngài có thể góp phần quan trọng trong việc tìm ra một khuôn khổ luân lý đạo đức và văn hóa cho việc sử dụng trí tuệ nhân tạo đối với võ khí.

Đức Thánh cha rời Vatican lúc 11 giờ, và sau hơn một tiếng rưỡi bay, trực thăng của không quân Ý chở ngài đã đáp xuống sân thể thao ở Borgo Egnazia. Đức Thánh cha được bà Thủ tướng Meloni đón tiếp, rồi Đức Thánh cha dùng xe thể thao về nơi ở dành riêng.

Tại đây, trong một tiếng rưỡi đồng hồ, Đức Thánh cha lần lượt gặp gỡ và trao đổi song phương với bà Kristalina Georgieva, người Bulgaria, Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế, Tổng thống Ucraina, ông Volodymyr Zelensky, rồi Tổng thống Emmanuel Macron của Pháp, Thủ tướng Justin Trudeau của Canada.

Tiếp đến, lúc quá 14 giờ đã có lễ nghi bà Giorgia Meloni, chính thức đón tiếp Đức Thánh cha tại sân của Borgo Egnazia và chụp hình, trước khi Đức Thánh cha được hướng dẫn đến phòng Arena để tham dự phiên họp chung. Lần đầu tiên trong lịch sử 50 năm của G7, một vị Giáo hoàng tham dự và phát biểu tại một buổi họp của nhóm các cường quốc này.

Phát biểu của Đức Thánh cha

Phiên họp bắt đầu lúc 14 giờ 15. Và trong bài phát biểu, Đức Thánh cha nói đến những cơ may, những nguy hiểm và hậu quả của trí tuệ nhân tạo: ngài nhấn mạnh rằng nhân loại sẽ có một tương lai vô vọng, nếu người ta tước bỏ của con người khả năng quyết định về bản thân cũng như về đời sống của mình, kết án con người phải lệ thuộc những chọn lựa của máy móc.

Rất tiếc là nguy cơ ấy là điều có thực hơn bao giờ hết: trí tuệ nhân tạo là một dụng cụ có sức thu hút, nhưng đồng thời nó cũng là một dụng cụ kinh khủng, nhất là nó có thể mang lại bao nhiêu lợi ích, nhưng cũng có thể tạo nên những thiệt hại, như bao nhiêu vật dụng khác do con người tạo nên. Đề tài trí tuệ nhân tạo đã được Đức Thánh cha nói đến trong sứ điệp nhân ngày Thế giới Truyền thông Xã hội Lần thứ 58, cử hành ngày 12 tháng Năm vừa qua.

Nay trước những nhân vật nam nữ đang nắm giữ những trách nhiệm to lớn trên thế giới, Đức Thánh cha nêu rõ hơn những cơ may và rủi ro của trí tuệ nhân tạo đối với tương lai của nhân loại, nhất là trong bối cảnh cuộc chiến tranh “từng mảnh” ngày càng bị ráp lại với nhau.

Đức Thánh cha nhấn mạnh rằng: “Trong một thảm trạng như các cuộc xung đột võ trang, điều cấp thiết là xét lại sự phát triển và sử dụng các dụng cụ gọi là “võ khí tự động giết người” để nghiêm cấm sử dụng chúng, bắt đầu từ quyết tâm thực sự và cụ thể ngày càng du nhập sự kiểm soát chặt chẽ của con người.

Đừng bao giờ để những chiếc máy giết người đã tạo nên chúng. Đức Thánh cha khai triển ý tưởng này. Đây không phải là một thành kiến đối với những tiến bộ của khoa học và kỹ thuật, nhưng đúng hơn là sự trôi dạt, không thể thể kiểm soát nổi các dụng cụ ấy. Đức Thánh cha nói: Khoa học và kỹ thuật là những sản phẩm đặc biệt do tiềm năng sáng tạo của con người, và chính từ việc sử dụng tiềm năng sáng tạo mà Thiên Chúa ban cho chúng ta mà trí tuệ nhân tạo được chào đời. Đó là một phương tiện hết sức mạnh mẽ, được sử dụng trong rất nhiều lãnh vực hoạt động của con người, như: y khoa, lao động, văn hóa, truyền thông, giáo dục và chính trị. Người ta được phép cho rằng việc sử dụng trí tuệ nhân tạo ngày càng ảnh hưởng đến lối sống, tương quan xã hội và trong tương lai, nó sẽ ảnh hưởng tới cả quan niệm của chúng ta về căn tính con người”.

Đức Thánh cha nhấn mạnh rằng: “Vì những lý do đó, đứng trước những kỳ công của máy móc dường như biết chọn lựa một cách độc lập, chúng ta phải ý thức rõ rằng quyết định phải luôn luôn thuộc về con người”. Và Đức Thánh cha cảnh giác rằng: “Chúng ta sẽ kết án nhân loại phải chịu một tương lai không có hy vọng, nếu chúng ta tước đoạt khỏi con người khả năng quyết định về chính mình, bó buộc nó phải lệ thuộc những chọn lựa của máy móc. Chúng ta phải bảo vệ và đảm bảo một không gian kiểm soát quan trọng của con người đối với tiến trình chọn lựa các chương trình của trí tuệ nhân tạo. Điều này liên hệ tới chính phẩm giá con người”.

Sau bài phát biểu của Đức Thánh cha, nhiều tham dự viên khác cũng lên tiếng về vấn đề này. Tiếp đến, từ lúc 17 giờ 30, Đức Thánh cha còn có những cuộc gặp gỡ song phương với các vị Tổng thống của Kenya bên Phi châu, Thủ tướng Narendra Modi của Ấn Độ, Tổng thống Joe Biden của Mỹ, Tổng thống Brazil, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, sau cùng là Tổng thống nước Algeria, ông Abdelmadjid Tebboune.

Lúc gần 20 giờ, Đức Thánh cha mới đáp trực thăng bay trở về Vatican.



Đức Thánh Cha Phanxicô phát biểu với các nhà lãnh đạo G7 về việc sử dụng AI



image.png

Đức Thánh Cha Phanxicô  phát biểu trước các nhà lãnh đạo G7 vào thứ Sáu về trí tuệ nhân tạo, một sự xuất hiện chưa từng có phản ánh sự quan tâm ngày càng tăng của Vatican đối với công nghệ mới, những rủi ro và lợi ích của nó.

Đức Thánh Cha Phanxicô trở thành người đứng đầu Giáo hội Công giáo đầu tiên phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh G7 khi ĐTC phát biểu vào ngày thứ hai của cuộc họp ở Puglia, trước khán giả bao gồm Tổng thống Mỹ Joe Biden và Emmanuel Macron của Pháp.

Người đứng đầu của một tổ chức 
đã có từ 2.000 năm nay, có lẽ không phải là ứng cử viên thông thạo nhất để thuyết trình về công nghệ tiên tiến, nhưng Đức Thánh Cha coi AI là một thách thức chính đối với nhân loại. ( AIArtificial Intelligence = Trí tuệ nhân tạo  đang biến đổi mọi khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta. Nó ảnh hưởng đến cách chúng ta làm việc và vui chơi. Nó hứa hẹn sẽ giúp giải quyết những thách thức toàn cầu)


Tài liệu mới của Vatican về quyền tối thượng của Giáo hoàng chia sẻ 4 ‘khuyến nghị thực tiễn’ để hiệp nhất các giáo hội Kitô giáo


AMERICA MAGAZINE – Vào ngày 13.6.2024, Bộ Cổ võ Hiệp nhất các Kitô hữu của Vatican đã công bố một tài liệu nghiên cứu quan trọng về vai trò của Giám mục Rôma và vai trò đó được các giáo hội Kitô giáo khác nhìn nhận như thế nào như được thể hiện trong các cuộc đối thoại đại kết kể từ Công đồng Vatican II (1962-1965). Điều đáng chú ý là nó kết thúc bằng việc đề xuất bốn “khuyến nghị thực tiễn” về cách tiến hành cuộc thảo luận này trong một giáo hội hiệp nghị.

Tài liệu nghiên cứu này được đưa ra sau 29 năm thông điệp của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II về cam kết của Giáo hội Công giáo đối với sự hiệp nhất Kitô giáo, Ut Unum Sint (Để tất cả nên một), mời gọi các mục tử và các nhà thần học của các giáo hội Kitô giáo khác để “thấy— dĩ nhiên là cùng nhau - những hình thức” trong đó sứ vụ của Giám mục Rôma “có thể hoàn thành việc phục vụ yêu thương mà các bên đều nhìn nhận”.

Đức Giáo hoàng người Ba Lan đã đưa ra lời mời gọi khi nhận thức được quyền tối thượng của Giám mục Rôma đã và vẫn gây ra những trở ngại cho các giáo hội Kitô giáo khác trên hành trình hướng tới sự hiệp nhất như ý muốn của Chúa Kitô.

Tài liệu nghiên cứu mới này bối cảnh hóa lời mời gọi của Thánh Gioan Phaolô II. Nó nhắc lại rằng “sự hiểu biết và thực thi sứ vụ của Giám mục Rôma đã bước vào một giai đoạn mới với Công đồng Vatican II. Kể từ đó, chiều kích đại kết đã trở thành một khía cạnh thiết yếu của sứ vụ này, như các vị giáo hoàng kế nhiệm minh họa”. Tài liệu nghiên cứu cho biết lời mời gọi của Thánh Gioan Phaolô II trong Ut Unum Sint “đã đánh dấu một thời điểm mang tính lịch sử trong nhận thức đại kết này”, đồng thời nói thêm rằng “lời mời đó nhận được sự hỗ trợ đặc biệt” trong triều đại giáo hoàng của Đức Phanxicô, vốn đã nhấn mạnh đến chiều kích đồng nghị của sứ vụ giáo hoàng.

Tài liệu dài 147 trang mang tựa đề “Giám mục Rôma: Quyền tối thượng và tính hiệp hành trong các cuộc đối thoại đại kết và trong các câu trả lời cho thông điệp Ut Unum Sint”. Tài liệu đã được Đức Hồng y người Thụy Sĩ Kurt Koch, 74 tuổi người, Tổng trưởng Bộ Cổ võ Hiệp nhất các Kitô hữu, giới thiệu trong một cuộc họp báo ở Vatican ngày 13.6.2024 cùng với Đức Hồng y Grech, 67 tuổi, Tổng Thư ký Thượng Hội đồng.

Không giống như những tranh luận trong quá khứ, Đức Hồng y Koch nói, “vấn đề về quyền tối thượng không chỉ còn được coi đơn giản là một vấn đề nữa, mà còn là cơ hội để suy tư chung về bản chất của Giáo hội và sứ mệnh của Giáo hội trong thế giới”.

Tuy nhiên, Đức Hồng y Koch nhắc lại rằng trong tông huấn Evangelii Gaudium năm 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhận xét rằng “chúng ta đã đạt được rất ít tiến bộ” để đáp lại yêu cầu của Đức Gioan Phaolô II nhằm tìm ra “một cách thực thi quyền tối thượng sao cho nó hoàn toàn không từ bỏ những gì thiết yếu cho sứ mạng, nhưng vẫn cởi mở trước các tình hình mới”.

Đức Hồng y Koch nói rằng tài liệu nghiên cứu này là một bước tiến được Bộ thực hiện nhân kỷ niệm 25 năm thông điệp của Thánh Gioan Phaolô II; “[nó] đã nhìn thấy một cơ hội để tổng hợp những suy tư này và thu thập những thành quả chính,” như Đức Thánh Cha Phanxicô đã yêu cầu. Hơn nữa, “việc triệu tập Thượng Hội đồng về tính hiệp hành đã xác nhận sự liên quan của dự án này như một sự đóng góp cho chiều kích đại kết của tiến trình thượng hội đồng”.

Theo Đức Hồng y Koch, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phê chuẩn việc phát hành, người nhấn mạnh rằng tài liệu này “không yêu cầu làm cạn kiệt chủ đề cũng như không tóm tắt toàn bộ huấn quyền Công giáo về chủ đề này. Mục đích của nó là đưa ra một tổng hợp khách quan về cuộc thảo luận đại kết chính thức và không chính thức về chủ đề này” phản ánh cả những hiểu biết sâu sắc và những hạn chế của nó.

Tài liệu nghiên cứu kết thúc “với một đề xuất ngắn gọn từ Phiên họp toàn thể của Bộ có tựa đề ‘Hướng tới việc thực thi quyền tối thượng trong thế kỷ 21’”, trong đó xác định những khuyến nghị quan trọng cho sứ vụ hiệp nhất của Giám mục Rôma.

Đức Hồng y Koch cho biết tài liệu “là thành quả của gần ba năm làm việc thực sự mang tính đại kết và hiệp hành”. Nó tóm tắt 30 câu trả lời cho “Ut Unum Sint” và 50 tài liệu đối thoại đại kết về chủ đề này. Đã có sự tham vấn không chỉ trong phiên họp toàn thể của Bộ mà còn với các cơ quan Giáo triều Rôma và Thượng Hội đồng Giám mục.

Đức Hồng y, người đứng đầu Bộ của Vatican này từ tháng 7 năm 2010, đã trình bày những ý tưởng chính của tài liệu. Ngài chỉ ra rằng “nhiều” tài liệu đối thoại và câu trả lời về Ut Unum Sint, bao gồm cả một số hợp tác với các giáo hội khác, đã góp phần suy tư về quyền tối thượng và tính hiệp hành. Ngài lưu ý rằng mặc dù một số người có những cách giải thích khác nhau về cách thức thực thi sứ vụ này, “tất cả các tài liệu đều nhất trí về sự cần thiết phải phục vụ sự hiệp nhất ở cấp độ phổ quát”.

Đức Hồng y Koch cho biết điều đặc biệt thú vị là “sứ vụ Phêrô của Giám mục Rôma là nội tại của tính năng động thượng hội đồng, cũng như khía cạnh cộng đồng bao gồm toàn thể Dân Thiên Chúa và chiều kích hiệp đoàn của sứ vụ giám mục”.

Nhìn về tương lai và những bước cần thực hiện trong các cuộc đối thoại thần học, Đức Hồng y Koch cho biết, tài liệu nghiên cứu gợi ý sự cần thiết phải có “một sự kết nối tốt hơn giữa các cuộc đối thoại – địa phương và quốc tế, chính thức và không chính thức, song phương và đa phương, Đông phương và Tây phương. —để làm phong phú cho nhau.” Nó cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải “cùng nhau giải quyết quyền tối thượng và tính hiệp hành” như “hai thực tế hỗ tương lẫn nhau”. Nó kêu gọi “làm rõ từ vựng” cho Dân Chúa và “thúc đẩy việc tiếp nhận kết quả của các cuộc đối thoại ở mọi cấp độ [trong các giáo hội]”.

Ngài kết luận bằng cách chỉ ra bốn gợi ý hoặc khuyến nghị thực tiễn cần được giải quyết trong Giáo hội Công giáo “để một sự hiểu biết mới và việc thực thi quyền tối thượng của Giáo hoàng có thể góp phần khôi phục sự hiệp nhất Kitô giáo”.

Khuyến nghị đầu tiên kêu gọi “việc ‘tiếp nhận lại’, ‘tái diễn giải’, ‘giải thích chính thức’, ‘cập nhật bình luận’ hoặc thậm chí là ‘tái diễn đạt’” các giáo huấn của Vatican I về giáo hoàng theo kiểu Công giáo. Nó cho biết, “một số cuộc đối thoại nhận thấy rằng những giáo huấn này đã bị ảnh hưởng sâu sắc bởi bối cảnh lịch sử của chúng, và gợi ý rằng Giáo hội Công giáo nên tìm kiếm những cách diễn đạt và từ vựng mới trung thành với ý định ban đầu nhưng được tích hợp vào nền giáo hội học cộng đồng và thích nghi với nền văn hóa và bối cảnh đại kết hiện nay.”

Khuyến nghị thứ hai kêu gọi “một sự phân biệt rõ ràng hơn giữa các trách nhiệm khác nhau của Giám mục Rôma, đặc biệt giữa sứ vụ tối thượng của ngài trong việc xây dựng sự hiệp nhất và hiệp thông giữa các giáo hội, cả Tây phương và Đông phương, có thể mở rộng ý tưởng này để xem xét làm thế nào các Giáo hội Tây phương khác có thể coi Giám mục Rôma là tối thượng trong khi bản thân Giám mục Rôma có quyền tự chủ nhất định”. Nó cho biết cũng cần phải phân biệt các trách nhiệm thượng phụ, tối thượng và chính trị của giáo hoàng.

Nó gợi ý rằng “việc nhấn mạnh hơn đến việc thực thi sứ vụ của Giáo hoàng trong Giáo hội đặc biệt của ngài, giáo phận Rôma, sẽ làm nổi bật sứ vụ giám mục mà ngài chia sẻ với các giám mục anh em của mình, và đổi mới hình ảnh của giáo hoàng”.

Khuyến nghị thứ ba đề xuất “sự phát triển tính hiệp hành trong Giáo hội Công giáo”, nhấn mạnh việc này cũng sẽ góp phần như thế nào vào cam kết đại kết của Giáo hội. Nó xác định các lĩnh vực cần có tính hiệp hành lớn hơn trong Giáo hội Công giáo, đặc biệt là liên quan đến “thẩm quyền của các hội đồng giám mục Công giáo quốc gia và khu vực, mối quan hệ của họ với Thượng Hội đồng Giám mục và với Giáo triều Rôma”. Nó kêu gọi sự tham gia sâu sắc hơn của “toàn thể dân Chúa vào tiến trình thượng hội đồng”.

Khuyến nghị thứ tư kêu gọi “thúc đẩy ‘hòa giải công đồng’” thông qua các cuộc gặp gỡ thường xuyên, cũng như hành động và chứng tá chung giữa các nhà lãnh đạo giáo hội trên khắp thế giới.

Trong cuộc họp báo ngày 13.6.2024, Đức Hồng y Mario Grech đã “hoan nghênh” tài liệu nghiên cứu này và nói rằng nó được đưa ra vào thời điểm thích hợp, vì vấn đề này nằm trong chương trình nghị sự của Thượng Hội đồng. Ngài nhắc lại rằng trong bài phát biểu nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Thượng Hội đồng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh “sự cần thiết và cấp bách” đối với “một sự hoán cải triều đại giáo hoàng”. Ngài nhấn mạnh rằng “Giáo hoàng không...ở trên Giáo hội; nhưng trong đó với tư cách là một trong những người đã được rửa tội, và trong Giám mục đoàn với tư cách là Giám mục giữa các Giám mục, đồng thời được kêu gọi… lãnh đạo Giáo hội Rôma, là giáo hội chủ trì trong tình bác ái trên tất cả các Giáo hội.”

Trong bài phát biểu đó, Đức Phanxicô cũng lưu ý rằng “cam kết xây dựng một Giáo hội hiệp hành có ý nghĩa đại kết quan trọng” và rằng tính hiệp hành có thể chiếu sáng “một ánh sáng lớn hơn…về việc thực thi Quyền tối thượng của Phêrô”.

Đức Hồng y Grech trích dẫn báo cáo tổng hợp của Thượng Hội đồng, trong đó nói rằng “sứ vụ Phêrô của Giám mục Rôma là nội tại của năng động Thượng hội đồng, cũng như khía cạnh cộng đồng bao gồm toàn thể Dân Chúa và chiều kích tập thể của việc thực thi sứ vụ Giám mục. Do đó, tính hiệp hành, tính hiệp đoàn và quyền tối thượng liên quan đến nhau: quyền tối thượng bao hàm việc thực thi tính hiệp hành và tính hiệp đoàn, giống như cả hai đều bao hàm việc thực thi quyền tối thượng”.

Ngài cho biết Thượng Hội đồng nhấn mạnh rằng “ở đây cần có cái nhìn sâu sắc hơn về cách hiểu mới về hàng Giám mục trong một Giáo hội có tính hiệp hành ảnh hưởng đến sứ vụ của Giám mục Rôma và vai trò của Giáo triều Rôma như thế nào”.

Quyền tối thượng của Thánh Phêrô không còn là trở ngại mà là cơ hội cho sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu

Ngày 13/6/2024 Vatican đã công bố một tài liệu về cuộc đối thoại đại kết đang diễn ra liên quan đến vai trò của Đức Giáo hoàng và việc thực thi Thừa tác vụ Phêrô, một trong những khác biệt chính giữa các hệ phái Kitô hữu.

Tài liệu do Bộ Cổ võ Hiệp nhất các Kitô hữu chuẩn bị, có tựa đề “Giám mục Roma: quyền tối thượng và tính hiệp hành trong đối thoại đại kết và trong việc đáp lại thông điệp Ut unum sint”gồm 150 trang, chia thành 4 phần, tập hợp những thành quả của các cuộc đối thoại đại kết về thừa tác vụ của Đức Giáo hoàng trong 30 năm qua, dựa trên thông điệp của Đức Gioan Phaolô II ban hành năm 1995 sau những diễn biến do Công đồng Vatican II đưa ra.

Tài liệu đề xuất việc “đọc một cách đổi mới” các bản văn nói về thừa tác vụ Phêrô, điều mà trong lịch sử đã trở thành một trở ngại cho sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu và chỉ ra rằng quyền tối thượng của Giám mục Roma vừa là một “thể chế về quyền thánh thiêng” vừa là quyền con người.

Tài liệu kết thúc với một đề xuất từ Bộ, xác định những đề xuất quan trọng nhất được đưa ra “cho việc thực hiện một cách đổi mới thừa tác vụ hiệp nhất của Giám mục Roma”, được tất cả các Kitô hữu thừa nhận.

Một cơ hội để suy tư và tranh luận

Giới thiệu tài liệu, Đức Hồng y Tổng trưởng Bộ Cổ võ Hiệp nhất các Kitô hữu, Kurt Koch, nhấn mạnh rằng tài liệu “là kết quả của gần ba năm làm việc đại kết và hiệp hành” và nó tóm tắt khoảng 30 câu trả lời cho thông điệp Ut unum sint và 50 tài liệu đối thoại đại kết. Không chỉ các thành viên của Bộ đã tham gia mà còn có “các chuyên gia Chính thống và Tin lành, phối hợp với Viện Nghiên cứu Đại kết”.

Kết luận quan trọng nhất, như Đức Hồng Y Koch nhấn mạnh, là “tất cả các tài liệu đều nhất trí về việc cần phải phục vụ sự hiệp nhất ở cấp độ phổ quát, mặc dù nền tảng của việc phục vụ này và cách thức thực hiện nó tùy thuộc vào những cách giải thích khác nhau”. Ngài nói: “Không giống như những tranh cãi trong quá khứ, vấn đề về quyền tối thượng không còn được coi là một vấn đề nữa mà còn là một cơ hội để suy tư và tranh luận”.

Cơ hội suy tư chung về bản chất của Giáo hội và sứ mạng của Giáo hội trên thế giới

Kết thúc tài liệu, Bộ Cổ võ sự hiệp nhất các Kitô hữu khẳng định rằng thừa tác vụ của Giám mục Roma, “không nên chỉ được coi là một vấn đề, mà còn là một cơ hội để suy tư chung về bản chất của Giáo hội và sứ mạng của Giáo hội trên thế giới”.

Để đạt được mục đích này, họ đề xuất một cách giải thích mới của Giáo hội Công giáo về những giáo huấn của Công đồng Vatican I và “sự phân biệt rõ ràng hơn giữa các trách nhiệm khác nhau của Giám mục Roma”. Họ cũng kêu gọi nhấn mạnh nhiều hơn đến việc thực thi thừa tác vụ của Giáo hoàng trong giáo phận Roma. 

Những bước đi mới trong các cuộc đối thoại đại kết

Họ cũng bày tỏ rằng “đã đến lúc phải thực hiện những bước đi mới trong các cuộc đối thoại đại kết” và rằng “cần có sự kết nối tốt hơn giữa các cuộc đối thoại” để tránh sự lặp lại và làm phong phú lẫn nhau. Tương tự như vậy, văn bản nêu bật sự cần thiết phải “làm rõ từ vựng được sử dụng trong các cuộc đối thoại”, đồng thời thúc giục làm rõ ý nghĩa của cụm từ “Giáo hội hoàn vũ”.

Tài liệu cũng có nói rằng “chiều kích hiệp hành của Giáo hội Công giáo rất quan trọng đối với dấn thân đại kết của Giáo hội”, cũng như “việc cải cách giáo triều”, được thúc đẩy bởi tông hiến Praedicate Evangelium.


Vatican cáo buộc cựu sứ thần Carlo María Viganò về tội ly giáo

Ngày thứ năm 20 tháng 6, tổng giám mục cựu sứ thần Carlo María Viganò trình diện tại bộ Giáo lý Đức tin, bộ đã mở cuộc điều tra chống lại ông và ông có thể bị dứt phép thông công.

image.png

Cựu sứ thần Carlo Maria Viganò 

Trong một lá thư vào cuối tháng 8 năm 2018, tổng giám mục người Ý Carlo María Viganò cáo buộc nhiều quan chức cao cấp của Giáo triều Rôma và Đức Phanxicô đã che đậy những hành vi lạm dụng của một hồng y người Mỹ, ông đòi Đức Phanxicô từ chức, ông đã bị Bộ Giáo lý Đức tin khép vào tội ly giáo.
Một quả bom nổ ở Vatican khi một sắc lệnh của Bộ đã bị rò rỉ, sắc lệnh đề ngày 11 tháng 6 kêu gọi cựu sứ thần trình diện tại bộ Giáo lý Đức tin để “ghi nhận những cáo buộc và bằng chứng liên quan đến tội ly giáo (những tuyên bố công khai dẫn đến việc phủ nhận các yếu tố cần thiết để duy trì sự hiệp thông với Giáo hội), phủ nhận tính hợp pháp của giáo hoàng, phá vỡ sự hiệp thông với ngài và bác bỏ Công đồng Vatican II.
Sắc lệnh do Đức ông John Kennedy, thư ký phân bộ kỷ luật của bộ Giáo lý Đức tin ký, cảnh báo cựu sứ thần Viganò, 83 tuổi phải đối diện với “tiến trình hình sự ngoài tư pháp”, ông có thể nhờ luật sư bào chữa, trong trường hợp không có, ông sẽ có một luật sư do tòa chỉ định hoặc bị xử vắng mặt.
Theo thông tin của nhật báo La Nación, nếu bị kết tội ly giáo, ông có thể bị vạ tuyệt thông latae sententiae – theo điều 1364 của Giáo luật – thêm nữa, ông có thể bị các hình phạt khác kể cả việc bị ra khỏi hàng giáo sĩ.
Quyết định của cuộc điều tra và quá trình chống lại cựu sứ thần bảo thủ đã được bộ trưởng bộ Giáo lý Đức tin, hồng y Víctor Manuel Fernández và Đức Phanxicô chấp thuận.
Cựu sứ thần là người ngưỡng mộ Donald Trump, Vladimir Putin và chống vắc-xin, trong thời gian qua, ông tấn công triều giáo hoàng qua các bài báo và video đăng trên các blog cực kỳ bảo thủ. Theo một bài báo đăng trên La Repubblica cách đây không lâu, ông sắp mở ở Viterbe, phía bắc Rôma một chủng viện dành cho những người theo chủ nghĩa cực kỳ truyền thống, những người bất đồng chính kiến, những người yêu thích thánh lễ la-tinh cổ xưa và các nạn nhân của Đức Phanxicô.
Theo phong cách của ông, trong cuộc họp, cựu sứ thần trình bày lời biện hộ, ông phản ứng trước việc buộc tội này bằng cách tấn công vào giáo hoàng, cho rằng việc ông bị truy tố vì tội ly giáo là để rửa nhục.


Đức Hồng Y Sarah cảnh báo chống lại sự thiếu hiệp nhất giữa các Kitô hữu, nói rằng đó là dấu chỉ phản chứng

Sự thiếu hiệp nhất giữa các Kitô hữu, giữa những người theo Chúa Kitô là dấu chỉ phản chứng đối với sứ mạng làm chứng cho sứ điệp Tin Mừng và việc truyền giáo. Đức Hồng Y Robert Sarah đưa ra lập trường trên trong bài phát biểu tại hội nghị chuyên đề tại Đại Học Tangaza ở Kenya.

Đức Hồng Y Sarah, người từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích từ năm 2014 đến năm 2021, cảnh báo rằng sự chia rẽ giữa các tín hữu Chúa Kitô khiến họ bị “lợi dụng”.

“Nếu chúng ta không phải là một, nếu chúng ta bị chia rẽ, thì chứng tá của chúng ta về Chúa Kitô cũng bị chia rẽ và thế giới sẽ không tin vào Tin Mừng”, Đức Hồng Y Sarah nói

Đức Hồng Y Sarah kêu gọi những người theo Chúa Giêsu Kitô ở Phi Châu ưu tiên việc tuân thủ sứ điệp Tin Mừng, cho phép các nguyên tắc của đức tin Kitô giáo vượt lên trên tất cả các bản sắc khác, bao gồm bộ lạc, quốc tịch và chủng tộc, cùng các liên kết khác.

“Trước tiên hãy tìm kiếm sự hiệp nhất trong đức tin Kitô giáo và sau đó với những người đồng hương của chúng ta và những người Phi Châu,” ngài nói trong bài diễn văn có tựa đề “Làm cho mọi dân nước trở thành môn đệ: Nhiệm vụ truyền giáo của Chúa Kitô”.

Để nhấn mạnh sự cần thiết của sự đoàn kết giữa những người theo Chúa Giêsu Kitô, vị Hồng Y 78 tuổi sinh ra ở Guinea đã cảnh báo rằng sự chia rẽ khiến các Kitô hữu “dễ bị lợi dụng”.

“Nếu chúng ta không nỗ lực đạt được sự hiệp nhất trong Chúa Kitô thì chúng ta còn tệ hơn nữa. Sự chia rẽ giữa chúng ta - tôn giáo, sắc tộc và chính trị - dễ bị lợi dụng; họ có thể bị các chính trị gia tham nhũng hoặc thậm chí các thế lực nước ngoài lợi dụng”, ngài nói.

Đức Hồng Y Sarah trước đây đã bày tỏ sự phản đối của mình đối với Fiducia Supplicans, là tuyên bố của Bộ Giáo lý Đức tin của Vatican vốn đã gây ra những phản ứng trái chiều và chia rẽ sâu sắc giữa dân Chúa nói chung và các giám mục Công Giáo trên toàn thế giới nói riêng kể từ khi nó được phát hành vào ngày 18 tháng 12 năm 2023.

Trong một bài suy ngẫm ngày 6 Tháng Giêng mà ngài chia sẻ với Settimo Cielo, một blog của Ý, Đức Hồng Y Sarah đã duy trì lập trường trước đây của mình là không chống đối Đức Thánh Cha.

“Chúng tôi không phản đối Đức Thánh Cha Phanxicô, nhưng chúng tôi kiên quyết và triệt để phản đối tà giáo làm suy yếu nghiêm trọng Giáo hội, là thân thể của Chúa Kitô,” Đức Hồng Y Sarah nói, đồng thời làm rõ sự phản đối của ngài đối với các khuyến nghị của Fiducia Supplicans, cho phép các thành viên hàng giáo sĩ ban phước lành cho “các cặp đồng giới” và các cặp trong “những tình huống bất thường” khác.

Những người thực hành đồng tính luyến ái đang “ở trong tù ngục” của tội lỗi và cần sự thật của “lời Chúa” để giải thoát họ, ngài nói thêm: “Sự thật là lòng thương xót đầu tiên mà Chúa Giêsu ban cho những người tội lỗi”.

Ngài nói: “Sự tự do mà chúng ta phải trao cho những người sống trong các cuộc kết hợp đồng tính luyến ái nằm trong sự thật của Lời Chúa”. “Làm sao chúng ta có thể làm cho họ tin rằng việc ở lại trong ngục tù tội lỗi là điều tốt lành và Chúa mong muốn điều đó?”

Sự thiếu rõ ràng của trong Tuyên ngôn Fiducia Supplicans “chỉ làm tăng thêm sự nhầm lẫn đang ngự trị trong lòng, và một số thậm chí còn lợi dụng nó để hỗ trợ cho nỗ lực thao túng của họ”, Đức Hồng Y Sarah viết trong bài suy tư ngày 6 tháng Giêng, đề cập đến sự chia rẽ do các khuyến nghị của Fiducia Supplicans gây ra.

Trong bài phát biểu tại Kenya, Đức Hồng Y Sarah đã liên kết sự hiệp nhất giữa các môn đệ của Chúa Giêsu Kitô với sự tiến bộ. Ngài nói: “Chỉ có cùng nhau chúng ta mới có thể thịnh vượng”.

Theo Đức Hồng Y Sarah, những thách thức cản trở sứ mạng làm chứng cho sứ điệp Tin Mừng và sứ vụ truyền giáo có thể được giải quyết “bằng cách hướng về Chúa trong lời cầu nguyện và chay tịnh”.

“Bằng cách hướng về Chúa bằng lời cầu nguyện và chay tịnh, Thiên Chúa nâng chúng ta lên. Ngài giải thoát chúng ta khỏi sự ích kỷ và hẹp hòi và mạc khải chính Ngài cho chúng ta bằng cách này hay cách khác. Ngài kỷ luật chúng ta, vì vậy chúng ta không cho phép những khác biệt nhỏ ngăn cản chúng ta làm việc cùng nhau theo mọi cách được phép”

Đức Hồng Y tiếp tục nhấn mạnh sự cần thiết phải kết hợp cầu nguyện và ăn chay, hai trong ba trụ cột của Mùa Chay, bên cạnh việc bác ái qua việc bố thí.

“Việc truyền giáo phải bao gồm việc cầu nguyện và ăn chay cùng nhau, ngay cả với những truyền thống tôn giáo khác để đáp lại những tệ nạn mà chúng ta cùng nhau thừa nhận. Bằng cách cầu nguyện và ăn chay, những trở ngại cho việc truyền giáo sẽ được khắc phục”


Đức Hồng Y Koch thảo luận về việc ‘cải cách’ tín điều của Vatican I về tính bất khả ngộ của Đức Giáo Hoàng

Trong một cuộc phỏng vấn về tài liệu nghiên cứu mới của Vatican về tính tối thượng của Đức Giáo Hoàng và tính đồng nghị, Đức Hồng Y Kurt Koch đã nói về việc “tiếp nhận lại”, hoặc thậm chí là “cải cách” các giáo huấn của Công đồng Vatican I (1869- 70) về tính ưu việt và tính bất khả ngộ của Đức Giáo Hoàng.

Vị đứng đầu Bộ Cổ vũ sự Hiệp nhất Kitô giáo, nơi đã xuất bản tài liệu này, nói rằng “vì các định nghĩa tín lý của nó bị ảnh hưởng sâu sắc bởi các hoàn cảnh lịch sử”, một số đối tác đại kết “đề nghị rằng Giáo Hội Công Giáo nên tìm kiếm những cách diễn đạt và từ vựng mới trung thành với ý định ban đầu” tích hợp chúng vào nền giáo hội học hiệp thông và điều chỉnh chúng cho phù hợp với bối cảnh văn hóa và đại kết hiện nay. Do đó, người ta đang nói đến việc ‘tiếp nhận lại’ hoặc thậm chí ‘cải cách’ những giáo huấn của Vatican I. “

Đức Hồng Y Koch nói rằng sự tồn tại của ngôi vị giáo hoàng ít gây trở ngại cho đại kết hơn so với năm 1967, khi Thánh Giáo hoàng Phaolô Đệ Lục nói rằng Đức Giáo Hoàng “chắc chắn là trở ngại lớn nhất trên con đường tiến tới đại kết”.

Đức Hồng Y Koch nói: “Trong thế giới toàn cầu hóa của chúng ta, chắc chắn có một ý thức ngày càng tăng về nhu cầu có một mục vụ hiệp nhất ở cấp độ hoàn vũ”. “Vấn đề đặt ra là phải thống nhất về cách thức thực thi thừa tác vụ này, được Đức Gioan Phaolô II định nghĩa là ‘sự phục vụ tình yêu’”.



Giáo hội ở Ba Lan bảo vệ quyền của bác sĩ từ chối thực hiện phá thai

Trong một tuyên bố đưa ra hôm 13/6/2024, vào cuối Phiên họp toàn thể lần thứ 398, các Giám mục Ba Lan tái khẳng định việc các ngài phản đối các áp lực hợp pháp hóa việc phá thai, đồng thời bảo vệ quyền của các chuyên gia y tế trong việc từ chối thực hiện “giết trẻ em trong bụng mẹ”.



Điều răn “Chớ giết người” là nguyên tắc cơ bản hướng dẫn mọi người có lương tâm ngay thẳng

Trong tuyên bố, Hội đồng Giám mục Ba Lan nói: “Trước áp lực ngày càng tăng ở nơi công cộng và trước các hành động của chính phủ nhằm thay đổi sự bảo vệ hợp pháp đối với sự sống con người theo hướng hợp pháp hóa việc giết hại trẻ em trong bụng mẹ, các giám mục nhắc lại quan điểm rõ ràng và bất di bất dịch của Giáo hội về vấn đề này”.

Các ngài nói rõ rằng “bất kỳ hình thức cố ý nào hủy diệt sự sống con người, kể cả sự sống của một bào thai, đều không phù hợp với luật tự nhiên và đức tin Công giáo”. Theo nghĩa đó, các ngài khẳng định rằng điều răn “Chớ giết người” là “một nguyên tắc cơ bản của con người cần hướng dẫn mọi người có lương tâm ngay thẳng”.

Vì vậy, các Giám mục “đưa ra lời kêu gọi mạnh mẽ đến lương tâm không chỉ của các tín hữu, mà còn của tất cả những người có thiện chí, kiên quyết phản đối những nỗ lực hợp pháp hóa việc phá thai và hành động dứt khoát để thúc đẩy việc bảo vệ sự sống”.

Điều khoản lương tâm của các nhân viên y tế

Các ngài tái khẳng định: “Sự sống con người là một giá trị tối thượng. Vì vậy, không ai được nhân danh tự do cá nhân để có quyền quyết định về sự sống của người khác. Các bác sĩ, nhân viên y tế và dược sĩ cũng không nên bị buộc phải giết thai nhi, người già và người bệnh, vi phạm quyền giữ lại điều khoản lương tâm của họ”.

Sự quan tâm không ngừng đối với phúc lợi của trẻ em

Hội đồng Giám mục Ba Lan cảm ơn những người mẹ và người cha “đã phục vụ sự sống với tình yêu và bảo vệ con cái của họ ngay cả trong những tình huống khó khăn nhất khi họ làm chứng rằng niềm vui, vẻ đẹp và sự cao cả của tình mẫu tử và tình phụ tử là sự quan tâm không ngừng đối với phúc lợi của trẻ em, bất kể hoàn cảnh nào”.

Các Giám mục nhắc lại rằng “Giáo hội cung cấp mọi sự giúp đỡ và hỗ trợ có thể và áp dụng các hành động cụ thể để bảo vệ tất cả trẻ em khỏi mọi hình thức bạo lực”


Toà Thánh: Mang thai hộ là một “thị trường” phải cấm ngay lập tức

Ngày 18/6/2024, bà Gabriella Gambino, Phó Tổng Thư ký Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống điều hành cuộc họp về việc mang thai hộ tại Liên Hiệp Quốc ở Genève, kêu gọi cộng đồng quốc tế lên kế hoạch bảo vệ phụ nữ và trẻ em khỏi mọi hình thức bóc lột.

image.png
Bà Gabriella Gambino 

Cuộc họp được tổ chức bởi Phái đoàn Thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc và Quỹ “Caritas in Veritate” tập trung vào đề tài “Với giá nào? Hướng tới việc bãi bỏ mang thai hộ: ngăn chặn việc bóc lột và biến phụ nữ và trẻ em thành hàng hóa”.

Lên tiếng tại cuộc họp, bà Gambino cho rằng mang thai hộ thể hiện sự vi phạm nghiêm trọng phẩm giá và quyền của phụ nữ và trẻ em, cộng đồng quốc tế phải cảm thấy được kêu gọi suy nghĩ về tính cấp bách của việc đưa ra lệnh cấm tuyệt đối đối với thực hành này, như mong muốn của Đức Thánh Cha được thể hiện trong bài phát biểu đầu năm gửi tới ngoại giao đoàn cạnh Toà Thánh.

Bà giải thích mục đích của cuộc họp là để phản ánh tính cấp bách của phản ứng quốc tế đối với hiện tượng mang thai hộ. Mọi người nhận thức rằng, thực tế “du lịch sinh sản” là do thiếu hoà hợp các quy định của nhà nước liên quan đến việc mang thai hộ, và đó là nguyên nhân đưa đến việc bóc lột phụ nữ và trẻ em xuyên quốc gia. Đối với bà Gambino cần phải thúc đẩy một cam kết chung để đảm bảo bảo vệ toàn cầu phẩm giá và quyền con người của các chủ thể liên quan.

Trích dẫn Tuyên bố gần đây Dignitas Infinita của Bộ Giáo lý Đức tin, Phó Tổng Thư ký đã nhấn mạnh rằng mọi trẻ em đều có quyền “có nguồn gốc con người đầy đủ và đón nhận hồng ân sự sống thể hiện phẩm giá của người cho và người nhận”. Bà cũng nhắc lại không phải mọi phương pháp sinh đều hợp pháp và không được viện lý “quyền có con” để biện minh cho bất kỳ hoạt động sinh con.




Đức Thánh cha tiếp phái đoàn Liên hiệp Tin lành Luther thế giới


Trong buổi tiếp kiến sáng hôm 20 tháng Sáu vừa qua, dành cho phái đoàn Liên hiệp các Giáo hội Tin lành Luther thế giới, Đức Thánh cha Phanxicô đề cao niềm tin chung của các tín hữu Công giáo và Luther, như được biểu lộ trong kinh Tin Kính của Công đồng chung Nicea.


image.png


Liên hiệp Tin lành Luther thế giới được thành lập cách đây 77 năm (1947) và hiện quy tụ 140 Giáo hội thành viên tại 78 nước, với tổng cộng 74 triệu tín hữu.

Phái đoàn do vị Chủ tịch mới của Liên hiệp làm trưởng đoàn, đó là Đức giám mục Henri Stubkjaer, người Đan Mạch làm trưởng đoàn, và vị tổng thư ký là nữ mục sư Anne Burghardt, người Đức.

Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh cha nhắc đến dịp kỷ niệm 1.700 năm Công đồng chung Nicea, năm 325, mừng vào năm tới, công đồng này tạo nên một mối liên hệ đại kết với trung tâm là Chúa Kitô. Ngay từ trước khi kết thúc Công đồng chung Vatican II, hồi năm 1965, các tín hữu Công giáo và Luther tại Mỹ, trong cuộc gặp gỡ ở thành phố Baltimore, đã cùng nêu chứng tá chung và khẳng định rằng: “kinh Tin Kính tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô là Chúa Con, Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, tiếp tục cam đoan với chúng ta rằng chúng ta thực sự được cứu chuộc; vì chỉ có Đấng là Thiên Chúa mới có thể cứu chuộc chúng ta” (The Status of the Nicene Creed as Dogma of the Church, 7-7-1965).

Đức Thánh cha nhấn mạnh rằng: “Chúa Kitô là con tim của phong trào đại kết. Ngài là hiện thân lòng Chúa Thương Xót, và sứ mạng đại kết của chúng ta, là làm chứng về lòng thương xót ấy. Trong tuyên ngôn chung về đạo lý ơn công chính hóa, các tín hữu Luther và Công giáo biểu lộ đối tượng chung là “Tuyên xưng Chúa Kitô trong mọi sự, là Đấng duy nhất chúng ta đặt mọi tín thác, vì Ngài là Đấng Trung Gian duy nhất (Xc 1 Tm, 2.5-6). Qua Người, Thiên Chúa, trong Chúa Thánh Linh, ban chính thân mình và đổ tràn các hồng ân của Ngài để đổi mới mọi sự” (n.18).





Số người Á Đông coi tôn giáo là quan trọng giảm

Theo cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew, công bố vào ngày 17/6/2024, tại Á Đông số người coi tôn giáo là quan trọng giảm, nhưng nhiều người vẫn thực hành các nghi lễ tôn kính tổ tiên và tin vào “nghiệp báo”.

Cụ thể rất ít người ở Hong Kong, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Việt Nam nói rằng tôn giáo “rất quan trọng” trong cuộc sống của họ hoặc cầu nguyện hàng ngày.

Cuộc khảo sát cũng cho thấy mặc dù không coi tôn giáo như một phần thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày, nhưng nhiều người vẫn tham gia và tin vào các hoạt động tôn giáo như thờ cúng tổ tiên.

Ở Đài Loan, 11% người trưởng thành nói tôn giáo rất quan trọng đối với họ, nhưng 87% tin vào nghiệp báo, 36% nói rằng họ đã từng được tổ tiên viếng thăm và 34% nói đã từng thực hành thiền.

Tại Nhật Bản, 70% số người được hỏi cho biết đã dâng thức ăn, nước uống để bày tỏ lòng tôn kính như một phần tín ngưỡng hoặc truyền thống của họ. Con số này ở Việt Nam là 86%.

Việc thờ kính tổ tiên truyền thống trong khu vực được diễn tả qua việc thăm viếng, thắp hương, cúng tại các nghĩa trang hoặc bàn thờ tổ tiên. 50% người trưởng thành không theo tôn giáo nào và đa số là Phật tử nói rằng trong năm qua, họ đã thắp hương cho tổ tiên.

Có ít Kitô hữu tham gia vào các hoạt động này hơn các nhóm còn lại tại các quốc gia được khảo sát, ngoại trừ Việt Nam. Tại Việt Nam, khoảng 86% Kitô hữu cho biết trong năm qua đã thắp hương và 81% đã cắm hoa hoặc thắp nến tưởng nhớ tổ tiên.

Cuộc khảo sát cũng phân tích việc thay đổi tôn giáo khác. Nhiều người Đông Á nói họ được nuôi dưỡng theo một tôn giáo trong thời thơ ấu và hiện không theo tôn giáo nào cả. Nhưng xu hướng này ít phổ biến ở Việt Nam. Ví dụ, 15% người trưởng thành ở Hong Kong nói họ được nuôi dạy theo Kitô giáo nhưng giờ đây không thực hành. Trong khi đó, 14% người trưởng thành ở Hàn Quốc và Nhật Bản cho biết họ được nuôi dưỡng theo Phật giáo nhưng hiện không theo tôn giáo nào.

Trung tâm Nghiên cứu Pew chỉ ra rằng tỷ lệ chuyển đổi tôn giáo ở Đông Á (từ 32% tại Nhật Bản đến 53% tại Hong Kong và Hàn Quốc) cao hơn so với nhiều nơi khác. Ví dụ, trong các cuộc khảo sát trước đây về tôn giáo trên khắp châu Á kể từ năm 2019, chỉ có tỷ lệ chuyển đổi tôn giáo của Singapore (35%) mới đạt mức tỷ lệ được thấy ở các xã hội Đông Á.






Số tân linh mục gia tăng tại Pháp


Năm nay, số tân linh mục tại Pháp gia tăng so với năm ngoái: theo thống kê của Hội đồng Giám mục Pháp, công bố hôm 20 tháng Sáu vừa qua, năm nay tại Pháp có 105 tân linh mục, so với 88 linh mục được thụ phong trong năm ngoái, 2023, nhưng vẫn ít hơn so với 122 vị trong năm 2022.


image.png

Trong số các tân linh mục vừa nói, hai phần ba thuộc các giáo phận và phần còn lại thuộc các dòng tu và các cộng đồng, phong trào của Giáo hội. Ví dụ, có chín tân linh mục thuộc Cộng đoàn thánh Martin. Trong số hơn 90 giáo phận ở Pháp, hai giáo phận có số tân linh mục đông nhất, là Paris và Fréjus-Toulon.

Trong cuộc họp báo, hôm 19 tháng Sáu vừa qua, Đức cha Bertrand Lacombe, Tổng giám mục Giáo phận Auch, thuộc Hội đồng các thừa tác viên thánh chức và Chủ tịch Hội đồng toàn quốc về phó tế, cho biết các giám mục Pháp đang suy tư và nghiên cứu về những sáng kiến trong các giáo phận để khơi dậy và cổ võ ơn gọi. Đức cha cũng nhắc nhở về sứ mạng thiết yếu của các linh mục trong Giáo hội và ý nghĩa sứ vụ này ngày nay, giữa lòng một xã hội Pháp ngày càng bị tục hóa.

Trong số 67 triệu dân cư ở Pháp, khoảng một nửa còn xưng mình là tín hữu Công giáo. Tuy nhiên, số tín hữu thực hành đạo, - theo báo chí - chỉ có 2%; số linh mục và tu sĩ giảm sút nhiều từ những thập niên qua.



Các nữ tu Tây Ban Nha ly giáo có cơ hội cuối cùng để tránh bị vạ tuyệt thông chính thức

Tổng Giáo phận Burgos ở Tây Ban Nha đã gia hạn cho các Dòng Thánh Clara Khó Nghèo ở Belorado, cho họ thời hạn mới là Thứ Sáu, ngày 21 tháng 6, để trình diện trước tòa án giáo hội và rút lại tuyên bố chính thức rằng họ sẽ rời bỏ Giáo Hội Công Giáo, là một tội theo giáo luật liên quan đến sự ly giáo, đòi hỏi phải bị vạ tuyệt thông.

Theo tờ báo ABC của Tây Ban Nha, ba trong số các Nữ tu Dòng Thánh Clara khó nghèo, bao gồm nữ tu Isabel de la Trinidad, bề trên của tu viện, cũng như Nữ tu Sión và Nữ tu Paz – đã phải ra hầu tòa án giáo hội của Tổng giáo phận Burgos muộn nhất là vào ngày Chúa Nhật, 16 tháng 6. Tuy nhiên, qua email, các vị đã yêu cầu gia hạn.

Bảy vị Nữ tu Dòng Thánh Clara khó nghèo khác không còn công nhận thẩm quyền của Giáo Hội Công Giáo và coi “Đức Giáo Hoàng Piô XII là Giáo hoàng tối cao hợp lệ cuối cùng”, cũng phải đối mặt với một thủ tục giáo luật với thời hạn ban đầu khác nhau nhưng bây giờ là cùng ngày 21 tháng Sáu.

Theo nguồn tin của ABC, tổng giáo phận Tây Ban Nha cho biết “tùy thuộc vào những gì mỗi người nói riêng và khi thời hạn trôi qua, việc đánh giá sẽ được thực hiện và chúng tôi sẽ tiến hành theo đó”.

Các Nữ tu Dòng Thánh Clara khó nghèo của các tu viện ở Belorado và Orduña – dưới quyền của các tổng giáo phận Burgos và Vitoria của Tây Ban Nha – đã tuyên bố vào ngày 13 tháng 5 rằng họ không còn công nhận thẩm quyền của các giám mục Công Giáo và của Đức Thánh Cha Phanxicô nữa và rằng họ đang tự đặt mình vào dưới quyền của một giám mục bị vạ tuyệt thông giả tên là Pablo de Rojas.

Tòa án giáo hội của Tổng Giáo phận Burgos gần đây đã tuyên bố rằng các hành động của các Nữ tu Dòng Thánh Clara khó nghèo Tây Ban Nha cấu thành “tội ly giáo, được định nghĩa trong Bộ Giáo luật phù hợp với Điều 751, hình phạt cho tội này được quy định trong Điều 1364 triệt 1, và nó kèm theo việc trục xuất khỏi đời sống thánh hiến.”

Điều 751 của Bộ Giáo luật của Giáo Hội Công Giáo định nghĩa tội ly giáo là “việc từ chối phục tùng Đức Giáo Hoàng hoặc không chịu hiệp thông với các thành viên của Giáo hội”.

Điều 1364 triệt 1 cảnh báo rằng những người ly giáo - cũng như những kẻ bội giáo hoặc lạc giáo - phải chịu vạ tuyệt thông “latae senentiae” nghĩa là tiền kết, đến mức tiến trình giáo hội được mở ra chống lại những Nữ tu Dòng Thánh Clara khó nghèo này có thể chỉ đơn giản là chính thức hóa tình trạng vạ tuyệt thông của họ hoặc ban cho họ một cơ hội để rút lại các tuyên bố của mình.

Theo Bộ Giáo luật, ngoài việc bị rút phép thông công, các Nữ tu Dòng Thánh Clara khó nghèo sẽ bị cấm “cư trú tại một địa điểm hoặc lãnh thổ cụ thể” và không được “mặc áo dòng”, có nghĩa là họ sẽ bị buộc phải rời khỏi tu viện nơi họ đang sống.

Một nhóm linh mục và giáo xứ ở Ấn Độ từ chối tuân lệnh


Căng thẳng tiếp tục trong Tổng giáo phận Ernakulam-Angamaly thuộc Giáo hội Công giáo Syro Malabar, bang Kerala bên Ấn Độ, vì một nhóm linh mục và giáo dân chống lại lệnh tối hậu của giáo quyền, về việc áp dụng phụng vụ mới trong việc cử hành thánh lễ.

Từ lâu, trong Giáo hội này có sự tranh chấp về nghi lễ thánh lễ, nhưng rồi Hội đồng của Giáo hội này, là cơ quan điều hành Giáo hội, đã quyết định dứt khoát về cách cử hành, theo đó trong phần đầu lễ và cuối lễ, linh mục quay xuống giáo dân, còn phần Phụng vụ Thánh Thể, với nghi thức truyền phép, linh mục quay lên bàn thờ.

34 giáo phận của Giáo hội Syro Malabar đã chấp nhận quyết định trên đây, ngoại trừ tại Tổng giáo phận Ernakulam-Angamaly, là giáo phận lớn nhất, thì còn vấn đề: hơn 300 linh mục chống đối, bất tuân lệnh của thẩm quyền Giáo hội. Trong gần ba năm qua, nhiều cố gắng hòa giải đều không thành công, kể cả những lời nhắn nhủ tha thiết của Đức Thánh cha qua một sứ điệp Video và trong buổi tiếp kiến ngày 13 tháng Năm năm 2024, dành cho phái đoàn do Đức tân Tổng giám mục Trưởng Raphael Thattil hướng dẫn, và gồm có sáu giám mục, một số linh mục, cùng với giáo dân từ Ấn Độ.

Mới đây, các vị lãnh đạo Giáo hội Công giáo Syro Malabar bên Ấn Độ ra lệnh tối hậu cho các linh mục bất tuân chỉ thị của Hội đồng Giáo hội về việc cử hành thánh lễ.

Trong thư chung, công bố hôm mùng 09 tháng Sáu vừa qua, và được đọc trong các nhà thờ giáo xứ ở địa phương, hôm Chúa nhật, ngày 16 tháng Sáu sau đó, Đức Tổng giám mục Trưởng và Đức cha Bosco Puthur, Giám quản Tông tòa Tổng giáo phận Ernakulam, khẳng định rằng sau ngày 03 tháng Bảy sắp tới, tín hữu Công giáo nào tham dự thánh lễ Syro Malabar, không theo cơ cấu đã được Hội đồng Giáo hội chấp thuận, thì không chu toàn giới răn dự lễ Chúa nhật. Và từ ngày 03 tháng Bảy, những linh mục nào không tuân hành kỷ luật phụng vụ trong thời gian đó sẽ bị cấm không được thi hành thừa tác vụ linh mục nữa và bị đối xử như những người rời bỏ tình hiệp thông của Giáo hội Công giáo. Những linh mục ấy không thể cử hành thánh lễ”.

Tuy có lệnh trên đây, nhưng hôm Chúa nhật, ngày 16 tháng Sáu vừa qua, tại 321 nhà thờ thuộc giáo phận, linh mục và giáo dân đã từ chối đọc thư của các vị giám mục hữu trách. Có những người thuộc nhóm nổi loạn đã xé thư chung, đốt hoặc quăng xuống nước hoặc ném vào thùng rác.

Giờ đây, người ta chờ đợi biện pháp kỷ luật của giáo quyền, sau hạn tối hậu ngày 03 tháng Bảy tới đây.



Hy vọng có giải pháp cho Giáo hội Công giáo Syro Malabar

Hôm 20 tháng Sáu vừa qua, hãng tin Công giáo Á châu đưa tin: Giáo hội Công giáo Syro Malabar bên Ấn Độ đã tìm được một giải pháp dung hòa để giải quyết những tranh chấp về phụng vụ.


image.png

Từ lâu, trong Giáo hội này có sự tranh chấp về nghi lễ thánh lễ, nhưng Hội đồng của Giáo hội này, là cơ quan điều hành Giáo hội, đã quyết định dứt khoát về cách cử hành, theo đó trong phần đầu lễ và cuối lễ, linh mục quay xuống giáo dân, còn phần Phụng vụ Thánh Thể, với nghi thức truyền phép, linh mục quay lên bàn thờ.

34 giáo phận của Giáo hội Syro Malabar đã chấp nhận quyết định trên đây, ngoại trừ tại Tổng giáo phận Ernakulam-Angamaly, là giáo phận lớn nhất, hàng trăm linh mục không chấp nhận.

Trong thư chung, công bố hôm mùng 09 tháng Sáu vừa qua, và được đọc trong các nhà thờ giáo xứ ở địa phương, hôm Chúa nhật 16 tháng Sáu vừa rồi, Đức Tổng giám mục Trưởng và Đức cha Bosco Puthur, Giám quản Tông tòa Tổng giáo phận Ernakulam, khẳng định rằng sau ngày 03 tháng Bảy sắp tới, tín hữu Công giáo nào tham dự thánh lễ Syro Malabar, không theo cơ cấu đã được Hội đồng Giáo hội chấp thuận, thì không chu toàn giới răn dự lễ Chúa nhật. Và cũng từ ngày 03 tháng Bảy, những linh mục nào không tuân hành kỷ luật phụng vụ trong thời gian đó, sẽ bị cấm không được thi hành thừa tác vụ linh mục nữa và bị đối xử như những người rời bỏ tình hiệp thông của Giáo hội Công giáo. Những linh mục ấy không thể cử hành thánh lễ nữa”.

Tuy có lệnh trên đây, trong một cuộc họp, khoảng 300 linh mục tuyên bố sẽ tiếp tục cử hành thánh lễ, quay xuống giáo dân, sau ngày 03 tháng Bảy.

Nay, hãng tin Ucan cho biết, có hy vọng giải quyết tranh chấp này, theo đó vào những ngày thường, các linh mục có thể cử hành thánh lễ theo nghi thức cũ, nhưng thánh lễ Chúa nhật trong các giáo xứ, thì phải cử hành theo nghi thức đã được Hội đồng của Giáo hội chấp thuận. Linh mục nào đi ngược với quy định này sẽ bị phạt theo giáo luật.

Một lãnh tụ nhóm linh mục chống đối tuyên bố rằng lời thỉnh cầu của chúng tôi đã được chấp nhận.

Theo Ucan, quyết định trên đây đang chờ sự chấp thuận của Tòa Thánh.

Sáng ngày 21 tháng Sáu, Đức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli, Sứ thần Tòa Thánh tại Ấn Độ và Népal. Có thể buổi tiếp kiến này có liên hệ tới vấn đề của Giáo hội Công giáo Syro Malabar.

Tiểu bang Louisiana của Mỹ áp đặt “Mười điều răn” trong các trường học

Ngày thứ tư 19 tháng 6, tiểu bang Louisiana đã đặt “Mười điều răn” vào trong các lớp học, khơi dậy cuộc tranh luận về sự tách biệt giữa Giáo hội và Nhà nước. Louisiana là bang bảo thủ ở miền nam Hoa Kỳ.

Louisiana là tiểu bang đầu tiên đặt “Mười Điều Răn” vào trong các lớp học.

image.png

Ông Jeff Landry, thống đốc đảng Cộng hòa của Louisiana đã ký thành luật một dự luật quy định việc đặt Mười điều răn trong các trường do tiểu bang tài trợ từ mẫu giáo đến đại học bắt đầu từ năm tới. Ông nói trong lễ ký kết: “Nếu chúng ta muốn tôn trọng pháp quyền thì chúng ta phải bắt đầu từ luật gốc, luật của ông Môsê.”

Hiển thị trên áp phích hoặc trong khung

Luật quy định Mười điều răn phải được hiển thị trên các áp phích hoặc trong một “khung đủ lớn và có phông chữ phù hợp để có thể đọc được”.

Ngay lập tức, Tổ chức bảo vệ các quyền tự do ACLU nói họ sẽ đưa vấn đề này ra tòa: “Luật này vi phạm sự tách biệt giữa nhà thờ và nhà nước và rõ ràng là vi hiến.”

Lần đầu tiên ở Hoa Kỳ

Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Hoa Kỳ cấm việc thành lập một tôn giáo quốc gia hoặc cấm ưu tiên tôn giáo này hơn tôn giáo khác.

Các bang bảo thủ khác trong “khuôn viên Kinh thánh” ở miền nam Hoa Kỳ đã cố gắng áp dụng các biện pháp tương tự, nhưng đây là lần đầu tiên một bang đưa ra thành luật.


Giáo phận San Diego phải đối diện với khoảng 450 vụ kiện cáo buộc lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên của các linh mục, tu sĩ và giáo dân trong giáo phận, hôm nay hồng y McElroy thông báo giáo phận sẽ nạp đơn xin phá sản lần thứ hai.

Thông báo này đưa ra 16 tháng sau khi hồng y cho biết giáo phận đang xem xét công việc này. Trong thư ngày 13 tháng 6, hồng y viết: “Trong năm qua, giáo phận đã tổ chức các cuộc nói chuyện với các luật sư đại diện cho các nạn nhân bị lạm dụng, tôi phối hợp với ban lãnh đạo Giáo phận đã đi đến kết luận, đây là thời điểm chính thức đi vào giai đoạn phá sản và tiếp tục bàn thảo quá trình phá sản.”

Ngài giải thích việc phá sản mang lại con đường tốt nhất cho giáo phận: “Vừa bồi thường công bằng cho nạn nhân bị lạm dụng tình dục, vừa tiếp tục sứ mệnh giáo dục, phục vụ mục vụ và đến với người nghèo, với những người bị gạt ra ngoài lề xã hội của giáo hội. Việc nạp đơn xin phá sản là để có được sự công bằng giữa các yêu cầu bồi thường khác nhau của các nạn nhân, thành lập một quỹ để bồi thường cho nạn nhân bị lạm dụng tình dục trong quá khứ, giải quyết việc phá sản, chịu trách nhiệm pháp lý với họ và hướng làm việc trong tương lai.”

Bất chấp những thách thức, hồng y McElroy nói rõ: “Giáo hội phải chịu trách nhiệm. Khi chúng ta vượt qua quá trình khó khăn này trong năm tới, điều quan trọng là tất cả chúng ta phải nhớ đó là sự thất bại về mặt đạo đức của những người trực tiếp lạm dụng trẻ em và thanh thiếu niên, cũng như sự thất bại về mặt đạo đức to lớn không kém của những người đã phân công, đã không cảnh giác dẫn đến những vết thương tâm lý và tinh thần vẫn còn làm tan nát trái tim và tâm hồn của rất nhiều người trong chúng ta.”

Ngài nói thêm: “Những bước tiến to lớn mà chúng ta đã thực hiện trong 20 năm qua để bảo vệ trẻ vị thành niên trong Giáo hội và hơn thế nữa không thể bắt đầu với việc giảm nhẹ trách nhiệm đạo đức to lớn mà tôi, với tư cách là giám mục của anh chị em, và toàn bộ cộng đồng công giáo tiếp tục gánh chịu.”

Phía các luật sư của các nạn nhân cho rằng việc nạp đơn xin phá sản là để tránh việc bồi thường công bằng cho các nạn nhân lạm dụng tình dục trẻ em. Luật sư Irwin Zalkin của Công ty Luật Zalkin cho biết: “Sau gần một năm hòa giải, chúng tôi hy vọng các trẻ em nạn nhân sống sót sau vụ lạm dụng tình dục, giáo phận và công ty bảo hiểm của giáo phận sẽ có thể có được thỏa thuận giải quyết và đồng ý lập kế hoạch bồi thường qua vụ phá sản không thể tránh khỏi của giáo phận đã công bố khoảng một năm trước. Rõ ràng các giáo phận công giáo và các công ty bảo hiểm đã áp dụng chiến lược sử dụng các vụ phá sản để giải quyết các vụ lạm dụng tình dục trẻ em, giảm tiền bồi thường trả cho người sống sót và tước bỏ quyền xét xử của họ. Những nỗ lực này là lạm dụng hệ thống phá sản.”

Khoảng 450 vụ kiện chống lại giáo phận San Diego bắt nguồn từ luật AB 218 của California năm 2019 loại bỏ thời hiệu với bất kỳ khiếu nại nào về lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên trong ba năm, kể từ ngày 1 tháng 12 năm 2020 đến ngày 31 tháng 12 năm 2022.

Sau khi nộp đơn xin phá sản năm 2007, giáo phận đã phải trả 198 triệu đô la để giải quyết 144 khiếu nại về lạm dụng, trước đó hồng y McElroy đã nói vụ này đã làm cạn kiệt phần lớn tài sản của giáo phận. Những tuyên bố này được thúc đẩy bởi việc dỡ bỏ thời hiệu của bang California. Nếu những con số trong các vụ kiện hiện tại tương tự như những con số của năm 2007, thì khoản chi trả của giáo phận cho những người sống sót có thể vào khoảng 500-600 triệu đô la.

Trong thư ngày 13 tháng 6, hồng y McElroy cho biết, dù chỉ có giáo phận nạp đơn xin phá sản nhưng các giáo xứ của giáo phận và các trường trung học sẽ phải “đóng góp đáng kể vào việc giải quyết để có giải pháp cuối cùng cho trách nhiệm pháp lý mà họ phải đối diện”.

Giáo phận San Diego là giáo phận thứ sáu ở California nạp đơn xin phá sản.

Gần đây nhất là giáo phận Fresno đã nạp đơn xin phá sản  tháng trước khi phải đối diện với 154 vụ kiện lạm dụng tình dục trẻ em. Bốn giáo phận khác ở California đã xin phá sản là tổng giáo phận San Francisco, và các giáo phận Sacramento và Oakland.



image.png
Hồng y Robert Walter McElroy


Thêm một giáo phận ở Mỹ đăng ký phá sản


Thêm một giáo phận ở Mỹ phải khai phá sản do những vụ kiện tụng vì những vụ giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên trong quá khứ.


image.png

The Roman Catholic Diocese of San Diego Pastoral Center

Đó là giáo phận San Diego, giáo phận thứ bảy tại bang California, nại đến biện pháp này, sau khi nghị viện tiểu bang mở cửa trong vòng ba năm, để nạn nhân các vụ lạm dụng xảy ra trong quá khứ và hết thời hiệu, để tố giác các vụ đó, nay cũng có thể nạp đơn kiện.

Hồi tháng Hai năm nay, Đức Hồng y Robert McElroy, giám mục sở tại đã thông báo rằng giáo phận đang cứu xét biện pháp đăng ký phá sản, đứng trước những phí tổn pháp luật để đáp lại 400 vụ kiện mới tại bang này, sau khi Nghị viện tiểu bang mở cửa trong vòng ba năm, để nạn nhân các vụ lạm dụng xảy ra trong quá khứ và hết thời hiệu hầu tố giác các vụ đó, nay cũng có thể nạp đơn kiện. Đức Hồng y cũng nói rằng các vị hữu trách của Giáo phận San Diego đã dành mười sáu tháng qua để duyệt lại những vụ kiện lạm dụng và đi đến kết luận rằng đây là lúc nạp đơn chính thức để khai phá sản. Việc đăng ký này là cần thiết để Giáo hội có thể tiếp tục sứ vụ giáo dục, mục vụ và tìm đến với những người nghèo, những người bị gạt ra ngoài lề xã hội.

Đức Hồng y McElroy nhắc lại rằng giáo phận đã phải trả những món tiền lớn cho những vụ kiện lạm dụng tính dục, từ sau vụ khai phá sản hồi năm 2007.

Hồi đầu tháng Sáu này, Giáo phận Fresno, cũng thuộc bang California đã khai phá sản và trên toàn bang này, có khoảng 3.000 vụ kiện chống các tổ chức Công giáo.

Sau khi cứu xét và chấp nhận đơn khai phá sản, Tòa án đặc biệt sẽ quản lý tài sản của giáo phận, và sau khi chi cho các nhu cầu chính đáng của giáo phận, số tiền còn lại mới được chia cho các nạn nhân các vụ lạm dụng.

San Diego là giáo phận Công giáo thứ 40 ở Mỹ khai phá sản. Cho đến nay, đã có 24 trường hợp kết thúc. Trên toàn nước Mỹ có 198 giáo phận.

















Minh Nguyen Quang

unread,
Jun 29, 2024, 2:47:47 AMJun 29
to alphonsefamily
28/6/2024

Đức TGM Carlo Maria Viganò bị cáo buộc tội ly giáo.

Trong tuần qua, Bộ Giáo Lý Đức Tin đã triệu tập Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò và cáo buộc ngài tội ly giáo. 

Điều đáng buồn là Giáo Hội chúng ta đang bị phân hóa mãnh liệt, rất nhiều người lên tiếng bênh vực cho Đức Tổng Giám Mục, và cũng có rất nhiều người lên tiếng bênh vực Tòa Thánh. Một số lớn các quan sát viên cho rằng Tòa Thánh lẽ ra không nên mang Đức Tổng Giám Mục Viganò ra xử vì chỉ làm bùng lên những tranh cãi và chỉ trích lẫn nhau.

Francis X. Rocca, một tác giả có khuynh hướng bênh vực Tòa Thánh, cũng cho rằng không nên mang Đức Tổng Giám Mục ra xử làm gì. Ông vừa có bài nhận định nhan đề “Archbishop Viganò’s Astonishing Transformation from Vatican Insider to Alleged Schismatic”, nghĩa là “Sự chuyển đổi đáng kinh ngạc của Đức Tổng Giám Mục Viganò từ Người trong nội bộ Vatican thành Người bị cáo buộc ly giáo”.


Chín năm trước, Đức TGM Carlo Maria Viganò là đặc phái viên của Tòa Thánh tại Hoa Kỳ, làm việc với Tòa Bạch Ốc và Quốc Hội để chuẩn bị cho chuyến thăm Hoa Kỳ vào tháng 9-2015 của ĐTC Phanxicô.
Tuần này, cuối tháng 6-2024, Đức TGM Viganò đang bị văn phòng Bộ Giáo lý Đức tin xét xử, buộc tội kích động ly giáo – một sự chia rẽ trong Giáo Hội Công Giáo – bằng cách phủ nhận tính hợp pháp của ĐTC Phanxicô và bác bỏ Công Đồng Vatican II. TGM Viganò có thể phải đối mặt với những hình phạt bao gồm vạ tuyệt thông và huyền chức linh mục.
Sự biến đổi đáng kinh ngạc của TGM Viganò là một ví dụ cực đoan về sự phân cực đã bao trùm Giáo Hội và xã hội rộng lớn hơn trong thập niên qua. Bất kể kết quả của phiên tòa xét xử ông ra sao, những tranh cãi mà ông đã khuấy động và bầu không khí bút chiến mà ông thể hiện sẽ vẫn tồn tại trong tương lai gần như những thách thức lớn đối với sự đoàn kết Công Giáo.
Ngay cả trước khi đoạn tuyệt với ĐTC Phanxicô, TGM Viganò đã được biết đến như một người có tính cách cố ý và hiếu chiến, thẳng thắn một cách bất thường đối với một nhà ngoại giao chuyên nghiệp. Với tư cách là quan chức số 2 trong việc điều hành Thành Quốc Vatican dưới thời ĐGH Benedict XVI, ông đã viết thư cho giáo hoàng và ngoại trưởng của ông cáo buộc các quan chức Vatican khác tham nhũng và lạm dụng quyền lực. Ông cũng cầu xin không được cử đến Washington với tư cách là sứ thần, phàn nàn rằng việc tái bổ nhiệm là một nỗ lực của kẻ thù nhằm gạt ông ra ngoài. Những bức thư đã gây xôn xao dư luận khi chúng được xuất bản vào năm 2012, khi ông đang ở Mỹ.
Tuy nhiên, TGM Viganò vẫn giữ chức vụ sứ thần trong suốt thời gian còn lại của triều đại ĐGH Benedict XVI và sau đó dưới thời ĐGH Phanxicô. Chuyến thăm Hoa Kỳ năm 2015 của ngài được nhiều người ca ngợi là một thành công, mặc dù đã có dư chấn tranh cãi khi có thông tin tiết lộ rằng giáo hoàng đã gặp Kim Davis một thời gian ngắn, một quan chức bang Kentucky, người đã bị tù vì từ chối công nhận hôn nhân đồng giới. Sau đó phát ngôn viên Tòa Thánh nói rằng sứ thần đã sắp xếp cuộc gặp mà không nói rõ ý nghĩa của nó với giáo hoàng.
ĐTC Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức của TGM Viganò vào năm sau, ngay sau khi TGM Viganò đệ đơn ở tuổi 75 theo luật định. Cựu nhà ngoại giao này đã nghỉ hưu và không xuất hiện trước công chúng.
Ít ai có thể đoán trước được rằng ông sẽ trở lại nổi bật, chứ đừng nói đến cách gây sốc mà ông đã làm. Tháng 8-2018, ông đã công bố một lá thư dài cáo buộc ĐGH Phanxicô đã bỏ qua hồ sơ về hành vi sai trái tình dục của ĐHY Theodore McCarrick, phớt lờ những hạn chế do ĐGH Benedict VI đặt ra đối với McCarrick và phong ông trở thành cố vấn quan trọng, đặc biệt là liên quan việc lựa chọn các giám mục Hoa Kỳ. Đức TGM Viganò kêu gọi ĐTC Phanxicô từ chức.
Cuộc tấn công nhằm vào giáo hoàng bởi cựu đặc phái viên của ông đã làm nổi bật và làm trầm trọng thêm những căng thẳng trong Giáo Hội, đặc biệt là giữa Rôma và Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ.
Trong những ngày sau khi bức thư của TGM Viganò được công bố, một số giám mục Hoa Kỳ đã đứng ra bảo đảm uy tín của tổng giám mục hoặc kêu gọi một cuộc điều tra về những tuyên bố của ông về giáo hoàng. Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ lúc bấy giờ là ĐHY Daniel DiNardo, GP Galveston-Houston, cho biết bức thư nêu lên những câu hỏi “xứng đáng có những câu trả lời có tính kết luận và dựa trên bằng chứng.”
Vụ TGM Viganò trở thành một trong nhiều vấn đề khiến mối quan hệ giữa Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ và Vatican trở nên căng thẳng trong suốt triều đại giáo hoàng hiện tại. Các câu hỏi khác bao gồm làm thế nào để giải quyết các cáo buộc lạm dụng tình dục hoặc che đậy của các giám mục, liệu có nên từ chối cho các chính khách Công Giáo như Tổng thống Biden, người ủng hộ việc hợp pháp hóa việc phá thai, được rước lễ hay không, và việc nhấn mạnh đến mức nào các vấn đề nổi bật của giáo hoàng về công bằng xã hội, kinh tế và môi trường bằng cách so sánh với việc phản đối phá thai.
Cuối cùng Vatican đã công bố một báo cáo cho thấy ĐGH Phanxicô và hai vị tiền nhiệm đã thất bại trong việc kỷ luật McCarrick, người mà vào năm 2019 trở thành vị hồng y đầu tiên trong thời hiện đại bị huyền chức linh mục, sau khi một phiên tòa ở Vatican kết luận ông phạm tội lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên và hành vi sai trái về tình dục với người lớn. McCarrick đã phủ nhận hành vi sai trái.
TGM Viganò tiếp tục lên tiếng về một loạt mối quan tâm ngày càng rộng lớn hơn. Năm 2020, ông đã viết một bức thư ngỏ gởi tổng thống lúc bấy giờ là Donald Trump ca ngợi khả năng lãnh đạo của ông trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và các cuộc biểu tình sau vụ sát hại George Floyd, đồng thời tuyên bố rằng tình trạng bất ổn xã hội đang được dàn dựng bởi một tầng lớp âm mưu. Trong bức thư có một dòng tweet cảm ơn từ ông Trump và liên kết rõ ràng những tranh cãi trong Giáo Hội với các cuộc tranh luận chính trị thế tục. Đức TGM Viganò viết: “Giống như có một trạng thái sâu sắc, cũng có một giáo hội sâu sắc phản bội nghĩa vụ của mình và từ bỏ những cam kết đúng đắn trước Thiên Chúa.”
Tuần này, khi công bố phiên tòa xét xử tội ly giáo ở Vatican, TGM Viganò đã công bố một tuyên bố dài kết nối những gì ông mô tả là chương trình nghị sự của ĐTC Phanxicô với chương trình nghị sự của hệ tư tưởng thế tục về “chủ nghĩa toàn cầu.” Ông cáo buộc giáo hoàng thúc đẩy việc nhập cư không được kiểm soát, các hệ tư tưởng LGBTQ+ và các chương trình nghị sự về môi trường, gắn kết Giáo Hội với Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới, làm ngơ cuộc đàn áp người Công Giáo ở Trung Quốc và các nơi khác.
Khi đề cập giáo hoàng bằng tục danh, TGM Viganò viết: “Bergoglio đối với Giáo Hội cũng giống như các nhà lãnh đạo thế giới khác đối với quốc gia của họ: những kẻ phản bội, những kẻ lật đổ và những kẻ thủ tiêu cuối cùng của xã hội truyền thống.”
Nếu không có gì khác, bản cáo trạng của tổng giám mục rất hữu ích như một minh họa cho thấy các cuộc tranh cãi trong Giáo Hội hiện giao thoa và hội tụ với các cuộc tranh luận về chính trị thế tục như thế nào.
Trong tuyên bố của mình, trong đó ông ngang ngược hoan nghênh những cáo buộc của Vatican chống lại ông như một “lý do danh dự,” TGM Viganò tự ví mình với cố TGM Marcel Lefèbvre, người sáng lập Huynh Đoàn Piô X, nhóm theo truyền thống ly khai, và là người đã bị vạ tuyệt thông về việc tấn phong giám mục mà không có sự chấp thuận của Rôma.
Thật khó để tưởng tượng rằng những người theo TGM Viganò chỉ chiếm một phần nhỏ trong số 600.000 giáo dân mà Huynh Đoàn Piô X cho biết sẽ tham dự phụng vụ hôm nay. Cựu sứ thần Viganò là một con ruồi trâu, không phải là người sáng lập một phong trào. Tuy nhiên, thông điệp mang tính kích động của ông đã đến được với hàng triệu người, một phần nhờ vào sức mạnh của mạng xã hội và bầu không khí đầy biến động của diễn ngôn công khai hiện nay.
Lịch sử Giáo Hội có rất nhiều ví dụ về cuộc bút chiến thậm chí còn khốc liệt hơn cả của TGM Viganò. Nhưng tốc độ và phạm vi tiếp cận của các phương tiện truyền thông ngày nay tất nhiên chưa từng có. Từ nay, Vatican sẽ phải đối mặt với thực tế này, cho dù giáo hoàng là ai và bất kỳ sự bất mãn nào mà ngài phải giải quyết.
FRANCIS X. ROCCA


Thứ Sáu, 28 Tháng Sáu, là hạn chót Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò phải đáp lại lệnh triệu tập của Vatican. Ngài đã không đáp ứng các yêu cầu của Tòa Thánh. Vạ tuyệt thông có thể được ban bố bất cứ lúc nào.

Trong bối cảnh đó, Linh mục Raymond J. de Souza, là chủ bút tập san Công Giáo Convivium của Canada có bài phân tích nhan đề “Archbishop Viganò’s Schism Case: 5 Issues to Consider”, nghĩa là “Phiên tòa ly giáo chống lại Đức Tổng Giám Mục Viganò: 5 vấn đề cần xem xét” đăng trên tờ National Catholic Register.


Phiên tòa ly giáo chống lại Đức Tổng Giám Mục Viganò: 5 vấn đề cần xem xét

Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò đã bị buộc tội ly giáo và được triệu tập để xét xử tại Bộ Giáo lý Đức tin. Để đáp lại cáo buộc nghiêm trọng đó, ngài đã đưa ra một phản ứng kích động – gọi Vatican II là một “bệnh ung thư”, “Bergoglio” là bất hợp pháp – và từ chối trả lời lệnh triệu tập. Vatican đã cho ngài thời hạn đến Thứ Sáu, 28 Tháng Sáu, để trả lời, bằng văn bản hoặc đích thân đến Tòa Thánh, nếu không ngài “sẽ bị xét xử vắng mặt”.

Dưới đây là năm cân nhắc về các vấn đề phức tạp đang diễn ra.

Ngài tìm cách tách khỏi Giáo Hội

Giống như những câu chuyện về Br'er Rabbit, có vẻ như Đức Tổng Giám Mục Viganò muốn bị ném vào mảnh đất trồng cây thạch nam, háo hức với những hậu quả kỷ luật cho hành động của mình. Tại sao ngài lại coi mảnh đất tuyệt thông là lãnh thổ được chào đón là một vấn đề cần suy đoán.

Hoàn toàn có thể đưa ra những lời chỉ trích – mang tính xây dựng hay không – đối với Đức Thánh Cha Phanxicô và chương trình của ngài mà không cần phải đặt vấn đề về tính hợp pháp của ngài hoặc của Công đồng Vatican II. Nhiều tiếng nói Công Giáo, thuộc cả phe bảo thủ lẫn cấp tiến, đã làm như vậy. Đức Tổng Giám Mục Viganò là người duy nhất trong số các giám mục – chưa kể đến các cựu quan chức giáo triều và sứ thần – có những quan điểm cực đoan. Ngay cả những người đồng tình với một số quan điểm của ngài cũng đã thúc giục ngài từ bỏ việc sử dụng “ngôn ngữ bất kính và thiếu tôn trọng”.

Với kinh nghiệm sâu rộng của Đức Tổng Giám Mục Viganò, cần phải coi rằng ngài chọn cách khiêu khích như vậy chính là vì ngài muốn khiêu khích. Kỷ luật theo giáo luật – vạ tuyệt thông hoặc tệ hơn – có thể chính là điều mà Đức Tổng Giám Mục mong muốn.

Việc kết luận rằng Tổng Giám mục Viganò phạm tội ly giáo sẽ chỉ xác nhận điều mà nhiều nhà quan sát đã nghĩ từ lâu, rằng quan điểm đã nêu của ngài đã đặt ngài ra ngoài sự hiệp thông với Đức Thánh Cha. Bản thân Đức Tổng Giám Mục Viganò cũng có thể nghĩ như vậy, vì ngài không muốn hiệp thông với “Bergoglio”, người mà ngài coi không phải là Đức Giáo Hoàng hợp pháp.

Giáo luật thường đưa ra nhiều lựa chọn về hình phạt. Rôma có thể chọn một phương án ít nhiều nghiêm khắc chính xác vì mong muốn rõ ràng của Đức Tổng Giám Mục Viganò là kích động một phản ứng. Rõ ràng là ngài đã khiêu khích; Rôma có thể chọn mức độ khiêu khích mà mình muốn đáp lại. Tòa Thánh không bắt buộc phải cung cấp cho ngài những gì ngài rõ ràng muốn.

Sức khỏe tâm thần của ngài phải là một câu hỏi

Nhà giáo luật Ed Condon của tờ The Pillar lưu ý rằng cáo buộc ly giáo chống lại Đức Tổng Giám Mục Viganò được nhiều người coi là “đã quá hạn từ lâu”, rằng ngài đã đi vào “một quỹ đạo đi xuống dốc”, khi tố cáo Đức Thánh Cha Phanxicô bằng “những thuật ngữ rõ ràng về mặt giáo luật”.

Vì vậy, khi tưởng tượng mình được bổ nhiệm làm luật sư bào chữa cho Đức Tổng Giám Mục Viganò, Condon tự hỏi loại biện hộ nào có thể được đưa ra. Ông gợi ý rằng cách bào chữa tốt nhất là cho rằng vị tổng giám mục đang bị suy giảm năng lực nào đó. Có lẽ ngài đã bị suy sụp tinh thần hoặc cảm xúc nào đó và phát điên.

Điều đó là có cơ sở. Hành vi của ngài kể từ năm 2018, khi ngài đưa ra tuyên bố đầu tiên chống lại Đức Thánh Cha Phanxicô, liên quan đến Đức Hồng Y Theodore McCarrick lúc bấy giờ, đã trở nên thất thường hơn bao giờ hết. Ngài sống ẩn dật. Ngài có ảo tưởng về sự nguy hiểm không? Có lẽ ngài bị bao vây - hoặc thậm chí bị giam giữ - bởi những cộng sự có bản chất đáng ngờ? Ngài nhận được thông tin gì trong quá trình tự động cách ly?

Ngược lại, hãy xem xét Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, giám mục danh dự của Hương Cảng, người sống dưới sự giám sát liên tục của nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc, nhưng ngài tự do đi lại, phát biểu tự do và sẵn sàng trả lời các câu hỏi. Và ngài đã đưa ra một số lời chỉ trích gay gắt về các sáng kiến gần đây của Vatican.

Khi một giám mục đơn độc - có hơn 5.000 giám mục như thế trên toàn thế giới - hành động theo một cách hoàn toàn kỳ lạ và rõ ràng là kỳ quặc, thì hoàn toàn hợp lý khi đặt câu hỏi tại sao lại như vậy. Không thể loại trừ sự điên rồ và các tòa án, theo công lý, có nghĩa vụ phải tính đến khả năng đó khi tuyên án.

Cáo buộc ly giáo là vấn đề nghiêm trọng

Khi công bố – và tố cáo – lệnh triệu tập mình do Bộ Giáo Lý Đức Tin đưa ra, Đức Tổng Giám Mục Viganò đã so sánh mình với Đức Tổng Giám Mục Marcel Lefebvre, người sáng lập Huynh Đoàn Thánh Piô 10 vào những năm 1970, và bị vạ tuyệt thông vào năm 1988 vì tấn phong các giám mục mà không có sự ủy nhiệm của Đức Giáo Hoàng.

Đức Tổng Giám Mục Viganò tự tâng bốc mình. Đức Tổng Giám Mục Lefebvre, bất chấp tất cả những rắc rối sau đó, đã là một nhà truyền giáo đáng ngưỡng mộ ở Phi Châu trong nhiều năm. Thay vì lẩn trốn, ngài đã thành lập một cộng đồng. Đức Tổng Giám Mục Viganò có lẽ đã quan sát thấy rằng nhiều tín hữu của Đức Tổng Giám Mục Lefebvre coi hình phạt của ngài là khắc nghiệt so với mức độ dành cho nhiều người khác vào những năm 1970.

Đó là một điểm quan trọng mà các quan chức Vatican cần phải tính đến. Những gì được coi là nghiêm trọng theo quan điểm giáo luật không phải luôn luôn phù hợp với quan điểm phổ biến trong xã hội. Ví dụ, việc vứt bỏ Bí tích Thánh Thể sẽ bị trừng phạt bằng vạ tuyệt thông tiền kết. Nhưng, giết người hàng loạt thì không. Có những lý do chính đáng giải thích tại sao lại như vậy, và nó đòi hỏi phải nhận thức được rằng những vấn đề siêu nhiên nghiêm trọng hơn những vấn đề tự nhiên.

Tội ly giáo cũng thế. Phá vỡ sự hiệp thông của Giáo hội có nguy cơ cắt đứt ân sủng bí tích của tín hữu. Ở ngoài sự hiệp thông ở cõi trần này có thể dẫn tới việc ở ngoài sự hiệp thông với các thánh trong cõi vĩnh hằng. Đó là lý do tại sao Giáo hội đánh giá rất nghiêm trọng tội ly giáo, ngay cả khi nó không gây ra trong tâm trí người bình dân sự ghê tởm tương tự như trong trường hợp lạm dụng tình dục.

Não trạng “những người kia thì sao”

Thuật ngữ “whataboutism” đã tham gia vào các cuộc tranh luận chính trị và văn hóa trong những năm gần đây. Một bên chỉ trích Donald Trump cách đối xử với phụ nữ. Thay vì đề cập đến cáo buộc, phe của ông Trump nói, “Còn Bill Clinton thì sao”?

Mọi giáo viên - và phụ huynh, về vấn đề đó - đều biết rằng não trạng “những người kia thì sao” nảy sinh trong các vấn đề kỷ luật. Một đứa trẻ bị kỷ luật vì tội X hỏi: “Còn người này người khác cũng đã làm X và không bị trừng phạt thì sao?” Hoặc, “Còn đứa trẻ khác đã làm điều Y, điều đó tệ hơn X thì sao?”

Chỉ vài giờ sau khi có tin tức về Đức Tổng Giám Mục Viganò dòng tiêu đề sau đã xuất hiện, “Phiên xử tội ly giáo Đức Tổng Giám Mục Viganò à… sao không xử Rupnik đi.”

Những cái tên khác có thể được thay thế, nhưng cựu linh mục Dòng Tên Marko Rupnik, là vụ án kỷ luật nổi tiếng nhất còn tồn đọng vào thời điểm hiện tại. Vị linh mục Dòng Tên này đã bị điều tra một thời gian, bị Dòng Tên trục xuất, và sự phẫn nộ toàn cầu đối với việc ông có thể tiếp tục công việc của mình đã buộc Đức Thánh Cha Phanxicô phải ra lệnh mở một cuộc điều tra mới vào mùa thu năm ngoái sau khi đã đình chỉ một cuộc điều tra trước đó do quá thời hiệu.

Não trạng “những người kia thì sao” không phải là lý do thuyết phục khiến việc kỷ luật đối với X không thể được tiến hành vì nó chưa được áp dụng đối với Y. Nhưng nếu có đủ số người tin rằng kỷ luật được áp dụng một cách không công bằng, liệu nó có đe dọa đến uy tín của cơ quan hữu quan không?

Đức Hồng Y Parolin đổ dầu trên mặt nước

Sự can thiệp đáng hoan nghênh đối với lệnh triệu tập của Đức Tổng Giám Mục Viganò đến từ một giới chức có thẩm quyền cao, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh của Đức Thánh Cha. Ngài bày tỏ sự ngưỡng mộ và buồn bã, hoang mang trước tất cả những gì đang diễn ra.

“Tôi luôn đánh giá cao Đức Tổng Giám Mục như một người làm việc rất tốt, rất trung thành với Tòa Thánh, ở một khía cạnh nào đó, ngài cũng là một tấm gương”, Đức Hồng Y Parolin nói về Đức Tổng Giám Mục Viganò cựu Sứ thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ. “Khi còn là sứ thần Tòa thánh, ngài đã làm việc rất xuất sắc, tôi không biết chuyện gì đã xảy ra.”

Đức Tổng Giám Mục Viganò đã có một sự nghiệp được nhiều người đánh giá cao. Việc bổ nhiệm đầu tiên của ngài với tư cách là Sứ Thần Tòa Thánh, dưới thời Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, là đến Nigeria, có lẽ là vị trí quan trọng nhất ở Phi Châu. Sau đó, ngài trở lại Rôma trong một vị trí hết sức nhạy cảm, đại diện cho các cơ quan đại diện của Đức Giáo Hoàng, vừa là giám đốc nhân sự vừa là người giám sát các nhà ngoại giao trên toàn thế giới. Sau đó, ngài giữ chức tổng thư ký của quốc gia Thành Vatican, nổi tiếng về việc quản lý hiệu quả và loại bỏ tận gốc nạn tham nhũng. Trở lại vai trò Sứ thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ, ngài được nhiều người kính trọng khi nghỉ hưu vào năm 2016.

Khi Đức Tổng Giám Mục Viganò đưa ra tuyên bố đầu tiên vào năm 2018, một số giám mục Hoa Kỳ đã bày tỏ sự tin tưởng vào danh tiếng về sự trung thực của ngài và nói rằng những tuyên bố của ngài cần được điều tra.

Những nhận xét trung thực của Đức Hồng Y Parolin là một lời đáp trả đáng hoan nghênh dành cho những người không trung thực muốn đọc lại quá khứ của Đức Tổng Giám Mục Viganò trong những năm gần đây một cách tiêu cực, để mà lên án những người đã ca ngợi ngài trước khi quỹ đạo đi xuống của ngài trở nên rõ ràng.

Bây giờ điều hiển nhiên đối với tất cả mọi người, là cần có những bình luận sáng suốt từ tất cả các bên để hạn chế thiệt hại mà trường hợp Đức Tổng Giám Mục Viganò đã gây ra.

Mạng Religion News có bài tường trình nhan đề  “Conservative prelate warns that excommunicating Viganò will lead to further division”, nghĩa là  “Vị Giám Mục bảo thủ cảnh báo rằng rút phép thông công Đức Cha Viganò sẽ dẫn đến sự chia rẽ hơn nữa.”

Đức Giám Mục Schneider cảnh báo rằng việc rút phép thông công Đức Tổng Giám Mục Viganò sẽ dẫn đến sự chia rẽ hơn nữa
Một nhà phê bình thẳng thắn đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Giám Mục Phụ Tá Athanasius Schneider của Astana, Kazakhstan, nói rằng dù sự phản đối công khai của Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò đối với Đức Thánh Cha “là bất kính và thiếu tôn trọng”, nhưng Vatican nên suy nghĩ kỹ trước khi rút phép thông công ngài.

Đức Cha Schneider nói với Religion News Service trong một cuộc phỏng vấn rằng: “Tôi nghĩ rằng Đức Giáo Hoàng sẽ khôn ngoan và thận trọng hơn nếu ngài không rút phép thông công đối với Đức Tổng Giám Mục Viganò”.

Bộ Giáo lý Đức tin của Vatican, trước đây gọi là Tòa án dị giáo của Vatican, đã triệu tập Đức Tổng Giám Mục Viganò ra xét xử vào ngày 28 tháng 6 với cáo buộc ly giáo, có thể phải chịu hình phạt vạ tuyệt thông. Đức Cha Viganò đã viết trong một tuyên bố công khai rằng ngài không có ý định tham dự “phiên tòa giả” và tiếp tục chỉ trích Đức Giáo Hoàng và Vatican.

Đức Cha Schneider cho biết các quan chức Vatican nên mời Đức Cha Viganò một cách riêng tư chứ không phải trong bối cảnh tư pháp để giải quyết những khác biệt. “Tôi cảm thấy buồn rằng Đức Tổng Giám Mục Viganò sử dụng ngôn ngữ thiếu tôn trọng”, ngài nói và nhấn mạnh rằng “nó không mang tính xây dựng hay hữu ích cho bất kỳ ai”.

Đức Tổng Giám Mục Viganò, Sứ thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ, đã trở nên nổi tiếng vào năm 2018 khi ngài công bố một lá thư dài cáo buộc Đức Thánh Cha Phanxicô che đậy các báo cáo về lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên của cựu Hồng Y Hồng Y có ảnh hưởng Theodore McCarrick. Trong thư, ngài cũng yêu cầu Đức Giáo Hoàng từ chức.

Trong những năm tiếp theo, quan điểm của Đức Cha Viganò ngày càng trở nên cực đoan, chỉ trích Công đồng Vatican II, và lên án vắc xin ngừa Covid-19.

Đức Tổng Giám Mục cũng tuyên bố cuộc bầu cử Đức Thánh Cha Phanxicô là bất hợp pháp, khiến nhiều nhà phê bình Đức Giáo Hoàng tránh xa Đức Cha Viganò.

Đức Cha Schneider nói: “Ngài đã sai khi đưa ra một lý thuyết mới về khả năng cuộc bầu cử hợp pháp của Đức Phanxicô có thể không hợp lệ “ Đức Cha Schneider nói và nói thêm rằng quan điểm của Đức Tổng Giám Mục Viganò là “không có cơ sở”. Đức Cha Schneider cũng tuyên bố đã yêu cầu Đức Tổng Giám Mục Viganò, người sống ẩn náu kể từ khi công bố tuyên bố công khai vào năm 2018, tránh sử dụng ngôn ngữ thiếu tôn trọng liên quan đến Đức Giáo Hoàng.

Dù thế, vị giám mục Kazakhstan tin rằng Đức Tổng Giám Mục Viganò không nên bị vạ tuyệt thông. “Tôi nghĩ rằng ngày nay giáo hội có quá nhiều chia rẽ nội bộ đến mức sẽ là thiếu thận trọng, ngay cả khi có cơ sở giáo luật nào đó để phán xét Đức Tổng Giám Mục Viganò”.

Đức Cha Schneider là người mới nhất trong số những người chỉ trích Đức Giáo Hoàng đã tách mình ra khỏi vị tổng giám mục nóng nảy. Các học giả bảo thủ người Ý hoan nghênh quyết định cuối cùng của Đức Giáo Hoàng có hành động đối với Đức Cha Viganò, trong khi Hiệp hội Pius X theo chủ nghĩa truyền thống, được thành lập năm 1970 bởi Tổng giám mục ly giáo Marcel Lefebvre, tuyên bố rằng họ không ủng hộ những tuyên bố của Viganò rằng cuộc bầu cử của Đức Phanxicô là bất hợp pháp.

Là một người gốc Đức lớn lên ở Kazakhstan dưới thời Liên Xô, Đức Cha Schneider cùng gia đình di cư sang Đức để thoát khỏi sự đàn áp của cộng sản đối với đạo Công Giáo. Ngài đã chỉ trích những hạn chế của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đối với Thánh lễ Latinh và quyết định của Đức Giáo Hoàng cho phép những người Công Giáo đã ly dị và tái hôn được rước lễ. Khi Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện với người dân bản địa tại khu vườn Vatican trong hội nghị thượng đỉnh các giám mục ở khu vực Amazon năm 2019, Đức Cha Schneider nói rằng điều đó cấu thành một hành vi “dị giáo ngầm”.

Ngài cũng chỉ trích những nỗ lực đại kết và liên tôn của Đức Giáo Hoàng nhằm thúc đẩy đối thoại, cho rằng những nỗ lực này làm suy yếu “một tôn giáo đích thực”. Giáo phận của ngài là giáo phận đầu tiên từ chối việc áp dụng tuyên ngôn “Fiducia Supplicans” năm 2023 của Vatican, cho phép các linh mục chúc lành cho các cặp đồng giới và các kết hiệp bất hợp pháp.

Cuốn sách mới của ngài, “Chạy trốn khỏi dị giáo”, trình bày chi tiết về lịch sử của các trường phái tư tưởng ly giáo và dị giáo trong Giáo Hội và dự kiến xuất bản vào ngày 16 tháng 7. “Ngay cả một người mù cũng nhận thấy rằng chúng ta đang sống trong một thời kỳ vô cùng bối rối về sự rõ ràng của giáo lý và luân lý. Tôi cảm thấy cần thiết phải giúp các tín hữu và linh mục lên tiếng về những lỗi lầm chung không chỉ của thời đại chúng ta mà còn của quá khứ,” ngài nói.

Đức Cha Schneider cho biết thuyết tương đối là thách thức lớn nhất mà giáo hội phải đối mặt khi cho rằng “sự thật không phải là điều gì đó tuyệt đối mà là tương đối”. Ngài chỉ ra ý thức hệ giới tính là hệ quả của tư duy này và lên án các tổ chức quốc tế bảo vệ và ủng hộ nó trên toàn cầu.

Ngài nói: “Tòa thánh đang trở thành một công cụ của giới tinh hoa toàn cầu”. “Thật đáng buồn khi ý thức hệ mới toàn cầu này đã thành công ở mức độ lớn trong việc bắt giữ Giáo Hội Công Giáo làm con tin và biến Tòa thánh và các giám mục thành những cộng tác viên của nó”.

Đức Cha Schneider cho biết ngài tin cuốn sách mới của mình sẽ giúp cung cấp thông tin cho người Công Giáo về đức tin của họ. Vào tháng 10 năm ngoái, ngài đã cho ra mắt một cuốn sách khác, “Credo: Compendium of the Catholic Faith,” với những gợi ý cập nhật giáo lý chính thức để giải quyết vấn đề giới tính, tình dục và công nghệ hiện đại.

Trong khi Đức Thánh Cha hoan nghênh đối thoại và thậm chí cả những lời chỉ trích từ các đối thủ của mình, thì gần đây ngài đã trấn áp một số nhà phê bình, bao gồm cả Đức Tổng Giám Mục-e Viganò. Năm ngoái, Đức Phanxicô đã yêu cầu Đức Hồng Y Raymond Burke rời khỏi căn nhà của ngài ở Vatican, và ngài đã loại bỏ Đức Giám Mục Joseph Strickland, người chỉ trích thẳng thắn Đức Giáo Hoàng khỏi giáo phận của ngài ở Tyler, Texas.

Vào thời điểm đó, Đức Cha Schneider đã lên tiếng bảo vệ Đức Cha Strickland, gọi những cáo buộc chống lại vị Giám Mục Mỹ là “không có cơ sở và quá đáng” trong một bức thư ngỏ.

Đức Cha Schneider nói với RNS rằng những lời chỉ trích của ông đối với Đức Phanxicô là “sự thể hiện tình yêu đích thực và chân thành dành cho Đức Giáo Hoàng”, đồng thời nhấn mạnh nhiệm vụ của các giám mục là sửa lỗi trong tình huynh đệ các nhà lãnh đạo Giáo Hội khi các ngài mắc sai lầm. “Tôi sẽ không bị Đức Thánh Cha Phanxicô phán xét khi tôi chết,” ngài nói. “Chỉ có Thiên Chúa mới là thẩm phán của tôi.”


VẠ TUYỆT THÔNG CHO 10 NỮ TU DÒNG CLARA

Giáo quyền Công Giáo ở Tây Ban Nha phạt tuyệt thông và trục xuất 10 nữ tu Dòng Thánh Clara nghèo khó ở Beloradotội ly giáo. Quyết định này được công bố bởi TGM Mario Iceta, TGP Burgos, đồng thời là ủy viên giáo hoàng và đại diện pháp lý của các tu viện Belorado, Orduña và Derio ở Tây Ban Nha.

Điều 751 của Giáo Luật nói rằng ly giáo là “từ chối phục tùng giáo hoàng tối cao hoặc hiệp thông với các thành viên của Giáo Hội phục tùng ngài.” Hình phạt cho tội này là vạ tuyệt thông.

Trong một thông cáo báo chí ngày 22-6-2024, TGP Burgos “đã ban hành sắc lệnh tuyên bố vạ tuyệt thông và tuyên bố ‘Ipso Facto’ [ngay lập tức] trục xuất khỏi đời sống thánh hiến của 10 nữ tu đã ly giáo.”
Tuyên bố cũng chỉ ra rằng “các chị em này cũng chính là những người đã đưa ra quyết định tự do và cá nhân của mình là rời bỏ Giáo Hội Công Giáo. Với quyết định này, cần phải nhớ rằng việc tuyên bố vạ tuyệt thông là một hành động pháp lý được Giáo Hội coi như một biện pháp chữa bệnh, thúc đẩy sự suy ngẫm và hoán cải cá nhân.” Tuyên bố này giải thích: “Giáo Hội luôn thể hiện lòng trắc ẩn sâu sắc, và với tư cách là một người mẹ, sẵn sàng chào đón những đứa con của mình, giống như người con hoang đàng, tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa và bắt đầu hành trình trở về nhà Cha.”

Ngoài ra, TGP Burgos chỉ ra rằng “tiếp tục có một cộng đoàn tu gồm các nữ tu không bị vạ tuyệt thông, vì họ không ủng hộ việc ly giáo: Họ là năm chị lớn và ba chị khác, mặc dù ở lần này họ không ở tu viện, họ thuộc về cộng đoàn do được gia nhập.”
Cuối cùng, tuyên bố của TGP Burgos lưu ý rằng “các chị lớn tuổi tiếp tục là ưu tiên hàng đầu trong mối quan tâm của chúng tôi. Liên dòng các nữ tu Clara nghèo khó của Đức Mẹ Aránzazu đã lên kế hoạch chăm sóc ngay lập tức cho các nữ tu này ngay tại tu viện Belorado, chuyển một số nữ tu từ các tu viện khác của liên dòng đến sống trong tu viện.”

QUYẾT ĐỊNH CỦA CÁC NỮ TU
Ngày 13-5-2024, cộng đoàn các nữ tu dòng Clara nghèo khó của các tu viện Belorado và Orduña, lần lượt thuộc TGP Burgos và GP Vitoria ở Tây Ban Nha, đã công bố một tuyên ngôn và một lá thư trong đó họ tuyên bố rằng họ sẽ rời bỏ Giáo Hội Công Giáo và đặt mình dưới sự giám hộ của vị giám mục giả bị vạ tuyệt thông Pablo de Rojas. Các nữ tu tuyên bố họ sẽ rời bỏ “Giáo Hội Công Đồng [tức là hậu CĐ Vatican II] mà Giáo Hội này thuộc về để trở thành một phần của Giáo Hội Công Giáo.”
Cuối tháng 5-2024, Vatican đã bổ nhiệm TGM Iceta làm ủy viên giáo hoàng với toàn quyền. Khi ngài bắt đầu thực hiện các biện pháp, các nữ tu đã nộp đơn khiếu nại lên Cảnh Sát Quốc Gia, cáo buộc TGM Iceta “lạm quyền.”
Đầu tháng 6-2024, TGP Burgos chính thức thông báo cho các nữ tu rằng họ phải ra trước tòa án Giáo Hội TGP Burgos để trả lời về tội ly giáo được định nghĩa trong Điều 751 của Giáo Luật, có thể bị phạt vạ tuyệt thông. Thời hạn đã hết vào Thứ Sáu ngày 21-6-2024 và các nữ tu đã không xuất hiện.

VẠ TUYỆT THÔNG LÀ GÌ?
Nói ngắn gọn, vạ tuyệt thông có thể được định nghĩa là hình phạt nghiêm trọng nhất mà một người đã được rửa tội có thể phải chịu, bao gồm việc bị loại ra ngoài sự hiệp thông của các tín hữu trong Giáo Hội Công Giáo và không được lãnh nhận các bí tích.
ĐHY Mauro Piacenza, đại diện tòa án danh dự của Giáo Hội, đã từng giải thích rằng mục đích của việc rút phép thông công là khiến “người có tội phải ăn năn và hoán cải.” Ngài lưu ý: “Với hình phạt vạ tuyệt thông, Giáo Hội không cố gắng hạn chế mức độ thương xót bằng một cách nào đó mà chỉ đơn giản là làm rõ mức độ nghiêm trọng của tội ác.”

TẠI SAO BỊ VẠ TUYỆT THÔNG?
Vạ tuyệt thông không chỉ là một hình phạt và còn vượt xa việc hạn chế rước lễ. Theo Điều 1339 § 2, cùng với việc rút phép thông công “trong trường hợp hành vi gây gương xấu hoặc gây rối nghiêm trọng trật tự công cộng, đấng bản quyền cũng có thể sửa dạy người đó, theo cách thích hợp với hoàn cảnh cụ thể của người đó và điều kiện của người đó và điều đã được thực hiện.”

ĐIỀU GÌ XẢY RA TIẾP THEO?
Vì các nữ tu đã tuyên bố mình không còn là thành viên của Giáo Hội Công Giáo nên khi ở lại tu viện, họ thấy mình đang chiếm giữ tài sản của Giáo Hội mà họ không thuộc về, và không có quyền hợp pháp để ở đó.
TGM Iceta đã nói với họ rằng họ cần phải rời khỏi cơ sở do hậu quả của hành động của họ nhưng đang thực hiện một cách tiếp cận kiên nhẫn, hy vọng họ sẽ tự làm như vậy vào đầu tháng 7-2024 mà không cần bị buộc phải trục xuất.
TGM Iceta chỉ ra rằng mặc dù các nữ tu không công nhận quyền hạn của ngài cũng như Giáo Luật áp dụng cho họ trong trường hợp này, như được quy định tại Điều 1.4 của thỏa thuận giữa Tây Ban Nha và Tòa Thánh, luật dân sự của Tây Ban Nha công nhận Giáo Luật của Giáo Hội là quản lý những vấn đề này sao cho “luật dân sự tuân thủ những gì Giáo Luật quy định trong các thực thể Giáo Hội,” giống như nhà nước Tây Ban Nha công nhận tính hợp lệ của hôn nhân do một linh mục Công Giáo cử hành.
Về giám mục giả Rojas và linh mục giả Ceacero, TGM Iceta giải thích rằng “đã gần 4 tuần kể từ khi họ được thông báo rằng họ không nên ở trong tu viện nhưng họ vẫn cứ ở đó,” vì vậy các cơ quan pháp luật sẽ hành động chống lại họ, có lẽ nhanh hơn so với các nữ tu bị vạ tuyệt thông.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ phê bình Đức Thượng phụ Bartolomaios


Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ phê bình Đức Thượng phụ Bartolomaios, Giáo chủ Giáo hội Chính thống Constantinople ở Istanbul, vì đã ký vào Tuyên ngôn chung kết hội nghị về hòa bình Ucraina, nhóm tại Thụy Sĩ trong hai ngày, 15 và 16 tháng Sáu vừa qua.


Hôm 21 tháng vừa rồi, trang mạng “OrthodoxTimes”, Chính thống Thời báo, đưa tin: Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố: Tin nói rằng Tòa Thượng phụ chung đã tham dự, với quy chế một quốc gia, hội nghị Thượng đỉnh về hòa bình Ucraina (...) và tin nói là Bộ trưởng chúng tôi đã có một cuộc gặp gỡ với Đức Thượng phụ Bartolomaios bên lề Hội nghị Thượng đỉnh, đó là điều không tương ứng với sự thật”.

“Chúng tôi cũng kêu cầu những nước tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh, Thụy Sĩ và Ucraina, hãy làm sáng tỏ điều này là: dưới hình thức nào đã coi Tòa Thượng phụ là người đã ký tên vào tuyên ngôn. Thêm vào đó, chúng tôi nhấn mạnh rằng chính sách của nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ về quy chế của Tòa Thượng phụ chung không thay đổi.

Trong tuần qua, theo lời thỉnh cầu của Ucraina, Thụy Sĩ đã tổ chức Hội nghị về hòa bình. Trong số những vị đến tham dự, có Tổng thống Pháp và Ucraina, Phó Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Đức, Chủ tịch Ủy ban hành pháp của Liên hiệp Âu châu, Thủ tướng Áo, v.v. Ngoài Đức Thượng phụ Bartolomaios, cũng có Đức Hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin, nhân vật thứ hai tại Vatican.

Trong số những điều được khẳng định trong tuyên ngôn chung kết của Hội nghị, có vấn đề an ninh của các trung tâm năng lượng hạt nhân ở Ucraina, bảo vệ các tàu hàng và các cảng dân sự chống lại các cuộc tấn công, việc trao đổi tù binh chiến tranh và hồi hương các trẻ em Ucraina bị bắt đưa sang Nga... Có 83 nước đã ký vào tuyên ngôn chung. Đức Thượng phụ Bartolomaios và Đức Hồng y Parolin, tuy ca ngợi Tuyên ngôn nhưng không ký vào văn kiện này. Đức Hồng y Parolin chỉ tham dự chính thức với tư cách là quan sát viên.

Tuy nhiên, sau đó, ngày 18 tháng Sáu, Đức Thượng phụ Chính thống đã ký tuyên ngôn chung. Ngay từ đầu, ban tổ chức đã minh định rằng không phải chỉ có các quốc gia, nhưng cả các tổ chức khác cũng có thể ký vào Tuyên ngôn ấy.

Hãng tin Công giáo Áo nhận định rằng phản ứng của Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy rõ vai trò tế nhị của Tòa Thượng phụ Chính thống chung trong các vấn đề quốc tế. Theo quan điểm pháp lý của Thổ Nhĩ Kỳ, Đức Thượng phụ ở Istanbul chỉ là thủ lãnh tinh thần của các tín hữu Chính thống còn lại ở Istanbul, tức là khoảng 4.500 người, chứ không phải là Thượng phụ chung có một tầm quan trọng và qui chế rộng lớn trên thế giới.

Trong thực tế, Đức Thượng phụ Bartolomaios được coi là Giáo chủ danh dự của toàn Chính thống giáo, đồng thời có quyền tài phán trên các cộng đoàn Chính thống thuộc quyền của ngài tại nhiều quốc gia. Nhà nước Thổ bắt buộc vị Thượng phụ Chính thống tại đây phải là người có quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ.

Trí tuệ nhân tạo sẽ có tác động đến sự sống còn của nhân loại



Theo Đức Phanxicô, trí tuệ nhân tạo sẽ đóng một vai trò lớn trong vận mệnh nhân loại: “Sự phát triển hoàn toàn của trí tuệ nhân tạo có thể đồng nghĩa với sự kết thúc loài người.” Trong buổi tiếp kiến ngày 22 tháng 6 năm 2024, với những thành viên dự hội nghị về trí tuệ nhân tạo, ngài trích dẫn lời của nhà vật lý Stephen Hawking (1942-2018) về trí tuệ nhân tạo trong một phỏng vấn cũ của BBC với nhà vật lý Stephen Hawking (1942-2018).

Hội nghị mang tên “Trí tuệ nhân tạo và mô hình kỹ trị: làm thế nào để thúc đẩy hạnh phúc nhân loại, chăm sóc thiên nhiên và một thế giới hòa bình” được Quỹ Centesimus Annus Pro Pontifice tổ chức. Những người tham dự tranh luận tại học viện giáo phụ Augustinianum từ ngày 20 tháng 6.

Trong hội nghị, Đức Phanxicô nhắc trí tuệ nhân tạo là chủ đề trọng tâm vì nó “làm gián đoạn nền kinh tế và xã hội và có thể có những tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống, mối quan hệ giữa con người và giữa các quốc gia, sự ổn định quốc tế và ngôi nhà chung”.

Với các thuật toán đạo đức

Phù hợp với Thông điệp hòa bình ngày 1 tháng 1 và sự can thiệp gần đây của ngài tại Hội nghị G7 ngày 14 tháng 6. Một lần nữa ngài tố cáo nguy cơ hy sinh quyền tự do con người cho “quyền của kỹ trị”: “Chúng ta có chắc chắn muốn tiếp tục gọi cái không phải là trí thông minh là ‘trí thông minh’ không?”, ngài tố cáo việc dùng từ ngữ không đúng mức. Đặc biệt ngài nhắc lại tầm quan trọng của “sự phát triển đạo đức của các thuật toán”, trí tuệ nhân tạo vẫn phải là “công cụ trong tay con người”, không thoát khỏi sự kiểm soát của con người.

Xác định giới hạn của sự đổi mới

Ngài xin các nhà khoa học, luật sư, những người ra quyết định chính trị và kinh tế cùng làm việc với nhau để cùng nhau xác định các giới hạn đặt ra cho sự đổi mới nếu nó đi ngược lại nhân loại. Đặc biệt ngài kêu gọi “các quy định hiệu quả, vừa kích thích đổi mới đạo đức hữu ích cho sự tiến bộ nhân loại, vừa ngăn cấm hoặc hạn chế những tác động không mong muốn”.

Ngài cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của những thách thức đạo đức của trí tuệ nhân tạo trong lãnh vực giáo dục, triết học và luật pháp, đồng thời kêu gọi suy ngẫm về hậu quả của AI đối với công việc và chi tiêu năng lượng trên thế giới. Ngài nhấn mạnh: “Chính nhờ sự đổi mới công nghệ mà tương lai của nền kinh tế, văn minh, của chính nhân loại sẽ được định hình”.



Đức Thánh cha truyền kiến thiết trung tâm sản xuất năng lượng mặt trời


Đức Thánh cha Phanxicô đã ban hành tự sắc truyền kiến thiết một trung tâm sản xuất năng lượng mặt trời để cung cấp điện cho Đài Vatican và Quốc gia thành Vatican.



Theo Tự sắc, công bố hôm 25 tháng Sáu vừa qua, mang tựa đề “Fratello Sole”, Anh mặt trời, hệ thống sản xuất năng lượng mặt trời sẽ được thiết lập ở khu đất Santa Maria di Galeria, rộng 440.000 hécta, gấp 10 lần quốc gia thành Vatican, và cách Vatican khoảng 20 cây số, vốn là nơi đặt các ăngten phát thanh của đài Vatican.

Tự sắc này nhắm thực hiện cụ thể điều đã được Đức Thánh cha nói đến trong thông điệp Laudato sì, về việc bảo vệ trái đất như căn nhà chung của nhân loại. Thông điệp này phản ánh những lời báo động về sự hâm nóng trái đất, trong đó một trong những nguyên nhân là sự sử dụng các nhiên liệu phiến thạch. Quyết định trên đây của Đức Thánh cha sẽ góp phần vào nỗ lực của mọi quốc gia, theo khả năng của mỗi nước, mang lại một câu trả lời thích hợp cho các thách đố đang được đề ra cho nhân loại và căn nhà chung, do sự thay đổi khí hậu”.

Trong tự sắc, Đức Thánh cha ủy thác cho Đức Hồng y Fernando Vérgez Alzaga, Thống đốc Quốc gia thành Vatican, cùng với Đức Tổng giám mục Giordano Piccinoti, Chủ tịch cơ quan quản trị tài sản của Tòa Thánh, gọi tắt là APSA, việc kiến thiết trung tâm năng lượng mặt trời ở Santa Maria di Galeria. Đức Thánh cha cũng yêu cầu Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh làm sao để không gì bị mất mát trên lãnh thổ vừa nói, điều đã được đặt cho Tòa Thánh sử dụng cho đến nay”.



⛪⛪⛪⛪⛪



Số tân linh mục gia tăng tại Pháp


Năm nay, số tân linh mục tại Pháp gia tăng so với năm ngoái: theo thống kê của Hội đồng Giám mục Pháp, công bố hôm 20 tháng Sáu vừa qua, năm nay tại Pháp có 105 tân linh mục, so với 88 linh mục được thụ phong trong năm ngoái, 2023, nhưng vẫn ít hơn so với 122 vị trong năm 2022.



Trong số các tân linh mục vừa nói, hai phần ba thuộc các giáo phận và phần còn lại thuộc các dòng tu và các cộng đồng, phong trào của Giáo hội. Ví dụ, có chín tân linh mục thuộc Cộng đoàn thánh Martin. Trong số hơn 90 giáo phận ở Pháp, hai giáo phận có số tân linh mục đông nhất, là Paris và Fréjus-Toulon.

Trong cuộc họp báo, hôm 19 tháng Sáu vừa qua, Đức cha Bertrand Lacombe, Tổng giám mục Giáo phận Auch, thuộc Hội đồng các thừa tác viên thánh chức và Chủ tịch Hội đồng toàn quốc về phó tế, cho biết các giám mục Pháp đang suy tư và nghiên cứu về những sáng kiến trong các giáo phận để khơi dậy và cổ võ ơn gọi. Đức cha cũng nhắc nhở về sứ mạng thiết yếu của các linh mục trong Giáo hội và ý nghĩa sứ vụ này ngày nay, giữa lòng một xã hội Pháp ngày càng bị tục hóa.

Trong số 67 triệu dân cư ở Pháp, khoảng một nửa còn xưng mình là tín hữu Công giáo. Tuy nhiên, số tín hữu thực hành đạo, - theo báo chí - chỉ có 2%; số linh mục và tu sĩ giảm sút nhiều từ những thập niên qua.

Vì sao số lượng linh mục chịu chức ở Pháp tăng đột biến?

Năm 2024, hơn một trăm chủng sinh trẻ sẽ được chịu chức, tăng 20% so với năm 2023. Tin vui chỉ trong một thời gian ngắn, nhưng thật đáng chú ý: năm 2024 sẽ có 105 linh mục được chịu chức ở Pháp. Năm 2023 chỉ có 88, năm 2022 có 114; năm 2021 có 99, năm 2020 có 81. Trong khoảng mười năm, số lượng linh mục chịu chức xê xích từ 80 đến 100 linh mục mỗi năm.

Ngày thứ tư 19 tháng 6, tổng giám mục Bertrand Lacombe giáo phận Auch, cựu giám mục phụ tá giáo phận Bordeaux phụ trách phong chức cho các tân linh mục bình luận về sự gia tăng, ngài tránh nói đây là một chiến thắng: “Chúng tôi rất vui khi vượt qua con số 100, nhưng đây không phải là điều quan trọng, điều quan trọng nhất là giới trẻ đã dự phần.”

Vì không có gì là hiển nhiên. Với thời gian, số thanh niên trẻ quyết định vào chủng viện đang liên tục giảm, đến mức tin tức đã không tiết lộ số liệu của năm 2023 mà theo một số giám mục cho là “đáng lo ngại”. Năm 2020 có 815 chủng sinh, năm 2022 có 709 chủng sinh. Hội đồng giám mục nhận thấy sự gia tăng số linh mục chịu chức năm nay tương ứng với sự gia tăng được thấy trong những năm 2017 và 2018.

Một gia tăng không kéo dài. Từ hai mươi năm nay, số linh mục chịu chức đã giảm 50%. Năm 2019, hai chủng viện quan trọng là Lille và Bordeaux đã phải đóng cửa. Ngay cả giáo phận Paris nơi từ lâu có nhiều ơn gọi nhờ hồng y Lustiger, nhưng năm nay chỉ có 6 linh mục chịu chức ngày 29 tháng 6, trong số này có hai linh mục thuộc cộng đoàn Emmanuel và Canh tân đặc sủng.

Giáo phận nhỏ Meaux (Seine-et-Marne), dưới sự lãnh đạo của giám mục Jean-Yves Nahmias sẽ phong chức cho ba tân linh mục, trong đó có chủng sinh Jason Nioka, người Pháp gốc Phi, cựu vô địch judo quốc gia, anh nói về ngày chịu chức 23 tháng 6: “Đây là sự kiện giáo phận đã không thấy từ 10 năm nay. Không có công thức kỳ diệu nào để có thêm linh mục, ngoại trừ lời cầu nguyện của giáo dân.”

Tân linh mục Jason Nioka đặc biệt nhớ ơn thân mẫu: “Lúc tôi 14 tuổi, bà đã nhét quyển Kinh Thánh vào hành lý của tôi, lúc đó tôi đi học thể thao xa nhà. Một bài đọc luôn giúp tôi trong các lần thi đấu để có bình an nội tâm sâu đậm. Tôi cảm nhận bình an này trong chuyến hành hương Lộ Đức với gia đình, một cảm nhận mà niềm vui thể thao chưa bao giờ có thể cho tôi. Vào một buổi sáng buồn bã sau một trận thua, mẹ dứt khoát nói với tôi: Jason, judo sẽ không đem con lên thiên đàng!”

Từ từ và mãnh liệt, Jason đã chín chắn trong quyết định của anh: “Chúa sẽ chiếm vị trí đầu tiên trong cuộc đời tôi.” Sẽ không bao giờ có linh mục nếu không có tấm gương của các linh mục trên con đường của anh: “Tôi xin cám ơn sự dấn thân của các linh mục! Nếu không có họ, tôi sẽ không thể chọn con đường này!”

Tổng giám mục Lacombe nói: “Thế giới cần các linh mục, với bất kỳ phát triển quan trọng nào của Giáo hội, không thể hình dung Giáo hội không có linh mục. Chúng ta cần các linh mục! Cái gì hiếm thì đắt và các phong chức này mang lại giá trị lớn lao cho Giáo hội.”

Tổng giám mục Lacombe được đào tạo về quản lý nhân sự, lẽ ra ngài sẽ làm việc trong ngành này nhưng bây giờ ngài đứng đầu một giáo phận nông thôn, nơi một nửa trong số 40 linh mục đã trên 75 tuổi. Ngài nói: “Vấn đề cơ bản là số lượng các gia đình công giáo và tín hữu kitô, vì ơn gọi liên quan trực tiếp đến số lượng này. Đó là một tỷ lệ, và tỷ lệ tín hữu kitô và ơn gọi không thay đổi. Không có tín hữu kitô thì không có linh mục.”

Ngài nhận ra khó khăn mà các giám mục gặp phải khi kêu gọi giới trẻ dấn thân: “Chúng tôi có thể dám kêu gọi các ông đã lập gia đình làm phó tế vĩnh viễn bằng cách đến gặp họ, nhưng chúng tôi ngần ngại hơn với công việc bạn trẻ (…) vì chúng tôi cảm thấy rụt rè, cảm thấy có một mong manh nào đó của tuổi trẻ.”

Vẫn còn một hỏi khó có câu trả lời: “Vì sao cộng đồng này lại có nhiều ơn gọi hơn các cộng đồng khác!”



Lạm dụng tình dục: Vatican bảo vệ việc duy trì các bức tranh khảm của linh mục Marko Rupnik

Trong một hội nghị được tổ chức tại Mỹ ngày thứ sáu 21 tháng 6, bộ trưởng bộ Truyền thông Paolo Ruffini cho rằng việc hủy các tác phẩm của linh mục Rupnik bị cáo buộc trong nhiều vụ hãm hiếp và khống chế không phải là một “phản ứng Kitô giáo”. Có 40 nơi tại Rôma và Vatican được trang trí bằng những bức tranh khảm này.

image.png

Bức tranh khảm của Marko Rupnik ở Nhà nguyện Redemptoris Mater, Dinh tông tòa Vatican. 

Câu trả lời được đưa ra tại một hội nghị ở Atlanta, khi bộ trưởng Bộ Truyền thông Paolo Ruffini đến tham dự hội nghị của Liên đoàn Truyền thông Công giáo tổ chức ngày thứ sáu 21 tháng 6, được hỏi về việc vẫn còn các bức tranh khảm của Marko Rupnik tại các nơi chính thức của Vatican. Linh mục Marko Rupnik người Slovenia nổi tiếng đã bị loại khỏi Dòng Tên tháng 7 năm 2023, ông bị hàng chục phụ nữ tố cáo ông hiếp dâm, đụng chạm và khống chế trong các sinh hoạt tâm linh.

Bộ trưởng Ruffini nói trên trang America: “Loại bỏ, xóa đi, phá hủy nghệ thuật không bao giờ là một lựa chọn tốt.” Ông chờ phán quyết của bộ Giáo lý Đức tin vào cuối phiên tòa đang diễn ra để đưa ra quyết định: “Chúng ta đang nói về những vấn đề mà chúng ta không biết. Tôi là ai để có thể đánh giá về chuyện này của linh mục Rupnik? Tôi nghĩ với tư cách là tín hữu kitô, chúng ta hiểu sự gần gũi với các nạn nhân là điều quan trọng, nhưng tôi không biết liệu việc xóa các tác phẩm nghệ thuật của Rupnik có phải là một cách để đến gần họ hơn hay không.”

Những bình luận này được đưa ra khi ở Pháp, thánh đường Lộ Đức phải sớm đưa ra quyết định về các bức tranh của Marko Rupnik trang trí cho vương cung thánh đường Đức Mẹ Mân Côi. Nhưng một cách rộng hơn, việc này cũng tiết lộ một trạng thái tư duy của người la-mã, vì tại Rôma, các bức tranh này có mặt khắp nơi. Rôma có không dưới 43 nhà nguyện hoặc nhà thờ trang trí với các tranh của linh mục do xưởng Aletti của ông sản xuất. Đó là 1/5 trong số 231 tác phẩm của Rupnik trên khắp thế giới.

Ở trung tâm của Vatican

Các bức tranh khảm được trưng bày trong nhà nguyện Redemptoris Mater, dinh tông tòa, khánh thành năm 1999 dưới thời Đức Gioan-Phaolô II, lúc đó các tranh này được mô tả là “công trình vĩ đại” giao thoa giữa truyền thống phương Đông và phương Tây. Đây là hành lang  dành cho khách được giáo hoàng tiếp kiến đi qua để đến gặp ngài, các bức tường vẽ các cảnh trong Kinh Thánh. Nhà nguyện của thánh bộ Phụng thờ Thiên Chúa và Các kỷ luật bí tích cũng được trang trí với các bức tranh khảm nổi tiếng từ năm 2005.

Những nơi khác ở Rôma cũng trưng bày không kém phần quan trọng các tác phẩm này, đó là nhà nguyện của đại chủng viện giáo hoàng ở Rôma. Kể từ năm 2021, nơi cầu nguyện chính của các linh mục tương lai ở Rôma được trang hoàng với các bức tranh này. Vào dịp này, các bức khảm cũ được chính Đức Phaolô VI khánh thành năm 1965 đã biến mất, bây giờ bị ẩn giấu đằng sau một vách ngăn được dựng lên để nhường chỗ cho những bức tranh của Rupnik. Bao phủ toàn bộ các bức tường, từ sàn đến trần, các bức vẽ này trải rộng trên diện tích 1.700 mét vuông với các cảnh trong Cựu Ước và Tân Ước, với các màu chính là đỏ, cam và vàng.

Tại Chủng viện Pháp

Nhiều cơ quan trong giáo triều, nhiều nhà dòng trên thế giới đã nhờ linh mục Rupnik trang trí như Dòng Tên, Dòng Thánh Mẫu hay dòng các nữ tu Thánh Tâm Chúa Giêsu. Các chủng sinh Pháp đang học ở Rôma ngắm các tranh này trong nhà nguyện, trong phòng ăn của họ. Các Giáo hoàng Học viện, các phòng khám đa khoa, các giáo xứ cũng có các bức tranh này và danh sách còn dài.

Một hồng y của giáo triều bực mình: “Chúng tôi sẽ không loại bỏ các tác phẩm này, không có lý do gì để làm như vậy. Quý vị tưởng tượng nếu chúng tôi làm việc này với các tranh của Michelangelo không?” Một lập luận chúng ta thường thấy với các tác phẩm của danh họa Caravaggio, bị buộc tội là kẻ giết người và bị một số người buộc tội ông là kẻ ấu dâm. Hai tài liệu tham khảo được bộ trưởng Ruffini nhắc đến ở Atlanta.

Lộ Đức sẽ sớm đưa ra quyết định

Trong dịp kỷ niệm 150 năm Đức Mẹ hiện ra, mặt tiền thánh đường Đức Mẹ Mân Côi trang trí bằng các bức tranh khảm khổng lồ về các mầu nhiệm của Kinh Mân Côi được đặt hàng từ xưởng của Marko Rupnik.

Mùa xuân năm 2023, các bức khảm này là chủ đề của việc bàn luận nên giữ nguyên vị trí, loại bỏ hoặc che giấu vì Lộ Đức được cho là nơi an ủi cho các nạn nhân của bạo lực tình dục trong Giáo hội. Các giám mục, các viện trưởng, nạn nhân, chuyên gia về nghệ thuật thiêng liêng và nhà trị liệu tâm lý đã thành lập ủy ban nghiên cứu. Quyết định này dự kiến sẽ sớm được công bố. Giám mục Jean-Marc Micas đã gặp Đức Phanxicô ngày 21 tháng 6 tại Rôma nhưng không biết vấn đề này có được đem ra thảo luận hay không.


Israel đánh thuế tài sản Giáo hội


Tranh chấp giữa các chính quyền thành Jerusalem và Giáo hội Kitô lại có nguy cơ tái bùng lên.

Hôm 24 tháng Sáu vừa qua, Hãng tin Công giáo Đức KNA cho biết trong một thư chung gửi Thủ tướng Israel Netanyahu, nhiều vị lãnh đạo Kitô tố giác “một cuộc tấn công có phối hợp chống lại sự hiện diện của Kitô giáo tại Thánh địa. Chiến dịch này đạt tới mức độ chưa từng có.”

Trong số các vị ký tên vào thư chung đó, có Đức Thượng phụ Pierbattista Pizzaballa, Đức Thượng phụ Theophilos III, Giáo chủ Chính thống Hy Lạp ở Jerusalem. Các vị khẳng định quyền về mặt lịch sử và pháp lý cũng như những thỏa thuận hiện hữu. Chính quyền các thành phố ở Israel đã vi phạm quy luật gọi là “Status quo” đã có từ lâu, điều hành sự hiện hữu và hoạt động của các Giáo hội Kitô tại Thánh địa, theo đó các tài sản của Giáo hội được miễn các thuế thành phố từ thời Ottoman cũng như miễn thuế cho các dịch vụ xã hội do các Giáo hội cung cấp. Giáo hội đầu tư vào các tổ chức, như vườn trẻ, trường học, các nhà dưỡng lão và nhà thương để mưu ích cho xã hội nói chung, vì thế Giáo hội bổ túc cho các công việc của nhà nước.

Đức Hồng y Thượng phụ Pizzaballa và các vị lãnh đạo Kitô khác mô tả thời điểm tăng thuế của các chính quyền thành phố là điều gây sốc. Các Giáo hội đang ở trong thời kỳ kinh tế khó khăn, tám tháng rồi không có các tín hữu hành hương và đang sống trong tình trạng bấp bênh. “Thay vì kiên nhẫn, cảm thông, hiệp nhất trong việc cầu nguyện và hy vọng, thì các biện pháp tăng thuế được đưa ra với những đe dọa.

Thư của các vị lãnh đạo Kitô cũng nhắc đến vụ leo thang tranh chấp hồi năm 2018, khi các Giáo hội đóng cửa Đền thờ Thánh Mộ ba ngày để phản đối yêu cầu của Israel và hành động tương tự như thế đã xảy kể từ khi lập quốc Israel, hồi năm 1948. Một ủy ban đã được thiết lập hồi đó để giải quyết trong việc đối thoại với các Giáo hội. Nay các Giáo hội cũng hy vọng vấn đề này được giải quyết, chính quyền thành Jerusalem thu hồi quyết định đánh thuế và duy trì Qui chế Status quo, để tránh cuộc khủng hoảng đáng tiếc với các Giáo hội.

Từ mộ Thánh Phêrô đến Đền thờ Thánh Phêrô

Trọng tâm của Giáo hội Công giáo tập trung vào phần mộ Thánh Phêrô, nơi ngay sau khi vị Tông đồ cả qua đời đã thu hút khách hành hương và tín hữu. Theo thời gian, ký ức về Thánh nhân đã trở thành trọng tâm thu hút của Đền thờ, nơi với cuộc nghiên cứu khảo cổ do Đức Giáo Hoàng Piô XII và sau đó là Thánh Giáo hoàng Phaolô VI mong muốn, đã trở thành một sự hiển nhiên cụ thể.


image.png
                                                                                                                                      Đức Phanxicô trước ngôi mộ của thánh Phêrô

Qua Vatican News, Giáo sư Viện Khảo cổ Kitô của Toà Thánh Vincenzo Fiocchi Nicolai ôn lại những sự kiện của những khám phá này, một trong những sự kiện nổi bật nhất trong lịch sử khảo cổ học. Nhân vật chính của cuộc khám phá này là bà Marguerita Guarducci, giáo sư khảo cổ chuyên đọc các chữ vạch trên tường.

Từ đỉnh mái vòm của Michelangelo, một sợi dây vô hình đi thẳng xuống và xuyên qua ánh sáng, chìm trong bóng tối dưới lòng đất, bao trùm hàng thế kỷ lịch sử và các giai đoạn xây dựng. Ở phía dưới, trên nền đất trống là nơi có hài cốt Thánh Phêrô, cách không xa nơi Thánh nhân chịu tử đạo trong khu vực giải trí của Nero. Thánh Phêrô được chôn cất tại nghĩa trang Ager Vaticanus giữa nhiều người vô danh và nghèo khổ như ngài. Không có dấu hiệu nào được lưu giữ trong kho lưu trữ của Đế quốc La Mã liên quan đến tội nhân người Galilê tầm thường này. Tuy nhiên, ký ức thì mạnh mẽ hơn, các Kitô hữu đã giữ dấu vết của địa điểm cực kỳ linh thiêng này, một địa điểm hành hương từ gần hai thiên niên kỷ qua.

Qua nhiều thế kỷ, xung quanh phần mộ, một ngôi thánh đường được hình thành. Đây là trường hợp duy nhất trong thế giới Kitô giáo: thánh đường được xây dựng trực tiếp trên mộ của vị tử đạo, và trong trường hợp này là Thánh Phêrô, Giám mục tiên khởi của Giáo hội Roma.

Ngôi mộ Thánh Phêrô là một câu chuyện phức tạp. Theo thời gian, ký ức trở thành niềm xác tín, cho đến năm 1939,  Đức Giáo Hoàng Piô XII đã quyết định tiến hành các cuộc khảo cổ, mặc dù điều kiện khách quan không thuận tiện.

Tìm được mộ phần của Thánh Phêrô

Trong sứ điệp phát thanh ngày 23/12/1950, dịp bế mạc Năm Thánh, khi công bố mộ Thánh Phêrô đã được tìm thấy, Đức Giáo Hoàng Piô XII nói: “Nhưng câu hỏi thiết yếu là: Mộ của Thánh Phêrô có thực sự được tìm thấy không? Kết luận cuối cùng của công việc và nghiên cứu trả lời câu hỏi này rất rõ ràng là ‘Có’. Mộ của Hoàng tử các Tông đồ đã được tìm thấy”.

Giáo sư Vincenzo Fiocchi Nicolai cho biết về sự kiện quan trọng này: “Sự hiện diện của mộ Thánh Phêrô được chứng minh dựa trên nhiều yếu tố. Bởi vì ngay bên dưới bàn thờ của cuối thế kỷ XVI, người ta đã tìm thấy: ngoài một bàn thờ thời trung cổ, có quan tài bằng cẩm thạch rất đẹp do Constantine thực hiện để chỉ ra rằng có một ngôi mộ được tìm thấy bên dưới. Ngôi mộ này giống với những ngôi mộ khác có niên đại từ những thập kỷ cuối của thế kỷ I và bắt đầu thế kỷ thứ II sau Công Nguyên. Trên cơ sở này và những yếu tố khác, như những nét vẽ trên tường chứng thực đây là mộ phần của vị Tông đồ”.


image.png

Khám thờ của Gaio

Trong hoạt động khai quật này, giáo sư Fiocchi Nicolai cũng đề cập đến một khám thờ của Gaio. Đó là một công trình kiến trúc nhỏ dưới hình thức một nhà nguyện nhỏ, với các hàng cột, trong đó chứa hài cốt của Thánh Phêrô. Theo giáo sư, những khám thờ này là những yếu tố mang tính khải hoàn và chiến thắng đánh dấu ngôi mộ vị Tông đồ tử đạo. Vì thế có thể xác định niên đại của công trình này dựa trên đoạn văn của Eusebio đặt Gaio vào thời của Giáo hoàng Zefirino, khoảng thời gian từ năm 198 đến 217. Trên cơ sở khảo cổ học, toà nhà này đã hiện diện trong thời điểm đó, và có thể xác định niên đại của nó vào khoảng những năm 60 của thế kỷ thứ II. Chắc chắn đây chính là nơi đánh dấu ngôi mộ.

Những nét vẽ trên tường xác thực “Phêrô ở đây”

Cũng trong sứ điệp phát thanh ngày 23/12/1950, sau khi công bố mộ Thánh Phêrô đã được tìm thấy, Đức Giáo Hoàng Piô XII tiếp tục giải thích rằng không thể khẳng định các xương được tìm thấy cùng với nhiều xương khác ở nghĩa địa của thế kỷ thứ nhất này thuộc về Thánh Phêrô.

Từ đó bắt đầu một trong những sự kiện thu hút mọi người nhất trong lịch sử khảo cổ học và nhân vật chính là một phụ nữ, sinh vào đầu thế kỷ XX, một nhà khảo cổ học Margherita Guarducci.

Là một chuyên gia về các dòng chữ do bàn tay con người tạo ra, bà Margherita Guarducci đã nghiên cứu nhiều câu khắc được tìm thấy trên các bức tường của khám thờ Gaio Khải hoàn, có niên đại từ năm 160. Theo bà, những nét vẽ trên tường rất quan trọng vì chúng thể hiện lòng mộ đạo của các tín hữu tiên khởi khi đến đây để tôn vinh ký ức về vị Giáo hoàng tiên khởi.

Giáo sư Guarducci giải thích trên những hình vẽ trên tường màu đỏ có thể thấy những mảnh với các câu khắc khác nhau, trong số đó có “Petros eni”, trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “Phêrô ở đây” hoặc “Phêrô yên nghỉ”.

                                     Tìm được hài cốt của Thánh Phêrô

Trong quá trình khai quật, gần dòng chữ này các chuyên gia tìm được một chiếc hộp bằng đá porphyry được trang trí quý giá, được đặt vào một cái lỗ đào trên bức tường của khám thờ Gaio, nhưng bên trong không có gì.

Bà Margherita Guarducci tiến hành một cuộc điều tra bí mật và đã thu hồi được những mảnh xương qua lời khai của một trong những người đã tham gia vào cuộc khai quật trong những năm đầu tiên khám phá. Người này cho biết trong quá trình dọn dẹp, có một hộp gỗ trong đó có những mảnh xương đã được lấy đi nhưng những nhà khảo cổ không biết. Những mảnh xương này được xác định là của một người đàn ông có độ tuổi từ 60 đến 70, sống và làm việc ngoài trời nhiều, với chứng bệnh khớp.

Công bố tin vui

Trong buổi tiếp kiến chung ngày 26/6/1968, Thánh Giáo hoàng Phaolô VI nhắc lại các cuộc thẩm tra và nghiên cứu trước đó đồng thời nhấn mạnh rằng “Việc nghiên cứu, xác minh và thảo luận sẽ không kết thúc với điều này”, đã công bố “tin vui”: “Chúng ta càng phải vui mừng hơn vì chúng ta có lý do để tin rằng chúng ta đã tìm thấy tung tích phàm trần nhỏ bé nhưng rất thánh của Hoàng tử các Tông đồ, của Simon con ông Giôna, của người đánh cá được Chúa Kitô gọi là Phêrô, của người đã được Chúa Chúa Kitô chọn là nền móng của Giáo hội, người được Chúa giao phó chìa khóa vương quốc Người, với sứ vụ chăn dắt và hiệp nhất đàn chiên Người, nhân loại được cứu chuộc, cho đến ngày Người trở lại vinh hiển”.

Từ các thánh tích được đặt trong phần mộ dưới Đền thờ Thánh Phêrô, Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã lấy 9 mảnh để đặt trong nhà nguyện trong căn hộ Giáo hoàng ở dinh Tông tòa. Trong Thánh lễ bế mạc Năm Đức Tin vào ngày 24/11/2013, theo ý muốn của Đức Thánh Cha Phanxicô, tại sân Đền thờ Thánh Phêrô hộp thánh tích này được mở ra và đặt bên cạnh bàn thờ.

Thánh tích được trao tặng, một biểu tượng hiệp nhất

Ngày 29/6/2019, khi phái đoàn của Toà Thượng Phụ Bartolomaios của Giáo hội Chính thống Constantinople đến thăm Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tặng các mảnh xương Thánh Phêrô cho Đức Thượng Phụ. Trong thư gửi đến vị lãnh đạo Giáo hội Chính thống này, Đức Thánh Cha viết:  “Các xương được tìm thấy dưới đền thờ Vatican được xem là xương của thánh Phêrô”. Tôi muốn tặng cho ngài và cho Giáo hội Constantinople mà ngài tận tâm lãnh đạo, chính cái hộp có chứa 9 mảnh xương của thánh Tông đồ này”.

Giải thích cho cử chỉ này, Đức Thánh Cha nói khi ngài suy tư về quyết định chung tiến tới sự hiệp thông trọn vẹn của Giáo hội, ngài nhớ đến món quà mà Đức Thượng Phụ Athenagoras đã tặng cho Thánh Phaolô VI. Đó là bức vẽ hai Thánh Phêrô và Anrê đang ôm nhau, liên kết trong đức tin và tình yêu của Chúa của các ngài. Đức Thánh Cha cảm thấy thật là ý nghĩa khi vài mảnh thánh tích của Thánh Phêrô được đặt bên cạnh thánh tích của thánh Anrê, thánh bổn mạng của Giáo hội Chính thống Constantinople.

Cử chỉ được Chúa Thánh Thần soi sáng, được Đức Thánh Cha xem như là lời khẳng định về hành trình mà các Giáo hội cùng đi với nhau, trong một phúc lành, trong cầu nguyện chung, để tiến đến gần nhau hơn, để phục vụ cho một gia đình nhân loại mà ngày nay đang muốn xây dựng một tương lai không có Thiên Chúa.

Một sợi chỉ không bị đứt đoạn

Khảo cổ học là một ngành khoa học dựa trên những bằng chứng rõ ràng, nhưng chính những suy luận thường có khả năng tái tạo lịch sử. Trong trường hợp của phần mộ và xương của Thánh Phêrô, những yếu tố hội tụ xung quanh khu vực bàn thờ tuyên xưng đức tin tái khôi phục một bức tranh sự thật, bởi vì ngoài những dấu vết xác định được, điều quyết định là đức tin. Đức tin được phân tầng qua nhiều thế kỷ của hàng ngàn tín hữu hành hương, các Giáo hoàng và các thánh, những người đã cùng nhau dệt nên sợi dây ký ức và không bị đứt đoạn.

Kể từ những năm 1980, mọi người đã có thể tiếp cận các cuộc khai quật của Đền thờ Thánh Phêrô, mang đến cho các tín hữu một cuộc hành hương thực sự ngày càng gần với thời tiên khởi của Giáo hội.


Đảng Cộng sản Trung Quốc xóa bỏ tôn giáo bằng nỗ lực đổi tên các địa danh

Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thực hiện chiến dịch đổi tên rộng rãi các thị trấn, làng mạc, phường, xã trên khắp tỉnh Tân Cương, nhằm xóa bỏ các tham chiếu đến tôn giáo hoặc lịch sử tôn giáo.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, gọi tắt là HRW, cùng với tổ chức Uyghyr Help “Trợ giúp người Duy Ngô Nhĩ” của Na Uy, đã công bố nghiên cứu vào hôm thứ Tư, ngày 18 tháng 6. Nghiên cứu này tiết lộ một nỗ lực được hệ thống hóa nhằm sắp xếp lại các tên Hồi giáo và Uyghur truyền thống thành các tên mới tham chiếu đến Cộng sản.

Qua phân tích các thống kê của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, HRW phát hiện ra rằng “tên của khoảng 3.600 trong số 25.000 thị trấn ở Tân Cương đã được thay đổi” trong giai đoạn 2009 đến 2023. Báo cáo nêu rõ: “Khoảng 80% những thay đổi này có vẻ tầm thường” chẳng hạn như thay đổi số hoặc sửa tên trước đó được viết sai. Nhưng 630, hay khoảng 20%, liên quan đến những thay đổi về bản chất tôn giáo, văn hóa hoặc lịch sử.”

Theo Reggie Littlejohn, người sáng lập và chủ tịch của Women's Rights Without Frontiers, một liên minh quốc tế chuyên vạch trần và phản đối việc phá thai, diệt chủng giới tính và nô lệ tình dục ở Trung Quốc, 630 thay đổi này cho thấy một chiến dịch lớn hơn ở Trung Quốc nhằm loại bỏ mọi niềm tin tôn giáo.

“Trung Quốc là một trong những nước đàn áp tôn giáo lớn nhất trên thế giới, và điều đó bao gồm tất cả các tôn giáo,” Littlejohn nói với tờ National Catholic Register. “Dù là người Duy Ngô Nhĩ, người Tin Lành, Công Giáo, Pháp Luân Công… Kitô hữu tin rằng Chúa là Đấng Tối Cao chứ không phải Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhưng Đảng Cộng sản Trung Quốc lại muốn đứng đầu trong lòng trung thành của người dân”.

Người Duy Ngô Nhĩ, một bộ phận dân tộc thiểu số ở Trung Quốc, có truyền thống theo đạo Hồi và nói tiếng Uyghur. Họ là nạn nhân của chiến dịch giam giữ và bỏ tù khốc liệt, tập trung ở Tân Cương. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ coi các trại giam giữ người Duy Ngô Nhĩ là “tội ác chống lại loài người” và là một phần trong “cuộc diệt chủng của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ chủ yếu theo đạo Hồi cũng như các nhóm dân tộc và tôn giáo thiểu số khác ở Tân Cương”.

Báo cáo của HRW tiết lộ rằng chính phủ đã xóa “bất kỳ đề cập nào đến tôn giáo”, cũng như loại bỏ các đề cập cụ thể đến các nhân vật lịch sử hoặc thực hành văn hóa của người Duy Ngô Nhĩ, chẳng hạn như các thuật ngữ đề cập đến văn hóa âm nhạc của người Duy Ngô Nhĩ. Littlejohn nói, “Việc đổi tên các thị trấn là một cách xóa bỏ khỏi tâm trí người dân và vốn từ vựng của họ về lịch sử của thị trấn đó cũng như mối liên hệ của nó với văn hóa Uyghur truyền thống.”

Việc đổi tên xảy ra trong bối cảnh cuộc đàn áp lớn hơn đối với mọi biểu hiện tôn giáo ở Trung Quốc. Vào đầu tháng 6 năm 2024, Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ đã đưa ra một tuyên bố có tựa đề “Kiềm chế tự do tôn giáo ở Trung Quốc”. Tài liệu nêu rõ: “Các điều kiện tự do tôn giáo ở Trung Quốc tiếp tục xấu đi trong những năm qua. … Trung Quốc công nhận năm tôn giáo… nhưng nhấn mạnh rằng các tôn giáo này đã bị 'Hán hóa', nghĩa là những giáo huấn và học thuyết của họ phải phù hợp và ủng hộ những lời dạy và học thuyết của Đảng Cộng sản Trung Quốc.”

Nhiều quan sát viên bày tỏ quan ngại đối với những nội dung bị che giấu trong thỏa thuận Trung Quốc-Vatican năm 2018 vẫn còn gây tranh cãi, đặc biệt với khả năng gia hạn lần thứ ba vào cuối năm nay.

Sen Nieh, giáo sư danh dự về kỹ thuật cơ khí tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và là thành viên của Trung tâm Nhân quyền CUA, nói với Register: “Họ không chỉ đàn áp tôn giáo mà còn cả niềm tin. Và nói chung, họ đang bức hại những suy nghĩ, cách mọi người suy nghĩ. … Họ thay đổi lịch sử của người Trung Quốc, đặc biệt là lịch sử đương đại. Họ tẩy não mọi người vì lợi ích của sự cai trị của họ.”

Ngoài cuộc đàn áp tàn bạo của người Duy Ngô Nhĩ, Nieh còn nhấn mạnh hoàn cảnh khó khăn của các học viên Pháp Luân Công, những người đã bị bức hại dữ dội, đặc biệt kể từ chiến dịch năm 1999. “Đã có đủ loại hình thức tra tấn, giam giữ tùy tiện. … Cuộc đàn áp là rất, rất nghiêm trọng. Một trong những trường hợp được biết đến nhiều hơn là thu hoạch nội tạng.” Theo Liên Hiệp Quốc, nạn thu hoạch nội tạng được cho là đang xảy ra ở cả cộng đồng Pháp Luân Công và người Duy Ngô Nhĩ.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tiếp tục gây áp lực lên Liên Hiệp Quốc để thừa nhận hành vi vi phạm nhân quyền của Trung Quốc ở tỉnh Tân Cương, đưa ra một tuyên bố khác vào sáng Thứ Tư, 26 Tháng Sáu. Tuyên bố kêu gọi Liên Hiệp Quốc kêu gọi hành động quốc tế để thừa nhận “tội ác chống lại loài người” đang xảy ra ở Trung Quốc.

Mặc dù Liên Hiệp Quốc chưa công bố bản cập nhật, nhưng nhân quyền và tôn giáo của Trung Quốc vẫn còn gây tranh cãi gay gắt. Steven Mosher, chủ tịch Viện Nghiên cứu Dân số và là tác giả của cuốn sách mới The Devil and China, nói với Register: “Đảng Cộng sản Trung Quốc quyết tâm dập tắt tất cả các tôn giáo ở Trung Quốc, bao gồm cả Công Giáo, và nhằm mục đích này đã viết lại lịch sử, đổi tên và khuyến khích tôn thờ 'Đảng', thay vì Thiên Chúa, ngay từ khi thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”


CHỦ NGHĨA KHẮC KỶ & GIÁO HỘI HOÀN VŨ
Hầu hết mọi người dường như nghĩ rằng các nhà tư tưởng Kitô giáo là những người khơi nguồn tư tưởng về “xã hội toàn cầu của loài người” – khái niệm đó đã trở thành ý tưởng của Giáo Hội Hoàn Vũ. Ngoài ngữ cảnh, “xã hội toàn cầu” như vậy nghe có vẻ như người theo chủ nghĩa toàn cầu trung bình, người đang tìm cách xóa bỏ mọi rào cản về xã hội, và ngôn ngữ được sử dụng ngày nay dường như phù hợp với luồng tư tưởng của chủ nghĩa Mác, cách đào tạo tư tưởng vô thần hơn là tư tưởng Kitô giáo.

Những người theo Chủ Nghĩa Khắc Kỷ (Stoicism) là những nhà tư tưởng duy lý đầu tiên đưa ra ý tưởng về “khối thịnh vượng chung của loài người” – được biết rằng Zeno ở Citium đã đề nghị ý tưởng trở thành “công dân thế giới.” Seneca giải thích ý tưởng này một cách hùng hồn hơn nhiều, có trong Lá Thư 73:
“Lòng tham ngu xuẩn ghê gớm của con người tạo sự phân biệt giữa sự chiếm hữu và quyền sở hữu, cho rằng không có quyền sở hữu về bất cứ thứ gì mà công chúng có cổ phần. Nhưng ông ấy coi như không có gì thực sự là của riêng mình hơn là thứ mà ông ấy chia sẻ trong phần chung của cả nhân loại. Vì những thứ này không là tài sản chung, như thực sự chúng là vậy, trừ khi mọi cá nhân đều có phần của mình; ngay cả lợi ích chung dựa trên phần nhỏ nhất cũng làm cho người ta thành đối tác.”

“Một lần nữa, hàng hóa lớn và hàng hóa thật không được phân chia theo cách mà mỗi người có chút lời lãi, chúng thuộc về toàn bộ của chúng đối với mỗi cá nhân. Tại một buổi phân phát ngũ cốc, người ta chỉ nhận số tiền đã được hứa cho mỗi người; bàn tiệc và phần thịt, hoặc tất cả những thứ khác mà một người có thể mang theo, được chia thành các phần. Tuy nhiên, những hàng hóa này không thể phân chia, tôi muốn nói là hòa bình và tự do, chúng thuộc về toàn bộ của chúng đối với tất cả mọi người cũng như thuộc về mỗi cá nhân.”

Hãy lắng nghe những gì Seneca nói ở đây và có vẻ vốn dĩ là của Kitô hữu. Ông ấy không chủ trương bãi bỏ tài sản riêng, nhưng tài sản chung mà mọi người tham gia và cần toàn bộ là điều quan trọng hơn. Tài sản chung là gì? Không phải những thứ vật chất thuộc sở hữu của mọi người mới là nhà nước của chủ nghĩa Mác. Mọi người đều có nhu cầu riêng, nhưng khả năng đáp ứng nhu cầu đó phụ thuộc vào quyền lực cao hơn – vì tất cả chúng ta đều phụ thuộc vào hòa bình và tự do để tồn tại và phát triển trong cộng đồng. Nếu một người có quyền tự do và người khác không có thì điều đó không được nắm giữ chung. Nếu chúng ta không có những thứ đó, nhu cầu riêng của chúng ta cũng sẽ phụ thuộc vào các yếu tố khác – chúng ta trở thành nô lệ cho những ý tưởng khác và những điều tội lỗi.

Kitô giáo hứa điều tương tự – và cuối cùng hứa hẹn sự thoát khỏi Luật Cựu Ước. Thánh Phaolô cho biết cách chúng ta được giải thoát: “Những ai ở trong Đức Kitô Giêsu, thì không còn bị lên án nữa. Thật vậy, luật của Thần Khí ban sự sống trong Đức Kitô Giêsu, đã giải thoát tôi khỏi luật của tội và sự chết. Điều mà Lề Luật không thể làm được, vì bị tính xác thịt làm cho ra suy yếu, thì Thiên Chúa đã làm: khi sai chính Con mình đến mang thân xác giống như thân xác tội lỗi chúng ta để đền tội chúng ta, Thiên Chúa đã lên án tội trong thân xác Con mình. Thiên Chúa làm như vậy, để sự công chính mà Luật đòi hỏi được hoàn toàn thực hiện nơi chúng ta, là những người không sống theo tính xác thịt, nhưng theo Thần Khí.” (Rm 8:1-4)

Do đó, bây giờ không có sự kết án nào đối với những người ở trong Đức Giêsu Kitô, là những người bước đi không theo xác thịt. Vì luật pháp của thần linh sự sống, trong Đức Giêsu Kitô, đã giải cứu tôi khỏi luật pháp của tội lỗi và sự chết. Vì luật pháp không thể làm được, đó là nó yếu bởi xác thịt; Thiên Chúa sai Con Ngài, giống như xác thịt tội lỗi và tội lỗi, đã kết án tội lỗi trong xác thịt; hầu cho sự công bình của luật pháp có thể được ứng nghiệm trong chúng ta, những người bước đi không phải theo xác thịt, nhưng theo thần khí.

Điều này gợi nhớ đến câu trích dẫn từ Seneca ở trên, nhưng thậm chí Thánh Phaolô có vẻ gần giống với Seneca hơn: “Không còn chuyện phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô.” (Gl 3:28)

Theo giá trị bề ngoài, điều này nghe rất giống với những người cấp tiến ngày nay. Không có nam hay nữ?! Rõ ràng Thánh Phaolô nói về lối sống của Kitô hữu trong thế giới này, không phải trong thế giới kế tiếp. Nếu không thì ngài đã nói đến kiếp sau – ngài đề cập việc bãi bỏ luật cũ. Nhưng hãy chú ý các sắc thái giữa Seneca và Thánh Phaolô trái ngược với những người cấp tiến. Những người cấp tiến ngày nay muốn xóa bỏ mọi hình thức luật – Seneca và Thánh Phaolô nói đến một loại luật khác – Luật Sống làm nền tảng cho xã hội đích thực. Seneca làm rõ điều này: “Miễn là bạn còn sống, hãy tiếp tục học cách sống.”

Cái gọi là “Tân Luật” này không phải là hoàn toàn bãi bỏ Cựu Luật, như Chúa Giêsu đã nói, mà là hoàn tất nó. Điều Thánh Phaolô nói là những điều truyền thống mà chúng ta thường thảo luận và tranh luận sẽ không còn phù hợp trong cách sống của Kitô hữu. Vì mọi người trở nên một trong Đức Kitô thì tốt hơn so với những cuộc thảo luận vụn vặt về những cách mô tả khác nhau – chúng không thành vấn đề nữa.

Thánh Phaolô muốn nói về việc hướng tới sự hoàn hảo trong cuộc sống này – như thể nó có thể đạt được. Ngay cả khi điều đó không thể đạt được, chúng ta vẫn nên phấn đấu để đạt được. Tôi nghĩ chắc chắn Thánh Phaolô sẽ nói rằng Kitô hữu tự mãn không là Kitô hữu thực sự. Seneca và Thánh Phaolô đều đồng ý rằng làm việc hướng tới xã hội đích thực của tình huynh đệ và sự hoàn hảo trong cuộc sống này là phần quan trọng trong đời sống Kitô hữu, ngay cả khi nó không được thực hiện đầy đủ hoặc có thể đạt được trong cuộc đời chúng ta.

Với những cách xuyên tạc về thiên nhiên và đức tin Kitô giáo của chúng ta ngày nay, chúng ta càng thấy có thêm nhiều hạn chế đối với Kitô giáo. Do đó, chúng ta cần đấu tranh cho lý tưởng và chân lý của mình để đối lại thế giới không Kitô giáo. Chúng ta phải sẵn sàng bảo vệ đức tin của mình và Giáo Hội Hoàn Vũ trong một thế giới đối lập. Chúng ta không nên thụ động, mà phải nhận ra rằng xã hội Kitô giáo sẽ biến đổi văn hóa và thế giới quan của những người sống trong đó. Giáo Hội Hoàn Vũ là lý tưởng cao nhất của sự tự do – chống lại Công xã Mácxít và Nhà nước Phátxít. Những người theo chủ nghĩa khắc kỷ là những nhà tư tưởng quan trọng đã tiên phong ý tưởng này, thậm chí có thể ảnh hưởng tư tưởng của Thánh Phaolô. Tôi thực sự tin rằng họ có thể được sử dụng như những nhà tư tưởng quan trọng để giúp bảo vệ ý tưởng của thế giới Kitô giáo.

JOSHUA NELSON

Minh Nguyen Quang

unread,
Jul 5, 2024, 10:51:26 PM (11 days ago) Jul 5
to alphonsefamily
5/7/2024

Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức báo động vì đã có khoảng 403.000 tín hữu rời bỏ Giáo hội

Đức cha Georg Bätzing, Giám mục Giáo phận Limburg, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, báo động vì trong năm qua, 2023, khoảng 403.000 tín hữu Công giáo đã làm đơn xin rời bỏ Giáo hội và ngài kêu gọi cấp thiết tiến hành công cuộc cải tổ.

Hôm 27 tháng Sáu vừa qua, Hội đồng Giám mục Đức công bố thống kê cho biết con số trên đây, tính đến ngày 31 tháng Mười Hai năm ngoái. Con số này thấp hơn năm trước đó. Năm 2022, có gần 523.000 người Công giáo rời bỏ Giáo hội, một con số kỷ lục trong lịch sử Giáo hội tại nước này. Nếu tính cả con số những tín hữu qua đời, và gia nhập Giáo hội, thì trong năm qua, Giáo hội Công giáo Đức suy giảm gần 592.000 tín hữu, và tổng số tín hữu Công giáo tại nước này là 20 triệu 345.000 tín hữu. Nếu tính từ năm 2019, là năm bắt đầu Con đường Công nghị của Công giáo Đức, thì đã có một triệu 800.000 tín hữu xin ra khỏi Giáo hội.

Giáo hội Công giáo Đức trong năm ngoái, có 11.702 linh mục, tức là giảm 285 linh mục so với năm 2022 trước đó. Trong năm ngoái, có 38 tân linh mục, gồm 34 linh mục triều và 4 linh mục dòng. Tỷ lệ giáo dân tham dự các buổi lễ ở nhà thờ có phần gia tăng so với năm trước đó, tức là 6,2%, so với 5,7%.

Về phía Tin lành: năm ngoái có 380.000 tín hữu rời bỏ Giáo hội, và số người qua đời là 340.000 người. Tỷ lệ Tin lành xin ra khỏi Giáo hội năm ngoái tăng gần 2% so với năm 2022. Như vậy, tính đến cuối năm ngoái, tại Đức, có 18 triệu 600.000 tín hữu thuộc 20 Giáo hội tiểu bang.

Đứng trước những con số của Giáo hội Công giáo, Đức cha Georg Bätzing báo động và nói rằng: “Những dữ kiện đó cho thấy Giáo hội lâm vào trong một cuộc khủng hoảng sâu rộng. Tuy nhiên, cam chịu, co cụm hoặc lo lắng không phải là câu trả lời cho tình trạng đó. Dù trở nên nhỏ bé hơn, Giáo hội vẫn có sứ mạng loan báo Tin mừng, loan báo Thiên Chúa yêu thương, sáng tạo và giải thoát. Giáo hội cần cấp thiết cải tổ để phục hồi sự tin tưởng của các tín hữu nơi khả năng thay đổi của Giáo hội. Nguyên các cuộc cải tổ mà thôi, vẫn không đủ đề loại bỏ tình trạng khủng hoảng của Giáo hội, nhưng những cuộc khủng hoảng sẽ trở nên trầm trọng hơn, nếu Giáo hội không cải tổ. Vì thế, cần cấp thiết thay đổi. Các nghiên cứu cho thấy rằng dân ở Đức trước sau vẫn đặt nhiều mong đợi nơi Giáo hội, trong lãnh vực xã hội hoặc giáo dục. Chúng ta phải để ý đến những mong đợi và để ý đến các lãnh vực, khi chúng ta tự hỏi đâu là những ưu tiên chúng ta cần thực hiện, một khi các tài nguyên trở nên ít ỏi hơn”.

Đức cha Bätzing cổ võ nghiên cứu những lãnh vực tương lai, đưa Giáo hội đến gần hơn cuộc sống cụ thể của con người và các gia đình.


Vatican yêu cầu một số thay đổi đối với cơ quan Giáo hội mới ở Đức


image.png
Các đại diện của Giáo triều Rôma và Hội đồng Giám mục Đức gặp nhau tại Vatican vào ngày 28 tháng 6 năm 2024 

Như một phần của cuộc giằng co đang diễn ra với các Giám mục Đức về con đường cải cách gây tranh cãi của đất nước, Vatican đã yêu cầu thực hiện một số thay đổi đối với cơ quan Giáo hội quốc gia mới mà các quan chức Giáo triều cho rằng không có nền tảng trong Giáo luật.

Trong một tuyên bố vào ngày 28 tháng 6 sau một ngày làm việc kéo dài với các đại diện của Hội đồng Giám mục Đức (DBK), Vatican cho biết cuộc thảo luận kéo dài cả ngày và “một lần nữa được đặc trưng bởi một bầu khí tích cực, cởi mở và mang tính xây dựng”.

Cuộc thảo luận diễn ra sau một cuộc họp tương tự được tổ chức vào ngày 22 tháng 3, là một phần của cuộc đối thoại sâu rộng hơn bắt đầu vào năm 2022 trong bối cảnh của một cuộc tham vấn quốc gia của các tín hữu Công giáo Đức được gọi là “Con đường Công nghị”, và sau khi các quan chức trong DBK phớt lờ những cảnh báo của Vatican về việc ngừng và hủy bỏ một số dự án nhất định.

Trong cuộc họp vào tháng 3, Vatican đã vạch ra một đường lối cứng rắn, yêu cầu các Giám mục Đức cam kết tôn trọng Giáo luật và trao cho Tòa Thánh tiếng nói cuối cùng về bất kỳ cải cách nào được đề xuất.

Vatican cho biết lời hứa này là nền tảng của cuộc gặp gỡ trong ngày.

Cụ thể, tuyên bố cho biết rằng họ đã thảo luận về “các hình thức cụ thể của việc thực thi tính công nghị trong Giáo hội ở Đức, phù hợp với Giáo hội học của Công đồng Vatican II, các quy định của Giáo luật, và thành quả của Thượng Hội đồng của Giáo hội hoàn vũ, để được trình lên Tòa Thánh phê chuẩn”.

Trong cuộc thảo luận hôm thứ Sáu, các Giám mục đã cung cấp cho các quan chức Vatican thông tin cập nhật về cuộc họp gần đây nhất của Ủy ban Thượng hội đồng, một cơ quan gây tranh cãi có nhiệm vụ thành lập một Hội đồng Thượng Hội đồng đang được bàn cãi, được coi là cơ quan quản lý mới của Giáo hội ở Đức bao gồm cả giáo dân lẫn Giám mục.

Về điểm này, “các nền tảng thần học và khả năng hiện thực hóa pháp lý của một cơ quan quốc gia đã được thảo luận”, tuyên bố cho biết.

Cuộc họp hôm thứ Sáu, tuyên bố cho biết, “tập trung vào mối quan hệ giữa việc thực thi thừa tác vụ Giám mục và việc thúc đẩy tính đồng trách nhiệm của mọi tín hữu, và đặc biệt, về các khía cạnh của Giáo luật đối với việc thiết lập một hình thức đồng nghị cụ thể trong Giáo Hội ở Đức”.

“Mong muốn và cam kết tăng cường tính đồng nghị trong đời sống của Giáo hội, nhằm hướng tới việc truyền giáo hiệu quả hơn, được chia sẻ”, tuyên bố cho biết.

Là một phần của cuộc đối thoại đang diễn ra giữa các Giám mục Đức và Vatican, theo tuyên bố, một ủy ban mới sẽ được thành lập bởi Ủy ban Thượng Hội đồng để giải quyết cụ thể “các câu hỏi liên quan đến tính đồng nghị và cơ cấu của một cơ quan đồng nghị”.

Ủy ban này, tuyên bố cho biết, sẽ hợp tác chặt chẽ với một ủy ban tương tự về phía Vatican bao gồm các đại diện từ các văn phòng Giáo triều có thẩm quyền, để đề xuất một dự thảo về chủ đề này.

Theo tuyên bố, hôm thứ Sáu, các quan chức Giáo triều đã yêu cầu các Giám mục Đức “thay đổi tên và trong một số khía cạnh của đề xuất đã được đưa ra trước đó về một cơ quan đồng nghị quốc gia có thể có”.

“Về quan điểm của cơ quan này, có sự nhất trí rằng trên thực tế là nó không ở trên cũng như không ngang hàng với Hội đồng Giám mục quốc gia”, tuyên bố cho biết, đồng thời làm rõ rằng dù cơ quan này nắm giữ bản chất nào đi nữa, nó sẽ không thể bãi bỏ Hội đồng Giám mục.

Hôm thứ Sáu, thành phần tương lai của phái đoàn DBK tham gia vào cuộc đối thoại đang diễn ra với Vatican cũng đã được thảo luận.

Các đại diện của Giáo triều Rôma bao gồm các Đức Hồng y Victor Manuel Fernandéz, Tổng Trưởng Bộ Giáo lý Đức tin; Đức Hồng y Kurt Koch, Tổng Trưởng Thánh Bộ Cổ võ sự Hiệp nhất Kitô giáo; Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Vatican; Đức Hồng y Robert Prevost, Tổng Trưởng Bộ Giám mục; Đức Hồng y Arthur Roche, Tổng Trưởng Bộ Phụng tự; và Đức Tổng Giám mục Filippo Iannone, Tổng Trưởng Bộ các Văn bản Luật.

 Về phía Đức, các tham dự viên bao gồm các Đức Giám mục Georg Bätzing Địa phận Limburg; Đức Giám mục Stephan Ackermann Địa phận Trier; Đức Giám mục Bertram Meier Địa phận Augsburg; và Đức Giám mục Franz-Josef Overbeck Địa phận Essen, những người lần lượt giữ các chức vụ là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, và Chủ tịch các Ủy ban Giám mục về Phụng vụ, về Giáo hội Hoàn vũ và về Đức tin.

Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Đức, bà Beate Gilles; và phát ngôn viên của Hội đồng Giám mục Đức, ông Matthias Kopp, cũng có mặt.

Cuộc họp hôm thứ Sáu diễn ra sau khi Vatican hồi đầu năm nay đưa ra chỉ thị cho các Giám mục Đức tạm dừng cuộc bỏ phiếu về các quy chế của Ủy ban Thượng Hội đồng và đe dọa hành động Giáo luật nếu họ không tuân thủ.

Là một phần của Đại hội đồng từ ngày 19-22 tháng 2 tại Augsburg, khoảng 60 thành viên của DBK tham dự đã được lên kế hoạch để xem xét kết quả của quá trình cải cách “Con đường Công nghị” đã kết thúc gần đây của họ và bỏ phiếu về các quy chế của “Ủy ban Thượng Hội đồng” vốn có nhiệm vụ thành lập một “Hội đồng Thượng Hội đồng” quốc gia mới.

Tuy nhiên, các Giám mục đã ngưng tổ chức bỏ phiếu sau khi nhận được lá thư từ Vatican đe dọa sẽ có các biện pháp trừng phạt nếu họ tiếp tục tiến hành.

Ý tưởng thành lập Hội đồng Thượng Hội đồng, một cơ quan điều hành bao gồm cả các Giám mục lẫn giáo dân sẽ giám sát lâu dài Giáo hội ở Đức, đã được thông qua trong phiên họp toàn thể lần thứ tư của “Con đường Công nghị” của Đức vào tháng 9 năm 2022, với mục đích đưa ra “các quyết định cơ bản có tầm quan trọng cấp Giáo phận”.

Hội nghị đó cũng đã phê chuẩn một “Ủy ban Thượng Hội đồng”, do Đức Giám mục Georg Bätzing Địa phận Limburg, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, đồng chủ trì, và một giáo dân, có nhiệm vụ cụ thể là thành lập Hội đồng Thượng Hội đồng để hoạt động vào năm 2026.

Vào tháng 1 năm ngoái, những người đứng đầu một số cơ quan chính của Vatican đã viết một lá thư cho các Giám mục Đức phủ quyết Hội đồng Thượng Hội đồng với lý do rằng nó tạo thành một hình thức thẩm quyền Giáo hội mới không được công nhận về mặt Giáo luật, và về cơ bản sẽ tiếm quyền của Hội đồng Giám mục quốc gia.

Vào thời điểm đó, các Giám mục Đức đã phớt lờ những lời cảnh báo của Vatican, đồng thời tuyên bố trong hội nghị mùa xuân vào tháng 3 năm 2023 rằng kế hoạch thành lập Ủy ban Thượng Hội đồng vẫn đang được xúc tiến.

Đức Thánh Cha Phanxicô và một số người đứng đầu Thánh Bộ trong Giáo triều Rôma đã nhiều lần can thiệp vào tiến trình Công nghị của các Giám mục Đức, được khởi động với mục đích cải tổ các cơ cấu Giáo hội để ứng phó tốt hơn với các vụ giáo sĩ bê bối lạm dụng trong nước.

Quá trình này nhanh chóng trở thành điểm thu hút các đề xuất chấm dứt tình trạng độc thân Linh mục, cho phép truyền chức Linh mục cho phụ nữ, chấp thuận rộng rãi các phép lành cho các cặp đồng giới, và trao quyền cho phụ nữ cử hành Bí tích rửa tội.

Vào năm 2019, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết một lá thư gửi các Giám mục Đức cảnh báo rằng quá trình cải cách của họ có nguy cơ làm rạn nứt sự hiệp nhất của giáo hội, và sau đó ngài đã chỉ trích các đề xuất của cả Ủy ban Thượng Hội đồng lẫn Hội đồng Thượng Hội đồng trong một lá thư vào tháng 11 năm 2023 gửi các nhà thần học Đức chỉ trích tiến trình cải cách quốc gia, đồng thời cho biết rằng những cơ quan này “không thể hòa hợp với cơ cấu mang tính Bí tích của Giáo hội”.

Một trong những mối bận tâm chính đối với Hội đồng Thượng Hội đồng là nó sẽ tạo thành một cơ quan quản lý mới của Giáo hội không được Giáo luật công nhận và về cơ bản sẽ tiếm quyền của Hội đồng Giám mục quốc gia.

Một phần quyền hạn của Ủy ban Thượng Hội đồng cho phép họ thông qua các nghị quyết với đa số đơn thuần là 2/3. Chỉ với 23 Giám mục thành viên trong ủy ban, sau khi 4 người từ chối tham gia, hơn một nửa trong số 70 thành viên của cơ quan là giáo dân, có nghĩa là về mặt lý thuyết, các nghị quyết có thể được thông qua mà không cần sự chấp thuận của bất kỳ Giám mục nào trong nước.

 Khi các Giám mục Đức đến thăm Vatican trong chuyến viếng thăm Ad limina thường kỳ vào tháng 11 năm 2022, các thành viên của Giáo triều Rôma đã đề xuất một lệnh tạm dừng tiến trình này, tuy nhiên thay vào đó họ đã đồng ý rằng một cuộc đối thoại đang diễn ra sẽ được thiết lập với các cuộc họp thường kỳ.

Cuộc họp đầu tiên diễn ra tại Vatican vào ngày 26 tháng 7 năm 2023 và cuộc thảo luận sâu hơn về các chủ đề cải cách quan trọng đã diễn ra trong phiên họp đầu tiên vào tháng 10 năm 2023 của Thượng Hội đồng Giám mục về Hiệp hành, với phiên họp thứ hai và cuối cùng sẽ diễn ra trong năm nay.

Trong cuộc họp gần đây của họ vào tháng 3, các quan chức Vatican đã vạch ra một đường lối cứng rắn, yêu cầu các Giám mục Đức cam kết rằng bất kỳ cuộc cải cách Giáo hội quốc gia nào cũng sẽ không vi phạm Giáo luật, và sẽ không có biện pháp mới nào được thông qua nếu không có sự chấp thuận trước của Tòa Thánh.

Cuộc gặp gỡ tiếp theo giữa các đại diện của Giáo triều Rôma và các Giám mục Đức sẽ diễn ra sau khi kết thúc phiên họp thứ hai và cuối cùng tại Rôma của Thượng Hội đồng Giám mục về Hiệp hành, dự kiến kéo dài trong suốt tháng 10.



ooOOOoo

Đức Hồng y Woelki kêu gọi Công giáo Đức tôn trọng Đức Giáo hoàng nghiêm túc hơn

Vấn đề cải tổ Giáo hội đang tạo nên những tranh luận giữa Đức Giáo hoàng Phanxicô và Công giáo tại Đức từ nhiều năm nay. Trong bối cảnh này, Đức Hồng y Rainer Maria Woelki, Tổng giám mục Giáo phận Koeln, giáo phận lớn nhất tại Đức, kêu gọi các tín hữu Công giáo Đức hãy coi trọng hơn lập trường của Đức Thánh cha.


Đức Hồng y Rainer Maria Woelki 

Đức Hồng y Woelki đưa ra lời kêu gọi trên đây, trong sứ điệp Video đăng trên trang mạng Tổng giáo phận của ngài, hôm 29 tháng Sáu vừa qua. Đức Hồng y nhắc lại lá thư dài mười chín trang Đức Thánh cha Phanxicô đã dành một tháng trời, trong những giờ rảnh rỗi, để tự tay viết lấy cách đây đúng năm năm. Nhưng hơn một lần Đức Thánh cha đã than phiền rằng lá thư của ngài không được các tín hữu Công giáo Đức để ý, dù ngài đã lặp đi lặp lại rằng lá thư này là điều ngài xác tín là quan trọng.

Đức Hồng y Woelki nói: “Chúng ta hãy thành thực: ai đã thực sự đọc lá thư này của Đức Giáo hoàng?”

Ngày 29 tháng Sáu năm 2019, Đức Thánh cha đã gửi lá thư “cho dân Chúa lữ hành ở Đức”, trong đó ngài nói đến tiến trình cải tổ mà Con đường Công nghị của Công giáo Đức đề ra, lúc ấy Con đường này còn ở trong giai đoạn hoạch định và nay tiến trình đó kết thúc, và tìm cách thi hành. Một đàng, Đức Thánh cha ca ngợi sự dấn thân và nỗ lực cải tổ của Công giáo Đức, nhưng đồng thời ngài kêu gọi hãy hiệp nhất với Giáo hội hoàn vũ. Thư này đã tạo nên một sự ngạc nhiên trong nội bộ Giáo hội, cả những người chống đối lẫn ủng hộ Con đường Công nghị đều cảm thấy được khích lệ nhờ lá thư, trong đó có Đức Hồng y Woelki.

Những đề nghị do Con đường Công nghị đưa ra cho đến nay đang tạo nên sự tranh chấp giữa các tín hữu Công giáo Đức và Đức Giáo hoàng Phanxicô, như người ta thấy trong cuộc đối thoại vòng ba, hôm thứ Sáu vừa qua, ngày 27 tháng Sáu, giữa các giám mục Đức và các hồng y liên hệ tại Tòa Thánh.

Trong Video mới, Đức Hồng y Woelki nhận định rằng với lá thư cách đây năm năm, Đức Thánh cha mời gọi dấn thân loan báo Tin mừng là sứ mạng cốt yếu của Giáo hội. Đức Hồng y nói: “tôi thiết nghĩ: chúng ta phải lắng nghe và cấp thiết thực thi ước muốn của Đức Thánh cha, quanh chúng ta cũng như trong Giáo hội Công giáo Đức. Chỉ như thế, Giáo hội tại nước này mới có tương lai”.


Sau khi gặp các viên chức hàng đầu của Vatican, có chiều hướng Hội đồng Đồng nghị của Đức bước vào thế không hiện hữu.

Các giám mục Đức và các viên chức Vatican đã gặp nhau vào ngày 28 tháng 6 trong một hội nghị thượng đỉnh kéo dài một ngày về dự án “Con đường đồng nghị” gây tranh cãi của quốc gia.
Cuối cùng, họ đã đưa ra một tuyên bố. Và như Luke Coppen viết:

“Với chưa đầy 500 chữ được lựa chọn cẩn thận, tuyên bố chung gợi ý rằng sáng kiến trong cuộc chiến kéo dài 5 năm về con đường đồng nghị đã thay đổi – có lẽ là dứt khoát – theo hướng có lợi cho Rome”.

Vậy tài liệu đã nói gì? Tin tốt. Luke đã giải thích từng chữ trong ngôn ngữ của Vatican để cho bạn biết chính xác những gì đang xảy ra giữa người Đức và Vatican.




Tối thứ Sáu tuần trước, văn phòng báo chí Tòa thánh đã đưa ra một tuyên bố bằng ngôn ngữ Vatican được soạn thảo tinh xảo - một ngôn ngữ có số lượng người nói thông thạo gần bằng tiếng Klingon.

Thông cáo ngày 28 tháng 6 đã tóm tắt một cuộc họp mặt kéo dài một ngày của các nhà lãnh đạo Giáo hội Đức và các viên chức cấp cao của Vatican để thảo luận về dự án “con đường đồng nghị” gây tranh cãi của Đức.

Với chưa đầy 500 chữ được lựa chọn cẩn thận, tuyên bố chung gợi ý rằng sáng kiến trong cuộc chiến kéo dài 5 năm về con đường đồng nghị đã thay đổi – có lẽ mang tính quyết định – theo hướng có lợi cho Rome.

Tài liệu này chỉ có sẵn bằng tiếng Đức và tiếng Ý. Nhưng vì những mối quan tâm lớn xung quanh con đường đồng nghị, nó đáng được đọc kỹ.

Đội hình xuất phát

Hãy bắt đầu ở phần cuối của tuyên bố, với đoạn thứ tám và đoạn cuối cùng.

Đây là phần thẳng thừng nhất vì nó chỉ nêu rõ ai đã tham gia các cuộc đàm phán, cuộc thảo luận thứ ba trong một loạt các cuộc thảo luận cấp cao sau chuyến thăm ad limina của các giám mục Đức tới Rome vào tháng 11 năm 2022.

Đội hình như sau:

Về phía Vatican:

• Đức Hồng Y Victor Manuel Fernandéz, Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin
• Đức Hồng Y Kurt Koch, Bộ trưởng Bộ Cổ võ Hiệp nhất Kitô giáo.
• Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Vatican.
• Đức Hồng Y Robert Prevost, Bộ trưởng Bộ Giám mục.
• Đức Hồng Y Arthur Roche, Bộ trưởng Bộ Phụng tự.
• Đức Tổng Giám Mục Filippo Iannone, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Văn bản Lập pháp.

Về phía Đức:

• Đức Giám Mục Georg Bätzing, chủ tịch hội đồng giám mục Đức.
• Đức Giám Mục Stephan Ackermann, chủ tịch ủy ban phụng vụ của các giám mục.
• Đức Giám Mục Bertram Meier, chủ tịch ủy ban Giáo hội thế giới của các giám mục.
• Đức Giám Mục Franz-Josef Overbeck, chủ tịch ủy ban giáo lý của các giám mục.
• Beate Gilles, tổng thư ký hội đồng giám mục.
• Matthias Kopp, phát ngôn viên hội đồng giám mục.

Không khinh thường đội ngũ Đức, điều đáng chú ý là Vatican đã đưa nhóm A của mình đến đàm phán.

Quay trở lại phần đầu của tuyên bố, chúng ta đọc rằng cuộc họp ngày 28 tháng 6 đã diễn ra theo yêu cầu của Đức Thánh Cha Phanxicô và tiếp nối cuộc họp gần đây nhất vào ngày 22 tháng 3.

Tuyên bố nhắc nhở chúng ta rằng vào tháng 3, cả hai bên đã đồng ý rằng mục tiêu của các cuộc đàm phán là “phát triển các hình thức cụ thể của tính đồng nghị trong Giáo hội ở Đức phù hợp với giáo hội học của Công đồng Vatican II, các yêu cầu của giáo luật và các kết quả của Thượng Hội đồng về tính đồng nghị”.

Thông cáo báo chí tháng 3 cho biết kết quả sẽ được đệ trình lên Tòa thánh để phê duyệt. Cụm từ tương tự được lặp lại ở đây, nhưng với “recognitio” trong ngoặc sau “phê duyệt”, nhấn mạnh rằng các giám mục Đức phải chính thức đệ trình các kế hoạch bằng văn bản cho Vatican xem xét.

Giống như hồi tháng 3, bầu không khí của cuộc họp tháng 6 được mô tả là “tích cực” và “mang tính xây dựng”. Nhưng nó cũng thêm tính từ “cởi mở”. Bạn hãy tự hiểu lấy.

Phá cấu trúc 'hội đồng đồng nghị'

Sau đó, chúng ta đụng tới một trong những đoạn văn dày đặc hơn, trong đó lưu ý rằng các giám mục đã trình bày kết quả của cuộc họp gần đây nhất của “ủy ban đồng nghị” của Đức.

Ủy ban đồng nghị là một cơ quan gồm các giám mục và giáo dân nhằm mở đường cho việc thành lập một “hội đồng đồng nghị” thường trực với quyền lực rộng lớn đối với Giáo hội địa phương.

Ủy ban đồng nghị được mô tả trong ngoặc trong tuyên bố là “một ủy ban làm việc tạm thời”. Trong khi cơ quan này luôn được coi là tạm thời và nhường chỗ cho hội đồng đồng nghị vào năm 2026, cách diễn đạt dường như đã giảm thiểu tầm quan trọng của nó. Đó có thể là do Vatican vẫn còn nghi ngờ về tính hợp pháp của ủy ban, vì 4 trong số 27 giám mục giáo phận của Đức đang tẩy chay ủy ban này.

Tuyên bố nói rằng sau phần tóm tắt của cuộc họp ủy ban đồng nghị, “các nền tảng thần học và khả năng tổ chức pháp lý của một cơ quan đồng nghị quốc gia đã được thảo luận”. Lưu ý rằng cơ quan đồng nghị quốc gia trong tương lai không được gọi là “hội đồng đồng nghị”.

Chúng ta sẽ hiểu tại sao nếu chúng ta bỏ qua một đoạn văn. Chúng ta đọc rằng các viên chức Vatican muốn tên của cơ quan được thay đổi và có những dè dặt về “các khía cạnh khác nhau của đề xuất hiện có đối với một cơ quan đồng nghị quốc gia tương lai như vậy”.

“Liên quan tới vị thế của cơ quan này, có sự đồng ý rằng nó không ở trên hoặc ngang bằng với hội đồng giám mục”, tuyên bố cho biết.

Đây được cho là phần quan trọng nhất của tuyên bố. Để hiểu lý do tại sao, chúng ta cần nhớ lại rằng nghị quyết kêu gọi thành lập hội đồng đồng nghị đã mô tả nó như một “cơ quan cố vấn và ra quyết định” quốc gia.

Theo tài liệu đó, cơ quan này, bao gồm các giám mục và giáo dân, sẽ “đưa ra các quyết định cơ bản có ý nghĩa cấp giáo phận về kế hoạch mục vụ, các quan điểm tương lai của Giáo hội cũng như các vấn đề tài chính và ngân sách của Giáo hội vốn không được quyết định ở cấp giáo phận”.

Tuyên bố ngày 28 tháng 6 nói rõ rằng các viên chức Vatican – những người sẽ quyết định liệu kế hoạch có được công nhận hay không – phản đối cả tên lẫn quyền hạn được đề xuất của hội đồng đồng nghị.

Tuyên bố cho biết thêm rằng cả hai bên đều đồng ý rằng cơ quan đồng nghị quốc gia không nên “ở trên hoặc ngang bằng với hội đồng giám mục”.

Điều đó có nghĩa là gì? Nhà phê bình con đường đồng nghị Martin Brüske nói rằng, nói một cách hợp lý, “điều gì không cao hơn cũng không ngang bằng thì không gì khác hơn là phụ thuộc”.

Nếu cơ quan tương lai phụ thuộc hội đồng giám mục, thì nó sẽ hoàn toàn khác với hội đồng đồng nghị bao quát do Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức (ZdK), vốn đồng bảo trợ cho con đường đồng nghị cùng với các giám mục Đức, dự kiến.

Peter Winnemöller, một nhà phê bình khác về con đường đồng nghị, viết: “Hội đồng đồng nghị không được gọi như vậy và nó không được cấu trúc như vậy và nó không được có khả năng thực hiện những gì đã được hoạch định. Nói một cách đơn giản: nó sẽ không bao giờ hiện hữu.”

Thông cáo lưu ý rằng một trong ba ủy ban của ủy ban đồng nghị sẽ tập trung vào “các vấn đề về tính đồng nghị và cơ cấu của một cơ quan đồng nghị”.

Tuyên bố cho biết: “Để chuẩn bị một bản dự thảo cho cơ quan này, ủy ban [Đức] sẽ liên hệ chặt chẽ với một ủy ban tương ứng bao gồm đại diện của các cơ quan liên quan”.

Điều này cho thấy rằng Vatican quyết tâm tham gia ngay cả vào việc soạn thảo kế hoạch chi tiết mới cho một cơ quan đồng nghị quốc gia. Đây có thể là một nỗ lực nhằm phá vỡ phương thức hoạt động thành công trước đây của những người tổ chức con đường đồng nghị, đó là tạo ra “các sự kiện trên thực tế” trước khi Rome có thể phản ứng và sau đó bác bỏ bất cứ phản đối nào vì cho rằng thiếu thông tin hoặc không liên quan.

Một ‘cái tát vào mặt’?

Sau khi giải quyết cuộc tranh luận về hội đồng đồng nghị, thông cáo đưa ra một tuyên bố khá kích thích nhưng có phần khó hiểu.

“Vấn đề về thành phần tương lai của phái đoàn Đức tham gia vào cuộc đối thoại giữa các đại diện của Giáo triều Rôma và Hội đồng Giám mục Đức cũng đã được thảo luận,” thông cáo viết.

Peter Winnemöller giải thích đây là “cú tát vào mặt vang dội nhất mọi thời đại” đối với Hội đồng Giám mục Đức. Ông gợi ý cách dịch trực tiếp hơn sẽ là: “Chúng tôi không muốn nói chuyện với những người bạn mang theo bên mình. Hãy mang những người khác đi cùng.”

Trong khi đó, Martin Brüske coi nó ám chỉ việc bốn giám mục tẩy chay ủy ban thượng hội đồng. Ông viết: “Nếu ủy ban thực sự không gì khác hơn là một ‘ủy ban làm việc tạm thời’, thì không có cách nào hiểu được tại sao các giám mục hoài nghi về công cụ này lại bị loại khỏi các cuộc đàm phán trong tương lai”.

“Ngược lại: họ đại diện cho một tiếng nói quan trọng trong một quá trình mở mà cuối cùng giờ đây có thể được lắng nghe lại.”

Có một khả thể khác: Câu nói có thể đề cập đến yêu cầu kiên trì của Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức muốn được tham gia vào các cuộc đàm phán ở Rome, vì đây là nhà đồng tài trợ cho con đường đồng nghị và ủy ban đồng nghị. Có lẽ Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức cuối cùng sẽ có một đại diện trên bàn đàm phán.

Hết cuộc nói chuyện này qua cuộc nói chuyện khác

Tuyên bố kết thúc với những gì có vẻ như là một chút về việc quản gia.

“Sau khi kết thúc Thượng Hội đồng về tính đồng nghị [vào tháng 10], các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục thảo luận về các chủ đề sâu hơn có tính chất nhân học, giáo hội học và phụng vụ,” tuyên bố viết.

Điều này cho thấy Vatican không vội vàng nối lại các cuộc thảo luận. Thay vì lên lịch một cuộc họp ngay sau kỳ nghỉ hè, cuộc họp tiếp theo có thể diễn ra vào cuối mùa thu.

Khó có khả thể bất cứ sự bất đồng nào về “bản chất nhân chủng học, giáo hội học và phụng vụ” sẽ được giải quyết trong một ngày. Vì vậy, chúng ta có thể mong đợi một cuộc họp tiếp theo sẽ diễn ra sau cuộc họp đó, rồi cuộc họp khác, rồi cuộc họp khác sau đó.

Do đó, đề xuất về hội đồng đồng nghị có thể đang đi vào điều mà các nhà biên kịch Hollywood gọi là “địa ngục phát triển” - một giai đoạn chuẩn bị mệt mỏi và không có thời hạn giải quyết rõ ràng.

Những người đề xuất hội đồng đồng nghị đặt mục tiêu vào năm 2026. Nghị quyết của con đường đồng nghị nhấn mạnh rằng cơ quan này phải hoạt động “muộn nhất là vào tháng 3 năm 2026”.
Nhưng hiện tại rõ ràng là điều này phải được sự chấp thuận của Rome. Và Rome có thể đang có ý định nhắc nhở những người tổ chức con đường đồng nghị rằng họ nghĩ không phải tính bằng năm mà là hàng thế kỷ.





Ngày 09 tháng Bảy tới đây, công bố Tài liệu Làm việc Thượng Hội đồng Giám mục XVI


Trưa thứ Ba, ngày 09 tháng Bảy tới đây, Đức Hồng y Mario Grech, Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục, sẽ mở cuộc họp báo tại Phòng Báo chí Tòa Thánh để công bố Tài liệu Làm việc cho khóa hai của Thượng Hội đồng Giám mục thế giới kỳ thứ XVI từ ngày 04 đến ngày 27 tháng Mười năm nay, về đề tài: Tiến tới một Giáo hội hiệp hành: Hiệp thông, tham gia và sứ mạng”.


image.png


Cùng hiện diện tại bàn chủ tọa cuộc họp báo, còn có Đức Hồng y Jean-Claude Hollerich, Dòng Tên, Tường trình viên của Thượng Hội đồng Giám mục, đồng thời có hai vị Tổng thư ký đặc biệt của Thượng Hội đồng Giám mục lần này.

Cộng tác vào việc soạn Tài liệu Làm việc này, có hai mươi nhà thần học nam nữ, từ nhiều nơi trên thế giới, hoạt động từ ngày 04 tháng Sáu vừa qua, dựa trên những suy tư nảy sinh từ bản tường trình đúc kết khóa họp thứ nhất, hồi tháng Mười năm ngoái (2023). Tất cả những tài liệu và phúc trình của các Giáo hội địa phương được gửi về Roma, cả những chứng từ về tính đồng hành, hay hiệp hành, và việc thực thi tinh thần này. Giáo hội đồng hành không còn là một giấc mơ cần thực hiện, nhưng đang là một thực tại sinh động, tạo nên những sáng tạo và những kiểu mẫu tương quan mới giữa lòng Giáo hội địa phương hoặc các nhóm Giáo hội khác nhau.

Đức Thượng phụ Bartolomeo I tái khẳng định mong muốn hiệp thông Kitô giáo

Trong thư gửi Đức Thánh Cha Phanxicô nhân lễ trọng kính hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô vào ngày 29/6/2024, Đức Thượng phụ Bartolomeo I của Chính Thống Constantinople tái bày tỏ mong muốn hiệp thông trọn vẹn giữa hai Giáo hội Chính Thống và Công giáo. Ngài khẳng định rằng “sự hiệp nhất Kitô giáo vừa là một ân sủng khôn tả vừa là một nhiệm vụ thường xuyên”.

image.png

Mở đầu thư Đức Thượng phụ Bartolomeo viết: “Giữa những biến động và khó khăn của thời đại chúng ta, Thiên Chúa đã ban cho chúng tôi một lần nữa cơ hội để bày tỏ những lời chào huynh đệ của chúng tôi tới Đức Thánh Cha nhân dịp Lễ trọng hai Tông đồ Phêrô và Phaolô, lễ Bổn Mạng của Giáo hội Rôma...”. “Hàng năm, vào ngày này, chúng tôi cảm nhận được sự củng cố của mối dây bác ái đầy phúc lành giữa chúng ta, một mối dây thúc đẩy và truyền cảm hứng cho chúng ta trên con đường hướng tới sự hiệp nhất trọn vẹn”.

Gương mẫu hiệp nhất của hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô

Theo Đức Thượng phụ, sự hiệp nhất trong lý trí và con tim của hai thánh Tông đồ “là mẫu mực và kiểu mẫu tuyệt vời về sự hiệp nhất cho tất cả chúng ta”, và mục tiêu của chúng ta phải là chia sẻ đầy đủ “sự hiệp nhất của Thánh Thần trong mối liên kết hòa bình” thông qua việc tái lập sự hiệp thông Thánh Thể.

Hiệp hành

Đức Thượng phụ nhắc đến những nỗ lực của Đức Thánh Cha nhằm củng cố và đào sâu sự hiểu biết thần học và thực tiễn về tính hiệp hành trong đời sống của Giáo hội. Đây cũng là điều Giáo hội Chính Thống Constantinople đã khẳng định trong Thánh Hội đồng được tổ chức tại Crete vào năm 2016.

Đối thoại thần học trong tự do và cởi mở

Ngài cũng nhắc đến kết quả công việc của Ủy ban Quốc tế về Đối thoại Thần học giữa hai Giáo hội, việc khởi đầu quá trình soạn thảo hai tài liệu liên quan đến các vấn đề lịch sử và thần học liên quan đến mệnh đề Filioque (và bởi Chúa Con) trong Kinh Tin Kính và “tính bất khả ngộ của Đức Giáo Hoàng”. Theo ngài, “điều này đánh dấu một bước quan trọng trong Đối thoại, nơi chúng ta có thể tự do và cởi mở tiếp cận các vấn đề đã chia rẽ chúng ta từ lâu, mà bây giờ không cần dùng đến những cuộc bút chiến vô căn cứ và mang tính phá hoại, nhưng cùng nhau tìm kiếm, với lòng khiêm tốn và tình yêu, con đường dẫn đến sự chữa lành và sự thật”.

Chứng tá đối thoại, hòa bình và hòa giải của Đức Thánh Cha

Đức Thượng phụ cũng cảm ơn chứng tá của Đức Thánh Cha như một công cụ đối thoại, hòa bình và hòa giải trên toàn thế giới. Ngài viết: “Trong thời điểm chiến tranh và đau thương này, đặc biệt là ở Ucraina và Trung Đông, Đức Thánh Cha đã tỏa sáng như một người ủng hộ không mệt mỏi cho việc chấm dứt xung đột”. “Đức Thánh Cha là một gương mẫu quý giá của việc rao giảng nhiệt thành về hòa bình ở đây và bây giờ trên toàn thế giới”.

Hướng đến lễ kỷ niệm chung: kỷ niệm 1700 năm Công đồng Nixêa

Cuối thư, Đức Thượng phụ Bartolomeo tái khẳng định sự dấn thân để tái lập “mối hiệp thông giữa chúng ta”. Ngài cho biết cũng nóng lòng chờ đợi với niềm hân hoan thiêng liêng “về lễ kỷ niệm chung của chúng ta, vào năm 2025, kỷ niệm 1700 năm Công đồng Đại kết đầu tiên được tổ chức tại Nixêa”. 



ooOOOoo

Vụ kiện chấn động tại Bỉ: Người phụ nữ quá đáng nộp đơn kiện một Hồng Y và một Tổng Giám Mục vì không cho bà ta theo học để trở thành phó tế

Tờ Pillar Catholic có bài tường trình nhan đề “Church ordered to compensate woman denied deacon formation”, nghĩa là “Giáo hội bị buộc phải bồi thường cho người phụ nữ bị từ chối đào tạo thành phó tế.”

Một tòa án đã ra lệnh cho hai nhà lãnh đạo Giáo hội Bỉ phải bồi thường sau khi một phụ nữ không được phép ghi danh vào chương trình đào tạo phó tế.

Tòa án đã ra lệnh cho Hồng Y Jozef De Kesel đã nghỉ hưu và Đức Tổng Giám Mục Luc Terlinden, người kế nhiệm ngài làm Tổng Giám mục Mechelen-Brussels, mỗi vị phải trả 1.500 euro, tức là khoảng 1.600 Mỹ Kim, cho Veer Dusauchoit.

Bà Dusauchoit, 62 tuổi sống ở Herent, tỉnh Flemish Brabant của Bỉ, đã phục vụ nhiều năm tại giáo xứ địa phương của bà, nơi không còn linh mục do sự suy giảm giáo sĩ giáo phận.

Bà là thành viên của một nhóm giáo dân tổ chức các buổi cử hành Lời Chúa và Rước lễ, tang lễ và các hoạt động khác của giáo xứ - một tình trạng phổ biến trong Giáo Hội Công Giáo ở Bỉ.

Vào tháng 6 năm 2023, được linh hứng bởi một chương trình đào tạo phó tế nữ ở Đức, Dusauchoit đã nộp đơn ghi danh tham gia chương trình đào tạo phó tế kéo dài 4 năm của tổng giáo phận Mechelen-Brussels do Đức Hồng Y De Kesel lãnh đạo –, nhưng đơn ghi danh của bà đã bị từ chối.

Giáo Hội Công Giáo dạy rằng bí tích truyền chức thánh được dành riêng cho nam giới. Ba bậc thánh là phó tế, linh mục và giám mục.

Dusauchoit lại nộp đơn không thành công vào tháng 10 năm 2023, sau khi Đức Cha Terlinden được bổ nhiệm làm tổng giám mục thay cho Đức Hồng Y De Kesel.

Trong một chuyên mục tháng 4 cho trang web tin tức DeWereldMorgen.be, Dusauchoit tự mô tả mình là “một người phụ nữ ngoan đạo, dấn thân hoạt động xã hội, đấu tranh cho nữ quyền và được truyền cảm hứng về mặt sinh thái”.

Bà viết: “Phụ nữ trong Giáo hội vẫn chưa được đánh giá đầy đủ và không có cơ hội đảm nhận vị trí xứng đáng của mình”.

“Từ sự thất vọng này, từ niềm tin rằng việc đào tạo làm phó tế có thể giúp Giáo hội phát triển, đồng thời từ quyết tâm không đoạn tuyệt với Giáo hội, tôi quyết định ghi danh tham gia chương trình đào tạo phó tế.”

Tuy nhiên, bà ta nói, trong khi “cả Đức Tổng Giám Mục De Kesel và Terlinden đều công khai tuyên bố ủng hộ việc phong chức phó tế cho phụ nữ trong câu trả lời của các ngài cho câu hỏi của tôi, tôi không tìm thấy thái độ sẵn lòng nào như vậy”.

Dusauchoit nói rằng vào những năm 1970, vợ của các ứng cử viên phó tế được yêu cầu tham gia khóa đào tạo phó tế cùng với chồng của họ, ngay cả khi họ không thực sự được thụ phong phó tế.

Bà nói: “Việc họ không thể được phong chức phó tế trong mọi trường hợp không phải là trở ngại cho việc theo đuổi khóa đào tạo này”.

Bà ta nói thêm: “Quyết định của Đức Hồng Y De Kesel và Đức Tổng Giám Mục Terlinden từ chối cho tôi quyền được đào tạo phó tế chỉ vì tôi là phụ nữ, theo ý kiến của tôi, vi phạm nguyên tắc bình đẳng giới tính, là bất hợp pháp và sai phạm về mặt pháp lý”.

Dusauchoit đưa vụ việc của mình ra tòa án dân sự, lập luận rằng các vị Hồng Y và Tổng Giám Mục đã phạm tội phân biệt đối xử vì quyền bình đẳng giữa nam và nữ được quy định trong Điều 10 của hiến pháp Bỉ.

Theo báo chí Bỉ, các vị Hồng Y và Tổng Giám Mục không phản đối ý kiến cho rằng Dusauchoit đã bị từ chối tham gia khóa học vì cô là phụ nữ.

Phát ngôn nhân của tòa án ở Mechelen, một thành phố thuộc vùng Flemish của Bỉ, cho biết:

“Tòa án nhận thấy rằng các vị Hồng Y và Tổng Giám Mục này đã mắc sai lầm khi đánh giá đơn ghi danh.”

“Nó chỉ liên quan đến việc được nhận vào một khóa đào tạo, chứ không phải vấn đề bổ nhiệm làm phó tế.”

Phát ngôn nhân nói thêm rằng tòa án không có quyền quyết định liệu một cá nhân ứng viên có nên được nhận vào chương trình đào tạo phó tế hay không.

Ông nói: “Tòa án không có thẩm quyền xét xử việc này. Điều này sẽ trái ngược với tự do tôn giáo. Các tổng giám mục phải có khả năng tự quyết định xem ai là ứng viên phù hợp để đào tạo”.

Bình luận về phán quyết, luật sư của Dusauchoit cho biết: “Lần đầu tiên trong lịch sử, các giám mục Bỉ bị tòa án lên án vì phân biệt giới tính. Tòa án tuyên phải bồi thường thiệt hại cho bà Dusauchoit vì việc này.”

“Tòa án tin rằng họ không thể buộc các giám mục chấp nhận bà Dusauchoit được đào tạo, vì điều này ảnh hưởng đến quyền tự chủ của Giáo hội”.

Đề cập đến phiên họp tháng 10 này của Thượng Hội đồng về tính đồng nghị, các luật sư nói thêm: “Bà. Dusauchoit hài lòng vì tòa án đã phát hiện ra rằng đã xảy ra sự phân biệt đối xử. Bà hy vọng phán quyết này có thể giúp bảo đảm rằng phụ nữ sẽ được phép tham gia khóa đào tạo phó tế trong tương lai. Vấn đề này nằm trong chương trình nghị sự của Thượng Hội đồng Giám mục vào mùa thu này.”

Một phát ngôn viên của tổng giáo phận Mechelen-Brussels nói với trang web Công Giáo Đức katholisch.de: “Chúng tôi đã nhận được phán quyết vào chiều hôm qua, hiện đang nghiên cứu và sau đó sẽ quyết định xem sẽ tiếp tục như thế nào”.

Đã có những căng thẳng sâu sắc giữa Giáo hội và nhà nước ở Bỉ trong những năm gần đây sau khi bùng phát cuộc khủng hoảng giáo sĩ lạm dụng tình dục.

Năm 2010, Vatican phản đối sau khi cảnh sát Bỉ đột kích các tài sản của Giáo hội và làm gián đoạn cuộc họp của các giám mục khi cảnh sát tìm kiếm bằng chứng trong các vụ lạm dụng.

Giáo hội ở Bỉ hiện đang chống lại lệnh của các cơ quan bảo vệ dữ liệu nhằm các tài liệu trong sổ ghi danh rửa tội, nếu được yêu cầu.

Giáo Hội Công Giáo ở Bỉ kêu gọi mở chức phó tế cho phụ nữ trong báo cáo phản hồi trước cuộc họp thượng hội đồng vào tháng 10.

Hội Đồng Giám Mục Bỉ cho biết: “Công đồng Vatican II đã tái thiết lập chức phó tế vĩnh viễn cho nam giới. Không phải tất cả các hội đồng giám mục đều đã tận dụng khả năng này.”

“Bằng cách tương tự, chúng tôi yêu cầu, dựa trên sự tham vấn của chúng tôi với tư cách là Giáo hội Bỉ, rằng chức phó tế vĩnh viễn cho phụ nữ cũng nên được tái lập”.

“Trong phân tích của chúng tôi, việc trao các trách nhiệm mục vụ chính cho phụ nữ và truyền chức phó tế không nên là điều bắt buộc hoặc bị cấm trên toàn cầu”.

Các quốc gia khác cũng ghi nhận sự ủng hộ mạnh mẽ của người Công Giáo địa phương đối với các nữ phó tế trong báo cáo phản hồi của họ.

Tại Đức, giáp biên giới Bỉ, một tổ chức độc lập có tên là Mạng lưới Phó tế Nữ đã tổ chức các khóa đào tạo kéo dài 3 năm cho phụ nữ kể từ năm 1999, nhằm mục đích đào tạo chức phó tế.

Đức Giám Mục Ludger Schepers, Giám Mục Phụ Tá của Giáo phận Essen, đã cử hành Thánh lễ bế mạc khóa học vào tháng Tư.

Theo một thông cáo báo chí, Đức Cha Schepers nói trong bài giảng rằng phụ nữ cảm thấy bị phân biệt đối xử và bị gạt ra ngoài lề xã hội trong Giáo hội vì ơn gọi của họ.

Thông cáo báo chí cho biết: “Điều khiến vị Giám Mục tức giận là sự mất cân bằng này không được coi là một mối bất bình cần được giải quyết”.

“Mặc dù ngài chưa thể truyền giới cho phụ nữ, nhưng ngài và những người lãnh đạo khóa học đã ban phước lành cho từng phụ nữ khi họ nhận được chứng chỉ của mình.”

Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, Giám mục Georg Bätzing đã gửi thông điệp chúc mừng 13 phụ nữ đã hoàn thành khóa học.

Giám mục Georg Bätzing nói: “Các bạn là một phước lành cho Giáo hội của chúng ta”.

Đức Thánh Cha Phanxicô dự kiến sẽ thăm Bỉ, một quốc gia mà ngài có quan hệ lâu dài, từ ngày 26 đến 29 tháng 9.

Trong một cuộc phỏng vấn với CBS vào tháng 5, Đức Thánh Cha đã được hỏi liệu ngài có cởi mở với khả năng phụ nữ được làm phó tế hay không.

Ngài nói: “Nếu đó là các phó tế với chức thánh thì không. Nhưng tôi có thể nói, phụ nữ luôn có chức năng của nữ phó tế mà không phải là phó tế, phải không?”

“Phụ nữ phục vụ rất tốt với tư cách là phụ nữ, không phải với tư cách là thừa tác viên trong các chức thánh.”




Church ordered to compensate woman denied deacon formation


Phúc trình về “Đồng tiền thánh Phêrô”


Nhân lễ thánh Phêrô và Phaolô tông đồ, ngày 29 tháng Sáu vừa qua, cũng là ngày lạc quyên trong toàn Giáo hội để trợ giúp Đức Thánh cha trong các công tác mục vụ và bác ái, Tòa Thánh đã công bố phúc trình thường niên về việc thu và sử dụng ngân khoản lạc quyên được, quen gọi là “Đồng tiền thánh Phêrô” (Obolo di San Pietro).

Trong năm 2023, “Đồng tiền thánh Phêrô” quyên góp được là 52 triệu Euro, trong khi số chi là 109 triệu 400.000 Euro, tức là quá gấp đôi. Mức lạc quyên này đã trở lại mức độ gần bằng 54 triệu Euro trước thời đại dịch Covid-19, và tăng thêm 8,5 triệu Euro so với năm 2022.

Số thu cho đồng tiền này đến từ ba cách thức khác nhau: trước tiên là các cuộc lạc quyên tại tất cả các nhà thờ trên thế giới, nhân lễ kính hai thánh tông đồ và được chuyển về Tòa Thánh, qua các Tòa Sứ thần và Khâm sứ Tòa Thánh. Trong năm qua, các giáo phận đã góp phần vào “Đồng tiền thánh Phêrô” là 31,2%, số tiền dâng cúng của các ân nhân riêng là 2,1%, các ngân quỹ giúp Đức Thánh cha là 13,9%, các dòng tu đóng góp 1,2%.

Ba quốc gia đóng góp nhiều nhất là Mỹ, 13,6%, Ý 3,1% và Brazil 1,9%.

Trong năm ngoái, Quỹ “Đồng tiền thánh Phêrô” đã giúp 103 triệu Euro, trong đó có 90 triệu dành cho các hoạt động của Tòa Thánh, 13 triệu để hỗ trợ các dự án trợ giúp trực tiếp cho người nghèo. Những đóng góp đó đến từ số tiền dâng cúng nhận được là 48,4 triệu Euro đến từ các hoạt động kinh tài, từ gia sản của Tòa Thánh, với 3,6 triệu Euro, trong khi phần còn lại 51 triệu Euro lấy từ gia sản “Đồng tiền thánh Phêrô”. Có 80 triệu dành để giúp Ucraina, qua các sáng kiến mục vụ và xã hội, hỗ trợ dân chúng nạn nhân chiến tranh. Trong số các dự án xã hội có “Các bệnh viện mở” ở Syria.

Đức Thánh cha, qua các bộ liên hệ, đã dành khoảng 32 triệu Euro, trong đó có 8 triệu từ “Đồng tiền thánh Phêrô”, cho các hoạt động từ thiện bác ái, cùng với 13 triệu Euro để tài trợ 236 dự án, tổng cộng là 45 triệu Euro cho các hoạt động từ thiện.


Vatican cấm nhân viên Đền thờ Thánh Phêrô xăm hình và xỏ khuyên

image.png

Để giữ lịch sự tại nơi cung kính, nhân viên làm việc tại Đền thờ Thánh Phêrô sẽ không được xăm hình hoặc đeo khuyên. 

Các quy định mới được công bố vào cuối tuần áp dụng cho khoảng 170 nhân viên giáo dân của Fabbrica di San Pietro, văn phòng phụ trách vương cung thánh đường.

Ngày thứ hai 1 tháng 7, linh mục Enzo Fortunato, giám đốc truyền thông của Đền thờ Thánh Phêrô trả lời hãng tin  Reuters, ngài cho biết quy định này đã hệ thống hóa các quy tắc “đã có trong quá khứ dưới một hình thức khác”, ngài cũng phủ nhận tin trên báo chí Ý cho rằng giáo dân chưa lập gia đình sẽ bị cấm làm việc tại đây, đây chỉ là “tin đồn”.

Văn phòng đưa ra các quy định: nhân viên phải có “hành vi tôn giáo và đạo đức mẫu mực, kể cả trong đời sống riêng tư và gia đình, phù hợp với giáo lý của Giáo hội”. Giáo hội dạy quan hệ tình dục giữa các cặp chưa kết hôn là tội và cả những cặp đã đính hôn cũng phải giữ đức khiết tịnh. Đức Phanxicô đã làm cho một số người bảo thủ không bằng lòng khi ngài liên tục nói Giáo hội nên tập trung vào lòng thương xót và tha thứ thay vì thực thi nghiêm ngặt các quy tắc.

Ngày 29 tháng 6, Văn phòng Vatican đã xuất bản Bản lưu ý của Đức Phanxicô về Quy chế và Quy định của Tu nghị Đền thờ Thánh Phêrô.

Tất cả nhân viên phải tuân thủ “sampietrini”, những người chịu trách nhiệm tiếp tân, giám sát, dọn dẹp và bảo trì đền thờ phải chăm sóc bề ngoài để phù hợp với nhu cầu và phong tục của môi trường làm việc. Vì vậy họ phải mặc y phục lịch sự phù hợp với hoạt động, cấm xăm hình lộ rõ trên da và xỏ khuyên.

Ngoài ra, họ phải tuyên xưng đức tin công giáo, sống theo các nguyên tắc của đức tin, phải có giấy chứng nhận kết hôn theo giáo luật, giấy chứng nhận Rửa tội và Thêm sức, và chứng minh họ không mắc tội phạm hình sự. Ngoài ra, họ có nghĩa vụ phải tuân thủ nghiêm ngặt tính bảo mật và bí mật giáo hoàng; và nếu không có sự cho phép trước của cấp trên, họ không được trả lời các phỏng vấn.

Minh Nguyen Quang

unread,
Jul 12, 2024, 8:23:14 PM (4 days ago) Jul 12
to alphonsefamily
13/7/2024


Bộ Giáo lý Đức tin: Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò bị vạ tuyệt thông vì ly giáo


Thứ Sáu, ngày 05/7/2024, trong một thông cáo, Bộ Giáo lý Đức tin tuyên bố Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò, cựu Sứ thần Toà Thánh tại Hoa Kỳ bị vạ tuyệt thông tiền kết “latae senntiae”, vì không công nhận tính hợp pháp của Đức Giáo Hoàng và Công đồng Vatican II.

Thông cáo của Bộ Giáo lý Đức tin cho biết, quyết định được đưa ra tại Đại hội của Bộ, ngày 04/7/2024, kết luận về thủ tục hình sự ngoài tư pháp được đề cập trong Bộ Giáo luật điều 1720, và dựa theo điều 751 và điều 1364 của Bộ Giáo luật, cựu Sứ thần Tòa Thánh bị vạ tuyệt thông vì ly giáo.

Thông cáo tiếp tục: “Những tuyên bố công khai của Tổng Giám Mục Viganò thể hiện việc ngài từ chối công nhận và phục tùng Đức Giáo Hoàng, từ chối hiệp thông với các thành viên của Giáo hội, cũng như tính hợp pháp và huấn quyền của Công đồng Vatican II”.

Thông cáo báo chí lưu ý, quyết định do Bộ Giáo lý Đức tin đưa ra, dựa theo giáo luật khoản 1, điều 1364, vì thế trong trường hợp này việc tha hình phạt chỉ dành riêng cho Tòa Thánh.

Cuối cùng, tuyên bố cho biết: “Quyết định này đã được thông báo tới Tổng Giám Mục Viganò vào ngày 05/7/2024”.

Trong những năm gần đây, nhiều lần cựu Sứ thần Toà Thánh tại Hoa Kỳ đã tuyên bố không công nhận tính hợp pháp của Đức Thánh Cha Phanxicô cũng như của Công đồng Vatican II.

Theo Bộ Giáo luật (điều 1331, khoản 1), cấm người bị vạ tuyệt thông: tham dự cử hành Hiến Tế Thánh Thể và bất cứ nghi lễ phụng vụ nào khác bằng bất cứ cách nào với tư cách là thừa tác viên; cử hành các bí tích hay các á bí tích, và lãnh nhận các bí tích; thi hành các giáo vụ, các thừa tác vụ hay bất cứ nhiệm vụ nào, hoặc thực hiện những công việc lãnh đạo.

Khoản hai của điều 1331 liệt kê những hậu quả xảy ra sau khi việc dứt phép thông công tiền kết được chính thức tuyên bố.

Dứt phép thông công được coi là một hình phạt như “thuốc chữa lành” nhằm kêu gọi người phạm tội ăn năn sám hối. Như vậy, Giáo hội luôn hy vọng người bị vạ tuyệt thông sẽ trở lại với sự hiệp thông.




Bộ Giáo lý đức tin đang soạn thảo văn kiện về giáo vụ và phụ nữ


Bộ Giáo lý đức tin đang soạn một văn kiện chính thức về các thừa tác vụ trong Giáo hội và phụ nữ.

Archbishop Jean-Claude Hollerich S.J. 

Đức Hồng y Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục đã cho biết như trên, hôm mùng 09 tháng Bảy vừa qua, trong cuộc họp báo để công bố Tài liệu Làm việc của khóa II Thượng Hội đồng Giám mục thế giới, sẽ nhóm vào tháng Mười năm nay, tại Roma.

Văn kiện mới sẽ làm sáng tỏ những vấn đề cơ bản về giáo luật và thần học về một số giáo vụ. Điều này cũng bao gồm cả vấn đề sự tham gia cần thiết của phụ nữ vào đời sống và sự lãnh đạo trong Giáo hội. Bộ Giáo lý đức tin sẽ đối thoại với Văn phòng Thượng Hội đồng Giám mục, trong việc soạn thảo văn kiện này.

Sự loan báo này có phần mới mẻ vì người ta nói nhiều về sự tham gia của

phụ nữ vào đời sống Giáo hội, nhưng nay cũng nói về sự tham gia vào việc lãnh đạo Giáo hội. Tiếp đến, chưa bao giờ Bộ Giáo lý đức tin cộng tác với Văn phòng Thượng Hội đồng Giám mục để soạn một văn kiện chung.

Phó tế phụ nữ

Theo Tài liệu làm việc, trong khóa họp của Thượng Hội đồng Giám mục sắp tới không có bàn đến việc truyền chức linh mục hay phó tế cho phụ nữ, như một số người ở Đức hy vọng.

Đức Hồng y Jean Claude Hollerich, Tổng tường trình viên của Thượng Hội đồng Giám mục, giải thích rằng Đức Thánh cha đã quyết định đưa vấn đề phó tế phụ nữ ra khỏi khóa họp của Thượng Hội đồng Giám mục sắp tới và để cho một trong mười nhóm nghiên cứu đào sâu vấn đề này, một vấn đề không được nhiều Giáo hội trên thế giới muốn đề cập đến.

Vấn đề phó tế phụ nữ trong Giáo hội sơ khai đã được Đức Thánh cha Phanxicô yêu cầu hai ủy ban chuyên gia, nhưng cho đến nay chưa thấy có kết luận nào được công bố.

Đức Hồng y Hollerich nhấn mạnh rằng Giáo hội không phải là một Giáo hội giáo sĩ, nhưng là Giáo hội của những tín hữu đã được chịu phép rửa, người nam cũng như người nữ, được Thiên Chúa kêu gọi loan báo Tin mừng và cùng nhau họp thành Giáo hội. Vì thế, có sự cộng tác và đồng trách nhiệm của mọi người. Điều này không có nghĩa là từ bỏ thừa tác vụ của các giám mục và linh mục. Các chức vụ này tìm được trong một Giáo hội đồng hành hay hiệp hành ý nghĩa trọn vẹn của nó.

Đức Hồng y Hollerich thuộc Dòng Tên, người Luxemburg. Ngài giải thích thêm rằng về sự tham gia và đồng trách nhiệm, không có sự phân biệt giữa người nam và người nữ. “Chúng ta đã thấy điều đó khi Đức Giáo hoàng mở thừa tác vụ giúp lễ và đọc sách cho phụ nữ."


Nước Ý sắp trở thành quốc gia đầu tiên cấm mang thai mướn


Nước Ý sắp trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới hoàn toàn cấm mang thai mướn.

Dự luật về vấn đề này đã được Hạ viện Ý thông qua hồi năm ngoái và trong những ngày qua, dự luật đã được Ủy ban tư pháp của Thượng viện thông qua, trước khi đưa ra bàn thảo tại Thượng viện để bỏ phiếu.

Bà Eugenia Roccella, Bộ trưởng về Gia đình của Ý, tuyên bố rằng với luật này, nước Ý đi tiên phong trong việc bài trừ những hình thức mới khai thác phụ nữ và trẻ em.

Dự luật dự trù phạt tới hai năm tù và phạt tiền một triệu Euro những ai tổ chức hoặc quảng cáo việc mang thai mướn dưới bất kỳ hình thức nào, kể cả bên ngoài nước Ý. Trong trường hợp những trẻ em sinh ra ở nước ngoài, các tòa lãnh sự Ý và văn phòng hộ tịch buộc phải điều tra xem trẻ em ấy có sinh ra do mang thai mướn hay không.

Bà Thượng nghị sĩ Campione, người trình bày dự luật tại thượng viện Ý, nhấn mạnh rằng dự luật muốn bảo vệ phụ nữ để họ khỏi trở thành những máy sinh sản, cũng như quyền của các con cái có căn tính được biết mình là con ai. Bà ghi nhận rằng nếu dự luật được thông qua, thì Ý sẽ là nước đầu tiên trên thế giới hoàn toàn cấm mang thai mướn. Theo ông Jacop Coghe, phát ngôn viên của tổ chức “Phò sự sống và gia đình”, tiền lệ do Ý mở ra có thể mở đường cho việc đạt tới một sự ngưng nạn mang thai mướn quốc tế.

Dự luật được chính phủ Ý, đang chiếm đa số tại quốc hội mạnh mẽ ủng hộ. Thượng nghị sĩ Antonio De Poli, Chủ tịch Liên minh đảng trung hữu của Ý (Unione di Centro), hậu thân của Đảng Dân Chủ Thiên Chúa giáo, tuyên bố rằng “chúng tôi tôn trọng quan điểm của mỗi người, nhưng theo ý chúng tôi, quyền của một trẻ em là có một gia đình, gồm một cha và một mẹ. Giá trị này thuộc về lịch sử và căn tính chính trị của chúng tôi. Coi trẻ em như thể chúng là sản phẩm để mua bán thì thật là điên rồ”.

ĐTC Phanxicô sửa đổi quy chế của “Mạng lưới cầu nguyện toàn cầu của Đức Giáo Hoàng”

Ngày 8/7, Phòng báo chí Toà Thánh đã công bố quy chế sửa đổi của “Mạng lưới cầu nguyện toàn cầu của Đức Giáo Hoàng” đã được Đức Thánh Cha phê chuẩn ngày 1/7/2024.
Mạng lưới cầu nguyện toàn cầu của Đức Giáo Hoàng được khởi xướng tại Pháp năm 1844 bởi linh mục Dòng Tên François-Xavier Gautrelet, S.J., nhắm đến các tu sĩ trẻ Dòng Tên trong giai đoạn huấn luyện, và đã nhanh chóng lan rộng như là tông đồ cầu nguyện cho sứ mạng của Giáo hội với 13 triệu thành viên tại nhiều quốc gia khác nhau.

Hiện nay, “Mạng lưới cầu nguyện toàn cầu của Đức Giáo Hoàng” thuộc về Toà Thánh được Đức Thánh Cha uỷ thác cho Dòng Tên. Với quy chế mới, tổ chức này vẫn tiếp tục được uỷ thác cho Dòng Tên, nhưng mở ra một chiều kích phổ quát, phục vụ mọi Giáo hội cụ thể trên thế giới, để điều phối ở cấp độ hoàn vũ, nơi các quốc gia và Giáo phận nhận việc cầu nguyện như một hình thức tông đồ, đặc biệt là nhận các ý cầu nguyện hằng tháng được Đức Thánh Cha đề xuất cho Giáo hội như là chủ đề hay chất liệu cho cầu nguyện cá nhân hay nhóm.

Mạng lưới cầu nguyện toàn cầu của Đức Giáo Hoàng mở ra cho tất cả các tín hữu Công giáo muốn tỉnh thức, canh tân và sống đặc tính truyền giáo bắt nguồn từ Bí tích Rửa tội.

Nền tảng của Mạng lưới cầu nguyện là linh đạo Thánh Tâm Chúa Giêsu, trao cho người môn đệ Chúa Giêsu một con đường để có cùng cảm thức và hành động hợp với trái tim Chúa Kitô, trong sứ mạng thương cảm với thế giới.

Về quản trị, tổ chức này trực tiếp thuộc thẩm quyền của Đức Thánh Cha và ngài điều hành thông qua Phủ Quốc vụ khanh, trong khi tôn trọng sự ủy thác lịch sử cho Dòng Tên kể từ khi bắt đầu Tông đồ Cầu nguyện.

Về việc quản lý tài sản, tổ chức này có năng lực pháp lý trên các tài sản tạm thời theo giáo luật và thuộc Quốc gia Thành Vatican, nhưng không có năng lực pháp lý cũng như không có quyền giám sát đối với hoạt động hành chính của các văn phòng quốc gia.

Quy chế mới này có hiệu lực ngay từ ngày ký và quy chế cũ được ký ngày 17/11/2020 hết hiệu lực.



Công bố Tài liệu Làm việc Thượng Hội đồng Giám mục thứ XVI


Hôm mùng 09 tháng Bảy năm 2024, Tài liệu Làm việc của Thượng Hội đồng Giám mục thứ XVI, khóa thứ hai đã được công bố, để làm căn bản cho các cuộc thảo luận, tiến hành từ ngày 02 đến ngày 27 tháng Mười tới đây, về đề tài: “Tiến tới một Giáo hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ mạng”.


image.png


Văn kiện này dài 36 trang, chia làm 112 đoạn, ngoài phần dẫn nhập và các nền tảng, và kết luận, còn được chia làm ba phần về những tương quan (I), những hành trình (II) và các nơi (III).

Văn kiện tiếp nối toàn thể tiến trình công nghị đã khởi sự từ năm 2021 và đưa ra những đề nghị để Giáo hội ngày càng gần gũi dân chúng và trong đó, tất cả các tín hữu đã chịu phép rửa, tham gia vào đời sống Giáo hội. Trong số những điểm suy tư, có sự đề cao vai trò nữ giới và những đòi hỏi của sự minh bạch và trách nhiệm.






Hội nghị liên tôn ở Hiroshima về luân lý đạo đức Trí tuệ nhân tạo

Hội nghị liên tôn về luân lý đạo đức Trí tuệ nhân tạo diễn ra tại thành phố Hiroshima, Nhật Bản, trong hai ngày 09 và 10/7/2024, với chủ đề: “Luân lý đạo đức Trí tuệ nhân tạo phục vụ hòa bình: Các tôn giáo thế giới dấn thân thực hiện Lời kêu gọi Roma”.

Sự kiện liên tôn được tổ chức bởi Hàn Lâm viện Toà Thánh về Sự sống cùng với sự cộng tác của tổ chức Các tôn giáo vì hòa bình ở Nhật Bản, Diễn đàn Abu Dhabi về hòa bình và Tòa Rabbi trưởng của Israel.

“Rome Call for AI Ethics. Lời kêu gọi Roma cho Đạo đức trí tuệ nhân tạo” đã được Đức Tổng Giám Mục Vincenzo Paglia, Chủ tịch Hàn Lâm viện Toà Thánh về Sự sống, đại diện các công ty Microsoft, IBM, tổ chức Lương nông Quốc tế FAO, trước sự hiện diện của ông Chủ tịch Nghị viện Âu châu, cùng ký vào năm 2020, tại trụ sở Hàn Lâm viện Tòa Thánh về sự sống ở Vatican.

Sau đó, vào năm 2023, Lời kêu gọi Roma đã được các vị lãnh đạo ba tôn giáo độc thần Abraham: Kitô giáo, Hồi giáo và Do thái giáo, ký kết nhân danh sự sống chung. Như thế, Hội nghị này nhằm củng cố quan điểm, theo đó một lối tiếp cận đa tôn giáo đối với những vấn đề quan trọng, như luân lý đạo đức về Trí tuệ nhân tạo, là con đường phải theo.

Theo ban tổ chức, việc Hội nghị diễn ra tại Hiroshima cũng là điều rất ý nghĩa: thành phố này như một chứng tá mạnh mẽ về những hậu quả của kỹ thuật tàn phá và về ước muốn liên lỉ về hòa bình.

Trong bài phát biểu khai mạc, vào sáng thứ Ba, Đức Tổng Giám Mục Vincenzo Paglia, đã nhắc lại vai trò quan trọng mà các tôn giáo được kêu gọi đóng góp để đảm bảo rằng sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, “một công cụ tuyệt vời với khả năng ứng dụng không giới hạn”, tiến hành song song với việc bảo vệ phẩm giá của mọi người và bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta. Ngài nhận xét: “Đây là trách nhiệm chung của chúng ta, và trong nỗ lực chung này, chúng ta có thể tái khám phá tình huynh đệ thực sự”.

Chủ tịch Hàn lâm viện Toà Thánh về Sự sống nhấn mạnh: “Tại Hiroshima, một địa điểm mang tính biểu tượng cao, chúng ta mạnh mẽ kêu gọi hòa bình và chúng ta yêu cầu công nghệ phải là động lực thúc đẩy hòa bình và hòa giải giữa các dân tộc. Chúng ta đứng đây, cùng nhau, để nói lớn rằng việc ở bên nhau và cùng hành động là giải pháp khả thi duy nhất”.


Đức Thánh cha tái kêu gọi đừng để võ khí máy móc quyết định thay con người

Đức Thánh cha Phanxicô tái kêu gọi đừng để các máy móc võ khí tự động, theo trí tuệ nhân tạo, quyết định thay con người.


Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây, trong sứ điệp gửi các tham dự viên Hội nghị Liên tôn về luân lý đạo đức Trí tuệ nhân tạo, tiến hành trong hai ngày 09 và 10 tháng Bảy vừa qua, tại thành phố Hiroshima, Nhật Bản, với chủ đề: “Luân lý đạo đức Trí tuệ nhân tạo phục vụ hòa bình: Các tôn giáo thế giới dấn thân thi hành Lời Kêu gọi tại Roma”. Tham dự Hội nghị, có hơn 150 người đến từ mười ba quốc gia và mười một tôn giáo.

Hội nghị được tổ chức với sự cộng tác của Cơ quan “Các tôn giáo ủng hộ hòa bình” ở Nhật Bản, Diễn đàn Abu Dhabi về hòa bình và Tòa Rabbi Trưởng của Israel. Ba vị lãnh đạo ba cơ quan này, cùng với Đức Tổng giám mục Vincenzo Paglia, người đã đọc diễn văn khai mạc Hội nghị. Tiếp theo đó là các bài thuyết trình của các chuyên gia trong ba khóa họp

Trong sứ điệp, Đức Thánh cha nhắc lại diễn văn ngài đã phát biểu trong Hội nghị thượng đỉnh của khối G7, ở miền nam Ý, đồng thời nhận định rằng: “Sự kiện các bạn tụ họp tại Hiroshima để nói về trí tuệ nhân tạo và hòa bình là một biểu tượng rất quan trọng. Trong số những xung đột hiện đang làm rúng động thế giới, đáng tiếc là ngoài sự oán ghét trong chiến tranh, người ta càng nghe thấy nói về kỹ thuật mới này. Vì thế, tôi thấy thật là rất quan trọng hội nghị ở Hiroshima này. Điều cơ bản là, khi liên kết với nhau như anh chị em, chúng ta có thể nhắc nhớ cho thế giới rằng: “Trong một thảm kịch, như các cuộc xung đột võ trang, điều cấp thiết là xét lại sự phát triển và sử dụng các thiết bị, như “các võ khí tự động giết người” để cấm sử dụng chúng, bắt đầu từ một quyết tâm thực sự và cụ thể để du nhập một sự kiểm soát ngày càng lớn và nhiều hơn của con người. Không máy móc nào có thể chọn lựa tước bỏ sự sống của con người” (G7, 14-6-2024).

Và Đức Thánh cha kết luận rằng: “Nếu chúng ta để ý đến sự phức tạp của các vấn đề chúng ta đang có trước mặt, thì việc du nhập những phong phú về văn hóa của các dân tộc và các tôn giáo là một chìa khóa chiến lược để thành công trong cố gắng của các bạn nhắm đạt tới một sự quản trị khôn ngoan việc canh tân kỹ thuật”.

Cuối hội nghị, các vị đại diện tôn giáo và tổ chức đã ký vào Lời Kêu gọi Hiroshima, trong đó ngoài việc tái khẳng định cần sử dụng trí tuệ nhân tạo chỉ với mục đích mưu ích cho nhân loại và trái đất, nhưng còn kêu gọi cộng đồng quốc tế dùng những phương thế hòa bình để giải quyết các tranh chấp, làm sao để ngưng tức khắc mọi cuộc xung đột võ trang.




Kính thiên văn của Vatican ở Arizona được điều khiển từ Rôma  


Ngày thứ năm 4 tháng 7, Đài thiên văn Vatican công bố kính thiên văn Công nghệ tân tiến của Vatican (VATT) đặt tại Arizona hiện được trang bị hệ thống điều khiển tự động mới, để có thể điều khiển từ Rôma.

Hiện nay hệ thống đang trong giai đoạn thử nghiệm và có thể hoạt động theo hai cách. Phương thức “truyền thống” được đơn giản hóa: các nhà thiên văn không còn cần di chuyển để bật và tắt các hệ thống con của kính theo cách thủ công nữa; việc tập trung quang học VATT nhanh hơn.

Thêm vào đó là phương thức “từ xa” sẽ cho phép 15 nhà thiên văn Dòng Tên của Đài thiên văn, kể cả các nhà khoa học có trụ sở tại Rôma, điều khiển và làm việc với kính thiên văn mà không cần phải đến tại chỗ.

Đài thiên văn Vatican có hệ thống robot hóa mới cho kính thiên văn do công ty ProjectSoft HK của Séc sản xuất và có tên là “Don” để vinh danh Donald Martin Alstadt (1921-2007), cựu chủ tịch của Công ty đa quốc gia Lord. Bà góa phụ Alstadt đã quyên góp cho dự án này.

“Don” sẽ cho phép điều khiển trạm thời tiết, vòm kính thiên văn và cửa chớp khe vòm, hệ thống dầu cho ổ trục thủy lực của giá đỡ và hệ thống làm mát của gương chính. Vì thế kính viễn vọng của các giáo hoàng có một tương lai robot “đầy hứa hẹn”.

Các khó khăn trong quá trình cài đặt

Gương của kính viễn vọng VATT có đường kính 1,8 mét, đây là chiếc gương đầu tiên được sản xuất bằng công nghệ đúc quay mang tính cách mạng, được sử dụng để sản xuất kính thiên văn lớn nhất thế giới, đã được thành lập cách đây hơn 30 năm. Kính viễn vọng ở trong khu phức hợp vật lý thiên văn Thomas J. Bannan, Arizona, nơi Vatican mở trung tâm nghiên cứu thứ hai năm 1981, sau Castel Gandolfo, để thoát khỏi ô nhiễm ánh sáng ở châu Âu.

VATT được cải tiến với công nghệ “Don”, cho phép hướng kính thiên văn với độ chính xác 3 giây cung – tương ứng với kích thước của một viên bi đặt trong một sân vận động lớn – và theo dõi các thiên thể trong 20 phút mà không cần hướng dẫn. Đài quan sát cho biết, việc khai triển hệ thống mới không phải là không có khó khăn, các kỹ thuật viên đã phải đối diện với những cơn bão tuyết trái mùa vào tháng 3 và tháng 4.

Kế thừa lịch sử lâu dài của thiên văn học, Đài thiên văn Vatican có từ thế kỷ 16 và tiếp tục thích ứng với tiến bộ khoa học.

Thu nhập của Công giáo tại Đức giảm sút nhiều

Theo thống kê công bố hôm mùng 08 tháng Bảy vừa qua, mức thu nhập của Giáo hội Công giáo Đức bị giảm sút nhiều trong năm 2023, giảm 330 triệu Euro, tức là sụt 5% so với năm 2022 trước đó.


image.png


Số thu nhập này do tiền thuế các tín hữu Công giáo đóng cho Giáo hội, theo hiến định. Tại hai bang Bavaria và Baden-Wuertemberg ở miền nam Đức, số tiền thuế mỗi tín hữu phải đóng cho Giáo hội của mình tương đương với 8% tiền thuế lợi tức họ đóng cho nhà nước. Tại các bang khác, tiền thuế Giáo hội là 9%. Nhà nước thu tiền thuế này và chuyển cho những Giáo hội được chính quyền công nhận.

Năm 2022, số tiền thuế Giáo hội Công giáo nhận được là sáu tỷ 840 triệu Euro, một con số kỷ lục, nhưng trong năm 2023, tiền thuế 27 giáo phận Công giáo tại Đức thu được là sáu tỷ 510 triệu Euro.

Tuy giảm sút, nhưng tiền thuế Giáo hội Công giáo nhận được vẫn cao hơn Tin lành: trong năm ngoái (2023), 20 Giáo hội Tin lành Đức đã nhận được năm tỷ 900 triệu Euro, tức là giảm 5,3% so với năm 2022 trước đó.

Trong những năm gần đây, đại diện của các Giáo hội Kitô vẫn nói rằng thuế Giáo hội sẽ giảm sút về lâu về dài, vì số tín hữu giảm sút, do có nhiều người làm đơn xin ra khỏi Giáo hội. Tuy nhiên, thu nhập thuế Giáo hội cũng tùy thuộc mức thu nhập của nhà nước. Sở dĩ thu nhập của các Giáo hội có thể đạt tới những mức kỷ lục trong những năm gần đây, là vì kinh tế của Đức tốt đẹp, số người dân có công ăn việc làm gia tăng, và tiền thuế của họ đóng cho nhà nước cũng tăng, kéo theo sự gia tăng thu nhập của các Giáo hội.

Trong một bài góp ý đăng trên trang mạng của Hội đồng Giám mục Đức, ký giả Steffen Zimmermann cho rằng sự giảm sút thu nhập của Giáo hội Công giáo Đức không phải hoàn toàn là tiêu cực, vì nó có thể thúc đẩy các giáo phận cộng tác với nhau nhiều hơn trong lãnh vực truyền thông, hoặc những dự án liên giáo phận.

Giáo hội Công giáo ở Đức: Hướng tới một Giáo hội bé nhỏ

Theo dữ liệu của Văn phòng Thống kê Liên bang liên quan đến cuộc khảo sát công chúng mới nhất vào năm 2022, chỉ có 25% người dân ở Đức vẫn theo Công giáo và 23% khác là thành viên của Giáo hội Tin Lành.

Dữ liệu phản ánh tư cách thành viên của hai Giáo hội Kitô giáo chính với tư cách là các đoàn thể công, theo ghi nhận của văn phòng đăng ký cư dân. Trong khi đó, số lượng người Hồi giáo ở Đức không được ghi nhận trong các cơ quan đăng ký vì Hồi giáo không phải là một đoàn thể công. Tuy nhiên, người ta ước tính có 4 đến 5 triệu người Hồi giáo ở Đức. Tổng dân số ở Đức khoảng 83 triệu người, hiện là quốc gia đông dân nhất châu Âu.

Theo phân tích của giáo sư xã hội học Michael Hermann tại Đại học Sư phạm Weingarten (Đức), có hai lý do giải thích tỷ lệ tín hữu của hai Giáo hội chính so với tổng dân số vốn đang giảm: thứ nhất, tỷ lệ sinh giảm và thứ hai, việc tín hữu rời bỏ các Giáo hội. Trên thực tế, ở Đức, các tín hữu có thể tuyên bố rời khỏi Giáo hội trước chính quyền nhà nước.

Theo dữ liệu của Giáo hội, trong năm ngoái 2023, 402.000 người Công giáo và 387.000 người Tin lành đã thực hiện bước này. Vào năm 2022, con số thậm chí còn lớn hơn. Nhìn chung, có nhiều người rời bỏ hoặc chết hơn là con số gia nhập Giáo hội. Cho đến nay, lý do phổ biến nhất được đưa ra bởi những người rời đi là cuộc khủng hoảng lạm dụng trong các Giáo hội. Trong khi đó, một lần nữa theo các cuộc điều tra, cái gọi là thuế tôn giáo, tức là phí thành viên mà Nhà nước thu thay mặt cho các Giáo hội, chỉ là lý do rất yếu để rời bỏ. Ở Đức, thuế tôn giáo lên tới 8% thuế thu nhập cá nhân của các thành viên.

Tuy nhiên, xã hội học tôn giáo ở Đức cũng cho thấy rằng xu hướng tôn giáo của người dân không giảm sút ở mức độ tương tự. Nhiều người rời bỏ Giáo hội vẫn tiếp tục xưng mình là Kitô hữu và thực hành đức tin của mình. Nhìn chung, người ta đang chứng kiến ở Đức sự đa dạng hóa bức tranh toàn cảnh tôn giáo, điều này cũng được thể hiện qua việc ngày càng có nhiều cộng đồng Kitô giáo tự do, không liên kết với hai Giáo hội lớn.

Theo những kết quả này, sự thế tục hóa, đa nguyên hóa và cá nhân hóa sẽ tiếp tục phát triển ở Đức. Thách thức đối với các Giáo hội Công giáo và Tin lành ở Đức sẽ là làm thế nào để tài trợ cho các hoạt động mục vụ và từ thiện của họ trong những điều kiện này. Trong trung và dài hạn, nhiều giáo phận ở Đức sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt ngân sách. Điều này cũng sẽ có tác động đến diện mạo của Giáo hội Công giáo. Ngay từ năm 1969, Joseph Ratzinger, người sau này là Đức Giáo hoàng Bênêđíctô XVI, đã nói trong bối cảnh này về một “Giáo hội của những người bé mọn” được nội tâm hoá và một “Giáo hội của đức tin”, nghĩa là một Giáo hội được hợp thành từ một số ít của những người dấn thân đặc biệt.


Đức Thánh Cha Phanxicô chấp nhận đơn từ chức của vị giám mục mới 63 tuổi ở Peru, người cho phép xưng tội qua điện thoại

Hôm Thứ Hai, 01 Tháng Bảy, Phòng Báo Chí Tòa Thánh thông báo rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức của Đức Giám Mục Reinhold Nann, khỏi chức vụ Giám Mục Caravelí, Peru, một chức vụ mà ngài đã giữ từ năm 2017.

“Đức Thánh Cha đã chấp nhận đơn từ chức khỏi trách nhiệm mục vụ của Giáo phận Caravelí, Peru, do Đức Cha Reinhold Nann trình bày,” Vatican tuyên bố ngắn gọn, mà không nêu rõ lý do từ chức, mặc dù, vị Giám Mục còn gần 12 năm mới tới độ tuổi nghỉ huy được quy định trong Bộ Giáo luật, là 75 tuổi.

Đức Giám Mục Nann, là người Đức, cũng là chủ tịch Caritas Peru giai đoạn 2022-2025. Trong năm 2024 này, ngài là vị giám mục thứ hai ở Peru từ chức trước khi bước sang tuổi 75. Vào tháng 4, Đức Giám Mục José Antonio Eguren, người cho đến lúc đó là Tổng Giám mục Piura và Tumbes, cũng làm điều tương tự.

Hôm thứ Hai, giáo phận đã công bố một tuyên bố của Đức Giám Mục Nann. Đầu tiên, ngài cho biết, cho đến khi người kế nhiệm ngài được bầu, Đức Giám Mục Ricardo Rodríguez, Giám Mục Phụ Tá của Lima, đã được bổ nhiệm làm Giám quản Tông tòa; và sẽ chính thức nhận Tòa Giám Mục Caravelí vào Chúa Nhật, ngày 21 tháng 7.

Đức Giám Mục Nann nhắc lại một số công việc được thực hiện trong những năm này, chẳng hạn như đã chủ trì Caritas Peru và “việc thực hiện dần dần kế hoạch đổi mới mục vụ, tái thực hiện việc dạy giáo lý trong gia đình, thành lập Caritas giáo xứ, tình liên đới linh mục, thành lập hai trung tâm lắng nghe, thực hiện các quy trình phòng ngừa ở mỗi giáo xứ, phong chức ba linh mục, tái cơ cấu hành chính của Tòa Giám Mục và các tổ chức khác.”

“Theo thời gian, những hoạt động này và một số nỗi thất vọng đã khiến tôi căng thẳng và cao huyết áp. Kể từ thời Covid, sức khỏe thể chất và tinh thần của tôi ngày càng suy yếu và tôi cảm thấy mình không còn sức lực như trước nữa”, Đức Giám Mục giải thích.

“Sau khi kiểm tra, các bác sĩ khuyên tôi nên dành thời gian nghỉ ngơi và hồi phục. Vì vậy, tôi quyết định từ chức Giám mục Caravelí và xin nghỉ phép. Tôi sẽ điều trị và hồi phục ở Đức với sự hỗ trợ tinh thần của mẹ và các anh trai tôi”, ngài nói.

Đức Cha Reinaldo Nann cảm ơn mọi người và cầu xin sự tha thứ vì “sự thiếu kiên nhẫn và những lỗi lầm khác mà tôi đã phạm phải”, đồng thời khuyến khích mọi người chào đón “với vòng tay và trái tim rộng mở, Đức Giám quản Tông tòa, Ricardo Rodríguez”.

Vị giám mục về hưu sẽ cử hành Thánh lễ tạ ơn vào ngày 14 tháng 7.

Đức Cha Reinaldo Nann sinh ngày 25 tháng 8 năm 1960 tại Freiburg, bên Đức. Ngài học triết học và thần học tại Đại học Albert-Ludwig.

Ngài được thụ phong linh mục ngày 31 tháng 5 năm 1987.

Ngài đã sống ở Peru trong hai thời kỳ khác nhau. Lần đầu tiên trong tư cách là một linh mục truyền giáo fidei donum hay Hồng Ân Đức Tin tại giáo phận Carabayllo từ năm 1992 đến năm 1996; và sau đó ngài trở về nước vào năm 2002 một lần nữa với tư cách là linh mục fidei donum cho Tổng giáo phận Trujillo.

Linh mục Fidei Donum là gì? Thưa: Danh xưng này phát sinh từ thông điệp Fidei Donum (Hồng Ân Đức Tin) của Đức Giáo Hoàng Piô 12 ban hành năm 1957, trong đó, Ngài kêu gọi các giáo phận hãy gửi các thành phần dân Chúa đi truyền giáo: linh mục, tu sĩ và ngay cả giáo dân.

Những giáo phận, dù đang thiếu linh mục, cũng nên trao đổi linh mục truyền giáo với giáo phận khác, và gọi những linh mục đi truyền giáo đó là linh mục Fidei donum.

Linh mục vẫn thuộc về giáo phận gốc của mình, nhưng dấn thân đi truyền giáo tùy theo những điều kiện thỏa thuận giữa hai giáo phận.

Có thể chỉ đi truyền giáo trong một thời gian, rồi thay đổi cho người khác.

Dòng tu hay giáo dân đi truyền giáo, cũng dùng danh xưng Fidei donum.

Hai giáo phận cùng đang thiếu nhân sự, cũng nên trao đổi với nhau nhằm gây ý thức về tinh thần và trách nhiệm truyền giáo.

Trong số những công việc khác, ngài đã giữ các chức vụ sau: cha sở giáo xứ của các nhà thờ Freiburg, St. Anthony ở Mannheim-Rheinau và St. Margarethen ở Waldkirch; linh mục giáo xứ St. Conrad ở Los Olivos, Peru; giám đốc đền Thánh Jerome thuộc Tổng giáo phận Trujillo; Điều phối viên Phong trào Schoenstatt của Tổng Giáo phận Trujillo.

Trước khi được bổ nhiệm làm giám mục vào năm 2017, ngài là linh mục giáo xứ San Antonio de Padua trong Miền Giám Quản Tông Tòa San José del Amazonas, ở Peru.

Giám mục Reinaldo Nann đã gây chú ý vào tháng 3 năm 2020 khi ngài cho phép xưng tội qua điện thoại, một quyết định sau đó ngài phải hủy bỏ khi Vatican ban hành hai tài liệu nhắc nhở rằng các bí tích phải được cử hành trực tiếp.

Một thời gian sau, một cuộc điều tra của ACI Prensa được công bố vào tháng 8 cùng năm đó cho thấy rằng giáo phận Caravelí đã chấp nhận cho nhập tịch một linh mục bị điều tra về lạm dụng tình dục trong giáo phận Huamachuco, mặc dù thực tế là Đức Cha Nann, là “thành viên của ủy ban giám mục bảo vệ trẻ vị thành niên.

Tuy nhiên, cũng cần nói ngay rằng các cuộc điều tra sau đó đã cho thấy rằng vị linh mục bị hàm oan.


Phản ứng của Tòa Thượng phụ Công giáo ở Jerusalem trước cuộc tấn công của Israel


Hãng tin Asia News, truyền đi hôm mùng 08 tháng vừa qua, cho biết Trường Công giáo Thánh Gia do Tòa Thượng phụ Công giáo Latinh ở Jerusalem thành lập năm 1974, được coi là một trong những trường tốt nhất trong vùng, có khả năng cung cấp một nền giáo dục chất lượng cao, hỗ trợ các cuộc trao đổi văn hóa và cống hiến một môi trường thích hợp và an toàn cho mọi học sinh.

Trong thời gian gần đây, vì chiến tranh ở Gaza nên trường không còn hoạt động như cơ sở giáo dục, nhưng được dùng làm nơi tạm trú cho hàng trăm thường dân tị nạn, không có tu sĩ nào cư ngụ tại trường.

Trong thông cáo, Tòa Thượng phụ mạnh mẽ phản đối và nghiêm khắc lên án những cuộc tấn công các thường dân, đồng thời khẳng định rằng: “Chúng tôi tiếp tục cầu xin lòng thương xót của Chúa và hy vọng các phe đạt tới một thỏa thuận chấm dứt ngay cuộc những vụ đổ máu kinh khủng và thảm họa này về nhân đạo ở trong vùng”.

Theo nguồn tin của đài truyền hình Arập al-Jazeera, hôm mùng 06 tháng Bảy vừa qua, các tên lửa của Israel cũng phóng vào trường al-Jawni ở Nuseirat, do tổ chức Unrwa của Liên Hiệp Quốc quản trị, trong đó có nhiều người Palestine tị nạn trú ngụ trong trường, khiến cho 16 người chết. Cuộc tấn công này của Israel cũng nhắm vào trại tị nạn, và tạo nên sự hỗn độn tại nhà thương “Các vị tử đạo al-Aqsa” ở Deir el-Balah. Bệnh viện này có khả năng đón nhận 200 bệnh nhân tại bệnh viện và chữa trị hơn 600 bệnh nhân. Giới chỉ huy quân đội Israel nói rằng trong cuộc tấn công vào nhà thương, mục đích là những “tên khủng bố” đang hoạt động trong vùng. Tuy nhiên, hãng tin Wafa của Palestine cho biết cho biết tòa nhà được dùng làm nơi tạm trú cho những người tị nạn, với hàng trăm phụ nữ và trẻ em. Phía Hamas cũng phủ nhận lập luận của Israel và nói là không có chiến binh nào của mình tại những nơi đó.

Từ khi Israel tấn công vào Gaza, sau cuộc khủng bố ngày 07 tháng Mười năm ngoái của các lực lượng khủng bố Hamas, giết hại 1.195 người Israel, phần lớn là thường dân và bắt cóc 251 người, trong đó 116 người còn bị giam giữ, cho đến nay đã có 38.153 người Palestine bị quân đội Israel giết chết, đại đa số là thường dân, phụ nữ và trẻ em.

Không còn linh mục ở những vùng bị Nga chiếm đóng tại Ucraina

Đức Tổng giám mục Trưởng Sviatoslav Shevchuk của Giáo hội Công giáo Ucraina nghi lễ Đông phương, cho biết hiện nay không còn linh mục nào của Giáo hội này ở các vùng bị Nga chiếm, thuộc miền đông nước này.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Ukrinform của Ucraina, truyền đi hôm mùng 04 tháng Bảy vừa qua, Đức Tổng giám mục Trưởng nói: “Giáo hội chúng tôi đã bị tiêu diệt tại vùng bị Nga chiếm đóng. Ví dụ, tại miền Zaporizhzhia. Các tổ chức xã hội của Giáo hội chúng tôi tại đó bị cấm, chẳng hạn như tổ chức Caritas Ucraina hoặc Hội Hiệp sĩ Colombo của nam giới Công giáo. Ngày nay, thực tế là không còn linh mục thuộc Giáo hội chúng tôi tại đó và cả các linh mục Công giáo Latinh cũng vậy.

Theo Đức Tổng giám mục Shevchuk, “Giáo hội Công giáo Ucraina nghi lễ Đông phương vẫn hiện hữu tại các vùng bị chiếm đóng, mặc dù có lệnh cấm, vì các tín hữu của chúng tôi đang sống tại đó, nhưng họ không được săn sóc về tinh thần. Cũng vậy, tại những lãnh thổ bị Nga chiếm đóng và cai trị, chế độ thời Stalin đang trở lại, hàng giáo sĩ bị đàn áp”.

Đức Tổng giám mục cho biết một số giáo sĩ của Công giáo Ucraina đã được Nga trả tự do, trong đó có hai cha Dòng Chúa Cứu Thế, từ miền Berdiansk, là cha Ivan Letitsky và cha Bohdan Heleta, được trả tự do ngày 28 tháng Sáu vừa qua, sau một năm rưỡi bị giam cầm.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Tổng giám mục Shevchuk cũng nói về số phận các thánh đường ở những vùng bị chiếm: “Tại một số thành thị như Mariupol, Maryinka, Volnovakha, v.v. các nhà thờ của chúng tôi hoàn toàn bị phá hủy, trong khi tại thành phố Melitopol và Berdyansk, thì nhà thờ bị đóng cửa. Chúng tôi mới nhận được tin nhà thờ chính tòa của chúng tôi ở Donetsk bị chiếm đóng. Khi các linh mục chúng tôi bị trục xuất khỏi đó, các tín hữu vẫn họp nhau cầu nguyện và nhà cầm quyền không hài lòng. Một hôm, khi các tín hữu đến nhà thờ thì thấy các chìa khóa của thánh đường đã bị thay đổi, và điều này có nghĩa là các tín hữu bị trục xuất khỏi nhà thờ.

“Chúng tôi cũng mới nhận được tin tình trạng tương tự như vậy ở thành phố Luhansk, và tại các làng ở vùng Kherson, Giáo hội Chính thống Nga đã tiếp thu nhà thờ của chúng tôi, gọi là để thực hiện một lễ nghi “thánh hiến” trước lễ Phục Sinh.”

Giám mục Ucraina: Số người tự tử tại đây gia tăng

Đức cha Pawlo Hontscharuk, Giám mục Công giáo Latinh ở thành phố Charkiv, miền đông Ucraina, cho biết con số người tự tử ở những vùng không có giao tranh tại nước này gia tăng.

Đức cha nói với Tổ chức “Trợ giúp các Giáo hội đau khổ”, nhân dịp viếng thăm trụ sở trung ương của cơ quan bác ái này ở thành phố Koenigstein im Taunus, bên Đức. Ngài nói: “Có nhiều người tự tử vì họ không biết tình thế sẽ như thế nào trong tương lai. Báo động phòng không ở vùng Charkiv hầu như luôn báo động 24 trên 24 giờ đồng hồ”.

Charkiv chỉ cách biên giới Nga 30 cây số. Các tên lửa bắn từ Nga chỉ cần không đầy một phút là rơi xuống Charkiv. Hôm mùng 08 tháng Bảy vừa qua, tổ chức Trợ giúp các Giáo hội đau khổ kể rằng Đức cha cho biết thời gian ngắn ngủi như thế không đủ để báo động tại thành phố lớn thứ hai này của Ucraina. Các trường học và vườn trẻ tại đây đã đóng cửa. Các lớp học nhiều khi được thực hiện trong các trạm xe điện ngầm của thành phố.

Đức cha cho biết diện tích giáo phận của ngài (170.000 Km2) là một trong những giáo phận lớn nhất tại Âu châu, gấp quá hai lần nước Áo. Tại những vùng thiếu an ninh, không thể gửi các linh mục đến, nhưng sự hiện diện của các linh mục có một ý nghĩa lớn đối với dân chúng. Họ lý luận rằng “Nếu một linh mục ở đó được thì tôi cũng có thể ở lại. Sự cô đơn rất khó chịu nổi, nhất là khi người ta mất một người thân yêu”.

Vì thế, Đức cha Hontscharuk nhận xét rằng ngoài viện trợ nhân đạo, cả sự trợ giúp về tâm lý cũng rất cần thiết đối với dân chúng. Nhiều người không tin tưởng nơi các nhà tâm ý và cũng có ít các chuyên gia trong lãnh vực này. Đức cha nói: “Chúng tôi chỉ có một ít chuyên gia và đó là vấn đề. Hiện nay, tổ chức Trợ giúp các Giáo hội đau khổ tài trợ việc huấn luyện cho các linh mục, tu sĩ và những nhân viên cứu trợ khác. Theo Đức cha, đó là điều quan trọng và chúng tôi rất biết ơn!”

Ngoài trợ giúp vừa nói, trong những tháng qua, cơ quan bác ái Công giáo quốc tế này cũng giúp cung cấp các lò sưởi để sưởi các nhà xứ và tu viện trong mùa đông, nơi mà nhiều người chạy đến tá túc. Các linh mục và nữ tu hoạt động ở tiền tuyến, cũng được huấn luyện về các phương pháp cấp cứu.

Tuy nguy hiểm đến tính mạng, nhưng cũng có 46 linh mục tuyên úy quân đội, nhiều khi các vị là những người duy nhất để các binh sĩ tiền tuyến chia sẻ các vấn đề tâm linh. Đức cha nói: “Điều mà những người lính ấy sống trong nội tâm là một ác mộng. Vì thế, vị tuyên úy quân đội là quan trọng. Linh mục lắng nghe những gì xảy đến trong tâm trí con người”.





Đài “Radio Maria” ở Nicaragua bị nhà nước đóng cửa


Chế độ độc tài của Tổng thống Daniel Ortega tiếp tục bách hại tôn giáo tại nước này: hôm mùng 09 tháng Bảy vừa qua, đài phát thanh Radio Maria của Công giáo và bốn nhà thờ Tin lành, cùng với tám tổ chức khác đã bị nhà nước đóng cửa.

Quyết định trên đây được Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nicaragua, bà María Amelia Coronel Kinlock, ký và công bố trên báo La Gaceta của chính phủ, hôm mùng 09 tháng Bảy vừa qua.

Thông cáo của Bộ Nội vụ Nicaragua nói rằng các tổ chức này đã không báo cáo chi tiết tài chánh của mình trong khoảng thời gian từ hai đến hai mươi sáu năm qua.

Hãng tin Công giáo CNA, bằng tiếng Tây Ban Nha, cho biết đã tham khảo nguồn tin của mình ở Nicaragua, và được biết cũng chính nhà nước này, qua Bộ Nội vụ, đã quyết định từ chối không nhận các báo cáo tài chánh, khi các tổ chức này nộp, và nay lại nại lý do đó để đóng cửa.

Thông cáo trên báo La Gaceta nói thêm rằng tất cả các tài sản của các tổ chức bị đóng cửa sẽ được chuyển giao cho chính phủ Nicaragua.

Ngày 11 tháng Tư năm nay, Radio Maria ở Nicaragua đã thông báo tài khoản của mình tại Banco de la Producción, Ngân hàng Sản xuất, đã bị nhà nước đóng băng. Qua tài khoản này, Đài phát thanh vẫn nhận tiền hỗ trợ của các ân nhân bằng đôla, và tiền córdobas của Nicaragua.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter), ông Arturo Mcfields Yescas, cựu đại sứ Nicaragua cạnh tổ chức các nước Mỹ châu, đã tố cáo những hành động bách hại vừa nói của chế độ độc tài Daniel Ortega ở Nicaragua.

Trong thời gian trước đây, nhiều linh mục, và cả giám mục, nữ tu đã bị chế độ này cầm tù hoặc trục xuất, trong đó có cả các nữ tu Thừa sai bác ái của Mẹ Têrêsa Calcutta. Cả Đại học Trung Mỹ của Dòng Tên tại đây cũng bị đóng cửa.





⛪⛪⛪⛪⛪





Điều tra về kế hoạch tấn công có thể nhắm vào Đức Phanxicô


Đức Phanxicô cử hành thánh lễ ngoài trời tại quảng trường chính của thành phố cảng Trieste ngày 7 tháng 7-2024


Cảnh sát Ý và các cơ quan mật vụ đang điều tra một cuộc tấn công có thể đã được lên kế hoạch để nhắm vào Đức Phanxicô trong chuyến ngài đi thăm thành phố Trieste ngày 7 tháng 7 năm 2024.
Ngày 9 tháng 7 năm 2024, trích dẫn nguồn tin cảnh sát, kênh truyền hình Ý RAI cho biết, một người đàn ông đã để lại chiếc vali có bánh xe đáng nghi trong một quán bar ở ga Trieste, một ngày trước khi Giáo hoàng đến. Được nhân viên quán báo động, cảnh sát đã can thiệp và thấy một khẩu súng ngắn chứa đạn trong vali có áo quần chưa dùng.
Hãng thông tấn KNA của Đức cho biết, một đơn vị chống khủng bố và lực lượng tình báo sẽ tham gia vào cuộc điều tra.
Đức Phanxicô đã cử hành thánh lễ ngoài trời tại quảng trường chính của thành phố cảng Trieste, phía đông bắc nước Ý.

Đức Hồng Y Müller lên án Tượng Đức Trinh Nữ Maria Sinh nở được trưng bày tại Nhà thờ Áo

Đức Hồng Y Gerhard Ludwig Müller, nguyên nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, đã lên án một bức tượng gây tranh cãi được trưng bày trong nhà thờ Linz ở Áo mô tả Đức Trinh Nữ Maria hạ sinh và mô tả nó là một hình thức “quảng cáo cho ý thức hệ nữ quyền vi phạm nguyên tắc thẩm mỹ tự nhiên.”

Một người không rõ danh tính đã chặt đầu bức tượng vài ngày sau khi nó được trưng bày. Bức tượng mang danh hiệu “Vương miện”, có thể hiểu là ám chỉ đến lễ đăng quang của Đức Trinh Nữ Maria. Tuy nhiên, thuật ngữ này cũng đề cập đến thời điểm trong khi sinh mà đầu của em bé có thể được nhìn thấy lần đầu tiên khi ló ra khỏi âm đạo người phụ nữ.

Hình ảnh trong nhà thờ Linz thể hiện rõ ràng chính xác sự kiện này: Đức Trinh Nữ Maria dang rộng hai chân và đỉnh đầu của Hài nhi Giêsu ở giữa. Để tránh gây tranh cãi trước một hình ảnh quá sức thông tục, nếu không muốn nói là quá sức khiêu dâm, cả truyền hình và các phương tiện truyền thông khác thường bỏ qua hình ảnh giữa hai chân, tuy nhiên toàn bộ bức tượng vẫn được hiển thị cho tất cả những ai đến thăm nhà thờ Linz.

Giáo phận Linz cho biết tác phẩm này là của Esther Strauss, một nhà điêu khắc, được biết rộng rãi như một nhà hoạt động nữ quyền cực đoan. Giáo phận đã tỏ ra hằn học với những ai phê bình họ rằng không thể mang một bức tượng khiêu dâm như thế đến nhà thờ, và dán nhãn cho những người phê bình là bảo thủ. Trong một cử chỉ thách thức, họ quyết định vẫn để bức tượng trong nhà thờ; cho đến khi có một người vì phẫn nộ trước hình ảnh thông tục này đã quyết định chặt đầu bức tượng.

Đến khi đó, Giáo phận Linz mới nói với trang web kath.net rằng “tác phẩm điêu khắc sẽ vẫn ở trong phòng nghệ thuật Mariendom cho đến khi cuộc triển lãm kết thúc theo kế hoạch vào ngày 16 tháng 7, nhưng sẽ không được trưng bày. “Cửa đóng, đèn tắt.”

Đức Hồng Y Müller nói với kath.net: “Một lời phê bình về việc thay đổi nghệ thuật Kitô từ một phương tiện sùng đạo thành một quảng cáo cho ý thức hệ nữ quyền vi phạm ý thức tự nhiên về thẩm mỹ không thể bị phản bác bằng cách cáo buộc rằng người chỉ trích mình là quá thận trọng, hoặc đang chạy theo một hình thức giả thần học như một biểu hiện của một thái độ cực kỳ bảo thủ.”

“Nếu một bức tranh miêu tả sự ra đời của Chúa Giêsu xúc phạm các tín hữu và gây chia rẽ trong Giáo hội giữa những người tự cho mình là cấp tiến và những người bị chỉ trích là bảo thủ, thì mục đích của nghệ thuật Kitô giáo và đặc biệt là nghệ thuật thánh, là thể hiện vẻ đẹp vô hạn của Thiên Chúa trong các công việc của con người, đã bị bỏ sót”, Đức Hồng Y giải thích.

Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng: “Một bức tranh trình bày mầu nhiệm mặc khải về biến cố Giáng Sinh thực sự của Thiên Chúa như một con người phải nhằm mục đích củng cố niềm tin của người xem vào sự nhập thể của Thiên Chúa và tập trung vào Chúa Kitô và tôn thờ Ngài là Thiên Chúa và Đấng Cứu Độ”
Reply all
Reply to author
Forward
0 new messages