Lượm lặt tin tức Công giáo tuần qua (cập nhật) | Minh Đỗ Texas

16 views
Skip to first unread message

Minh Nguyen Quang

unread,
May 10, 2024, 7:39:08 PMMay 10
to alphonsefamily
11/5/2024



Vào năm 1967, để khuyến khích dân Chúa suy nghĩ về những cơ hội và thách thức mà các phương tiện truyền thông xã hội hiện đại mang lại cho Giáo hội trong việc loan báo Tin mừng, 

Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã thiết lập  Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội  và ấn định  cử hành vào Chúa nhật trước Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống


Và hằng năm, các giáo hoàng đều có sứ điệp cho ngày này. 





Chủ đề của Sứ điệp Ngày Thế giới truyền thông xã hội lần thứ 58 (năm 2024) là: 


“Trí tuệ nhân tạo và Sự khôn ngoan của Con tim: Vì một truyền thông nhân bản trọn vẹn”.



1. Chủ đề của Sứ điệp Ngày Thế giới truyền thông xã hội lần thứ 58 (năm 2024) là gì?

Chủ đề của Sứ điệp Ngày Thế giới truyền thông xã hội lần thứ 58 (năm 2024) là: “Trí tuệ nhân tạo và Sự khôn ngoan của Con tim: Vì một truyền thông nhân bản trọn vẹn”.


2. Trong sứ điệp này, Đức Giáo hoàng Phanxicô nhận định thế nào về tầm ảnh hưởng của các hệ thống Trí tuệ nhân tạo?

Đức Giáo hoàng Phanxicô nhận định rằng:
- Các hệ thống “trí tuệ nhân tạo” đang làm thay đổi triệt để thế giới truyền thông và nền tảng của sự chung sống của con người.
- Những thay đổi này ảnh hưởng đến tất cả mọi người.
- Những phát minh nhanh chóng vượt bực về “trí tuệ nhân tạo”, có hoạt động và tiềm năng vượt quá khả năng thấu hiểu và đánh giá của hầu hết mọi người, đang khơi dậy những phản ứng ngạc nhiên, vừa mang tính hưởng ứng nhiệt tình, vừa đong đầy những lo âu trước một tương lai đầy bất trắc và mất phương hướng do trí tuệ nhân tạo gây ra.


3. Những thay đổi triệt để do trí tuệ nhân tạo gây nên đã khiến người ta cần phải đặt ra những câu hỏi quan trọng nào?

Những thay đổi triệt để do trí tuệ nhân tạo gây ra chắc chắn dẫn đến những câu hỏi sâu sắc sau đây:
- Bản chất đích thực của con người là gì?
- Con người khác biệt với trí tuệ nhân tạo như thế nào?
- Tương lai của con người trong thời đại trí tuệ nhân tạo sẽ như thế nào?
- Làm thế nào để vừa duy trì bản chất con người cách trọn vẹn, vừa làm cho sự thay đổi văn hóa - do trí tuệ nhân tạo gây ra - hướng đến mục đích tốt đẹp?


4. Cần phải có những thái độ cụ thể nào trước những thay đổi triệt để do trí tuệ nhân tạo gây ra?

- Trước hết, cần phải từ bỏ những cái nhìn bi quan về trí tuệ nhân tạo.
- Phải tích cực tham gia vào tiến trình thay đổi này, nhưng vẫn mang trái tim liêm khiết để nhạy bén cảnh giác trước những tiêu cực và phi nhân.
- Cần phát huy sự khôn ngoan của trái tim để nhận diện và giải thích sự mới mẻ của thời đại và tái khám phá con đường dẫn đến một nền truyền thông nhân bản trọn vẹn.


5. Trái tim con người được Kinh Thánh mô tả như thế nào?

Trong Kinh Thánh, trái tim được xem là nơi tự do và ra quyết định. Nó tượng trưng cho sự toàn vẹn và thống nhất, nhưng cũng gợi lên những tình cảm, mong muốn, ước mơ; và trên hết, đó là nơi gặp gỡ nội tâm giữa con người với Thiên Chúa.


6. Sự khôn ngoan của trái tim giúp ta đạt được những gì?

Sự khôn ngoan của trái tim giúp ta kết hợp:
- toàn thể với các bộ phận,
- các quyết định với kết quả của chúng,
- sự cao quý với sự mong manh của con người,
- quá khứ và tương lai,
- cái tôi và cái chúng ta.


7. Làm thế nào để có được sự khôn ngoan của trái tim?

Ta sẽ có được sự khôn ngoan của trái tim khi yêu thích và mong muốn, nỗ lực tìm kiếm nó, sẵn sàng đón nhận lời khuyên và ngoan nguỳ lắng nghe sự khôn ngoan này như một ân ban của Thánh Thần, giúp ta nhìn mọi sự bằng đôi mắt của chính Thiên Chúa, để thấy các kết nối, tình huống, sự kiện và khám phá ý nghĩa thực sự của chúng. Không có sự khôn ngoan này, cuộc sống trở nên nhạt nhẽo, vì chính sự khôn ngoan mang lại hương vị cho cuộc sống.


8. Trí tuệ nhân tạo có thể có được sự khôn ngoan của trái tim không?

Thưa không, vì trí tuệ nhân tạo chỉ là máy móc. Máy móc tiến bộ vượt bực này chắc chắn có khả năng lưu trữ dữ liệu và nối kết các tương quan dữ liệu lớn hơn rất nhiều so với con người, để nhanh chóng đưa ra các câu trả lời khi nhận được các câu hỏi và các đề xuất. Nhưng chỉ con người mới có khả năng hiểu được dữ liệu và các tương quan dữ liệu đó, để sử dụng các kết quả này và điều khiển trí tuệ nhân tạo theo ý của mình.


9. Khi thực hiện được những phát minh mới mẻ, con người dễ rơi vào cơn cám dỗ nguy hiểm nào?

Khi tạo ra được những phát minh mới mẻ, với những tiến bộ nhanh chóng, con người dễ rơi vào ảo tưởng cho mình là toàn năng, hoàn toàn tự trị, tách rời khỏi mọi ràng buộc xã hội và quên đi thân phận thụ tạo của mình.


10. Những định hướng của trái tim có vai trò nào trong mọi hoạt động của con người?

Tùy thuộc vào định hướng của trái tim, mọi thứ trong tay con người đều có thể trở thành cơ hội tốt đẹp, hoặc trở thành nguy cơ tai hại.
Chính thân xác con người, được tạo dựng để giao tiếp và hiệp thông, đã có thể trở thành một phương tiện gây hấn.

Cũng vậy, mọi phát triển về kỹ thuật của con người có thể là một phương tiện phục vụ yêu thương, hoặc thống trị đầy hận thù.

Hệ thống trí tuệ nhân tạo hiện nay có thể góp phần vào quá trình giải phóng con người khỏi sự thiếu hiểu biết và tạo điều kiện trao đổi thông tin giữa các dân tộc và giữa các thế hệ khác nhau. Tuy nhiên, đồng thời, chúng cũng có thể là công cụ làm “ô nhiễm nhận thức”, thay đổi thực tại qua những câu chuyện sai một phần hoặc sai hoàn toàn, nhưng lại được tin tưởng và truyền đi như thể chúng là sự thật. Điển hình là những thông tin sai lệch được gọi là “deepfake”, đã tạo ra và phổ biến những hình ảnh có vẻ hoàn toàn hợp lý nhưng sai sự thật, hoặc gửi đi tin nhắn âm thanh sử dụng giọng nói của một người nói những điều mà người đó chưa bao giờ nói. Như thế, trí tuệ nhân tạo có thể hữu ích trong một số lĩnh vực cụ thể, nhưng rất nhiều khi cũng đã chứa đựng nội dung sai lạc, bóp méo mối quan hệ của chúng ta với người khác và với thực tại, tạo ra biết bao nhiêu điều nguy hại.


11. Các thuật toán của trí tuệ nhân tạo có “trung lập” không?

Các thuật toán của trí tuệ nhân tạo không “trung lập” vì được tạo ra và được sử dụng bởi những con người có chính kiến riêng của họ. Để chống lại việc lạm dụng chúng, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã kêu gọi cộng đồng quốc tế làm việc cùng nhau để thông qua hiệp ước quốc tế, đưa ra những quy tắc cần thiết, nhằm định hướng sự phát triển và sử dụng trí tuệ nhân tạo theo hướng phục vụ cho những điều tốt đẹp.


12. Các quy tắc quốc tế có thể hữu hiệu đến mức độ nào?

Như trong mọi bối cảnh của con người, các quy tắc vẫn luôn là không đủ. Song song với việc thực thi các quy tắc cụ thể, con người còn cần phải ý thức thực hiện một nguyên tắc chung, đó là: Tất cả mọi người được kêu gọi cùng nhau lớn lên -lớn lên trong nhân loại và với tư cách là nhân loại, một nhân loại phức tạp, đa sắc tộc, đa nguyên, đa tôn giáo và đa văn hóa.


13. Ý thức về việc cùng lớn lên trong một nhân loại phức tạp, đa sắc tộc, đa nguyên, đa tôn giáo và đa văn hóa, khiến người ta phải lo ngại về trí tuệ nhân tạo như thế nào?

Trí tuệ nhân tạo đang có nguy cơ biến mọi thứ thành những tính toán trừu tượng, biến con người thành dữ liệu, biến suy nghĩ thành một giản đồ, biến trải nghiệm thành một trường hợp đơn độc, biến điều tốt lành thành lợi nhuận, và nhất là phủ nhận tính độc đáo của mỗi cá nhân cùng với lịch sử của họ.

Cuộc cách mạng kỹ thuật số có thể làm cho chúng ta tự do hơn, nhưng thay vì gia tăng tính đa nguyên của thông tin, người ta có nguy cơ bị trôi dạt trong vũng lầy vô danh, thoả mãn lợi ích của thị trường hoặc của các quyền lực.

Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo có nguy cơ dẫn đến suy nghĩ ẩn danh, thu thập dữ liệu không xác thực, đưa đến sự thiếu trách nhiệm biên tập tập thể. Các Big data-Dữ liệu lớn, dù hữu ích cho hoạt động của máy móc, thực tế làm mất mát đáng kể về tính chân thực của sự vật, cản trở giao tiếp giữa các cá nhân và có nguy cơ gây tổn hại đến chính nhân loại. Thông tin không thể tách rời khỏi các mối quan hệ hiện sinh. Chúng liên quan đến cơ thể, đến tương quan không chỉ dữ liệu nhưng còn cả kinh nghiệm của con người; chúng đòi hỏi khuôn mặt, ánh nhìn, lòng trắc ẩn...


14. Trí tuệ nhân tạo cần phải hỗ trợ cho báo chí như thế nào?

Cần phải sử dụng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ các phóng viên báo chí tại hiện trường, giúp họ ý thức vai trò chủ thể, chứng kiến tận mắt sự kiện, ví dụ các phóng viên chiến trường, giữa các chiến dịch thông tin sai lệch, có khả năng phê bình chính xác khi tiếp xúc trực tiếp với đau khổ của trẻ em, phụ nữ và đàn ông trong cuộc chiến, hiểu rõ sự vô lý của chiến tranh…

15. Để có thể sinh ra được những ích lợi tốt đẹp cho nhân loại khi sử dụng trí tuệ nhân tạo, người ta cần phải quan tâm giải quyết những vấn đề nào?

Để có thể sinh ra được những ích lợi tốt đẹp cho nhân loại, khi phát minh và sử dụng trí tuệ nhân tạo, người ta cần phải quan tâm:

- bảo vệ phẩm giá của người lao động cùng với những người sử dụng truyền thông;
- bảo vệ khả năng tương tác của các nền tảng;
- trách nhiệm của các doanh nghiệp khi truyền thông và thu lợi nhuận;
- tính minh bạch của các tiêu chí thuật toán cơ bản;
- tính minh bạch của việc xử lý thông tin;
- cách xác định tác giả các bài viết và tính chính xác của một hình ảnh hoặc video;
- cách ngăn chặn việc nhiều nguồn bị giảm xuống thành một nguồn duy nhất;
- cách bảo tồn chủ nghĩa đa nguyên và thể hiện sự phức tạp của thực tại;
- sự tốn kém và cực kỳ tiêu hao năng lượng của trí tuệ nhân tạo;
- cách phổ biến trí tuệ nhân tạo cho các nước đang phát triển.


16. Cần phải làm những gì để giải quyết những vấn đề trên đây?

Để giải quyết những vấn đề trên đây, chúng ta cần phải phát huy sự khôn ngoan của trái tim và làm việc chung với nhau.
Chỉ khi nối kết với nhau và với mọi thời đại, cùng nhau phát triển sự khôn ngoan của trái tim, chúng ta mới có thể phân định, tỉnh thức và nhận định được mọi thứ cho đến khi chúng hoàn thành cách tốt đẹp.
Sự khôn ngoan của trái tim sẽ giúp chúng ta điều chỉnh hệ thống trí tuệ nhân tạo phù hợp với một nền truyền thông nhân bản trọn vẹn.


Đức Thánh cha mở lại truyền thống cử hành thánh lễ và rước kiệu Mình Thánh Chúa


Sau những năm tạm ngưng vì lý do sức khỏe và đại dịch, Đức Thánh cha Phanxicô sẽ mở lại truyền thống cử hành Đại lễ kính Mình Thánh Chúa, tại thềm Đền thờ thánh Gioan Laterano, vào chiều Chúa nhật, ngày 02 tháng Sáu tới đây, và sau đó có cuộc rước kiệu Mình Thánh Chúa, từ nơi cử hành thánh lễ, qua đường Merulana đến Đền thờ Đức Bà Cả, cách đó một cây số. Và tại đây, buổi lễ kết thúc với phép lành Mình Thánh Chúa.


Trong một, hai năm đầu tiên thi hành sứ vụ thánh Phêrô, Đức Thánh cha Phanxicô cử hành thánh lễ tại Đền thờ thánh Gioan Laterano, nhưng ngài không dự cuộc rước kiệu và chỉ chủ sự nghi thức Chầu Mình Thánh Chúa kết thúc, tại Đền thờ Đức Bà Cả. Những năm sau đó, Đức Thánh cha cũng gặp vấn đề sức khỏe và đau đầu gối, rồi đến kỳ đại dịch Covid-19 nên cũng không cử hành. Năm 2018 và 2019, ngài bỏ truyền thống này và cử hành Lễ Mình Thánh Chúa ở ngoại ô Roma.

Trước đây, Đức Thánh cha Gioan Phaolô II (1978-2005) luôn giữ truyền thống cử hành thánh lễ, với cuộc rước kiệu Mình Thánh Chúa, từ khi được bầu chọn thi hành sứ vụ Giáo hoàng.

Tại Vatican và theo phụng vụ chính thức của Giáo hội, Lễ Mình Thánh Chúa được cử hành vào thứ Năm, ngày 30 tháng Năm tới đây, nhưng tại nhiều nơi, lễ này được dời vào Chúa nhật tiếp đó.


Vào lúc 5 giờ rưỡi chiều thứ Năm ngày 09/5/2024, tại Đền thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi cử hành Kinh chiều II lễ Chúa Lên Trời, cùng nghi thức trao và đọc Sắc chỉ công bố Năm Thánh 2025.
 “Anh chị em thân mến, Thiên Chúa toàn năng và nhân hậu làm sống lại trong chúng ta niềm hy vọng chắc chắn về vinh quang mà ân sủng đã được dành cho chúng ta. Hôm nay, vào lễ trọng Chúa Lên Trời, trước Cửa Thánh của Đền thờ Thánh Phêrô, trước sự hiện diện của Giáo hội lữ hành Roma, tôi gửi đến các vị Giám quản 4 Đền thờ Roma, một số đại diện Giáo hội trên toàn thế giới và Công chứng viên Tông toà, Sắc chỉ Spes non confundit công bố Năm Thánh năm 2025, để đọc. Xin Chúa Thánh Thần, Đấng Phục Sinh đã hứa, mở lòng chúng ta đón nhận hồng ân hy vọng, để nhờ sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, cuộc sống của chúng ta có thể được đổi mới bởi đức tin và tình yêu”.


Spes non confundit” - "Niềm Hy vọng không làm thất vọng",   trích từ Thư gửi tín hữu Rôma (Rm 5,5)    . Trong Sắc chỉ, ĐTC đưa ra các lời kêu gọi cho các tù nhân, người di cư, người bệnh, người già và người trẻ là nạn nhân của ma túy và các tội phạm. Ngài tuyên bố ngài sẽ mở Cửa Thánh tại một nhà tù, kêu gọi xóa nợ cho các nước nghèo, kêu gọi tỷ lệ sinh cao hơn, chào đón người di cư và tôn trọng thụ tạo, vv.

Khai mạc chiến dịch Lễ Hiện Xuống tại Đức
Chúa nhật 05 tháng Năm vừa qua, chiến dịch thường niên Lễ Hiện Xuống do tổ chức Renovabis phát động, để giúp Đông âu đã được khai mạc với thánh lễ tại nhà thờ chính tòa giáo phận Muenster, bắc Đức.

Bischof Dr. Felix Genn zelebrierte den Gottesdienst zur offiziellen Eröffnung der Renovabis-Pfingstaktion im St.-Paulus-Dom in Münster.

Chiến dịch năm nay có chủ đề là: “Để hòa bình tăng trưởng. Bạn tạo nên sự khác biệt”.

Thánh lễ do Đức cha Felix Genn, Giám mục Giáo phận sở tại, chủ sự, với các giám mục Đông âu đồng tế, trong đó có Đức cha Stanislas Szyrokoradiuk, Giám mục Giáo phận Odessa-Simferopol bên Ucraina.

Chiến dịch kéo dài hai tuần lễ, cho đến Lễ Hiện Xuống. Bắt đầu các giám mục khách từ Đông âu viếng thăm các trường học, nghị viện tiểu bang ở thành phố Dusseldorf và đền kỷ niệm Villa Ten Hompel ở Muenster. Tại đây, vào cuối tuần có chương trình văn hóa tôn giáo. Chiến dịch năm nay muốn nhấn mạnh rõ ràng lòng khao khát hòa bình nơi nhiều người.

Tổ chức Renovabis được thành lập cách đây ba mươi mốt năm để bày tỏ tình liên đới với các tín hữu Công giáo ở Đông và Trung Âu, trong đó có 29 nước cựu cộng sản. Từ năm 1993 đến nay, tổ chức này đã tài trợ hơn 877 triệu Euro cho hơn 26.000 dự án tái thiết Giáo hội, xã hội dân sự, trường học, nhà xứ. Từ khi có cuộc tấn công của Nga ở Ucraina, Renovabis cũng tiến hành các công tác cứu trợ khẩn cấp. Ngoài ra, năm nay cũng có các hoạt động tương trợ trước tình trạng bất an tại Bosnia Herzegovina, Kosovo và Cộng hòa Moldavia.




Đức Thánh Cha Phanxicô trong năm 2024: Thượng Hội đồng, những quan ngại về sức khỏe, thỏa thuận với Trung Quốc và hơn thế nữa






Đức Thánh Cha Phanxicô đang hướng đến Năm Thánh 2025 với tư cách là “người lữ hành hy vọng”. Trong Sứ điệp Ngày lễ Giáng sinh “Urbi et Orbi” (một bài diễn từ thường niên “gửi thành Rôma và thế giới”), ngài đã đề cập đến Năm Thánh và bày tỏ hy vọng rằng năm 2024 sẽ là “thời gian chuẩn bị cho Năm Thánh” và là “cơ hội để hoán cải những con tim, từ bỏ chiến tranh và đón nhận hòa bình, cũng như để hân hoan đáp lại tiếng Chúa mời gọi”.

Trong giờ Kinh Chiều cuối năm tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô vào ngày 31 tháng 12, Ngài lại nói về Năm Thánh, khiến người ta nghĩ rằng sự kiện đó có thể được coi như “ngôi sao dẫn đường” của ngài trong năm mới. Mặc dù Đức Phanxicô hiện đã 87 tuổi và là một trong những vị Giáo hoàng lãnh đạo Giáo hội Công giáo lớn tuổi nhất trong lịch sử, nhưng nhìn thoáng qua chương trình nghị sự của ngài cho năm 2024, người ta thấy rằng ngài không có ý định chậm lại hoặc giảm bớt các cam kết của mình. Ngược lại, ngài đã chia sẻ với quý thân hữu rằng “càng gần vạch cán đích thì càng phải đi nhanh hơn”. Về việc từ nhiệm, ngài nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng ngài chưa cân nhắc ý định này.

Sức khỏe của Đức Thánh Cha

Đức Phanxicô tiếp tục gặp vấn đề về khả năng vận động do các vấn đề ở hông và đầu gối bên phải đang được điều trị, nhưng không giống như năm ngoái, giờ đây ngài có thể đi bộ những đoạn ngắn. Theo bác sĩ Sergio Alfieri, bác sĩ phẫu thuật đã mổ cho ngài tại bệnh viện Gemelli ở Rôma vào tháng 7 năm 2021 và tháng 6 năm 2023, thì ở độ tuổi ấy, ngài là người có sức khỏe tốt. Bác sĩ cho báo chí biết sau ca phẫu thuật tháng 6, về phần tim, phổi và bụng, thì “Ngài không có bệnh gì”.

Tiến sĩ Alfieri nói thêm rằng khả năng trí tuệ của Đức Thánh Cha là khả năng “của một người đàn ông 60 tuổi”. Một số người đã gặp Đức Phanxicô sau khi ngài bị viêm phế quản vào cuối tháng 11 và trong những tuần gần đây đã nói với tạp chí America rằng Đức Giáo hoàng đã bình phục. Vì vậy, nếu không gặp rủi ro hoặc suy sụp, ngài dường như đã sẵn sàng cho một năm hoạt động trọn vẹn.

Khai mạc năm mới

Vị Giáo hoàng đầu tiên của châu Mỹ Latinh đã khai mạc năm mới bằng việc chủ sự Thánh lễ tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô nhân Ngày Hòa bình Thế giới vào ngày 1 tháng 1, lễ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, trước sự hiện diện của các đoàn ngoại giao cạnh Tòa Thánh và một cộng đoàn khoảng 7.000 người từ khắp nơi trên thế giới. Ngài đã xuất bản Sứ điệp cho Ngày Hòa bình Thế giới, trong đó ngài tập trung vào chủ đề quan trọng là “Trí tuệ nhân tạo và Hòa bình”.

“Mặc dù Đức Phanxicô hiện đã 87 tuổi và là một trong những vị Giáo hoàng lãnh đạo Giáo hội Công giáo lớn tuổi nhất trong lịch sử, nhưng nhìn thoáng qua chương trình nghị sự của ngài cho năm 2024, người ta thấy rằng ngài không có ý định chậm lại.” (tweet)

Vào ngày 6 tháng 1, Đức Phanxicô sẽ chủ sự Thánh lễ Hiển Linh, tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, và vào ngày 7 tháng 1, lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, ngài sẽ rửa tội cho trẻ em, chủ yếu là con của các nhân viên Vatican, trong Thánh lễ tại nhà nguyện Sistine.

Ngày hôm sau, 8 tháng 01, Đức Phanxicô sẽ tiếp kiến các đại sứ từ 184 quốc gia có quan hệ ngoại giao đầy đủ với Tòa Thánh và gửi lời chúc mừng Năm Mới tới họ cũng như các chính phủ mà họ đại diện. Nhân dịp đó, ngài sẽ có bài diễn từ về tình hình thế giới nhìn từ góc độ của Tòa thánh. Dự kiến, ngài sẽ lặp lại lời kêu gọi chấm dứt các cuộc chiến tranh hiện đang diễn ra, đặc biệt là cuộc chiến của Nga chống Ukraine và cuộc chiến giữa Israel và Hamas, cũng như các cuộc xung đột nội bộ ở Sudan, Nam Sudan, Cộng hòa Dân chủ Congo, Myanmar và các quốc gia khác.

Vị thánh nữ đầu tiên của Argentina

Vào ngày 11 tháng 02, Đức Phanxicô sẽ tuyên thánh cho thánh nữ đầu tiên của Argentina, María Antonia de Paz y Figueroa, thường được gọi là “Mẹ Antula” và được coi là “mẹ của dân tộc”. Sinh ra ở Santiago del Estero ở miền bắc Argentina vào năm 1730, bà đã gặp và bắt đầu làm việc với các tu sĩ Dòng Tên ngay từ khi còn nhỏ. Sau khi dòng này bị trục xuất khỏi Tây Ban Nha và các thuộc địa ở châu Mỹ vào năm 1767, bà đã duy trì linh đạo I-nhã sống động trên khắp đất nước, khi đi bộ 3.000 dặm đến thủ đô Buenos Aires, nơi bà thành lập các chương trình bác ái dành cho phụ nữ và trẻ em và một ngôi nhà linh thao trước khi qua đời năm 1799. Bà cũng thúc đẩy ý tưởng về một nước Argentina độc lập, xuất hiện vào năm 1816.

“Mẹ Antula được coi là mẹ của đất nước,” Đức Giám mục Santiago Olivera của Argentina, người chịu trách nhiệm về án tuyên thánh của bà, nói với hãng tin OSV. “Bà là một người phụ nữ mạnh mẽ, can cảm và có niềm tin vào Argentina. Bà đã tận tâm phục vụ đất nước này và tin rằng việc biết Chúa Kitô sẽ biến đổi xã hội.”

Một số người dự đoán tân Tổng thống Argentina, Javier Milei, có thể sẽ tham dự lễ tuyên thánh ở Rôma và có cuộc gặp đầu tiên với Đức Thánh Cha Phanxicô. Các ngài đã nói chuyện qua điện thoại ngay sau khi ông nhậm chức, và Tổng thống sau đó đã chính thức mời Đức Phanxicô về thăm quê hương.

Tông du nước ngoài

Đức Phanxicô đã viếng thăm 61 quốc gia trong 44 chuyến hành trình bên ngoài nước Ý kể từ khi trở thành Giáo hoàng. Trong cuộc phỏng vấn với Telam, một hãng thông tấn của Argentina, vào ngày 16/10 và đài truyền hình N+ của Mexico vào ngày 12/12, ngài cho biết dự định tiếp tục các chuyến tông du nước ngoài vào năm 2024 và tiết lộ mong muốn được đến thăm Bỉ, Argentina và Papua New Guinea.

Ngài dự định đến Bỉ, đất nước mà ngài đã đến thăm khi còn là tu sĩ Dòng Tên, để kỷ niệm 600 năm thành lập Đại học Công giáo Louvain. Trong khi Vatican vẫn chưa công bố ngày cụ thể, một nguồn thông tin nói với tạp chí America rằng có thể là vào cuối tháng 7.

Tạp chí America cũng được biết rằng các kế hoạch cũng đang được tiến hành cho chuyến thăm 10 ngày vào cuối tháng 8 tới bốn quốc gia ở châu Á — Indonesia, Singapore, Timor Leste và Papua New Guinea nói trên. Đức Phanxicô đã lên kế hoạch cho chuyến tông du châu Á vào năm 2020 nhưng phải hoãn lại do đại dịch Covid-19. Timor Leste là quốc gia có nhiều người Công giáo nhất ở châu Á — 97% trong số 1,4 triệu dân của nước này là người Công giáo — trong khi 26% trong số 10 triệu dân của Papua New Guinea là người Công giáo. Đức Phanxicô từ lâu đã muốn đến thăm cả hai quốc gia này ở vùng ngoại biên của thế giới. Mặt khác, Indonesia là quốc gia có dân số Hồi giáo lớn nhất thế giới và Singapore cũng đang rất nỗ lực xin một chuyến thăm.

Người ta đã mong đợi Đức Phanxicô cuối cùng sẽ về thăm Argentina, quê hương của ngài trong năm nay, nhưng tình hình kinh tế và chính trị phức tạp trong nước dưới thời tân Tổng thống đã khiến chuyến đi đó còn bỏ ngỏ.

Cũng có khả năng Đức Phanxicô đến thăm Việt Nam trong năm nay, vì mối quan hệ giữa Tòa thánh và Việt Nam đã có tiến triển đầy ý nghĩa. Lần đầu tiên kể từ khi kết thúc Chiến tranh Việt Nam, năm ngoái chính phủ Việt Nam đã cho phép Tòa thánh mở một văn phòng và có vị Đại diện thường trú tại nước này. Chủ tịch nước Việt Nam đã đến thăm Đức Thánh Cha vào tháng 7 năm ngoái và vào tháng 12 có thông báo rằng ông đã chính thức gửi thư mời Đức Giáo hoàng Phanxicô đến thăm đất nước này

Các nguồn tin cho biết Đức Phanxicô muốn nhận lời mời của vị Chủ tịch nước, nhưng Vatican còn muốn chuyến thăm của Đức Thánh Cha được diễn ra sau khi quan hệ ngoại giao được thiết lập đầy đủ. Một nguồn tin cấp cao của Vatican nói với tạp chí America rằng quan hệ ngoại giao có thể diễn ra nhanh chóng nếu chính phủ Việt Nam mong muốn như vậy, như đã xảy ra với Myanmar, nơi những mối quan hệ như vậy được thiết lập vài tháng trước khi Đức Phanxicô đến thăm quốc gia đó.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã mời Đức Phanxicô đến Paris để dự lễ mở cửa Nhà thờ Đức Bà nổi tiếng trở lại vào ngày 8 tháng 12 năm 2024, nhưng Đức Thánh Cha vẫn chưa đưa ra bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy ngài sẽ nhận lời mời này.

Quan hệ với Trung Quốc

Một câu hỏi quan trọng mà Đức Phanxicô phải quyết định trước tháng 10 năm 2024, liên quan đến thỏa thuận tạm thời Trung Quốc - Vatican đã được ký kết tại Bắc Kinh vào ngày 22 tháng 9 năm 2018, liên quan đến việc bổ nhiệm các Giám mục ở Trung Quốc đại lục. Tòa Thánh và Trung Quốc đã tái lập thỏa thuận này vào năm 2020 và 2022. Năm nay, hai bên sẽ phải quyết định xem có nên làm mới lại thỏa thuận thêm hai năm nữa hay không, để nâng lên mức bền vững lâu dài hay đưa ra những điều chỉnh.

Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí America vào ngày 22 tháng 11 năm 2022, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Đối thoại là con đường ngoại giao tốt nhất. Với Trung Quốc, tôi đã chọn con đường đối thoại. Nó chậm, có những thất bại, có những thành công, nhưng tôi không thể tìm ra cách nào khác.” Ngài nói thêm rằng “người ta đối thoại đến chừng nào còn có thể”.

Thượng Hội đồng về hiệp hành

Trong thời điểm đỉnh cao của 10 năm nỗ lực cải cách và lãnh đạo Giáo hội Công giáo với 1,3 tỷ thành viên trên con đường truyền giáo mới, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ trì phiên họp thứ hai và cũng là cuối cùng của Thượng Hội đồng về Hiệp hành vào tháng 10 năm 2024. Trong khi phiên họp đầu tiên vào tháng 10 năm 2023 kéo dài gần bốn tuần, một số người ở Rôma kỳ vọng phiên họp thứ hai này sẽ ngắn hơn. Tuy nhiên, tạp chí America được biết vẫn chưa có quyết định nào được đưa ra về độ dài của Thượng hội đồng.

Các bổ nhiệm ở Vatican và các Giám mục mới

Trong 12 tháng tới, Đức Phanxicô dự kiến sẽ thực hiện một số thay đổi quan trọng về nhân sự trong Giáo triều Rôma và các giáo phận trên toàn thế giới, kể cả ở Hoa Kỳ. Những thay đổi ở cấp cao của Giáo triều Rôma bao gồm việc bổ nhiệm vị Trưởng Tòa Ân giải Tối cao để kế vị Đức Hồng Y người Ý Mauro Piacenza, người sẽ tròn 80 tuổi vào ngày 15 tháng 9, và ngày 15 tháng 10, và một vị Tổng trưởng mới của Bộ Đời sống Thánh hiến và các Hiệp hội Đời sống Tông đồ để thay thế Đức Hồng Y người Brazil João Braz de Aviz, người sẽ bước sang tuổi 77 vào ngày 24 tháng 4. Vị Hồng Y người Brazil này gần như sẽ được kế vị bởi Đức Hồng Y người Tây Ban Nha Ángel Fernández Artime, S.D.B., Bề trên Tổng quyền đương nhiệm của Dòng Salêdiêng. Những thay đổi khác cũng được mong đợi ở một số vị trí cấp trung trong Giáo triều, bao gồm cả trong Ủy ban Bảo vệ Trẻ vị thành niên.

Đức Phanxicô cũng sẽ bổ nhiệm các Giám mục cho nhiều giáo phận trên toàn thế giới, bao gồm một số Tổng Giáo phận quan trọng, bao gồm Boston, nơi Đức Hồng Y Seán O'Malley tròn 80 tuổi vào ngày 29 tháng 6, và Bombay (Mumbai), Ấn Độ, nơi Đức Hồng Y Oswald Gracias tròn 80 tuổi vào ngày 24 tháng 12. Cả hai vị đều là thành viên của Hội đồng Hồng Y Cố vấn của Đức Thánh Cha kể từ khi ngài thành lập cơ quan này ngay sau khi được bầu. Dự kiến, ngài sẽ bổ nhiệm hai Hồng Y mới vào Hội đồng gồm chín thành viên này.

Đức Giáo Hoàng Dòng Tên cũng sẽ bổ nhiệm các sứ thần - các đại sứ của ngài - đến các cơ quan đại diện ngoại giao của Tòa Thánh tại ít nhất 10 quốc gia trong năm tới.

Một công nghị khác

Đức Phanxicô đã triệu tập các Công nghị để phong Hồng Y mới, diễn ra gần như mỗi năm kể từ khi ngài được bầu, và ngài có thể quyết định triệu tập công nghị lần thứ 10 trước cuối năm 2024, có lẽ vào khoảng thời gian diễn ra Thượng Hội đồng tháng 10 hoặc dịp khai mạc Năm Thánh. Tổng số Hồng Y dưới 80 tuổi, có quyền bỏ phiếu trong mật nghị bầu Giáo hoàng tiếp theo, sẽ giảm xuống ít nhất còn 119 vị vào tháng 12 năm 2024, ngay dưới mức trần 120 vị do Đức Giáo hoàng Phaolô VI thiết lập cho mật nghị. Vì 13 vị cử tri sẽ bước sang tuổi 80 vào năm 2025, nên Đức Thánh Cha có thể bổ nhiệm số cử tri đó hoặc nhiều hơn nếu ngài muốn trong năm nay.

Năm Thánh

Đức Phanxicô dự kiếnsẽ bắt đầu Năm Thánh 2025 ngay trước lễ Giáng Sinh bằng việc mở Cửa Thánh của Vương cung thánh đường Thánh Phêrô trong một nghi thức có từ năm 1500. Ngày mở cửa chính xác vẫn chưa được công bố. Đây sẽ là đại lễ Năm Thánh thứ hai của ngài; Đầu tiên là Năm Thánh Lòng Thương Xót ngoại thường, được ngài khai mạc tại Bangui, thủ đô của Cộng hòa Trung Phi đang bị chiến tranh tàn phá, vào ngày 29 tháng 11 năm 2015. Các nhà tổ chức Năm Thánh 2025 của Vatican kỳ vọng sẽ thu hút khoảng 30 triệu khách hành hương đến thành phố vĩnh cửu để tham gia sự kiện này và để chuẩn bị chào đón họ, nhiều công việc đang được thực hiện ở thành Rôma.



Bệnh viện “Nhi đồng” Giáo hoàng đầu tiên được thành lập ở nước ngoài


Cuối năm nay, tại Ai Cập, công trình xây cất bệnh viện nhi đồng đầu tiên của Tòa Thánh sẽ được khởi công, tại thủ đô Cairo mới của Ai Cập.


Bệnh viện này cũng sẽ mang tên “Gesù Bambino”, Chúa Hài Đồng Giêsu, và được sự cộng tác chặt chẽ nhiều mặt của bệnh viện tại Roma, thuộc quyền sở hữu của Tòa Thánh.

Báo Công giáo Avvenire, Tương lai, số ra ngày 06 tháng Năm ở Roma, cho biết dự án này được sự bảo trợ của Ủy ban cấp cao “Tình huynh đệ nhân loại”, vốn được thành lập sau cuộc viếng thăm của Đức Thánh cha Phanxicô tại Abu Dhabi, tháng Hai năm 2019 và ký với Đại Imam Ahmed al-Tayyeb, của Đền thờ Hồi giáo này ở Cairo “Tuyên ngôn về tình huynh đệ nhân loại”. Chính ủy ban này sẽ đẩy mạnh việc tiến hành Bệnh viện Chúa Hài Đồng Giêsu.

Cho đến nay, một sáng kiến từ Tuyên ngôn vừa nói đã được thực hiện ở Cairo, đó là “Ốc đảo Tình thương”, một Viện cô nhi được khánh thành hôm Chúa nhật, ngày 05 tháng Năm vừa qua, chuyên đón nhận và săn sóc các trẻ em bị bỏ rơi, từ 6 đến 12 tuổi. Hiện diện tại buổi lễ, có Đức ông Yoannis Lahzi Gaid, cựu thư ký riêng của Đức Thánh cha Phanxicô và hiện là Chủ tịch Hội “Chúa Hài Đồng Giêsu” ở Cairo và cũng là thành viên “Ngân quỹ Tình Huynh đệ nhân loại”. Ngoài ra, có Sheikh Abdullah Bin Zayed Al Nahyan, thuộc Hoàng gia ở Dhabi. Trung tâm này đã được mở ra hồi năm 2022.





Hội nghị tại Vatican về sự nguy hiểm của Trí tuệ nhân tạo và khiêu dâm trẻ em

Trí tuệ nhân tạo (AI) gây nguy hiểm gì cho sự an toàn của trẻ em trong môi trường kỹ thuật số? Đây là ý tưởng trung tâm của hội nghị có chủ đề “Phẩm giá của trẻ em trong thế giới kỹ thuật số”, được tổ chức bởi Quỹ S.O.S Il Telefono Azzurro và Đại sứ quán Ý cạnh Tòa Thánh, trong khuôn khổ Ngày Quốc gia chống lại nạn ấu dâm và khiêu dâm trẻ em. Ngày này được tổ chức tại Ý vào ngày 5/5 hàng năm.

Hội nghị đưa ra số liệu thống kê đáng lo ngại: vào năm 2023 có hơn 275.000 trang web có nội dung khiêu dâm trẻ em trên Internet, với khoảng 11.000 bức ảnh do Trí tuệ nhân tạo tạo ra, chỉ trong một tháng. Tuy nhiên, những con số này có thể còn cao hơn.

Những nguy hiểm và cơ hội của Trí tuệ nhân tạo

Ông Ernesto Caffo, chủ tịch của Telefono Azzurro, nhận định rằng trẻ em và thanh thiếu niên ngày càng tiếp xúc với các nền tảng chứa các công cụ “có thể dẫn đến hành vi gặp nguy hiểm”. Đây là một thách thức mới và quan trọng vì nó làm lung lay tất cả các cơ chế kiểm soát đã được thực hiện trong những năm gần đây. Ông chỉ ra rằng mặc dù các công nghệ mới có thể là những công cụ tuyệt vời, nhưng bất kỳ sự mong manh nào cũng có thể “là nguồn gây ra rủi ro ngày càng tăng cho các thế hệ mới”. Theo ông, tình trạng nghiêm trọng này phải được giải quyết ở cấp độ quốc tế cao nhất, chẳng hạn như hội nghị thượng đỉnh G7 tiếp theo, để đưa ra các đề xuất về vấn đề này.

Sự cân bằng giữa tiến bộ công nghệ và giá trị của con người

Trong bài phát biểu, Đức Hồng Y Seán O'Malley, Tổng Giám mục Boston (Hoa Kỳ) và là chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về Bảo vệ Trẻ vị thành niên, đã nhắc lại rằng tiến bộ công nghệ đòi hỏi và yêu cầu “sự cân bằng giữa tiến bộ công nghệ và giá trị con người”. Ngài nhấn mạnh lời kêu gọi của Đức Thánh Cha, người đã nhiều lần tuyên bố rằng “công nghệ phải phục vụ để cải thiện cuộc sống con người chứ không phải ngược lại”. Đức Hồng y cho biết “Sự dấn thân của Giáo hội đối với các công nghệ mới, đặc biệt là AI, bắt nguồn từ sứ mạng bảo vệ con người, phù hợp với Tin Mừng”.

Tạo "căn cước kỹ thuật số" để trẻ em truy cập internet

Bà Carla Garlatti, Cơ quan Giám sát Trẻ em và Thanh thiếu niên, nói rằng có thể phát triển các sáng kiến và công cụ để kiểm soát quyền truy cập của trẻ em và thanh thiếu niên vào các nền tảng có nội dung không phù hợp. Tuy nhiên, luật gia Guido Scorza cho rằng việc kiểm soát là “khó áp dụng vào thời điểm này” vì giới trẻ có xu hướng sử dụng nội dung được thiết kế cho lứa tuổi lớn hơn.

Hiệp ước quốc tế về Trí tuệ nhân tạo

Cuối cùng, Cha Hans Zollner, trưởng khoa Nhân chủng học tại Đại học Giáo hoàng Gregoriana, đã cảnh báo về mối nguy hiểm của điện thoại thông minh, thứ “khiến chúng ta [tin rằng] chúng ta có mọi thứ trong tầm kiểm soát, nhưng thực tế không đúng như vậy”. Cha nhắc lại lời của Đức Thánh Cha Phanxicô, cần “thiết lập và thông qua một hiệp ước quốc tế về Trí tuệ nhân tạo”, một vấn đề quan trọng đối với con người trong tương lai.


Đức Hồng Y Parolin gọi cuộc bỏ phiếu phá thai ở Liên Hiệp Âu Châu là một cuộc tấn công triệt để vào sự sống


Trong một cuộc phỏng vấn trên phạm vi rộng, nhà ngoại giao hàng đầu của Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết một cuộc bỏ phiếu gần đây của Nghị viện Âu Châu coi việc phá thai là một quyền cơ bản đã cấu thành một “cuộc tấn công triệt để” vào sự sống con người.


Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ khanh Vatican cho biết: “Khi cuộc sống bị tấn công một cách triệt để như vậy, bạn thực sự phải hỏi chúng ta muốn xây dựng loại tương lai nào”

Các bình luận được đưa ra trước cuộc bầu cử vào tháng 6 cho Nghị viện Âu Châu, khi quyền phá thai được cho là một trong những vấn đề bỏ phiếu.

Về các mặt trận khác, Đức Hồng Y Parolin cho biết đang có “những chuyển động lớn” hướng tới việc trao đổi tù nhân giữa Nga và Ukraine, đồng thời xác nhận Vatican sẵn sàng đóng vai trò trung gian hòa giải trong cuộc chiến đó, ở Trung Đông và bất cứ nơi nào xung đột đang diễn ra.

Đức Hồng Y Parolin, 69 tuổi, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với Avvenire, tờ báo chính thức của Hội Đồng Giám Mục Ý; khi đang ở Rimini để tham dự hội nghị quốc gia về Canh tân trong Thánh Linh, là phong trào đặc sủng Công Giáo hàng đầu của Ý.

Hướng tới cuộc bầu cử ở Âu Châu, Đức Hồng Y Parolin đã được hỏi về cuộc bỏ phiếu ngày 11 tháng 4 của quốc hội để đưa việc phá thai vào một trong những quyền cơ bản được Hiến chương Liên Hiệp Âu Châu công nhận.

Đây phần lớn được coi là một kết quả mang tính biểu tượng, vì việc sửa đổi hiến chương sẽ cần có sự đồng ý của tất cả 27 quốc gia thành viên và cả Ba Lan và Malta đều đã cho biết rằng họ sẽ không chấp thuận thay đổi này. Tuy nhiên, kết quả khá áp đảo, với 336 phiếu ủng hộ, 163 phiếu chống và 39 phiếu trắng, với sự ủng hộ của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Đức Hồng Y Parolin bày tỏ sự cay đắng trước động thái này.

“Khi cuộc sống bị tấn công một cách triệt để như vậy, bạn thực sự phải hỏi chúng ta muốn xây dựng loại tương lai nào. Tôi cảm thấy một nỗi buồn lớn lao trong sâu thẳm trái tim mình và tôi thậm chí không có lời nào để diễn tả nó một cách thỏa đáng”.

“Tôi nhắc lại, tôi cảm thấy vô cùng buồn khi phải đối mặt với tình huống này. Làm sao chúng ta có thể nghĩ rằng phá thai là một quyền? Rằng nó có thể bảo đảm một tương lai cho xã hội của chúng ta?”

Liên quan đến Nga và Ukraine, Đức Thánh Cha Phanxicô đã sử dụng bài phát biểu Phục sinh Urbi et Orbi của mình để kêu gọi trao đổi tù nhân toàn diện. Đức Hồng Y Parolin cho biết ngài tin rằng lời kêu gọi của Đức Thánh Cha đã có hiệu quả.

“Tôi không có thông tin chính xác, nhưng từ những gì tôi nghe được thì thấy có rất nhiều chuyển động theo hướng này,” Parolin nói. “Vì vậy, lời kêu gọi của Đức Thánh Cha đã được lắng nghe và tuân theo.”

“Chúng tôi coi đó là một dấu hiệu tích cực, bởi vì chúng tôi tin rằng dự án do Đức Hồng Y Matteo Zuppi thực hiện vào năm ngoái trong quá trình thực hiện sứ mệnh do Đức Thánh Cha giao cho ngài có giá trị rất lớn”.

Đức Hồng Y Parolin đã đề cập đến các chuyến đi năm ngoái tới Kyiv, Mạc Tư Khoa, Washington và Bắc Kinh của Đức Hồng Y Matteo Zuppi của tổng giáo phận Bologna, chủ tịch hội đồng giám mục Ý, theo lệnh của Đức Thánh Cha, trong nỗ lực mở ra các kênh đối thoại.

“Đương nhiên, chúng tôi nghĩ rằng việc tập trung vào các khía cạnh nhân đạo – liên quan đến cả tù nhân và cả trẻ em – có thể tạo điều kiện để đi đến các cuộc đàm phán, chúng tôi hy vọng, có thể kết thúc chiến tranh,” Đức Hồng Y Parolin nói.

Ngài cũng chỉ ra rằng nhiệm vụ của Zuppi có thể chưa kết thúc.

“Tôi không tin rằng mọi chuyện đã kết thúc, theo nghĩa là ngài đã giúp đưa ra một cơ chế hồi hương trẻ em,” Parolin nói. “Sứ mệnh về cơ bản tập trung vào khía cạnh này, nhưng nó vẫn mở cho bất kỳ sự phát triển nào có thể xảy ra.”

Về cuộc chiến ở Gaza, Đức Hồng Y Parolin tái khẳng định sự ủng hộ lâu dài của Vatican đối với giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Israel/Palestine.

“Tòa Thánh có các mối liên hệ ở nhiều cấp độ khác nhau. Chúng tôi đang chuyển sang cấp độ ngoại giao để cố gắng tìm ra chiến lược hòa bình. Chắc chắn, tình hình vô cùng phức tạp”, ông nói.

“Nhưng đối với tôi, trên thực tế, có thể có những giải pháp. Khi chúng tôi nghĩ về công thức hai nhà nước, sẽ có một đề xuất cụ thể mà chúng tôi nên hướng tới”, Đức Parolin nói. “Có lẽ điều này có thể giúp tìm ra một giải pháp dứt khoát. Chắc chắn, điều đầu tiên là chấm dứt chiến sự và bảo đảm ít nhất một thỏa thuận ngừng bắn”.

Đức Hồng Y Parolin cũng nhắc lại sự sẵn sàng của Vatican đóng vai trò trung gian hòa giải nếu được yêu cầu giúp đỡ.

Ngài nói: “Chúng tôi luôn nói, trong mọi tình huống có thể xảy ra, rằng ở đâu các bên tin rằng Tòa thánh có thể hữu ích, thì sự hiện diện của Giáo Hội sẽ được hoan nghênh, lúc đó chúng tôi sẽ luôn sẵn sàng”.

Hãng tin A.P. : ‘Một bước lùi với thời gian’: Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ nhận thấy một sự thay đổi to lớn hướng về những lối sống cũ


Tim Sullivan của hãng tin A.P., ngày 1 tháng 5 năm 2024, có bài tường thuật và nhận định về các thay đổi trong sinh hoạt tại một số nơi thuộc Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ. Thực ra, tuy tường thuật này được tờ Our Sunday Visitor gọi là của người "bên ngoài", nó y hệt cách tường thuật và nhận định của chính phe cấp tiến trong Giáo Hội Hoa Kỳ chống lại xu hướng bảo thủ hay duy truyền thống vẫn đang sống mạnh ít nhất tại một số nơi như Sullivan đến gặp gỡ. Trước nhất, chúng tôi cho đăng nguyên văn bài viết của Sullivan; sau đó, chúng tôi cho đăng bài viết của Sara Perla, trên tạp chí mạng Our Sunday Visitor, ngày 3 tháng 5 năm 2024, nhận định về quan điểm của Sullivan:



MADISON, Wis. (AP) - Chính âm nhạc đã thay đổi đầu tiên. Hoặc có lẽ đó chỉ là lúc nhiều người tại nhà thờ Công Giáo bằng gạch nhạt ở khu phố Wisconsin yên tĩnh cuối cùng cũng bắt đầu nhận ra chuyện gì đang xảy ra.

Người chỉ huy dàn hợp xướng, người đã gắn bó với Nhà thờ Thánh Maria Goretti trong gần 40 năm, đột nhiên ra đi. Những bài thánh ca đương thời đã được thay thế bằng âm nhạc bắt nguồn từ châu Âu thời trung cổ.

Có quá nhiều điều đang thay đổi. Các bài giảng tập trung nhiều hơn vào tội lỗi và sự xưng tội. Các linh mục hiếm khi được nhìn thấy mà không mặc áo chùng thâm. Những cô gái giúp lễ, trong một thời gian, đã bị cấm.

Tại trường tiểu học của giáo xứ, học sinh bắt đầu nghe về phá thai và hỏa ngục.

“Nó giống như một bước lùi với thời gian,” một cựu giáo dân, vẫn còn choáng váng trước những thay đổi hỗn loạn bắt đầu vào năm 2021 với một mục tử mới, cho biết ông chỉ nói với điều kiện giấu tên.

Không chỉ có Nhà thờ Thánh Maria Goretti.

Trên khắp nước Mỹ, Giáo Hội Công Giáo đang trải qua một sự thay đổi to lớn. Các thế hệ người Công Giáo đón nhận làn sóng hiện đại hóa do Vatican II khởi xướng vào những năm 1960 đang ngày càng nhường chỗ cho những người bảo thủ tôn giáo tin rằng giáo hội đã bị bóp méo bởi sự thay đổi, với lời hứa về sự cứu rỗi vĩnh cửu được thay thế bằng Thánh lễ ghi-ta, kho đựng thức ăn của giáo xứ và sự thờ ơ thường ngày đối với giáo lý của Giáo hội.

Sự thay đổi, được tạo ra bởi sự sụt giảm số người đến nhà thờ, ngày càng có nhiều linh mục truyền thống và ngày càng có nhiều người trẻ Công Giáo tìm kiếm sự chính thống hơn, đã định hình lại các giáo xứ trên khắp đất nước, khiến họ đôi khi xung đột với Đức Giáo Hoàng Phanxicô và phần lớn thế giới Công Giáo.

Những thay đổi không xảy ra ở khắp mọi nơi. Vẫn còn rất nhiều giáo xứ cấp tiến, nhiều giáo xứ tự coi mình là người trung dung. Bất chấp ảnh hưởng ngày càng tăng của họ, những người Công Giáo bảo thủ vẫn là thiểu số.

Tuy nhiên, những thay đổi mà chúng mang lại là không thể không lưu ý.

[Nhiều thế hệ người Công Giáo Hoa Kỳ đang nhường chỗ cho những người theo tôn giáo bảo thủ, những người tin rằng giáo hội đã bị bóp méo bởi sự thay đổi. Nó đã định hình lại các giáo xứ và trường đại học trên khắp đất nước, khiến chúng đôi khi trở nên mâu thuẫn với phần lớn thế giới Công Giáo. (Video AP/ Jessie Wardarski)]

Các linh mục tiến bộ từng thống trị Giáo hội Hoa Kỳ trong những năm sau Vatican II hiện đã ở độ tuổi 70 và 80. Nhiều người đã nghỉ hưu. Một số đã chết. Các cuộc khảo sát cho thấy các linh mục trẻ tuổi bảo thủ hơn nhiều.

Linh mục John Forliti, 87 tuổi, một linh mục đã nghỉ hưu ở Twin Cities, người đã đấu tranh cho dân quyền và cải cách giáo dục giới tính ở trường Công Giáo, cho biết: “Họ nói rằng họ đang cố gắng khôi phục lại những gì mà những người già chúng tôi đã hủy hoại”.

Doug Koesel, một linh mục 72 tuổi thẳng thắn tại Giáo xứ Thiên Chúa Ba Ngôi ở Cleveland, thì thẳng thắn hơn: “Họ chỉ chờ chúng tôi chết mà thôi”.

Tại giáo xứ Thánh Maria Goretti, nơi từng thấm nhuần đặc tính của Công đồng Vatican II, nhiều giáo dân coi những thay đổi này là một lễ cầu hồn (requiem).

Christine Hammond, người có gia đình đã rời giáo xứ khi quan điểm mới tràn vào trường học của giáo xứ và lớp học của con gái bà, cho biết: “Tôi không muốn con gái mình theo đạo Công Giáo. Không, nếu đây là Giáo Hội Công Giáo Rôma đang xuất hiện.”

Nhưng đây không phải là một câu chuyện đơn giản. Bởi vì có rất nhiều người chào đón ngôi nhà thờ mới, cũ này.

Họ thường nổi bật trên các hàng ghế, với đàn ông đeo cà vạt và phụ nữ đôi khi đội khăn trùm đầu có ren, những thứ gần như đã biến mất khỏi các nhà thờ ở Mỹ hơn 50 năm trước. Thông thường, ít nhất một vài gia đình sẽ đến với bốn, năm đứa con hoặc thậm chí nhiều hơn, báo hiệu việc họ tuân thủ lệnh cấm tránh thai của Giáo hội, điều mà hầu hết người Công Giáo Mỹ từ lâu đã vô tình phớt lờ.

Họ thường xuyên xưng tội và tuân thủ nghiêm ngặt các giáo huấn của Giáo hội. Nhiều người khao khát những Thánh lễ mang âm hưởng truyền thống thời Trung Cổ – nhiều tiếng Latinh hơn, nhiều hương trầm hơn, nhiều thánh ca Gregorian hơn.

Ben Rouleau, người gần đây đã lãnh đạo nhóm thanh niên của Nhà thờ Thánh Maria Goretti, cho biết: “Chúng tôi muốn trải nghiệm thanh tao này khác với mọi điều khác trong cuộc sống của chúng tôi”.

Rouleau nói, họ rất vui khi mất liên lạc với một thành phố cấp tiến như Madison.

Rouleau nói, “Về mặt nào đó, nó cực đoan. Chúng tôi đang quay trở lại cội nguồn của Giáo hội.”

Nếu phong trào này nổi lên từ bất cứ đâu, thì đó có thể là một sân vận động bóng đá Denver hiện đã bị phá hủy và một chiếc trực thăng quân sự mượn chở Đức Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II.

Khoảng 500,000 người đã đến Denver vào năm 1993 để tham dự lễ hội Công Giáo Ngày Giới trẻ Thế giới. Khi trực thăng của vị giáo hoàng hạ cánh ngay bên ngoài Sân vận động Mile High, mặt đất rung chuyển vì dậm chân.

Vị giáo hoàng, người có vẻ ngoài giống ông nội nhưng che dấu một sức thu hút mạnh mẽ, và là người được yêu quý vì lòng tốt cũng như sự nghiêm khắc của mình, đã đối đầu với một giáo hội Mỹ được định hình bởi ba thập niên thay đổi cấp tiến.

Nếu giáo hội thường được những người không Công Giáo biết đến nhiều nhất vì phản đối việc phá thai, thì giáo hội này ngày càng trở nên cấp tiến hơn kể từ Công đồng Vatican II. Việc kiểm soát sinh đẻ đã được chấp nhận một cách lặng lẽ ở nhiều giáo xứ và việc xưng tội hầu như không được đề cập đến. Giáo huấn xã hội Công Giáo về tình trạng nghèo đói tràn ngập các giáo hội. Hầu hết các linh mục đã bỏ áo chùng thâm đen để mặc thường phục có cổ kiểu Rôma. Hương và tiếng Latinh ngày càng trở nên hiếm hoi.

Về một số vấn đề, Đức Gioan Phaolô II đồng ý với những người Công Giáo có tư tưởng tự do này. Ngài lên tiếng phản đối hình phạt tử hình và thúc đẩy quyền lợi của người lao động. Ngài không ngừng rao giảng về sự tha thứ – “dòng oxy thanh lọc bầu không khí hận thù”. Ngài đã tha thứ cho kẻ trở thành sát thủ của chính ngài.

Nhưng ngài cũng không khoan nhượng về giáo điều, cảnh báo về sự thay đổi và trấn áp các nhà thần học cấp tiến. Ngài kêu gọi quay trở lại những nghi lễ đã bị lãng quên.

Ngài nói với đám đông tại Thánh lễ cuối cùng ở Denver rằng người Công Giáo “có nguy cơ mất đức tin”, chỉ trích việc phá thai, lạm dụng ma túy và những gì ngài gọi là “rối loạn tình dục”, ám chỉ gần như không che đậy đến việc ngày càng chấp nhận quyền của người đồng tính.

Trên khắp đất nước, giới trẻ Công Giáo nhiệt thành đã lắng nghe.

Các Trung tâm Newman phục vụ sinh viên đại học Công Giáo ngày càng trở nên phổ biến. FOCUS, một tổ chức theo chủ nghĩa truyền thống làm việc tại các trường đại học ở Mỹ cũng vậy. Các phương tiện truyền thông Công Giáo bảo thủ ngày càng phát triển, đặc biệt là mạng truyền hình cáp EWTN, một tiếng nói nổi bật ủng hộ tính chính thống ngày càng gia tăng.

Ngày nay, nước Mỹ Công Giáo bảo thủ có một nhóm người nổi tiếng trực tuyến riêng nhắm vào giới trẻ. Có Nữ tu Miriam James, một nữ tu luôn mỉm cười với áo dòng đầy đủ, nói chuyện cởi mở về những ngày tiệc tùng miệt mài ở trường đại học của mình. Có Jackie Francois Angel, người nói chi tiết thẳng thắn đến kinh ngạc về tình dục, hôn nhân và đạo Công Giáo. Có Mike Schmitz, một linh mục đẹp trai kiểu ngôi sao điện ảnh ở bang Minnesota, người tỏ ra tử tế trong khi vẫn kiên định với tín lý.

Thậm chí ngày nay, các cuộc khảo sát cho thấy hầu hết người Công Giáo Mỹ đều không còn chính thống nữa. Hầu hết đều ủng hộ quyền phá thai. Đại đa số sử dụng biện pháp tránh thai.

Nhưng ngày càng có nhiều người Công Giáo không còn đi nhà thờ nữa.

Năm 1970, hơn một nửa số người Công Giáo ở Mỹ cho biết họ đi lễ ít nhất một lần một tuần. Theo CARA, một trung tâm nghiên cứu liên kết với Đại học Georgetown, đến năm 2022, con số đó đã giảm xuống còn 17%. Trong số thế hệ Thiên niên kỷ, con số này chỉ là 9%.

Ngay cả khi dân số Công Giáo Hoa Kỳ đã tăng lên hơn 70 triệu người, một phần do nhập cư từ Châu Mỹ Latinh, thì ngày càng ít người Công Giáo tham gia vào các nghi lễ quan trọng nhất của Giáo hội. CARA cho biết số lễ rửa tội cho trẻ sơ sinh đã giảm từ 1.2 triệu năm 1965 xuống còn 440,000 vào năm 2021. Các cuộc hôn nhân Công Giáo đã giảm hơn 2/3.

Con số ngày càng thu hẹp có nghĩa là những người ở lại nhà thờ có ảnh hưởng quá lớn so với toàn bộ dân số Công Giáo.

Ở cấp độ quốc gia, những người bảo thủ ngày càng thống trị Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ và giới trí thức Công Giáo. Họ bao gồm tất cả mọi người từ người sáng lập nhà từ thiện của Domino's Pizza cho đến sáu trong số chín thẩm phán Tòa án Tối cao Hoa Kỳ.

Sau đó là chức linh mục.

Một báo cáo năm 2023 của Dự án Công Giáo tại Đại học Công Giáo, dựa trên một cuộc khảo sát với hơn 3,500 linh mục, cho biết các linh mục trẻ được thúc đẩy bởi nền chính trị tự do và thần học cấp tiến, vốn rất phổ biến trong những năm 1960 và 70, đã “gần như biến mất”.

Các linh mục trẻ ngày nay có nhiều khả năng tin rằng Giáo hội đã thay đổi quá nhiều sau Vatican II, vướng vào quan điểm đang thay đổi nhanh chóng của Mỹ về mọi điều, từ vai trò của phụ nữ đến người LGBTQ.

Một linh mục trẻ vùng Trung Tây vừa được thụ phong cho biết: “Thực sự không còn nhiều người cấp tiến trong các chủng viện nữa. Ngài nói với điều kiện giấu tên vì tình trạng hỗn loạn đang bao trùm giáo xứ của ngài sau khi ngài bắt đầu thúc ép có thêm các dịch vụ chính thống. “Họ sẽ không cảm thấy thoải mái.”

Đôi khi, sự chuyển dịch sang tính chính thống diễn ra một cách chậm rãi. Có thể có thêm một chút tiếng Latin được rải rắc vào Thánh lễ, hoặc thỉnh thoảng nhắc nhở đi xưng tội. Có thể đàn guitar sẽ bị loại bỏ trong các buổi lễ tối thứ bảy, hoặc bị loại bỏ hoàn toàn.

Và đôi khi những thay đổi đến như một cơn lốc, chia rẽ các giáo xứ giữa những người khao khát một đạo Công Giáo tôn kính hơn và những người cảm thấy ngôi nhà thiêng liêng của họ đã bị lấy mất.

“Bạn sẽ rời khỏi Thánh lễ với suy nghĩ, 'Chúa ơi! Chuyện gì vừa xảy ra vậy?’” một cựu giáo dân khác tại nhà thờ Thánh Maria Goretti cho biết, gia đình của họ cuối cùng đã rời khỏi nhà thờ, mô tả việc thăng chức cho một mục tử mới vào năm 2021 và đột ngột tập trung vào tội lỗi và xưng tội.

Giống như nhiều cựu giáo dân, ông chỉ nói với điều kiện giấu tên vì lo lắng sẽ làm phiền lòng những người bạn vẫn còn trong giáo xứ. Các giáo sĩ giáo phận đã không trả lời các yêu cầu phỏng vấn.

Ông nói, “Tôi là một người Công Giáo suốt đời. Tôi lớn lên và đi nhà thờ vào mỗi Chúa nhật. Nhưng tôi chưa bao giờ thấy bất cứ điều gì như thế này.”

Quan điểm mới đã tràn khắp nước Mỹ.

Tại các nhà thờ từ Minnesota đến California, giáo dân đã phản đối những thay đổi do các linh mục bảo thủ mới đưa ra. Ở Cincinnati, chuyện xảy ra khi vị linh mục mới từ bỏ nhạc phúc âm và tiếng trống châu Phi. Ở thị trấn nhỏ Bắc Carolina, người ta tập trung nhiều vào tiếng Latinh. Ở phía đông Texas, đó là một giám mục cánh hữu bị Vatican trục xuất sau khi cáo buộc Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô phá hoại các tín lý của Giáo hội.

Mỗi cuộc đụng độ có thể giống như một cuộc giao tranh nữa trong các trận chiến văn hóa và chính trị đang xé nát nước Mỹ.

Nhưng phong trào, dù gọi là bảo thủ hay chính thống hay truyền thống hay đích thực, có thể khó xác định.

Nó bao gồm từ những người Công Giáo muốn có thêm hương xông, cho đến những tín hữu gắn bó với Thánh lễ Latinh đã mang trở lại những lời cầu nguyện cổ xưa có đề cập đến “người Do Thái phản bội”. Có những người theo chủ nghĩa sinh tồn cánh hữu, những nhà trừ quỷ nổi tiếng, những nhà bảo vệ môi trường và một số ít những người gần như theo chủ nghĩa xã hội.

Có hãng tin Công Giáo chỉ trích “đoàn tùy tùng độc ác” của Vatican và vị linh mục ở thị trấn nhỏ Wisconsin, người đã lần theo dấu vết của Covid-19 theo một lời tiên tri hàng thế kỷ và cảnh cáo về chế độ độc tài đang rình rập. Gần đây có “Buổi cầu nguyện Công Giáo dành cho Trump”, một bữa ăn tối trị giá 1,000 USD một chỗ ngồi tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của cựu tổng thống, với sự góp mặt của một loạt các nhà lý thuyết âm mưu.

Tuy nhiên, phong trào chính thống cũng có thể giống như một mớ hỗn độn gồm tha thứ và cứng ngắc, trong đó việc nhấn mạnh đến lòng thương xót và lòng nhân hậu trộn lẫn với những lời cảnh cáo về sự vĩnh cửu trong hỏa ngục.

Đứng trên sự chia rẽ ở Mỹ là Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, người đã thúc đẩy giáo hội hoàn cầu trở nên hòa nhập hơn, ngay cả khi ngài tuân theo hầu hết các tín điều.

Phong trào chính thống đã theo dõi ngài một cách lo lắng ngay từ những ngày đầu tiên nhậm chức giáo hoàng, tức giận trước những quan điểm tự do hơn của ngài về các vấn đề như quan hệ đồng tính và ly hôn. Một số bác bỏ ngài hoàn toàn.

Và Đức Giáo Hoàng rõ ràng lo lắng về nước Mỹ.

Giáo hội Hoa Kỳ có “thái độ phản động rất mạnh mẽ”, ông nói với một nhóm tu sĩ Dòng Tên vào năm ngoái. “Nhìn lại quá khứ là điều vô ích.”

Bạn có thể tìm thấy tầm nhìn mới này về nước Mỹ Công Giáo tại các Thánh lễ Latinh ở Milwaukee, những hàng ghế đông đúc người đến thờ phượng ngay cả vào buổi trưa các ngày trong tuần. Nó diễn ra trong các hội nghị được tổ chức ở xứ sở rượu vang California, tại các giáo xứ được hồi sinh ở Tennessee và các nhóm cầu nguyện ở Washington, D.C.

Và nó có mặt tại một trường đại học nhỏ ở Kansas được xây dựng trên một sườn dốc phía trên sông Missouri.

Thoạt nhìn, không có gì bất thường về trường Cao đẳng Benedictine.

Học sinh lo lắng về những bài luận chưa hoàn thành và sự phức tạp của việc hẹn hò. Họ mặc quần short ngắn vào những buổi chiều mùa thu ấm áp. Bóng đá là chuyện rất lớn. Đồ ăn ở căng tin ở mức trung bình.

Nhưng hãy nhìn sâu hơn.

Bởi vì ở Cao đẳng Benedictine, lời giảng dạy của Công Giáo về tránh thai có thể lẻn vào các bài học về Pla-tông, và không ai ngạc nhiên nếu bạn tình nguyện cầu nguyện lúc 3 giờ sáng. Nội dung khiêu dâm, quan hệ tình dục trước hôn nhân và tắm nắng trong trang phục đồ bơi đều bị cấm.

Nếu những quy tắc này có vẻ giống như những giới luật của thời xa xưa, điều đó vẫn không ngăn được sinh viên đổ xô đến các trường như Benedictine và các trường Công Giáo bảo thủ khác.

Vào thời điểm tuyển sinh đại học ở Hoa Kỳ đang bị thu hẹp, sự mở rộng của Benedictine trong 15 năm qua đã bao gồm bốn ký túc xá mới, một phòng ăn mới và một trung tâm học thuật. Một thư viện mới rộng lớn đang được xây dựng. Tiếng gầm của thiết bị xây dựng dường như không bao giờ dừng lại.

Số người ghi danh hiện nay là khoảng 2,200, đã tăng gấp đôi sau 20 năm.

Các sinh viên, nhiều người trong số họ lớn lên trong các gia đình Công Giáo bảo thủ, gọi đùa đó là “bong bóng Benedictine”. Và nó có thể là cánh cửa dẫn tới tương lai của Giáo Hội Công Giáo ở Mỹ.

Ở một nước Mỹ thế tục sâu sắc, nơi mà một nền văn hóa luôn thay đổi không đưa ra được nhiều câu trả lời tuyệt đối, thì cao đẳng Benedictine mang lại sự bảo đảm về sự rõ ràng.

John Welte, sinh viên năm cuối chuyên ngành kinh tế và triết học, cho biết: “Rõ ràng là không phải tất cả chúng tôi đều đồng ý về mọi thứ. Nhưng tôi có thể nói rằng mọi người đều hiểu được sự thật.”

“Có một số điều bạn có thể biết trong đầu: Điều này đúng và điều này sai.”

Đôi khi, người dân ở đây lặng lẽ thừa nhận, mọi chuyện đã đi quá xa. Giống như những sinh viên lớn tiếng tuyên bố họ tham dự Thánh lễ thường xuyên như thế nào, hay chàng trai trẻ bỏ lớp học cổ điển vì không chịu đọc các tác phẩm của những người ngoại đạo Hy Lạp cổ thời.

Rất thường xuyên, cuộc nói chuyện ở đây lặp lại những tác phẩm thế kỷ 13 của Thánh Tôma Aquinô, người tin rằng Thiên Chúa có thể được tìm thấy trong sự chân, thiện và mỹ. Họ nói, đôi khi điều đó có nghĩa là tìm thấy Thiên Chúa trong những giáo lý nghiêm ngặt về tình dục. Đôi khi trong vẻ đẹp ám ảnh của những bài thánh ca Gregorian.

Madeline Hays, sinh viên năm cuối chuyên ngành sinh học 22 tuổi trầm ngâm, cho biết: “Đó là sự đổi mới của một số điều thực sự rất tốt mà chúng ta có thể đã đánh mất”.

Cô rất coi trọng các quy tắc của Giáo hội, từ quan hệ tình dục trước hôn nhân đến xưng tội. Cô không thể chịu được kiến trúc nhà thờ hiện đại. Cô đang nghiêm túc xem xét việc trở thành một nữ tu.

Nhưng cô cũng lo lắng về tình trạng nghèo đói và sự lãng phí của nước Mỹ cũng như cách người Mỹ - bao gồm cả cô - có thể thấy mình bị rơi vào tình trạng chia rẽ chính trị mà không hề hay biết.

Cô vật lộn với niềm tin của mình vào một học thuyết Công Giáo đúng đắn có thể coi những người tốt, kể cả một số bạn bè của cô, là tội nhân.

Tuy nhiên, cô không muốn thay đổi.

Cô nói: “Giáo hội sẽ không còn là Giáo hội nếu nó thay đổi những điều nó đã đặt ra như ‘Đây là tín lý không thể sai lầm và điều này sẽ không thay đổi qua các thời đại’”.

Họ hiểu điều đó trong cộng đồng đồng tính nhỏ bé, hầu hết khép kín của Cao đẳng Benedictine. Giống như chàng trai trẻ, từng rất sùng đạo, phải chịu đựng trong im lặng khi mọi người trong khuôn viên trường vô tình phóng ra những lời gièm pha chống đồng tính nam.

Anh đã nhiều lần nghĩ đến việc rời đi, những khoản hỗ trợ tài chính hào phóng đã giữ anh ở lại. Và sau nhiều năm, anh đã chấp nhận giới tính của mình.

Anh đã nhìn thấy niềm vui mà mọi người có thể nhận được từ Cao đẳng Benedictine, một số người sẽ quay trở lại Atchison sau khi tốt nghiệp, chỉ để ở gần bên.

Nhưng không phải là anh.

“Tôi không nghĩ mình sẽ quay lại Atchison – không bao giờ.”

Trong nhiều thập niên, các hàng ghế ở Nhà thờ Thánh Maria Goretti chật kín các gia đình thợ ống nước, kỹ sư và giáo sư từ Đại học Wisconsin, chỉ cách đó vài dặm. Nhà thờ là một hòn đảo Công Giáo được gìn giữ cẩn thận, nằm gọn trong những con phố dân cư rợp bóng cây của một trong những thành phố cấp tiến nhất nước Mỹ.

Giống như nhiều giáo xứ khác, nó được hình thành theo lý tưởng của những năm 1960 và 1970. Sự nghèo đói và công bằng xã hội trở nên đan xen chặt chẽ với các bài giảng và đời sống giáo xứ. Người đồng tính cảm thấy được chào đón. Một số điều tuyệt đối về đạo đức của nhà thờ, như lệnh cấm tránh thai, đã trở thành giáo điều bị lãng quên.

Sự thay đổi đến vào năm 2003 với một giám mục mới, Robert C. Morlino, một người bảo thủ thẳng thừng. Nhiều người theo chủ nghĩa cấp tiến nhớ đến ngài như người đã chỉ trích thông điệp chấp nhận trong bài thánh ca hiện đại “All Are Welcome” [tất cả được chào đón].

Người kế nhiệm ngài, Giám mục Donald J. Hying, tránh xa các cuộc tranh cãi công khai. Nhưng theo nhiều cách, ngài lặng lẽ tiếp nối di sản của Morlino, cảnh báo về “tư duy rối rắm của Chủ nghĩa duy Hiện đại”.

Vào năm 2021, Hying đã bổ nhiệm Linh mục Scott Emerson, một phụ tá hàng đầu của Morlino một thời, làm mục tử của nhà thờ Madison.

Giáo dân theo dõi - một số hài lòng, một số không thoải mái - khi ngôi nhà thiêng liêng của họ được tu sửa.

Có nhiều hương xông hơn, nhiều tiếng Latinh hơn, nhiều cuộc nói chuyện về tội lỗi và xưng tội hơn.

Các bài giảng của Emerson không phải toàn là lửa và diêm sinh. Ngài thường nói về sự tha thứ và lòng cảm thương. Nhưng giọng điệu của ngài đã gây sốc cho nhiều giáo dân lâu năm.

Ngài nói trong một buổi lễ năm 2023 rằng cần phải có sự bảo vệ khỏi “sự tha hóa tinh thần của những tệ nạn trần thế”. Ngài đã cảnh cáo chống lại những người chỉ trích – “những người vô thần, nhà báo, chính trị gia, những người Công Giáo sa ngã” – ngài nói đang phá hoại Giáo hội.

Đối với một số người, những thay đổi của Linh mục Emerson được hoan nghênh.

“Rất nhiều người trong chúng tôi đã nói, 'Này, hãy xưng tội thêm đi! Cưng!" Rouleau, người điều hành nhóm thanh niên của giáo xứ, cho biết. “Âm nhạc hay hơn!”

Nhưng giáo xứ – vào giữa năm 2023 đã trở thành một phần của “mục vụ” hai nhà thờ trong bối cảnh tái cơ cấu toàn giáo phận – đang bị thu hẹp nhanh chóng.

Trong nhiều thập niên, nhiều người Công Giáo truyền thống đã tự hỏi liệu Giáo hội có – và có lẽ nên – thu hẹp lại thành một cốt lõi nhỏ hơn nhưng trung thành hơn hay không.

Một cách nào đó, đó chính là diện mạo của giáo xứ Thánh Maria Goretti ngày nay. Rouleau cho biết Thánh lễ thứ Sáu lúc 6 giờ 30 sáng ngày càng được giới trẻ ưa chuộng. Nhưng các Thánh lễ Chúa nhật chật kín giờ đây có hàng ghế trống. Số tiền quyên góp đang giảm. Ghi danh vào trường sụt giảm.

Một số người ra đi đã đến các giáo xứ cấp tiến hơn. Một số gia nhập các nhà thờ Tin lành. Một số đã bỏ tôn giáo hoàn toàn.

Hammond, người phụ nữ đã rời đi khi trường học của nhà thờ bắt đầu thay đổi, nói: “Tôi không còn là người Công Giáo nữa. Một chút cũng không."

Nhưng Linh mục Emerson khẳng định những người chỉ trích Giáo Hội Công Giáo sẽ được chứng minh là sai.

“Có bao nhiêu người đã cười nhạo Giáo hội, tuyên bố rằng Giáo hội đã qua đời, ngày tháng của Giáo hội đã qua và họ sẽ chôn cất Giáo hội?” ngài nói thế trong Thánh lễ năm 2021.

Ngài nói, “Giáo hội đã chôn cất tất cả những người đảm nhận việc chôn cất”






⛪⛪⛪⛪⛪






Công tố viên bác bỏ vụ án linh mục người Pháp nói quan hệ đồng giới là tội lỗi

Linh mục người Pháp Matthieu Raffray tiết lộ rằng văn phòng công tố Paris đã bác bỏ một vụ án khởi xướng chống lại ngài vì tuyên bố rằng quan hệ đồng giới là một tội lỗi và gọi đồng tính luyến ái là “sự yếu đuối”.

Trong một tài liệu pháp lý gửi đến vị linh mục và được ngài chia sẻ vào ngày 26 tháng 4, công tố viên tuyên bố rằng “vào ngày 19 tháng 3, phái đoàn liên bộ về cuộc chiến chống phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa bài Do Thái và sự thù hận chống LGBT đã đến văn phòng công tố Paris” liên quan đến “ hai bài đăng được thực hiện trên tài khoản X (Twitter) và Instagram của cha” vào Tháng Giêng và tháng 3.

Vị linh mục của Tu Hội Mục tử Nhân lành – được thành lập năm 2006 tại Rôma để “bảo vệ và phổ biến truyền thống Công Giáo dưới mọi hình thức”, theo trang web của hiệp hội đời sống tông đồ này – đã đăng một bình luận vào cuối Tháng Giêng trên X về “liệu pháp chuyển đổi”.

“Góc LGBT” đã hỏi trong một bài đăng chế giễu ngày 28 Tháng Giêng trên X rằng liệu “một người có thể nhận được liệu pháp chuyển đổi với giá 10 euro ở Pháp hay không. Đó là điều mà Cha LeCoq ám chỉ về người mà tôi đã liên hệ để giúp đỡ con trai tôi mắc chứng 'khuynh hướng đồng tính'. Ngài hướng dẫn tôi đến khóa tu 'Trở thành đàn ông' sẽ được tổ chức lần nữa ở Annecy.”

Để đáp lại, Cha Raffray đã viết: “Mọi khóa tu tâm linh đều là liệu pháp chuyển đổi. Kể từ khi bắt đầu đạo Công Giáo, các Kitô hữu đã rút lui khỏi thế giới để tìm đến Chúa để trở nên tốt hơn” và chỉ trích “sự thiếu hiểu biết trắng trợn” và cách thức hoạt động của vận động hành lang LGBT.

Vào ngày 15 tháng 3, vị linh mục đã đăng một video lên Instagram, trong đó ngài khuyến khích các tín hữu chiến đấu chống lại những điểm yếu của mình.

Trong một video trên Instagram vào tháng 3, Cha Raffray khuyến khích các tín hữu chiến đấu chống lại những điểm yếu của họ, trong số đó là tình trạng đồng tính luyến ái, và nhận xét rằng mỗi người đều có vũ khí riêng để chiến đấu, nhưng ma quỷ thuyết phục mọi người rằng cuộc chiến “quá khó khăn” và vì vậy có chống cự cũng vô ích.

Thông báo pháp lý nêu rõ rằng “sau khi xem xét cẩn thận các nhận xét” của vị linh mục “có vẻ như không có bất kỳ vi phạm nào đủ đặc trưng để biện minh cho bất kỳ thủ tục hình sự nào chống lại ngài”.

“Vì vậy,” tài liệu kết luận, “quá trình này đã bị bác bỏ.”

Cha Raffray chỉ ra rằng “những bình luận mà tôi đưa ra không thuộc phạm vi của pháp luật”.

“Tôi cầu nguyện cho đối phương của mình và tôi cảm ơn tất cả những người đã ủng hộ tôi,” ngài nói thêm.

Cha Matthieu Raffray là ai?

Cha Raffray là một linh mục người Pháp nổi tiếng, người có hoạt động tông đồ ngày càng tăng trên internet và phương tiện truyền thông xã hội, đặc biệt nhắm đến những người trẻ nói tiếng Pháp.

Ngài có hơn 60.000 người theo dõi trên Instagram, hơn 22.000 trên YouTube và hơn 21.000 trên X.

Ngài là người ủng hộ sự sống và gia đình, đồng thời đã xuất bản các cuốn sách bằng tiếng Pháp như “Huyền thoại và Lời nói dối của Chủ nghĩa Tiến bộ” (2020) và gần đây hơn là “Sự vĩ đại của chiến đấu”, trong đó ông tìm cách trả lời các vấn đề cơ bản và hiện sinh của cuộc sống.

Cha Raffray, 45 tuổi, sinh năm 1979 và là một trong 9 người con. Ngài học toán trước khi được thụ phong linh mục vào năm 2009.

Ngài có bằng tiến sĩ triết học và giảng dạy tại Đại học Giáo hoàng Thánh Thomas Aquinas ở Rôma.

Theo cơ quan truyền thông của Đảng Bảo thủ Âu Châu, ngài trở nên nổi tiếng vào năm 2020 sau cuộc phỏng vấn với YouTuber người Pháp Baptiste Marchais, trong đó ngài bảo vệ việc quay trở lại “Đạo Công Giáo nam tính” và tình cảm yêu nước của các tín hữu Công Giáo.

Giáo Hội Công Giáo dạy gì về đồng tính luyến ái?

Giáo huấn Công Giáo về đồng tính luyến ái được tóm tắt trong các số 2357, 2358 và 2359 của Sách Giáo lý Giáo Hội Công Giáo.

Giáo hội dạy rằng những người đàn ông và phụ nữ có sự hấp dẫn đồng giới “phải được chấp nhận với sự tôn trọng, lòng trắc ẩn và sự nhạy cảm. Cần phải tránh mọi dấu hiệu phân biệt đối xử bất công đối với họ”.

Sách giáo lý lưu ý rằng khuynh hướng đồng tính luyến ái là “rối loạn khách quan” và tạo nên một “thử thách” đối với những người trải qua nó.

Dựa trên Kinh thánh, sách giáo lý khẳng định rằng “các hành vi đồng tính luyến ái về bản chất là rối loạn” và “chúng không xuất phát từ sự bổ sung thực sự về tình cảm và tình dục”. Do đó, “trong mọi trường hợp, chúng không thể được chấp thuận”.

“Những người đồng tính được kêu gọi sống khiết tịnh. Nhờ các nhân đức tự chủ dạy họ tự do nội tâm, đôi khi nhờ sự hỗ trợ của tình bạn vô vị lợi, bằng lời cầu nguyện và ân sủng bí tích, họ có thể và nên dần dần và kiên quyết tiếp cận sự hoàn thiện Kitô giáo”.


Việc phong thánh cho các giáo hoàng có phải là một việc làm chính trị?


Cách đây 10 năm, ngày 27 tháng 4 năm 2014, Đức Phanxicô đã phong thánh cho Đức Gioan-Phaolô II và Đức Gioan XXIII. Nhân dịp kỷ niệm lễ phong thánh này, chúng ta cùng nhìn lại lịch sử của các “thánh giáo hoàng”.

“Phong thánh ngay, Santo Subito!” Ngày 8 tháng 4 năm 2005, hồng y Ratzinger, niên trưởng Hồng y đoàn, người bảo vệ giáo lý cử hành thánh lễ an táng Đức Gioan-Phaolô II, một tiếng hô vang đã xé tung bầu trời Quảng trường Thánh Phêrô. Chưa đầy một tuần sau khi giáo hoàng Gioan-Phaolô II qua đời, giáo dân đòi “phong thánh” ngay cho ngài.

Không phải là không thành công! Chưa đầy 10 năm sau, ngày 27 tháng 4 năm 2014, Đức Phanxicô đã phong thánh cho Đức Gioan-Phaolô II (triều giáo hoàng từ 1978 đến 2005), một thời gian kỷ lục cùng lúc với Đức Gioan XXIII (từ 1858 đến 1963).

Theo cách nói của Vatican, đây được gọi là “ticket” (vé). Phương pháp tập hợp hai giáo hoàng để không bị thiên vị, nhạy cảm này hơn nhạy cảm kia, Đức Gioan XXIII được đánh giá là “nhà cải cách” vì đã mở Công đồng Vatican II (1962-1965) và Đức Gioan-Phaolô II bị cho là “bảo thủ” vì đã tìm cách sửa chữa “những lỗi diễn giải”. Việc phong thánh cho một giáo hoàng luôn có chiều hướng cụ thể và qua “các giáo hoàng thánh thiện”, Giáo hội gởi thông điệp chính trị-thiêng liêng vượt xa ý nghĩa của việc phong thánh thông thường. Điều này đã bắt đầu từ nguồn gốc.

Trong sáu thế kỷ đầu tiên có 73 giáo hoàng được phong thánh

Với bốn giáo hoàng “thánh” từ giữa thế kỷ 20 (Piô X, Phaolô VI, Gioan XXIII, Gioan-Phaolô II) và một chân phước (Gioan-Phaolô I), đôi khi chúng ta có ấn tượng đây là một hiện tượng gần đây. Thật ra việc công nhận sự thánh thiện của các giáo hoàng đã có từ xưa. Trong 2000 năm, gần một phần ba giám mục của Rôma (83 trên 266) được phong thánh. Các vụ phong thánh này ít được biết đến vì đại đa số các giáo hoàng được phong thánh, 73 trong số 83, sống trong sáu thế kỷ đầu tiên, cho đến Đức Gregory I Cả.

Đúng là các giáo hoàng kế vị Thánh Phêrô đều được xem là thánh. Sử gia Roberto Rusconi, tác giả quyển sách tiếng Ý Đức Thánh Cha: sự thánh thiện từ Thánh Phêrô đến Thánh Gioan-Phaolô II (Santo Padre: La santità del papa da san Pietro a Giovanni Paolo II) viết: “Trong ba thế kỷ đầu tiên của kỷ nguyên kitô giáo, các giáo hoàng tử đạo dưới bàn tay của chính quyền la-mã là điều hiển nhiên, dù trên thực tế chỉ có một số trường hợp có thể gọi là tử đạo thực sự và có một độ tin cậy hợp lý.”

Các giáo hoàng đầu tiên được đưa ra để tôn kính là từ thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ 12, một thời kỳ quan trọng với Giáo hội Rôma, sử gia Rusconi viết, “đấu tranh để khẳng định quyền tự chủ của mình trong mối quan hệ với các cường quốc khác, và tính ưu việt của họ với Đế chế Đức”. Tóm lại các giáo hoàng đã đối đầu với các hoàng đế của Đế chế la-mã để biết ai là người đại diện thực sự của Chúa trên trái đất, việc phong thánh cho những người tiền nhiệm của họ bị các hoàng đế la-mã đàn áp là một cách để bảo vệ tự do và quyền tự chủ của Giáo hội.

Ý tưởng về mối liên hệ giữa thánh thiện và chức vụ giáo hoàng

Vì vậy, dần dần trong bối cảnh các cựu giám mục Rôma tử đạo, ý tưởng chung về mối liên hệ giữa sự thánh thiện và thừa tác vụ của giáo hoàng đã được phát triển. Trong thời kỳ cải cách Gregorian này, Giáo hội khẳng định vai trò của giáo hoàng, áp đặt chế độ độc thân của các linh mục – đồng thời với sự độc lập của hàng giáo sĩ cho đến lúc đó vẫn còn phụ thuộc vào quyền lực của “đại giáo dân” giàu có, những người làm mưa làm gió trong các bổ nhiệm – việc xưng “giáo hoàng thánh” là một vấn đề của sự uy tín.

Và đó là bước ngoặt quan trọng mỗi lần có chỉ trích Giáo hội công giáo: chúng ta đã nhìn lại lịch sử các giám mục tử đạo ở Rôma trong những thế kỷ đầu tiên, khuyến khích việc sùng bái các “thánh giáo hoàng”để bảo đảm cho sự vững chắc của thể chế. Tại Công đồng Trent (1545-1563), tập hợp để phản đối cuộc Cải cách Tin lành, lòng sùng kính này đã được khuyến khích. Khi Giáo triều được tổ chức lại, một bộ phong thánh được thành lập, có nhiệm vụ đặc biệt là kiểm tra một số trường hợp của các giáo hoàng.

Trong số các “vụ phong thánh” này chỉ có vụ phong thánh Đức Piô V dòng Đa Minh được ca ngợi vì vai trò của ngài trong Trận Lepanto của hạm đội kitô giáo chống lại người Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện năm 1712. Tác giả Rusconi lưu ý: “Việc mở ra các thủ tục khác có lợi cho các giáo hoàng, vào thời điểm mà những căng thẳng nghiêm trọng đầu tiên đang xuất hiện giữa các tổ chức giáo hội và xã hội hiện đại.” Chúng ta đang ở thế kỷ 18, và Cách mạng Pháp làm sống lại mô típ giáo hoàng bị đàn áp. Câu chuyện Đức Piô VI bị lưu đày ở tuổi 81 năm 1798 sau chiến dịch Ý của Bonaparte, ngài xin được chết ở Rôma nhưng vô vọng làm mọi người đau lòng rơi nước mắt, cũng như chuyện Đức Piô VII bị hoàng đế Pháp bắt làm tù binh.

Thiêng liêng hóa vai trò của giáo hoàng ở thế kỷ 19

Tác giả Rusconi lưu ý: “Những thử thách cá nhân của họ đã đặt nền móng cho uy tín của các giáo hoàng tử đạo gắn liền với con người của các giáo hoàng, điều này không chuyển qua thờ phượng và sùng kính một cách cụ thể, đặc biệt vì những người kế vị họ chỉ quan tâm đến mục tiêu trước mắt là khôi phục quyền lực tạm thời của các giáo hoàng. Nhưng các sự kiện này cũng tạo điều kiện cho người công giáo có một cái nhìn mới về nhân vật giáo hoàng, khi có một cuộc bách hại mới với Giáo hội.”

Cuộc đàn áp mới này đã dẫn đến sự sụp đổ các Quốc gia giáo hoàng năm 1870, sau phong trào Risorgimento, một phong trào dẫn tới sự thống nhất nước Ý và tuyên bố thành lập nền cộng hòa.

Đức Piô IX đã cố gắng chống cự đến cùng, ngài sợ với các lãnh thổ của mình, Giáo hội sẽ mất quyền tự chủ, thấy mình bị giam cầm ở Vatican. Đặc quyền của Giáo hội chỉ còn ở các lãnh vực thiêng liêng và đạo đức. Nhưng số phận của “vị vua” bại trận đã khơi dậy một làn sóng thương xót vô bờ bến trong thế giới công giáo. Hình ảnh của ngài đã đi vào các gia đình.

Sự hội nhập của chiều kích thánh thiện cá nhân

Cho đến lúc đó giáo hoàng chỉ là một nhân vật xa xôi, một chức năng, nhưng giờ đây chúng ta quan tâm đến con người của ngài, sự thánh thiện của giáo hoàng mang chiều kích cá nhân hơn. Nhiều chứng từ cho rằng ngài đã làm phép lành, đến mức sau khi ngài qua đời năm 1878, một số muốn phong thánh cho ngài ngay lập tức. Không thể được, vì vết thương vẫn còn hở giữa nền cộng hòa non trẻ và Giáo hội. Nó chỉ bắt đầu lành khi Hiệp định Lateran được ký kết năm 1929.

Giáo hoàng không còn thực thi quyền lực chính trị của ngài trên lãnh thổ nhưng ngài lại có đôi tay tự do hơn để khẳng định ảnh hưởng ngoại giao mới, không liên quan đến lợi ích quốc gia trước mắt. Trên hết, uy quyền đạo đức và thiêng liêng của ngài được củng cố. Việc thiêng liêng hóa vai trò này bị ép buộc và sau đó được chấp nhận trong giai đoạn căng thẳng mới với quyền lực chính trị và rộng hơn là với tính hiện đại, chuẩn bị cho việc phong thánh các giáo hoàng thánh thiện vào hậu bán thế kỷ 20.

Đức Piô X tập trung vào phụng vụ – thánh lễ la-tinh, đấu tranh chống chủ nghĩa hiện đại, bảo vệ người bản địa Nam Mỹ, được Đức Piô XII phong thánh năm 1954. Một cách tượng trưng, đây là một trong những hành động của ngài, bỏ độc quyền đã từng dành cho các nước Áo, Pháp và Tây Ban Nha để có thể chận một hồng y được bầu lên ngai Thánh Phêrô, tàn tích của cuộc đấu tranh kéo dài hàng thế kỷ của Giáo hội và Đế quốc… 

Có nguy cơ đi quá nhanh…

Nhưng trong hậu bán thế kỷ 20, khi một lần nữa, Giáo hội bị rung chuyển bởi sự toàn cầu hóa và hiện đại hóa, thì chính Đức Gioan Phaolô II, thấm nhuần lòng mộ đạo bình dân của người Ba Lan, ngài mang hào quang lại trong việc phong thánh với danh hiệu “người phong thánh nhiều nhất” (1341 chân phước, 482 thánh). Năm 2000, ngài phong chân phước cho Đức Piô IX, cha đẻ của tín điều bất khả ngộ của giáo hoàng tại Công đồng Vatican I (1869-1870), cùng lúc với Đức Gioan XXIII, cha đẻ của Công đồng Vatican II.

Một “ticket” khác rất chính trị. Như tác giả Rusconi viết, 14 năm sau, việc phong thánh cho Đức Gioan Phaolô II đánh dấu “sự kết thúc của một hành trình đã bắt đầu gần một ngàn năm trước và không chỉ dẫn đến việc thánh hóa chức giáo hoàng trong Giáo hội và trong lịch sử, mà còn với sự thánh thiện cá nhân của giáo hoàng trong việc thực hiện và vì sứ vụ giáo hoàng của ngài là một trùng hợp hoàn toàn.”

Có nguy cơ hành động quá nhanh, được thấy qua những tranh cãi nảy sinh vài năm sau khi phong thánh cho ngài, ngài bị nghi ngờ trong việc quản lý các linh mục lạm dụng ở Ba Lan khi ngài là tổng giám mục Krakow. Đức Phanxicô luôn nhận mình là “người phạm tội nặng” và không muốn gọi ngài là “Đức Thánh Cha”, ngài đã vượt Đức Gioan Phaolô II về việc phong thánh (1522 chân phước, 912 thánh), tiến tới con số kỷ lục là ba lần phong thánh (phong thánh Đức Phaolô VI năm 2018) và một lần phong chân phước cho các giáo hoàng. Một nghịch lý thực sự, dấu hiệu của những nghi ngờ xuyên suốt một thể chế ý thức mình đã đạt đến một bước ngoặt trong mối quan hệ với thế giới và phương thức hoạt động của nó.


Chúng ta thực sự có cần phong thánh cho các giáo hoàng không? 


Bernard  Lecomte, nhà văn và nhà báo. Tác giả quyển Giáo hoàng đã đánh bại chủ nghĩa cộng sản (Pape qui a vaincu le communisme, Perrin-Tempus, 2019) Nhân dịp Đức Gioan-Phaolô I được phong chân phước, nhà báo Bernard Lecomte, chuyên gia về các giáo hoàng tự hỏi điều gì “thúc đẩy có sự vinh danh đặc cách này” và tự hỏi liệu như thế có tốt không, vào lúc mà Giáo hội đang bị thách thức về chủ nghĩa giáo sĩ, làm cho tất cả các giáo hoàng trở thành thánh.

image.png

Rôma, nước Ý ngày 8 tháng 4 năm 2005; Quảng trường Thánh Phêrô trong tang lễ của Đức Gioan-Phaolô II. 

Giáo dân giương biểu ngữ “Santo subito“, phong thánh ngay lập tức để làm vui lòng mọi người giữa rừng cờ Ba Lan (trắng và đỏ). 

 “Phong thánh ngay lập tức!” Chúng ta nhớ đến tiếng dân đã làm cho Đức Bênêđíctô XVI, trong một thời gian kỷ lục đã phong chân phước cho Đức Gioan-Phaolô II, người tiền nhiệm và cũng là bạn của ngài. Vì vậy, không ai đặt vấn đề với giáo hoàng Ba Lan nổi tiếng này là một vị thánh. Câu hỏi nảy sinh mười lăm năm sau, khi vụ lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên trong Giáo hội nổ ra và mọi người tự hỏi một cách hợp pháp về thái độ của Đức Gioan Phaolô II trong vấn đề này – đặc biệt là thái độ đồng tình của ngài với linh mục Maciel Degollado, người sáng lập Binh đoàn Chúa Kitô.

Chúng ta có thể bình tĩnh xem xét hậu trường của một triều giáo hoàng khi người nắm giữ chức vụ này được tuyên bố là “thánh” không? Vấn đề được đặt một cách rộng hơn khi một giáo hoàng phong thánh cho một giáo hoàng khác có xúc phạm đến ký ức về Thánh Gioan Phaolô II không? Một lần nữa câu hỏi lại đặt ra cho Đức Phanxicô khi ngài phong chân phước cho Đức Gioan-Phaolô I đầy thiện cảm và có triều giáo hoàng ngắn ngủi này. Ở đây một lần nữa, không có vấn đề gì khi buông bất cứ lời chỉ trích nào với triều giáo hoàng ngắn ngủi của Albino Luciani, nhưng chúng ta có thể hỏi một cách khách quan, điều gì thúc đẩy sự vinh danh đặc biệt và đặc cách này.

Được bầu lên ngai Thánh Phêrô để lãnh đạo Giáo hội công giáo có phải là một vinh dự ghê gớm được các đồng hữu của mình, trong một mật nghị long trọng bầu mình lên một phẩm chức tối cao đó sao? Có phải là quá dư và không biện minh được khi muốn nâng cao “trên bàn thờ” một giáo hoàng, người đứng đầu Giáo hội hoàn vũ và người kế vị Thánh Phêrô khi ký ức của người này vẫn còn, dù cái gì xảy ra, trong ký ức của loài người đó không?



Nữ Kitô hữu Ả Rập đầu tiên làm viện trưởng một đại học của Israel

Ngày 11/4/2024, trong bối cảnh căng thẳng với Iran và trong khi các cuộc biểu tình chống Israel đang gia tăng tại các trường đại học trên khắp thế giới, Đại học Haifa của Israel đã thông báo giáo sư Mouna Maroun, một nữ Kitô hữu người Ả Rập thuộc nghi lễ Maronite ở Israel, đã được bầu làm viện trưởng của đại học.

Trước đây, chưa từng có người Ả Rập, Kitô hữu hay phụ nữ nào từng giữ chức viện trưởng tại Đại học Haifa. Do đó, trong cuộc phỏng vấn của trang tin CNA, bà Maroun nhận định: “việc bầu chọn tôi là một thông điệp quan trọng rằng mọi thứ đều có thể xảy ra trong giới học thuật Israel. Đó là một thông điệp dành cho thiểu số Kitô giáo rằng chúng ta đã đâm rễ ở đây, rằng chúng ta có thể thành công ở đây; và đó cũng là một thông điệp dành cho các thế hệ trẻ Ả Rập: Nếu bạn có ước mơ, bạn có thể thực sự hiện thực hóa nó trong xã hội Israel và đặc biệt là trong các trường đại học”.

Giáo dục đại học giúp hòa nhập

Giáo sư Maroun là con cháu của một gia đình gốc Libăng di cư đến Israel vào đầu thế kỷ XX. Cha mẹ bà mù chữ nhưng tin rằng học vấn cao sẽ giúp 4 con gái của họ có thể thành công và hòa nhập vào xã hội Israel. Bà Maroun cũng tin như thế. Bà nói: “Tôi luôn tin rằng việc giải phóng người thiểu số Ả Rập ở Israel là thông qua giáo dục đại học. Tôi không tin vào chính trị; tôi tin vào giáo dục đại học”.

Hiện nay, giáo sư Maroun, 54 tuổi, là nhà thần kinh học và chuyên gia nổi tiếng về rối loạn căng thẳng sau chấn thương. Bà đã là giảng viên của trường đại học trong hơn 20 năm và từng là chủ tịch Khoa Sinh học thần kinh và là thành viên của hội đồng học thuật, cùng với các chức vụ khác. Bà sẽ chính thức đảm nhận vai trò viện trưởng trong 4 năm bắt đầu từ tháng 10 năm nay.

Tìm kiếm con đường đối thoại và hòa giải

Đại học Haifa là một trong những trường đại học đa dạng và hòa nhập nhất ở Israel: 45% trong số 17.000 sinh viên đến từ xã hội Ả Rập và 50% tổng số sinh viên là sinh viên thế hệ đầu tiên được giáo dục đại học.

Sinh viên xếp theo các nhóm dân tộc bao gồm người Do Thái, người Hồi giáo, người Druze và Kitô hữu (tổng cộng 15-20 giáo phái tôn giáo khác nhau). Bản thân bà Maroun tự hào về niềm tin tôn giáo của mình và đeo một cây Thánh giá bằng vàng ở cổ.

Giáo sư Maroun nói: “Chúng tôi có cái gọi là phòng thực nghiệm tự nhiên, nơi tất cả các tôn giáo cùng tồn tại và chung sống mà không có căng thẳng. Ngoài ra, Phòng thực nghiệm Nghiên cứu Tôn giáo là một phần của Đại học Haifa, tập trung vào đối thoại liên tôn. Theo bà, trở thành viện trưởng người Ả Rập của một trường đại học Israel sau ngày 7/10/2023 [ngày Hamas tấn công Israel] là một nhiệm vụ đầy thử thách.

Bà Maroun giải thích rằng chuyên môn của bà về chấn thương và não bộ cũng như nền tảng Kitô giáo đã giúp bà phát triển sự nhạy cảm đặc biệt đối với người khác và tìm kiếm con đường đối thoại và hòa giải. Bà nói: “Điều này sẽ đặc biệt quan trọng trong những ngày tháng sắp tới ở Israel”.







Thêm một thánh đường Kitô ở Thổ Nhĩ Kỳ bị biến thành đền thờ Hồi giáo


Trong chiến dịch Hồi giáo hóa của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Recep Erdogan, thêm một thánh đường Kitô cổ kính bị biến thành đền thờ Hồi giáo.


Đó là nhà thờ Chúa Cứu Thế ở Chora, ở phía đông bắc của trung tâm cổ thành Constantinople, nay là Istanbul. Thánh đường này trước kia là một Đan viện Kitô có từ thế kỷ thứ VI và sau được nới rộng với nhà thờ. Sau khi đế quốc Ottoman chiếm thành Constantinople năm 1453, thánh đường bị biến thành đền thờ Hồi giáo cho đến năm 1511. Các bức bích họa diễn tả Chúa Kitô nhập thể làm người như Đấng Cứu Thế bị lấy vôi trát lên trên, nhưng không bị phá hủy.

Sau Thế chiến thứ II, thánh đường được các chuyên gia người Mỹ tu bổ quy mô và từ năm 1945 bị nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ dùng làm bảo tàng viện. Tuy nhiên, quyết định này bị ngưng từ bốn năm nay.

Trang mạng “Chính thống Thời báo” (Orthodox Times) đưa tin: Tổng thống Erdogan đã muốn biến bảo tàng viện này, sau 79 năm sử dụng, thành “đền thờ Hồi giáo Kariye”. Tuy nhiên, các bích họa trong thánh đường không bị quét vôi hoặc vật liệu khác đè lên trên, nhưng sẽ được che phủ bằng một tấm thảm màu đỏ.

Hồi tháng Tám năm 2020, chính phủ của Tổng thống Erdogan tuyên bố hợp đồng năm 1958 về việc sử dụng thánh đường nổi tiếng Hagia Sophia như bảo tàng viện là vô hiệu lực, đồng thời biến thành đền thờ Hồi giáo. Đức Thượng phụ Bartolomaios, Giáo chủ Chính thống Constantinople, mạnh mẽ phản đối.

Tuy hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ, có từ khi Kemal Ataturk lập quốc, chính thức tuyên bố là trung lập về tôn giáo, nhưng các tôn giáo thiểu số, ngoại trừ Hồi giáo Sunnit, luôn bị kỳ thị. Ví dụ, họ không được nhà chức trách tôn giáo của chính phủ tài trợ.


Chủ tịch Hội đồng Rabbi Âu châu: Nạn bài Do thái tăng chưa từng có


Chủ tịch Hội đồng các Rabbi Do thái Âu châu, Rabbi Goldschmidt, tố giác rằng trào lưu bài Do thái gia tăng chưa từng có tại đại lục này. Vụ tấn công của Hamas chống Israel, ngày 07 tháng Mười năm ngoái khiến cho vấn đề an ninh bản thân trở thành vấn đề quan trọng nhất đối với người Do thái.

Rabbi Goldschmidt được trao tặng giải thưởng nổi tiếng Charlemagne, ngày 09 tháng Năm vừa qua, tại thành phố Aachen bên Đức, cùng với các cộng đồng Do thái Âu châu.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Công giáo Đức KNA, hôm mùng 07 tháng Năm vừa qua, Rabbi Goldschmidt nhận định rằng hậu quả cuộc tấn công ngày 07 tháng Mười năm ngoái của Hamas, khuyến khích nhiều người bài Do thái tổ chức các cuộc bố ráp mới chống người Do thái, vì họ nghĩ rằng người Do thái không hùng cường. Theo Rabbi, tương lai của người Do thái tại Âu châu phần lớn tùy thuộc chính Âu châu. Và Rabbi Goldschmidt nhìn nhận rằng các chính phủ thuộc Liên hiệp Âu châu đã phản ứng tốt đối với biến cố ngày 07 tháng Mười năm 2023, qua việc bảo vệ các cộng đoàn Do thái, trong tư cách là người bảo đảm một Âu châu đa nguyên, dân chủ. Tuy nhiên, thật là điều gây phiền toái vì trào lưu bài Do thái gia tăng, “càng ngày người ta càng có thái độ thù nghịch của tả phái cực đoạn đối với Israel và ngày càng có những người Hồi giáo công khai bài Do thái”.

Trong cuộc phỏng vấn, Rabbi Goldschmidt than phiền vì sự thiếu ủng hộ của xã hội và các tổ chức tôn giáo, và ông kêu gọi tiếp tục đối thoại liên tôn. Theo Rabbi, sự trao đổi và tình liên đới thực là quan trọng trong lúc này, và Rabbi coi giải thưởng Charlemagne “là một dấu hiệu ủng hộ quan trọng và liên đới đối với các cộng đồng Do thái” và nhìn nhận công việc đã làm.

Hội đồng các Rabbi Do thái do Rabbi Goldschmidt làm Chủ tịch hiện qui tụ khoảng 800 Rabbi chính thống tại Âu châu và có trụ sở tại Munich, nam Đức. Rabbi Goldschmidt năm nay 61 tuổi (1963), sinh tại Zurich, Thụy Sĩ, làm Chủ tịch Hội đồng này từ 13 năm nay (2011). Ông nguyên là Rabbi trưởng tại Mascơva bên Nga. Sau khi Nga xâm lăng Ucraina, ông di cư sang Israel.

Giải thưởng Charlemagne được thành lập năm 1950 và được trao tặng cho những nhân vật và tổ chức nổi bật trong việc đóng góp cho sự thống nhất Âu châu. Giải thưởng mang tên Hoàng đế Charlemagne (742-814) là người đầu tiên cổ võ một Âu châu thống nhất và đã chọn thành Aachen, là kinh đô ưu tiên của ông. Năm ngoái, giải này được tặng cho Tổng thống Zelensky của Ucraina.

Reply all
Reply to author
Forward
0 new messages