Để rộng đường dư luận về hiện tượng (Thích) Minh Tuệ | Lê Tuấn

25 views
Skip to first unread message

Minh Nguyen Quang

unread,
May 26, 2024, 7:48:10 PMMay 26
to alphonsefamily, giaitri
ĐỂ RỘNG ĐƯỜNG DƯ LUẬN VỀ HIỆN TƯỢNG (THÍCH) MINH TUỆ

 

Trên mạng xã hội thời gian vừa qua rộ lên câu chuyện về nhà sư Thích Minh Tuệ. Các mỹ từ dành cho nhà sư rất nhiều, bên cạnh đó cũng có những ý kiến chê bai.

 

Hà Vân xem đây là một hiện tượng trong tôn giáo ở Việt Nam và định im lặng để bày tỏ sự tôn trọng cách tu của ông, song có một vài bạn bè hỏi, nên trả lời ở đây.

 

Có thể xem thêm quan điểm của Hà Vân về tôn giáo trong một bài viết trước đó:

https://www.facebook.com/hathanhvanaliceirisdevi/posts/8288355184511245

 

HIỆN TƯỢNG TÔN GIÁO THÍCH MINH TUỆ TỪ MỘT SỐ GÓC NHÌN

(Hà Thanh Vân)

 

GÓC NHÌN TỪ CÁC CÔNG TY KINH DOANH PHẬT GIÁO Ở VIỆT NAM

 

Vì sao nhà sư Thích Minh Tuệ trở thành một hiện tượng mạng xã hội, được nhiều người tôn sùng, gọi là Đức Ngài, mong hiển thánh…? Đơn giản là vì họ tìm thấy ở hình ảnh của nhà sư những điều mà họ nghĩ và mong ước về Phật giáo. Đó là một Phật giáo chưa có bóng dáng của những ngôi chùa không khác mấy với các công ty kinh doanh.

 

Không đề cập đến đạo Phật như là một tôn giáo chính của dân tộc Việt, không đề cập đến những ngôi chùa có bề dày lịch sử hàng ngàn năm, hàng trăm năm, không đề cập đến những giáo lý cốt tủy của đạo Phật, tôi chỉ muốn nói về những ngôi chùa đình đám mới xây hiện nay, thu hút nhiều tín đồ đến cầu cúng.

 

Thường những ngôi chùa mới xây là dựa trên một nền chùa cổ, cũ có sẵn, sau đó xây mới lại toàn bộ như chùa Bái Đính, Tam Chúc, Ba Vàng… Trong khi chùa mới tấp nập khách đến hành hương thì ngôi chùa cũ có lịch sử lâu đời dường như bị lãng quên. Chẳng hạn bây giờ các đoàn khách tấp nập đến chùa Bái Đính xây hoành tráng với nhiều kỷ lục, mà ít ai biết đến ngôi chùa Bái Đính cổ có lịch sử ngàn năm tuổi nằm cách chùa mới chỉ 800m. Điều gì đã khiến người ta lãng quên những ngôi chùa cổ mà tấp nập đổ xô đến những ngôi chùa mới? Tôi nghĩ điều này hẳn là do chùa mới không chỉ là chùa, mà chính là những công ty kinh doanh Phật giáo, kinh doanh tâm linh.

 

Nhiều ngôi chùa mới xây đồ sộ là do các đại gia tư nhân bỏ tiền ra xây. Nhưng thấp thoáng bóng dáng đằng sau những ngôi chùa ấy là một số quan chức to. Sự cấu kết giữa tư bản tư nhân và những quan chức hay còn gọi là tư bản đỏ đã khiến cho nhiều ngôi chùa nhỏ bé được xây dựng mới, nay trở nên hoành tráng nhất Đông Nam Á, nhất Châu Á, nhất thế giới. Không phải ngẫu nhiên mà vào những ngôi chùa ấy, chúng ta thấy nhiều hình ảnh của các quan chức, là ảnh chụp, là trồng cây lưu niệm, là cúng dường, là biển tên trang trọng... Chỉ có sự cấu kết chặt chẽ với một số quan chức, thì mới có thể giải thích được hiện tượng biến đất công, tài sản quốc gia thành chùa chiền.

 

Vậy sự cấu kết đó để làm gì? Để thu lợi, tất nhiên rồi. Chuyện sư trụ trì chùa Hương với những bao tải tiền gửi ngân hàng sau mỗi mùa lễ hội thành chuyện đình đám mấy năm trước trên mạng là một minh chứng. Chính vì vậy tôi gọi những ngôi chùa đó là các công ty, thậm chí là các siêu công ty kinh doanh Phật giáo.

Các công ty chùa đó kinh doanh điều gì? Kinh doanh dựa trên những niềm tin mù quáng của dân chúng. Thay vì đi giảng giáo lý, thay vì đi thực hành đạo, các ngôi chùa đó đã biến tướng, trở thành nơi truyền bá mê tín dị đoan.

 

Ai tiếp tay cho sự kinh doanh đó? Tất nhiên ngoài những vị sư trụ trì cụ thể mà miệng nam mô, bụng một bồ dao găm, còn có trách nhiệm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Giáo hội Phật giáo Việt Nam phải chịu trách nhiệm về những ngôi chùa đó, không thể thờ ơ, dung dưỡng, nhận tiền rồi im lặng. Và những quan chức, lãnh đạo nấp bóng sau những ngôi chùa đó cũng không thể nhập nhằng giữa tôn giáo và chính trị, dùng quyền lực của mình để kinh doanh tôn giáo. Ngoài ra một bộ phận truyền thông, báo chí chuyên đi xưng tụng, đăng quảng cáo cho những ngôi chùa kinh doanh Phật giáo đó, cũng phải chịu trách nhiệm.

 

Ai là nạn nhân của những công ty kinh doanh Phật giáo đó? Chính là nhân dân, là những người dân thường. Họ bị các nhà sư đầu độc bằng những giáo lý hoang đường, gieo rắc sự mê tín dị đoan, bị lợi dụng bởi sự thiếu hiểu biết, bị cái vòng hào quang tôn giáo mê hoặc. Nạn nhân còn là chính đạo Phật, từ một tôn giáo là nơi nâng đỡ tinh thần của hàng trăm triệu tín đồ trên thế giới, với những giáo lý cao đẹp, trở thành một tôn giáo bị mang tiếng xấu bởi một số ít kẻ trục lợi.

 

Và cuối cùng, quan trọng là số tiền thu lợi được từ quần chúng nhân dân sẽ chảy vào túi những ai? Điều này thì tôi nghĩ bất cứ ai trong số chúng ta đều có câu trả lời.

 

Các ngôi chùa to lớn mới xây ấy, thực chất là những công ty kinh doanh Phật giáo. Các nhà sư trụ trì đóng vai trò giám đốc điều hành, núp bóng phía trên là hội đồng quản trị gồm những tư bản đỏ tư nhân và quan chức. Lợi nhuận của công ty là siêu lợi nhuận và không chịu bất cứ sự kiểm soát nào. Họ không chỉ là công ty mà còn trên cả các công ty vì không phải đóng thuế, không phải kiểm toán, không phải đóng bảo hiểm xã hội, không phải trả lương cho người lao động, không phải về hưu... Tất cả đều được kinh doanh dựa trên những niềm tin mù quáng.

 

Điều gì đã khiến cho các công ty kinh doanh Phật giáo nảy nở như nấm sau mưa? Tất nhiên không chỉ dựa vào niềm tin của dân chúng, mà điều chính yếu là được dung dưỡng, bao che, khuyến khích phát triển. Tôn giáo gắn kết với quyền lực của một số quan chức, chỉ có thể là sự mưu cầu lợi ích cá nhân, chứ không thể là tôn giáo theo đúng nghĩa tốt đẹp của nó.

 

Hình ảnh nhà sư Thích Minh Tuệ dường như trái ngược lại với thực trạng của nhiều ngôi chùa với những nhà sư kinh doanh tâm linh rất giỏi. Nên nhà sư Thích Minh Tuệ mau chóng được nhiều người tôn sùng cũng là điều dễ hiểu. Việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra một văn bản chỉ góp phần làm… nhiều người phản ứng. Ngày 16/5/2024, thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, gửi công văn đến Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố khẳng định "sư Thích Minh Tuệ" không phải là tu sĩ Phật giáo, không tu tập và không là nhân sự của bất cứ ngôi chùa, cơ sở tự viện nào của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Thật ra thì các tôn giáo trên thế giới ngoài giáo lý mang ý nghĩa tinh thần thì có các tổ chức mà tôi gọi là hình thức quản lý thế tục của tôn giáo, chẳng hạn như Công giáo có Tòa thánh Vatican hay còn gọi là Giáo triều Roma. Giáo hội Phật giáo Việt Nam là thiên về quản lý, tổ chức và sự tồn tại của nó là có lý do hợp lý. Tuy nhiên, cũng do Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiều năm nay có những thành viên mang tai tiếng và không xử lý rốt ráo, do vậy cái văn bản ra chỉ làm phản tác dụng. Nếu Giáo hội Phật giáo viết công văn như thế này có lẽ sẽ ít bị phản đối hơn, đại loại như: “Sư Thích Minh Tuệ không phải là tu sĩ thuộc giáo hội Phật giáo Việt Nam và không thuộc chịu sự quản lý của giáo hội... Tuy nhiên, bất kỳ ai cũng có quyền tu tập hay thực hành tín ngưỡng Phật giáo v.v...".

 

GÓC NHÌN CỦA CÁ NHÂN TÔI

 

Với tôi, trong tôn giáo, điều quan trọng nhất là những tư tưởng bác ái, hướng thiện, khuyến khích làm điều tốt và bản thân mình làm theo những điều ấy, còn mọi nghi lễ cầu cúng chỉ là lớp vỏ hình thức bề ngoài. Với Phật giáo, Công giáo, Hồi giáo và các tôn giáo khác cũng vậy, tôi chú trọng những tư tưởng mà tôn giáo đó đề xướng và kêu gọi con người thực hành.

 

Mặt khác, bản thân là người ham mê du lịch theo hướng văn hóa – lịch sử, cộng với chút tò mò về những hiện tượng văn hóa, tôn giáo của xã hội xung quanh mình, tôi đã có dịp thăm viếng hầu hết các ngôi chùa nổi tiếng ở Việt Nam, từ Nam ra Bắc, từ Phật giáo Tiểu thừa đến Đại thừa và Kim cương thừa. Tôi cũng đã đến những quốc gia có đạo Phật phát triển hay tôn đạo Phật làm quốc giáo như vùng đất Tây Tạng, Ấn Độ, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, … Ở Việt Nam tôi thăm viếng những ngôi cổ tự hàng ngàn năm, gắn liền với những đặc trưng văn hóa của dân tộc Việt và cũng có cả những ngôi chùa giàu có mới được xây dựng như Bái Đính, Tam Chúc, Ba Vàng… Tôi đi chùa không phải để thực hành nghi lễ, không phải để cầu cúng điều gì mà để quan sát chùa như là quan sát một hiện tượng văn hóa và tôn giáo.

 

Tôi quan niệm, với tôn giáo, điều quan trọng là mình hiểu được và làm được theo những gì mà giáo lý tôn giáo đó truyền dạy. Chứ còn những hình thức như thắp hương, đọc kinh, cầu nguyện… của các tôn giáo chỉ là những lớp vỏ nghi lễ bên ngoài. Tôn giáo rất khác với nhà thờ, nhà chùa. Tư tưởng tôn giáo giúp con người hành thiện, soi chiếu tinh thần con người song nhà thờ, nhà chùa là hình thức thế tục của tôn giáo, bắt con người phải tuân theo nghi lễ này nọ. Tôi nghĩ quan trọng là tâm của mình tốt hay không, quan trọng là mình có làm theo tư tưởng của tôn giáo hay không chứ không phải cứ năng đi lễ chùa, ăn chay, đi nhà thờ… thì mới đắc đạo. Tinh thần của Phật giáo nguyên thủy theo thời gian đã thêm những định chế ràng buộc về phương cách tu hành và chính những định chế thế tục này lại trói buộc chứ không phải giải thoát con người.


Cho nên với những tranh cãi trên mạng về cách tu của nhà sư Thích Minh Tuệ, tôi cho là sự “chấp mê” đối với đạo Phật, không hiểu được tư tưởng nguyên thủy của Đức Phật Thích Ca. Lời dạy của Đức Phật trong kinh Trường bộ (kinh Đại bát Niết bàn, số 16): “Hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một cái gì khác. Dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một cái gì khác” là một minh chứng cho thấy việc tu hành là phải dựa vào bản thân và vào Phật pháp.

 

Theo sự phát triển của thời gian, đạo Phật có nhiều nhánh rẽ, nhiều phương cách tu hành để đạt tới giác ngộ, giải thoát. Nhân tu vạn hạnh, ai tu theo hạnh nào trong đạo Phật cũng đều đáng quý, đáng kính trọng, miễn phải giữ phẩm giới. Do vậy, chỉ nên xem cách tu của nhà sư Thích Minh Tuệ là một trong những phương cách tu hành của tín đồ Phật giáo. Không nên thần thánh hóa quá mức hay dành cho nhà sư Thích Minh Tuệ quá nhiều mỹ từ xưng tụng.

 

Và tôi, tôi tâm đắc với bài kệ của thiền sư Quảng Nghiêm đời Lý trong sách “Thiền uyển tập anh” đầy tinh thần “phá chấp”:

 

Ly tịch phương ngôn tịch diệt khứ,

Sinh vô sinh hậu thuyết vô sinh.

Nam nhi tự hữu xung thiên chí,

Hưu hướng Như Lai hành xứ hành.

(Lìa tịch diệt mới có thể bàn chuyện đi vào cõi tịch diệt

Sinh vào cõi vô sinh rồi sau đó mới có thể bàn đến chuyện vô sinh

Làm trai phải tự mình có chí xông lên trời thẳm

Đừng có bước đi theo con đường Như Lai đã đi)

 

Lưu ý là hai câu cuối đã được ghi chép từ rất lâu trong các bộ Ngữ lục Thiền tông Trung Quốc, chứ không hẳn do thiền sư Quảng Nghiêm sáng tác.

 

GÓC NHÌN TỪ PHÍA XÃ HỘI

 

Sự nổi tiếng của nhà sư Thích Minh Tuệ trên mạng xã hội không chỉ mang lại cảm hứng tán tụng, thần thánh hóa, mà còn là cơ hội cho nhiều người ăn theo nhà sư. Từ những người “tòng tu” đi theo ngày một đông cho đến đám đông các YouTuber, TikToker, Facebooker… tò mò đi theo quay phim, chụp ảnh và nhiều tín đồ mộ đạo vái lạy, cầu cúng… Nếu như hiện tượng này kéo dài, không chỉ ảnh hưởng đến sự tu hành của nhà sư Thích Minh Tuệ, mà còn gây ra sự rối loạn, mất trật tự xã hội không đáng có! Có thể nói vui rằng đây chính là “kiếp nạn” của nhà sư Thích Minh Tuệ và mong rằng sự ồn ào của thế tục bên ngoài chỉ làm cho ý chí, nghị lực tu hành của nhà sư thêm tinh tấn.

 

Cũng phải kể đến những đối tượng được “hưởng lợi” từ việc đi theo quay phim, chụp ảnh nhà sư Thích Minh Tuệ và post lên các mạng xã hội (xem ảnh). Là người đang nghiên cứu về văn hóa mạng (Internet Culture), theo tôi, đây là một trường hợp nghiên cứu (case study) đáng ghi nhận. Ngoài việc thỏa mãn sự tò mò, thì việc câu like, câu view cũng có thể mang lại cho những đối tượng này những thu nhập đáng kể. Ngoài ra còn phải nói đến trào lưu (trend) ăn theo từ hình ảnh nhà sư Thích Minh Tuệ. Đó là việc tạc tượng để bán, để tô màu, thiết kế quần áo, mũ nón, giày dép thời trang… cũng giúp cho một số đối tượng có thêm thu nhập và những người hâm mộ, tôn sùng nhà sư Thích Minh Tuệ có dịp để móc hầu bao. Như vậy, ngoài việc truyền cảm hứng thì đây là những lợi ích thiết thực mà nhà sư Thích Minh Tuệ mang lại cho một số người.

 

Cuối cùng, việc ồn ào trên các mạng xã hội về nhà sư Thích Minh Tuệ cũng làm cho nhiều người quên đi tình hình chính trị hiện tại của đất nước.

 

Còn tôi, tôi chỉ thấy rất nhiều người cãi nhau, nhiều câu chữ tuôn ra xung quanh hiện tượng nhà sư Thích Minh Tuệ. Chính bản thân tôi cũng góp phần chữ nghĩa vào đấy qua bài viết này. Trong khi ở ngoài kia, đối với tôi cuộc sống vẫn đang tiếp diễn và vẫn có rất nhiều điều cần phải quan tâm hơn là chuyện tu hành của một nhà sư, cho dù tôi kính trọng ông và mong những ồn ào quanh ông sớm lắng xuống, để ông có thể bình yên tu hành. Có thể nhà sư Thích Minh Tuệ sẽ tìm được sự giác ngộ, giải thoát, và cũng có thể là không. Cũng có thể ông đi trọn con đường của mình, có thể dang dở nửa chừng vì con đường chứng đạo của ông mới chỉ bắt đầu. Nhưng điều quan trọng nhất là ông đã dám lên đường đi tìm! Và tôi mong ông đi một mình như lời dạy của Đức Phật.

 

 

image.png

image.png

 

Nguồn: https://www.facebook.com/hathanhvanaliceirisdevi/posts/pfbid0xAnN3R25m1sxsqgFMwWTkLWuqG3FohqrNYaZHgctQNXmpNh4mA8yKC8AgUm9RdW2l

 

 

TẢN MẠN VỀ TÔN GIÁO.

(Hà Thanh Vân)

 

Tôi không phải là một tín đồ đạo Phật theo đúng nghĩa trọn vẹn của điều ấy, mà chỉ là một người tạm gọi là có am hiểu về đạo Phật và thường xuyên thực hành cuộc sống theo tư tưởng của đạo Phật. Với tôi, trong tôn giáo, điều quan trọng nhất là những tư tưởng bác ái, hướng thiện, khuyến khích làm điều tốt và bản thân mình làm theo những điều ấy, còn mọi nghi lễ cầu cúng chỉ là lớp vỏ hình thức bề ngoài. Với Công giáo và Hồi giáo cũng vậy, tôi chú trọng những tư tưởng mà tôn giáo đó đề xướng và kêu gọi con người thực hành.

Mặt khác, bản thân là người ham mê du lịch theo hướng văn hóa – lịch sử, cộng với chút tò mò về những hiện tượng văn hóa, tôn giáo của xã hội xung quanh mình, riêng về đạo Phật tôi đã có dịp thăm viếng hầu hết các ngôi chùa nổi tiếng ở Việt Nam, từ Nam ra Bắc, từ Phật giáo Tiểu thừa đến Đại thừa và Kim cương thừa. Tôi cũng đã đến những quốc gia có đạo Phật phát triển hay tôn đạo Phật làm quốc giáo như vùng đất Tây Tạng, Trung Quốc, Ấn Độ, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia,… Ở Việt Nam tôi thăm viếng những ngôi cổ tự hàng ngàn năm, gắn liền với những đặc trưng văn hóa của dân tộc Việt và cũng có cả những ngôi chùa giàu có mới được xây dựng như Bái Đính, Tam Chúc, Ba Vàng… Tôi đi chùa không phải để thực hành nghi lễ, không phải để cầu cúng điều gì mà để quan sát chùa như là quan sát một hiện tượng văn hóa, với chút tò mò của một người nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn.

 

Tôi vẫn luôn tin rằng trong đời sống của người Việt, đặc biệt là người Việt ở vùng đồng bằng Bắc bộ, tín ngưỡng có vai trò lớn hơn tôn giáo và hiện tượng tín ngưỡng hòa nhập cùng với tôn giáo, tạo thành sự hỗn dung tôn giáo là cực kỳ phổ biến.

 

Người Việt Nam không có tôn giáo nội sinh bản địa mà chỉ có những tôn giáo ngoại lai du nhập vào và dần trở thành quen thuộc với người Việt. Người Việt có lẽ chỉ có những tín ngưỡng truyền thống. Bởi lẽ được gọi là một tôn giáo thì thường phải có đầy đủ các yếu tố sau:

 

- Một giáo chủ hay một người đứng đầu, được tôn sùng và vinh danh với nhiều quyền năng đặc biệt (như Chúa Jesus của Công giáo, Phật Thích ca của Phật giáo, Thánh Allah của Hồi giáo…). Ở đây nói thêm là theo các nhìn của các nhà nhân học tôn giáo Phương Tây thì Phật giáo ít khi được họ xem là một tôn giáo, mà xem là một học thuyết vô thần không thừa nhận thượng đế. Tôi rất thích cách nhìn nhận này và do vậy đôi khi rất kinh ngạc và thú vị trước những biến thể của Phật giáo Việt Nam.

 

- Có giáo hội được tổ chức chặt chẽ, dưới sự lãnh đạo pha trộn giữa màu sắc tâm linh và thế tục mà Giáo triều Roma là một ví dụ tiêu biểu nhất. Có những nghi lễ thực hành để thể hiện niềm tin của các tín đồ.

- Có những kinh điển từ xa xưa truyền lại, được rao giảng, truyền dạy cho các tín đồ, ví dụ như kinh Tân ước, Cựu ước, kinh Koran, các kinh Phật giáo…

 

- Có một đội ngũ tín đồ (dù đông hay ít) tuân thủ theo những nghi lễ của tôn giáo đó đề ra và có những hoạt động nhằm khuếch trương tôn giáo, mở rộng phạm vi ảnh hưởng, truyền bá đức tin tôn giáo, lôi cuốn những người khác theo đạo của mình.

 

Nếu đối chiếu với những tiêu chí trên thì đạo Mẫu ở Việt Nam không phải là tôn giáo là chỉ là một tín ngưỡng đa thần. Nhưng đạo Mẫu ở Việt Nam là một trường hợp đặc biệt, cực kỳ đặc biệt. Tôi sẽ nói sau về tín ngưỡng này.

 

Trở lại với khái niệm tôn giáo, có lẽ cũng cần phải nhắc lại một vài định nghĩa kinh điển và cả định nghĩa hiện đại về tôn giáo. Trước hết là định nghĩa hết sức nổi tiếng của Karl Marx: “Tôn giáo là tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức, là trái tim của thế giới không có trái tim, là linh hồn của những tình cảnh không có linh hồn. Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”.

 

Một định nghĩa kinh điển cực kỳ đơn giản và ngắn gọn do nhà nhân học người Anh Edward Burnett Tylor, một trong những ông tổ của ngành nhân học, đưa ra trong cuốn “Văn hóa nguyên thủy” (1871): Tôn giáo là “niềm tin vào thực thể tâm linh”. Chính định nghĩa này đã chi phối rất nhiều đến đường hướng nghiên cứu của các nhà nhân học tôn giáo về sau.

 

Max Muller, một nhà Ấn Độ học gốc Đức từng dịch và chú giải nhiều kinh điển Phật giáo nhìn thấy ở mọi tôn giáo: “Một cố gắng để hiểu cái không thể tưởng tượng được, để diễn đạt điều không thể giải thích được, một khát vọng hướng về vô tận”.

 

Trong bài viết “Tôn giáo như một hệ thống văn hóa” (1965), nhà nhân học văn hóa người Mỹ Clifford Geertz định nghĩa: “Tôn giáo là một hệ thống các biểu tượng nhằm thiết lập những tâm trạng và động cơ mạnh mẽ, rộng khắp và bền lâu trong con người bằng cách đề ra những khái niệm về trật tự chung của sự tồn tại và khoác cho những khái niệm này bằng một hào quang của sự thật khiến cho những tâm trạng và động cơ đó dường như là hiện thực duy nhất”.

 

Cho dù có quá nhiều định nghĩa khác nhau về tôn giáo nhưng tựu chung lại, hầu hết các định nghĩa này đều thống nhất với nhau ở 2 vấn đề cơ bản của tôn giáo: đó là niềm tin và sự thần bí tâm linh. Thiếu 2 yếu tố này thì tôn giáo không còn gì là khác biệt với mọi hình thái ý thức xã hội khác.

 

Theo tôn giáo học thì trước khi có tôn giáo, loài người đã có những hình thức cúng bái, tín ngưỡng từ cổ xưa. Những hình thức này thường ra đời trong thời kỳ công xã nguyên thủy, chiếm hữu nô lệ hay thậm chí trước đó nữa. Nhưng cũng có khi nó ra đời ngay trong xã hội đã có sự phân chia giai cấp.

 

Có nhiều cách gọi khác nhau về tín ngưỡng. Nhiều người cho rằng tín ngưỡng là hình thức sơ khai của tôn giáo và gọi bằng những cái tên khác nhau tùy theo việc đặt tính chất nào của tín ngưỡng lên hàng đầu như: tôn giáo vật linh, tôn giáo nguyên thủy, đa thần giáo, ngẫu tượng giáo, bái vật giáo, tôn giáo bộ lạc… Nhiều dấu ấn của những tín ngưỡng cổ xưa vẫn in đậm nét trong các tôn giáo sau này, đặc biệt là dấu ấn của bái vật giáo, ví dụ như sự tôn sùng cây thánh giá, hay chén thánh, tấm vải liệm của Chúa, sự linh thiêng của những pho tượng (nhất là qua những lời đồn đại kiểu như tượng Đức Mẹ khóc, hay sờ vào tượng thì sẽ được phước…), thậm chí là các phiến đá, gốc cây…

 

Cũng giống như tôn giáo, tín ngưỡng có một sức sống lâu bền, thậm chí ở trên một phương diện nào đó, ví dụ như về số lượng người tin tưởng, thì tín ngưỡng có thể lôi cuốn được một lượng người đông đảo tin theo hơn cả tôn giáo. Trong nhiều trường hợp khác, tín ngưỡng có đủ sức mạnh để đứng vững trước nhiều tôn giáo ngoại lai du nhập, hay kết hợp cùng với những tôn giáo khác, ví dụ như trường hợp của nhiều bộ lạc thổ dân Châu Phi, Châu Úc, Châu Mỹ, trường hợp Thần đạo (Shinto) của Nhật Bản với Phật giáo… Ở Việt Nam, đạo Mẫu là tín ngưỡng phổ biến nhất.

 

Từ những hoạt động tín ngưỡng nguyên sơ, mà ngày nay dấu ấn còn hiện rõ (như ma thuật, yểm bùa, trừ tà, hiến tế, cầu đảo, lên đồng,…), xã hội thường phát triển qua giai đoạn đa thần giáo, cùng một lúc thờ rất nhiều vị thần khác nhau, mỗi vị thần tượng trưng cho một hiện tượng tự nhiên, xã hội hay tâm lý của con người. Hệ thống thần thoại của Ai Cập, Hy Lạp, La Mã, Ba Tư, Nhật Bản, Ấn Độ v.v… cho thấy rõ điều này. Ở một số quốc gia phương Đông khác, tuy không có một hệ thống thần linh hùng hậu và “hoành tráng” như vậy, nhưng cũng đã xuất hiện bóng dáng của nhiều vị thần trong thần thoại và truyền thuyết, như các vị thần bản mệnh (thành hoàng làng), các vị thần lúa, nước, gió, lửa, thần rừng, thần cây, thần sông… Và đã hình thành những hình ảnh, dù còn rất mờ nhạt về đời sống ở thế giới bên kia, với những hình phạt cho kẻ gian ác phải xuống địa ngục, hay sự thưởng công là được tái sinh, được lên thiên đàng.

 

Nhưng những tín ngưỡng (còn có cách gọi khác là những tôn giáo đa thần) có một đặc điểm nổi bật là tính chất quốc gia, riêng rẽ ở từng vùng miền, quốc gia. Mỗi vị thần chỉ có thể được tôn thờ ở một vùng miền địa lý, hay một đất nước và hầu như không có ảnh hưởng vượt ra ngoài biên giới, xứ sở mình. Tất nhiên nếu tính đến yếu tố chuyển di văn hóa thì hiện tượng mượn thần linh, mượn truyền thuyết của nhau là rất phổ biến. Nhưng đó chỉ là sự vay mượn type và motif.

 

Khi xã hội loài người phát triển thêm một bước, có thêm sự giao lưu, tiếp xúc, thông thương vượt ra khỏi biên giới mình, thì những tôn giáo đa thần dần dần nhường chỗ cho những tôn giáo độc thần và có tính phổ quát rộng rãi, có ảnh hưởng vượt ra ngoài biên giới của một đất nước, hay còn gọi là những tôn giáo siêu quốc gia và có tầm ảnh hưởng quốc tế như Công giáo, Tin Lành, Hồi giáo, Phật giáo…


image.png

 

Nguồn: https://www.facebook.com/hathanhvanaliceirisdevi/posts/pfbid02Co8KfjoPLRe7s3oNitr4WyhyriPZPQnnGnmAyXz5sHq6CqGYjGMMSnuEYo39afNil

 

 

Reply all
Reply to author
Forward
0 new messages