Phân Biệt Một Số Khái Niệm Theo Giáo Luật của Bản Quy Định Về Thủ Tục Hôn Phối | Lê Hải Nam

21 views
Skip to first unread message

Minh Nguyen Quang

unread,
May 5, 2024, 8:41:43 PMMay 5
to alphonsefamily
1131. Phân Biệt Một Số Khái Niệm Theo Giáo Luật (4/5/2024)
image.png

Bản Quy Định Về Thủ Tục Hôn Phối vừa mới được HĐGMVN ban hành chủ yếu là đúc kết các điều khoản khác nhau trong Giáo Luật. Vì thế chúng ta cần hiểu rõ một số khái niệm hay thuật ngữ theo Giáo Luật được sử dụng trong Quy Định Về Thủ Tục Hôn Phối:

1. Không sử dụng cụm từ “ban bí tích”.
Chúng ta đã dịch sai cụm từ tiếng La- tinh ‘sacramenta administrare’, hay cụm từ tiếng Anh ‘administer the sacraments’ đến mức trở thành phản nghĩa, là ‘ban bí tích’: Trong tiếng nước ngoài, ý nghĩa rất rõ ràng cho nên không bị sai lạc đức tin do cách dùng ngôn ngữ: “minister” là “thừa tác viên” nghĩa là người thừa hành mà làm bổn phận của mình, và động từ “ministrare” trong tiếng La-tinh có nghĩa là “phục vụ”; động từ “administer”, theo từ nguyên có nghĩa là “đến để phục vụ” (ad = đến; ministrare = phục vụ) thì lẽ ra phải dịch là “thi hành” (theo bổn phận) thì bao đời nay cha ông chúng ta lại đi dịch là “ban,” có ý nghĩa hoàn toàn trái ngược. Chúng ta chỉ dùng từ “ban’ khi bề trên cho người thuộc quyền cái mà bề trên có. Trong các bí tích thì Thiên Chúa ban ơn thánh chứ linh mục không có ơn thánh để ban. Linh mục hay giám mục không phải là các “vua ban” mà là “người tôi tớ phục vụ” theo đúng nghĩa đen của từ này. Như thế là một lỗi dịch thuật, dịch ngược nghĩa, tưởng là nhỏ lại gây hậu quả rất nghiêm trọng và lâu dài cho giáo hội Việt Nam. Tôi mạnh dạn đề nghị sửa sai triệt để, không bao giờ sử dụng cụm từ “ban bí tích” mà phải dùng cụm từ “thi hành bí tích”. Rất tiếc là bản dịch tiếng Việt của bộ giáo luật hiện nay vẫn sử dụng cụm từ ‘ban bí tích’.

2. Năng quyền hay thẩm quyền chứng hôn thành sự và hợp luật là gì?
Trong bí tích hôn phối thì cặp đôi hôn phối là hai người ‘cử hành bí tích’ còn vị linh mục chỉ là người chứng hôn, chứ không ‘ban bí tích’. Để bí tích hôn phối thành sự và hợp luật thì người chứng hôn phải có năng quyền chứng hôn hay được người có năng quyền chứng hôn ủy quyền. Người có năng quyền chứng hôn gồm Đấng bản quyền (giám mục chính tòa) và cha xứ, trong địa hạt của mình (Quy Định, điều 1; Giáo luật điều 1108 và 1109). Như thế giám mục phó, giám mục phụ tá, cha phó, cha phụ tá, cha dòng đều không có năng quyền chứng hôn thành sự và hợp luật mà phải được ủy quyền thì mới có thể chứng hôn thành sự và hợp luật. Người được ủy quyền chứng hôn thường là linh mục hay phó tế, nhưng trong trường hợp thiếu tư tế và phó tế, Giám Mục Giáo Phận có thể uỷ quyền cho giáo dân để chứng hôn (Giáo luật điều 1112).

3. Cư sở hay bán cư sở là gì?
Giáo luật định nghĩa trong điều 102 như sau:
§1. Cư sở được thủ đắc do việc cư ngụ trong địa hạt của một giáo xứ hay ít ra của một Giáo Phận, với ý định sẽ ở đó vĩnh viễn, nếu không có gì thay đổi, hoặc việc cư ngụ đã được kéo dài năm năm trọn.
§2. Bán cư sở được thủ đắc do việc cư ngụ trong địa hạt của một giáo xứ hay ít ra của một Giáo Phận, với ý định sẽ ở đó ít là ba tháng nếu không có gì thay đổi, hoặc việc cư ngụ đã thực sự được kéo dài suốt ba tháng.
§3. Cư sở hay bán cư sở trong địa hạt của một giáo xứ được gọi là cư sở hay bán cư sở thuộc giáo xứ, trong địa hạt của một Giáo Phận, dầu không ở trong giáo xứ, thì được gọi là cư sở hay bán cư sở thuộc Giáo Phận.
Như thế cư sở hay nơi thường trú là nơi một người cư ngụ ít nhất là trọn 5 năm; bán cư sở hay nơi tạm trú là nơi một người cư ngụ ít nhất là trọn 3 tháng. Còn người không có cư sở hay bán cư sở là người hoàn toàn vô gia cư (không có nhà ở, dù là nhà thuê).
Và điều 5 của bản “Quy Định” ghi rõ: “Cư sở hay bán cư sở của giáo dân không tùy thuộc vào sự đăng ký - nhập vào một giáo xứ, nhưng tùy thuộc “ý định” hoặc “thời gian” cư ngụ của họ. Việc không đăng ký vào giáo xứ hoặc việc vắng mặt quá lâu khỏi giáo xứ không phải là lý do để cha sở phủ nhận việc thủ đắc cư sở hoặc từ chối nghĩa vụ chứng hôn.” (Xem GL, 102)

4. Nghĩa vụ và thẩm quyền chứng hôn hợp luật cho một đôi hôn phối cụ thể (xem QĐ, điều 4)
a. Cha sở ở những nơi mà một trong đôi hôn phối có cư sở có nghĩa vụ (bắt buộc) chứng hôn, nếu được yêu cầu và nếu họ không có ngăn trở.
b. Cha sở ở những nơi mà “họ không có cư sở, chỉ có bán cư sở hoặc chỉ mới cư ngụ được một tháng” thì cha sở không có nghĩa vụ nhưng vẩn có thẩm quyền chứng hôn và “cha sở nên chấp nhận chứng hôn cho họ.”
Như thế cặp đôi hôn phối sẽ có rất nhiều lựa chọn trong việc yêu cầu cha sở nào chứng hôn cho họ: cha sở ở những nơi một trong hai người có cư sở hay những nơi đã cư ngụ trên một tháng. Và tôi tin rằng họ sẽ tránh xa những cha sở chuyên lạm dụng việc chứng hôn để làm khó dễ và trục lợi nơi người tín hữu.
Reply all
Reply to author
Forward
0 new messages