Tầm Quan Trọng Của Quy Định Về Thủ Tục Hôn Phối | Lê Hải Nam

16 views
Skip to first unread message

Minh Nguyen Quang

unread,
May 5, 2024, 8:30:30 PMMay 5
to alphonsefamily

1130. Tầm Quan Trọng Của Quy Định Về Thủ Tục Hôn Phối (29/4/2024)

image.png

Trong cuộc họp thường niên lần thứ nhất năm 2024 của HĐGMVN tại giáo phận Vĩnh Long vừa qua (14-18/4/2024), HĐGMVN đã phê chuẩn và ban hành Quy Định Về Thủ Tục Hôn Phối áp dụng cho toàn Giáo Hội tại Việt Nam. Chúng ta cần hiểu rõ ý nghĩa to lớn của bản quy định này và nắm vững các điều khoản trong bản Quy Định này để có thể đấu tranh chống lại tệ nạn giáo sĩ trị đã và đang tràn lan trong giáo hội.
I. Gốc rễ của tệ nạn giáo sĩ trị:
Nói một cách đơn giản thì giáo sĩ trị là việc các giáo sĩ coi thường phẩm giá và vai trò của người tín hữu và từ đó lạm dụng và bóc lột họ cả về tinh thần lẫn vật chất. Điều này có nguyên nhân sâu xa trong việc giáo hội hoàn vũ và đặc biệt các giáo hội địa phương như Việt Nam, trong một thời gian quá dài, đã nhấn mạnh quá mức đến ơn gọi thừa tác (ơn gọi giáo sĩ) mà xem nhẹ ơn gọi của mọi và mỗi người Ki-tô hữu trong bí tích rửa tội, là bí tích cơ bản và then chốt trong Ki-tô giáo. Bí tích rửa tội là quan trọng nhất, đem lại cho chúng ta đặc quyền làm con cái Thiên Chúa, là anh em với nhau; nhưng giáo hội quá quen (và sai lầm) với việc tâng bốc ơn gọi giáo sĩ và tu sĩ, và có thể nói là coi thường ơn gọi ki-tô hữu. Sai lầm này khiến mọi người lầm tưởng rằng giáo hội chỉ là các giáo sĩ và tu sĩ, vì chỉ có các vị này mới được Chúa Thánh Thần soi sáng, còn người tín hữu thì không. Từ đó giáo sĩ trị tạo nên một bầu khí tôn thờ giáo sĩ, coi ‘cha là Chúa’, chỉ biết tuân phục như nô lệ mà không biết phê phán, thậm chí là đấu tranh để loại bỏ những sai trái, những giáo sĩ hư hỏng, bại hoại trong đời sống nhân bản hay luân lý.

II. Biểu hiện và công cụ bóc lột và trấn áp của giáo sĩ trị
1. Biểu hiện coi thường người tín hữu trong lời nói và hành động: cách biểu hiện rõ ràng và dễ thấy nhất là nhìn vào cách xưng hô của một linh mục với người tín hữu. Các linh mục giáo sĩ trị thường nói năng bất lịch sự, thô lỗ, thậm chí là sẵn sàng quát nạt, chửi bới người tín hữu, cho dù là già hay trẻ. Cho dù ai đó có làm sai, thì linh mục chỉ cần và chỉ nên giải thích cho người đó làm sai chỗ nào, và tại sao sai, chứ không bao giờ được phép quát nạt hay chửi bới họ. Huống chi nhiều khi chính vị linh mục sai nhưng vẫn quát nạt, chửi bới để thể hiện uy quyền. Chúng ta có thói quen gọi linh mục là ‘cha’ chỉ để tỏ lòng tôn trọng, chứ các vị này dĩ nhiên chẳng phải là ‘cha’ gì đối với người tín hữu. Chính Chúa Giê-su nói: “Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời.” (Mt 23:9) Chúng ta cũng xem Chúa Giê-su, Ngôi Hai Thiên Chúa, là Thầy hay là Anh chứ không bao giờ là ‘Cha’. Tập quán gọi linh mục là “cha” của mấy ngàn năm giáo sĩ trị này xem ra ‘lợi bất cập hại’. Nhưng cho dù người ta gọi mình là ‘cha’ thì không có nghĩa là linh mục được phép xưng ‘cha’ với người khác một cách vô lễ và vô văn hóa. Văn hóa Việt Nam xưng hô dựa trên tuổi tác, do đó linh mục chỉ có thể xưng ‘cha’ với các em thiếu nhi. Với người trưởng thành thì phải gọi họ là “anh, chị, cô, chú, ông, cụ” và xưng mình là ‘tôi, em, con, cháu’ tùy theo trường hợp.
2. Công cụ bóc lột và trấn áp người tín hữu: Thật đau lòng khi phải nói rằng một số giáo sĩ đã sử dụng chính các bí tích làm công cụ bóc lột và trấn áp người tín hữu. Các bí tích là các dấu chỉ bên ngoài do Chúa Giê-su thiết lập để ban ơn thánh cho chúng ta. Ơn thánh luôn là nhưng không, nghĩa là ‘miễn phí’, và các linh mục là các đầy tớ Chúa dùng để phân phát ơn Chúa cách hào phóng và vô vị lợi theo ý Chúa muốn. Đáng tiếc là có nhiều linh mục đầy tớ của Chúa đã tự xem mình là chủ nhân của ơn thánh, và ‘ban phát’ các bí tích theo ý riêng mình để trục lợi. Vì sợ mất “linh hồn và sa hỏa ngục” người tín hữu quá sợ hãi các hình phạt từ các linh mục như “không rửa tội, không chứng hôn, không giải tội, không cho rước lễ, không xức dầu, vân vân,” và thậm chí còn ra vạ tuyệt thông, như vào đêm canh thức phục sinh năm 2009, cha xứ Ninh Cường (nay thuộc GP Hà Tĩnh), An-tôn Trần Văn Niên, đã vì hiềm khích cá nhân mà ra vạ tuyệt thông cho 8 người tín hữu của xứ này, và hai đời giám mục liên tiếp là GM Cao Đình Thuyên và GM Nguyễn Thái Hợp đều biết rõ nhưng bỏ mặc cho sự bất công mà những tín hữu này phải chịu. Dù sự việc đã 15 năm rồi, tôi vẫn hy vọng đức cha An-phong Nguyễn Hữu Long sẽ trả lại sự công bằng cho những tủi nhục mà họ đã phải chịu trong 15 năm qua. Có những linh mục gây khó khăn về bí tích cho người tín hữu để họ phải lòi tiền ra dưới hình thức xin lễ ‘béo’ (bổng lễ nhiều tiền). Những điều ấy thật là đau lòng cho người tín hữu chúng ta, cho chính Thiên Chúa khi ‘đầy tớ’ lại cả gan bắt nạt con cái Ngài, và là nỗi xấu hổ cho chính giáo hội Công giáo. Ở đây chúng ta cần nói đến việc thiếu trách nhiệm kéo dài của các giám mục trong việc lơ là, bỏ mặc hay đôi khi là bao che cho các giáo sĩ bóc lột và trấn áp người tín hữu bằng chính các bí tích miễn phí của Chúa.

III. Trong bối cảnh tệ nạn giáo sĩ trị rất nghiêm trọng tại Việt Nam, bản Quy Định Về Thủ Tục Hôn Phối mà HĐGMVN mới ban hành có tầm quan trọng rất lớn trong việc chống lại chủ nghĩa giáo sĩ trị, đặc biệt là những giáo sĩ lợi dụng các bí tích làm công cụ bóc lột và trấn áp người tín hữu.
Quy Định Về Thủ Tục Hôn Phối mang những ý nghĩa quan trọng sau đây:
1. Một số giám mục (chưa phải là tất cả) đã nhận thức rõ về tệ nạn giáo sĩ trị và việc thiếu trách nhiệm trước đây của các ngài khi bỏ mặc người tín hữu bị các giáo sĩ xấu xa bóc lột và trấn áp. Có thể nói tác giả chính của Quy Định Về Thủ Tục Hôn Phối này là đức cha Đa-minh Nguyễn Văn Mạnh, chủ tịch UB Mục Vụ Gia Đình, và cũng là tiến sĩ giáo luật. Ngài có thuận lợi và uy tín để làm việc này vì những quy định này chủ yếu là đúc kết các khoản giáo luật khác nhau.
2. Sở dĩ giáo sĩ trị có thể sử dụng chính các bí tích làm công cụ bóc lột và trấn áp người tín hữu là vì người tín hữu không biết gì về các quy định trong giáo luật về bí tích. Và tôi e rằng một số linh mục và cả đến giám mục cũng còn mù mờ về các nghĩa vụ (bổn phận phải làm) của giáo sĩ trong các bí tích. Quy Định Về Thủ Tục Hôn Phối này giải thích rõ ràng các nghĩa vụ này, các điều kiện cần và đủ cho bí tích hôn phối, cho người tín hữu biết, và khi họ biết rõ các linh mục làm sai, họ sẽ mạnh dạn tranh cãi, phản đối và nếu cần thì tố cáo các linh mục nào còn tiếp tục dùng các bí tích để bóc lột và trấn áp họ. Nhưng chúng ta đừng ngây thơ tin rằng với Quy Định Về Thủ Tục Hôn Phối này những lạm dụng về bí tích hôn phối sẽ sớm chấm dứt. Người tín hữu sẽ còn phải bỏ nhiều công sức đấu tranh với các giáo sĩ xấu xa ấy vì chắc chắn họ sẽ không từ bỏ “cái nồi cơm” của họ. Các giám mục phải bắt các cha xứ phổ biến và cho người tín hữu học hỏi bản quy định này tại các giáo xứ, nhưng giáo sĩ trị chắc chắn sẽ không muốn người tín hữu biết gì về bản quy định này để còn có thể tiếp tục bóc lột họ.

IV. Hướng đến tương lai:
Bí tích hôn phối là bí tích thường bị lạm dụng để hành hạ người tín hữu nhất, nhưng với các bí tích và thủ tục khác tình trạng cũng giống như vậy. Những vấn đề sau đây cũng cần được HĐGMVN quy định thống nhất, chứ không nên có tình trạng mỗi giáo phận có quy định khác nhau như hiện nay.
1. Việc rửa tội cho con cái các cặp đôi rối (như ly dị và tái hôn, kết hôn không phép chuẩn, bà mẹ đơn thân, vân vân)
Phải được quy định rõ ràng và thống nhất cho tất cả các giáo phận. Đức Phan-xi-cô đã gọi các linh mục từ chối rửa tội cho các bà mẹ đơn thân tại Á-căn-đình là những kẻ giả hình.
2. Thánh lễ tại gia cho người mới qua đời: giáo phận Sài-gòn cho phép còn các giáo phận như Xuân Lộc, bà-Rịa thì cấm. Ý kiến cá nhân của tôi là nên cho phép 1 thánh lễ bởi vì việc này mang lại ơn ích rất nhiều cho thân nhân người quá cố.
3. Thánh lễ đồng tế: Đa số các giáo phận chỉ dành ưu tiên này cho các ông cố, bà cố, hay anh chị em cố gì đó, nhưng tôi nghĩ ưu tiên này nên bãi bỏ, bởi vì việc quá đề cao ơn gọi giáo sĩ, theo kiểu “một người làm quan cả họ được nhờ” như thế là tàn tích của thời phong kiến và tỏ ra là “lợi bất cập hại”. Nhưng buồn cười nhất là đã có những thánh lễ mừng các đại gia lại có đến vài giám mục đồng tế, theo kiểu “nén bạc đâm toạc tờ giấy”, nghĩa là tiền nhiều thì bất chấp công bằng hay quy định.
4. Cảnh hoang phí của giáo hội Việt Nam: cha xứ mới dập bỏ công trình mới xây của cha xứ cũ để xây công trình mới.
5. Phải tuyệt đối cấm mọi hình thức thu tiền người tín hữu hay quyên góp theo kiểu bổ theo hộ hay đầu người, vì các hình thức này đều loại trừ người nghèo, và chỉ nên dùng hình thức tự nguyện. Chúng ta có bổn phận giúp đỡ người nghèo chứ không phải ép buộc để thu tiền của họ. Các kiểu thu tiền cũng nên được quy định, ví dụ như đức tổng Giu-se Nguyễn Năng đã cấm các linh mục Sài-gòn nhận tiền khi cử hành thánh lễ hôn phối, an táng và các bí tích, và các khoản phí cho ca đoàn, hoa nến, vân vân cũng phải công khai minh bạch trong mỗi giáo xứ. Nhưng các quy định như thế nên được phê chuẩn để áp dụng thống nhất trong tất cả các giáo phận.
Reply all
Reply to author
Forward
0 new messages