Ở Thượng Hải, linh mục triết gia Dòng Tên Benoît Vermander nói thẳng | Phanxico.vn

39 views
Skip to first unread message

Minh Nguyen Quang

unread,
Jun 4, 2022, 12:07:40 AM6/4/22
to alphonsefamily

Ở Thượng Hải, linh mục triết gia Dòng Tên Benoît Vermander nói thẳng

By phanxicovn - 04/06/2022

lemonde.fr, Frederic Lemaỵtre, 2022-05-31

Linh mục Dòng Tên Benoît Vermander uyên bác đã có mặt ở thế giới Trung Quốc từ ba mươi năm nay, bất chấp mọi khó khăn, linh mục duy trì một đối thoại trí tuệ giữa Bắc Kinh và phương Tây.

Thư gởi từ Bắc Kinh

Ở Trung Quốc của Tập Cận Bình, linh mục Dòng Tên Vermander, dạy triết ở một trường đại học Trung Quốc giữ một hình ảnh không được nêu cao ở đó. Nhưng đến ngày thứ 58 bị cách ly trong căn hộ của cha ở Thượng Hải, cha không còn e dè, cha nói thẳng. Cha giải thích qua Skype, giọng nhẹ nhàng nhưng cương nghị, dứt khoát: “Đây là một bước tiến mới trong chiến lược tổng thể của Đảng-Nhà nước: thiết lập một quản lý khoa học để liên tục và triển khai kiểm soát dân chúng, đóng khuôn trong tình trạng khẩn cấp. Chúng ta phải loại bỏ mọi thứ ‘không trong sạch’: vi rút cũng như các thứ bị cho là làm ô nhiễm bầu khí xã hội. Đó là một hình thức vệ sinh xã hội cực đoan.”

Có mặt ở thế giới Trung Quốc đã ba mươi năm nay, linh mục Dòng Tên uyên bác ngoài sáu mươi, với bộ râu vàng gợi nhớ đến  các thủy thủ vùng Cực Bắc, nhưng trên thực tế, ngài thuộc giống loài có nguy cơ tuyệt chủng. Dòng Tên vẫn còn ở Trung Quốc – còn rất ít – và nhất là các học giả vĩ đại, có tôn giáo hay không, những người trong nhiều thế kỷ đã bất chấp khó khăn để duy trì đối thoại trí tuệ giữa Trung Quốc và phương Tây.

Sự uyên bác của cha nhắc lại thời mà học giả còn hy vọng nắm được tất cả kiến thức thế giới như quyển bách khoa tự điển. Sự đa dạng trong các tác phẩm mới nhất của ngài chứng minh điều này: Versailles, Cộng hòa và Quốc gia (Les Belles Lettres, 2018), Con người và hạt gạo. Lịch sử các nền văn minh ngũ cốc (Les Belles Lettres, 2021) và cuối cùng, Làm thế nào để đọc các tác phẩm cổ  điển Trung Quốc? (Les Belles Lettres, xuất bản 10 – 6 – 2022). Chưa kể quyển sách vừa xuất bản bằng tiếng Trung: Trên tam giác chú giải văn bản cổ. Đào tạo và tương tác Hán học, các tác phẩm cổ điển so sánh, và thần học liên văn hóa (Nhà xuất bản Đại học Fudan). Đó là bốn quyển khảo luận gần đây, chưa kể ngài đã có ngoài ba mươi tác phẩm. Linh mục Benoỵt Vermander tốt nghiệp khoa học chính trị (Paris và Yale, nước Mỹ), thần học (Trung tâm Sèvres ở Paris và Đại học Đài Loan), chưa hết cha còn là nhà thư pháp và họa sĩ nổi tiếng với các tác phẩm thường xuyên được triển lãm ở cả Trung Quốc và Pháp.

“Các xã hội không bao giờ tự duy trì một cách tự nhiên”

Đường hướng chính trong các suy tư của cha? Linh mục giải thích: “Tôi tin, các xã hội không bao giờ tự duy trì một cách tự nhiên. Điều làm cho tôi quan tâm, đó là các nguồn lực cho phép duy trì hoạt động này, bất chấp tất cả các thế lực chống đối. Các nghi thức, ký ức và cuối cùng là văn bản là một phần trong sự duy trì này. Một giáo luật, một văn bản được công nhận là thiêng liêng là nền tảng của việc chung sống.”

Nhưng ngày nay các tác phẩm kinh điển của Trung Quốc mang lại cho chúng ta điều gì? “Chúng thuộc về sự sống chung của nhân loại. Nếu không có những viễn cảnh được mở ra từ những gì chúng ta học được từ Trung Quốc, thì sẽ không có thời kỳ Khai sáng vào thế kỷ 18. Ngày nay, các cuộc tranh luận về giới, về khủng hoảng môi trường hoặc về ‘công lý’ như ‘tính đúng đắn’ trong cách sử dụng ngôn ngữ rất gần với những suy nghĩ của Khổng Tử về biên giới giữa tự nhiên và nhân tạo.”

Đặc biệt, ngành nhân chủng học có thể được hưởng lợi từ đóng góp này: “Tầm quan trọng của các nghi thức được ngành nhân học phương Tây nhấn mạnh vào khoảng giữa thế kỷ 20 đã hiện diện rất nhiều trong các tác phẩm kinh điển của Trung Quốc. Câu hỏi về nghi thức là trọng tâm với các nhà triết gia Trung Quốc cũng như Bản thể là trọng tâm với các nhà triết gia Hy Lạp. Phương Tây nghĩ rằng họ không còn gì để học từ Trung Quốc. Đó là một sai lầm.”

Trong khi người phương Tây tiếp tục phàn nàn về việc Tập Cận Bình đóng cửa Trung quốc kể từ khi ông lên nắm quyền thì linh mục Benoỵt Vermander đưa ra một lời giải thích bất ngờ: “Từ năm 1980 đến năm 2010, có rất nhiều tác phẩm của các nhà văn  phương Tây được dịch ra tiếng Trung quốc. Foucault, Heidegger… Tất cả đã được dịch. Nhiều đến mức trí thức Trung Quốc cảm thấy bị đe dọa. Nhất là không có về phía ngược lại. Chúng ta sẽ nói gì nếu 70% sách ở châu Âu đến từ Trung Quốc hoặc Ấn Độ? Một số phản ứng ngược là chuyện dễ hiểu”, cha lấy làm tiếc cho “chủ nghĩa dân tộc trí tuệ” ở cả bên này bên kia.

“Các sáng tỏ bất ngờ”

Một dấu hiệu cho thấy giới trí thức ở Trung Quốc phải chịu sự giám sát của nhà cầm quyền, đó là linh mục Benoît Vermander phải chờ hơn hai năm để quyển khảo luận của cha về Tam giác chú giải văn bản cổ được xuất bản bằng tiếng Trung. Cha phân tích: “Trong ba năm, các sách học thuật và tạp chí thảo luận về tôn giáo đã bị chặn. Ngày nay mọi thứ dường như đang được cải thiện. Chúng ta chắc chắn đã chứng kiến việc thắt chặt kiểm soát từ hàng chục năm nay, nhưng điều này không ngăn cản có được một vài tiến bộ nào đó, các sáng tỏ bất ngờ”, từ quan điểm của cha, chắc chắn cha là một trong những quan sát viên tốt nhất về thái độ của quyền lực đối với hiện tượng tôn giáo và sự hán hóa các tôn giáo.

Chủ nghĩa độc đoán của Tập Cận Bình có ăn sâu trong truyền thống Trung Quốc không? Nếu cách cai trị của ông vừa theo đạo Khổng – chính phủ phải phán xét theo tình hình – vừa theo chủ nghĩa pháp lý – luật pháp phải cứng rắn vì dân chúng không thể giáo dục được – thì chủ tịch Trung Quốc đang đi ngược dòng. Linh mục Benoît Vermander đã diễn đạt một cách khéo léo, “ở Trung Quốc, nước phải tự tìm dòng chảy của mình. Người ta không điều chỉnh dòng nước bằng những con đê mà bằng những con kênh”. Hoàn toàn ngược lại với chính sách của ông Tập. Vẫn còn một ẩn số chính: độ vững chắc của các con đê. Có vẻ như ở Thượng Hải, trong thời gian cách ly một số đê đã bắt đầu rạn nứt.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Reply all
Reply to author
Forward
0 new messages