Hội nhập văn hóa và vấn đề sống đạo trong nếp văn hóa VN | Trần Ngọc Báu - Google Groups

18 views
Skip to first unread message

Minh Nguyen Quang

unread,
Oct 8, 2023, 9:42:09 PM10/8/23
to alphonsefamily

Hội nhập văn hóa và vấn đề sống đạo trong nếp văn hóa VN

Thưa các bạn AF,

Cho phép tôi trình bày nôm na tóm gọn trong vài giòng một vấn đề nhức nhối, khó trình bày để có thể đạt được sự đồng thuận trong quan niệm về cái gọi là “hội nhập văn hóa”(theo cách nói của CGVN). Số là tôi rất khó chịu khi nghe các vị có chức quyền trong GHCG La Mã công kích ĐGH PHANXICÔ khi Ngài chủ trương phải trình bày lẽ đạo theo cách tiếp cận của người đương đại, cho rằng làm như thế là “làm rối đạo”, xa rời  nếp “Tông truyền”, v.v.

Lần tôi về thăm VN năm 2001, tôi có trình bày với anh em CĐT đang họp mặt tại phòng họp DCCT Sài Gòn quan niệm của tôi về vấn đề sống đạo trong nếp văn hóa VN, nói một cách rất nôm na như sau: Nếu Chúa Giêsu gặp tôi giữa đường ở thành phố này hôm nay thì Ngài sẽ gọi tôi là Bác Báu, vì lúc đó tôi đã tròm trèm 70 còn ngài thì vẫn tròm trèm 30 tuổi. Vì vậy tôi mong rằng linh mục và giáo dân ở VN nên đối xử với nhau ngoài xã hội tương tự như vậy.

Hôm nay, tôi dám liều mạng nói thêm với các bạn rằng Thiên Chúa không có giống đực-cái, nhưng VN ta vẫn quan niệm Ngài là “Ông Trời”, Thiên Chúa Giáo vẫn hình dung Ngài Người Cha nhân từ… Tôi biết rõ là chính Chúa Giêsu đã mặc khải “Cha chúng ta ở trên trời”; nhưng tôi thiết nghĩ nếu sinh ra trong chế độ mẫu hệ thì Ngài sẽ mặc khải rằng “Mẹ chúng ta ở trên trời”. Theo tôi, gọi Thiên Chúa là “Cha” hay “Mẹ” là một cách biểu đạt theo nếp văn hóa của thời đại, chớ không ăn nhằm gì với giống đực hay cái cả…

Ví dụ ta gọi Đất nước VN là “Mẹ Việt Nam”, nhưng tổ tiên VN là “Cha Ông ta”; như thế rõ ràng là hai từ Cha-Mẹ chỉ là cách biểu đạt về một thực tại không ăn nhằm gì với đực-cái cả. Các bạn có thể cho hàng ngàn ví dụ về cách biểu đạt khắc nhau về một thực tại, như gọi người Cha đẻ là Ba, Bố, Cha, Tía, Thầy, Cậu, hay Anh, v.v.; những cách biểu đạt khác nhau ấy không đánh mất quan hệ gắn bó giữa cha-con với nhau.  Cũng vậy, nếu ta gọi Lm Sĩ Tín là nhà truyền giáo GiaRai, hay người làm sứ vụ GiaRai, thì đó cũng là cách biểu đạt khác nhau về chức vụ của người linh mục theo nếp văn hóa kitô-giáo cũ hay mới đương đại thôi. Dĩ nhiên, cách biểu đạt mới này không có gì là “rối đao” cả, mà ngược lại là làm sáng tỏ thêm chức năng của người linh mục trong thời đại ngày nay. 

Tôi sinh ra trong một gia đình mà người cha bị gia đình ruồng bỏ (khước từ quyền làm con) chỉ vì ba tôi khi còn trẻ đã theo đạo Chúa, bỏ đạo Ông bà, trở thành con bất hiếu. Ngay từ nhỏ, tôi cứ thắc mắc về vấn đề đạo Ông bà, và về tội bất hiếu của ba tôi. Lớn lên được học về Đạo Chúa ở DCCT và về sau ở khoa thần học Fribourg, tôi biết chắc là chuyện bất hiếu liên quan đến vấn đề văn hóa VN, mà các Ông cố Tây không hiểu rõ. Khi tôi về thăm VN năm 2001, tôi có đến thăm người chị họ ở Sài Gòn và ngay khi bước vào cửa tôi đã xin chị cho tôi được đến bái lạy (kính chào) Bác trai của tôi trước. Đang khi tôi bắt đầu cúi lạy trước bàn thờ có hình Bác tôi, chị họ tôi (con gái của Bác tôi) gõ chuông và nói: Thưa Ba, cậu Báu từ Thụy Sĩ mới về thăm đó Ba, xin Ba đón nhận lòng thành nhớ tưởng đến Ba là người cậu kính mến…” Tôi hết sức trân quý lời gởi gắm của chị họ tôi với người cha ruột của mình, Tôi hiểu ngay là tình người không có biên giới giữa trời với đất, ngày hôm qua với ngày hôm nay. Nó cũng không cần lễ lạc linh đình, mà cũng không cần đến bụt thần ma quỷ làm trung gian để tôi gặp gỡ lại người Bác của tôi. Tôi biết chắc một điều là việc tôi bái lạy trước bàn thờ Bác tôi không có gì là “rối đạo” cả.

Như vậy, theo tôi, sống đạo chân thành trong nếp văn hóa của mình là cách biểu đạt đạo Chúa trung thực với lòng mình và với Chúa.  Biểu đạt qua ngôn ngữ hay hành động trong đạo Chúa, theo tôi, chỉ có tính “hình dung” một thực tại siêu hình mà không có cách gì “định nghĩa” như đinh đóng cọc được.

Lâu nay ơ VN, người công giáo hay dùng từ “hội nhập văn hóa” trong vấn đề rao giảng tin Mừng. Theo tôi, đạo mà hội nhập (intégration) theo kiểu cởi áo “văn hóa kitô-giáo” để mặc “văn hóa Việt Nam” vào thì y như Thiên Chúa cởi bỏ áo Chúa để mặc áo người phàm vậy sao!? Không, Thiên Chúa đã hoàn toàn lột xác thiên Chúa để làm người phàm một cách trọn vẹn. Ngài không hội nhập vào trần gian, mà “hòa nhập” cùng, với, trong trần gian, trong mọi tình huống văn hóa nhân loại ở mọi thời đại và mọi đất nước. Tôi tin rằng Chúa Giêsu sẽ làm người Việt Nam trọn vẹn, chớ không chỉ mặc áo dài khăn đóng diễn tuồng “hội nhập” cho vui nhà vui cửa Nhà Chúa… Chính vì thế, với CĐ Vatican 2, Giáo hội đề xướng chiều kích nhập thế của Hội Thánh Chúa theo quan niệm “hòa nhập văn hóa” (inculturation), tức là bỏ mình vác thánh giá theo gương hòa nhập của Đức Giêsu Kitô. Tôi tin Bác Sĩ Tín không đem đạo Chúa hội nhập vào sắc dân GiaRai khi làm sứ vụ hay dịch Kinh thánh cho người GiaRai, mà thực sự cố gắng đem đạo Chúa hòa nhập vào nếp sống và tâm hồn dân GiaRai.

Xin tạm chấm dứt nơi đây và chấp nhận sự bất lực của tôi trong cách diễn đạt như trên…

Báu


Reply all
Reply to author
Forward
0 new messages