Thời kỳ hậu-Phanxicô đã bắt đầu? | Phanxico.vn

20 views
Skip to first unread message

Minh Nguyen Quang

unread,
May 2, 2024, 6:45:45 PMMay 2
to alphonsefamily

Thời kỳ hậu-Phanxicô đã bắt đầu?

By
 phanxicovn
 -
02/05/2024
57

Thời kỳ hậu-Phanxicô đã bắt đầu?

 

Dù có các thông báo về các chuyến tông du và cuộc họp thượng hội đồng, các câu chuyện ở Vatican vẫn tiếp tục bàn tán về triều giáo hoàng hiện nay.

lavie.fr, Marie-Lucile Kubacki, 2024-04-29

Đôi khi ở Rôma người ta có cảm tưởng các giáo hoàng đã được chôn cất khi họ còn sống. Vì thế từ nhiều tháng qua, các phương tiện truyền thông đã dừng lại khi có một loan báo dù nhỏ nhất liên quan đến sức khỏe của Đức Phanxicô và mùa dự đoán về những người có thể kế vị đang diễn ra sôi nổi. Về vấn đề sức khỏe, gần đây những người gặp ngài đều nói, thật lạ lùng cho người ở tuổi 87 có sức khỏe như vậy! Họ choáng trước các công việc đa dạng và khác nhau của ngài, ngài thường thức dậy trước 5 giờ sáng.

Tùy ngày, với công việc, với cơn đau đầu gối, đau hông, với tình trạng khó thở nhưng ngài lại ít có thì giờ để nghỉ ngơi. Đôi khi ngài bỏ hẹn vào phút cuối như lần ngài phải đi Đàng Thánh Giá Tuần Thánh, nhưng trong đầu ngài vẫn còn rất nhiều dự án. Như để làm cụt hứng tin đồn, chuyến đi Đông Á 11 ngày vào đầu tháng 9 năm 2024 đã được công bố: Singapore, Indonesia, Đông Timor và Papua Tân Ghinê.

Cuộc chạy marathon dài nhất triều

Đúng là một cuộc chạy marathon dài nhất triều, một tháng trước phiên họp thứ hai rất được mong chờ của Thượng hội đồng về tính đồng nghị, một sự kiện khá mệt mỏi với những người đã dự phiên họp đầu tiên vào tháng 10 năm 2023. Ở hậu trường, mọi người tự hỏi: “Liệu ngài có thể làm được không? Điều này có nghiêm trọng không?” Một số người thì thầm, có gì thì ngài sẽ bỏ.

Trong khi chờ đợi, điều quan trọng nhất là phải cho thế giới và đặc biệt là trong nội bộ thấy ngài vẫn còn đủ khả năng kiểm soát để không làm nảy sinh nỗi lo về một hồi cuối như triều Đức Gioan-Phaolô II, bị những người xung quanh tiếm quyền. Và với những người thiện tâm: Đức Phanxicô muốn tiếp tục dự án cải cách dù bị phản đối ngay mặt hoặc tiềm ẩn. Nhưng dù sao, điều này cũng không ngăn được những thảo luận về “hậu- Phanxicô!”

Ai sẽ kế vị ngài? Có rất ít tên tuổi nổi bật ngoài hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin, dù Vatican đã có kinh nghiệm với hồng y Angelo Scola, được cho là sẽ chiến thắng năm 2013. Mọi người đều biết câu ngạn ngữ: “Ai bước vào mật nghị nghĩ mình là giáo hoàng, khi đi ra sẽ là… hồng y”, và các cuộc bầu cử khác nhau cho thấy không có luật nào về việc này: năm 2005, hồng y Ratzinger được yêu mến đã được bầu, tám năm sau trường hợp này lặp lại với hồng y Wojtyla. Vì thế điều thú vị của tin đồn dai dẳng xung quanh hồng y Parolin không phải là để xác định xem ngài có “cơ hội” hay không – vì như thế sẽ lãng phí công sức-, nhưng là để hiểu vì sao có nhiều con mắt đang đổ dồn vào ngài.

Điểm mạnh của hồng y Parolin

Nếu nhân vật số hai của Vatican có được vị trí trong các dự đoán, chính là vì dưới mắt một số người, ngài là hiện thân của mong muốn tái cân bằng. Quả vậy, ngài là người đứng đầu Phủ Quốc vụ khanh, một trong những cơ quan hàng đầu của Giáo triều, nhưng lại bị hạn chế dưới triều Đức Phanxicô. Phủ đã mất quyền kiểm soát tài chính với việc thành lập Ban Thư ký Kinh tế, và hồng y Angelo Becciu, nhân vật thứ ba của Phủ đã bị tòa án Vatican lên án vì quản lý yếu kém.

Còn về sự gia tăng quyền lực của Thượng Hội đồng Giám mục và ưu tiên phục vụ, truyền giáo đã làm xói mòn vai trò điều hành của cả bộ Nội vụ và bộ Ngoại giao. Về ngoại giao, cũng như các cơ quan ngoại giao khác trên thế giới, Vatican cũng bị thách thức với cuộc chiến Ukraine, nhưng lại bị lung lay với những sáng kiến và tuyên bố cá nhân của giáo hoàng, về “tiếng sủa của NATO trước cửa nước Nga”, hoặc khuyến khích Ukraine nên “can đảm giương cờ trắng”.

Khi hồng y Parolin nói về thời hậu Phanxicô

Hiện thân của con đường thứ ba

Vì thế chỉ trích lớn nhất nhắm vào Đức Phanxicô là ngài không làm việc đầy đủ với các cơ cấu hiện có – lời chỉ trích này ngược với chỉ trích nhắm vào Đức Bênêđíctô XVI, vì trong những năm cuối triều, ngài đã bị những người chung quanh lấn quyền, tạo nhiều khủng hoảng độc hại cho chính quyền. Những năm cuối triều Đức Phanxicô, hồng y Parolin có lợi thế vì ngài là người hiểu rõ bộ máy từ bên trong và là một trong những nhân vật hàng đầu của giáo triều.

Qua ngài, những người ủng hộ ngài mơ một môi trường hạnh phúc, một con đường thứ ba giúp tránh những cạm bẫy trong quản lý như triều của Đức Phanxicô và Đức Bênêđíctô XVI. Một nguồn tin của Vatican tóm tắt: “Để làm xoa dịu.” Khả năng làm giáo hoàng của hồng y ngoại giao cho thấy tầm quan trọng của các vấn đề địa chính trị ở thời buổi của các chiến tranh ở Ukraine, ở Trung Đông, sự nối lại quan hệ giữa Nga và Trung Quốc, sự gia tăng sức mạnh của châu Á và quả bóng của chủ nghĩa dân túy có nguy cơ đặt triều giáo hoàng tiếp theo vào một thế giới căng thẳng và bất ổn hơn bao giờ hết.

Thật vậy, sự tái cấu hình và các cuộc khủng hoảng chính trị đang lan rộng khắp thế giới cũng được thấy ở mức độ Giáo hội, nơi các Giáo hội “Miền Nam” ngày càng cân nhắc nhiều hơn trong các quyết định và không còn để mình bị chương trình nghị sự được cho là quá “Tây phương” điều khiển. Từ đầu triều, Đức Phanxicô đã có trực giác về vấn đề này, ngài tiến hành cuộc cải tổ gần như hoàn chỉnh: Hồng y đoàn có trách nhiệm bầu chọn người kế vị ngài.

Hiện tại 96 trong số 131 cử tri, gần ba phần tư là do ngài phong. Trong 10 năm, châu Á đã thành nhóm đại cử tri thứ hai sau châu Âu (21 so với 11 năm 2013), Nam Mỹ có thêm 5 hồng y (18 so với năm 2013 chỉ có 13), châu Phi thêm 6 hồng y (17 so với năm 2013 có 11), Bắc Mỹ ít hơn 3 (17 so với năm 2013 có 20) và châu Âu ít hơn 9 (51 so với năm 2013 có 60). Chúng ta cần lưu ý nhóm hồng y ở Giáo triều vẫn là nhóm quan trọng, dù đó là nhóm không đồng nhất về gốc gác.

 

Ưu tiên cho mối quan hệ với châu Á

Trong bối cảnh đó, mối quan hệ với châu Á nói riêng và miền Nam bán cầu nói chung dường như đã có bước nhảy vọt về ưu tiên và tiêu chuẩn lựa chọn người kế nhiệm. Theo nghĩa này, với một số người, thỏa thuận được ký kết với Trung Quốc về việc bổ nhiệm các giám mục mà Đức Parolin là trụ cột đã là một bước đi lui.

Và rộng hơn, việc châu Phi bác bỏ tài liệu Fiducia supplicans về việc chúc phúc cho các cặp đồng tính đã đẩy nhanh việc chia rẽ truyền thống giữa người cấp tiến và người bảo thủ, mà nếu trường hợp này không biến mất thì sẽ đi đôi với vấn đề phân mảnh gắn liền với phân mảnh của các bối cảnh văn hóa. Sự mong đợi đa dạng này, đôi khi trái ngược nhau, cũng xuất hiện trong các cuộc thảo luận tại Thượng Hội đồng.

Mối quan tâm hiệp nhất

Điểm chung của các tân hồng y là hầu như họ không biết nhau, nhưng họ đều là mục tử và nhà truyền giáo, nhưng chúng ta không biết họ có quan tâm hay không, hoặc ở mức độ nào trong các tranh cãi này ở Vatican. Vì thế một số người có thể khá sốc khi thấy đồng nghiệp này, đồng nghiệp kia trực tiếp tấn công triều giáo hoàng, dù họ không đồng ý trong tất cả.

Trong một thế giới chìm trong hỗn loạn và một Giáo hội ngày càng bị xâu xé bởi các lực ly tâm và bị đe dọa bởi sự tự lập của các cộng đồng, trước hết họ lo lắng cho sự hiệp nhất – nhất là ở phương Tây – và về cuộc khủng hoảng khi chuyển tiếp. Tuy nhiên nếu có một công thức cho sự thống nhất thì phải bao gồm sự cân bằng tinh tế giữa tầm nhìn và phương thức quản trị. Đức Phanxicô cố ý lay chuyển Giáo hội, ngài cho rằng chính khi vượt lên xung đột, mới có thể nảy sinh được hòa hợp, ngài được những người thân cận cho là “người gieo hạt”. Giờ đây, nhiều người mơ về hòa hợp sẽ có được hòa hợp khi họ nghĩ về thời hậu-Phanxicô.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Reply all
Reply to author
Forward
0 new messages