Nữ tu Alessandra Smerilli: “Đức Phanxicô phá bỏ những bức tường” | Phanxico.vn

8 views
Skip to first unread message

Minh Nguyen Quang

unread,
Oct 23, 2023, 10:20:08 PM10/23/23
to alphonsefamily

Nữ tu Alessandra Smerilli: “Đức Phanxicô phá bỏ những bức tường”

By
 phanxicovn
 -
24/10/2023
19

Nữ tu Alessandra Smerilli: “Đức Phanxicô phá bỏ những bức tường”

Nữ tu Alessandra Smerilli Dòng Salêdiêng, kinh tế gia, nhân vật thứ hai của bộ Phát triển Nhân bản Toàn diện,  là “phụ nữ quyền lực” nhất ở Vatican. Sơ khuyến khích phụ nữ không nên che giấu tài năng của mình. Phỏng vấn sơ về kinh tế, những thay đổi trong Giáo hội và vị trí của người phụ nữ. Đức Phanxicô và nữ tu Alessandra Smerilli trong một buổi tiếp kiến năm 2019/ Vatican Media

cath.ch, Jacqueline Straub, 2023-10-23

Xin sơ cho biết sơ nghĩ gì về Thượng hội đồng đang diễn ra ở Rôma?

Sơ Alessandra Smerilli: Tôi nghĩ Thượng hội đồng là một kinh nghiệm cho trải nghiệm về niềm hy vọng kitô giáo. Tôi cũng hy vọng Thượng hội đồng được tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần để chúng ta được biến đổi với những gì Chúa Giêsu Kitô yêu cầu ở Giáo hội và ở toàn thể Dân Chúa ngày nay.

Hy vọng và mong chờ của sơ ở Thượng hội đồng này là gì?

Đây không chỉ là một cuộc họp. Thượng hội đồng là hành trình của Giáo hội. Tiến trình đồng nghị đã bắt đầu ở cấp địa phương và bây giờ là ở toàn thế giới. Sau đó Thượng hội đồng sẽ tiếp tục con đường của mình. Tôi hy vọng Thượng hội đồng là thời điểm thực sự để phân định.

Có nghĩa là?

Phân định thể hiện ở việc, khi đi vào họp mình đã có những ý tưởng, nhưng khi ra khỏi cuộc họp, mình có thể có những ý tưởng khác. Nếu đây là thời gian phân định, thì sau phân định, những xuất phát từ đó đều là con đường và là dấu chỉ cho sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong Giáo hội.

“Tôi hy vọng Thượng hội đồng là thời điểm thực sự để phân định”.

Sơ có nghĩ Thượng hội đồng sẽ mang lại những thay đổi về cơ cấu cho Giáo hội công giáo không?

Thay đổi xảy ra khi có một số lượng lớn người muốn thay đổi. Vì vậy, nếu Thượng hội đồng thành công trong việc đưa chúng ta vào con đường hoán cải thì như Đức Phanxicô nói, Thượng hội đồng có thể bắt đầu một tiến trình dẫn đến thay đổi.

Sơ đã tham dự Thượng hội đồng Giới trẻ năm 2018, kể từ đó đã có những gì thay đổi?

Hiện tại có nhiều phụ nữ được mời tham dự hơn trước đây. Phụ nữ không chỉ là người nghe mà còn nói lên quan điểm của mình. Tại Thượng hội đồng Giới trẻ đã có nhu cầu về quyền bình đẳng hơn, bây giờ cũng vậy, đó là điều tốt.

Sơ là “nhân vật số hai” của bộ Phát triển Nhân bản Toàn diện. Làm thế nào sơ đảm nhận chức vụ này?

Nó rất đẹp, rất hấp dẫn và cũng rất đòi hỏi vì vừa được tự do hành động, vừa có rất nhiều việc phải làm trong bộ phận chúng tôi, và đó là lý do vì sao cần phải làm việc tốt với mọi người. Tôi rất vui khi có thể đóng góp cho cuộc tranh luận này.

Sơ là phụ nữ có địa vị cao nhất Vatican. Sơ muốn gởi thông điệp gì cho các phụ nữ khác?

Hầu như mọi thứ đều có thể. Phụ nữ đừng bao giờ nản lòng. Hơn nữa, phụ nữ không nên che giấu khả năng của mình. Đôi khi phụ nữ che giấu điều gì đó. Nhưng Giáo hội cần tài năng phụ nữ.

Là một trong ít phụ nữ nắm giữ các địa vị cao ở Vatican, chắc chắn sơ là người ở trước đám đông nhiều nhất.

Tôi là người nổi bật ở Vatican, chính yếu là có rất ít phụ nữ ở những địa vị đưa ra các quyết định quan trọng. Nhưng chắc chắn trong tương lai sẽ có nhiều phụ nữ khác đảm nhận những vị trí như vậy.

“Hầu như mọi thứ đều có thể. Phụ nữ đừng bao giờ nản lòng”.

Sơ đã làm việc ở giáo triều được hai năm. Sơ có thầm mơ ước có được một vị trí như vậy không?

Tôi làm việc như một nhà kinh tế và tôi không thích làm việc ở Vatican. Tôi cũng không hình dung chuyện này. Nhưng Đức Phanxicô đã điện thoại cho tôi. Tôi hiểu, tôi không thể từ chối. Tôi có nghĩa vụ với Giáo hội, với giáo dân.

Sơ làm việc ở bộ Phát triển Nhân bản Toàn diện. Các nhiệm vụ của sơ là gì?

Bộ của chúng tôi có một sứ mệnh rất rộng lớn, đối thoại với các Giáo hội địa phương và các thừa tác viên khác nhau, những người, trong khuôn khổ hoạt động của họ, khuyến khích họ phát triển. Chúng tôi tìm câu trả lời cho những thách thức. Chúng tôi dựa vào học thuyết xã hội của Giáo hội. Mục tiêu của chúng tôi là giúp mọi người hoặc cộng đồng phát triển. Chúng tôi luôn cảm thấy mình làm chưa đủ. Nhưng đồng thời, chúng tôi thấy công việc hỗ trợ các Giáo hội địa phương của chúng tôi mang lại hy vọng.

Ngày 4 tháng 10, Đức Phanxicô công bố tông huấn Laudate Deum, sơ có hân hoan không?

Sự cấp bách để bảo vệ hành tinh của chúng ta vẫn còn. Đó là lý do vì sao tôi hân hoan khi, một lần nữa, Đức Phanxicô đặt chủ đề này vào trọng tâm huấn thị của ngài. Có rất nhiều nỗ lực từ phía Giáo hội – cũng như từ phía xã hội và chính trị – để làm thay đổi hệ sinh thái, nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Tông huấn vừa được xuất bản nhằm mục đích tạo bước khởi đầu mới trên con đường của chúng ta, nêu bật mọi thứ đã thay đổi kể từ năm 2015. Đó là lý do vì sao tôi nghĩ chúng ta cần tông huấn này, đặc biệt để khôi phục lại con đường chúng ta đang đi.

Mười trích dẫn đáng chú ý trong tông huấn Laudate Deum

Sơ là giáo sư kinh tế, sơ là chuyên gia trong lãnh vực này. Sơ thấy câu nói “Nền kinh tế giết chết” của Đức Phanxicô như thế nào?

Tôi nghĩ những năm gần đây chúng ta thấy hệ thống kinh tế hiện tại đã tạo ra những loại trừ. Bất bình đẳng toàn cầu đang gia tăng ở mọi cấp độ. Vì thế những lời này của ngài càng đúng hơn bao giờ hết. Điều này không có nghĩa là chúng tôi từ chối nền kinh tế hay thị trường, mà là chúng tôi muốn đưa thị trường và nền kinh tế trở về đích ban đầu.

“Chúng ta cần tông huấn Laudate Deum để khôi phục lại con đường chúng ta đang đi.” 

Có nghĩa là?

Một nền kinh tế chỉ tập trung vào lợi nhuận là vấn đề. Bởi vì nó phải trả giá bằng nhu cầu của rất nhiều người, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất. Chúng ta hãy nghĩ đến vấn đề sức khỏe. Nếu lợi nhuận chiếm ưu thế thì không còn việc nghiên cứu thuốc để chữa những bệnh không mang lại lợi nhuận. Đây là thảm kịch mà chúng ta đang chứng kiến ngày nay. Chúng ta phải làm việc này. 

Đức Phanxicô tiếp tục tố cáo sự loại trừ này.

Chính xác. Ngài có những tình huống, những khuôn mặt, những cái tên cụ thể trước mặt. Tôi nghĩ đó là tiếng kêu chung ở nhiều nơi trên thế giới. Có loại trừ, có những người chết vì kinh tế. Chúng ta hãy nghĩ đến những vụ khai thác, kể cả khai thác tài nguyên thiên nhiên.

Đức Phanxicô không chỉ tố cáo những xu hướng xấu trong nền kinh tế, ngài còn chỉ trích những đặc điểm xấu của Giáo hội công giáo, như chủ nghĩa giáo sĩ trị. Tôi nghĩ bước đầu tiên cần thực hiện trong Giáo hội là đưa chức linh mục trở lại với ơn gọi chính yếu của thiên chức này. Chức linh mục không nên là một yếu tố để phân biệt đối xử. 

Nữ tu Salêdiêng Alessandra Smerilli

Sinh năm 1974, có bằng tiến sĩ kinh tế chính trị tại Đại học Sapienza, Rôma và bằng tiến sĩ kinh tế tổng hợp tại Đại học East Anglia, Anh. Năm 2019 sơ Smerilli được Đức Phanxicô bổ nhiệm làm cố vấn cho Thành quốc Vatican, đây là lần đầu tiên cho một nữ tu.

Tháng 10 năm 2020, sơ tham dự diễn đàn Nền kinh tế Phanxicô, sơ bảo vệ một kinh tế bao gồm việc chăm sóc con người và được truyền cảm hứng từ “đạo đức chăm sóc” do triết gia Jennifer Nedelsky khuyến khích. Kể từ tháng 3 năm 2020, sơ là điều phối viên của nhóm công tác kinh tế của Ủy ban Covid-19 Vatican, do Đức Phanxicô thành lập.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Phụ nữ ở Vatican, từng bước đi nhỏ của Đức Phanxicô

Nữ tu kinh tế gia Alessandra Smerilli được Vatican bổ nhiệm

Share this:

Reply all
Reply to author
Forward
0 new messages