“Huấn quyền” hay “tông truyền” phải được nhìn lại trong lăng kính của nền VH thế giới đương đại | Trần Ngọc Báu

17 views
Skip to first unread message

Minh Nguyen Quang

unread,
Oct 24, 2023, 5:52:15 PM10/24/23
to alphonsefamily
Bài viết này là để bình luận cho bài: 
THĐ ngày 21/10: GM Đức nói rằng Truyền thống tông đồ cần phải được gạt sang một bên | Vietcatholic (BL)
image.png
Nhưng vì ý tưởng có phần độc lập nên xin mạn phép anh Báu tách ra thành bài riêng và đặt tiêu đề như trên
MS

Trần Ngọc Báu:

Thưa các bạn,

Huấn quyền của GHCG La Mã đến từ quyền năng của kẻ đứng đầu GH là Đức Giêsu Kitô, người có thẩm quyền tuyệt đối rao giảng Tin Mừng và quản lý GH, dĩ nhiên là thông qua các tông đồ và truyền thống đến từ đó, ngày nay ta gói gọn chung trong lề lối gọi là “tông truyền”. 

Điều mà ngày nay nêu bật ra là cần phải hiểu cho chính xác thế nào là huấn quyền và tông truyền, chẳng hạn. Nhờ các khoa học về nhân loại (anthropologie), đặc biệt là nhân loại học về văn hóa (anthropologie culturelle), người công giáo hiểu rằng Lời Chúa không bay lấp lửng ở trên trời, mà đã được nhồi nặn vào nền văn hóa của con người. Bởi vậy, phải hiểu Lời Chúa trong Cựu Ước qua nền văn hóa cổ đại của Do Thái giáo, và Lời Chúa trong Tân Ước qua ngôn ngữ Chúa dùng trong văn hóa thời đại lúc bấy giờ. Một vài thí dụ thô sơ như: phải hiểu thế nào khi KT nói rằng Chúa tạo dựng trời đất trong bảy ngày là “bảy” “cái gì”, hoặc hai ông bà nguyên tổ ăn trái cấm là “ăn” thực sự “cái gì”, hay Chúa Giêsu bảo phải “móc mắt quăng đi”, “chặt tay bỏ đi” là sao,   v.v. và v.v.

Hơn nữa, Lời Chúa không nằm gọn trong Kinh Thánh, mà đã tung tỏa “ra khơi” ngay từ buổi sơ khai, khi phải tiếp xúc với người gốc Do thái giáo và dân ngoại. Ví dụ, Phép rửa là phải có cắt bì hay không cắt bì! Trở lại đạo Chúa là phải tiếp tục giữ đạo Do Thái, đi lễ Đền thờ, giữ Lề Luật Môsê hay không. Bởi Chúa Giêsu (người tuân giữ đạo Do Thái) đã nói Ta đến không phải để bãi bỏ Lề Luật nghĩa là sao? v.v.

Thực ra, Chúa Giêsu không lập hội gì lúc còn tại thế!  Hội thánh được hình thành dần dà qua thời giáo hội sơ khai, mà tiêu biểu nhất là qua thời đế quốc La Mã thịnh hành. Cách tổ chức GH lúc bấy giờ cũng như việc điều hành theo hàng dọc đến từ nếp văn hóa La Mã Đế Quốc. Các ngày lễ lớn của Đạo được xếp ăn khớp với các ngày lễ của dân ngoại. Phong tục tập quán của địa phương được thuần hóa theo ý nghĩa của Đạo, như vấn đề nam quyền so với nữ quyền, thượng tôn quyền con Chúa (công dân Nước Trời) so với dân ngoại, v.v.

Rồi từ đó, Đạo Chúa không còn cấm cung trong Đền Thờ, mà đã ra trước thềm Đền Thờ và tiếp tục ra khơi… “Ngôn ngữ” của Lời Chúa không còn là ngôn ngữ của người Do Thái, mà đã được hình dung qua ngôn ngữ Hy lạp, La Mã, và lan rộng qua ngôn ngữ của thế giới qua các thời đại, vùng miền. Qua đến Việt Nam đạo Chúa là Đạo Đức Chúa Trời, đạo Thiên Chúa, trước khi đổi thành đạo Công Giáo (phân biệt với các giáo phái Thiên Chúa giáo khác). Tôi dùng tiếng “ngôn ngữ” để dễ được tiếp nhận hơn là chữ “văn hóa”, vì văn hóa cứ bị coi là cái gì dành riêng cho giới tinh hoa. Không đâu, văn hóa là nếp sống và đạo lý "tất nhiên" của xã hội, và vẫn tiếp tục được khai triển, bồi đắp, thay đổi thêm mãi... Nền văn hóa Hy lạp, thường bị đồng hóa với triết lý Hy Lạp cổ đại chẳng hạn, đã được thuần hóa, hòa nhập vào đạo Chúa từ bao nhiêu thế kỷ qua, được dùng như “ngôn ngữ nhà đạo” từ khuya rồi.

Thực ra, nên nhớ là Chúa Giêsu không thể “giả bộ làm người”, mà đã thực sự làm người và cụ thể là “làm người Do Thái”, sống theo đạo lý và văn hóa truyền thống Do Thái ngay từ thời thơ ấu. Ngôn ngữ Chúa dùng là ngôn ngữ người Do Thái nói lúc bấy giờ. Tình người nơi Ngài không thể là thứ tình giả tạo, mà là thứ tình tự mà người Do Thái cảm nhận được, gần gũi được, thân thương như tình mẹ con, ruột thịt, láng giềng, và cũng thiết thân với Tình Chúa trên trời. Chúa đã làm người, thì đạo Chúa lẽ ra cũng phải “làm người” với mọi người để san sẻ Lời Chúa, Tình Chúa cho nhau một cách thiết thực, thiết thân, thiết nghĩa…  

Bởi đạo Chúa đã và đang phải hòa nhập vào nếp sống và tư duy của con người, nên không thể đóng khung đạo Chúa vào một nếp văn hóa riêng biệt nào, như văn hóa La Mã chẳng hạn. Do dó, cái gọi là “huấn quyền” hay “tông truyền” phải được nhìn lại trong lăng kính của nền văn hóa thế giới đương đại là chuyện hiển nhiên thôi. Nếu đạo không hòa nhập vào trần thế, thì đạo ở lơ lửng trên Trời hay sao và như vậy coi như là Chúa không cần phải nhập thể làm người làm gì nữa… 

Báu

Reply all
Reply to author
Forward
0 new messages